Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Một hòn đảo Diego Garcia xa xôi - BaoMai


Diego Garcia, một hòn đảo xa xôi nằm ở Ấn Độ Dương, là một thiên đường với thảm thực vật tươi tốt, bãi biển cát trắng và làn nước xanh như pha lê, nhưng lại không phải một địa điểm du lịch.Hòn đảo này hoàn toàn nằm ngoài tầm mắt của hầu hết người dân - là một căn cứ quân sự cực kỳ bí mật của chính quyền Mỹ và Anh, bị che khuất sau lớp màn bí ẩn và những lời đồn thổi suốt nhiều thập kỷ qua. Hòn đảo, được quản lý từ London, nằm ở trung tâm của một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Anh và Mauritius – và các cuộc đàm phán đã được hâm nóng trở lại trong những tuần gần đây.
<!>
“Đây là kẻ thù,” một nhân viên an ninh nói đùa khi tôi trở về phòng vào một buổi tối trên đảo Diego Garcia.

Trong danh sách anh ta cầm trên tay, tên tôi được đánh dấu vàng.
Chúng tôi muốn đưa tin về phiên tòa lịch sử đang diễn ra về sự đối xử với người Tamil đến từ Sri Lanka. Họ là những người đầu tiên nộp đơn xin tị nạn trên đảo và đã mắc kẹt ở đó trong ba năm.
Các cuộc chiến pháp lý phức tạp đã nổ ra liên quan đến số phận của những người Tamil Sri Lanka này. Sẽ sớm có một phán quyết về việc liệu họ có bị giam giữ bất hợp pháp hay không.

Từ trước tới nay, chúng tôi chỉ có thể đưa tin từ xa.


Diego Garcia, cách khu vực đất liền gần nhất khoảng khoảng 1.600 km, là một trong những hòn đảo xa xôi nhất thế giới.
Không có chuyến bay thương mại tới đảo, và di chuyển bằng thuyền cũng không hề dễ dàng - giấy phép chỉ cho phép các tàu tiếp cận những đảo ở ngoài rìa quần đảo Chagos và để đảm bảo việc di chuyển qua Ấn Độ Dương an toàn.
Để tới đảo Diego Garcia, cần có giấy phép, loại giấy chỉ dành cho những cá nhân có phận sự liên quan tới cơ sở quân sự trên đảo hoặc chính quyền Anh quản lý vùng lãnh thổ này.

Từ trước tới nay, nhà báo bị cấm tới đây.

Các luật sư của chính phủ Anh đã đưa ra một thách thức pháp lý nhằm ngăn cản BBC tham dự phiên tòa.

Ngay cả khi giấy phép được phê duyệt theo sau một phán quyết của Tòa án Tối cao vùng lãnh thổ này, phía Mỹ vẫn phản đối, nói rằng họ sẽ không cung cấp thức ăn, phương tiện đi lại hoặc chỗ ở cho tất cả những người tới đảo để dự phiên tòa - bao gồm cả thẩm phán và các luật sư.


Xem những bản ghi chú trao đổi giữa chính quyền Mỹ và Anh trong mùa hè vừa rồi, trong đó cho thấy họ cực kỳ quan ngại về việc cho phép truyền thông tới Diego Garcia.
"Như đã thảo luận, Hoa Kỳ đồng ý với quan điểm của HMG (tức chính phủ Vương quốc Anh) rằng sẽ tốt hơn nếu giới truyền thông quan sát phiên tòa từ London để giảm thiểu rủi ro an ninh cho cơ sở ở đây,” một ghi chú chính phủ Mỹ gửi đến các quan chức Anh viết.

Cuối cùng tôi cũng được cho phép ở trên đảo năm ngày và phải tuân thủ những giới hạn ngặt nghèo.

Những giới hạn này không chỉ liên quan tới việc đưa tin về phiên tòa, mà còn về việc đi lại trên đảo của tôi. Tôi cũng không được phép nói cụ thể những giới hạn này là gì.

Những yêu cầu sửa đổi một vài chi tiết nhỏ của giấy phép đã bị các quan chức Mỹ và Anh từ chối.


Nhân viên từ công ty an ninh G4S đã bay tới đảo Diego Garcia để giám sát và các luật sư tới dự phiên tòa.

Tuy nhiên, dù bị bó buộc như vậy, tôi vẫn quan sát được nhiều chi tiết đáng chú ý, giúp khắc họa khung cảnh ở một trong địa điểm bị hạn chế nhất thế giới.

Khi máy bay tiếp cận hòn đảo, tôi có thể thấy những rặng dừa và những tán lá dày trải khắp 44 km vuông của rạn san hô có hình dạng như một bàn chân. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những đốm trắng của các công trình quân sự.
Diego Garcia là một trong khoảng 60 hòn đảo thuộc quần đảo Chagos hoặc Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh (Biot) - thuộc địa cuối cùng được Anh thành lập bằng cách tách khu vực này ra khỏi Mauritius vào năm 1965.

Hòn đảo này nằm ở khoảng giữa Đông Phi và Indonesia.

Đáp xuống đường băng bên cạnh những chiếc máy bay quân sự màu xám, tấm biển trên một nhà chứa máy bay chào đón tôi: “Diego Garcia. Dấu chân của Tự do," phía trên hình ảnh quốc kỳ Mỹ và Anh.


Đây là khẩu hiệu đầu tiên trong số rất nhiều khẩu hiệu về tự do trên những tấm biển ở hòn đảo này, hình ảnh đặc trưng của căn cứ quân sự Anh-Mỹ vốn đã có mặt ở đây từ đầu những năm 1970.

Các thỏa thuận được ký kết vào năm 1966 thoạt tiên cho phép Mỹ thuê hòn đảo trong vòng 50 năm với tùy chọn gia hạn thêm 20 năm.
Thỏa thuận này đã được gia hạn và sẽ hết hạn vào năm 2036.


Khi đi qua khu vực kiểm tra an ninh sân bay và tiếp tục hành trình, tôi cảm thấy như thể Mỹ và Anh đang cạnh tranh nhau phô bày sự hiện diện của mình.

Trong nhà ga sân bay, có một cánh cửa được trang trí bằng hình quốc kỳ Anh và những bức tường treo đầy ảnh các nhân vật nổi tiếng của Anh, bao gồm Winston Churchill.

Trên đảo, tôi thấy những xe cảnh sát của Anh và một hộp đêm có tên Brit Club (Câu lạc bộ Anh Quốc) với biểu trưng là một con chó bulldog. Chúng tôi đi qua những con đường có tên Britannia Way và Churchill Road (những cái tên Anh).

Nhưng ô tô lại đi phía bên phải, giống như ở Mỹ. Chúng tôi được chở đi xung quanh bằng một chiếc xe buýt màu vàng chóe, dễ khiến người ta liên tưởng tới một chiếc xe buýt của các trường học ở Mỹ.

Đô la Mỹ là loại tiền được lưu hành tại đây. Các ổ cắm là loại của Mỹ.
Thực phẩm chúng tôi nhận trong năm ngày có "tater tots" - một món khoai tây chiên ăn phụ phổ biến ở Mỹ - và bánh quy Mỹ, một loại bánh tương tự bánh scone của Anh.


Mặc dù hòn đảo này được quản lý từ London, hầu hết nhân viên và nguồn lực tại đây đều nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Khi đề nghị được tiếp cận hòn đảo, các quan chức Anh đã chuyển yêu cầu lên các nhân viên Mỹ.
Vào mùa hè vừa rồi, khi Mỹ ngăn cản không để phiên tòa diễn ra trên đảo Diego Garcia, một quan chức cấp cao tại Bộ Quốc phòng Anh cho biết Anh "không có khả năng cấp phép tiếp cận".

"Đánh giá an ninh của Mỹ là tuyệt mật ... họ đã thể hiện rằng họ có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đang được áp dụng," quan chức này viết trong một email gửi cho một đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao.

Quyền ủy viên của Biot cho biết ông không thể "buộc chính quyền Mỹ" cấp phép tiếp cận tới bất kỳ khu vực nào của cơ sở quân sự do Mỹ xây dựng theo các điều khoản của thỏa thuận Anh-Mỹ, dù đây là một lãnh thổ của Anh.

Trong những năm gần đây, chính phủ Anh đã chi hàng chục triệu bảng Anh cho Diego Garcia. Phần lớn các khoản này được liệt vào dạng “chi phí di trú”.

Bầu không khí trên đảo khá thư giãn.


Binh lính và các nhà thầu di chuyển bằng xe đạp. Dưới ánh nắng chiều, có những người đang chơi quần vợt và lướt ván buồm.


Một rạp chiếu phim quảng cáo giờ chiếu phim Alien và phim Borderlands.
Ở đây còn có một sân bowling và một bảo tàng kèm cửa hàng quà tặng, nhưng tôi không được phép vào bên trong.
Chúng tôi đi qua một quán ăn nhanh có tên Jake's Place và một khu đất đẹp gần bãi biển có cắm một tấm biển:

“Hồ bơi và khu vực dã ngoại cũ.”
Áo phông và cốc in biểu trưng của Diego Garcia cũng được bày bán trên đảo.
Nhưng cũng thường có những thứ nhắc nhở tôi rằng đây là một căn cứ quân sự nhạy cảm.

Từ sáng sớm, âm thanh của hoạt động huấn luyện quân sự đã vang lên. Gần chỗ ở của chúng tôi có một tòa nhà được xác định là kho vũ khí và được rào chắn kỹ lưỡng.

Các quan chức quân sự Mỹ và Anh lúc nào cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến của phiên tòa.


Hòn đảo có vẻ đẹp tự nhiên đáng kinh ngạc - thảm thực vật tươi tốt, bãi biển trắng tinh khôi và là nơi sinh sống của cua dừa - động vật chân khớp lớn nhất trên thế giới.

Nhân viên quân sự cảnh báo rằng có cá mập ở vùng biển xung quanh.

Trên trang web chính thức, Biot tự giới thiệu là có sự "đa dạng sinh học biển lớn nhất ở Vương quốc Anh và các Lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh, và cả những vùng biển thuộc nhóm sạch nhất và hệ thống rạn san hô khỏe mạnh nhất trên thế giới".

Nhưng vẫn còn đó những dấu hiệu gợi lại quá khứ tàn bạo của Biot.

Khi tiếp quản Quần đảo Chagos – trong đó Diego Garcia là đảo cực nam - từ cựu thuộc địa Mauritius, Vương quốc Anh đã tìm cách gấp rút trục xuất hơn 1.000 cư dân để nhường chỗ cho các căn cứ quân sự.

Nhiều nô lệ đã bị đưa từ Madagascar và Mozambique tới Quần đảo Chagos để làm việc trên các đồn điền dừa nằm dưới sự quản lý của người Pháp và Anh.

Trong vài thế kỷ sau đó, những người này dần phát triển ngôn ngữ, âm nhạc và văn hóa riêng.


Tôi được đến thăm một đồn điền cũ nằm ở phía đông của đảo, nơi có những tòa nhà cũ nát không được sửa chữa.

Bên ngoài ngôi nhà lớn của người quản lý đồn điền, có một tấm biển ghi: "Nguy hiểm, công trình không an toàn. Cấm vào. Theo lệnh: Đại diện Anh."

Một con cua lớn đang bò lên cửa một nhà khách bỏ hoang.

Khu đồn điền có một nhà thờ. Dưới cây khổ hình có một tấm biển tiếng Pháp: “Hãy cầu nguyện cho anh chị em người Chagos của chúng ta.”


Ông David Vine, tác giả cuốn Island of Shame: The Secret History of the US Military Base on Diego Garcia (tạm dịch: Đảo ô nhục: Lịch sử bí mật của căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Diego Garcia), mô tả những con lừa này là "dấu tích ma quái của một xã hội từng tồn tại ở đó suốt gần 200 năm".

Một biên bản của Bộ Ngoại giao Anh năm 1966 nêu rõ rằng kế hoạch của bộ này là nhằm “có những hòn đảo vẫn thuộc về chúng ta; ở đó sẽ không có cư dân bản địa ngoại trừ lũ hải âu".
Một nhà ngoại giao Anh từng nói rằng những hòn đảo này là nơi sinh sống của "những người giống như Tarzan hoặc Man Friday chẳng biết từ đâu đến và mong một ngày được tới Mauritius”.

Man Friday là nói tới người bản địa sống trên hòn đảo hoang trong tiểu thuyết Robinson Crusoe của Daniel Defoe.

Một tài liệu chính phủ khác nêu rõ các đảo đã được chọn "không chỉ vì vị trí chiến lược, mà còn vì không có dân cư thường trú để phục vụ cho các mục đích thực dụng”.

"Người Mỹ đặc biệt rất coi trọng sự tự do hành động [ở đây], không phải phiền lòng bởi những yếu tố mà bình thường họ sẽ phải cân nhắc đối với một lãnh thổ đông dân,” tài liệu này nêu.

Tác giả Vine nói rằng các kế hoạch được thực hiện khi “phong trào phi thực dân hóa đang diễn ra và lan rộng" và Mỹ lo ngại về việc mất quyền tiếp cận tới các căn cứ quân sự trên toàn thế giới.
Diego Garcia là một trong nhiều hòn đảo đã được xem xét, ông nói, nhưng đã trở thành "ứng cử viên hàng đầu" do dân số tương đối nhỏ và vị trí chiến lược ở giữa Ấn Độ Dương.

Ông nói rằng hòn đảo là cơ hội để Anh duy trì mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ, ngay cả với “sự hiện diện mang tính biểu tượng” tại đấy.
Nhưng ngoài ra cũng có động lực tài chính, ông bổ sung.

Mỹ đã đồng ý giảm giá 14 triệu USD đơn hàng tên lửa hạt nhân Polaris cho Anh như một phần của thỏa thuận bí mật liên quan tới quần đảo này.


Vào năm 1967, quá trình trục xuất cư dân khỏi quần đảo Chagos bắt đầu.
Chó và vật nuôi đã bị quây lại để giết chết.
Người Chagos mô tả họ đã bị lùa lên tàu chở hàng và đưa đến Mauritius hoặc Seychelles.

Năm 2002, Anh đã cấp quyền công dân cho một số người Chagos và nhiều người trong số này đã tới Anh sinh sống.
Trong lời chứng trước Tòa án Công lý Quốc tế nhiều năm sau đó, một người Chagos tên là Liseby Elysé cho biết mọi người trên quần đảo đã sống một "cuộc sống hạnh phúc" và "không thiếu thốn gì" trước khi bị trục xuất.

“Bỗng một ngày, người quản lý [hòn đảo] nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải rời khỏi đảo, rời khỏi nhà và đi xa.”

“Tất cả mọi người đều không vui. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Họ không nói cho chúng tôi biết lý do là gì,” bà nói.

“Không ai muốn bị đuổi khỏi hòn đảo nơi mình sinh ra, [chúng tôi] bị đuổi y như động vật vậy.”

Người Chagos đã đấu tranh trong nhiều năm để trở về quê hương.


Mauritius đã giành độc lập từ Anh vào năm 1968 và khẳng định rằng các đảo là của mình. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc đã đưa ra ý kiến tư vấn rằng việc Anh quản lý quần đảo Chagos là "bất hợp pháp" và phải dừng hành động này lại.

ICJ nói rằng Quần đảo Chagos nên được trao cho Mauritius để hoàn thành quá trình "phi thực dân hóa" của Anh.

Ông Clive Baldwin, cố vấn pháp lý cấp cao tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói rằng việc “Mỹ và Anh di dời cưỡng bức, bức hại và liên tục ngăn cản người Chagos trở về quê hương là những tội ác chống lại loài người".
“Đây là những tội ác nghiêm trọng nhất mà một nhà nước phải chịu trách nhiệm. Tội ác mang tính đế quốc này vẫn đang diễn ra cho tới khi họ ngừng việc ngăn cản người Chagos trở về quê hương.”

Chính phủ Anh trước đây đã tuyên bố rằng họ "chắc chắn" về những tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo, vốn đã “thuộc chủ quyền của Anh liên tục từ năm 1814".

Tuy nhiên, vào năm 2022, Anh đã đồng ý mở cuộc đàm phán với Mauritius về tương lai của Diego Garcia. Ngoại trưởng Anh, khi đó là ông James Cleverly, nói rằng ông muốn "giải quyết tất cả các vấn đề chưa được giải quyết".

Trước đó trong tháng 9/2024, chính phủ Anh đã công bố rằng ông Jonathan Powell, cựu Chánh văn phòng của cựu Thủ tướng Tony Blair và là người đóng vai trò trung tâm trong việc đàm phán Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh ở Bắc Ireland, đã được bổ nhiệm để đàm phán với Mauritius về chủ quyền của các hòn đảo.

Người từng chỉ trích các chính phủ trước đây vì đã “làm ngơ ý kiến” của nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc về các hòn đảo nói trên - cho biết Anh đang nỗ lực để "đạt được một thỏa thuận bảo vệ lợi ích của Anh và các đối tác", nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc bảo vệ "hoạt động lâu dài, an toàn và hiệu quả của căn cứ quân sự chung Anh/Mỹ”.

Ông Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại tổ chức tư vấn quốc phòng Rusi hàng đầu của Anh, nói rằng đảo Diego Garcia là một căn cứ "cực kỳ quan trọng", "vì nó nằm ở Ấn Độ Dương và có các cơ sở như cảng, kho chứa và sân bay”.

Cơ sở quân sự gần nhất của Anh cách đó khoảng 3.400km, của Mỹ là gần 4.800km, ông giải thích, và nói thêm rằng hòn đảo cũng là một địa điểm quan trọng đóng góp vào "khả năng theo dõi và quan sát không gian".

Các máy bay tiếp dầu xuất phát từ Diego Garcia đã tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom B-2 của Mỹ bay từ Mỹ tới Afghanistan để thực hiện các cuộc không kích đầu tiên sau vụ tấn công 11/9.

Và, trong "cuộc chiến chống khủng bố" sau đó, cũng có máy bay xuất phát từ hòn đảo này hướng đến Afghanistan và Iraq.

Căn cứ ở Diego Garcia cũng là một trong số “cực ít các địa điểm trên thế giới có sẵn có thể nạp bổ sung cho tàu ngầm” các loại vũ khí như tên lửa Tomahawk, ông Savill cho hay, và nói thêm rằng Mỹ đã bố trí một lượng lớn thiết bị và kho dự trữ ở đó cho các tình huống khẩn cấp.

Walter Ladwig III, một giảng viên cấp cao về quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, đồng ý rằng căn cứ tại Diego Garcia có "nhiều vai trò quan trọng" - nhưng " mức độ bí mật này dường như hơn hẳn những gì chúng ta thấy ở những nơi khác".

“Có sự tập trung quá mức vào việc kiểm soát và hạn chế quyền tiếp cận, điều này... dường như không cần thiết, dựa trên thông tin công khai về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đơn vị quân sự được đặt ở đó.”

Trong thời gian tôi ở trên đảo, tôi phải đeo một thẻ khách thăm có màu đỏ và bị giám sát chặt chẽ mọi lúc.

Có người canh giữ nơi ở của tôi 24 giờ mỗi ngày và những người đứng bên ngoài ghi lại thời gian tôi rời đi và trở về. Đi đâu tôi cũng có người hộ tống.

Vào giữa những năm 1980, nhà báo người Anh Simon Winchester đã giả vờ rằng thuyền của ông gặp sự cố bên cạnh hòn đảo.

Ông ở lại khu vịnh khoảng hai ngày và cố gắng mò lên bờ được một lúc thì bị hộ tống rời đi, kèm lời nhắc: "Đi đi và đừng quay lại."

Ông kể với tôi rằng ông nhớ các nhà chức trách Anh ở đó có thái độ "cực kỳ thù địch" và hòn đảo "cực kỳ đẹp".


Từ lâu đã có những tin đồn về cách chính quyền sử dụng Diego Garcia, bao gồm việc cho rằng đây là một địa điểm đen của CIA - một cơ sở được sử dụng để giam giữ và thẩm vấn những nghi phạm khủng bố.

Vào năm 2008, sau nhiều năm phủ nhận, Chính phủ Anh đã xác nhận rằng các chuyến bay chuyển giao nghi phạm khủng bố đã hạ cánh xuống đảo Diego Garcia vào năm 2002.

"Những người bị bắt giữ đã không rời khỏi máy bay và chính phủ Mỹ đã đảm bảo với chúng tôi rằng tù nhân Mỹ chưa từng bị giam giữ trên Diego Garcia.”

“Các cuộc điều tra của Mỹ cho thấy không có hồ sơ nào về bất kỳ vụ chuyển giao nào khác thông qua Diego Garcia, hay bất kỳ Lãnh thổ Hải ngoại thuộc Anh nào khác hoặc chính Vương quốc Anh kể từ đó," Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ David Miliband nói với quốc hội vào năm 2008.

Vào cùng ngày, cựu Giám đốc CIA Michael Hayden cho biết những thông tin trước đó được “cung cấp một cách thiện chí" cho Anh về các chuyến bay chuyển giao – thông tin nói rằng máy bay chưa từng hạ cánh ở Diego Garcia - "hóa ra là sai"

"Không ai trong những người này có tên trong chương trình thẩm vấn những kẻ khủng bố có mức độ nguy hiểm cao của CIA.”


“Đây chỉ là các hoạt động chuyển giao, không hơn không kém," ông nói, đồng thời phủ nhận thông tin cho rằng CIA có một cơ sở giam giữ trên Diego Garcia.
Nhiều năm sau, ông Lawrence Wilkerson, chánh văn phòng của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Colin Powell, nói với Vice News rằng các nguồn tin tình báo nói với ông rằng Diego Garcia đã được sử dụng như một địa điểm để "giam giữ và thẩm vấn tạm thời”.


Tôi không được phép đến gần bất kỳ khu vực quân sự nhạy cảm nào trên Diego Garcia.
Sau lần cuối rời khỏi nơi ở trên đảo, tôi nhận được một email, cảm ơn tôi về thời gian lưu trú gần đây và đề nghị phản hồi.

"Chúng tôi muốn mỗi người khách cảm thấy được chào đón và thoải mái,” email viết.

Trước khi bay khỏi đảo, hộ chiếu của tôi đã được đóng dấu phù hiệu của lãnh thổ này.
Khẩu hiệu trên đó viết "In tutela nostra Limuria", có nghĩa là "Limuria đang thuộc sự quản lý của chúng tôi" - ám chỉ tới một lục địa huyền bí đã biến mất ở Ấn Độ Dương.

Một lục địa không hề tồn tại có vẻ là một biểu tượng phù hợp cho một hòn đảo có tình trạng pháp lý đáng ngờ mà rất ít người, kể từ khi những người Chagos bị trục xuất, được phép tiếp cận.

Trong vụ kiện về việc đối xử với người Tamil Sri Lanka trên đảo, phán quyết dự kiến sẽ sớm đưa tin về nó trong thời gian tới.

Alice Cuddy

Không có nhận xét nào: