Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Nhà lầu ông Phủ’ biệt thự cổ trăm tuổi ở Đồng Nai được giữ lại



ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Biệt thự cổ trăm tuổi “nhà lầu ông Phủ” ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được giữ lại để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Chín cho hay Văn Phòng Tỉnh Ủy Đồng Nai thông tin như vậy sau khi Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy lắng nghe ý kiến dư luận.Biệt thự cổ của Đốc Phủ Sứ Võ Hà Thanh đã 100 năm nhưng vẫn rất nguy nga, tráng lệ. (Hình: A Lộc/Tuổi Trẻ) Trước đó, không chỉ người dân trong nước mà độc giả người ngoại quốc đều phản đối việc biệt thự cổ của Đốc Phủ Sứ Võ Hà Thanh có kiến trúc Pháp tọa lạc bên dòng Đồng Nai có nguy cơ bị xóa sổ.
<!>
Phản ảnh trên bản tin báo Tuoi Tre News hôm 26 Tháng Chín, phần lớn độc giả người ngoại quốc bày tỏ ý kiến mong muốn bảo tồn ngôi biệt thự cổ với nội dung “Hãy bảo tồn ngôi biệt thự cổ,” “Đó là lịch sử của các bạn”…
“Làm ơn đừng phá hủy lịch sử của các bạn,” độc giả “Douglas Brown” thiết tha bày tỏ.
“Hãy giữ lấy nó! Một khi công trình này mất đi rồi, chúng ta sẽ không thể nào mang nó trở lại, và một phần lịch sử sẽ vĩnh viễn mất đi,” độc giả “Greg Reed” viết.
“Một tòa nhà đẹp như vậy cần được bảo tồn. Xin đừng phạm sai lầm khi phá hủy các tòa nhà tuyệt đẹp của đất nước các bạn. Khi lên kế hoạch xây dựng phát triển, hãy cân nhắc các địa điểm lịch sử và kiến trúc đẹp,” độc giả “David Guye” viết.

Trong khi đó, độc giả “David Burdick” cho rằng phải gìn giữ tòa nhà này, còn nếu không thì chỉ vài năm tới, nơi này sẽ biến mất và rơi vào quên lãng.
“Làm ơn hãy bảo tồn nó!” độc giả “Oicirtap R Sorteip” bình luận kèm theo biểu tượng “Please.”

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Thị Hậu, tổng thư ký Hội Khoa Học Lịch Sử ở Sài Gòn, nếu công trình này bị phá bỏ thì không chỉ là sự tiếc nuối mà còn có lỗi với thế hệ mai sau, bởi vì không bảo tồn được những di sản do thế hệ trước để lại, góp phần làm giàu cho di sản văn hóa hiện nay.
“Những biệt thự như ‘nhà lầu ông Phủ’ có thể trở thành điểm nhấn văn hóa của tỉnh, của khu vực hoặc thậm chí đưa vào phát triển trong kinh tế di sản hay kinh tế du lịch,” bà Hậu nhận định.

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM hôm 25 Tháng Chín, về quyết định bảo tồn hay phá bỏ “nhà lầu ông Phủ,” ông Nguyễn Hồng Ân, phó giám đốc Sở Văn Hoá-Thể Thao và Du Lịch Tỉnh Đồng Nai, cho hay sở mong muốn giữ lại ngôi biệt thự Đốc Phủ Sứ Võ Hà Thanh. Tuy nhiên, để làm được việc này thì Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đồng Nai nên mua lại ngôi biệt thự 100 tuổi này rồi giao cho cơ quan quản lý làm công tác bảo tồn.

“Vì ngôi biệt thự nằm trên dự án giải tỏa, thay vì phá bỏ thì nhà nước nên mua lại để sử dụng vào công tác bảo tồn theo hình thức di sản văn hóa, phát triển du lịch và là điểm nhấn của đường ven sông Đồng Nai. Còn nếu chủ sở hữu thuộc người dân thì rất khó để sử dụng, bảo tồn. Do đó, các sở ngành cần tính toán làm sao phù hợp không ảnh hưởng đến đường ven sông mà vẫn giữ được căn nhà cổ,” ông Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh.

Ngôi biệt thự nằm ven sông Đồng Nai, để thực hiện dự án đường ven sông sẽ lấn vào biệt thự cổ khoảng 9 mét, tương đương với khoảng một nửa ngôi nhà. (Hình: Vũ Hội/Pháp Luật TP.HCM)

Theo Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Biên Hòa, để thực hiện giải tỏa làm dự án đường ven sông, tòa nhà và khu đất được định giá 5.4 tỷ đồng ($219,348).

Biệt thự cổ Võ Hà Thanh được xây dựng hồi năm 1922 và hoàn thành hai năm sau đó, đến nay đã tròn 100 năm tuổi, với kiến trúc Pháp và nhiều vật liệu từ Pháp đưa qua bằng tàu biển.

Nằm ở vị trí đắc địa với lưng tựa núi, mặt hướng sông, bên ngoài rêu phong, cỏ mọc nhưng phần lớn kiến trúc, nội thất “nhà lầu ông Phủ” nguyên vẹn. Từ lâu, nơi đây là điểm đến của nhiều du khách thích khám phá văn hóa lịch sử khi đến vùng đất Trấn Biên. 
(Tr.N) [qd]

Không có nhận xét nào: