Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :04/10/2024 - MY LOAN


Biden : Mỹ thảo luận về khả năng Israel oanh kích vào các cơ sở dầu hỏa của IranHoa Kỳ đang thảo luận về khả năng Israel oanh kích vào các cơ sở dầu hỏa của Iran để đáp trả vụ Teheran phóng khoảng 200 tên lửa sang Israel hôm 01/10. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời như trên hôm qua, 03/10/2024 khi được các nhà báo hỏi về khả năng Washington hỗ trợ Israel tấn công vào các cơ sở dầu hỏa của Teheran.Nhà máy hóa dầu Pardis ở Assalouyeh, Iran ngày 04/09/2024. AP Thùy Dương
<!>
Tuyên bố của nguyên thủ quốc Mỹ ngay sau đó đã đẩy giá dầu hỏa tăng cao, do mối lo nguồn cung bị gián đoạn. Giá dầu thô Brent từ Biển Bắc giao trong tháng 12 tăng 5,03%, đạt mức cao nhất là 77,62 đô la/thùng. Tương tự, ở Mỹ, giá dầu West Texas Middle (WTI) giao trong tháng 11 tăng 5,15%, lên thành 73,71 đô la/thùng. Cả hai loại dầu này như vậy đều đã tăng lên mức giá cao nhất tính từ 1 tháng nay. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc Tế (AIE), trong tháng 8, Iran đã sản xuất 3,4 triệu thùng dầu/ngày.

Trong khi đó, theo Reuters, đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Danny Danon khẳng định với đài CNN rằng Nhà nước Do Thái có « nhiều lựa chọn » để đáp trả Teheran và sẽ « sớm » cho Iran biết khả năng của Israel đến đâu. Thế nhưng, một quan chức Mỹ cho biết Washington không nghĩ rằng Israel đã đưa ra quyết định về cách đáp trả Iran.

Trước đó một hôm, tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran là một lằn ranh đỏ mà Hoa Kỳ sẽ không để Israel vượt qua. Nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng tham vấn các đồng minh trong khối G7 về quyền tự vệ của Israel sau khi nước này bị Iran tấn công bằng tên lửa.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei : « Trục kháng chiến không lùi bước » trước Israel
Sáng nay 04/10/2024, giáo chủ Ali Khamenei khẳng định những đồng minh của Iran là phong trào Hamas Palestine và Hezbollah ở Liban sẽ « không lùi bước », cho dù thủ lĩnh của hai phong trào này vừa bị Israel sát hại.


Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đọc kinh Coran trong lễ tưởng niệm cố thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát Hassan Nasrallah, tại Teheran, Iran, ngày 04/10/2024. AP
Thanh Hà
Vài ngày trước kỷ niệm đúng một năm loạt khủng bố do phong trào Hamas Palestine tiến hành trên lãnh thổ Israel, và đúng một tuần lễ sau khi thủ lĩnh lực lượng vũ trang Hezbollah Liban do Iran yểm trợ bị sát hại, sáng nay giáo chủ Khamenei chủ trì buổi cầu nguyện trước hàng ngàn tín đồ tại thủ đô Teheran. Hãng tin Pháp AFP ghi nhận lãnh đạo tối cao Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đã phát biểu bằng tiếng Ả Rập, chứ không phải bằng tiếng Ba Tư, khi khẳng định việc Teheran huy động 200 tên lửa tấn công vào lãnh thổ Israel trong đêm 01/10 vừa qua là « chính đáng » để phục thù cho các thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah bị Israel sát hại.

Tương tự như vậy, giáo chủ Iran cho rằng đợt tấn công hôm 07/10/2023 nhắm vào lãnh thổ Israel và Hamas bắt giữ hàng trăm con tin Israel là « điều hiển nhiên và chính đáng ». Về vai trò của lực lượng vũ trang ở Liban Hezbollah, Ali Khamenei cho rằng việc tổ chức này từ gần một năm nay không ngừng tấn công Israel là « phục vụ lợi ích mang tính sống còn đối với cả khu vực và cho toàn thế giới Hồi Giáo ».

Đối với chính quyền Iran, Hezbollah và Hamas là hai nhánh của « trục kháng chiến » chống Nhà nước Do Thái. Giáo chủ Khamenei cam kết là trục này « không lùi bước » trước một chế độ « chỉ tồn tại nhờ có sự yểm trợ của Hoa Kỳ ».

Lần gần đây nhất giáo chủ Iran chủ trì một buổi cầu nguyện trước công chúng là vào tháng 1/2020 sau khi Teheran tấn công vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Irak để trả đũa vụ chỉ huy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, tướng Qassem Soleimani, bị Hoa Kỳ sát hại.

Trước khi giáo chủ Khamenei xuất hiện trước công chúng, hôm qua, bộ Ngoại Giao Iran đã cảnh cáo Israel trước mọi ý đồ leo thang xung đột.

Thông tín viên RFI Sihavosh Ghazi từ thủ đô Teheran :

« Bộ Ngoại Giao Iran triệu tập các đại sứ nước ngoài và chính thức đưa ra thông điệp là Teheran « sẵn sàng đáp trả mọi hành vi gây hấn từ phía Israel, Iran sẽ đáp trả mãnh mẽ và ngay lập tức ». Thứ trưởng Ngoại Giao Iran đã tuyên bố như trên. Lời cảnh cáo này được đưa ra vào lúc tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden thảo luận với Israel về cách Nhà nước Do Thái trả đũa Teheran. Tổng thống Mỹ đã được hỏi về khả năng tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu hỏa của Iran. Đây là điều mà chính quyền Teheran xem là một lằn ranh đỏ. Đây là lý do khiến Iran cảnh cáo Hoa Kỳ rằng « Nếu một quốc gia thứ ba giúp đỡ Israel thì cũng sẽ bị Iran coi là một mục tiêu chính đáng để tấn công », như lời đại diện ngoại giao của Iran tại Liên Hiệp Quốc.

Những lời cảnh cáo này được đưa ra vào lúc ngoại trưởng Iran chuẩn bị đến Beyrouth vào ngày mai và nhất là trong bối cảnh giáo chủ Ali Khamenei, người đã ra lệnh mở đợt tấn công nhắm vào Israel, hôm nay chủ trì một buổi cầu nguyện và có một bài phát biểu quan trọng về tình hình ở Liban, Gaza và trong khu vực. Trên nguyên tắc giáo chủ Iran sẽ nhắc lại những lời cảnh cáo nhắm vào Israel và Mỹ. »

Tân thủ tướng Nhật: An ninh quốc gia chưa bao giờ bị đe dọa như hiện nay

Trình bày chương trình hành động trước Quốc Hội hôm nay, 04/10/2024, tân thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba báo động: « Thế giới chưa bao giờ bị chia rẽ như hiện nay », « Ukraina hôm nay có thể báo trước tương lai chờ đợi Đông Á » và « Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, chưa bao giờ an ninh của Nhật Bản lại bị đe dọa như hiện tại ».


Tân thủ tướng Shigeru Ishiba phát biểu trong phiên họp Hạ viện, ngày 04/10/2024, tại Tokyo, Nhật Bản. AP - Eugene Hoshiko
Thanh Hà
Tân thủ tướng Ishiba trình bày chương trình hành động ba tuần lễ trước bầu cử Quốc Hội trước thời hạn tại Nhật Bản. Từng điều hành bộ Quốc Phòng, ông Ishiba tập trung vào tình hình quốc tế và báo động trước những tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực. Tân thủ tướng Nhật tuyên bố chiến tranh « Ukraina ngày hôm nay có thể là tiền đề cho những gì chờ đợi Đông Á sau này. Vì sao khả năng răn đe không đủ để bảo vệ Ukraina ? ». Hãng tin Pháp AFP ghi nhận câu hỏi này của thủ tướng Ishiba hàm ý Trung Quốc sẽ noi gương Nga đánh chiếm Đài Loan. Nhật Bản còn đặc biệt quan ngại về mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tân thủ tướng Shigeru Ishiba vẫn chủ trương châu Á cũng cần có một liên minh quân sự theo mô hình Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Trong mắt tân lãnh đạo Nhật Bản, hai mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia là tình hình bất ổn trên thế giới và tỷ lệ sinh đẻ quá thấp ở Nhật. Ông xem tỷ lệ sinh để là một vấn đề « cấp bách thầm lặng » cần phải được giải quyết.

Về mặt kinh tế, thủ tướng Shigeru Ishiba chủ trương tăng 43 % mức lương tối thiểu cho người lao động, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp, đẩy mạnh đầu tư và thúc đẩy các hoạt động kinh tế của các chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh.

Theo đánh giá của chuyên gia Takahide Kiuchi, thuộc trung tâm nghiên cứu Nomura, những tuyên bố nói trên của tân thủ tướng Nhật nhằm chiêu dụ cử tri. Trong ba tuần nữa, cử tri Nhật sẽ đi bỏ phiếu bầu lại Quốc Hội. Theo các thăm dò được báo kinh tế Nikkei Asia công bố cách nay hai ngày, tỷ lệ tín nhiệm của thủ tướng Shigeru Ishiba hiện nay là 51 % thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2021 khi người tiền nhiệm Fumio Kishida vừa bước vào phủ thủ tướng.

Liên Âu thông qua quyết định tăng thuế đối với ô tô điện Trung Quốc

Trong cuộc biểu quyết hôm nay, 04/10/2024, Liên Hiệp Châu Âu thông qua đề xuất tăng thuế nhắm vào ô tô điện Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Pháp và Ý ủng hộ việc tăng thuế để bảo vệ nền công nghiệp xe hơi tại châu lục này. Trái lại Đức bỏ phiếu chống vì sợ phải lao vào một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin.


Xe điện Trung Quốc BYD đang chờ được đưa lên tàu tại Cảng quốc tế Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/09/2023. AFP - -
Thanh Hà
Theo các nguồn tin ngoại giao, trong cuộc bỏ phiếu sáng nay, 10 trên tổng số 27 thành viên Liên Âu ủng hộ việc tăng thuế đánh vào xe Trung Quốc ; 5 nước bỏ phiếu chống, và 12 quốc gia không tham gia bỏ phiếu. Bước kế tiếp Ủy Ban Châu Âu sẽ thảo luận và ấn định mức thuế đánh vào ô tô điện Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường chung. Mức thuế sắp tới có thể lên tới 35 % thay vì 10 % như hiện tại.

Bộ Tài Chính Đức lập tức lên tiếng kêu gọi Liên Âu « tránh lao vào một cuộc chiến thương mại » với Bắc Kinh. Các hãng xe Đức Voklswagen và Mercedes cho rằng Liên Âu đã « đi lầm đường » khi tăng thuế đánh vào ô tô điện của Trung Quốc. Bruxelles giải thích việc tăng thuế đánh vào xe của Trung Quốc là để bảo vệ việc làm cho 14 triệu lao động trong ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu. Canada và Mỹ hiện áp dụng mức thuế 100 % vào ô tô điện « Made in China ».

Trong một thông cáo chung, Ủy Ban Châu Âu khẳng định đã « hội đủ sự ủng hộ cần thiết của các thành viên » để đánh thuế xe Trung Quốc. Điều đó không cấm cản Bruxelles tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh « tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng và phù hợp với các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ».

Về phần mình, Bắc Kinh dọa sẽ có những biện pháp « đáp trả », tăng thuế đánh vào hàng của châu Âu xuất khẩu sang Trung Quốc. AFP nhắc lại Bắc Kinh đòi tăng thuế đánh vào rượu vang và các loại rượu mạnh của Pháp, vào thịt heo của Tây Ban Nha, vào nông phẩm của Ba Lan … Ngoài ra, Trung Quốc đã dự trù mở nhiều nhà máy sản xuất ô tô điện ngay tại châu Âu để lách thuế nhập khẩu.

Thượng đỉnh của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ khai mạc tại Pháp

Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ 19 khai mạc hôm nay, 04/10/2024, tại cung điện Villers-Cotterets, cách thủ đô Paris khoảng 60 km. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp lãnh đạo của 19 quốc gia và đại diện của các nước thành viên.


Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm cùng tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân tại Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19, khai mạc ngày 04/10/2024 tại cung điện Villers-Cotterets, Pháp. © rfi
Chi Phương
Từ cung điện Villers-Cotterets, Chi Phương tường trình :

"Từ 11 giờ sáng, nguyên thủ của 19 nước và đại diện của 54 nước thành viên, 7 nước liên kết và 27 quan sát viên, đã đến cung điện Villers-Cotterets, trụ sở của Trung tâm quốc tế Pháp ngữ, được khánh thành vào tháng 10 năm ngoái. Cũng chính tại nơi đây, vào năm 1539, tiếng Pháp đã được quy định là ngôn ngữ chính thức, sử dụng trong tất cả các văn bản hành chính, thay cho tiếng La tinh, theo lệnh của vua François Đệ Nhất.

Trong thông cáo báo chí, tổng thống Pháp Macron khẳng định “đại gia đình Pháp ngữ gồm 321 triệu dân trên khắp năm châu”, có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các giá trị về tự do, nhân quyền và đa dạng văn hóa. Theo ông, hội nghị này ‘mở ra những con đường hợp tác mới, cần nỗ lực và đoàn kết của tất cả các nước thành viên’’. Nguyên thủ quốc gia Pháp và tổng thư ký khối Pháp ngữ sẽ phát biểu vào lúc 14 giờ 30, chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, tiếp đến là lễ chuyển giao chức chủ tịch chủ trì hội nghị từ Tunisia sang Pháp, lần đầu tiên từ 33 năm qua.

Theo tổng thư ký của khối, Louise Mushikiwabo, Cộng đồng Pháp ngữ - Francophonie, “được ra đời từ mong muốn của các thuộc địa cũ của Pháp, sử dụng ngôn ngữ Pháp, để hợp tác”, trên cơ cở văn hoá và ngôn ngữ, dần được mở rộng, kết nạp thêm nhiều thành viên.

Một trong những chủ đề thảo luận chính của thượng đỉnh lần này là “những thách thức và cơ hội cho cộng đồng Pháp ngữ trong thời đại kỹ thuật số”. Một cuộc thảo luận bàn tròn về chủ đề này được mở ra bên lề sự kiện vào chiều nay, với sự góp mặt của đại diện các doanh nghiệp về công nghệ hoặc Meta, cùng với Fann Attiki, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về công nghệ, cũng là nhà văn người Congo.

Tối nay, lãnh đạo và đại diện các nước và chính phủ được tiếp đón tại điện Élysée và sẽ dự dạ tiệc do tổng thống Macron khoản đãi. Hội nghị sẽ tiếp tục ngày mai với cuộc họp kín của các lãnh đạo tại Cung điện lớn (Grand Palais)."

Theo báo chí trong nước, sau khi dự thượng đỉnh khối Pháp ngữ, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm chính thức nước Pháp, " theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron".Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Tô Lâm sẽ hội đàm với tổng thống Macron, hội kiến với các lãnh đạo khác của Pháp.

Không có nhận xét nào: