Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 10/07/2023 - Long Đỗ


Tổng thống Mỹ Biden ghé Anh Quốc trước khi dự thượng đỉnh NATO
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay, 10/07/2023, ghé thăm Anh Quốc trước khi đi dự một cuộc họp thượng đỉnh quan trọng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Vilnius của Litva, khai mạc ngày mai. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden xuống máy bay Air Force One tại sân bay Stansted, Anh Quốc, ngày 09/07/2023. © Kevin Lamarque / Reuters Thanh Phương Ông Biden đã đến Luân Đôn tối qua và hôm nay hội đàm với thủ tướng Anh Rishi Sunak và sau đó được vua Charles Đệ Tam tiếp tại lâu đài Windsor, trong bối cảnh đang có bất hòa giữa Washington và Luân Đôn, đồng minh thân cận nhất.
<!>
Việc tổng thống Joe Biden không dự lễ đăng quang của vua Charles Đệ Tam, mà cử phu nhân Jill Biden đi thay, đã bị chỉ trích nhiều tại Anh Quốc. Luân Đôn cũng không chấp nhận việc tổng thống Mỹ chỉ trích cách thức mà chính phủ Anh Quốc xử lý hồ sơ Bắc Ireland kể từ sau Brexit.

Trước chuyến đi này, Nhà Trắng đã ra thông cáo nhấn mạnh là tổng thống Biden muốn “tăng cường hơn nữa quan hệ với Anh Quốc”, còn đối với Luân Đôn chuyến thăm của tổng thống Mỹ “chứng tỏ mối quan hệ vững chắc giữa Hoa Kỳ với Anh Quốc”.

Nhưng trọng tâm chuyến công du châu Âu lần này của tổng thống Joe Biden chính là thượng đỉnh NATO tại Vilnius, với hồ sơ tế nhị nhất, đó là việc Ukraina gia nhập khối này. Từ Washington, thông tín viên Loubna Anaki tường trình:

“ Về mặt chính thức, đối với Joe Biden, chuyến công du này nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa Hoa Kỳ với các nước đồng minh. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan đã tuyên bố: “ Cần phải chứng tỏ quyết tâm yểm trợ Kiev”.

Trong hai ngày tại Vilnius, tổng thống Biden sẽ hội đàm với lãnh đạo các nước thành viên NATO và sẽ có một bài phát biểu. Nhưng ông sẽ phải trả lời các câu hỏi của những đồng minh, nhất là về quyết định vào tuần trước của Washington viện trợ bom chùm cho Kiev, trong khi đây lại là loại vũ khí mà hơn hai phần ba số thành viên NATO cấm sử dụng.

Tổng thống Mỹ cũng sẽ phải vận dụng hết tài ngoại giao: Thể hiện sự yểm trợ không lay chuyển đối với Ukraina, nhưng vẫn từ chối cho Kiev gia nhập NATO vào lúc này, trong khi tổng thống Volodymyr Zelensky muốn Liên minh Bắc Đại Tây Dương nhanh chóng có lời mời chính thức.

Tỏ ra cứng rắn nhưng vẫn có lời khuyến khích cụ thể về khả năng Ukraina gia nhập NATO trong tương lai, đó chính là thách thức đối với tổng thống Joe Biden trong chuyến đi này. »

Ba Lan tái khẳng định ủng hộ Ukraina gia nhập NATO

Ba Lan và Ukraina chọn thành phố Lutsk, biểu tượng cho lịch sử thời Thế Chiến II giữa hai nước, để thể hiện tinh thần « đoàn kết, cùng nhau sát cánh chống một kẻ thù chung ». Tại lễ « tưởng niệm các nạn nhân trong vùng Volhynie » ngày 09/07/2023, tổng thống Ba Lan tái khẳng định ủng hộ Ukraina gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO tại thượng đỉnh Vilnius ngày


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda tại lễ tưởng niệm các nạn nhân của Thế chiến II ở Lutsk, Ukraina, ngày 09/07/2023. REUTERS - ALINA SMUTKO
Thu Hằng
Thông tín viên Martin Chabal tại Vacxava cho biết thêm :

« Tổng thống Ba Lan đến Ukraina trước khi lên đường đến Litva tham dự thượng đỉnh Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Các nước thành viên có thể sẽ thảo luận trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư về liên minh với Kiev và khả năng Ukraina gia nhập khối.

Phái đoàn Ba Lan đã đến Lutsk, thành phố nằm bên trong đường biên giới Ba Lan trong thời gian dài. Tại đây, dân quân Ukraina đã sát hại vài chục nghìn người Ba Lan trong Thế Chiến II. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nhân dịp tưởng niệm 80 năm các vụ thảm sát để một lần nữa khẳng định tình hữu nghị lớn với Ukraina.

Bời vì không phải ngẫu nhiên mà Ba Lan và Ukraina cùng tham gia lễ tưởng niệm này. Các vụ thảm sát người Ba Lan ở vùng Volhynie là một vết thương sâu, đôi khi vẫn gây căng thẳng giữa Kiev và Vacxava, dù cả hai bên tỏ ra rất thân nhau từ một năm qua.

Cho dù chủ đề thượng đỉnh NATO được đề cập ngắn gọn, theo ông Volodymyr Zelensky, nhưng tổng thống Ukraina xác nhận rằng các cuộc thảo luận đó rất cụ thể và Ba Lan sẽ ủng hộ Ukraina để đạt được « kết quả tốt nhất cho Kiev ».

Dù không một chi tiết nào được tiết lộ nhưng chắc chắn là sẽ có những yêu cầu mới về cung cấp thiết bị để hỗ trợ cho cuộc phản công của Ukraina ».

Nga cảnh cáo việc kết nạp Ukraina vào NATO
Ngày 10/07/2023, phát ngôn viên điện Kremlin cảnh cáo việc kết nạp Ukraina vào NATO « sẽ gây ra những hậu quả rất tiêu cực cho cấu trúc an ninh châu Âu ». Trả lời báo giới, ông Dmitri Peskov lên án « một mối đe dọa » đối với Nga, buộc Nga phải có « phản ứng rõ ràng và cứng rắn ».

Ankara ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nếu Liên Âu mở lại đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 10/07/2023, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan gặp thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristensson tại Vilnius, Litva. Tại cuộc họp do tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg dàn xếp, ông Erdoğan tuyên bố sẽ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nhưng với điều kiện Liên Hiệp Châu Âu mở lại các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ trước.


Ảnh tư liệu : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (P) và thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại dinh tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 08/11/2022. AP - Burhan Ozbilici
Thu Hằng
Theo ông Erdoğan, hầu hết các nước thành viên NATO cũng là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gia nhập Liên Âu từ năm 1999. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương, bắt đầu từ năm 2005, đã bị đình chỉ từ nhiều năm qua do tồn tại nhiều bất đồng giữa hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết cản trở Thụy Điển gia nhập NATO vì muốn Stockholm nhân nhượng nhiều hơn về hồ sơ chống khủng bố Kurdistan, cho dù gần đây, tổng thống Mỹ không ngừng ủng hộ Thụy Điển. Ông Joe Biden đã điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ mong muốn « đón Thụy Điển vào NATO ngay khi có thể », theo thông cáo ngày 09/07 của Nhà Trắng.

Dù tổng thống Erdoğan công nhận hôm 09/07 là Thụy Điển đã « có những bước đi đúng hướng » chống đảng Lao Động Kurdistan - PKK nhưng ông vẫn cho là chưa đủ.

Thông tín viên RFI Anne Andlauer tại Istanbul cho biết thêm về chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :

Ông Recep Tayyip Erdoğan tiếp tục cáo buộc Thụy Điển bảo vệ những kẻ khủng bố, đặc biệt là để thành viên của đảng Lao Động Kurdistan (PKK) biểu tình, chiêu mộ và gây quỹ tại Thụy Điển. Tổng thống Erdoğan yêu cầu dẫn độ vài chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thụy Điển đã nhiều lần nhân nhượng. Nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chưa hài lòng. Ông tiếp tục mặc cả chừng nào còn có thể. Ông Erdoğan vẫn nổi tiếng là hay đổi ý và có thói quen ký các thỏa thuận vào phút chót. Cho nên có thể là ông sẽ bỏ quyền phủ quyết. Nhưng sau khi đã đối đầu với Stockholm và các đồng minh suốt một năm trời, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ nhân nhượng khi ông có thể coi việc bật đèn xanh là một thắng lợi ngoại giao cho Ankara.

Cuộc mặc cả này có lợi cho Matxcơva, nhưng không ngăn cản ông Erdoğan đưa ra quyết định khiến đồng nhiệm Nga Vladmir Putin tức giận. Thứ Bẩy(08/07), ông đã cho phép nhiều chỉ huy của binh đoàn Azov trở về Ukraina trong khi lẽ ra họ phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi hết chiến tranh.

Sự kiện này minh họa rất rõ cho khoảng cách lớn, thường trực của ông Tayyip Erdoğan giữa Ukraina và Nga, giữa NATO và Nga. Các nước thành viên NATO phải liên tục đối phó với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh khó khăn, nhưng cần thiết.

Liên Hiệp Châu Âu và New Zealand ký hiệp định tự do thương mại

Ngày 09/07/2023, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và New Zealand đã ký hiệp định tự do thương mại sau 4 năm đàm phán. Bruxelles đặt mục tiêu tăng thêm 30% kim ngạch thương mại song phương trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, hiệp định còn có một chương liên quan đến « phát triển bền vững ». Đây là lần đầu tiên, một điều khoản như vậy được đưa vào một thỏa thuận của Liên Hiệp Châu Âu.


Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor (trên màn hình) họp qua video với các quan chức Liên Âu tại trụ sở Hội Đồng Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 27/06/2023. AP - Virginia Mayo
Thu Hằng
Thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry tại Bruxelles cho biết thêm :

« Thỏa thuận đạt được vào năm 2022 là thành quả của bốn năm đàm phán, đôi lúc rất khó khăn. Ngày 09/07/2023, hai bên hoan nghênh việc ký kết này. Tại Bruxelles, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen đánh giá văn bản « đầy tham vọng » và « rất cân đối ». Về phía New Zealand, thủ tướng Chris Hipkins nhấn mạnh đến « những lợi ích khổng lồ » cho cả hai bên.

New Zealand thể hiện mong muốn tìm kiếm thêm đầu ra thương mại, trong khi khoảng 30% tổng xuất khẩu của nước này là sang Trung Quốc. Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu muốn tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương do khu vực này hiện trở thành cực quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới.

Cụ thể, Liên Hiệp Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của New Zealand, xuất khẩu chủ yếu rượu vang, hoa quả và thịt. Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 9 tỉ euro trong năm 2022. Với hiệp định sẽ giúp hàng xuất khẩu châu Âu giảm khoảng 140 triệu euro thuế quan hàng năm, Bruxelles kỳ vọng tăng khối lượng xuất khẩu lên thành 4,5 tỉ euro hàng năm. Song song đó, đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu vào New Zealand có thể sẽ tăng 80%.

Để có hiệu lực hoàn toàn, hiệp định hiện còn phải chờ được Nghị Viện Châu Âu thông qua và được New Zealand phê chuẩn ».

Điện Kremlin: Tổng thống Nga đã gặp ông chủ Wagner, 5 ngày sau ‘‘binh biến’’

Lần đầu tiên chính quyền Nga thông báo về việc tổng thống Vladimir Putin đã gặp Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty lính đánh thuê, ít ngày sau vụ ‘‘binh biến’’ bất thành.


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, Nga, ngày 29/06/2023. via REUTERS - SPUTNIK
Trọng Thành
Theo hãng tin Anh Reuters, trả lời báo giới hôm nay, 10/07/2023, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, cho biết tổng thống Nga đã có một cuộc họp ngày 29/06 với 35 người, trong đó có Prigozhin và nhiều chỉ huy của Wagner. Cuộc họp kéo dài 3 giờ. Thông báo được điện Kremlin đưa ra sau khi nhật báo Pháp Libération hôm thứ Sáu 07/07, công bố một bài viết, dựa trên một số nguồn tin tình báo phương Tây, khẳng định Prigozhin bị giam tại điện Kremlin, sau khi đến phủ tổng thống Nga tham dự một cuộc họp.

Theo phát ngôn viên Dmitri Peskov, một nội dung chính của cuộc họp này là để ‘‘tổng thống đưa ra đánh giá về các hoạt động của công ty (Wagner) trên mặt trận trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraina), và đưa ra đánh giá của riêng ông về các diễn biến ngày 24/06 (tức về cuộc binh biến bất thành)’’.

Trong cuộc họp này, ‘‘các chỉ huy quân sự đã trình bày quan điểm của họ về diễn biến (vụ nổi loạn). Tất cả đều nhấn mạnh họ là những người lính trung thành với quân đội, với tổng thống, với tư lệnh tối cao, đồng thời khẳng định sẵn sàng chiến đấu vì đất mẹ’’.

Vụ ‘‘binh biến’’ của ông chủ Wagner, cựu đầu bếp của tổng thống Nga, chỉ kéo dài chưa đầy 24 giờ. Nhiều nhà quan sát coi vụ ‘‘binh biến’’ này như thách thức lớn nhất với chế độ Putin kể từ năm 1999. Tuy nhiên, ngay sau đó, Yevgeny Prigozhin đã cho biết vụ nổi loạn hoàn toàn không có mục tiêu lật đổ chính quyền Nga.

Vụ ‘’binh biến’’ chấm dứt sau một thỏa thuận với trung gian của tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, theo đó, lãnh đạo công ty Wagner sẽ phải lưu trú tại Belarus. Ngày 27/06, tức hai ngày trước cuộc họp nói trên, tổng thống Belarus khẳng định Yevgeny Prigozhin đã có mặt tại Belarus. Đến ngày 06/08, cũng lãnh đạo Belarus cho biết ông chủ Wagner đã quay trở về Nga.

Nam Phi tổ chức thượng đỉnh BRICS, bất chấp lệnh của Tòa CPI truy nã tổng thống Nga

Chính quyền Nam Phi cho biết sẽ tổ chức thượng đỉnh nhóm BRICS vào tháng 08/2023, và mời nguyên thủ các nước thành viên tới dự, bất chấp việc tổng thống Nga ông Putin đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) truy nã.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Nam Phi Cyril Ramaphosa trong cuộc gặp với phái đoàn các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao châu Phi tại Saint-Petersburg, Nga, ngày 17/06/2023. AP - Evgeny Biyatov
Trọng Thành
Pretoria là chủ tịch luân phiên của BRICS, gồm năm quốc gia đang trỗi dậy (Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nga và Nam Phi). Theo AFP, trong một cuộc trả lời báo giới hôm qua, 09/07/2023, bên lề một hội nghị của đảng cầm quyền ANC, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định sẽ tổ chức thượng đỉnh với sự tham gia trực tiếp của các lãnh đạo khối BRICS. Thượng đỉnh dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 24/08 tớitại Johannesburg. Tiuy nhiên, nguyên thủ Nam Phi không nói rõ là tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự hay không.

Theo một số tin đồn được truyền thông Nam Phi loan tải, chính quyền Pretoria từng đề nghị chuyển địa điểm của thượng đỉnh sang Trung Quốc, để tránh sức ép phải thực hiện nghĩa vụ bắt giữ tổng thống Nga theo lệnh truy nã của CPI.

Nam Phi – quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin đang bị Tòa án này truy nã về tội ác chiến tranh tại Ukraina, trong trường hợp tổng thống Nga đặt chân đến lãnh thổ nước này.

Kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, Nam Phi chọn lập trường hoàn toàn trung lập, không lên án Nga. Tổng thống Nam Phi nhiều lần khẳng định lập trường này cho phép Nam Phi đóng vai trò trong việc‘‘tìm giải pháp hòa bình cho xung đột’’. Hồi tháng trước, tổng thống Cyril Ramaphosa đã tham gia đoàn các lãnh đạo châu Phi đến Ukraina và Nga. Đề xuất trung gian hòa bình của nhóm nước châu Phi bị Kiev bác bỏ, trong lúc Nga khẳng định ‘‘rất khó thực thi’’.

Bắc Triều Tiên dọa bắn hạ máy bay do thám Mỹ xâm nhập không phận

Bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên hôm nay, 10/07/2023, tố cáo một phi cơ trinh sát Mỹ ‘‘nhiều lần’’ xâm nhập không phận nước này, và đe dọa sẽ bắn hạ, nếu việc này tái diễn. Hiện tại, bộ chỉ huy quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc chưa có phản ứng về thông báo này.


Ảnh minh họa : Chiến đấu cơ F-18 Super Hornet của không quân Hoa Kỳ đáp xuống tàu sân bay USS Nimitz gần Busan, Hàn Quốc, ngày 27/03/2023. AP - Jeon Heon-kyun
Trọng Thành
Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA dẫn lại thông báo của phát ngôn viên bộ Quốc Phòng nước này, theo đó, phi cơ do thám Mỹ xâm nhập không phận liên tục trong tám ngày đầu tháng 07/2023 này. Bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên cũng nhắc lại đã từng bắn hạ một số phi cơ Mỹ trên biển hoặc tại vùng biên giới Liên Triều.

Cũng trong thông báo nói trên, Bình Nhưỡng đã lên án kế hoạch triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ gần bán đảo Triều Tiên. Triển khai tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo là một cam kết của chính quyền Mỹ nhân chuyến công du của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi tháng 04/2023, nhằm tăng cường các biện pháp răn đe với Bắc Triều Tiên. Hôm nay, 10/07, theo Yonhap, tướng John Weidner, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, cho biết một tàu ngầm hạt nhân sẽ sớm ghé Hàn Quốc.

Quan hệ Nam Bắc Triều Tiên ‘‘đang ở mức tồi tệ nhất’’, theo AFP, đặc biệt với chính sách tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un khẳng định vị thế cường quốc hạt nhân của Bắc Triều Tiên là ‘‘không thể đảo ngược’’. Hôm nay, trước khi tham dự thượng đỉnh NATO tại Vilnius, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có thái độ kiên quyết để buộc chế độ Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Bắc Kinh kêu gọi Mỹ xét lại các biện pháp trừng phạt công ty Trung Quốc

Ngay sau khi bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen trở về nước sau chuyến công du 4 ngày, mở ra triển vọng tan băng trong quan hệ song phương, bộ Tài Chính Trung Quốc hôm nay 10/07/2023, đã ra một thông báo kêu gọi Washington có ‘‘các biện pháp cụ thể’’ để đáp ứng ‘‘các quan ngại chủ yếu’’ của Trung Quốc về quan hệ kinh tế song phương.


Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tham dự cuộc họp với bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 08/07/2023. via REUTERS - POOL
Trọng Thành
Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo của bộ Tài Chính Trung Quốc: nếu như Bắc Kinh thỏa thuận ‘‘duy trì trao đổi cấp cao và các đối thoại về kinh tế ở mọi cấp độ’’ với Mỹ, chính quyền Trung Quốc cũng ‘‘yêu cầu’’ Washington ‘‘ngừng loại trừ các công ty Trung Quốc, dỡ bỏ các lệnh cấm đối với các sản phẩm liên quan đến vùng Tân Cương”, bị Hoa Kỳ trừng phạt với cáo buộc Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền.

Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, thông báo của bộ Tài Chính Trung Quốc cũng cho biết, trong các cuộc hội đàm với bộ trưởng Tài Chính Mỹ, phía Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ thuế quan với nhiều hàng hóa Trung Quốc, ‘‘ngừng hạn chế hoạt động các công ty Trung Quốc, bảo đảm đối xử công bằng trong đầu tư song phương’’. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã đưa hơn 1.000 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt hoặc hạn chế xuất khẩu, và đang xem xét nhiều hạn chế mới đối với đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, vì lý do an ninh quốc gia.

Reuters hôm nay dẫn nhận định của ông Bruce Pang, kinh tế gia trưởng và phụ trách về Hoa Lục của công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang LaSalle, có trụ sở tại Hồng Kông: ‘‘việc nối lại các cuộc đàm phán cấp cao Trung-Mỹ trong nhiều lĩnh vực có thể mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn về các vấn đề song phương và toàn cầu”, và trong hàng loạt vấn đề, Mỹ-Trung có thể đạt được đồng thuận hơn là đối đầu, ‘‘trong đó có biến đổi khí hậu và cắt giảm thuế quan’’.

Không có nhận xét nào: