Tin mừng với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam! Sau gần nửa thế kỷ! Việt Nam có Đại diện Đức Giáo Hoàng thường trú đầu tiên kể từ sau chiến tranh!*Theo thông tin từ trang Ban Tôn giáo Chính phủ CS Việt Nam, tính đến năm 2021, Công giáo tại Việt Nam có 47 Giám mục, hơn 6000 linh mục; khoảng 200 dòng tu, với hơn 31.000 nam nữ tu sĩ, trên 7 triệu tín hữu Công giáo, hơn 10.000 nhà thờ (tính đến năm 2010) thuộc về ba Giáo tỉnh là Hà Nội, Huế, và Sài Gòn.
<!>
(Hình: Phái đoàn của Chủ tịch CS Việt Nam Võ Văn Thưởng gặp Đức Giáo Hoàng Francis tại Vatican hôm 27/7/2023.)
-Vatican và Việt Nam đồng ý có một Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội, thông cáo chung cho biết hôm 27/7, một bước tiến trong nhiều năm để có thể dẫn đến quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia do cộng sản điều hành và cung cấp một mô hình cho mối quan hệ với Trung Quốc.
Thông tin trên được công bố ngay sau khi Giáo hoàng Francis tiếp Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng trong một buổi tiếp kiến riêng.
Trang Vatican News hôm 28/7 dẫn thông cáo chung của hai bên cho biết, "với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết 'Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam'."
Thông cáo cho biết thêm, "các bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam cho đến nay."
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội trong cùng bày tỏ trên Facebook: "Đề nghị Nhà nước Việt Nam trả lại Tòa Khâm sứ số 42, Nhà chung Hà Nội, để Tòa Thánh làm văn phòng đại diện!"
Đây là khu đất thuộc quyền quản lý của Tổng giáo phận Hà Nội, tuy nhiên năm 1961, UBND TP Hà Nội thu hồi khu đất này cùng hai khối nhà tầng, cho tới tháng 10 năm 2008, khu đất này được chuyển thành vườn hoa Hàng Trống, và tòa nhà đổi thành Thư viện Quận Hoàn Kiếm.
Theo một quan chức cấp cao của Tòa thánh, Vatican đã chính thức nhưng riêng tư yêu cầu Trung Quốc cho phép một đại diện Giáo hoàng thường trú tại Bắc Kinh.
Các quan chức Vatican hy vọng rằng sự chấp nhận của Việt Nam có thể giúp thuyết phục Bắc Kinh làm điều tương tự, các nhà ngoại giao nói với Reuters.
Mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc trở nên khó khăn kể từ một thỏa thuận vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục mà Vatican cho biết Trung Quốc đã vi phạm nhiều lần, một văn phòng với một đại diện ở Bắc Kinh có thể tránh được những vấn đề trong tương lai.
Việt Nam đã cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản tiếp quản đất nước vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Chính quyền khi đó coi Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Việt Nam có lịch sử quá gần gũi với cựu thực dân Pháp.
Các phần của tuyên bố chung lặp lại những lập luận mà Vatican đã sử dụng để cố gắng thuyết phục Trung Quốc tiến tới các mối quan hệ, chẳng hạn như năng lực của người Việt Nam để trở thành "người Thiên Chúa giáo tốt và công dân tốt", đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Việt Nam có gần bảy triệu người Thiên Chúa giáo, chiếm khoảng 6,6% dân số 95 triệu người.
Hiến pháp của Việt Nam cho phép tự do tôn giáo và các phương tiện truyền thông của chính phủ đã bác bỏ những lời chỉ trích từ các nhóm như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCRIF), một cơ quan giám sát của quốc hội đã xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.
Trên thực tế, theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự Do, các chính quyền ở trung ương và địa phương dùng các biện pháp khác nhau để vi phạm quyền tự do tôn giáo, nhất là các nhóm độc lập không đồng ý với sự quản lý của các nhóm tôn giáo do nhà nước lập ra.
Ngay cả các tôn giáo chính thống như Tin lành hay Thiên Chúa giáo cũng gặp rất nhiều khó khăn khi truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo ở các vùng Tây Nguyên hay vùng núi phía Bắc nơi có sự sinh sống của người Thượng, người Hmong...
Đại diện hiện tại của Giáo hoàng tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, có trụ sở tại Singapore, nơi ông là Sứ thần Tòa thánh (đại sứ). Ông được phép thỉnh thoảng sang thăm và làm việc tại Việt Nam với sự chấp thuận của chính phủ. Không rõ ai sẽ là đại diện mới ở Hà Nội.
Một thầy giáo tên Dương Tuấn Ngọc ở Lâm Đồng, bị bắt vì ‘nói xấu chế độ!’
-Hình chụp một biên bản “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” cho thấy ông Dương Tuấn Ngọc, một thầy giáo ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, được nhiều người biết trên mạng xã hội, đã bị bắt.
Trên trang cá nhân có hơn 45,000 người theo dõi, ông Ngọc, 38 tuổi, công khai quan điểm: “Tôi có quyền công dân. Bạn có quyền công dân. Công dân mới là chủ thật sự của đất nước.”
(Hình: Trang cá nhân của ông Dương Tuấn Ngọc có hơn 45,000 người theo dõi.)
Theo văn bản được đăng tải trên Facebook Hoàng Dũng hôm 16 Tháng Bảy, ông Ngọc bị công an tỉnh Lâm Đồng bắt một ngày trước với cáo buộc đăng tải nhiều bài viết, video clip trên Facebook, YouTube “xuyên tạc lịch sử, nói xấu chế độ, đả kích đường lối, chủ trương của đảng, xúc phạm Hồ Chí Minh, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng…”
Do vậy, ông Ngọc bị công an vu cho tội vi phạm điều 117 Bộ Luật Hình Sự CSVN.
Bài đăng gần nhất trên trang cá nhân của ông Ngọc hồi sáu ngày trước, viết: “Về quê trồng cây trứng cá ăn rất thú vị. Người không ăn thì chim đến ăn, kêu ríu rít cũng vui lắm. Thiên hạ bao la, tìm chốn dung thân nơi rừng sâu núi thẳm.”
Trong các bài đăng khác, ông kêu gọi các bậc phụ huynh “học cùng con, từ chối trại nhồi sọ.” Ngoài ra, ông còn bày tỏ ý kiến về việc thải độc tế bào, phương pháp “tự chữa lành.”
Trên kênh YouTube “Thầy Tuấn Ngọc,” ông Dương Tuấn Ngọc đăng tải một số video clip có chủ đề bị coi là “nhạy cảm” với nhà cầm quyền như “Chính phủ và tà phủ,” “Bài học từ việc lưu manh phá chùa của tu sĩ Thích Tâm Phúc,” “Bàn về âm mưu của tà quyền với tục thờ Quan Công”…
(Hình: Biên bản về vụ bắt ông Dương Tuấn Ngọc.)
Đáng nói, ngoài việc bắt ông Dương Tuấn Ngọc, công an tỉnh Lâm Đồng còn bị tố cáo dùng ứng dụng “messenger” trên trang cá nhân của ông Ngọc để giăng bẫy, cài virus vào thiết bị điện tử của bạn bè ông này.
Facebooker Hoàng Dũng cho biết trên trang cá nhân: “Đêm 15 Tháng Bảy, trong một nỗ lực lừa đảo một số người trên nền tảng messenger của Facebook, cơ quan an ninh Lâm Đồng đã giả dạng vợ của ông Dương Tuấn Ngọc và gởi ‘link’ chứa sáu tệp tin có virus, hòng đánh cắp mật khẩu, ghi lại dữ liệu hoạt động của nạn nhân. Chưa thống kê được bao nhiêu nạn nhân đã lỡ mở sáu tệp này, nhưng có lẽ con số sẽ là rất thấp bởi trình độ lừa đảo của an ninh Lâm Đồng cũng chỉ tương đương với nghiệp vụ của chúng.”
Liên quan đến người vừa bị bắt này, chưa kể trong một video của Dương Tuấn Ngọc, nhiều người Công Giáo quy kết, Ngọc kẻ báng bổ Chúa Giêsu, giảng giải sai, xúc phạm kinh thánh. Nhưng từ nơi tạm giam, Ông đã gởi ra lời xin lỗi như sau:
Từ Bùi Thanh Diễm Ngọc
Ngày 28.07.2023
LỜI XIN LỖI CHÂN THÀNH
- Trong 2 ngày làm việc với cơ quan an ninh, mình có nhận được lá thư anh Ngọc gửi, đây là lá thư cuối cùng trong lúc tạm giam anh nỗ lực viết ra cho gia đình. Mình xin tóm ý như sau:
1. Anh Ngọc vô cùng cảm ơn những anh chị em đã quan tâm lên tiếng thương yêu anh những ngày qua. Đó là niềm an ủi vô cùng lớn trong lúc khó khăn. Bên cạnh đó, Anh Dương Tuấn Ngọc xin gửi lời Xin lỗi chân thành đến những anh chị em xem clip, anh chị em Công Giáo - khi mà cách truyền đạt thông điệp của anh đã làm cho mọi người tổn thương, phẫn nộ hay tranh cãi. Anh Mong mọi người bình tâm, yêu thương và gắn kết nhau hơn, đó là giá trị nhân bản tốt đẹp mà mọi tôn giáo đều hướng đến.
2. Mục đích của Page thực dưỡng hiện đại anh lập ra là để lan tỏa phương pháp thực dưỡng, ăn đúng để mọi người tự chữa lành những căn bệnh về lối sống, cho nên anh muốn mình hãy giữ đúng tiêu chí kiến thức thực dưỡng trong những năm tháng sắp tới.
3. Thời điểm hiện tại, Anh đau lòng khi không thể che chở cho vợ con cả về vật chất và tinh thần. Anh càng không muốn vì anh là nguyên nhân mà mẹ con mình bị đe dọa và sống bất an trong suốt thời gian qua. Anh yêu cầu mình xóa tất cả bài viết liên quan đến anh trên page này. Hai mẹ con chỉ cần sống bình an đợi anh về là ước mơ lớn nhất của anh.
Những thông tin về anh mình sẽ cập nhật riêng cho bạn bè người thân và không đăng lên trang này nữa. Những bài viết trước mình sẽ xóa như mong muốn của anh. Gia đình luôn yêu thương và ủng hộ mọi quyết định của anh. Thương anh của em, trong lúc khó khăn nghiệt ngã nhất, vẫn lo lắng hết lòng cho hai mẹ con em. Mong anh khỏe mạnh sớm trở về.
Cảm ơn tất cả anh chị em đã đọc. Mong mọi người hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh gia đình mình.
Bùi Thanh Diễm Ngọc .
Anh Dương Tuấn Ngọc xin lỗi người công giáo, sau phát ngôn báng bổ xúc phạm Thiên Chúa
Trong niềm tin Công Giáo: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!” và giới răn yêu thương kẻ thù!
- Cao điểm cũng như chóp đỉnh của tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa mời gọi, đối với Chúa Giê-su trong Bài Giảng Trên Núi, chính là giới răn yêu thương kẻ thù: “Khi ấy, Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”(Mt 5,43-44). Chúa đã mời gọi mọi người thực thi và sống giới răn yêu thương kẻ thù cách triệt để. Điều này tương hợp với lời mà Chúa mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chính Chúa Giê-su đã sống lời mời gọi của Ngài, khi Chúa cầu xin Thiên Chúa trên trời tha cho các người hành quyết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thật vậy, lời của Chúa Giê-su trên thánh giá là lời sống. Lời sống được nói từ Thánh Giá cho ta thấy một cách thật ngỡ ngàng tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu. Trước khi suy niệm về lời sống này của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, tinh thần yêu thương kẻ thù là một đòi hỏi khó khăn nhất mà Chúa Giê-su trao lại cho chúng ta. Tuy nhiên tinh thần yêu thương kẻ thù lại là điều răn trung tâm nhất của Ki-tô giáo. Điều răn này được cấy rễ trong chiều sâu nhất của Giáo Lý Ki-tô giáo, và vì thế tinh thần này trở thành nét đặc biệt trong cách sống của người Ki-tô hữu. Theo ý kiến của các Giáo Phụ, thì giới răn yêu thương kẻ thù là một nét mới và đặc sắc của Ki-tô giáo đối với Cựu Ước và các triết lý ngoại giáo. Trong thư thứ hai của Clemen có nói: Ai không yêu thương kẻ thù của mình, thì người đó không phải là Ki-tô hữu. Giáo Phụ Tertullian gọi giới răn yêu kẻ thù là giới răn nền tảng, và đối với Chrystosomos thì yêu kẻ thù là tóm tắt toàn bộ các nhân đức.
Tìm hiểu câu Kinh Thánh: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái!”
-Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái là một cụm từ trong giáo lý Kitô giáo khi đề cập đến thái độ ứng phó trước sự xúc phạm mà không trả thù. Câu nói này của Chúa Giêsu trích từ bài giảng trên núi được ký thuật trong Phúc Âm Mátthêu là đồng nghĩa với câu "hãy yêu thương kẻ thù" và là nghịch đảo của câu "Mắt đền mắt, răng đền răng".
“38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
Chia sẻ Bài Tin Mừng này:
Có thật là phải chìa má này nếu bị vả má kia? (Mt 5, 39)
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” Mt 5,39
Một số đông người Kitô giáo lẫn ngoài Kitô giáo vẫn còn hiểu nhầm ý “chìa má khác” cho người trong đoạn Tin Mừng Matthêô 5,39 này.
Sự thật là Chúa Giêsu đang sử dụng một “mánh” giảng dạy thông thường của các thầy rabbi, lối nói “thậm xưng” để nhấn mạnh một điểm quan trọng. Ngài không có ý muốn nói câu ấy theo nghĩa đen, nghĩa mặt chữ. Thực tế, Chúa Giêsu cũng đã sử dụng lối nói này trong suốt Bài giảng trên núi. Một vài ví dụ khác thuộc lối nói này ngay trong Bài giảng trên núi:
1. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi … (Mt 5,29)
Bạn có thật sự nghĩ rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta móc mắt ném đi không? Không! Ngài nói quá đi một chút để nhấn mạnh rằng chúng ta phải loại bỏ tất cả những chướng ngại để phục vụ Thiên Chúa.
2. … Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi … (Mt 5,30)
Có ai đi diễn thuyết hô hào mà lại khuyên người ta chặt cả tay nhân danh Chúa Giêsu?
3. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả … Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không”… (Mt 5,34-37)
Chính Chúa Giêsu cũng tôn trọng lời buộc phải thề của vị Thượng Tế trong Mt 26,63: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi bắt ông thề phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không” (Trong sách Lêvi 5,1, chúng ta thấy có nói đến “lời thề tuyên thệ” mà vị Thượng Tế có quyền bắt ai đó phải thề để làm chứng). Nếu Chúa Giêsu dạy lời thề là bất hợp pháp và vô luân thì Ngài đã không trả lời, hoặc chống chế và nói rõ rằng mình không đồng ý với quan niệm về lời thề.
Thật sự ý nghĩa mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là lời thề không cần thiết đối với các tín hữu bởi vì tín hữu là phải trung thực. Tuy nhiên, vì sự dữ vẫn còn hiện diện hiện diện trong thế giới này nên lời thề vẫn còn cần thiết. Nhưng bạn không nên áp dụng ý nghĩa này cho những lời trong Mt chương 5 này.
4. … Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài … (Mt 5,40)
5. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi (Mt 5,42).
Bạn có thực sự tin rằng Chúa Giêsu có ý muốn nói chúng ta phải cho vay hay đưa tiền cho bất cứ ai xin? Nếu thế thì mọi kitô hữu sẽ phải phá sản hết và không nuôi nổi gia đình! Không! Ngài dùng lối nói thậm xưng để dạy rằng kitô hữu cần phải tỏ ra quảng đại.
6. … Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo… (Mt 6,3-4)
Chúa Giêsu có thật sự muốn nói đừng để ai biết những gì mình đã cho? Thế tại sao Ngài lại khen bà góa nghèo đã cho trong Mc 12,42-43? Hoặc tại sao trong sách Cv chương 5 các tông đồ đã công khai số của cải dâng cúng khi Khanania và Saphira bị buộc tội nói dối về những gì họ thật sự dâng cúng? Như vậy là phải nói cho người ta biết những gì mình dâng cúng!
Thật sự ở đây Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng chúng ta nên cho vì tình yêu Thiên Chúa và vì tha nhân chứ không phải vì háo danh.
7. … Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo… (6:6)
Có thật Chúa Giêsu kết án việc cầu nguyện nơi công cộng? Nếu thế thì Ngài tự kết án mình rồi! Ngài đã từng cầu nguyện công khai ở vườn Giếtsêmani (Mc 14,32-42); Ngài cầu nguyện công khai khi làm cho Lazarô sống lại từ cõi chết trong Ga 11,41-43. Các tông đồ cũng thường cầu nguyện công khai (xem Cv 1,24; 4,31; 6,6; 20,36, etc.).
Chúa Giêsu dùng lối nói thậm xưng ở đây có ý nhấn mạnh rằng việc cầu nguyện đừng bao giờ là một màn trình diễn để cho người ta trông thấy.
8. Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, … (Mt 6,19-20)
Chúa Giêsu kết án nhà băng và các tài khoản nhà băng sao? Điều này thật khó phù hợp với “dụ ngôn những yến bạc” của Chúa Giêsu trong Mt 25,27: “thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”
9. …đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao (Mt 6,25-26)?
10. Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! (Mt 6,28-30)?
Nếu ta cứ lý luận rằng câu “chìa má khác cho người ta đánh!” phải được hiểu theo nghĩa đen thì ta cũng phải cho rằng Chúa Giêsu kết án việc nhà nông hoặc ngay cả việc gieo hạt trong những câu này. Bọn chim chóc chúng nó chẳng làm gì cả mà Thiên Chúa chăm sóc chúng hết kia mà!
Chúa Giêsu cũng đã kết án việc may mặc. Thế chúng ta cứ trần truồng cả đi rồi Thiên Chúa sẽ mặc cho chúng ta chắc?
Thật là nực cười! Chúng ta đều biết rằng Thiên Chúa kết án việc lãng quên Thiên Chúa và sự Quan Phòng của Ngài trong tất cả những công việc này. Nếu chúng ta cứ hiểu một vài điều trong Bài giảng trên núi theo nghĩa đen thì tại sao không hiểu hết các điều khác chứ?
Kết luận
Toàn bộ Bài giảng trên núi có thể được tóm kết trong Mt 6,33: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” Ý tưởng chính ở đây là Thiên Chúa phải ưu tiên trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.
Khi chìa má khác cho người, Chúa Giêsu không bảo chúng ta phải nhu nhược hay chủ hòa. Thực tế, trong Lc 22,36-38, Ngài bảo các tông đồ hãy “tuốt gươm” để tự vệ. Thực sự trong câu 50-51, Chúa Giêsu bảo Phêrô ném gươm đi thì cũng chỉ vì Phêrô manh động và làm trái ý Ngài. Ngài từng nói với các môn đệ rằng ý Thiên Chúa muốn Ngài phải đau khổ và phải chết (xem Lc 9,44; 18,32, etc.). Phêrô hành động trái với ý muốn mà Ngài đã mạc khải. Nhưng những lời này không phủ nhận sự kiện là Chúa Giêsu bảo Phêrô và các môn đệ hãy tuốt gươm để tự vệ.
Chúa Giêsu cũng ca ngợi lòng tin của viên đại đội trưởng Roma trong Mt 8,8tt. Không bao giờ Ngài nói rằng phục vụ trong quân đội là sai. Sự thật là với câu nói “hãy chìa má khác” cho người, Chúa Giêsu dùng lối nói thậm xưng để dạy chúng ta nên là những người kiến tạo hòa bình. Chúng ta luôn tìm kiếm hòa bình ngay cả khi có đôi lúc sự tự vệ và chiến tranh là điều cần thiết (xem Gv 3,3.8: “một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng”; “một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà”)
(Bài của Tim Staples, Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ)
Tin Cộng Ðồng
Arizona Nóng Chưa Từng Thấy: Người Dân Chống Chọi Thế Nào?
(Hình: Một trạm cấp nước ở Phoenix đang phát nước cho người vô gia cư trong lúc niệt độ lên đến trên 115 độ F.)
Người dân Arizona khổ sở trong nắng nóng nung người với cuộc sống đảo lộn, còn chính quyền thì tìm mọi cách giúp đỡ người vô gia cư trong lúc nhiệt độ tăng cao liên tục phá vỡ các kỷ lục, theo tìm hiểu của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Phoenix, thành phố lớn nhất tiểu bang Arizona, được biết đến là xứ nóng, nhưng tháng Bảy năm nay lại là chưa từng thấy – không chỉ vì nhiệt độ cao nhất, mà là vì trời nóng liên tục không ngừng.
Cho đến ngày 25/7, Phoenix đã trải qua 26 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 110°F (trên 43°C), phá vỡ kỷ lục 18 ngày liên tục được ghi nhận hồi tháng 6 năm 1974. Và kỷ lục này có thể còn tăng nữa đến cuối tuần này.
Tháng 7 năm 2022 có nhiệt độ trung bình 95,3°F (35oC). Tờ Washington Post dẫn dự báo cho thấy Phoenix có thể kết thúc tháng 7 năm nay với nhiệt độ trung bình 102,7°F (39oC) – mức cao kỷ lục. Phoenix có thể sẽ trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ có nhiệt độ trung bình hàng tháng cao hơn 100°F (37oC).
Từ đầu năm đến nay, đã có 18 người chết vì những lý do liên quan đến nắng nóng và 69 ca tử vong khác đang được điều tra, theo báo cáo nhiệt hàng tuần của Hạt Maricopa, nơi có thành phố Phoenix.
'Như Trong Lò Nướng'
"Có cảm giác như đang trong lò nướng", ông Eric Brickley, làm việc cho tổ chức thiện nguyện Feed Phoenix, nói với tờ NPR. Tổ chức này đã mở các trạm cấp nước khắp thành phố, phát nước và nước đá cho người vô gia cư cũng như bất cứ ai cần.
"Về cơ bản đó là thứ duy nhất để giúp người ta thoát chết. Ở một số nơi tiết trời quá nóng và chết chóc đến nỗi nếu không có nước đá thì họ sẽ chết ngay cả khi ở trong bóng râm".
Tờ New York Times kể về trường hợp của cô Rachelle Williams, vốn đã phát ngán với công việc đi phát thư vào mùa Đông ở tiểu bang Indiana giá lạnh nên vào năm 2019, cô đã chuyển đến Arizona sống, hòa vào dòng người ồ ạt chuyển đến tiểu bang này, giúp biến Phoenix trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất nước Mỹ.
Cô đã bắt đầu cảm thấy tiếc về quyết định này khi nhiệt độ ở Phoenxi lên 110°F (43oC) liên tiếp trong nhiều ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cô mặc áo dài tay, đeo găng tay đen và chiếc mũ che rộng vành với miếng che cổ để tránh nắng khi đi trên đường. Nhưng cho dù cô có uống bao nhiêu nước đi nữa, chân cô ấy vẫn nóng rang và đầu cô ấy quay cuồng.
Mùa hè ở Phoenix bây giờ là sự thử thách sức chịu đựng một cách tàn nhẫn. Khi thời tiết nóng lên, các nhà dự báo thời tiết nói rằng mức nhiệt nguy hiểm sẽ kéo dài hơn nữa, có thể là qua lễ Halloween.
Trong thời tiết lên đến hơn 40°C, thanh xà ngang làm phỏng tay trẻ em, chai nước cong quắp lại và dây an toàn trên xe có cảm giác như sắt nóng. Những người đam mê chạy bộ đeo đèn pin trên đầu để ra đường vào lúc 4 giờ sáng, khi nhiệt độ còn ở mức 90°F, và khi về tới nhà người họ ướt đẫm mồ hôi và nhanh chóng kéo màn cửa xuống. Các khu phố trông như thị trấn ma vào giữa trưa, với những chiếc điều hòa chạy ầm ầm trên mái là dấu hiệu duy nhất của sự sống.
Số ngày nắng nóng khắc nghiệt cũng đang tăng lên. Vào đầu những năm 1900, trung bình một năm Phoenix chỉ có 5 ngày có mức nhiệt từ 110°F (43oC) trở lên, New York Times dẫn lời Erinanne Saffell, nhà khí tượng học ở Arizona, cho biết. Trong những năm gần đây, thành phố trải qua trung bình 27 ngày nóng hơn 110°F một năm.
Phoenix đã cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng cách mở một cơ quan chuyên đối phó nắng nóng – mô hình đầu tiên ở nước Mỹ. Nỗ lực của họ bao gồm trồng cây ở những nơi không có bóng râm, đưa trở lại các đường phố hấp thụ nhiệt với vỉa hè phản chiếu và phát khăn, nước cho người dân.
"Ưu tiên của chúng tôi là đưa mọi người vào nơi trú ẩn. Nhờ quan hệ đối tác của chúng tôi với chính quyền Biden, chúng tôi hiện có hàng trăm triệu Mỹ kim để đầu tư cho các nhà tránh nóng có máy lạnh. Chúng tôi có mạng lưới các trung tâm làm mát – khoảng 60 đến 62 cái trong vùng", Thị trưởng Phoenix Kate Gallego nói trên NPR.
Cuộc Sống Đảo Lộn
Cô Thảo Hà, thợ làm móng tay vốn sống ở Phoenix đã hơn 10 năm, nói với VOA rằng 'chưa bao giờ nắng nóng kéo dài như năm nay'.
"Trời nóng quá mấy cái cây mình trồng đa số cháy lá. Chỉ còn một số ít còn sống thôi, còn nhiều cây bị chết", cô nói.
Cô cho biết thời gian nóng nhất trong ngày là tầm 4 giờ chiều và mặc dù buổi tối có mát hơn nhưng 'mức nhiệt vẫn hơn 100 độ'. Trong thời tiết đó, cô nói hóa đơn tiền điện của nhà cô đã 'tăng thêm 40%'.
"Gia đình tôi không đi ra ngoài, chỉ đi khi có việc cần thôi, mà mỗi lần cần đi thì phải mở máy xe lên cho mát một lát rồi mới dám bước lên xe", cô nói thêm và cho biết các con cô cả tháng nay ở luôn trong nhà chứ không còn đi bơi như tháng trước nữa.
Thời tiết nắng nóng khiến nhiều người dân Phoenix đi chơi sang các tiểu bang khác có khí hậu mát hơn trong mùa Hè nên tiệm làm móng của cô 'vắng khách hơn bình thường', cũng theo lời cô Thảo.
Theo quan sát của cô chính quyền có mở những trung tâm cư trú cho người vô gia cư 'nhưng vẫn không đủ' và 'nhiều trung tâm cư trú không mở liên tục 24/24'.
'Máy Lạnh Làm Không Không Kịp'
Cũng từ Phoenix, anh Dũng Vũ, thợ sửa máy lạnh mới chuyển từ tiểu bang California sang Arizona, mô tả với VOA về cái nóng mà anh cho là 'không chịu nổi'.
"Bước ra đường buổi trưa có cảm giác da mình đang bị cháy. Nếu ai mà không đội nón thì sau một lúc có thể bị cháy tóc", anh Dũng nói. "Nắng nóng quá khiến mình thấy chóng mặt, nếu người thiếu nước thì sẽ bị buồn nôn".
Anh cho biết bình thường ngoài đường không có ai cả, mà nếu ai phải ra đường thì phải che chắn khắp người hoặc phải nhảy lên xe. "Phải bôi kem chống nắng, mặc áo dài tay, đeo kính, đội mũ", anh cho biết.
"Nếu không đeo kính thì sẽ bị lóa mắt, không nhìn thấy đường, mắt sẽ nổ hột trắng", anh giải thích. "Còn nếu không đội nón sẽ bị nóng đầu, dẫn đến say nắng có thể nhập viện".
Tuy nhiên, anh nói công việc anh bận rộn hơn nhiều sơ với lúc ở California và tiết trời nắng nóng là cơ hội để anh 'hốt bạc'. "Ai cũng gọi mình đến làm. Làm không kịp luôn. Nhu cầu sửa hay lắp máy lạnh tăng hơn khoảng 30-40%", anh cho biết.
"Lúc nào trong nhà cũng mở máy lạnh 24/24 thì máy lạnh sẽ bị hư nhanh hơn. Nhờ vậy mình có khả năng kiếm tiền nhiều hơn".
Anh nói khi chuyển sang Arizona, anh đã được chủ cho học một khóa về cách bảo vệ bản thân trước cái nóng, cho thời gian nghỉ ngơi lâu hơn, cho đi làm sớm hơn từ lúc 4-5 giờ sáng để được nghỉ ngơi sớm hơn.
"Phải uống nước nhiều. Lúc nào cũng giữ hơi thở đều đặn cho cơ thể hạ nhiệt", anh giải thích.
"Trời nóng làm mình mệt nhanh hơn, nên vì thế lúc nào mình cũng phải uống nước thường xuyên. Nếu cảm thấy mệt quá thì phải dừng lại vô chỗ mát nghỉ ngơi xong rồi mới được làm tiếp".
Theo lời anh thì do hầu hết mọi người ở trong nhà nên những người làm những công việc như chạy Uber hay giao đồ ăn 'kiếm được nhiều tiền hơn'.
Người thợ máy lạnh này bày tỏ nếu không vì mục tiêu kiếm tiền thì anh đã bỏ về California rồi vì 'nắng nóng kinh khủng'. "Vì cuộc sống, vì tương lai nên tôi phải chấp nhận thôi", anh giãi bày.
Texas Bị Kiện Về Luật Cấm Sách Khiêu Dâm Trong Trường Công
(Hình: Học sinh lớp song ngữ Anh-Tây Ban Nha tại Trường Tiểu học Hanby ở Mesquite, Texas, Hoa Kỳ.)
-Một liên minh gồm các nhà bán sách, tác giả và nhà xuất bản kiện Texas, tìm cách ngăn chặn một luật mới của tiểu bang cấm sách "khiêu dâm rõ ràng" trong các trường công lập.
Luật được cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua vào tháng 5 năm nay và sẽ có hiệu lực vào tháng 9, yêu cầu người bán xếp hạng sách dựa trên các đề cập đến tình dục và trao quyền cho Cơ quan Giáo dục Texas xem xét các xếp hạng đó. Các nhà cung cấp không tham gia sẽ bị cấm bán sách cho các trường học ở Texas.
Bất kỳ cuốn sách nào được xếp hạng "khiêu dâm rõ ràng" đều không được bán cho các trường công lập và phải được thu hồi khỏi các thư viện.
Luật này là một trong nhiều luật được thông qua tại các tiểu bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát nhằm hạn chế những cuốn sách mà phe bảo thủ cho rằng có chứa nội dung không phù hợp với lứa tuổi trong các chủ đề như tình dục, LGBTQ và chủng tộc. Các nhà phê bình cho rằng các lệnh cấm này là chủ quan và dẫn đến sự kiểm duyệt có động cơ chính trị.
Vụ kiện mới, được đệ trình lên tòa án liên bang ở Austin hôm 25/7, khẳng định rằng luật đó "bắt buộc các nguyên đơn thể hiện quan điểm của nhà nước cho dù là họ không đồng ý" và như vậy là vi phạm các quy định bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất.
Theo đơn kiện, các tiêu chuẩn cho những gì bị xem là "khiêu dâm rõ ràng" cũng mơ hồ một cách vi hiến.
Đơn kiện nói theo lịch sử và tiền lệ của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, chính phủ không được chỉ thị cái gì được phép hay không được phép trên phương diện tư tưởng.
Thống đốc Cộng hòa Greg Abbott nói luật Texas bảo vệ trẻ em, "quét rác rưởi ra khỏi trường học của chúng ta" khi ông ký luật vào tháng Sáu.
Cơ quan Giáo dục Texas và văn phòng của ông Abbott không trả lời yêu cầu bình luận hôm 26/7.
Hồi tháng 5, Văn bút Mỹ (PEN America) và những người khác đã kiện một học khu ở Florida vì cấm các cuốn sách đề cập đến LGBTQ và các vấn đề chủng tộc. Một vụ kiện khác ở Arkansas nhắm vào luật yêu cầu các thư viện và hiệu sách phải tách biệt bất kỳ tài liệu nào có thể "gây hại" cho trẻ vị thành niên ra một khu vực riêng.
Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ báo cáo có 1.269 yêu cầu kiểm duyệt sách và tài nguyên thư viện trong năm 2022, con số cao nhất kể từ khi tổ chức này bắt đầu theo dõi dữ liệu đó hơn 20 năm trước.
Tin Việt Nam Hôm Nay
Việt Nam cấp phép thương mại cho 2 vắc-xin nội địa đầu tiên ngừa bệnh tả lợn châu Phi
(Hình: Việt Nam giới thiệu vắc-xin ngừa tả lợn châu Phi ở Hà Nội hôm 3/6/2022.)
-Việt Nam vừa phê duyệt việc sử dụng thương mại ở trong nước 2 loại vắc-xin được chế tạo nội địa để ngừa dịch tả lợn châu Phi, chính phủ cho biết hôm thứ Hai 24/7. Với quyết định này, 2 loại vắc-xin trở thành những vắc-xin thương mại đầu tiên trên thế giới phòng ngừa căn bệnh gây ra chết chóc.
Hai vắc-xin bao gồm NAVET-ASFVAC, do Công ty Thuốc Thú y Trung ương Navetco và các nhà khoa học của Mỹ đồng phát triển, và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam phát triển, chính phủ cho hay trong một tuyên bố.
Việc phê duyệt vắc-xin có thể mở đường cho việc bán ra nước ngoài, một bước đột phá lớn để giải quyết căn bệnh gây ra chết chóc thường xuyên tàn phá các trang trại lợn trên thế giới.
Dịch tả lợn châu Phi trong nhiều năm đã làm gián đoạn thị trường thịt lợn toàn cầu trị giá 250 tỷ đô la. Trong đợt dịch tồi tệ nhất năm 2018-2019, khoảng một nửa đàn lợn đã chết ở Trung Quốc, là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, gây thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đô la.
Bộ nông nghiệp Việt Nam đã đề nghị hai công ty sở hữu vắc-xin xây dựng kế hoạch sản xuất để bán trong nước và xuất khẩu, tuyên bố của chính phủ cho hay.
Hơn 650.000 liều vắc-xin gần đây đã được thử nghiệm trên đàn lợn ở 40 tỉnh, với tỷ lệ hiệu quả là 95%, theo chính phủ.
"Hai loại vắc-xin đủ điều kiện lưu hành và sử dụng trên toàn quốc", Bộ Nông nghiệp nói trong tuyên bố.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack cho biết hồi tháng trước rằng Hoa Kỳ có thể sẽ quan tâm đến việc mua vắc-xin để dự phòng, mặc dù cho đến nay quốc gia này chưa bị virus gây ra ảnh hưởng.
Thượng nghị sĩ Mỹ cảnh báo về ‘nội dung tuyên truyền’ trong phim Barbie mà Việt Nam cấm chiếu
(Hình: Thượng nghị sĩ Deb Fischer.)
-Thượng nghị sĩ Deb Fischer, một thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, hôm 26/7 nói với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng những bộ phim như Barbie có khả năng chứa “nội dung tuyên truyền” của Trung Quốc và cảnh báo về sức lan tỏa của các kế hoạch độc tài của Trung Quốc trong những thông điệp dường như vô hại, NCN đưa tin.
Sự kiện này diễn ra sau khi bộ phim Barbie hồi đầu tháng này bị Việt Nam cấm chiếu vì lý do trong phim có xuất hiện hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò (còn gọi “đường chín đoạn” – yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền).
“Đầu tháng này, những nỗ lực tuyên truyền không ngừng nghỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại một lần nữa trở thành chủ đề hàng đầu trong các cuộc thảo luận quốc tế”, nữ Thượng nghị sĩ Fischer nói tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 26/7 về tầm quan trọng của việc đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ngành giải trí.
“Chính phủ độc tài Trung Quốc không do dự đàn áp những người đối lập trong nước, mà sự kiểm duyệt và tuyên truyền của họ còn lan rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng một loạt các phương tiện quỷ quyệt để chuyển những thông điệp của họ ra khỏi biên giới quốc gia. Mối lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc xâm nhập vào Hollywood đang tiếp tục gia tăng. Vấn đề này bùng lên một lần nữa trong tháng này. Tại sao? Chỉ gọn một từ thôi: Barbie”, nữ thượng nghị sĩ Mỹ nói.
“Một bộ phim về búp bê nhựa là ý tưởng sau cùng mà bạn nghĩ sẽ có những câu hỏi về an ninh quốc gia nảy sinh. Nhưng điều đó đã xảy ra”, bà Fischer nói thêm.
Trong bài phát biểu, Thượng nghị sĩ Fischer nhấn mạnh các ví dụ về khả năng tuyên truyền của Trung Quốc trong các bộ phim nổi bật như bộ phim Barbie và sự nguy hại của các kế hoạch của Trung Quốc trong các thông điệp có vẻ như vô hại.
Bà nói Barbie là một bộ phim tuyệt vời và được người Mỹ yêu thích, nhưng nó đã “đi quá xa” khi chứa đựng hình ảnh được mô tả “giống như đường chín đoạn”, và “Hollywood phải nhận thức rõ hơn về những cách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc có xu hướng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của mình”.
Nữ thượng nghị sĩ Mỹ cũng nhắc đến quyết định cấm chiếu phim Barbie tại Việt Nam và mối lo ngại của Philippines về bộ phim này.
“Việc sử dụng đường [chín đoạn] này là nguyên nhân gây ra sự nhạy cảm về địa chính trị”, bà Fischer nói.
“Bất chấp nội dung của bộ phim Barbie, những cáo buộc về tuyên truyền của Trung Quốc ở Hollywood không phải là trò trẻ con. Trung Quốc tiếp tục lợi dụng mạng lưới truyền thông toàn cầu chưa từng có của chúng ta để gây thiệt hại thực sự”, nữ thượng nghị sĩ Mỹ nói thêm.
Đưa ra những cảnh báo trên trong bài phát biểu, bà Fischer nói “đây không phải là một thuyết âm mưu”, mà đó là chiến lược của Trung Quốc, và giới quốc phòng nhận thức rõ rằng Trung Quốc đang duy trì một bộ máy tuyên truyền được bôi trơn kỹ càng, ăn sâu vào trong các phương tiện truyền thông hiện đại.
Bà nói với tư cách là thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, bà đã thành công với hai Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng gần đây nhất nhằm ngăn Bộ Quốc phòng Mỹ dính dáng vào các dự án giải trí có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã ban hành các quy định mới về cách thức cung cấp hỗ trợ cho các dự án giải trí, và Bộ này hiện bị cấm hỗ trợ cho các dự án giải trí được cho là bị kiểm duyệt nội dung một cách nghiêm trọng nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam và Các Nước Khác Trong Khu Vực, Tiếp Tục Bị Tàu Trung Quốc Xâm Nhập Như Chỗ không Người!
(Hình: Vị trí của các đội tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển phía Nam Việt Nam, tàu Shi Yan 6 khảo sát EEZ Việt Nam tuần trước và tàu Tan Suo Yi Hao ở phía Đông Phi Luật Tân.)
-Theo dữ liệu AIS mà RFA và một số nhà quan sát tình hình Biển Đông ghi nhận được, cuối tháng 7/2023, Trung Quốc tiếp tục các đợt xâm nhập vào Vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, Phi Luật Tân và các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Hôm 26/7 ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford, thông báo trên Twitter:
"Có 19 tàu của Trung Quốc, thuộc các đội tàu Gui Bei Yu, Yue Lian Yu & Gui Fang Yu, tiến hành đánh bắt cá trái phép ngoài khơi bờ biển phía Nam của Việt Nam hôm nay. Tất cả đều nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Nhưng có khả năng các chiếc tàu này không xin phép Chính phủ Hà Nội vì khu vực này nằm trong yêu sách đường 9 đoạn khổng lồ của Trung Quốc".
(Hình: Vị trí của 3 đội tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp trong EEZ của Việt Nam, 27/7/2023.)
Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng sử dụng dữ liệu AIS để theo dõi hoạt động của lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam kiểm soát hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc ở thời điểm cuối tháng 7 này, ông Raymond Powell cho biết:
"Tôi không thể phát giác ra sự tương tác hiện tại giữa các tàu đánh cá Trung Quốc này và các tàu Kiểm ngư của Việt Nam. Trước đây, tôi đã từng thấy lực lượng giám sát nghề cá hoạt động gần các tàu đánh cá Trung Quốc trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, nhưng họ không tỏ ra cản trở hoạt động của các tàu đánh cá này".
Một viên chức Việt Nam không muốn nêu tên nói tàu Kiểm ngư Việt Nam thường tắt tín hiệu định vị AIS để giữ bí mật, nhằm dễ dàng theo dõi tàu đánh cá Trung Quốc. Tuy vậy, trước diễn biến 3 đội tàu đánh cá Gui Bei Yu, Yue Lian Yu và Gui Fang Yu đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam hiện nay, sẽ khó hiểu vì sao tàu Kiểm ngư Việt Nam lại cần tắt tín hiệu để dễ dàng theo dõi tàu đánh cá Trung Quốc ở đó. Ông Raymond Powell nêu phán đoán của mình với RFA:
"Tôi có cảm giác Việt Nam đã từ bỏ một phần ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nếu chúng ta nhận được bình luận từ Chính phủ Việt Nam thì sẽ rất thú vị, bởi vì họ phải cho biết liệu họ có cho phép hoạt động đó hay không. Một lần nữa, tôi cho là Trung Quốc không xin phép Hà Nội, vì Trung Quốc tuyên bố vùng biển mà họ đang đánh bắt cá là của họ do nằm trong đường 9 đoạn, nên việc xin phép Việt Nam sẽ đi ngược lại yêu sách đó".
Trong một diễn biến khác, đồng thời với hoạt động của 3 đội tàu đánh cá trong vùng EEZ của Việt Nam, tàu khảo sát của Trung Quốc Shi Yan 6 đã xâm nhập vào Vùng đặc quyền Kinh tế của Philipines từ 7/7/2023. Chiếc tàu này khảo sát ở đó và vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa liên tục 10 ngày, rồi xâm nhập và khảo sát trong vùng EEZ của Việt Nam trong hai ngày 17 và 18 tháng 7, rồi quay trở lại vùng EEZ của Phi Luật Tân. Hôm nay 27/7, chiếc tàu này quay trở lại căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Song song với hoạt động của Shi Yan 6, tàu khảo sát Tan Suo Yi Hao cũng tiến hành khảo sát vùng biển các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi của RFA về khu vực tàu Shi Yan 6 khảo sát ở vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa, một khu vực hiếm khi Trung Quốc khảo sát trước đây, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nói ông cần tham khảo thêm các chuyên gia khảo sát thủy văn để hiểu về hoạt động lường và mô tả các đặc điểm vật lý của các vùng nước và các vùng đất tiếp giáp với các vùng nước đó. Về hoạt động của tàu Tau Suo Yi Hao đang khảo sát phía Đông Phi Luật Tân, ở vùng biển các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, diễn ra đồng thời với hoạt động của Shi Yan 6 và các đội tàu đánh cá Trung Quốc trong EEZ Việt Nam, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á Châu ở Trung tâm CSIS, nhận xét:
"Khó có thể nói điều gì nếu chỉ căn cứ trên những hoạt động này. Tuy vậy, các tàu khảo sát của Trung Quốc đã dành nhiều thời gian để tiến hành các cuộc khảo sát đáy biển ở phía Đông Phi Luật Tân trong những năm gần đây. Có lẽ họ muốn hiểu rõ hơn về các điểm đi ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Đó là khu vực họ hi vọng sẽ cho lực lượng tàu ngầm hoạt động".
RFA từng đọc được một số bản tin trên truyền thông nhà nước về việc lực lượng biên phòng Việt Nam bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc đánh cá trái phép trong Vùng đặc quyền Kinh tế Việt Nam. Ví dụ, năm 2016 có bản tin "trong chuyến tuần tra 17 ngày, biên phòng Hải Phòng đã xua đuổi 112 lượt tàu đánh cá Trung Quốc, đồng thời lập biên bản cảnh cáo, phóng thích đối với 22 tàu đánh cá vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam", năm 2020, có tin Quảng Ninh bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không thấy có những bản tin như vậy.
Lại Câu Chuyện Giáo Dục: Sao Cả Trăm Ngàn Trẻ Tiểu Học Lưu Ban?
(Hình: Học sinh lớp Một trong ngày khai giảng tại một trường Tiểu học ở Hà Nội.)
-Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam mới đây cho biết, cả nước có 105.734 học sinh Tiểu học chưa hoàn thành chương trình lớp học, trong đó khối lớp 1 nhiều nhất với 52.456 học sinh.
Theo Vụ Giáo dục Tiểu học, sở dĩ con số cao như vậy là do việc thực hiện đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vụ Giáo dục Tiểu học cũng cho rằng, điều này phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.
Với con số hơn một trăm ngàn học sinh Tiểu học có nguy cơ bị lưu ban, nhiều người cho đây là tin vui bởi không còn bệnh thành tích, nhưng nhiều người khác lại cho là tin không vui, bởi đó là bộ mặt thật của giáo dục Việt Nam với chương trình giáo dục không phù hợp.
Thầy giáo Ngọc Sơn nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
"Thật ra là học sinh Tiểu học ở lại lớp thì nó cũng có từ nhiều năm trước rồi, nhưng có lẽ chưa có một cái thống kê chính thức thôi.
Cái quan trọng là nguyên nhân dẫn đến việc các cháu cấp một phải ở lại. Nó có nhiều nguyên nhân lắm. Ví dụ bây giờ là bệnh thành tích, con nít phải biết chữ trước khi vào lớp một. Còn nếu mà chưa biết chữ thì khi vào lớp một hầu như bị thầy cô bỏ bê luôn. Nếu cha mẹ mà không cho học thêm, học kèm thì chắc chắn các cháu nó sẽ lưu ban. Cái thứ hai nữa là các trường mầm non dạy vẹt cho trả. Nhiều đứa cầm sách đọc ro ro mà hỏi từng chữ thì cháu không biết. Những trẻ này lên lớp một sẽ rất khó để dạy lại vì cô giáo nghĩ cháu biết chữ. Mà phải nói thật là bây giờ rất hiếm giáo viên có tâm. Một khi học sinh đóng tiền học thêm là sẽ được lên lớp dù thực chất thì không có.
Còn một yếu tố nữa khiến trẻ không theo kịp chương trình học. Do những học sinh yếu kém sẽ được thầy cô kèm học vào mùa hè rồi cho thi lại. Có đứa thi hai, ba lần. Không ai bỏ công mà dạy nhiều nên cứ dạy qua loa rồi cho tụi nó thi, cho điểm rồi lùa lên lớp là xong việc".
Bệnh thành tích trong giáo dục ở Việt Nam từ nhiều năm qua bị coi là ngày càng tăng dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất. Tháng 4 năm 2021, báo chí nhà nước Việt Nam đăng tải thông tin về việc một số học sinh trường Trung học cơ sở Tân Mỹ, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp đọc viết khó khăn, dù đã học lớp 6 nhưng có chữ đọc được, chữ không. Có học sinh đã phải bỏ học vì mặc cảm không theo kịp bài. Ngay chính những em học sinh này cũng không biết vì sao bản thân lại được lên lớp.
Lý giải hiện tượng này, một lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo Đồng Tháp cho rằng, đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nhìn nhận việc gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp.
Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên phải lập kế hoạch giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Đối với học sinh đã được giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nêu quan điểm của ông với RFA:
"Theo quan điểm của tôi thì học sinh Tiểu học mà có nguy cơ bị lưu ban lên tới con số cả trăm ngàn như thế thì đúng là quá lớn. Bởi trẻ lớp một thật sự chỉ cần đến trường vui chơi, biết đọc biết viết đơn giản là đủ, nhưng chương trình lớp một của trẻ đã nhiều thứ lắm rồi, những bốn năm môn. Chuyện đó gây nặng nề cho trẻ.
Theo tôi, phải giảm chương trình học cho trẻ cấp 1 xuống còn một nửa thôi. Vừa rồi tôi mở thử cuốn sách toán lớp 4, tôi kinh hoàng vì chương trình quá nặng. Không hiểu khi soạn sách giáo khoa, các vị có thử đặt mình vào vị trí đứa trẻ lớp 4 xem có nuốt nổi không. Lớp 5 còn nặng nề hơn. Cải cách đâu không biết, chỉ biết làm khổ trẻ.
Đặc biệt có một phong trào rất tệ hại, đó là trẻ vào lớp một người ta đua nhau bắt trẻ phải biết đọc biết viết trước khi vào lớp một trong khi bộ giáo dục cấm không cho dạy chữ trước khi cho trẻ vào lớp một. Điều này dẫn đến việc nhiều trẻ vào lớp một đã biết đọc biết viết rồi, những trẻ khác chưa biết có thể có sự phân biệt đối xử dẫn đến giáo viên thẳng tay không cho cháu lên lớp.
Đấy là một hiện trạng xảy ra rất là nặng nề ở những nơi có điều kiện kinh tế tương đối phát triển".
Là một phụ huynh có hai con đang tuổi đến trường, ông Liêu Thái nêu quan điểm của mình với RFA:
"Hiện tại theo chương trình mà con tôi học thì tôi thấy không quá nặng nhưng cái cặp sách của nó thì quá nặng. Có rất nhiều môn không cần thiết nhưng lại là môn chính ở trong trường. Cho nên cái nguy cơ học sinh ở lại lớp rất là cao. Đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Nguyên nhân chính là bệnh thành tích. Có nghĩa là giáo dục Việt Nam nó giống như con rắn nuốt con nhái vậy. Chỗ nào có con nhái thì cho nó phình lên, phần còn lại thì teo tóp. Nghĩa là ở đâu có thi đua, có thưởng thì sẽ có thành tích. Cái thành tích đó nó không thật bởi mọi chỉ tiêu giáo dục tại Việt Nam đều mang hơi hướng chính trị với tính đảng rất cao. Do đó nó bị chi phối và nó không thật ngay từ trong bản chất.
Với con số hơn 100 ngàn học sinh Tiểu học có nguy cơ lưu ban thì sẽ có hơn 100 ngàn cái nhu cầu đến với giáo viên. Có thể là học thêm, có thể học kèm, có thể bằng cách này hay cách khác để đưa cho con mình lên lớp. Bởi vì một cái nền giáo dục nghe nó lớn lao lắm với tiêu chuẩn xóa mù chữ tại Việt Nam là đến lớp 12. Có nghĩa rối tất cả lại lên lớp.
Do đó theo tôi, việc rất nhiều học sinh có nguy cơ ở lại lớp không hẳn là một tín hiệu tích cực trong giáo dục đâu. Có thể chuẩn bị sẽ có một cái gì đó phía sau mà mình chưa biết. Nói tới giáo dục Việt Nam cho đến bây giờ thì chỉ gói gọn trong bốn chữ: Không hết bi quan!"
Việc có cả trăm ngàn học sinh Tiểu học lưu ban dẫn đến chuyện thiếu trường lớp trầm trọng hơn trong cả nước. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa 631 trường.
Còn ở Sài Gòn, tình trạng thiếu lớp, thiếu thầy đã được báo chí nhà nước đề cập đến. Theo đó, số liệu báo cáo của UBND Tp. HCM về công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024 cho thấy, toàn thành phố dự kiến tăng hơn 35 ngàn học sinh.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 13 tháng 7 năm 2023, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo Tp. HCM cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, Sở đã trình đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện.
Thể Thao Học Đường Không Có Trong Nền Giáo Dục Việt Nam
(Đinh Yên Thảo)
(Hình: Ủng hộ viên Việt Nam cổ vũ đội nhà.)
-Một số người giải thích về sự thất bại đoán trước của Việt Nam là vì đối thủ cao to hơn, hay nước họ đông dân và giàu hơn, hoặc họ được đầu tư, quan tâm hơn.
Đinh Yên Thảo
Trong khi đội nữ Nhật Bản trở thành đội đầu tiên đi tiếp vào vòng hai tại Giải Vô địch Túc cầu nữ Thế giới năm nay, đội Việt Nam xem như đã hoàn tất giấc mơ được đến và học hỏi trên đấu trường quốc tế sau khi thua tiếp Bồ Đào Nha. Dẫu vậy, lần đầu tiên tham dự World Cup cũng giúp cho Việt Nam hiểu hơn về khả năng của mình trên đấu trường thế giới, cũng như ít nhiều đã mang lại niềm cảm hứng cho nền túc cầu Việt Nam.
Một số người giải thích về sự thất bại đoán trước của Việt Nam là vì đối thủ cao to hơn, hay nước họ đông dân và giàu hơn, hoặc họ được đầu tư, quan tâm hơn.
Thể thao hay túc cầu nói riêng không có một câu giải thích dễ dàng như vậy, các yếu tố nêu ra đều cần thiết nhưng không một yếu tố riêng rẽ nào là câu trả lời chính xác duy nhất.
Bởi Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... đông dân gấp bội Nhật Bản, Nam Hàn nhưng chắc chắn túc cầu họ không thể sánh bằng. Còn giàu có thì phải kể đến các quốc gia như Thụy Sĩ, Qatar, Tiểu vương quốc Ả Rập... những nước có nền túc cầu còn yếu kém. Còn sắc dân cao nhất thế giới như Hòa Lan, Đan Mạch... thì chưa bao giờ vô địch thế giới. Hay nói đầu tư và khổ luyện thì chắc các nền túc cầu hàng đầu thế giới như Ba Tây, Á Căn Ðình... chẳng thể bằng Trung Quốc, quốc gia cộng sản luôn đầu tư và sử dụng thể thao như một sự tuyên truyền và chứng tỏ quyền lực. Nhìn đội tuyển Nhật chẳng cao to hơn Việt Nam nhưng khá xuất sắc để giải thích thêm.
Vậy điều gì có thể giúp phát triển thể thao hay túc cầu của một quốc gia?
Câu hỏi có thể quá lớn và liên quan đến các yếu tố nói trên. Hãy bắt đầu bằng một điều căn bản hơn. Đó là hệ thống giáo dục.
Tại sao hệ thống giáo dục có thể góp phần phát triển nền thể thao một quốc gia?
Mục tiêu một nền giáo dục toàn diện là nhắm đến việc cung cấp cho sinh viên học sinh một căn bản học vấn, kiến thức, tạo nền tảng về ý thức công dân đức dục cùng một tinh thần tinh tấn và thân thể khoẻ mạnh.
Một tinh thần tinh tấn và thân thể khoẻ mạnh đến từ các chương trình thể dục, thể thao học đường. Các quốc gia phát triển đều chú trọng đến điều này. Nó không nhằm huấn luyện nhân tài từ nhỏ mà thể thao học đường mang mục đích rèn luyện sức khoẻ và giải trí cho các em trong quá trình học.
Đồng thời thể thao cũng là môi trường huấn luyện cho các em vô số điều bổ ích. Các em học được tinh thần đồng đội, tính kỷ luật cùng kỹ năng lãnh đạo. Thể thao rèn luyện sự nhẫn nại, tính xác quyết, hướng đến một tinh thần thượng võ, hòa ái.
Một chương trình thể thao học đường từ nhỏ như vậy không những giúp các em có được sự khoẻ mạnh mà còn giúp các em học hành tinh tấn hơn, hình thành cho các em những phẩm chất cần thiết khi trở thành những người trưởng thành mai sau, cho dù có hay không còn chơi thể thao.
Tuy nhiên, thể thao học đường cũng sẽ giúp các em có tài năng và đam mê tiếp tục con đường thể thao, khi lên bậc Trung học, Đại học rồi thành những vận động viên nhà nghề. Từ bậc bán Trung học lên Trung học, các trường học tại Mỹ đã có những đội thể thao học sinh được huấn luyện và thi đấu với nhau. Được vào các đội tuyển Đại học thì cơ hội trở thành vận động viên nhà nghề hay thi đấu cho đội tuyển quốc gia đã nhiều hơn. Tvh
Tại Thế Vận hội Tokyo 2020, 75% thành viên đội tuyển Olympic Quốc gia Hoa Kỳ là đang hay từng thi đấu cho các Đại học Mỹ. Bởi các Đại học Mỹ có những học bổng thể thao dành cho các tài năng từ Trung học, tạo cơ hội cho các em tiếp tục được huấn luyện và thi đấu, trở thành những vận động viên chuyên nghiệp. Cũng vậy, hầu hết các liên đoàn thể thao nhà nghề của Mỹ cũng chọn tuyển thủ của mình từ các Đại học.
Theo dõi tình trạng giáo dục tại Việt Nam thì dường như thiếu vắng phong trào thể thao học đường, hay nếu có thì rời rạc, chưa trở thành một phong trào mạnh mẽ để trở thành tin tức thường xuyên. Ở cấp cao thì chỉ thấy bàn tới lui chuyện cải cách giáo dục, thay đổi chương trình học, thay đổi sách giáo khoa. Phụ huynh và học sinh thì chỉ nghe áp lực chuyện học phí, học thêm, chuyện thi cử, chọn trường, học tiếng Anh, cho con du học....
Thể thao trở thành thứ xa xỉ trong một nền giáo dục Việt Nam và một lợi ích to lớn cho chính các em học sinh sinh viên từ thể thao đã bị quên lãng. Và như vậy sẽ khó phát giác những tài năng, những em có tố chất đặc biệt trong môn thể thao nào đó.
Những ước mơ, mong muốn thể thao hay nền túc cầu Việt Nam sẽ phát triển và tiến bộ hơn xem ra sẽ chỉ là giấc mơ nếu không có sự chuẩn bị. Bằng lòng và hào hứng qua vài thành tích nho nhỏ trong khu vực, thể thao và túc cầu Việt Nam sẽ khó có cơ hội tiến xa hơn.
Xem đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu tại World Cup kỳ này có thể hiểu được.
Việt Nam Cho Tiến Hành Lễ Tưởng Niệm Liệt Sĩ Trường Sa
(Hình: Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa.)
-Một cuộc tưởng niệm lính Hải quân bỏ mạng trong trận hải chiến với Trung Quốc tại ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa hồi năm 1988 được Việt Nam cho tiến hành ngay tại Trường Sa vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua.
Ngày 27/7/2023, mạng báo Tiền Phong mới loan tin về cuộc tưởng niệm. Theo đó, có 200 sinh viên được chọn cả trong và từ ngoại quốc về để tham dự. Đoàn được tàu KN290 đưa đến vùng nước thuộc vùng quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát để tiến hành buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ, cán bộ bị phía Trung Quốc bắn chết trong khi cố gắng bảo vệ đảo Gạc Ma.
Bản tin của mạng báo Tiền Phong không nêu đích danh Trung Quốc mà chỉ nói "sự tấn công của kẻ thù khiến các chiến sĩ, cán bộ Việt Nam hy sinh; và trước khi chết họ kết thành một vòng tròn, bám trụ giữ đảo đến hơi thở cuối cùng".
Trước đây, nhiều nhà hoạt động trong nước đứng ra tổ chức các buổi tưởng niệm những người phải hy sinh trong những cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng bị ngăn chặn, giải tán, thậm chí bị hành hung, bắt bớ.
Vào tháng 7/2018, cuốn sách có tên "Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử" của Nhà Xuất bản Văn học do cựu tướng Lê Mã Lương chủ biên, nói về vụ thảm sát do phía Trung Quốc tiến hành tại Gạc Ma năm 1988, sau khi phát hành chỉ vài ngày bị thu hồi với lý do có sai sót.
Cuốn Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử được thực hiện từ năm 2014 kể lại câu chuyện về 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam bị thảm sát vào sáng ngày 14/3/1988 trên bãi đá san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa trong trận chiến giữ đảo của các chiến sĩ Việt Nam trước những cuộc tấn công chiếm đảo của quân đội Trung Quốc.
Ngày 10/7/2018, sau năm ngày phát hành, 10.000 cuốn sách đã được bán hết. Một Nhà xuất bản tại Mỹ cũng đã tới Việt Nam để mua bản quyền xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh trên thế giới.
Việt Nam Xây Dựng Thêm Nhiều Cơ Sở Trên Quần Đảo Trường Sa
(Hình: Lính Hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa.)
-Việt Nam đang tiến hành xây thêm trên những cơ sở tại hai đảo do nước này quản lý thuộc quần đảo Trường Sa.
Mạng báo Manila Times của Phi Luật Tân loan tin ngày 27/7/2023 dẫn tài liệu có được, đó là công văn "Kế hoạch các dự án xây dựng trên đảo Phan Vinh và Tiên Nữ ở Trường Sa" do Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm - Tư lệnh Hải quân Việt Nam ký ngày 27/7.
Nội dung công văn nêu rõ Việt Nam đang xây dựng thêm cơ sở quân sự và nhà ở dân sự trên hai đảo vừa nêu. Đảo Phan Vinh thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam vào năm 1978 và Tiên Nữ vào năm 1988.
Lý do xây dựng cũng được cho biết nhằm tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ đảo, tăng cường niềm tin cho chiến sĩ, viên chức và người dân trên đảo, bảo vệ vùng dầu khí phía Nam, thềm lục địa của Việt Nam. Thông qua việc mở rộng tại đảo Phan Vinh và Tiên Nữ, việc xây dựng nhóm chiến đấu, Việt Nam có thể phát triển khả năng tấn công… Công tác này mang tầm quan trọng chiến lược lâu dài bởi lẽ giúp tăng cường việc kiểm soát được tuyến đường biển và gia tăng áp lực quân sự lên đối với những nước láng giềng.
Tổng kinh phí cho công tác xây dựng các dự án mở rộng tại hai đảo Phan Vinh và Tiên Nữ như vừa nêu là 6.425 tỉ đồng; trong đó Phan Vinh là 3.745 tỉ và Tiên Nữ là 2.680 tỉ đồng.
Manila gọi Biển Đông là Biển Tây Phi Luật Tân, và là một trong sáu quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và có tuyến đường biển quan trọng này.
Việt Nam 'Sẵn Sàng' Thúc Đẩy Quan Hệ Với Mỹ 'Đạt Tầm Cao Mới'
(Hình: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn.)
-Trong điện mừng gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhân kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói rằng Việt Nam "sẵn sàng" thúc đẩy quan hệ với Mỹ "đạt tầm cao mới".
VnExpress dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/7/2023, trong đó ông Sơn nói rằng "kể từ chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, chúng ta đã thu được những kết quả thực chất trên tất cả lĩnh vực quan trọng của quan hệ song phương".
Theo báo điện tử này, viên chức ngoại giao này cũng đánh giá rằng Việt Nam và Hoa Kỳ "phối hợp hiệu quả" trong khuôn khổ các cơ chế đa phương và "có những nỗ lực chung ứng phó thách thức" mà hai bên cùng quan tâm.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng dịp kỷ niệm là "cơ hội để hai bên xác định những bước đi cụ thể hướng tới một tương lai tươi sáng hơn".
"Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Mỹ để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, thực chất, đạt tầm cao mới", ông Sơn nói, theo VnExpress.
Báo điện tử này dẫn lời ông Sơn nói rằng Việt Nam sẽ "tiếp tục ủng hộ" Mỹ "hợp tác chủ động" và "có trách nhiệm" với ASEAN cũng như khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
"10 năm không phải là dài so với bề dày lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, nhưng hai nước đã cùng nhau vượt qua được một chặng đường đáng kể", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói, theo VnExpress. "Tôi tin tưởng hai nước sẽ đạt nhiều bước tiến trong 10 năm tới và xa hơn nữa".
Cũng nhân dịp này, Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 25/7 đăng một đoạn video của Ngoại trưởng Blinken, trong đó ông nói rằng sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, hai bên đã "xây dựng một mối quan hệ năng động, đạt được nhiều thành tựu và ngày càng phát triển".
"Hai quốc gia làm việc trên nhiều lĩnh vực vì một lợi ích chung là đem lại lợi ích cho người dân hai nước và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới", ông Blinken nói trong đoạn video.
Hoa Kỳ Tài Trợ Thêm 32 Triệu Mỹ Kim Để Tẩy Sạch Dioxin Tại Biên Hòa
(Hình: Phân huỷ, tẩy sạch dioxin tại phi trường Biên Hòa.)
-Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), hôm 27/7/2023 công bố trao một hợp đồng thầu trị giá 32 triệu Mỹ kim cho công ty của Hoa Kỳ là Tetra Tech trong khuôn khổ dự án phân huỷ, tẩy sạch dioxin ở trong và quanh Phi trường Biên Hòa.
Cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa kỳ cho biết, theo hợp đồng này, Tetra Tech sẽ tiếp nối việc thiết kế kỹ thuật và thi công, quản lý xây dựng và giám sát môi trường đối với hoạt động xây dựng và làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm cho người dân trong khu vực phi trường cũng như các cộng đồng xung quanh, tiến đến mục tiêu của dự án là hoàn trả an toàn toàn bộ diện tích đất để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau.
Tin cho hay, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Ba vừa qua, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power cùng các viên chức chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cũng công bố một hợp đồng trị giá 73 triệu Mỹ kim được USAID trao cho công ty làm sạch môi trường của Hoa Kỳ là Nelson Environmental Remediation USA để thiết kế, xây dựng và vận hành một khu khắc phục sự việc làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực phi trường Biên Hòa.
Theo phía Hoa Kỳ, từ tháng 4 năm 2019, USAID đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam với mục tiêu phân huỷ, tẩy sạch 500.000 mét khối đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực Phi trường Biên Hòa.
(Hình RFA/AFP: Một người lính đi qua khu vực nhiễm dioxin ở Phi trường Biên Hòa.)
Năm 2022, USAID cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam hoàn thành phân huỷ, tẩy sạch dioxin khu đất nằm phía ngoài phi trường Biên Hòa (gần cổng 2) và bàn giao cho địa phương để làm nơi vui chơi giải trí cho cộng đồng, hoàn thành việc làm sạch khu vực đầu tiên trong phi trường (khu vực phía Tây Nam), đánh dấu sự kiện này với công viên được xây dựng từ ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời hoàn thành việc xây dựng khu lưu trữ lâu dài đối với đất nhiễm dioxin nồng độ thấp đã đào xúc.
Tin cho hay, dự án phân huỷ, tẩy sạch dioxin tại phi trường Biên Hòa dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí lên tới 450 triệu Mỹ kim. Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 218 triệu Mỹ kim trong tổng số 300 triệu Mỹ kim dự kiến sẽ đóng góp cho dự án này.
Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước.
"Sự hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những thập kỷ qua để vượt qua những vấn đề còn tồn lại từ chiến tranh là một minh chứng nữa về cách mà Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác chiến lược cùng nhau để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước", phái đoàn này nói trong một thông cáo.
Tập Đoàn của Nam Hàn Ký Bản Ghi Nhớ Với Bộ Công Thương Về Đào Tạo và Tuyển Dụng Công Nhân Đóng Tàu
(Hình: Công nhân làm việc tại nhà máy đóng tàu Okpo thuộc tập đoàn Daewoo của Nam Hàn.)
-Tập đoàn Hanwha Ocean của Nam Hàn vừa ký một bản ghi nhớ (MoU) với Bộ Công thương Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 22/7 vừa qua để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên trong việc đào tạo và bố trí việc làm cho công nhân đóng tàu Việt Nam.
Hiện các hãng đóng tàu Nam Hàn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân đóng tàu sau thời kỳ suy trầm vào những năm từ năm 2010 và phải sa thải hàng ngàn công nhân. Tuy nhiên, giờ đây khi các công ty Nam Hàn cần tuyển công nhân đóng tàu trong nước, họ lại gặp khó khăn và phải tìm công nhân đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Bộ Lao động Thái Lan, chỉ trong năm nay, các công ty đóng tàu Nam Hàn cho biết muốn thuê khoảng 4.500 lao động có tay nghề từ Thái Lan.
Chủ tịch HD Hyundai Chung Ki-sun cũng đã thị sát nhà máy đóng tàu của Hyundai Việt Nam Shipbuilding tại Khánh Hòa vào tháng sáu trong chuyến thăm Việt Nam với tư cách là thành viên phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Nam Hàn.
Hiện Việt Nam cũng là nguồn lao động lớn nhất cho ngành đóng tàu Nam Hàn vì có nguồn công nhân đóng tàu dồi dào phục vụ cho ngành đóng tàu trong nước.
Tập đoàn Hanwha Ocean dự đoán, tập đoàn sẽ có được một giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng thiếu công nhân trong ngành đóng tàu Nam Hàn đồng thời đóng vai trò quan trọng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Nam Hàn và Việt Nam.
Ngành đóng tàu Nam Hàn dự kiến sẽ cần tuyển hơn 35.000 công nhân từ nay đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu đang tăng.
Chỉ trong quý cuối năm 2022, hơn 1.000 công nhân Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh vào Nam Hàn do bị phát giác có giấy tờ đào tạo và các giấy tờ liên quan khác bị làm giả. Nam Hàn yêu cầu ít nhất hai năm kinh nghiệm đối với các công nhân ngoại quốc xin visa vào làm việc tại Nam Hàn.
Lotte Sắp Khai Trương Khu Thương Mại Lớn Nhất Việt Nam Tại Hà Nội
(Hình: Lotter Mart tại Hán Thành, Nam Hàn.)
-Hôm 27/7/2023, hãng bán lẻ Lotte Shopping Co. thuộc tập đoàn Lotte Group của Nam Hàn cho biết kế hoạch khai trương một khu thương mại lớn nhất Việt Nam có tên Lotte Mall Westlake Hanoi tại Hà Nội vào ngày 22/9 tới.
Khu phức hợp nằm ở trung tâm khu đô thị Tây Hồ Hà Nội với diện tích rộng khoảng 35.000 mét vuông (tương đương 50 sân túc cầu) bao gồm một loạt các cơ sở gồm siêu thị, các cửa hàng, một khách sạn, rạp chiếu phim và một thuỷ cung.
Khu bán hàng sẽ có lễ tiền khai trương vào ngày 28/7 tới. Đây là khu có sức chứa 233 cửa hàng, chiếm 60% diện tích toàn bộ khu vực.
Tầng hầm của tòa nhà là siêu thị Lotte Mart với diện tích khoảng 4.300 mét vuông.
Khách sạn 5 sao trong khu phức hợp là tòa nhà 23 tầng với 264 phòng và 192 căn phòng.
Lotte Shopping sẽ tạo ra hơn 3.000 lao động cho thủ đô. Theo báo Nam Hàn, sự có mặt của các nhãn hàng xứ Kim Chi tại khu phức hợp cũng giúp quảng bá cho các công ty Hàn, văn hóa Nam Hàn qua các hoạt động văn hóa, thời trang và ẩm thực.
Vụ Việt Á: Cựu Phó Chủ tịch Tỉnh Quảng Ninh Chịu Án 3 Năm Tù, Cách Chức Giám đốc Sở Y Tế Cà Mau
(Hình: Sở Y tế Cà Mau.)
-Liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, Phạm Văn Thành bị tòa án tỉnh tuyên phạt 3 năm tù treo; Giám đốc Sở Y tế Cà Mau bị cách chức.
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh được truyền thông loan, trong ngày 27/7/2023, đã tuyên án sơ thẩm vụ "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến Công ty Việt Á.
Theo đó, ngoài ông Thành bị tuyên ba năm tù treo, các ông bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, cựu Trưởng phòng Phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã Đông Triều và bị cáo Nguyễn Thành Định, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều, nhận mức án 30 tháng tù, cho hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Xuân Tiến, cựu Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều và Nguyễn Văn Bình, cựu Phó Ban Dân vận Thị ủy Đông Triều, cựu Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều bị tuyên 24 tháng tù, hưởng án treo.
Tại Cà Mau, ông Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau bị kỷ luật cách chức vì để xảy ra thiếu sót, vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau trong ngày 27/7 được tờ Tiền Phong loan, đã khai triển quyết định kỷ luật nêu trên với ông Nguyễn Văn Dũng.
Quyết định nêu rõ, ông Dũng bị kỷ luật do có vi phạm, khuyết điểm với vai trò là người đứng đầu đơn vị, để xảy ra thiếu sót, vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Dũng hôm 22/3/2023 đã bị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng thi hành kỷ luật Đảng.
Cựu Cục Phó Quản Lý Thị Trường Trần Hùng Lãnh 9 Năm Tù Vì Nhận Hối Lộ
(Hình: Ông Trần Hùng vào thời điểm bị bắt.)
-Sau chín ngày xét xử, nghị án, Tòa sơ thẩm thành phố Hà Nội đã ra phán quyết trong ngày 27/7/2023 và được truyền thông loan tin cho hay Hội đồng Xét xử tuyên phạt ông Trần Hùng, cựu Cục phó Quản lý Thị trường Hà Nội, 9 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Ngoài ông Hùng, Tòa cũng tuyên Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) 27 tháng tù về tội môi giới hối lộ.
Ba mươi mốt bị cáo khác liên quan bị Tòa tuyên phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó, bà Cao Thị Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát - chịu mức án cao nhất 10 năm tù. Nhóm còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất sáu năm tù.
Đối với ba bị cáo là cựu cán bộ thuộc Đội quản lý thị trường số 17 (Hà Nội) lãnh mức án thấp nhất là 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất là 30 tháng tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tòa cũng tuyên buộc ông Trần Hùng nộp lại 300 triệu đồng là số tiền nhận hối lộ, buộc bà Thuận và nhiều bị cáo liên đới nộp lại khoảng 30 tỉ đồng là số tiền thu lợi bất chính từ việc sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả.
35/36 bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, duy ông Trần Hùng kêu oan, nói không nhận 300 triệu đồng tiền hối lộ từ Nguyễn Duy Hải. Tuy nhiên, Tòa Sơ thẩm khẳng định ông Trần Hùng bị truy tố, xét xử đúng người đúng tội.
Cáo trạng xác định trong tháng 7/2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý Thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ 68 đầu sách với tổng số lượng 27.360 quyển sách giả. Lúc bấy giờ bà Cao Thị Minh Thuận – thấy ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo nên đã nhắn tin, điện thoại nhờ ông Hùng giúp đỡ, chỉ đạo để xử phạt nhẹ sự việc. Ông Trần Hùng nói đồng ý "tha" với yêu cầu bà Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.
Bà Cao Thị Minh Thuận sau đó đã "gửi" ông Trần Hùng và Tổ công tác 304 số tiền 400 triệu đồng để ông Trần Hùng bỏ qua sự việc vi phạm của Công ty. Nhận được tiền, ông Trần Hùng đã hướng dẫn Giám đốc Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách bị thu giữ, thành sách do người khác mang đến ký gửi.
Ông Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện giúp đỡ bà Thuận theo hướng xử phạt hành chính vụ buôn sách lậu.
Công An Đề Nghị Tiếp Tục Truy Tố Bà Nguyễn Phương Hằng Theo Điều 331
(Hình SK&ĐS: Bà Nguyễn Phương Hằng đã sử đụng 12 kênh mạng xã hội để xâm phạm đời tư của nhiều cá nhân.)
-Công an Tp. HCM tiếp tục đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước".
Truyền thông nhà nước trong ngày 26/7 cho hay Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp. HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Phương Hằng và bốn đồng phạm, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp tiếp tục đề nghị truy tố năm bị can về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Hôm 31/5, Tòa án nhân dân Tp. HCM đã trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố đề nghị điều tra bổ sung ba nội dung, trong đó đáng chú ý là hai yêu cầu làm rõ hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam) có đồng phạm với Nguyễn Phương Hằng hay không (theo đơn tố cáo của con trai bà Hằng) và đề nghị làm rõ hành vi có dấu hiệu làm nhục, vu khống người khác theo điều 155, 156 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo kết luận điều tra mới nhất, Cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị truy tố bà Hằng và bốn đồng phạm theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, chứ không phải tội danh khác.
Về ông Huỳnh Uy Dũng, trong kết luận điều tra, Công an Tp. HCM kết luận các hành vi của ông Dũng chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm nên cơ quan quyết định giữ nguyên quan điểm đối với vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. HCM.
Bốn đồng phạm của bà Phương Hằng gồm ông Đặng Anh Quân (Giảng viên trường Đại học Luật Tp. HCM), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (sinh năm 1983, Phụ tá của bà Nguyễn Phương Hằng), bà Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1992, nhân viên Công ty cổ phần Ðại Nam), ông Huỳnh Công Tân (sinh năm 1994, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Ðại Nam).
Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân.
Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân nêu trên đều do bà đọc trên mạng, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.
Nhiệt Điện Phả Lại Bị Phạt Hơn 3,9 Tỉ đồng và Đình Chỉ Hoạt Động 12 Tháng Vì Gây Ô Nhiễm
(Hình: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.)
-Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (thành phố Chí Linh - Hải Dương) vào ngày 7/7/2023 bị Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm về Môi trường (Bộ Công an) phạt hành chính hơn 3,9 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động trong vòng 12 tháng do vi phạm pháp luật về môi trường.
Truyền thông nhà nước dẫn nguồn từ Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm về Môi trường cho biết, Nhiệt điện Phả Lại đã có các hành vi vi phạm gồm: Thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tại ống khói dây chuyền I. Cụ thể, bụi tổng vượt 3,35 lần, SO2 vượt 2,37 lần, NOx vượt 1,11 lần, với lưu lượng 167.949 mét khối/giờ; khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tại ống khói dây chuyền II. Cụ thể: SO2 vượt 2,58 lần, NOx vượt 1,34 lần, với lưu lượng 331.700 mét khối/giờ.
Các hành vi này được xác định đã vi phạm Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Công ty Cô phần Nhiệt điện Phả Lại hiện được coi là "anh cả" trong ngành nhiệt điện cả nước, đóng góp 10,96% sản lượng điện quốc gia, theo thông tin từ Bộ Công thương.
Nhiệt điện Phả lại hiện có hai dây chuyền sản xuất điện: Dây chuyền 1 (4x110 MW) và dây chuyền 2 (2x300 MW). Bình quân hàng năm, hai dây chuyền cung cấp cho lưới điện quốc gia từ 5-6,4 tỉ kWh.
Lọc Dầu Nghi Sơn Ngưng Sản Xuất 55 Ngày Để Bảo Dưỡng, Bộ Công Thương Lo Thiếu Xăng Dầu
(Hình: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.)
-Hôm 25/7/2023, công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết sẽ ngừng sản xuất trong 55 ngày để bảo dưỡng, bắt đầu từ ngày 25/8 tới. Thông tin này đã khiến Bộ Công thương phải gấp rút yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập cảng xăng dầu từ tháng 7, tăng dự trữ để tránh tình trạng thiếu xăng dầu trong nước.
Thông báo của NSRP được đăng trên trang web của công ty cho biết đây là lần bảo hành tổng thể nhà máy đầu tiên tính từ khi nhà máy chính thức được vận hành thương mại vào tháng 12 năm 2018.
NSRP hiện là tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam với công suất chế biến lên tới 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày.
Theo thông cáo báo chí của công ty, trong giai đoạn 2018-2021, công ty đã đóng góp hơn 3,3 tỉ Mỹ kim cho nền kinh tế trong nước và tiết kiệm hơn 260 triệu Mỹ kim nhờ cắt giảm nhu cầu nhập cảng xăng dầu từ các thị trường khác.
Hồi đầu năm 2022, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng dầu trong nước khi NSRP giảm công suất sản xuất tới 20% do gặp khó khăn về tài chính.
Tù Chính Trị Nguyễn Đoàn Quang Viên Suy Kiệt Sức Khoẻ ở Trại Giam Gia Trung
(Hình: Tù chính trị Nguyễn Đoàn Quang Viên suy kiệt sức khoẻ ở Trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai.)
-Tù nhân chính trị Nguyễn Đoàn Quang Viên, người đang thụ án tù 14 năm tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), kêu cứu vì nhiễm bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.
Ông Viên (41 tuổi) bị bắt giam vào giữa tháng 10/2021 với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 vì có tham gia tổ chức "Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời". Giữa tháng 1/2023, ông bị Tòa án tỉnh Lâm Đồng kết án 14 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Đào, cho biết chồng mình đã nhiễm bệnh lao phổi một năm trước khi bị bắt. Tuy nhiên, bệnh trầm trọng hơn trong thời gian gần đây. Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/7:
"Lúc anh ở nhà anh đó bị lao phổi, ho và ói ra máu. Có đang điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, lúc đó tình hình sức khỏe cũng lạc quan lắm giống như mới chớm thôi.
Nhưng mà khi anh đi lên trên đó bị trong phòng lạnh với lại cái phổi của anh nó yếu mà không biết có cái gì xảy ra không nhưng thấy anh bây giờ nói chuyện rất là yếu".
Ông Viên, người làm bảo vệ và xe ôm kỹ thuật trước khi bị bắt, và vợ có hai con nhỏ dưới năm tuổi. Do kinh tế khó khăn nên vợ ông không có điều kiện lên trại giam thăm ông. Vì vậy, hai vợ chồng chỉ có thể liên lạc bằng thư và 10 phút điện thoại mỗi tháng. Bà Đào cũng nói thi thoảng mới có tiền để gửi thức ăn cho ông theo đường bưu điện.
Bà Đào nói gần đây ông gọi điện cho bà và cho biết sức khoẻ rất yếu vì không được chữa trị bệnh lao phổi.
"Anh chỉ nói là bây giờ tình hình sức khỏe của anh yếu lắm và không có nói thêm bệnh gì hết.
Anh nói là anh làm cái đơn kiến nghị lên là để anh được tại ngoại để chữa bệnh sau khi hết thì anh sẽ quay lại nhưng mà chưa có được sự đồng ý".
"Anh viết thư về anh nói có lẽ lá thư cuối cùng anh mệt mỏi lắm rồi sức khỏe của anh yếu có thể anh không có sức khỏe đi chịu đựng cho tới ngày anh về", bà thuật lại về lá thư ông gửi cho vợ đề ngày 07/7.
Hiện ông đang bị giam riêng một phòng. Nhiều bạn tù có bệnh nặng bị giam gần đó đã viết đơn xin hoãn thi hành án tù để chữa trị bệnh nhưng không được trại giam đồng ý, bà bổ sung.
Để hỏi về tình trạng sức khoẻ của ông Viên, phóng viên có gọi điện nhiều lần cho Trại giam Gia Trung nhưng không có ai nghe máy.
Bà Đào làm nghề may và bán vé số để nuôi hai con nhỏ. Hiện ba mẹ con đang ở nhờ ở nhà một người quen ở Sài Gòn.
Bà không biết gì về hoạt động của chồng và chỉ nghe nói đến "Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời" khi ông bị bắt. Không có ai từ tổ chức này liên lạc với gia đình sau khi ông bị bắt và gia đình không nhận được thăm hỏi hay trợ giúp từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, bà chia sẻ.
Bà mong muốn cộng đồng trong nước và quốc tế lên tiếng cho chồng mình để ông có thể tại ngoại chữa bệnh.
Theo Điều 67 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 01/2007/NĐ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
Người bị xử phạt tù có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc trường hợp bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành án phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng, thì được hoãn chấp hành hình phạt tù.
Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.
Ông Viên là một trong hàng chục người bị bắt và kết án vì liên quan đến "Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời" có trụ sở ở Hoa Kỳ trong nhiều năm gần đây.
Theo cáo trạng, ông có các hành vi tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tổ chức này. Ông bị cho là đã in ấn hàng ngàn trang tài liệu tuyên truyền, dán tại các nơi công cộng và đã móc nối được nhiều đối tượng cùng tham gia.
Việt Nam coi "Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời" là khủng bố. RFA nhiều lần liên lạc đề nghị tổ chức này bình luận về cáo buộc khủng bố mà Hà Nội gán cho cũng như những trường hợp ở Việt Nam bị kết tội tham gia tổ chức này.
Tổ chức này có phản hồi vài lần, trong đó bác bỏ những cáo buộc "hoạt động khủng bố" hay vận động người trong nước tham gia vào các hoạt động khủng bố, chống chế độ.
Cư Dân Phản Đối Làm Bệnh Viện Trong Chung Cư
(Hình: Cư dân phản đối làm bệnh viện trong chung cư Sunrise.)
-Cư dân chung cư Sunrise City Central, thuộc phường Tân Hưng, quận 7 (Sài Gòn), đang phản đối gay gắt dự án xây dựng phòng khám đa khoa rộng đến hơn 23.000 mét vuông ở tầng 4 của chung cư này.
Khu vực bốn tầng 1, 2, 3, 4 của chung cư này có mục đích sử dụng là thương mại-dịch vụ thuộc quyền sở hữu của Viettinbank. Hồi tháng 6/2023, cư dân sinh sống tại chung cư Sunrise nhận được thông báo của Ban quản lý chung cư về việc Vietinbank đã cho công ty Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (bệnh viện Tâm Anh) thuê lại để làm phòng khám đa khoa không lưu trú.
Ảnh Hưởng Tiêu Cực Đến Đời Sống Cư Dân
Ngay lập tức, dự án này bị hàng loạt cư dân sinh sống tại đây phản đối quyết liệt. Cư dân ở đây cho rằng mục đích sử dụng của chung cư và bệnh viện là hoàn toàn khác nhau. Do đó, từ thiết kế, kiến trúc tổng thể đến không gian từng phòng chức năng, hệ thống thoát hiểm, thoát nước, giải quyết rác, nước thải đến thang máy, các trang thiết bị, tiện ích công cộng, an ninh trật tự… cũng khác biệt.
Cư dân lo ngại rằng tầng hầm giữ xe ngày càng quá tải hơn vì lượng xe gởi của người khám và thân nhân; Các tiện nghi công cộng như phòng thể dục thể hình, phòng giải trí… bị thu hẹp, thậm chí biến mất; Khu vực hồ bơi, sân tập thể dục, không gian chung sẽ bị ảnh hưởng và càng khó quản lý; Hệ thống xả thải đang dùng chung, có thể dẫn mầm bệnh đến từng nhà; Việc giải quyết nước thải, rác y tế các bệnh viện được thiết kế riêng vẫn chưa triệt để; Hệ thống thông gió tự nhiên, thông gió ống dẫn rác không thể đáp ứng; Tiếng ồn, xe cấp cứu 24/7 và nguồn điện quá tải bởi các trang thiết bị bệnh viện. Nguy cơ cháy nổ nhãn tiền; Khách vãng lai gia tăng kéo theo nhiều hệ luỵ về an ninh trật tự và các dịch vụ ăn theo, nhất là dịch vụ Airbnb lưu trú cho bệnh nhân ngoại trú và người thân; Thang máy vốn có đã quá tải sẽ càng quá tải; Mọi thứ bị tác động; Cuộc sống và nhịp sinh hoạt đảo lộn với những hệ lụy khôn lường.
Ông Mỹ, một cư dân sinh sống ở chung cư này đã 8 năm nay nói với RFA rằng:
"Làm gì có chuyện mở một phòng khám to đùng ở đây được. Cư dân phản đối nhưng mà ban quản trị, người đại diện của chung cư rồi Ủy ban phường họ tìm mọi cách để thuyết phục cư dân, làm sao để ủng hộ chủ trương đó".
Trái Quy Định Pháp Luật?
Với hàng loạt các rủi ro kể trên, ngày 27/6, khoảng 200 cư dân đã đồng ký tên một lá đơn khiếu nại gởi các cở ban ngành của Tp. HCM về việc "mở phòng khám đa khoa trái quy định pháp luật tại 4 tầng thương mại dịch vụ diện tích 23.599 mét vuông tại Chung cư Sunrise City Central".
Lá đơn khiếu nại mà cư dân gởi cho RFA chỉ ra các sai phạm về pháp lý trong dự án này như sau:
Việc Ngân hàng Vietinbank cho Bệnh viện Tâm Anh thuê lại toàn bộ bốn tầng với tổng diện tích rất lớn lên đến hơn 23.000 mét vuông để làm phòng khám đa khoa với quy mô tương đương một bệnh viện lớn là không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không phù hợp chức năng, công năng sử dụng của các sàn thương mại.
Toàn bộ 4 sàn mà Vietinbank sở hữu có công năng là "thương mại - dịch vụ". Trong khi đó, dịch vụ y tế không thuộc mã ngành "thương mại - dịch vụ". Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, đặc thù, phải bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia chặt chẽ và phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép con đối với từng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
Vi phạm nghiêm trọng về quy trình thực hiện việc sửa chữa, xin cấp giấy phép xây dựng. Bệnh viện Tâm Anh chưa xuất trình được giấy phép mở phòng khám nhưng UBND Phường Tân Hưng đã thống nhất các hạng mục sửa chữa và cho người vào chung cư xây dựng, cải tạo khi chưa họp và lấy ý kiến của toàn thể cư dân.
Ông Mỹ cho biết, cư dân ở đây đã chủ động liện hệ với rất nhiều các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước về sự việc này, nhưng không được như ý nguyện:
"Khi người dân gửi đơn cho các cơ quan báo chí thì không có báo nào dám đăng, thậm chí có báo đăng xong rồi rút bài liền.
Tôi nghĩ rằng điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì tập đoàn Novaland hay Vietinbank và bệnh viện Tâm Anh đã chi tiền quảng cáo rất nhiều cho các cơ quan truyền thông. Cho nên sẽ không tờ báo nào dám đụng tới họ.
Chỉ có một vài các tờ báo nhỏ nhỏ hoặc là các blog cá nhân thôi, còn các cơ quan truyền thông là đều im lặng".
Phản Ứng của Chính Quyền
(Ảnh: Buổi họp giữa cư dân chung cư, UBND quận 7 đại diện bệnh viện Tâm Anh.)
Trước sự phản đối của cư dân, hôm 12/7, UBND tổ chức cuộc họp đối toai giữa các bên, bao gồm cư dân chung cư, chủ đầu tư - công ty Nova land, chủ sở hữu 4 sàn - ngân hàng Vietinbank và đại diện bệnh viện Tâm Anh.
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quận 7, cho biết "Quận 7 có mục tiêu định hướng phát triển hình thành cụm đô thị y tế, giáo dục chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch tại trung tâm phía Nam thành phố. Do đó, UBND Quận 7 ủng hộ đầu tư mở phòng khám đa khoa trên địa bàn Quận 7 nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quận".
Ngày 13/7, UBND Quận 7 ra văn bản yêu cầu Vietinbank gởi các bằng chứng về quyền sở hữu bốn tầng chung cư Sunrise cho UBND quận; Yêu cầu bệnh viện Tâm Anh gởi công văn giải trình về các thủ tục hành chính, hoàn thiện hồ sơ về y tế môi trường, phòng cháy chữa cháy, khai thác sử dụng và hoạt động đúng theo ngành nghề chức năng đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, rồi niêm yết công khai để cư dân chung cư được biết.
Bà Ánh, một cư dân phản đối dự án này, cho biết từ hôm họp cho đến nay, bà không thấy bất kỳ một thông tin nào từ UBND Quận 7 nữa. Quận hay phường Tân Hưng đều không có động thái gì:
"Tôi nghĩ rằng các cơ quan, đơn vị cần phải làm rõ. Bởi vì luật ở Việt Nam, chính quyền địa phương nhiều khi họ cũng không hiểu được rằng cái này được hay là không được".
Tiếp Tục Thi Công Bất Chấp Phản Đối
Bà Ánh nói với RFA rằng, hôm 27/7, bệnh viện Tâm Anh vẫn tiếp tục cho người đến thi công cải tạo ở tầng 4 của chung cư. Bà nói không biết họ sửa chữa những gì mà người dân phát giác tình trạng nứt và chảy nước dưới tầng hầm:
"Cư dân yêu cầu ban quản lý làm việc, xong rồi gọi bên UBND phường phụ trách về vấn đề xây dựng, cũng như công phường… nói chung là rất nhiều bộ phận liên quan tới để lập biên bản và kiểm tra thì bệnh viện Tâm Anh cũng không cho cơ quan nhà nước vào luôn.
Cho nên mình nghĩ là cư dân của mình sẽ chẳng làm gì được. Họ có làm cái gì ở trong đó thì mình cũng không biết được".
Phóng viên RFA đã gọi tới số điện thoại của Chủ tịch và Bí thư phường Tân Hưng, theo số điện thoại công khai trên trang web của phường Tân Hưng, nhưng không có ai nghe máy.
RFA cũng đã gởi email đến Bệnh viện Tâm Anh để hỏi thêm về sự việc, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Tốc Độ Già Hóa Nhanh, Tăng Trưởng Kinh Tế Chậm và Áp Lực An Sinh Xã Hội Tại Việt Nam
(Hình: Người cao tuổi vẫn phải mưu sinh ở Sài Gòn.)
-Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những thay đổi về nhân khẩu học, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ là áp lực vô cùng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội.
Tốc Độ Già Hóa Nhanh Chóng
Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), tỷ lệ sinh của Việt Nam đang giảm dần và dân số già đi nhanh chóng qua từng năm. Việt Nam đã qua đỉnh của thời kỳ "dân số vàng" và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng là chuyên gia Kinh tế của Liên Hiệp Quốc, nhận định Việt Nam thuộc nhóm các nước có dân số sẽ giảm trong tương lai vì tỷ lệ sinh đẻ hiện này là 1,9. Nếu tỷ lệ sinh dưới 2,1 thì dân số có khả năng giảm, còn giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc tỷ lệ chết và nhập cư.
UNFPA ước tính, đến năm 2036, tức là chỉ còn khoảng 13 năm nữa thôi, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ "dân số già". Và đến năm 2051, dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh với khoảng 107 triệu người, sau đó sẽ giảm dần do tỷ lệ sinh thấp.
Theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, khi bước vào giai đoạn xã hội già hay giảm dân số trong tương lai, một số vấn đề kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt, bao gồm:
"Lực lượng lao động sẽ tăng chậm rồi giảm, tăng trưởng kinh tế chỉ còn dựa vào tăng năng suất lao động. Sức chi tiêu sẽ không tăng nhanh vì người già phải tăng để dành lo tuổi già. Đây là vấn đề của Nhật hiện nay và kể cả Trung Quốc".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng chỉ ra một số điểm tích cực của sự giảm dân số. Theo ông, tốc độ tăng trưởng tạo ra bởi ba nguồn: Thứ nhất là tăng yếu tố đầu vào của tài sản cố định như máy móc, đất đai; thứ hai, tăng yếu tố lao động như giờ hay số lao động, và thứ ba là tăng năng suất tổng thể do kiến thức:
"Nếu chỉ dựa vào tăng dân số thì thế giới hạn hẹp này lấy đâu nguồn tài nguyên để đáp ứng nổi nhu cầu của dân, nhất là những tài nguyên không thể tái tạo như đất, nước, kim loại,…. Đó là chưa kể tới lượng ngày càng tăng rác thải ô nhiễm môi trường cần giải quyết.
Kể cả những nước như Trung Quốc hay Ấn độ cũng thế, Ấn Độ chỉ còn tăng 0.7%, Việt Nam cũng thế. Điều này cũng giúp làm dễ dàng việc tăng thu nhập đầu người cho dân cư. Điều này nên mừng chứ!"
Áp Lực An Sinh Xã Hội
(Ảnh: Ông lão làm nghề hớt tóc ở Hà Nội.)
Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, từng công tác tại Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam & Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Hà Nội, cảnh báo rằng với tốc độ già hóa nhanh chóng như hiện nay mà hệ thống bảo hiểm xã hội không cải thiện, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực an sinh xã hội vô cùng lớn khi trở thành môt "xã hội già".
Bà cho biết trong khi tốc độ già hóa dân số tại Việt nam tăng nhanh, hiện nay vẫn có gần 18 triệu lao động tại Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức mà có đến 97,9% trong số đó không tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào.
Ngoài ra, Quỹ Bảo hiểm Xã hội còn phải đối mặt với xu hướng người lao động rút Bảo hiểm Xã hội một lần ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn quốc có 4,85 triệu người đã rút Bảo hiểm Xã hội một lần giai đoạn 2016-2022. Nguyên nhân được nói là do người lao động bị mất việc làm, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt trong khi đó những người này chủ yếu là lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều.
Bà Khánh Ly cho biết thêm:
"Còn có một nguyên nhân khác là người lao động chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống Bảo hiểm Xã hội. Bởi vì có một thực tế đáng buồn là mức lương hưu hiện nay chưa bảo đảm mức sống tối thiểu cho nhiều người già mặc dù trước đó họ có đóng đủ Bảo hiểm Xã hội".
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm khoảng 64,4% người già không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh.
Ông Minh, một người có gần 20 năm đóng Bảo hiểm Xã hội và hiện đang về hưu ở Sài Gòn, cho biết ngay cả người có nhận lương hưu thì số tiền đó cũng không đủ trang trải cuộc sống hiện nay:
"Người lao động không muốn đóng Bảo hiểm Xã hội vì họ không tin vào bảo hiểm xã hội hoặc có thể là lo sợ tiền để lâu sẽ mất giá. Đó là hệ quả của xã hội thôi.
Người ta không muốn về hưu sớm là bởi vì lương hưu quá thấp, quá vô lý. Tôi không nhậu nhẹt gì cả, không có nhu cầu gì lớn nhưng cũng không đủ sống được".
Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có hơn 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế. Bà Khánh Ly nhận định:
"Thực trạng người trẻ rút Bảo hiểm Xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước, người già không có lương hưu và trợ cấp là một bức tranh ảm đạm và chưa có hướng giải quyết.
Thực trạng này, nếu không thay đổi, sẽ làm gia tăng số lượng người già bắt buộc phải tham gia thị trường lao động để mưu sinh sau khi đủ tuổi về hưu, tăng gánh nặng về các dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế đối với người già".
Chính Phủ Cần Chuẩn Bị Từ Bây Giờ
Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, có nhiều ý kiến đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi đối với những người không có lương hưu hoặc trợ cấp Bảo hiểm Xã hội; đồng thời tăng mức hỗ trợ từ 360.000đ/tháng lên 500.000đ/tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tuy nhiên, ngay cả khi các ý kiến đề xuất nói trên được tiếp thu và thể hiện trong Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) thì những quy định này vẫn chưa khả thi mà còn mang tính đại trà, chưa tập trung vào việc giải quyết an sinh xã hội cho những đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn mà không có lương hưu lẫn trợ cấp Bảo hiểm Xã hội. Từ những hậu quả có thể dự báo trước, bà Khánh Ly đề ra những vấn đề gốc rễ cần giải quyết từ bây giờ:
"Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Theo tôi, để chuẩn bị cho một xã hội già nhìn từ khía cạnh an sinh xã hội thì Việt Nam cần phải mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc; xử phạt các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực Bảo hiểm Xã hội; tình trạng doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm Xã hội; cân đối lại độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng loại hình lao động; cân đối lại số năm tối thiểu đóng Bảo hiểm Xã hội để được hưởng mức lương hưu nhằm phù hợp với tốc độ già hóa dân số nhanh".
Ông Việt đánh giá, vấn đề già hóa không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới. Ông đề xuất một số giải pháp mà nhà nước Việt Nam có thể thực hiện ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho tình trạng dân số già:
"Đừng sợ chưa giàu đã già mà nên xem làm gì khi xã hội già hóa.
Đây là vấn đề cho nhà nước Việt Nam. Hiện nay họ quá tập trung vào kêu gọi ngoại quốc đầu tư, nhằm dùng lao động cơ bắp, sản xuất để xuất cảng.
Dân có chút thu nhập, GDP tăng có vẻ cao nhưng lợi nhất là cho tư bản ngoại quốc, còn thiên nhiên thì cạn kiệt dần và ô nhiễm nặng nề.
Vấn đề chính để phát triển là tăng năng suất lao động tổng thể, tức là phải tăng cường hiểu biết, thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục chuyên môn, nghề nghiệp, chứ đầu phải tăng số người có bằng Tiến sĩ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét