Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Nhà Thơ BẰNG VÂN - Đỗ Bình


Tên thật Trần Văn Bảng sinh năm 1909, từ trần ngày 25 tháng 11 năm 1996, hưởng thọ 88 tuổi. Tốt nghiệp Y Khoa Đại học Hà Nội năm 1940, nếu tính từ năm 1935 (khóa đầu tiên có luận án Tiến sĩ Y khoa trình ở Đại học Y Khoa Hà Nội) đến niên khóa 1940 thì BS Trần văn Bảng là 1 trong số 115 bác sĩ đầu tiên ra trường ở Đại Học Y Khoa Hà Nội. Cùng khóa năm đó có các Bác sĩ Thái Can, Vũ Minh Ngọc, Tôn Thất Tùng, Trương Duy Thụ, Phạm Văn Triển… Bác Sĩ Trần Văn Bảng hành nghề Y sĩ ở phòng mạch tư, dạy học ở Đại Học Y Khoa Hà Nội và Sàigòn. Cựu giám đốc bệnh viện Chợ Quán. 
<!>
Huy chương vàng Y khoa 1940, Hà Nội.
Huy chương vàng Bộ Y Tế Sài Gòn.
Prix Marchoux Cùi Học 1962.
Chức vụ quốc tê:
Đại diện Y Tế VN tại OMS, Genève 1950, Minnesota 1958.
Thành viên Hội Cùi Học Quốc Tế, Hội Y Học Nhiệt Đới Pháp.

Năm 1977 ông qua Pháp định cư ở Créteil, Val de Marne ngoại ô Paris. Bác sĩ tiếp tục viết văn, làm thơ với nhiều bút hiệu Bằng Vân, Lưu Văn Vong, Sĩ Ngông.
Tác phẩm để lại:

Những tập thơ nhỏ như Mảng Vui (1971), Mếu Cười (1979), Huyền Thoại Tình và Thơ (1981), Duyên Thơ Tình Bạn (1985), Thơ Dịch Bằng Vân, Sợi Tơ Lòng (1995), Sống Đẹp Chết Đẹp (1995), Thơ Tục Cổ Kim viết chung với nhiều người, nhiều bài viết trên Tập San Y Học của Nghiệp Đoàn Y Sĩ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, trên các Đặc San các Hội Y Sĩ tại Hải Ngoại sau 1975, tác phẩm cuối cùng Thư Mục Y Giới, Văn Thi Nghệ Sĩ (do 2 hội Y Sĩ Gia Nã Đại và Pháp hoàn tất năm 1997).

CON NGƯỜI:

GS Trần Văn Bảng có một tâm hồn đa cảm và nhân ái, ông sống hòa mình với những con người nghèo khó bất hạnh, cảm được cái đau của tha nhân nên đã chọn con đường nghiên cứu, giảng dạy và dấn thân phục vụ những người mắc phải bệnh cùi nan y mà những người trong xã hội thời đó còn e sợ chưa dám đến gần! Nhưng

nói đến BS Trần Văn Bảng không thể tách rời tâm hồn y sĩ và thi nhân. Đó là hai thực thể luôn gắn vào nhau trong tâm hồn ông. Bút hiệu Bằng Vân của ông phải chăng là cách được đảo ngược chữ từ tên Văn Bảng để lại mang một ý nghĩa khác đầy thơ, nhẹ nhàng như mây bồng bềnh, mặc cho cuộc đời bị thế sự thăng trầm thay đổi?
Thi sĩ Bằng Vân là một con người đặc biệt, rất yêu thơ và làm thơ. Ông là thành viên hội thơ Trúc Liên từ đầu thập niên 60, hội quy tụ nhiều nam nữ thi sĩ nổi tiếng như Chung Anh, Vân Nương, Thu Nga, Trùng Quang, Đông Xuyên. Ông là cựu Chủ tịch đầu tiên của Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris, Thành viên Ba Lê Thi Xã…vvv… Thi sĩ Bằng Vân đã sống với thơ và thơ đã nhập vào ông thành phong cách sống nên rất thanh cao. Ông là một nhà thơ tiêu biểu trong hội Ba lê Thi Xã, một hội quy tụ nhiều nhà thơ nổi tiếng. Dù say thơ, từng làm thơ xướng họa với các thi nhân nhưng Bằng Vân vẫn xem mình như một nhà thơ tài tử, vì tay phải vẫn cầm ống nghe, tay trái viết theo tiếng lòng. May thay cạnh ông thời trẻ là những văn thi sĩ nổi tiếng như Lãng Nhân, Vũ Hoàng Chương, Tchya. Nguyễn Hiến Lê, Vũ Bằng, Đỗ Đức Thu...vv... hiểu ông, khuyến khích nên thơ ông càng ngày càng điêu luyện sắc bén. Sau biến cố năm 75 thơ ông trở nên độc đáo mang tính phê phán, châm biếm. Nói như nhà thơ Phương Du BS Nguyễn Bá Hậu, một trong những cây đa cây đề trong Ba Lê Thi Xã:«Trong số các nhà thơ châm biếm VN như Tú Xương, Tú Mỡ… thi sĩ Bằng Vân là một Tú Gân». Một số bài thơ châm biếm của Bằng Vân được nhà thơ đọc nhiều lần trong Ba Lê Thi Xã :

CẢNH THẦN TIÊN

Dân ta sung sướng nhất trần ai
Rõ cảnh thần tiên thật chẳng sai
Trố mắt con ngồi nhìn rổ sắn
Chồn chân mẹ đứng đợi phần khoai !
Nửa tô cháo trắng đầy ngang dạ
Một áo thung đen rách sã vai
Không thuốc, ốm nằm, mong giải thoát
Trên tường ảnh Bác vẫy tay cười.

ĐẢNG TA BÁN VẢI

Đảng ta bán vải hôm nay
Mỗi người hai thước phen này ấm thân
Hoặc may áo, hoặc may quần
Khéo may vừa vặn nửa phân không thừa
Tay cầm hai thước vải thô,
Lòng em hồ hởi ơn nhờ Đảng ta
May quần thì để vú ra
Em đành may áo lá đa lõa lồ
Vội vàng cất ảnh Bác Hồ
Sợ rằng em để tô hô Bác cười.

Bằng Vân

Mùa thu năm 1990 chúng tôi có tổ chức một buổi tưởng niệm 50 năm ngày mất của thi sĩ Hàm Mặc Tử. Thuở ấy sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt ở Paris thật là khởi sắc, chỗ này ra mắt sách, chỗ kia ca nhạc, thỉnh thoảng có triển lãm tranh ảnh, chỗ nào cũng đông đủ những khuôn mặt trong giới văn nghệ thật là vui.

Buổi sinh hoạt tưởng niệm thi sĩ Hàn Mặc Tử hôm đó, ngoài phần đọc những bài thơ chọn lọc trong thi tập:Lệ Thanh, Gái Quê, Đau Thương của Hàn Mặc Tử, các văn nhân thi sĩ còn bàn đến những nét hay đẹp trong thơ, cuộc tranh luận tuy không sôi nổi nhưng rất hào hứng. Mở đầu cuộc bình thơ, nữ sĩ Minh Châu, GS Thái Hạc Oanh hội trưởng Ba Lê Thi Xã cho rằng : «Trong thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài siêu thực, nhất là giai đoạn ông bị bệnh »:

«Gío rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra »
(Say Trăng)

Nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, cựu ngoại giao VNCH, người mệnh danh làm thơ nhanh nhất Paris, lại bảo thơ Hàn Mặc Tử nặng chất tình dục:

«Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gío đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi…..
.. Ô kìa! bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe …»
(Bẽn Lẽn)

Nhà biên khảo Lương Giang Phạm Trọng Nhân, cựu ngoại giao VNCH, một trong những diễn giả diễn thuyết hay của Paris, ông nói: «Theo tôi thơ Hàn Mặc Tử là thơ trữ tình lãng mạn khởi đi từ quê hương đến tình yêu đôi lứa….Những bài thơ trong thi tập Lệ Thanh, Gái Quê và một số bài trong Đau Thương mang dòng thơ trữ tình lãng mạn: Mùa Xuân Chín, Đây Thôn Vỹ Dạ, Trăng Vàng Trăng Ngọc, Những Giọt Lệ…» Ông đọc :

«…Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ… »
(Những Giọt Lệ )
Ông đọc tiếp bài khác : Đây Thôn Vỹ Dạ:
“…Mơ khách đường xa, khách đường xa;
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”

Nói đến Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là nói đến cách xử dụng hình ảnh linh động chứa ẩn dụ và mang nhiều ý nghĩa khác nhau :
“ Trăng, trăng, trăng ! Là trăng, trăng trăng!
(Trăng Vàng Trăng Ngọc)

Nhà thơ Hồ Trọng Khôi, cựu ngoại giao VNCH, người nổi tiếng ở Paris về thơ Quê hương trữ tình, còn là nhà biên khảo tác giả cuốn Tận Thế Hay Không ? Nhà thơ Hồ Trọng Khôi đặt câu hỏi:
«Tại sao vào những đêm trăng rằm thi sĩ Hàn Mặc Tử lại cảm thấy đau đớn hơn ? Có phải cơ thể người bị phong nan y dị ứng với mùa trăng ?»
Nhà thơ Bằng Vân ngồi im lặng bỗng lên tiếng:
«Chẳng phải mỗi lần trăng lên là hành hạ các vết đau của Hàn Mạc Tử, vì người bị phong nan y các ngón chân tay trong cơ thể đều tắc các mạch máu và tê dại thì làm sao mà đau đớn! Do đó cơn đau ở đây là nỗi đau trong tâm hồn, chứ không phải đau thể xác.».

Nhà thơ Bằng Vân kể: “Thi sĩ đa tình Hàn Mặc Tử yểu mệnh chết trong trại cùi Quy Hòa thiết lập trên bờ biển Qui Nhơn. Phong cảnh nơi đây thật nên thơ. Núi, biển, bãi cát trắng, sóng dồn, rừng phi lao vi vút. Chàng đã yên nghỉ nơi đây trong long đất Thánh.”

Nhà thơ bằng Vân còn kể vào năm 1960 ông phụ trách Chương Trình Bài Cùi toàn Miền Nam nên có đến thăm viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử và cảm hứng làm một bài thơ:

“Sườn non, ven biển trại Qui Hòa
Một nắm xương tàn gởi cỏ hoa
Thân bệnh ê chề hàng lệ rỏ
Hồn thơ thổn thức ánh trăng nhòa
Phi lao rên rỉ rùng gân cốt
Sóng biển gầm reo nhức thịt dạ (1)
Mệnh yểu mà danh còn thọ mãi
Tiếng than Mặc Tử vọng âm Xa”.

Ghi chú:
(1) Gân cốt thít da đau nhức vì bịnh hủi.
Với bản tính nghệ sĩ bất cần nên hơi khác người, ông thường bị xem là kẻ bơi ngược dòng, ngông sĩ, thích bông đùa. Có một buổi sinh hoạt văn học tổ chức tại nhà hàng khu Á Châu. Văn nghệ sĩ cùng nhau ăn cơm chung, riêng ông tay xách bao đi chợ đựng sách báo và thức ăn. Ông vào nhà hàng ngồi chung bàn tiệc với các bạn văn thơ, nhưng ông không dùng thức ăn của nhà hàng, ông ra ngoài công viên lấy phần đem theo ăn. Ông dành tiền để mua sách ủng hộ các văn thi sĩ, các bạn thơ ở Paris đều hiểu và phục ông lắm. Đến khi vào phần thảo luận văn thơ, ông diễn thuyết như sáo.

Một số bài thơ trong thi tập Mếu Cười dưới bút hiệu Lưu Văn Vong là ông tự họa để riễu mình và châm biếm đời. Ông rất quý tình bạn, nhất là tình nghệ sĩ nên viết thi tập Duyên Thơ Tình Bạn, Sợi Tơ Lòng dưới bút hiệu Bằng Vân. Trong số các nhà thơ nữ ở Paris ông quý nhất nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế tác giả thi tập Giọt Nước Cành Sen, và nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương còn ở quê nhà, đa số thơ ông ca ngợi những thi sĩ cùng thời với ông. Hình bìa của thi tập Huyền Thoại Tình Và Thơ, do phu quân của nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế là họa sĩ Dương Cẩm Chương trình bày (người nghệ sĩ này thích vẽ tranh hơn làm bác sĩ khám bệnh).
Có lần chúng tôi họp bạn văn ở nhà hàng Đào Viên để đón hai người khách phương xa là nhà thơ Viên Linh từ Hoa Kỳ sang, GS, nhà báo Đặng Văn Nhâm từ Đan Mạch qua. Trong số những người đến sớm hôm đó có tôi, nhà văn Hồ trường An, nhà thơ Bằng Vân, nhà thơ Phương Du, nữ sĩ Quỳnh Liên, nữ sĩ Thụy Khanh...vv…

Trong lúc chờ đợi khách mời đến đông đủ, những câu chuyện vui văn nghệ được các văn nhân thi sĩ kể rất hào hứng. Bỗng, nhà thơ Bằng Vân nửa đùa, nửa thật hỏi nhà văn Hồ Trường An:
«Sao ông viết về phụ nữ nhiều thế, ca ngợi vừa vừa thôi chứ !?»
Đang cười nói vui vẻ, bỗng bị hỏi câu đó, nhà văn Hồ Trường An chạm tự ái, nghiêm mặt, lên giọng nói:
«Chỉ có mình tôi “ca,” là nịnh các cô các bà… Tôi đội… Bộ, ông không ca, không hót các bà sao ?!»
Thi sĩ Bằng Vân cười ha hả:
«Sao Ông lại nổi nóng thế ! Đùa một tí, chúng ta đồng điệu mà…Viết về tài sắc và đức hạnh của phụ nữ là đề tài mà từ ngàn xưa trong giới văn học nghệ thuật đã làm, chúng ta chỉ là người đi sau phát hiện ra cái hay, cái đẹp của phụ nữ nên ca ngợi. Đó là Chân Thiện Mỹ!».
Thi sĩ Bằng Vân dáng người dong dỏng cao như Tây phương, mái tóc dầy trắng như cước bồng bềnh trông rất nghệ sĩ. Khuôn mặt của ông điển trai trông đẹp lão, miệng ông luôn cười, hé chiếc răng nanh làm tăng vẻ duyên dáng. Thi sĩ Bằng Vân vốn có một kiến thức rất uyên bác, lại có tài ăn nói.
Có lần học giả GS Lê Hữu Mục qua Paris diễn thuyết về Truyện Kiều do hội Dược sĩ tổ chức. Ông được chúng tôi mời đến hội Thơ để đàm luận thi ca. Nhân dịp ông giới thiệu vài nét về cuốn Ngục Trung Nhật Ký, mà ông vừa viết. Trong sinh hoạt Ba Lê Thi Xã ông gặp được thi sĩ Bằng Vân, đây là lần đầu tiên họ gặp nhau nhưng rất hợp nhau như tri âm tri kỷ. Cặp nghệ sĩ Bằng Vân, Lê Hữu Mục hòa nhau ứng khẩu nói về Nghệ Thuật Sống, khiến các nhà thơ hiện diện nghe say mê quên cả trình bày thơ mình.

Paris một ngày mùa đông 1996 lạnh dưới 5 độ C, ngoài trời tuyết vẫn rời không dứt, đường phố phủ đầy màu tuyết rất thơ mộng. Trong cái băng giá đó có một người nổi tiếng trong giới y sĩ VN ở Paris và làng thơ Việt hải ngoại bỏ chốn trần gian để về an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng xa Paris lạnh lùng trong băng tuyết, đó là GS Trần Văn Bảng, người đã có thời gian dài hiến mình tận tụy phục vụ những người mắc bệnh nan y. Trên con đường đến nghĩa trang mịt mù tuyết rơi, đưa tiễn ông chỉ một ít người bạn thơ và gia đình. Có lẽ bài thơ Cảnh Di Cư, mở đầu trong thi tập Mếu Cười khi ông mới đặt chân đến Paris năm 1977 đã bay theo gió, không còn vương vấn mùi cay đắng trong hồn ông:

CẢNH DI CƯ

“Sống cảnh di cư dễ phát khùng…
Chiều ngồi ngáp vặt, sáng chơi rong
Tài hoa hai chữ tan thành mộng
Đèn sách bao năm hóa uổng công
Nhìn thoáng trong gương ..hơn cú rũ
Lần xem đáy túi vẫn tiền khồng
Trắng tay trắng cả tình yêu nữa
Thất thểu quê người, hổ núi sông…

Thi sĩ Bằng Vân cả đời dùng thi ca để nói lên nỗi đau của thân phận con người, và ước mong cho người bất hạnh vợi bớt niềm đau và chữa lành. Như những bông hoa tuyết rồi cũng tan trong nắng, nhà thơ đã thành mây bay, bay vào cõi vô tận không sầu khổ, nhưng những nỗi bất hạnh của nhân thế vẫn muôn đời còn lại thế gian!

Đỗ Bình

Không có nhận xét nào: