Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY : 26/07/2023


Pháp chạy nước rút chuẩn bị cho Thế vận hội Paris 2024 Đồng hồ đếm ngược 365 ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 chính thức được cài đặt hôm 26/07/2023, và đây cũng là chủ đề chính trên các mặt báo lớn tại Pháp số ra hôm nay. Các báo nêu ra những thách thức mà Pháp gặp phải cho việc tổ chức cuộc thi đấu thể thao quốc tế này. Chủ tịch ỤB Olympic Quốc tế CIO Thomas Bach (gilet vàng) thăm làng Vận Động Viên, ở Saint-Ouen-sur-Seine, Pháp, ngày 25/07/2023. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL Chi Phương
<!>
Trang nhất báo La Croix đặt câu hỏi « Liệu chúng ta đã sẵn sàng ? » để tiếp đón ít nhất 15 000 vận động viên, 15 triệu người đến thủ đô tham dự Thế vận hội Paris 2024 (từ ngày 26/07-08/09/2024). Nhật báo Công Giáo đề cập đến vấn đề về chỗ ở, cũng như các nơi tổ chức thi đấu, giao thông và tài chính. Pháp tận dụng những hạ tầng thể thao có sẵn như sân vận động Roland Garros, Parc des Princes hay Arena Bercy. Các công trình « làng thể thao » và trung tâm thể thao dưới nước, phục vụ Thế vận hội vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự trù hoàn thiện vài tháng, hoặc vài tuần trước khi sự kiện này diễn ra. Theo La Croix, thị trưởng thành phố Paris đã thở phào nhẹ nhõm vì vấn đề tài chính đã được giải quyết vì tập đoàn chuyên về hàng xa xỉ LVMH của Pháp đã đồng ý trở thành nhà tài trợ của Thế vận hội, tức là vấn đề tài chính để tổ chức sự kiện đã được bảo đảm đến 98%.

Nhật báo kinh tế Les Echos, và Le Figaro về phần mình, nêu ra các thách thức, 1 năm trước Thế vận hội mà Pháp phải chạy nước rút. Nhiều tuyến tàu điện ngầm tại thủ đô như 15, 16, 17, 18 khó có thể hoàn thiện trong 1 năm tới, trong khi nhu cầu di chuyển sẽ tăng đáng kể trong thời gian diễn ra sự kiện. Xã luận của Les Echos nhắc lại những tranh cãi xung quanh giá vé tham dự các trận thi đấu Olympic quá cao khiến nhiều người Pháp bất bình.

Các nhà hoạt động sinh thái cũng không bỏ lỡ dịp này để nói về những tác động đối với môi trường của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Phe ủng hộ hòa bình, dân chủ thì nhấn mạnh đến sự tham gia của những nước độc tài, chuyên chế, tận dụng dịp này để thay đổi hình ảnh. Thế nhưng, cây bút xã luận của Les Echos cho rằng đây là một trong những cuộc thi hiếm hoi cho phép một thế giới vốn đang bị chia rẽ, cùng hội tụ lại vì một mục đích chung, đó là thể thao. Nhật báo kinh tế kết luận rằng, mặc dù không nên lý tưởng hóa Thế vận hội Paris 2024, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng thể thao cho phép thiết lập đối thoại, thoát ra khỏi các khác biệt về văn hóa, tôn giáo hay sắc tộc.


« Paris có 365 ngày để thay đổi hình ảnh của nước Pháp », như nhận định của xã luận Le Figaro. Bởi vì gần đây, hình ảnh ấy đã bị bôi nhọ qua các cuộc biểu tình bạo lực trong cuộc cải tổ chế độ hưu trí, hay cuộc bạo động tại các vùng ngoại ô, cho thế giới thấy một nước Pháp bị chia rẽ. Nhật báo thiên tả nêu ra nghi vấn liệu tình hình an ninh có được bảo đảm hay không ? Khi 600 000 người sẽ tham dự lễ khai mạc diễn ra trên sông Seine, một khu vực khó có thể kiểm soát an toàn 100 %, cũng như chặng đường rước đuốc Olympic đi qua gần 60 tỉnh. Pháp đang phải khẩn trương tìm cách huy động lực lượng an ninh, tổ chức các khóa đào tạo cấp tốc, và có khả năg sẽ phải viện đến quân đội.

Le Monde thì quan tâm sự tham gia của các vận động viên Ukraina, liệu họ có đến tham gia vào Thế vận hội Paris 2024 hay không, khi mà các vận động viên Nga cũng có thể có mặt ? Do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina, nhiều vận động viên Nga và Belarus, vốn đã bị cấm tham dự các cuộc thi thể thao quốc tế, nhưng ngày 19/07 vừa qua, Liên đoàn thể dục thế giới đã cho phép họ tham gia thi đấu trở lại từ ngày 01/01/2024. Như vậy, các vận động viên Nga và Belarus có khả năng được tham gia Olympic Paris 2024 nhưng với « tư cách cá nhân », không có bất cứ liên kết nào với quân đội và không ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga. Ủy ban quốc tế Olympic cho biết sẽ đưa ra quyết định chính thức vào một thời gian phù hợp, về tư cách tham gia thi đấu của vận động viên Nga và Bélarus, đồng thời nhấn mạnh đến « tính trung lập về chính trị »trong thể thao. Phía chính phủ Pháp dường như cũng không đưa ra lập trường rõ ràng. Điều này khiến Ukraina phẫn nộ, và đã thành công thuyết phục được các nước đồng minh như Ba Lan và các nước vùng Baltic cùng nhau tẩy chay Thế vận hội Paris nếu như các vận động viên Nga cũng tham gia.

Cảnh sát Pháp đồng loạt « nghỉ ốm »


Vẫn về thời sự nước Pháp, phong trào « nghỉ ốm » của giới cảnh sát, công an, từ Marseille đã lan ra nhiều tỉnh thành khác. Phong trào nổ ra sau khi một viên cảnh sát bị khởi tố và bị tạm giam vào thứ Năm tuần trước vì đã có hành động bạo lực đối với một thanh niên trong cuộc bạo động xảy ra hồi đầu tháng Bảy. Vụ việc đã khiến nhiều cảnh sát phẫn nộ. Theo le Figaro, riêng tại Marseille, khoảng 800 đến 1000 cảnh sát hoặc công chức trong lực lượng an ninh Pháp đã xin « nghỉ ốm » hoặc xin nghỉ vì « hậu chấn tâm lý », Le Monde thì cho rằng khó có nói chính xác tổng cộng có tất bao nhiêu người xin nghỉ ốm trong phong trào này vì bộ Nội Vụ không đưa ra số liệu. Tác động của phong trào này hiện cũng chưa rõ.
Libération cũng như Le Figaro và Le Monde đều trích dẫn những lời chứng ẩn danh chỉ ra những bất cập trong nghề nghiệp « giữ gìn an ninh trật tự » ở Pháp. Đối với một số người, cuộc bạo động vừa qua giống như một cuộc chiến tranh, lực lượng an ninh được yêu cầu lập lại trật tự, nhưng không được cung cấp đủ nguồn lực để chống lại « một đội quân du kích ». Ngoài việc bị chỉ trích bởi giới truyền thông cũng như công luận, nhiều người cũng bày tỏ chán nản, không còn thấy ý nghĩa trong nghề nghiệp, và nhất là không được coi trọng, bị bỏ rơi. Nhiều người cho rằng viên cảnh sát nói trên có thể bị khởi tố, nhưng bị bắt vào trại giam thì có phần quá đáng. Phòng trào « nghỉ ốm » là để bày tỏ lòng đoàn kết với đồng nghiệp vì chính họ cũng có khả năng bị bắt giam trong hoàn cảnh tương tự.

Các báo cũng đề cập đến tranh cãi xoay quanh phát biểu của lãnh đạo Cảnh Sát Quốc Gia Pháp (DGPN) Frédéric Veaux, bày tỏ ủng hộ với cảnh sát, cho rằng « trước khi có một phiên tòa thì cảnh sát không phải vào tù ». Xã luận của Le Monde cho rằng, phong trào này không chỉ nêu ra quan ngại về thực trạng điều kiện làm việc của cảnh sát ở Pháp, mà còn là sự im lặng, bất lực của giới lãnh đạo. Vào lúc mà Pháp chuẩn bị tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quốc tế, như Giải Vô Địch Bóng Bầu Dục (Rugby) và Thế vận hội Paris 2024, nước Pháp khó có thể đương đầu với một cuộc khủng hoảng, nhất là từ những người có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự.

Ngoại trưởng Trung Quốc vừa tái xuất thì bị « tống khứ » ngay


Nhìn sang châu Á, việc ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bị cách chức sau một tháng mất tích khiến nhiều báo số ra hôm nay quan tâm. Le Figaro có tựa « Trung Quốc "tống khứ" bộ trưởng Ngoại Giao ». Được bổ nhiệm từ cuối tháng 12/2022, Tần Cương được cho là một người trung thành với Tập Cận Bình, đã không lộ diện trước công chúng từ ngày 25/06 dù có chương trình ngoại giao dày đặc. Theo Tân Hoa Xã, Ủy viên bộ Chính Trị, ông Vương Nghị, kiêm chủ nhiệm Văn phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ thay thế Tần Cương, quay trở lại vị trí ngoại trưởng mà ông nắm giữ từ 2013 đến 2022. Vương Nghị nắm chức cao hơn cả vị trí bộ trưởng và là lãnh đạo cao cấp nhất trong ngành ngoại giao Trung Quốc.

Le Figaro trích dẫn nhận định của chuyên gia Alexis Payette, thuộc tổ chức tư vấn Eurasia Group, cho rằng Vương Nghị đã mở cuộc điều tra về Tần Cương, một phần là vì ông không ưa Tần Cương, cũng như vì sự thăng tiến nhanh chóng của ông Tần khi trở thành ngoại trưởng ở tuổi 57, đã làm mất lòng nhiều nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm hơn. Nhật báo thiên hữu cho rằng vụ việc này đã vén một góc màn về cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong bộ máy ngoại giao Trung Quốc.

Cũng về chủ đề này, Libération nói về những lời đồn đoán sau vụ mất tích của Tần Cương, cũng như các vụ mất tích khác tại Trung Quốc, không chỉ liên quan đến giới chính khách mà cả nghệ sỹ, doanh nhân, hay thậm chí chính ông Tập Cận Bình cũng đã từng biến mất 2 tuần, ngaytrước khi lên làm lãnh đạo vào năm 2012.

Về sự biến mất của ông Tần Cương, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra giải thích là vì lý do sức khỏe, nhưng theo một số chuyên gia, được Les Echos trích dẫn, đây chỉ là cái cớ. Mạng xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện những tin đồn về việc ông Tần Cương ngoại tình và có khả năng có con ngoài giá thú với một nữ dẫn chương trình của đài truyền hình Hồng Kông. Nhà phân tích Antoine Bondaz, tại Quỹ nghiên cứu chiến lược trả lời nhật báo kinh tế rằng có thể « xác nhận những bóng tối dày dặc bao phủ chế độ Bắc Kinh, và chính điều này làm dấy lên những tin đồn. Mục đích của những tin đồn này là để mọi người không thể hiểu được hệ thống đưa ra quyết định » của Trung Quốc.

Ngũ cốc Ukraina gây chia rẽ nội bộ Liên Âu


Liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, Les Echos đề cập đến sự chia rẽ trong nội bộ của Liên Hiệp Châu Âu vì ngũ cốc của Ukraina. Khi bị hạn chế xuất khẩu từ cảng biển Đen, Ukraina đã tìm cách bán ngũ cốc qua các con đường khác, bằng đường bộ, qua các nước Đông Âu như Ba Lan và Rumani hay Hungary. Tuy nhiên vì ngũ cốc Ukraina tràn vào thị trường và có giá rẻ nên những nông dân Ba Lan hay Rumani đã bị cạnh tranh, khó có thể bán được nông sản. Do vậy Liên Âu đã đưa ra các hạn chế về việc nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraina để bảo vệ thị trường nội địa của các nước liên quan. Các hạn chế này hết hạn vào tháng Sáu và được gia hạn đến ngày 15/09, nhưng tại cuộc họp các bộ trưởng Nông Nghiệp Liên Âu hôm thứ Ba vừa qua tại Bruxelles, một số nước Đông Âu đề xuất tiếp tục gia hạn những hạn chế về nhập khẩu ngũ cốc Ukraina để bảo vệ thị trường nông sản nội địa.

Một số nước như Pháp và Đức thì lại phản đối đề xuất này vì như vậy là quay lưng lại với Ukraina, trong khi mà các nước Đông Âu vốn đã nhận được nhiều trợ giúp về tài chính từ khối 27 nước, lên đến 150 triệu euro.

Về phần mình, La Croix đã cử đặc phái viên đến Odessa, thành phố cảng giàu văn hóa ở miền nam Ukraina. Kể từ khi Nga từ chối triển hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraina từ cảng biển Đen, Odessa đã nhiều lần bị tên lửa tấn công. Nhiều công trình kiến trúc lịch sử, tôn giáo đã bị phá hủy hư hại. Phóng viên của nhật báo Công Giáo ghi nhận sự phẫn nộ, bất lực của người dân thành phố cảng, đăng tải hình ảnh Nhà thờ Chính Thống Giáo Chúa Biến Hình, một di sản được UNESCO công nhận, đã bị hư hại nặng chìm trong đống đổ nát.

Khô hạn cho phép khám phá các di tích khảo cổ

Về khí hậu, Les Echos nêu ra tình trạng hạn hán ở Tây Ban Nha, khiến sông hồ khô cạn, nhiều nơi thiếu nước trầm trọng vào mùa hè này cho nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt. Thế nhưng, tình trạng này không hẳn là hoàn toàn tiêu cực. Bộ Văn Hóa cho biết, do hạn hán từ 3 năm qua, Tây Ban Nha đã phát hiện 1700 di tích khảo cổ ở đáy các sông hồ bị cạn nước. Có những di tích được phát hiện có niên đại hơn 5000 năm.

Không có nhận xét nào: