Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Tổ Chức Giáo Dục Và Thi Cử Ngày Xưa - Bùi Quý Chiến (Đặc San Lâm Viên)


Đời thượng cổ nước ta có chữ không? Cho tới nay lời giải đáp chỉ là suy diễn vì không còn di tích để lại. Có thuyết cho rằng người Mường và Thổ trên thượng du còn có chữ huống chi nước ta có văn hóa cao hơn những sắc tộc ấy. Nhưng vì bị Bắc thuộc hơn một ngàn năm, dân ta lệ thuộc chữ Hán từ giáo dục tới thi cử nên chữ riêng của nước ta bị mai một không còn dấu vết. Người Mường và Thổ ở trên thượng du ít tiếp xúc với văn hóa của kẻ thống trị nên còn giữ được chữ riêng cho tới nay. Theo ý chúng tôi, một sự kiện lịch sử cho thấy nước ta đã có chữ từ đời Hùng Vương.
<!>
Khi lập quốc, vua Hùng chia nước ra làm 15 bộ tất phải tổ chức hệ thống hành chánh tuy chưa hoàn bị như những triều đại sau. Vua dặt tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, các quan nhỏ là Bồ chính. Vậy là văn võ phân biệt. Võ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trong nước và chống ngoại xâm. Văn có nhiệm vụ thừa hành phép tắc, như thế tất phải có chữ để ghi nhớ và truyền đạt. Vả chăng văn đã có nghĩa là người có học.

Chữ cổ của nước ta có lẽ cũng chưa hoàn chỉnh nên dễ bị chữ Hán lấn át, nhất là kẻ thống trị muốn đồng hóa dân tộc ta.

Cho tới khi giành được quyền tự chủ, kể từ nhà Lý, nước ta tổ chức giáo dục và thi cử theo cách riêng mặc dù dùng chữ Hán.

TỔ CHỨC GIÁO DỤC
Mở đầu thời kỳ tự chủ là nhà Ngô (939-965), kế đến nhà Đinh (968-980) rồi nhà Tiền Lê (980-1009); vì mỗi triều đại trị vì chỉ vài chục năm nên nền giáo dục không kịp tổ chức.

Sang nhà Lý, năm 1070, vua Thánh Tông lập Văn miếu để thờ Khổng Tử và cũng là nơi dạy học cho thái tử và con các quan.

Năm 1076, Lý Nhân Tông cải tổ Văn miếu thành Quốc tử giám, bổ nhiệm các quan có văn học vào giảng dạy.

Năm 1252, Trần Thái Tông cho con thường dân ưu tú được vào học trong Quốc tử giám.

Năm 1397, Hồ Qúy Ly đặt học quan ở các lộ, phủ, châu để coi việc học hành; các học quan được cấp ruộng.

Năm 1428, Lê Thái Tổ chấn hưng Quốc tử giám, lập các lộ học ở địa phương. Học sinh ở Quốc tử giám gọi là giám sinh, học sinh ở các lộ gọi là lộ hiệu sinh.

Năm 1483, Lê Thánh Tông mở rộng Quốc tử giám, làm các phòng ở cho giám sinh, lập kho bí thư chứa ván gỗ đã khắc chữ để in thành sách, dựng nhà bia khắc tên những người đậu tiến sĩ từ các triều đại trước, cấp lương cho giám sinh từ 8 tiền tới 1 quan.

Năm 1803 Gia Long dựng nhà Quốc học ở Huế, đặt chức đốc học ỏ các trấn và đặt chức giáo thụ và huấn đạo ở phủ huyện để coi việc dạy học.

Qua các triều đại, Quốc tử giám được coi như bậc đại học, các trường ở cấp lộ và phủ huyện là bậc trung cấp.

Triều đình chỉ tổ chức giáo dục từ trung ương tới phủ huyện; bậc sơ cấp được tư nhân tổ chức ở tư gia hoặc trường tư.

Giáo dục ở tư gia là các danh gia vọng tộc tự mình rèn luyện con cháu hoặc các phú hộ mướn người tới nhà dạy riêng con cháu mình.

Trường tư thường do các quan chức về hưu hoặc những người đỗ đạt nhưng không muốn làm quan; những vị này vì lý tưởng đào tạo nhân tài cho đất nước hơn là sinh kế. Cũng có những nhà nho vì lận đận thi cử nên mở một lớp nhỏ dạy trẻ đủ sống qua ngày.

Sách giáo khoa ở bậc sơ cấp thường là từng chữ kèm theo nghĩa và có vần điệu cho học trò dễ nhớ như:

Thiên trởi, địa đất, vân mây
Vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm

Học trò tập viết bằng cách đưa bút tre theo những chữ khắc trên ván gỗ cho quen tay, sau đó mới dùng bút lông đồ lên chữ son đỏ.

Tập làm câu đối từ 3 chữ tới 7 chữ để mở đường làm thơ thất ngôn và từ 8 chữ trở lên để biết cách làm phú.

Từ 10 tuổi trở lên bắt đầu học ngũ kinh tứ thư và sử của nước nhà và sử Tàu.

Tập làm thơ phú ít vần và bài văn sách ngắn. Khi đã thông thạo, bắt đầu làm toàn bài kinh nghĩa, thơ, phú, chiếu, chế, biểu, văn sách.

Nhằm khuyến khích việc học trong dân chúng, triều đình thường tổ chức các kỳ thi khuyến miễn, người trúng tuyển được miễn đi lính, sưu thuế và sai dịch trong một năm.

TỔ CHỨC THI CỬ
Trước khoa thi một năm, thí sinh phải được lý trưởng xác nhận lý lịch lương thiện mới được nộp quyển hạch gọi là loại khai. Các quan giáo huấn ở phủ huyện xét quyển hạch của thí sinh, thấy người có khả năng thì lập danh sách gửi lên tỉnh. Học nha ở tỉnh xét ai có thể thi đậu thì lập danh sách gửi lên bộ lễ, như thế gọi là di hạch.

Người trúng tuyển di hạch được giấy thông báo gửi về làng. Bấy giờ thí sinh mới hợp lệ lều chõng đi thi.
Thí sinh phải tự túc giấy thi đóng thành quyển (giấy trắng). Ngoài bìa quyển ghi rõ tên họ và quê quán của bản thân và cha mẹ. Quyển được nộp cho quan đốc học (gồm 3 quyển nếu thi tam trường, 4 quyển nếu thi tứ trường). Quan đốc học kiểm tra các quyển đề phòng gian lận, sau đó xếp vào hòm gỗ để gần tới ngày thi thì gửi tới trường thi, quan trường sẽ phát lại quyển cho thí sinh khi thí sinh bước vào trường thi.

Ngày xưa nước ta tôn trọng đạo Khổng nên bài thi đều xoay quanh ngũ kinh và tứ thư. Ngũ kinh gồm kinh thi, kinh thư, kinh lễ, kinh dịch và kinh xuân thu. Tứ thư gồm đại học, trung dung, luận ngữ và Mạnh Tử.

Khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta là khoa tam trường năm 1075, lấy đỗ 10 người, đỗ đầu là Lê Văn Thịnh được lựa chọn vào hầu vua học tập (bấy giờ Lý Nhân Tông mới có 7 tuổi). Tam trường là khoa thi gồm 3 kỳ, đậu kỳ 1 mới được vào kỳ 2 và đậu kỳ 2 mới được vào kỳ 3.

Năm 1247 Trần Thái Tông định lệ mỗi 7 năm/1 khoa thi tứ trường gọi là khoa thái học sinh. Danh hiệu 3 người đỗ cao nhất là trạng nguyên, bảng nhãn và Thám hoa, gọi là tam khôi. Những người đỗ từ thứ tư trở xuống gọi là thái học sinh (sau đổi là tiến sĩ).

Tứ trường là 4 kỳ. Kỳ 1 là một bài ám tả để loại bớt người kém. Kỳ 2 là kinh nghĩa và thơ phú. Kỳ 3 là một bài chiếu, một bài chế và một bài biểu. Kỳ 4 là một bài văn sách để định người đỗ cao thấp. Mỗi khoa thi chỉ lấy 30 người. (Chiếu là bài thí sinh thay lời vua ban lệnh hoặc luật. Chế là bản văn quy định phép tắc. Biểu là tờ trình của quan lên vua).

Năm 1304 Trần Anh Tông vinh danh thêm người đậu thứ tư là hoàng giáp.

Năm 1374 Trần Duệ Tông mở khoa đình thí (thi ở sân vua) lấy tiến sĩ, danh hiệu tiến sĩ bắt đầu từ đấy, nôm na gọi là ông nghè.

Năm 1396 Trần Thuận Tông mở khoa thi hương (thi ở các lộ) lấy cử nhân và định lệ năm trước thi hương thì năm sau thi hội (thi ở kinh đô).

Năm 1404 Hồ Hán Thương định lại khoa thi thành 5 kỳ, gồm 4 kỳ như nhà Trần và thêm kỳ thứ năm thi viết chữ và làm toán. Phép thi này chưa thực hiện thì xảy ra cuộc ngoại xâm của giặc Minh.

Năm 1434 Lê Thái Tông định lệ mỗi 3 năm/1 khoa thi hương, năm trước thi hương thì năm sau thi hộ . Những người trúng tuyển khoa thi hội cũng được vinh danh trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp và tiến sĩ như nhà Trần. Ngoài ra những người trúng tuyển còn được xướng danh (thay vì chỉ niêm yết trên bảng) và được vinh quy về quê quán.

Năm 1462 Lê Thánh Tông định lại phép thi hương: ai trúng 3 kỳ là sinh đồ, ai trúng 4 kỳ là hương cống (nôm na gọi là ông cống). Tới đời Minh Mạng (1820-1840) đổi hương cống là cử nhân, sinh đồ là tú tài.

Năm 1484 Lê Thánh Tông cho khắc tên các tiến sĩ lên bia đá để dựng ở văn miếu. Các tiến sĩ tân khoa được ban mũ áo, ăn yến , xem hoa ở vườn thượng uyển. Lễ vinh quy có trống gióng cờ mở. Quan địa phương đốc thúc dân làng làm nhà mới ở quê quán cho ông nghè. Khi ra làm quan được bổ nhiệm ngay vào hàn lâm viện. Nếu phải đi các lộ cũng không phải làm chức phó.

Năm 1502 Lê Hiển Tông cho phường nhạc rước bảng vàng ghi tên các tiến sĩ tân khoa từ trường thi tới niêm yết ở nhà thái học tức quốc tử giám.

Những cách vinh danh tiến sĩ tân khoa ngày xưa đã gây mầm hiếu học khắp hang cùng ngõ hẻm. Tuy nhiên con cháu những người làm nghề xướng ca bị cấm thi là bất công.

Bùi Quý Chiến

THAM KHẢO

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
- Việt nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm.
- Lược khảo về khoa cử Việt nam của Trần Văn Giáp.

Không có nhận xét nào: