Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 28/07/2023 - Long Đỗ

Lần đầu tiên một nguyên thủ Pháp đến thăm Sri Lanka  Tổng thống Emmanuel Macron theo dự kiến tối hôm nay 28/07/2023 đến Sri Lanka, trên đường trở về nước sau vòng công du tại Thái Bình Dương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến sân bay Port Moresby, ở Papua New Guinea, ngày 27/07/2023. AFP - LUDOVIC MARIN - Thùy Dương Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Pháp đến thăm Sri Lanka, quốc gia từ hơn 1 năm nay phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi giành được độc lập hồi năm 1948
<!>
Theo AFP, điện Elysée hôm thứ Tư 26/07 mới thông báo bổ sung Sri Lanka vào lịch trình công du của tổng thống Macron và xem đây là dịp để ''làm sâu sắc thêm quan hệ song phương và nêu lên những thách thức tầm khu vực và quốc tế của hai nước''.

Sri Lanka ở phía đông nam Ấn Độ, có diện tích bằng 1/9 nước Pháp, với 22 triệu dân. Về địa chính trị, Sri Lanka đang bị mắc kẹt giữa hai nước lớn là đối thủ của nhau : Ấn Độ và chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka là Trung Quốc. Hôm qua 27/07, khi công du Vanuatu, tổng thống Pháp Macron đã tố cáo "chủ nghĩa tân đế quốc" đang trỗi dậy ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Đại Dương, hàm ý nói tới mưu đồ bành trướng của Trung Quốc.

Tình báo Mỹ nghi ngờ Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga về công nghệ

Trung Quốc giúp Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây và « có thể » đang giúp Matxcơva cả về mặt quân sự bằng cách cung cấp các công nghệ lưỡng dụng được tư nhân và quân đội sử dụng. Trên đây là nội dung một báo cáo của cơ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ (ODNI), được tiết lộ hôm 27/07/2023.


Ảnh minh họa : Một hội chợ hàng năm giới thiệu các công ty công nghệ Trung Quốc và nước ngoài, Bắc Kinh, ngày 04/06/2023. AP - Mark Schiefelbein
Thanh Hà
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn bảo báo cáo của Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (ODNI) được Ủy Ban Tình báo Hạ Viện Mỹ cho công bố. Theo báo cáo nói trên, Trung Quốc đang « cung cấp một số công nghệ lưỡng dụng, đang được quân đội Nga dùng để tiếp tục chiến tranh Ukraina bất chấp các biện phát trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu » mà quốc tế ban hành.

Tài liệu nói trên cho biết thêm, căn cứ vào các thống kê của Hải Quan, nhiều « công ty trong lĩnh vực quốc phòng Nhà nước Trung Quốc quản lý vận chuyển thiết bị định vị, công nghệ làm nhiễu sóng và các linh kiện máy bay chiến đấu » cho các tập đoàn của Nga. Văn bản cũng ghi nhận, do chiến tranh Ukraina, Trung Quốc « thậm chí trở thành đối tác quan trọng hơn » của Nga, so với trước đây.

Reuters nhắc lại Bắc Kinh luôn bác bỏ mọi cáo buộc gửi trang thiết bị quân sự cho Nga, từ khi Matxcơva khởi động chiến tranh Ukraina hồi tháng 2/2022.

Ngoài ra, Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia Mỹ cũng lưu ý rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nga và Trung Quốc đã tăng mạnh từ hơn một năm qua và các khoản giao dịch bằng nhân dân tệ cũng đã được mở rộng. Tuy nhiên báo cáo đánh giá : « Cộng đồng tình báo hiện còn thiếu các bản phúc trình đầy đủ để có thể thẩm định là Bắc Kinh có « cố tình ngăn cản công việc điều tra » của phía Mỹ về « đích đến cuối cùng » của hàng xuất khẩu Trung Quốc hay không.

Không chỉ Hoa Kỳ, cách nay 10 ngày, ông Emmanuel Bonne, cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp cũng đã nêu lên khả năng Trung Quốc cung cấp « thiết bị lưỡng dụng » cho Nga.

Ukraina dồn dập phản công tại miền nam và miền đông

Kiev hôm 27/07/2023 thông báo đã giành lại được làng Staromaiorske, đông nam Ukraina. Cùng ngày tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận « cường độ các cuộc giao tranh đang tăng lên hơn rất nhiều » cũng ở khu vực này. Một số nhà quan sát cho rằng dường như chiến dịch phản công của Kiev đang bước vào giai đoạn 2 và với một « nhịp độ dồn dập hơn » ở hai khu vực miền nam và miền đông Ukraina.


Binh sĩ Ukraina pháo kích các vị trí của Nga trên tiền tuyến ở vùng Zaporijjia, ngày 24/06/2023. AP - Efrem Lukatsky
Thanh Hà
Thông tín viên đài RFI Emmanuel Chaze từ Sloviansk, trong vùng Donetsk, điểm qua tình hình chiến sự :

Quân đội Ukraina sáng Thứ Năm cho biết đang dồn lực lượng về hai phía trong khu vực miền nam Ukraina, nhằm chọc thủng các tuyến phòng thủ của đối phương. Chiến thuật này cho phép đem lại một số thành công : tại vùng Zaporijjia, Ukraina đã tiến hành một cuộc tấn công khá quan trọng. Dường như họ đã chọc thủng được tuyến phòng thủ của Nga gần thành phố Orikhiv.

Thế còn ở khu vực Donetsk, quân đội Ukraina chiếm lại được làng Staromaiorske. Ngoài ra lực lượng Ukraina cũng đang tiến về Klishichiivka ở phía nam Bakhmut. Tuy nhiên ở phía bắc thành phố, tình hình rất gay go. Phía Ukraina liên tục bị Nga tấn công và khó để kềm hãm đà tiến của quân Nga trên tuyến đường nối liền Kupyansk với Kreminna.

Về phía các nhà quan sát quốc tế, mọi người ghi nhận một sự thay đổi về nhịp độ các chiến dịch phản công của Ukraina. Một số nguồn tin cho biết là đã có thêm những binh đoàn vừa được điều đến hiện trường ở khu vực miền nam Ukraina, quân nhân được trang bị tốt và họ từng được phương Tây đào tạo. Câu hỏi còn lại là liệu rằng Ukraina thực sự khởi động giai đoạn mới trong chiến dịch phản công hay chưa.

Lại xuất hiện drone « của Ukraina » trên bầu trời Matxcơva
Sáng nay (28/7) bộ Quốc Phòng Nga trên mạng Telegram cho biết đã bắn hạ một drone của Ukraina tại thủ đô Matxcơva. Tin trên cũng đã được đô trưởng Matxcơva Serguei Soubianine xác nhận nhưng không đi sâu vào chi tiết. Hôm đầu tuần một trong hai drone bị bắn hạ ngay khu vực chỉ cách bộ Quốc Phòng Nga có vài trăm mét. Nga liên tục thông báo bắn hạ drone của Ukraina trên bầu trời thủ đô Matxcơva.

LHQ : Số ngũ cốc Nga hứa tặng châu Phi là quá ít

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress hôm 27/07/2023 nhận định vài chục tấn ngũ cốc mà tổng thống Nga hứa tặng cho một số ít nước châu Phi trong những tháng tới chỉ là « một phần hỗ trợ nhỏ », không thể bù đắp tác động khủng khiếp từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nước châu Phi tham gia hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi chụp ảnh chung, Saint Petersburg, Nga, ngày 28/07/2023. via REUTERS - TASS
Thùy Dương
Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress đã nhận xét như trên sau khi tổng thống Nga Putin tại thượng đỉnh Nga - châu Phi ở Saint Petersbourg hôm qua 27/07 tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí từ 25.000 đến 50.000 tấn lương thực cho 6 nước châu Phi. Quả đúng là số lương thực nói trên chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng số 6 triệu tấn ngũ cốc mà Nga đã xuất sang châu Phi trong năm ngoái, theo số liệu chính ông Putin công bố tại thượng đỉnh.

Trong số 6 quốc gia châu Phi mà Putin hứa tặng ngũ cốc, có 3 nước đối tác truyền thống của Nga : Zimbabwe, Somalia, Erithrea và 3 nước mới xích gần lại Nga : Mali, Trung Phi và Burkina Faso.

Liên quan đến chiến tranh Ukraina, theo AFP, ông Putin hôm nay 28/07 trong phiên họp toàn thể thượng đỉnh Nga - Châu Phi lần thứ 2 khẳng định Nga sẽ « chú ý » nghiên cứu các đề xuất của các nước châu Phi để tìm lối thoát cho cuộc xung đột vũ trang tại Ukraina.

Lãnh đạo Wagner xuất hiện bên lề thượng đỉnh Nga - Châu Phi

Theo một bức ảnh mà công ty Wagner công bố, ông Evgueni Prigojine đang có mặt tại Saint-Pétersbourg, bên lề thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai quy tụ 49 nước châu Phi. Nếu các hình ảnh này được xác nhận, thì đây là những bức ảnh chính thức đầu tiên của Evgueni Prigojine kể từ vụ binh biến bất thành ngày 23-24/06 vừa qua.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho bết thêm chi tiết :

« Ngay khi tổng thống Nga phát biểu, một tấm bưu thiếp của Wagner xuất hiện ; rõ ràng là tập đoàn Wagner vẫn chưa đánh mất thói quen chơi khăm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ binh biến hồi cuối tháng 6, Evgueni Prigojine, bằng xương bằng thịt, bắt tay Freddy Mapouka, phụ trách lễ tân của tổng thống CH Trung Phi, Faustin Archange Touadéra.

Theo hãng truyền thông độc lập Fontanka của Nga, bức ảnh nói trên được chụp tại Saint Petersburg, nhưng không phải ở hành lang của hội nghị thượng đỉnh, mà là tại khách sạn Trezzini, thuộc sở hữu của gia đình Prigojine. Tất cả các phòng của khách sạn cũng đã có khách đặt cho 3 ngày tới.

Vẫn theo hãng truyền thông Fontanka, một số phương tiện truyền thông « trước đây thuộc về đế chế truyền thông của Yevgueni Prigojine » cho biết thêm là Prigojine dường như đã không chỉ gặp các đại diện của CH Trung Phi mà còn gặp đại diện của Mali và Niger.

Một số phương tiện truyền thông này thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng Wagner cũng thân cận với một số người gây ra vụ đảo chính (tại Niger), trong khi giới ngoại giao Nga sáng nay kêu gọi một cuộc « đối thoại mang tính xây dựng và ôn hòa » và bày tỏ mong muốn tổng thống (Niger) Mohamed Bazoum nhanh chóng được trả tự do ».

Quốc Phòng: Bắc Triều Tiên, mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản

Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng hôm nay 28/07/2023. Ngoài sức mạnh quân sự của Trung Quốc và việc Nga xâm lược Ukraina, các « hoạt động quân sự của Bắc Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng và cận kề nhất đối với an ninh của Nhật Bản ».


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, văn phòng thủ tướng ở Tokyo, ngày 25/07/2023. AP
Thanh Hà
Báo cáo thường niên của bộ Quốc Phòng Nhật, vừa được thủ tướng Fumio Kishida thông qua vào hôm nay, lập ra một danh sách các « mối đe dọa quân sự cấp bách và những phương tiện để bảo vệ an ninh quốc gia ».

Hãng tin Anh Reuters ghi nhận : Sách Trắng 2023 của Nhật Bản dành một phần lớn để nói về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, « về mặt chiến lược, sức mạnh của quân đội Trung Quốc là thách thức chưa từng có ». Các chương trình tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga cũng khiến Tokyo lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh Ukraina do Nga khởi động.

Song nội các của thủ tướng Fumio Kishida lần này tập trung nhiều vào các chương trình nguyên tử và đạn đạo của Bắc Triều Tiên: Tokyo « cảnh báo Bắc Triều Tiên có nhiều khả năng tấn công Nhật Bản với các loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân », « Bắc Triều Tiên là mối đe dọa càng nghiêm trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh quốc gia của Nhật ».

Doanh nghiệp Pháp Ommic bị cáo buộc chuyển giao bí mật công nghiệp cho Nga và Trung Quốc

Ommic, doanh nghiệp Pháp chuyên về chip bán dẫn, đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan an ninh vì bị nghi ngờ đã chuyển giao những thông tin công nghệ nhạy cảm cho Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh công nghệ về chất bán dẫn giữa châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra.


Chip bán dẫn điện tử. Ảnh minh họa chụp tại Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, ngày 28/04/2021. AP - John Minchillo
Thùy Dương
Theo báo Người Paris (Le Parisien), 2 lãnh đạo công ty Ommic và 2 nhân viên người Trung Quốc, đang bị điều tra. Vụ việc mới được tiết lộ vào hôm qua 27/07, nhưng những mối nghi ngờ đầu tiên đã có từ hồi tháng 01/2021, sau khi Hải quan Pháp kiểm tra một thùng hàng chíp điện tử được chuyển sang Trung Quốc. Rất nhanh chóng, các chuyên gia khi đó nhận ra rằng các sản phẩm và thông số kỹ thuật đã bị chỉnh sửa giả mạo để che giấu sức mạnh thực sự của những con chip rất có thể được sử dụng vào mục đích quân sự.

Quả thực, tại Pháp, loại chip này liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và việc xuất khẩu được quản lý nghiêm ngặt và phải có giấy phép. Cuộc điều tra được giao cho Viện công tố quốc gia về chống khủng bố. Và những phát hiện của cơ quan này cho thấy đây không đơn giản là một vụ buôn lậu.

Dường như Marc R, giám đốc điều hành Ommic, dưới sự chỉ đạo của chủ tịch công ty, đã lách lệnh trừng phạt nhắm vào Matxcơva và giao chip cho một doanh nghiệp Nhà nước Nga chuyên chế tạo thiết bị quân sự. Litva, Thổ Nhĩ Kỳ và nhất là Trung Quốc đóng vai trò là nước trung gian trong thương vụ này. Marc R. có thể bị kết án tới 15 năm tù giam và bị phạt 225.000 euro.

Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp (DGSE) thậm chí còn nghi ngờ một nhà đầu tư Trung Quốc đã tìm cách chuyển giao các công nghệ mũi nhọn trong chế tạo thiết bị bán dẫn bằng cách thành lập một công ty bình phong ở Thành Đô, Trung Quốc, với sự đồng lõa của chủ tịch công ty Ommic. Theo AFP, Ruodan Z, doanh nhân Trung Quốc 62 tuổi, là chủ tịch Ommic từ năm 2008, thông qua một quỹ đầu tư được lập tại Pháp. Cư trú tại Trung Quốc, người này đang bị tư pháp Pháp truy nã.

Do quy mô vụ việc, Tư pháp cũng đã ra một phán quyết chưa từng có, yêu cầu Nhà nước Pháp tiếp quản công ty. Đến tháng 06/2023, công ty Ommic đã được bán lại cho một doanh nhân Mỹ.

Việt Nam và Vatican đồng thuận mở văn phòng đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Hà Nội

Chiều qua 27/07/2023, tại Vatican, giáo hoàng Phanxicô đã tiếp chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân. Nhân dịp này hai bên chính thức ký thỏa thuận về quy chế của đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam. Văn phòng đại diện của Vatican sẽ được đặt tại Hà Nội.


Giáo hoàng Phanxicô tiếp chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, Vatican, ngày 27/07/2023. via REUTERS - VATICAN MEDIA
Thanh Hà | Trọng Thành
Trong thông cáo chung, chính quyền Việt Nam và Vatican mong muốn « tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương ». Hai bên tin rằng đại diện thường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội sẽ góp phần « hỗ trợ cộng đồng Công Giáo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của họ trong tinh thần tôn trọng luật pháp (…), sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Vatican » Thỏa thuận về quy chế của đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là kết quả của nhiều vòng đàm phán đã được khởi động từ 2009. Quan trọng hơn cả là cuộc trao đổi lần thứ 10 hôm 31/03/2023 tại Vatican.

Trả lời Trọng Thành, cựu giám mục Giáo phận Vinh, Phao Lồ Nguyễn Thái Hợp, cho biết về tầm mức quan trọng của việc Vatican bổ nhiệm đại diện thường trú tại Việt Nam và nguyện vọng của cộng đồng Công Giáo:

Giám mục Phao Lồ Nguyễn Thái Hợp (Vinh)

Đức cha Phao lồ Nguyễn Thái Hợp : ‘‘Đây là một cuộc đối thoại dài giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam. Sau năm 1975, hai bên không có quan hệ ngoại giao. Cầu nối đầu tiên bắt đầu vào tháng 11 năm 1990. Và từ đó đã có đến 17 cuộc đối thoại, dẫn đến quyết định đầu tiên là Việt Nam đồng ý thành lập văn phòng, hay là ''đặc phái viên không thường trú'' của Tòa Thánh tại Hà Nội năm 2009.

Ngày 31 tháng 3 năm 2023 Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam đã đồng ý để nâng thỏa thuận trước đây lên một bậc. Tức là quan hệ chính thức, chính thức ở bậc thấp nhất. Quy chế cao hơn sau đó có thể lên đến chỗ chấp nhận cử ‘‘sứ thần’’, như trong ngạch ngoại giao thường có. Như người ta vẫn nói là ‘‘khâm sứ Tòa Thánh'', như hiện thời tại các nước khác.

Nhiều người cũng vui mừng, vì bây giờ vị đại diện của Tòa Thánh sẽ hiện diện thường xuyên ở Việt Nam, và nhờ vậy thì rất có thể những vấn đề tôn giáo sẽ được giải quyết sớm hơn, chẳng hạn vấn đề bổ nhiệm các giám mục, vấn đề các giáo phận mới. Ngày xưa thì rất khó. Phải chờ để gặp gỡ để đối thoại trực tiếp, thành thử lâu hơn.

Chúng tôi hy vọng rằng tiến trình bình thường hóa ngoại giao sẽ tiếp tục đi tới với một thời gian ngắn hơn, và với một kết quả tốt đẹp hơn. Để rồi tại đất nước của mình, Tòa Thánh cũng có những tương quan và liên hệ ngoại giao bình thường như tại rất nhiều nước khác trên thế giới.’’

Trung Quốc giúp Indonesia « dời đô »

Tổng thống Indonesia Joko Widodo công du Trung Quốc ba ngày, kể từ ngày 27/07/2023. Trong ngày đầu tiên, lãnh đạo Indonesia đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thành Đô, Tứ Xuyên, để thảo luận về nhiều dự án chung, trong đó có việc phát triển thủ đô mới của Indonesia.


Tổng thống Indonesia Joko Widodo (G) và phu nhân Iriana tại Sân bay Quốc tế Thành Đô, Trung Quốc, ngày 27/07/2023 . AP - Laily Rachev
Thu Hằng
Indonesia dự kiến « dời đô » khỏi Jakarta trên đảo Java, quá đông dân cư và bị ô nhiễm, đến Nusantara trên đảo Borneo vào năm 2024. Theo văn phòng tổng thống Indonesia, được hãng tin Nhật NHK trích dẫn, tổng thống Joko Widodo và chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí thúc đẩy hợp tác về dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Tây Kalimantan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hỗ trợ Jakarta phát triển khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Kalimantan.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, được AP trích dẫn, cho biết hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về y tế, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm cho dự án đầu tư, như trong lĩnh vực xe chạy bằng năng lượng tái tạo, thành phố thông minh và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp số. Indonesia muốn có vai trò lớn hơn trong tư cách là nhà cung cấp niken và các nguyên liệu thô khác cho ngành công nghiệp ô tô điện đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

Về quan hệ quốc tế, hai nguyên thủ thảo luận các vấn đề trong vùng và quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN. Tổng thống Indonesia, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, nhấn mạnh đến vai trò « chiến lược » của khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, nơi « cần được bảo vệ như một khu vực hòa bình và ổn định ».

Trong chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Joko Widodo dự lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đại học Thế giới - FISU lần thứ 31 tại Thành Đô. Năm 2023, Indonesia và Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước thắt chặt hợp tác kinh tế thông qua Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường - BRI của Trung Quốc, trong đó có dự án xây dựng đường tầu hỏa cao tốc nối Jakarta và Bandung.

Không có nhận xét nào: