Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Cựu TBT VietnamNet nói 'TQ cần thực sự tôn trọng luật chơi' - BBC

Image en ligne
Nguyen Anh Tuan - Ông Nguyễn Anh Tuấn và cựu Thống đốc Massachussetts Michael Dukakis thảo luận với Giáo sư Joseph Nye và Giáo sư Nicholas Burns lúc chuẩn bị vào Hội nghị của Diễn đàn Toàn cầu Boston hồi 9/2018 Hôm 1/7/2020, Diễn đàn Toàn cầu Boston đã tổ chức Hội nghị Liên minh Dân chủ trong quản trị số bảo vệ và nâng cao Dân chủ sau đại dịch Covid-19. Hội nghị qua Google Meet bàn về hai chủ đề chính. Một là Liên minh Mới xây dựng nền Dân chủ mới với công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, và hai là Chuỗi cung ứng mới, và xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới.<!>
Trong các diễn giả có những nghị sỹ từ Liên minh Liên Quốc hội về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China IPAC), EU, Anh, Úc, Nhật Bản, cùng các học giả hàng đầu, những chiến lược gia như Joseph Nye, Richard Vietor, Alex Pentland,và Koichi Hamada.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO của Diễn đàn Toàn cầu Boston, cho BBC News Tiếng Việt biết về thời điểm tổ chức Hội nghị:
Ông Nguyễn Anh Tuấn:Thế giới thay đổi nhiều sau đại dịch COVID-19 với những hiểm hoạ, nguy cơ lớn. Công tác chuẩn bị được chúng tôi tiến hành từ đầu tháng 5.
Trong quá trình chuẩn bị, ngày 5/6/2020 Liên Minh Liên Quốc Hội Về Trung Quốc (IPAC) được thành lập. Diễn đàn Toàn cầu Boston thấy đây là tổ chức có chiến lược và con đường rất gần với mục tiêu của Hội nghị, nên đã mời các đồng chủ tịch của IPAC tham gia làm diễn giả và đối thoại cùng với các nhà lãnh đạo, các học giả.
Image en ligne
Nguyen Anh Tuan
Ông Nguyễn Anh Tuấn (trái) và cựu Thống đốc Michael Dukakis (phải) là hai trong số các sáng lập viên của Diễn đàn Toàn cầu Boston, thành lập vào cuối năm 2012
BBC: Hiện nay Hoa Kỳ đang ở vào năm tranh cử, các chính sách của Mỹ mang tính đối đầu với Trung Quốc trở nên đa dạng hơn, theo nhiều bình luận, và đã đi xa hơn thương chiến Mỹ - Trung. Nhìn từ Hoa Kỳ, ông thấy sao?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Mọi kết quả đều có nguyên nhân.
Nguyên nhân chính là những gì Trung Quốc thể hiện trong đại dịch: bưng bít thông tin, không hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây, tác động để WHO trì hoãn cảnh báo đại dịch, dùng kinh tế làm vũ khí tấn công nước Úc khi Úc đề nghị mở cuộc điều tra về đại dịch.Trong khi cả thế giới đang đối phó với đại dịch thì Trung Quốc có những hành động đe doạ ở các vùng biển trên thế giới. Đặc biệt là việc Trung Quốc ra Luật An ninh mới cho Hong Kong, phá bỏ các cam kết về Hong Kong chỉ sau 23 năm, dù cam kết tới 50 năm.
Tôi tin rằng Hoa Kỳ và thế giới không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh hay đối đầu quân sự, nhưng nước Mỹ và thế giới dân chủ cần thấy Trung Quốc thực sự tôn trọng và bình đẳng về các luật chơi, Trung Quốc phát triển thực sự hoà bình bằng cơ chế vận hành, bằng thực tế đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài, bằng thực sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác, chứ không phải là chỉ trên lời nói.
Diễn tiến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc. Nhưng có lẽ xu hướng liên kết để đối phó với Trung Quốc, để gìn giữ những chuẩn mực giá trị thế giới văn minh là xu hướng chủ đạo.
BBC: Hội nghị diễn ra đúng vào ngày 01/07 khi Luật An ninh cho Hong Kong của TQ có hiệu lực. Ông nghe được gì từ các diễn giả về vấn đề này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn:Các đồng chủ tịch IPAC đã lên án gay gắt trong vấn đề này. Bắc Kinh làm vậy là sự bội ước tệ hại, khiến người ta không thể tin vào Trung Quốc.
Chuyện này cũng ảnh hưởng ngay tới Hội nghị. Nghị sỹ Quốc Hội Anh Iain Duncan Smith đã phải dự Hội nghị trễ hơn 30 phút vì phải đột xuất trình bày thông điệp của mình về sự kiện Luật An ninh mới áp dụng cho Hong Kong trong ngày 1/7/2020. Lẽ ra là diễn giả đầu tiên thì ông đã trở thành diễn giả thứ ba tại Hội nghị (sau Nghị sỹ của EU Miriam Lexmann và Giáo sư Joseph Nye).
BBC:Qua những việc ông đã làm và qua Hội nghị, quan điểm riêng của ông về điều mà các diễn giả thảo luận tại Hội nghị về mục tiêu bảo vệ và phát triển nền dân chủ thế giới?
Ông Nguyễn Anh Tuấn:Tôi thấy cần liên hiệp, đoàn kết những lực lượng, sức mạnh dân chủ trên toàn thế giới để xây dựng thế giới văn minh, dân chủ, chế ngự nguy cơ chiến tranh thế giới mới. Phải đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới như AI, công nghệ số, blockchain... để tạo ra nền dân chủ thông minh, hiệu quả, năng động hơn, thực chất hơn.
Không ai muốn tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng cần yêu cầu Trung Quốc thực hiện ngay các chuẩn mực trong Khế ước Xã hội Mới Trong Thời Đại Trí Tuệ Nhân Tạo, như tự do truy cập Internet cho mọi người dân, công khai, minh bạch, không ngăn chặn Facebook, YouTube, Google và báo chí Mỹ, cho mọi công dân tiếp cận kiến thức của nhân loại.

Image en ligne
AFP
Có lẽ là chúng ta không ảo tưởng rồi đây Trung Quốc sẽ cởi mở, sẽ dân chủ, và không thể coi Trung Quốc là nền kinh tế đang chuyển đổi, cần có ưu đãi, thông cảm… mà cần sòng phẳng, rành mạch.
Theo tôi, thế giới đã chấm dứt Chiến tranh Lạnh 30 năm rồi. 30 năm là quá đủ để chuyển đổi rồi, không thể đòi hỏi cần có thời gian chuyển đổi nữa.
Chỉ có thể hợp tác kinh tế, kết nối trên nền tảng những chuẩn mực của Khế ước Xã hội Mới Trong Thời đại Trí tuệ Nhân tạo. Thực tế đã cho thấy mọi sự khước từ áp dụng các chuẩn mực này, viện dẫn các lý do như mỗi nước có đặc thù riêng, văn hoá riêng, hay văn hoá phương Đông khác… là sự nguỵ biện.
Cùng một dân tộc Trung Hoa nhưng người Đài Loan, người Hong Kong áp dụng các chuẩn mực giá trị dân chủ đã trở thành những xã hội văn minh, kinh tế phát triển tốt. Người Nhật, người Hàn Quốc, cùng văn hoá Á Đông nhưng với các chuẩn mực dân chủ họ đã phát triển rất tốt, thế giới rất nể trọng họ.
Việt Nam có ít nhiều nét tương đồng với hệ thống chính trị của Trung Quốc, cũng văn hoá Á Đông, nhưng một số giáo sư ở Harvard, MIT ghi nhận Việt Nam đã thực hiện được một số tiêu chí trong Chuẩn mực như: mọi công dân Việt Nam được truy cập vào Google, Facebook, YouTube, báo chí mạng của Mỹ; hay trong chống dịch COVID-19 chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch hợp tác với Mỹ và các nước EU, các nước dân chủ cùng nhau chống dịch… thì không có lý do gì mà thế giới dân chủ, văn minh không đòi hỏi Trung Quốc thực hiện các chuẩn mực kết nối chính trị, kinh tế, xã hội, và không có lý do gì để Trung Quốc từ chối.
Image en ligne
Getty Images
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói việc viện dẫn đặc thù văn hóa, đất nước để khước từ áp dụng chuẩn mực của khế ước xã hội mới là "ngụy biện"
Nếu Trung Quốc từ chối thì phải xem xét các quan hệ kinh tế với Trung Quốc dù phải hy sinh lợi ích kinh tế, như nghị sỹ Nghị viện EU Miriam Lexmann, Thượng nghị sỹ Úc Kimberley Kitching, hay Nghị sỹ Anh Iain Duncan Smith đã phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Toàn cầu Boston ngày 1/7/2020.
BBC: Nhìn từ Boston, ông thấy hướng đi của xã hội Việt Nam ra sao và Việt Nam nên làm gì trong thế giới hôm nay?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhưng để có sự phát triển thần kỳ thì đất nước cần cải cách và nỗ lực nhiều hơn nữa cả ở phía các nhà lãnh đạo và người dân.
Việt Nam đã có những bước tiến về kinh tế, cuộc sống người dân khá hơn rất nhiều. Người dân đã thoải mái tiếp cận với thế giới qua Internet và dễ dàng đi ra thế giới, tâm thế cũng đã khác, không còn cảm thấy tự ti như những năm đầu Đổi mới. Đất nước đã có những bước tiến quan trọng, việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng được nhân dân và lãnh đạo Việt Nam quyết tâm cao.
Những thành quả Việt Nam đạt được hôm nay của người dân và các nhà lãnh đạo rất đáng trân trọng ghi nhận.
Nhưng để có sự phát triển thần kỳ thì Việt Nam cần phải cải cách và nỗ lực hơn rất nhiều.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam hôm nay không nên loay hoay với những nỗi lo về sự tồn vong của chính thể, tồn tại hay không tồn tại, mà nên xác lập tâm thế và khát vọng xây dựng một đất nước văn minh, giàu mạnh, dân chủ, được thế giới nể trọng cả về phát triển kinh tế và sự tốt đẹp, tử tế trong xã hội, đồng thời tích cực cùng nhân loại xây dựng một thế giới dân chủ, văn minh trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
Nếu có những nhà lãnh đạo có khát vọng dân tộc, quyết đoán, mạnh mẽ và thành tâm tập hợp trí tuệ của mọi người kể cả người ngoài Đảng, cũng như tin cậy, bố trí cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền, quốc hội, không nhất thiết là đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh làm giai đoạn 1945-1947, hay Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm.
Cùng với đó là hệ thống quản lý điều hành đất nước tinh gọn, khoa học, không dẫm chân, chồng chéo, công khai, minh bạch, dựa vào nhân dân để giám sát, kiểm soát quyền lực, thì Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, thành tựu đạt được sẽ vẻ vang và rực rỡ hơn.
Việt Nam cần phát triển kinh tế nhưng không tàn phá cảnh quan thiên nhiên, không phá đi những giá trị lịch sử, văn hoá, cũng như cần giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội. Phát triển kinh tế cần dựa trên sự phát huy năng lực, sáng tạo rộng khắp của toàn dân, và ở một trình độ tư duy cao hơn, tạo ra giá trị cao hơn.
Để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự đe doạ của Trung Quốc, Việt Nam cần cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ phải tốt hơn Trung Quốc, kinh tế nông nghiệp, kinh tế du lịch, kinh tế biển cần phát triển ở một trình độ cao hơn, sáng tạo hơn, tạo ra giá trị cao hơn. Việt Nam cần khơi dậy tinh thần độc lập, tự cường trong kinh tế với Trung Quốc, độc lập chính trị với Trung Quốc.
Đổi mới chính trị đó là đòi hỏi của chính Việt Nam, để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam, chứ không phải là do sức ép từ Mỹ hay phương Tây. Khát vọng đổi mới chính trị đã rõ trong xã hội, nhận thức và nghị quyết trong Đảng cũng đã có, diễn văn của các nhà lãnh đạo Đảng cũng đã nêu, bây giờ là lúc cần hành động.
Tôi tin rằng nếu Việt Nam làm được những điều trên thì Việt Nam sẽ phát triển với những thành tựu rực rỡ.
BBC: Câu hỏi về cá nhân ông, sau khi rời VietNamNet và sang Hoa Kỳ làm việc, cuộc sống của ông ra sao, ông làm những việc gì, xin chia sẻ những gì ông cho là có ý nghĩa?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi sang Boston làm việc đã chín năm, đã trải qua các công việc: học giả truyền thông, chính trị và chính sách công ở Trường Kennedy của Đại học Harvard, thành viên Hội đồng Cố vấn Toàn cầu của Harvard Business School, Chủ tịch Uỷ ban Cố vấn Quốc tế Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu ở Đại học UCLA, đồng sáng lập và lãnh đạo tạp chí Global Commons Review, Đại học UCLA.
Nhưng có lẽ công việc có ý nghĩa nhất là tôi cùng cựu Thống đốc Michael Dukakis và hai giáo sư khác ở ĐH Harvard thành lập Diễn đàn Toàn cầu Boston vào cuối năm 2012. Đó là khi tôi đang làm học giả ở Harvard, ông Michael Dukakis là Chủ tịch, tôi là Giám đốc điều hành.
Với những sáng kiến về an ninh mạng và hoà bình, an ninh cho thế giới, từ mô hình xã hội trí tuệ nhân tạo, chúng tôi triển khai những sáng kiến có ý nghĩa như Khế ước Xã hội mới trong thời đại trí tuệ nhân tạo, chính phủ trí tuệ nhân tạo, công dân trí tuệ nhân tạo, quốc hội trí tuệ nhân tạo...
Với uy tín cao của ông Michael Dukakis, và những vấn đề đặt ra có ý nghĩa thời đại, cùng với những lãnh đạo trụ cột là những giáo sư hàng đầu ở Đại học Harvard, MIT, chúng tôi đã thu hút được những nhà lãnh đạo, những giáo sư ở các trường đại học hàng đầu tham gia, hợp tác với các trường đại học hàng đầu, với LHQ, OECD, Ngân hàng Thế giới... Tôi thấy công việc của mình, và cuộc đời thật đẹp, rất có ý nghĩa.

Không có nhận xét nào: