Washington đánh giá nguy hại của Tik TokỨng dụng TikTok của Trung Quốc đang được cơ quan quản lý liên bang, CFIUS, đánh giá mức độ gây hại đối với an ninh nước Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin, đã xác nhận thông tin này hôm thứ Tư, theo SCMP.Ông Mnuchin nói rằng cơ quan của ông sẽ sớm đề xuất hành động đối với ứng dụng này lên Tổng thống Trump. “TikTok đang được CFIUS xem xét và chúng tôi sẽ trình khuyến nghị lên tổng thống trong tuần này”, ông Mnuchin, đứng bên cạnh ông Trump, nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng. “Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn [để hành động]”.<!>
Hôm thứ Ba, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho các quan chức an ninh quốc gia để yêu cầu một cuộc điều tra về việc liệu TikTok có đang phục vụ những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc “gây ảnh hưởng” ở xã hội Mỹ hay không, bao gồm cả những nỗ lực nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào cuối năm nay.
Chính quyền Trump ‘sẵn sàng chấp nhận rủi ro’ để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc
Một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump “sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn nữa” trong mối quan hệ với Bắc Kinh để chống lại các tham vọng bành trướng của chính quyền Trung Quốc.
Theo SCMP, bà Lisa Curtis, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á của Hội đồng Bảo an Quốc gia Hoa Kỳ, đưa ra thông tin này trong một bài phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Viện Brookings về “Ảnh hưởng và chiến lược khu vực đang gia tăng của Trung Quốc”.
Bà Curtis nói: “Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong mối quan hệ [Mỹ-Trung] và tôi nghĩ mỗi bên sẽ phải làm quen với các chỉ dẫn mới này, chúng chỉ đạo chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực khi chúng ta tiến lên phía trước”.
Bà Curtis dự báo “mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn sẽ ngày càng sâu sắc”, khi hai nước cùng hướng tới việc xây dựng một khu vực tự do, cởi mở, minh bạch ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời “đảm bảo rằng các quốc gia khác ở Nam và Trung Á có thể duy trì chủ quyền của riêng họ”.
Bà Lisa Curtis, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á của Hội đồng Bảo an Quốc gia Hoa Kỳ
Bà Curtis khen ngợi thỏa thuận mua bán khí trị giá 3 tỷ đô la của Mỹ và Ấn Độ trong năm nay, trong đó New Dehli sẽ nhận được 24 máy bay trực thăng MH-60 Romeo Seahawk và 6 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache.
Phụ tá của Tổng thống Trump cũng đề cập đến một thỏa thuận tăng cường tham vấn giữa các nước trong nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn, đây được coi là một nền tảng quan trọng cho chính sách của Tổng thống Trump trong khu vực. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Trump được đánh giá là một nỗ lực nhằm huy động các nước trong khu vực chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.
Bà Curtis nói rằng vụ xung đột biên giới gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã làm thức tỉnh các quốc gia trong khu vực về “chiến lược hội nhập” của Bắc Kinh. Trong vụ xung đột này, phía Ấn Độ cho biết có 20 quân nhân nước này thiệt mạng, trong khi đó Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong.
Bà Curtis nhắc lại một ý kiến của ông David Helvey, quyền trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong một bài bình luận đăng trên SCMP trong tháng này, ông Helvey chỉ ra rằng việc chống lại thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ là một chạy đua đường dài.
Ông Helvey kêu gọi: “Cùng nhau, chúng ta phải kiên cường khi đối mặt với thách thức dài hạn này, bằng cách tiếp tục duy trì và thể hiện các nguyên tắc cốt lõi như tôn trọng chủ quyền, minh bạch, giải quyết ôn hòa các tranh chấp, đồng thời đảm bảo các quyền tự do hàng hải và hàng không”.
Trung Quốc kêu gọi thế giới chống ‘bá quyền’ Mỹ
Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia “chống lại” các hành động “vô lý và bá quyền” của Hoa Kỳ, đồng thời giúp thế giới ngăn chặn điều mà ông cho rằng là một cuốc chiến tranh lạnh mới, SCMP đưa tin hôm thứ Tư.
“Tất cả các quốc gia nên hành động để chống lại bất kỳ hành động đơn phương hoặc bá quyền nào, cũng như bảo vệ hòa bình và sự phát triển của thế giới”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Nghị.
Ông Nghị cũng nói rằng quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng như hiện tại là do “một phe chính trị nhất định ở Mỹ, bị thúc đẩy bởi lòng tham và mong muốn duy trì trạng thái bá quyền đơn cực”.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Jean-Yves Le Drian, vào thứ Ba, ông Nghị nói Bắc Kinh sẽ có “những phản ứng hợp lý và rõ ràng” với Hoa Kỳ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng đất nước của ông sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ ổn định với Washington.
Đây là lần thứ tư trong vòng chưa đầy hai tuần, ông Nghị đã đề cập tới Hoa Kỳ trong các cuộc trò chuyện với các quan chức nước ngoài. Ông đã có cuộc thảo luận qua điện thoại với các đối tác Nga, Việt Nam và Đức.
Mỹ rút 12.000 lính khỏi Đức
Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch điều chuyển 12.000 quân ở Đức đi những nơi khác, Fox News cho hay, đây là một động thái điều chỉnh của Washington trong kế hoạch ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và trấn an các đông mình châu Âu.
Theo kế hoạch, 6.400 lính Mỹ sẽ được đưa về nước, trong khi đó, 5.600 quân nhân khác sẽ được điều tới các đơn vị khác ở châu Âu. Việc này sẽ được thực hiện “trong hai tuần”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay.
“Những thay đổi này sẽ đạt được các nguyên tắc cốt lõi trong việc tăng cường sự răn đe của Mỹ và NATO đối với Nga, củng cố NATO, trấn an các đồng minh và cải thiện tính linh hoạt trong chiến lược của Hoa Kỳ”, ông Esper nói.
Hơn một nửa bệnh nhân Covid thở máy ở Đức tử vong
Cứ 5 bệnh nhân ở Đức phải nhập viện vì bệnh viêm phổi Vũ Hán thì có 1 người không qua khỏi, trong khi đó tỷ lệ tử vong đối với những người phải thở máy lên tới 53%, một nghiên cứu công bố kết quả này vào thứ Tư, theo AFP.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Hiệp hội chăm sóc sức khỏe và cấp cứu liên ngành Đức, Đại học kỹ thuật Berlin và nhóm bảo hiểm y tế AOK.
Nghiên cứu đưa ra kết luận dựa trên việc phân tích bộ dữ liệu của 10.000 bệnh nhân nhập viện ở 930 bệnh viện của Đức, trong khoảng thời gian từ 26/2 đến 19/4.
Nghiên cứu cho biết thêm, bệnh nhân nam phải nhập viện ở Đức có tỷ lệ tử vong cao hơn nữ giới, con số tương ứng là 25% so với 19%.
Ấn Độ điều thêm 35.000 quân tới biên giới giáp Trung Quốc
Ấn Độ đang chuẩn bị bố trí thêm 35.000 quân đến biên giới với Trung Quốc khi viễn cảnh sớm đạt được một giải pháp chung cho căng thẳng giữa hai nước đang mờ dần, theo LiveMint.
Động thái này sẽ thay đổi tình hình dọc Đường kiểm soát thực tế (LCA) dài gần 3.500 km và đòi hỏi mở rộng ngân sách quân sự hiện đang thắt chặt của Ấn Độ, các quan chức cấp cao Ấn Độ giấu tên cho biết.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không xác định các binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả dữ dội hôm 15/6. Kể từ đó, cả hai bên đã vội vã điều hàng ngàn binh sĩ, súng pháo và xe tăng đến khu vực. Khi các thỏa thuận biên giới song phương chưa được thiết lập, tình hình hiện tại vẫn đòi hỏi gia tăng quân đội đến khu vực, các quan chức Ấn Độ cho biết.
“Tính chất của khu vực Đường kiểm soát, ít nhất là ở Ladakh, đã thay đổi vĩnh viễn”, BK Sharma, giám đốc viện chính sách The United Service Institution of India và là một thiếu tướng Ấn Độ đã nghỉ hưu, nhận định. “Lực lượng bổ sung được điều vội đến khu vực sẽ không rút quân, trừ khi cấp chính trị cao nhất giữa hai nước quay trở lại mối quan hệ bình thường”.
Hiện tại, giao tranh đã tạm ngừng. Sau nhiều vòng đàm phán quân sự cấp cao, Bắc Kinh cho biết đã rút quân ở hầu hết các địa điểm.
“Hiện tại, hai bên đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp chỉ huy thứ năm để giải quyết các vấn đề tồn đọng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (28/7).
Tại một cuộc họp hôm thứ Sáu (24/7) tuần trước, Ấn Độ đã nhấn mạnh việc Trung Quốc cần “chân thành thực hiện” các thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa chỉ huy quân đội cấp cao hai phía, bao gồm việc rút quân triệt để ra khỏi các điểm nóng tranh chấp ở khu vực Đông Ladakh, một người trong cuộc chia sẻ với Hindustan Times.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có quan điểm tương đồng đối với vấn đề rút quân hay không.
Ấn Độ nhận 5 máy bay chiến đấu từ Pháp
Vào thứ Tư, Ân Độ đã nhận về 5 máy bay chiến đấu, trị giá hàng tỷ đô la, của hãng sản xuất Rafale, Pháp. AFP cho hay, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã đề cập tới sự kiện này như một cảnh báo tới nước láng giềng Trung Quốc sau khi Ấn-Trung xảy ra xung đột lãnh thổ căng thẳng thời gian qua.
Đại bác đã được bắn lên để chào mừng 5 máy bay chiến đấu hạ cánh xuống căn cứ không quân Ambala ở bang Haryana, phía bắc Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Rajnath Singh, nói rằng sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu mua từ Pháp đã đánh dấu “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử quân sự của chúng ta”.
Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp trong một thỏa thuận trị giá 9,4 tỷ USD. Những chiếc máy bay cuối cùng sẽ được nhà sản xuất Rafale giao cho Ấn Độ vào cuối năm 2021.
Truyền thông Đài Loan nghi ngờ Trung Quốc thống kê sai về số người thiệt mạng do lũ lụt
Thống kê số người chết và mất tích trong trận lũ lụt hoành hành Trung Quốc được giới chức đại lục báo cáo thấp ở mức đáng ngờ, theo Taiwan News.
Trận lũ lụt tàn phá Trung Quốc trong hơn hai tháng qua đã gây tổn thất nặng nề cho nước này cả về người và tài sản cũng như thiệt hại kinh tế trực tiếp. Đập Tam Hiệp được ca ngợi dường như ít hiệu quả trong việc giảm thiểu các tác hại này.
Sau hai tháng mưa xối xả và lũ lụt trên khắp các vùng dọc theo sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và sông Hoài, Tân Hoa Xã ngày 29/7 trích dẫn Bộ quản lý khẩn cấp nói rằng “lũ lụt do mưa gây ra” đã ảnh hưởng tới 54,8 triệu người dân ở 27 khu vực cấp tỉnh, tính đến 28/7.
Mặc dù thảm họa quy mô lớn trên khắp Trung Quốc trong hơn hai tháng, nhưng chính phủ báo cáo số người người chết hoặc mất tích là 158.
Tân Hoa Xã công bố rằng 37,6 triệu người đã sơ tán khỏi các khu vực lũ lụt tàn phá, 41.000 ngôi nhà bị sụp đổ, và 368.000 ngôi nhà bị hư hại.
Tổng cộng 5.283 hecta đất nông nghiệp bị phá hủy và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến 144.43 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20,66 tỷ USD).
So với mức trung bình cùng kỳ 5 năm trước, số người bị ảnh hưởng bởi đợt lũ năm nay tăng 23.4%, số người sơ tán tăng 36,7% và thiệt hại kinh tế trực tiếp tăng 18.8%.
Đáng ngờ là, số trường hợp chết và mất tích giảm 53%, và số nhà bị sập giảm 68,4%.
Theo Taiwan News, lũ lụt năm nay ở Trung Quốc không chỉ lớn hơn những trận lụt trong 5 năm qua mà còn kể từ năm 1998, nên con số người chết và số nhà cửa bị sập được báo cáo giảm đến “lạ lùng”, dẫn đến có nghi ngờ rằng, nhiều khả năng giới chức Trung Quốc thống kê sai.
Trung Quốc lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai: Ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong 3 tháng!
Trung Quốc đã công bố 101 ca mắc mới Covid-19 ở Trung Quốc, 89 trong đó được phát hiện ở Tân Cương, nơi người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ sinh sống chiếm đa số. Mối lo ngại đang gia tăng khi Trung Quốc có thể đang đối mặt với làn sóng virus thứ hai sau đợt bùng phát dịch ban đầu ở Vũ Hán.
Khu vực Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm hàng loạt và áp dụng các biện pháp kiểm dịch do sự gia tăng số lượng các ca lây nhiễm, theo tờ Express.
Tin tức này xuất hiện sau khi Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi trong các trại cải tạo.
Các chuyên gia lo ngại dịch virus corona có thể bùng phát tại các trại giam, đặc biệt khi COVID-19 đã đạt đỉnh tại khu vực phía tây bắc Trung Quốc này.
Tiến sĩ Anna Hayes, giảng viên cao cấp chuyên ngành chính trị và quan hệ quốc tế cho biết bà lo ngại việc bùng phát dịch bệnh trong trại giam chỉ là “vấn đề thời gian”.
Trung Quốc đã kiểm soát được sự lây lan của virus tại đại lục thông qua các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại.
Nhưng các vụ bùng phát dịch gần đây đã xuất hiện ở các vùng khác nhau của đất nước.
Chính quyền Trung Quốc hiện đang tập trung ngăn chặn sự bùng phát dịch có liên hệ đến một công ty thủy sản có trụ sở tại thành phố Đại Liên.
Công ty này đã tạm thời đóng cửa để tiến hành xét nghiệm Covid-19.
Giới chức y tế nước này hôm Chủ nhật (26/7) tuyên bố họ sẽ xét nghiệm tất cả sáu triệu cư dân tại Đại Liên.
Tuần trước, 52 trường hợp mới đã được xác nhận tại thành phố cảng lớn này, với 30 trong số đó làm việc tại nhà máy.
Hải sản nhập khẩu đến Trung Quốc hiện đang bị thắt chặt khâu kiểm tra sau khi ba doanh nghiệp chế biến tôm ở Ecuador bị thu hồi giấy phép xuất khẩu vì phát hiện dấu vết nCoV trên bao bì và bên trong một côngtenơ vận chuyển.
Hơn ba triệu người đã được xét nghiệm COVID-19 tại Đại Liên.
Các quan chức Trung Quốc đã đóng cửa các địa điểm công cộng khép kín bao gồm quán bar, phòng tập thể dục, thư viện, bảo tàng, nhà hàng và spa.
Chính quyền Đại Liên đang sử dụng cách thức phòng dịch tương tự Bắc Kinh sau khi hơn 300 người bị lây nhiễm tại thủ đô hồi tháng Sáu.
Cách tiếp cận này sẽ nhắm đến các quận huyện khác nhau trong thành phố dựa trên đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực.
Chính quyền Đại Liên cho biết việc truy vết nguồn lây Covid-19 đã được đẩy mạnh, một số tuyến xe buýt đã ngừng hoạt động.
Ít nhất 9 thành phố khác của Trung Quốc cũng đã báo cáo các ca mắc Covid-19 có liên hệ đến thành phố Đại Liên.
Ủy ban Y tế Bắc Kinh đã báo cáo một ca nhiễm mới sau hơn ba tuần không ghi nhận ca mắc mới nào tại thủ đô, mà họ nói là có liên quan đến ổ dịch ở Đại Liên.
Tổng cộng, 84.060 trường hợp lây nhiễm COVID-19 và 4.634 ca tử vong được xác nhận tại Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, do chính sách giấu dịch của Bắc Kinh nên con số thực sự có thể lớn hơn rất nhiều. Lấy ví dụ, một nghiên cứu cho thấy số người chết vì Covid-19 tại Vũ Hán cao gấp 20 lần con số chính thức của chính quyền.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét