Mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ-Trung đang vượt ra ngoài giới hạn của các mối đe dọa thương mại thù địch, trở thành các cú đấm “so găng” gây đe dọa cho một loạt các ngành công nghiệp. Các sai lầm chiến lược của Trung Quốc với Hồng Kông gần đây khiến chúng ta liên tưởng tới sai lầm chiến lược của Liên Xô tại Afghanistan trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20: sai lầm khiến cả hệ thống chủ nghĩa xã hội Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã... Phải chăng chúng ta cũng đang chứng kiến cuộc chiến cuối cùng giữa hai hệ tư tưởng sau 100 năm tranh cãi và đồng tồn.. Sai lầm chiến lược của Liên Xô tại Afghanistan khiến hệ thống XHCN của Đông Âu sụp đổ - Trung Quốc đang lặp lại sai lầm tương tự với Hồng Kông <!>
Thời Soviet, một nhóm chuyên gia tài chính của Mỹ đã thiết kế chương trình vắt kiệt tiền của Soviet sau hàng thập kỷ chiến tranh lạnh và đúng thời điểm họ cảm nhận thiên thời - địa lợi - nhân hòa đã tới. Thời đó, Liên Xô phải mua lương thực rất nhiều, khi giá dầu cao thì việc này không quá khó vì nguồn cung dầu của khối này lớn, dù lương thực khó khăn nhưng chưa đến mức chết đói. Thập kỷ 80, giọt nước tràn ly là khi Liên Xô nhúng tay vào Afghanistan - một quyết định chiến lược sai lầm giống quyết định của ông Tập Cận Bình với Hồng Kông hiện nay.
Afghanistan dường như là một cái bẫy do Mỹ dựng lên để làm Liên Xô hoàn toàn khô kiệt dòng tài chính khi đó. Sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở Afghanistan kéo dài tới tháng 2/1989. Theo các nguồn tin chính thức, cuộc chiến này đã khiến 15.000 quân Liên Xô và ít nhất 640.000 người Afghanistan thiệt mạng. Liên Xô đã không đạt được các mục tiêu đề ra: Chính quyền thân Liên Xô đã sụp đổ chỉ vài tháng sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Việc đưa quân Liên Xô vào đây trở thành một thảm họa “PR” quốc tế, làm tổn hại thế cân bằng hòa hoãn giữa Liên Xô và Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Việc Liên Xô can thiệp vào Afghanistan cũng góp phần đẩy nhanh quá trình tan rã của Liên Xô. Trong cuốn sách “Lịch sử Quan hệ Quốc tế, 1945-2008”, nhà chính trị học Alexei Bogaturov viết: “Cuộc chiến Afghanistan làm xấu đi vị thế kinh tế của Liên Xô và phá hỏng sự thống nhất trong xã hội Liên Xô”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Pháp Le Nouvel Observateur, ông Zbigniew Brzezinski - Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter giai đoạn 1977-1991, đã nói như thế này: “Chúng tôi không đẩy Nga tới chỗ can thiệp nhưng chúng tôi có ý thức làm tăng xác suất điều đó xảy ra”. Brzezinski nói: “Cái ngày Liên Xô chính thức đưa quân qua biên giới, tôi có viết cho Tổng thống Carter như thế này: “Chúng ta giờ có cơ hội làm cho Liên Xô sa lầy như Mỹ ở Việt Nam”.”
Lúc này Mỹ có thêm đồng minh là Ả Rập. Mỹ đơn giản là phối hợp với Ả Rập tăng mạnh cung dầu khiến giá dầu rớt thảm. Liên Xô hết tiền phải vay các ngân hàng phương Tây. Để được vay tiền từ ngân hàng phương Tây, và cũng là vì cạn tiền, Liên Xô không thể đủ tiền để củng cố an ninh, quân đội dẹp loạn biểu tình khắp nơi trên toàn Đông Âu lúc đó... Kết quả là, Liên Xô chấp nhận bị đảo chính và sụp đổ trong thời gian ngắn [1].
Lịch sử cho thấy Liên Xô chưa thể sụp đổ nếu cả ba điều kiện sau không diễn ra và các điều kiện này đang được Trung Quốc mạnh mẽ thúc đẩy do sai lầm chiến lược liên tiếp trên chính trường, Hồng Kong chỉ là sai lầm khiến giọt nước tràn ly mà thôi.
- Các mâu thuẫn và sự phản đối trong lòng xã hội quá lớn;
- Liên Xô vấp phải sai lầm chiến lược là quá hung hăng và tham lam đến mức Mỹ có thêm được đồng minh, người nắm được tử huyệt kinh tế Liên Xô đó là nền kinh tế dựa vào giá dầu... Liên Xô tự tạo thêm nhiều "kẻ thù" cho mình, còn Mỹ triệt để tận dụng cơ hội thuyết khách "kẻ thù của kẻ thù là bạn"...
- Mỹ tận dụng dụng được tử huyệt nền kinh tế của Liên Xô đó là phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Chỉ cần làm cho nguồn xuất khẩu này trở nên rẻ mạt thì Liên Xô sẽ không còn đủ tiền để chống đỡ với khủng hoảng xã hội, đàn áp biểu tình, trả nợ...
Trung Quốc khác Liên Xô rất nhiều ở năng lực tài chính, sự thành thục giảo hoạt trong chính sách ngoại giao và che giấu các tội ác chống lại loài người do chính phủ tổ chức, năng lực dùng tiền bạc và lợi ích để thao túng phần còn lại của thế giới. Nhưng với hàng tá các sai lầm chiến lược liên tiếp, Trung Quốc đang tự đào hố chôn mình và họ dường như chẳng học được gì từ các sai lầm chiến lược của Liên Xô.
Steven W. Mosher, trong một bài đăng trên New York Post đã phải thốt lên: "Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông lãnh đạo đã chơi quá tay đến nỗi, chỉ trong sáu tháng, đã hoàn thành những gì mà Tổng thống Donald Trump không thể làm trong gần bốn năm: cả thế giới thống nhất chống lại Trung Quốc." [2]
Hồng Kông quá 'béo bở' với nền kinh tế phi thị trường của Trung Quốc - tất cả đã là quá khứ
Hồng Kông từ lâu đã đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc với thế giới, nối liền các dòng chảy thương mại và đầu tư theo cả hai chiều. Vai trò này đã suy giảm trong những năm gần đây khi Trung Quốc mở cửa biên giới và tham gia trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng trong lĩnh vực tài chính, Hồng Kông vẫn đóng vai trò không thể thiếu đối với Trung Quốc. Và trong nhiều phương diện vị trí của nó đã thực sự được củng cố, chứ không phải bị xói mòn trong những năm gần đây.
Hồng Kông đã được chứng minh là đáng tin cậy hơn đại lục trong vai trò một nguồn huy động vốn cổ phần. Từ năm 2012, các công ty Trung Quốc đã thu được 43 tỷ USD từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường Hồng Kông, so với chỉ 25 tỷ USD trên các thị trường chứng khoán đại lục, theo Dealogic. Hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, Hồng Kông cũng đã mang đến cho các công ty Trung Quốc khả năng tiếp cận các thị trường vốn toàn cầu về trái phiếu và vốn vay. Ngoài ra, Hồng Kông là một trung tâm quan trọng cho đầu tư vào và ra ngoài Trung Quốc. Nó chiếm hai phần ba đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong những năm gần đây, tăng từ mức 30% của năm 2005.
Mặc dù phần lớn số tiền này chỉ đơn giản là đi qua Hồng Kông, nhưng các công ty nước ngoài cũng sử dụng thành phố này như giai đoạn chuẩn bị để đầu tư vào Trung Quốc vì nó cung cấp cho họ một điều mà không thành phố đại lục nào làm được: một môi trường đầu tư ổn định, được bảo vệ bởi các tòa án công bằng, minh bạch thực thi nền pháp quyền đã hình thành từ lâu đời.
Và không chỉ có các công ty nước ngoài và các nhà đầu tư hướng về Hồng Kông. Trong năm năm qua, chính phủ Trung Quốc đã biến thành phố này trở thành một nơi thử nghiệm cho một loạt các cải cách tài chính: con đường để khiến đồng nhân dân tệ được chấp nhận như một đồng tiền toàn cầu bắt đầu tại Hồng Kông vào năm 2009 với một thử nghiệm trong thanh toán thương mại; Hồng Kông cũng là thị trường trái phiếu “dimsum” [tức trái phiếu nhân dân tệ được phát hành trên thị trường nước ngoài] lớn nhất; và một chương trình sẽ sớm được công bố để lần đầu tiên cho phép bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào cũng có thể mua cổ phiếu được niêm yết của Trung Quốc thông qua thị trường chứng khoán Hồng Kông. Hồng Kông đã vô cùng sẵn sàng để tiếp nhận những thử nghiệm này với niềm tin đúng đắn rằng chúng rất quan trọng đối với sự tồn tại của thành phố này trong vai trò một trung tâm tài chính phát triển.
Tóm lại, Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ vị thế độc đáo của Hồng Kông. Đó là một thành phố bị tách biệt khỏi đại lục nhưng lại kết nối chặt chẽ với nó; một lãnh thổ hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại thuộc quyền kiểm soát cuối cùng của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh.
Nhưng bằng cách cương quyết tước bỏ hết "đặc quyền" tự do, dân chủ mà Trung Quốc cam kết với Hồng Kông, thậm chí còn tiến tới đàn áp thành phố này, Trung Quốc đã đào sâu thêm vào cái hố - bẫy chiến lược - mà mình đang rơi vào. Nếu như trước đây sự kiện ở Thiên An Môn khiến cho những người có lương tri trên thế giới phải bàng hoàng, thì nay cuộc trấn áp tương tự đối với Hồng Kông dường nhưng đã lấy đi chút hy vọng cuối cùng của những người yêu chuộng hòa bình về một Trung Quốc có dân chủ. Trong khi cả thế giới đang lên án Trung Quốc về việc che giấu dịch virus Corona đã khiến bệnh dịch bùng phát cướp đi sinh mệnh của hàng trăm nghìn người thì Trung Quốc lại quá vội vã biến Hồng Kông thành một tỉnh thành của đại lục. Sai lầm này không chỉ khiến Trung Quốc mất đi một đặc quyền tài chính là câu thông nền tài chính kế hoạch của Trung Quốc với dòng vốn tự do, phì nhiêu và dồi dào của cả thế giới, mà còn khiến cả thế giới tức giận đến mức sẵn sàng quên đi lợi ích trước mắt mà Trung Quốc "đưa cho" để phá hủy hoàn toàn sự tồn tại của một thể chế "không phù hợp" với phần còn lại của thế giới này.
Các dấu hiệu cho thấy chúng ta đang chứng kiến trận chiến cuối cùng trong 100 năm đồng tồn của hai hệ tư tưởng
Dấu hiệu thứ nhất: Chiến tranh tiền tệ leo thang từ thương chiến nhằm vắt kiệt nguồn tài chính chảy vào nền kinh tế của đối phương.
Thương chiến Mỹ - Trung và vô hiệu toàn cầu hóa, đầu tiên là Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO.
Thương chiến khiến cho dòng vốn đầu tư FDI không còn trực tiếp chảy vào Trung Quốc, có xu hướng co hẹp lại thậm chỉ chạy khỏi Trung Quốc, khiến nguồn thu từ xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh. Dữ liệu hải quan công bố ngày 8/9/2019 cho thấy xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 3,3% trong tháng 7 và giảm 1,3% trong tháng 6.
"Xuất khẩu yếu cho dù Nhân dân tệ giảm giá mạnh, cho thấy nhu cầu bên ngoài suy yếu sẽ là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc năm nay", chuyên gia kinh tế Zhang Yi thuộc Zhong Hai Sheng Rong Capital Management nhận xét.
Tổng thống Trump cũng đổ lỗi cho WTO về việc đã để Trung Quốc lạm dụng nhằm hưởng các ưu đãi bất công bằng về thuế, tiếp cận thị trường và cưỡng chế chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng vi phạm các cam kết với mọi tổ chức quốc tế khác mà nó tham gia về vấn đề bảo vệ môi trường, nền kinh tế thị trường đầy đủ, thể chế dân chủ và minh bạch. Các vi phạm này trở thành cơ hội để Trung Quốc tăng trưởng phi giới hạn, hàng hóa Trung Quốc ngập tràn thế giới bằng giá rẻ. Sau đó Trung Quốc lại mang chính năng lực sản xuất hàng hóa giá rẻ này lên bàn đàm phán với các tổ chức quốc tế, với các nền kinh tế khác để đổi lấy sự im lặng trong lợi ích kinh tế, chính trị của họ.
Bởi vậy, Trump đã sử dụng việc loại bỏ WTO để ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc về công nghệ. Đây cũng là chiến lược trừng phạt được lưỡng viện Mỹ thông qua từ năm 1986 nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden thuộc viện tư vấn Mỹ Council on Foreign Relations, thì ngày nào Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm, ngày đó là ngày báo tử của WTO, bởi thế giới sẽ bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, và cho dù WTO không biến mất, thì định chế này ắt hẳn cũng chỉ còn là một chiếc vỏ không hồn (theo RFI). Điều đó đã thực sự xảy ra. Thương chiến leo thang ngày một khốc liệt, chưa nhìn thấy hồi kết trước sự bất lực của WTO - một tổ chức thực tế từ lâu đã bó tay trước Trung Quốc. Thực tế, từ năm 2017, Trump đã liên tiếp từ chối bổ nhiệm mới và tái bổ nhiệm thành viên cơ quan phúc thẩm của WTO, “não bộ” WTO chính thức bị vô hiệu hóa ngày 11/12/2019.
Rút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI: Các tập đoàn quốc tế lớn như Samsung và Sony bắt đầu thu hẹp hoạt động của họ ở Trung Quốc. Apple cũng đang lên kế hoạch chuyển 20% chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sang Ấn Độ. Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động sau vụ đụng độ biên giới.
Theo Politico đưa tin, tháng 4 vừa qua, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Phil Hogan nói khối này sẽ tìm cách “giảm sự lệ thuộc thương mại” sau đại dịch.
Trước đó, Nhật Bản dành hơn 240 tỷ yên (khoảng 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á.
Động thái này diễn ra sau khi Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ Larry Kudlow nói Washington nên trả chi phí để các công ty Mỹ đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc về Mỹ. “Tôi muốn trợ cấp ngay cho các ngành như xí nghiệp, thiết bị, tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng”, ông Kudlow nói với Fox News.
Như vậy, với việc các công ty sản xuất dần bị rút ra khỏi Trung Quốc, dù chưa nhiều và cần thời gian, nhưng riêng việc đánh vào tâm lý và niềm tin kinh doanh này khiến Trung Quốc mất đi rất nhiều việc làm và nguồn tiền rót vào đầu tư dài hạn từ nước ngoài co hẹp lại, khô kiệt dần.
Cắt đứt dòng vốn đầu tư gián tiếp FII: Cắt vòi bạch tuộc của các doanh nghiệp Trung Quốc hút tiền huy động trên thị trường vốn quốc tế thông qua việc nâng cao chuẩn mực niêm yết bắt buộc với doanh nghiệp Trung Quốc tại các sàn giao dịch Mỹ, xóa bỏ đặc quyền của Hồng Kông (2/3 vốn ngoại vào Trung Quốc được hút qua thị trường Hồng Kông).
Diệt thế lực thân Trung Quốc tại Trung Đông để bóp chặt và kiểm soát được thị trường buôn bán vũ khí của Trung Quốc tại đây. (5)
Thứ Sáu ngày 3/1/2020, thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ và chỉ huy dân quân Iraq, Abu Mahdi al-Muhandis đã bị giết sớm, trong một cuộc không kích của Mỹ vào đoàn xe của họ tại sân bay Baghdad.
Sự kiện này khiến cộng đồng thế giới choáng váng vì mức độ đảm bảo sự bình ổn các dòng chảy dầu lửa một thời là yếu tố quyết định các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, vào tháng 9/2019, Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu mỏ lần đầu tiên kể từ ít nhất thập niên 1940. Các đợt tăng giá dầu toàn cầu là một chỉ dấu tích cực cho kinh tế Mỹ. Sự thay đổi vị thế này đã vô hiệu hóa khả năng Iran dùng các cú sốc giá dầu để gây tổn hại cho Mỹ: Lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo, phá vỡ dòng chảy dầu lửa bên ngoài Trung Đông không hề có tác động nào tới các điều kiện kinh tế vĩ mô bên trong nước Mỹ.
Như vậy, Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ hiện đại đầu tiên có cơ hội xây dựng chính sách đối ngoại ở Trung Đông mà không sợ "thanh gươm Damocles" treo lơ lửng trên nền kinh tế Mỹ. Tháng 9/2019, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu lửa của Ả Rập Xê Út mà giới chức Mỹ quy trách nhiệm cho Iran đã đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục. Tổng thống Trump sau đó viết trên Twitter: "Bởi vì chúng ta đã làm tốt với năng lượng trong vài năm qua... nên chúng ta là một nhà xuất khẩu năng lượng ròng... Chúng ta không cần dầu mỏ Trung Đông nữa".
Mùa hè năm 2018, chính quyền Trump thông báo tái áp đặt cấm vận lên Iran từ tháng 11, góp phần làm cho tỷ giá ngoại hối của nước này lao dốc mạnh. Cấm vận còn làm giảm tính khả dụng của ngoại tệ ở Iran bằng cách cấm hoặc không khuyến khích thương mại nước ngoài.
Trung Quốc chưa bao giờ công bố các số liệu về xuất khẩu vũ khí của nước này. Nhưng theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển), trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 5 thế giới. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã bán vũ khí cho 53 nước, nhiều nhất là Pakistan, sau đó là Bangladesh.
Với việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ ở Trung Đông, tiêu diệt thế lực thân Trung Quốc ở Iran, Tổng thống Trump đã tiến một bước rất dài trong việc kiểm soát thị trường Trung Đông và thị trường buôn bán vũ khí của Trung Quốc tại khu vực này.
Có thể hướng tới loại bỏ hoàn toàn các doanh nghiệp và và ngân hàng Trung Quốc trong hệ thống thanh toán swift quốc tế. Giới chuyên gia tài chính Trung Quốc cho biết đây là "lựa chọn hạt nhân " của Trump với thị trường tiền tệ của Trung Quốc. Nếu như vậy, thì tất cả các chương trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, số hóa đồng nhân dân tệ, dự trữ ngoại hối của ông Tập sẽ trở lên vô giá trị trong một sớm một chiều.
Cho dù ông Trump chưa làm vậy (mới chỉ làm trên quy mô nhỏ một số doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng của Trung Quốc ), nhưng khi đã có đủ Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa (rất nhiều đồng minh) thì với tinh thần bài Trung hừng hực như sóng vỡ bờ hiện nay thì liệu ông nương tay không? Chắc chắn là không bởi các nguyên nhân tiếp theo đây...
Dấu hiệu thứ hai: Không tiếp tục thương lượng hay thỏa hiệp để ngăn chặn cơ hội "lật kèo" của đối phương.
Tổng thống Trump phát đi thông điệp rất rõ ràng : Không có đàm phán thương chiến giai đoạn 2 với Trung Quốc (!). Các đồng minh của Mỹ cũng phát đi thông điệp ngày càng mạnh mẽ, dứt khoát về việc không đàm phán, không thương lượng với Trung Quốc.
Cảnh tượng 7,3 triệu người Hồng Kông tự do bị nghiền nát dưới gót giày của Trung Quốc là một điều mà thế giới sẽ không dễ quên. Nó đã khiến Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đề nghị trao quyền công dân Anh cho 3 triệu người Hồng Kông, chưa kể ông có một đường lối cứng rắn hơn đối với chính Trung Quốc. Huawei, ví dụ, có thể hôn tạm biệt doanh nghiệp 5G của mình ở Anh.
Người Úc cũng chán ngấy với những nỗ lực trần trụi của Bắc Kinh trong việc do thám và phá rối chính phủ, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp của đất nước họ. Để chống lại sự gia tăng gần đây trong các cuộc tấn công mạng, Canberra đã hứa sẽ tuyển dụng ít nhất 500 chiến binh không gian mạng, củng cố hệ thống phòng thủ trực tuyến của đất nước. Trong khi đó, một con số đáng kinh ngạc 94% người Úc nói rằng họ muốn nền kinh tế của họ bắt đầu "thoát Trung".
Câu chuyện tương tự đang được lặp lại trên toàn cầu. Từ Thụy Điển đến Nhật Bản đến Cộng hòa Séc, ngày càng có nhiều quốc gia hiểu được mối đe dọa tồn vong từ Trung Quốc đối với trật tự thế giới dân chủ, tư bản tự do sau chiến tranh.
Cái gì mà không thể đàm phán thì chỉ có 2 kết cục: một trong 2 kẻ tồn tại mà thôi.
Dấu hiệu thứ ba: Đồng minh đủ lớn và kiên định dồn toàn lực đánh đến cùng: MỘT MỤC TIÊU - MỘT KẺ THÙ.
Nếu 4 -6 tháng trước đây, đồng minh lớn của Mỹ như Anh, Úc, Canada còn vì các lợi ích kinh tế với Trung Quốc mà e dè thì sau dịch virus Vũ Hán và đặc biệt là Hồng Kông (giống hệt như sai lầm của Liên Xô với Afghanistan), các sai lầm trên Biển Đông, Anh cương quyết, kiên định đứng về cùng chiến tuyến với Mỹ. Anh, Úc, Ý và gần đây cả Ấn Độ, Iran (khi thủ tướng của họ tuyên bố con số thật về 25 triệu người nhiễm virus Vũ Hán), cả Philippine cũng phải quay lưng với Trung Quốc, cùng thống nhất 1 chiến tuyến chống Trung.
Dấu hiệu thứ tư : Truyền thông và giáng đòn trừng phạt chính trị vào giá trị cốt tủy - căn cứ tồn tại của chính quyền Trung Quốc
Sự thật về sự phát triển nóng bỏng và điên rồ của Trung Quốc được mạnh mẽ vạch trần. Chẳng phải tăng trưởng là căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền đương nhiệm Trung Quốc hay sao? Giờ thì bản chất của tăng trưởng bẩn, bất cân đối, tham lam và khoảng cách giàu nghèo, nợ nần và công cụ nợ khống chế thế giới của Trung Quốc đều hàng ngày bị đưa ra ánh sáng.
Quan trọng hơn và kích đúng tử huyệt hơn ấy là trục xuất điệp viên, đảng viên Trung Quốc khỏi Mỹ, cấm nhập cảnh 92 triệu người Trung Quốc. Việc Mỹ và đồng minh không thừa nhận họ và tuyên bố mạnh mẽ rằng ĐCSTQ không phải đại diện cho 1,4 tỷ dân Trung Quốc (4) là một quân bài chính trị quá mạnh, công khai rằng chúng tôi không thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của tổ chức này!
Dấu hiệu thứ năm: Thiên thời ủng hộ Trump khi động đất, lũ lụt, dịch bệnh xảy ra tràn lan trong nền kinh tế đang kiệt quệ, mâu thuẫn xã hội sâu sắc của Trung Quốc:
Hệ lụy của việc triết lý hoang đường "đấu người, đấu trời, đấu đất" và các mâu thuẫn trong lòng xã hội Trung Quốc đã quá lớn, quá rõ và không cần thiết phải liệt kê thêm nữa trong bài viết này.
Tổng thống Trump dường như đang nắm trong tay tất cả: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa để thắng Trung Quốc trong trận chiến sống mái!
Một Trung Quốc với 5000 năm lịch sử, nền văn minh trải dài suốt thời gian đó mà không bị ngắt quãng. Rất nhiều người dân tiến bộ trên thế giới đều tin rằng chỉ cần thay đổi, dám thay đổi, Trung Quốc sẽ giàu mạnh, hùng cường và tốt đẹp hơn bao giờ hết. Dường như ông trời vẫn luôn cho Trung Quốc cơ hội, chỉ cần nhìn thẳng vào sự thật, chỉ cần thay đổi đủ dũng cảm và mạnh mẽ, người dân Trung Quốc thiện lương một ngày không xa sẽ tự hào khi ngoái đầu nhìn lại...
Mộc Trà
Nguồn tham khảo:
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét