Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Việt Nam: Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa - Trần Phước Ðạt Florida

Phần lớn người dân trong những quốc gia trên thế giới đều hiểu khá rõ nguồn gốc và ý nghĩa (etymology) quốc hiệu và quốc kỳ của đất nước và còn tự hào về nơi sinh ra và lớn lên của mình. Chẵng hạn người Nhật, là con cháu Thái Dương thần nữ, amaterasu (Nhật là mt trời; Bản là gốc), người Ðại Hàn, Korea từ chữ Goryeo (triều đại Cao Ly, 918-1392), là tên của vương triều đầu tiên thống nhất đất nước sau hơn 1000 năm nội chiến. Người Tàu hãnh diện về văn minh Hoa Hạ, trung tâm văn hóa thiên hạ. United States – Hiệp Chủng Quốc, nơi hội tụ “melting pot” những tinh hoa văn hóa thế giới và cũng là vùng đất hứa cho những ai có thực tài, đều có thể vươn lên và thành công trên đất nước Hiệp Chủng Quốc.<!>
Người dân Việt Nam tự hào điều gì về nguồn gốc dân tộc? hai chữ Việt Nam liên quan như thế nào đến nguồn gốc, văn hóa lịch sử của dân tộc? Trong bài này chúng ta thử tìm hiểu và trả lời câu hỏi trên.

Ý nghĩa và nguồn gốc chữ Việt Nam

Hai chữ Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Năm 1802 sau khi lên ngôi, vua Gia Long xin nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý do “Nam” là “An Nam”, còn “Việt” là “Việt Thường” (1). Tuy nhiên, triều đình Mãn Thanh sợ tên Nam Việt thời Triệu Ðà, bao gồm cả Quảng Ðông và Quảng Tây, nên đề nghị đổi ngược lại thành Việt Nam. Quốc hiệu Việt Nam chính thức được tuyên phong vào năm 1804.

Theo chữ viết của tiếng Hán, Việt Nam ? ? có nghĩa là “người Việt ở phương Nam”. Vua Gia Long không chịu cho Tàu láo xược, vì không có nước nào chịu nhận tên nước mình là ở phương nam một nước khác. Mặc dầu chính thức được tuyên phong năm 1804, vua Gia Long và những vua đời sau đều không dùng Việt Nam, mà chỉ dùng tên An Nam trong sách vở và giấy tờ hành chánh (nhà Ðường năm 679, gọi tên nước ta là An Nam Ðộ Hộ Phủ (chữ Hán, xem bài gốc), An Nam tức phương nam bình an). Giáo sĩ ngoại quốc sang nước ta đều gọi dân An Nam. Viết sách bằng Latin, họ gọi dân An Nam là Annammiticum. Sau này người Pháp đổi tiếng Annamiticum thành Annamite.

Có lẽ vì vậy, năm 1820, vua Minh Mạng khi lên ngôi xin vua nhà Thanh cho đổi quốc hiệu Việt Nam thành Ðại Nam ? ? nhưng không được nhà Thanh chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã đơn phương công bố quốc hiệu mới Ðại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu Ðại Nam tồn tại cho đến năm 1945.

Tuy nhiên, phần lớn sĩ phu lúc đó không ai phản đối chữ An Nam. Sử gia Trần Trọng Kim trong ấn bản đầu tiên cuốn sử của cụ mang tên là An Nam Sử Lược. Hà Nội có tờ An Nam Tạp Chí do Tản Ðà làm chủ bút.

Hình như người đầu tiên dùng chữ Việt Nam là cụ Phan Bội Châu trong cuốn sách của cụ là Việt Nam Vong Quốc Sử (xem bài gốc), viết bằng tiếng Hán năm 1905. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị Pháp xử tử ở Yên Bái, trước khi lên máy chém, mỗi người đều hô: “Việt Nam Muôn Năm”. Từ giờ phút ấy, hai chữ Việt Nam trở thành thiêng liêng và được mọi tầng lớp trong nước công nhận.

Người Việt Nam có thói quen hay bỏ chữ Nam, gọi mình là người Việt, làm cho nhiều người sau này càng yên trí thêm chúng ta là một trong các sắc tộc Bách Việt bên Tàu, bao gồm từ miền nam sông Dương Tử trở xuống như Mân Việt, Dương Việt, Ư Việt, Nam Việt, Âu Việt v.v... Việt Nam thời cổ đại, người Tàu gọi là Lạc Việt.

Dưới thời nhà Chu (1046-256 trước Tây Lịch) những sắc tộc sống ngoài vùng Hoa Hạ gọi là tứ di: Nam Man, Ðông Di, Bắc Ðịch, và Tây Nhung, được xem kém văn minh so với văn minh Hoa Hạ (dân sinh sống giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử). Khái niệm “thiên hạ” bao gồm dân Hoa Hạ ở trung tâm và chung quanh là các sắc tộc tứ di (nhìn lá cờ của nước Tàu hôm nay, vẫn còn quan niệm thời nhà Chu, một ngôi sao lớn và 4 ngôi sao nhỏ). Ðó là lý do người Tàu đặt tên nước là Trung Quốc, trung tâm thiên hạ, hay Trung Hoa, trung tâm văn minh Hoa Hạ.

Người Tàu dùng chữ Việt để chỉ những sắc tộc ở phía nam sông Dương Tử mà họ coi là thấp kém thiếu văn minh. Nhóm dân này không định cư ở một nơi, thường phá rừng làm rảy, khi đất hết màu mỡ lại di chuyển tới khác. Vì có nhiều sắc tộc Việt nên người dân Hoa Hạ gọi tất cả là Bách Việt (bách phải hiểu là nhiều chứ đừng hiểu con số 100). Chữ Việt không dùng để chỉ một dân tộc thuần nhất mà chỉ rất nhiều sắc tộc có cùng sinh hoạt kinh tế, nhưng khác nhau về nguồn gốc, phong tục, và nhiều khi ngôn ngữ. Chữ Việt dân Hoa Hạ dùng giống như chữ Indian (or native American) người Mỹ dùng ngày nay, như dân Sioux và Apache, dùng cung tên để săn bắn, nhưng phong tục và tiếng nói khác nhau.
Thử dùng lối “chiết tự” để hiểu thêm chữ Việt nghĩa là gì? Chữ Việt (xem bài gốc), gồm có bộ “tẩu” (xem bài gốc) (tức là chạy, chạy trốn) ở bên trái và bộ “qua” (xem bài gốc) (tức giáo mác) ở bên phải (2). Chữ Việt (xem bài gốc) viết theo chữ Hán có ý nghĩa rất xấc xược, ám chỉ bọn dân kém văn minh, hèn nhát chạy tránh chiến tranh.

Như ta thấy, hai chữ Việt Nam (xem bài gốc), ý nghĩa thật tầm thường, ngụ ý xấu xa miệt thị dân tộc chúng ta.. Cái thâm độc xâu xa của người Tàu, đó là làm cho chúng ta quên mất nguồn gốc dân tộc, cắt đứt cội nguồn tổ tiên nước Văn Lang. Những chữ như Việt Nam (xem bài gốc) , Ðại Việt (xem bài gốc), hay Ðại Nam (xem bài gốc) viết qua chữ Hán, chúng ta không còn thấy dấu tích gì liên quan đến nguồn gốc dân tộc Văn Lang.

Lúa Nước: Văn Hoá Văn Lang
Ðể thấy rõ, chúng ta phải đi ngược trở về dòng lịch sử dân tộc, tìm những sinh hoạt xã hội, văn hóa dân tộc nổi bật, biểu tượng của nước Văn Lang dưới thời vua Hùng Vương, với những Lạc hầu, Lạc tướng, và Lạc dân. Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ Liên, trong sách Ngoại Kỷ, đã viết vua Hùng Vương làm vua nước Văn Lang cho đến năm 257 trước Tây Lịch thì chấm dứt, sau khi bị Thục Phán nước Âu Việt xâm chiếm và đổi tên nước thành Âu Lạc. Vua Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời, được xem là tổ tiên của người Việt Nam. Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, tại Ðền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nghi lễ giỗ tổ truyền thống được tổ chức trọng thể và được người Việt Nam trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm khắp nơi.

Văn minh lúa nước là một nền văn minh cổ đại xuất hiện cách đây khoảng 10,000 năm tại vùng Ðông Nam Á (ÐNA) hiện nay. Nhiều nhà khảo cổ đã kết luận ÐNA là nơi sinh ra nền nông nghiệp đa dạng rất sớm của thế giới (3). Chính sự phát triến của nền văn minh lúa nước đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho nền văn hóa Hòa Bình, văn hóa Ðông Sơn trong thời vua Hùng Vương.

Từ ÐNA, nghề trồng lúa nước được du nhập vào Tàu (bắt đầu từ nhóm Bách Việt, vì khí hậu miền nam sông Dương Tử ấm áp hơn vùng Hoa Hạ), rồi lan sang Ðại Hàn, Nhật Bản, những nơi mà trước đó người dân chỉ quen với nghề trồng lúa mạch vì lý do thời tiết (4).

Yếu tố thủy lợi trong việc trồng lúa nước là điều kiện bắt buộc đế hình thành văn minh lúa nước. Cây lúa nước chỉ có thể phát triển tốt nhờ khí hậu nhiệt đới và đặc biệt khi hàng năm các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, mang theo một lượng phù sa bồi đắp vào các mùa nước lũ. Tuy nhiên, nước trồng cây lúa phải vừa đủ, do đó người làm lúa nước phải biết hệ thống đê điền, phải biết đắp bờ ruộng và dẫn nước vào ruộng.

Vì vậy dân tộc đầu tiên làm chủ được ruộng nước phải là dân tộc văn minh, có tổ chức xã hội phát triển (so với tình trạng thời đó, có lẽ còn hơn là các nước Âu châu trong thời gian cách mạng kinh tế của thế kỷ 19). Dân Lạc nước Văn Lang là một trong những dân tộc đầu tiên trên thế giới biết đến lúa nước. Cuộc khai quật của Wilheim G. Solheim (5), thuộc đại học

Hawaii cho thấy sau khi thử phóng xa C-14, mẫu lúa của người Hòa Bình, cho niên đại là khoảng 3500 trước Tây Lịch, sớm hơn ở Ấn Ðộ và Trung Quốc khoảng 1000 năm.

Ý nghĩa chữ Lạc trong nước Văn Lang

Chính nền văn minh lúa nước là chiếc nôi để hình thành xã hội, có một lối sống định cư cố định, rồi từ đó nảy sinh cộng đồng làng xã. Từ cộng đồng làng xã, có nhu cầu hành chánh và an ninh để bảo vệ người dân trong làng xã. Do đó, nước Văn Lang có Lạc hầu, Lạc tướng, và dân sinh sống định cư trong làng xã gọi là Lạc dân. Ðứng đầu những vị Lạc hầu, Lạc tướng thì có Lạc Vương hay còn gọi Hùng Vương (xin xem giải thích chữ Hùng phần dưới).

Tài liệu cổ nhất viết về dân tộc Lạc là sách Giao Châu Ngoại Vực Ký vào thế kỷ 4 sau Công Nguyên, được sách Thủy Kinh Chú (thế kỷ 6) viết lại như sau:
"Thời xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, thì đất đai có Lạc Ðiền, ruộng ấy là ruộng cầy cấy theo con nước thủy triều. Dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc Dân. Có Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần đông có Lạc Tướng. Lạc Tướng có ấn bằng đồng, đeo giải vải màu xanh. Về sau con vua Thục đem ba vạn lính đánh Lạc Vương Lạc Hầu, thu phục các Lạc Tướng. Con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương"

Vậy Lạc là gì? Trước hết chúng ta đi tìm chữ Hán để thấy dân Hoa Hạ viết chữ Lạc như thế nào (tức đi tìm nghĩa đen trước). Lúc đó dân Lạc không có chữ viết, mọi liên lạc với người hàng xóm phương bắc phải mượn chữ viết của họ. Ðôi khi chữ viết không diễn tả đúng ý nghĩa chỉ dùng ký âm. Nếu là ký âm, thì phải hiểu ký âm cho chữ gì lúc ban đầu.

Là kẻ thống trị gần một ngàn năm trên đất nước Văn Lang, cũng như chữ Việt, người Tàu với tính tự tôn tự đại, viết chữ Lạc ? với bộ Mã (dân chó ngựa, không có nghĩa gì), rồi sau đó có người viết lại chữ Lạc ? với bộ chuy (chim cú mèo, cũng vô nghĩa). Cho đến khi con cháu Văn Lang dành lại chủ quyền, dưới đời vua Lê Thánh Tông, Hồng Ðức Thịnh Thế, vào thế kỷ 15, sử gia Ngô Sĩ Liên, một học giả uyên bác đời nhà Hậu Lê, chính vì không thích "chó ngựa" hay “cú mèo”, sử gia Ngô Sĩ Liên trong sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư mới dùng chữ Lạc (xem bài gốc) để thay thế, cố tình dùng lối "phiên thiết" sai như vậy, để chỉ rõ đây chỉ là chữ ký âm (6).

Vậy khi người Tàu qua nước Văn Lang đã dùng chữ Lạc để phiên âm chữ gì của tiếng ta?

Nghiên cứu về cổ âm tiếng Hán đã được Bernhard Karlgren, một nhà nghiên cứu tiếng Hán âm cổ và nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Thụy Sĩ, cho thấy cổ âm Hán, đọc cả ba chữ Lạc ( xem bài gốc ) đều được đọc là
"Lak" (ngày nay người Tàu viết và phiên âm chữ Lạc là Luò (xem bài gốc). Theo
Bernhard Karlgren, chữ Lạc (lak) phiên âm từ chữ Nước của người Văn Lang (7).

Vậy Lạc là cách phát âm chữ Nước của người Lạc cổ, rất phù hợp với xã hội lúa nước của Văn Lang. Thật vậy, yếu tố "Lạc" không thể tách rời khỏi văn hóa lúa nước. Con cháu Lạc dân, có quyền tự hào về tổ tiên là những người tiên phong về trồng lúa nước đầu tiên trên thế giới..
Theo cách viết tiếng Hán, thì cả ba chữ Lạc nói ở trên đều chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là chữ ký âm dùng để phiên âm chữ “Nước” của người Lạc lúc đó. Trong khi đó, chữ Hùng ?, đổi từ chữ Lạc ? bộ chuy, có ý nghĩa rõ ràng đẹp hơn, như anh hùng, hùng dũng v.v...Cho nên Hùng chỉ là chữ viết khác đi từ chữ Lạc, và Lạc dân dùng để tôn xưng vua của mình. Mọi truyện thần thoại hay địa danh dân đều kính trọng mà gọi là Hùng Vương, hội đền Hùng v.v....

Riêng về Lạc tướng, Lạc hầu, vì tôn trọng vị lãnh tụ nên Lạc hầu, Lạc tướng chẳng dám nhận người ta gọi mình là Hùng hầu, Hùng tướng, do đó, dân Lạc vẫn tiếp tục gọi Lạc hầu, Lạc tướng. Ngày nay chúng ta vẫn chỉ dùng chữ Hùng Vương cho vua nước Văn Lang, còn tất cả đều là Lạc hết, như Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân, và Lạc điền.

Triều đại Hùng Vương và nước Văn Lang chấm dứt năm 257 trước Tây lịch, sau khi bị Thục Phán xứ Âu Việt xâm chiếm. Văn minh Văn Lang và văn hóa lúa nước, dưới thời An Dương Vương, qua Triệu Ðà, rồi sau đó dưới ách thống trị 1000 của Tàu, dần dần bị quên lãng, bị thay thế bởi nền văn minh Hoa Hạ của người phương bắc.

Ảnh hưởng chữ Hán và văn hóa Hoa Hạ, con cháu dòng dõi Lạc dân dần dần bị “đồng hóa”, thích đọc chữ nghĩa thánh hiền, tứ thư ngũ kinh, hoàn toàn bị văn hóa Hoa Hạ ngự trị. Mọi tầng lớp xã hội, từ vua, quan, cho đến gia đình dân giả chỉ còn biết giá trị đạo đức Khổng Mạnh, tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, mà quên mất văn hóa lúa nước của Tổ Tiên. Theo đuổi những tư tưởng ngoại lai, nặng về hình thức, trừu tượng xa vời thực tế của xã hội lúa nước, nhiều khi trái ngược văn hóa lúa nước của tổ tiên để lại cho hậu thế.

Ðặc trưng của văn hóa lúa nước là tổ chức xã hội theo nguyên tắc tinh thần tương thân tương trợ, trọng tình nghĩa, đoàn kết, dân chủ, và quan tâm đến tập thể làng xã hàng xóm. Có lẽ vì còn ít nhiều tinh thần làng xã, con cháu vua Hùng không bị đồng hóa bởi người Tàu như nhóm Bách Việt sau 1000 năm bị đô hộ, và toàn dân đã đoàn kết trong hội nghị Diên Hồng giúp vua Trần chống giặc Nguyên.
Vì sống gần gũi với thiên nhiên (trời, đất, nước, nắng, mưa) nên trong quá trình nhận thức, đã hình thành một tư tưởng thiên về thực tế, kinh nghiệm, và trực giác. Chẳng hạn, người Việt thường dùng “bụng dạ” để xét đoán người khác (có thực mới vực được đạo), thay vì dùng “tâm”, một khái niệm mơ hồ, trừu tượng của văn minh phương bắc, để phán xét.

Nhận Ðịnh và Phần Kết

Một quốc gia chỉ có thể cường thịnh khi nào người dân trong nước, từ người lãnh đạo cho đến quảng đại quần chúng, có tinh thần dân tộc cao, nhưng đúng mức. Mọi người dân trong nước am hiểu đầy đủ nguồn gốc dân tộc và tự hào về nguồn cội của mình. Cố gắng vất bỏ những mặc cảm tự ti, cho rằng mình thấp kém đối với những dân tộc khác, nhất là người bạn láng giềng phương bắc, nếu không ta đánh mất tinh thần dân tộc.

Nhưng đồng thời, cũng không nên có mặc cảm tự tôn về những điều mình không có, như 4000 năm văn hiến, dân tộc anh hùng v.v...

Như đã trình bày, hai chữ Việt Nam, ý nghĩa đều không có gì đẹp nếu không muốn nói là toàn ý nghĩa xấu xa người Tàu gán ghép cho đất nước ta. Vua quan ngày xưa, một mặt vì chịu ảnh hưởng và bị mang mặc cảm tự ti về văn hóa Hoa Hạ, phần phải lo ngoại giao cho khéo léo, khi xưng vương hay thay đổi quốc hiệu đều phải sai sứ xin vua Tàu thụ phong. Do đó, vua và tầng lớp sĩ phú khó có thể đặt quốc hiệu theo ý mình muốn. Có lẽ vì vậy, quốc hiệu đất nước từ ngàn năm cũng chỉ loanh quanh những chữ Việt, chữ Nam, đôi lúc thêm chữ Ðại.

Như ta thấy, không có quốc hiệu nào của đất nước từ xưa đến nay có liên quan đến nguốn gốc dân tộc Văn Lang, hay những biểu tượng đặc trưng về văn hóa lúa nước của tổ tiên giống Lạc Hùng.

Yếu tố lúa nước gắn liền với xã hội và văn hóa Văn Lang, một dân tộc cần cù, siêng năng, ưa chuộng hòa bình, sinh sống hòa đồng trong tinh thần tập thể, đoàn kết làng xã, để cùng nhau lo việc đồng án, đê điền. Là một dân tộc tiên phong trong lãnh vực khai thác ruộng lúa nước, một trong những ngũ cốc cần thiết nuôi dưỡng nhân loại, từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Nếu điều kiện cho phép trong tương lai, tại sao chúng ta không có một tên mới cho đất nước, như Ðại Lạc hay Lạc Hồng là một thí dụ, gần gủi với nguồn cội dân tộc, gắn bó với cây Lúa và Nước. Quốc kỳ của đất nước cũng có thể thay đổi, để người dân tìm thấy trong lá cờ, những biểu tượng thiêng liêng, gần gũi gắn liền với văn hóa Lúa Nước của dân tộc. Thí dụ, một lá cờ có nền màu xanh của nước và màu vàng của cây lúa, thay vì màu vàng đỏ, máu me của chiến tranh, có vẻ hung hăng hiếu chiến, hoàn toàn trái ngược với nền văn hóa lúa nước, trọng tình nghĩa, ưa chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết, và dân chủ của tổ tiên chúng ta.

Viết trong mùa dịch covid-19, 2020 Royal Palm Beach, Florida

Trần Phước Ðạt
Florida
-------------------------
Tài liệu tham khảo:

1) Theo Ðại Việt Sử Ký của Ngô Sĩ Liên, Việt Thường là một trong 15 bộ dưới đời vua Hùng Vương. Ðời Thành Vương nhà Chu (1063-1026 TCN), nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu, xưng là Việt Thường thị, hiến chim trỉ trắng. Vua nhà Chu nói: “Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình”, rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước. Vua Gia Long dùng chữ Việt trong Nam Việt, có thể để nhắc nhở vua nhà Thanh về sự kiện lịch sử này.

2) Trithucvn.net, mục Văn hóa cố truyền, “Một lý giải về hàm nghĩa chữ “Việt” của người Việt cổ” tác giả Trần Hưng

3)“Prehistory and the beginning of civilization” UNESCO & Rouledge London, 1994. Also see, Agriculture Origins and Dispersal, The American Geographical Society, New York 1952.

4) Ở Tàu và Nhật ngày xưa, chỉ có giai cấp qúy tộc hay võ sĩ mới có gạo ăn thường xuyên. Ở Ðại Hàn, người ta có danh từ annam mi để chỉ loại gạo nhập cảng từ Việt Nam.

5) “Southeast Asia and Korea: from the beginning of food production to the first states”, by Wilhelm G. Solheim, Universty of Hawaii.

6) http://www.mevietnam.org/NguonGoc/vtn-quochieu.html. “Ý Nghĩa Quốc Hiệu Lạc Việt”, tác giả GS Vũ thế Ngọc, trích trong Ðặc San Ðền Hùng, - Xuân Kỷ Tỵ 1989 – San Jose

7) Sound and Symbol in Chinese: English Language Theatre In Malaysia and Singapore, by Bernhard Kalgren, 1990. Hong Kong University Press
-----------
Hình & chữ Hán chua trong các ngoặc đơn, xem bài gốc trong link:

Không có nhận xét nào: