Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

CHẮT HẾT THƠ NGÂY - Bài BÌNH BỒNG BỘT Facebook


Cặp Lê Uyên và Phương


Lê Uyên Phương là tên khi viết nhạc của Lê Minh Lộc (1941-1999). Nghệ danh Lê Uyên Phương là sự kết hợp giữa Lê (họ của cha), Uyên (tên người bạn gái đầu tiên) và Phương (tên của mẹ, mẹ của ông là Công Tôn Nữ Phương Nhi, con gái thứ chín của Vua Thành Thái).Sau này khi đi hát với vợ mình, Lê Uyên Phương mới “chẻ” cái tên ra làm hai. Vợ là ca sĩ Lê Uyên, còn anh là người vừa đệm guitar vừa hát bè tên Phương. Ca sĩ Lê Uyên lừng danh tên thật là Lâm Phúc Anh (1952), sinh ra trong một gia đình khá giả và nề nếp trong khu người Hoa, Sài Gòn. Năm 15 tuổi, Lâm Phúc Anh được gia đình gửi lên Đà Lạt học trường Tây. Nhà trọ của Lâm Phúc Anh cách nhà của Lê Uyên Phương đúng một căn (số 18 và 22 đường Võ Tánh).<!>
OK, xong phần chép từ Wikipedia rồi, giờ là lúc kể chuyện.
Lê Uyên kể lần đầu tiên gặp Phương là ở trên một con dốc của Đà Lạt. Thấy nàng đi ngang qua, chàng cất tiếng “chào cô.” Lê Uyên bảo mình không bao giờ quên được đôi mắt hiền khô đã nhìn mình đăm đắm ấy. Nhưng có biết thằng cha đó là ai đâu mà chào lại. Cô bỏ đi.

Hai ngày sau, Lê Uyên cùng bạn đến lữ quán Thanh Niên gần nhà nghe nhạc. Quán nhỏ, nhét gần 200 người, nhưng Lê Uyên vẫn ráng chen vào. Và nhìn lên sân khấu, cô thấy chàng trai trên con dốc cất tiếng “chào cô” đang kéo vĩ cầm say sưa. Và đấy là khởi đầu cho mối tình chung thủy lẫn khổ đau kéo dài suốt 30 năm sau đó mãi đến ngày Phương mất vào năm 1999.
Nhưng nếu như yêu nhau rồi cưới nhau rồi sinh con thì có lẽ âm nhạc Việt Nam đã không có huyền thoại mang tên Lê Uyên Phương. Âm nhạc của anh khắc khoải, đau khổ, tràn ngập tư tưởng hiện sinh chính bởi vì mối tình của đời anh là một mối tình đau khổ, bị ngăn cấm.

Thấy đứa con gái mới 15 tuổi đi yêu một gã nghệ sĩ thấp bé, mẹ Lê Uyên lôi con về Sài Gòn, cấm tiệt không được giao du với phường “xướng ca vô loài.” 
Lê Uyên phản ứng thế nào? Cô nói trong một bài phỏng vấn hồi năm ngoái, “Tôi tự vẫn. Tôi đã đi mua thuốc ngủ, chọn tối thứ Bảy để uống, để quyết ra đi chứ không phải là dọa (vì ngày khác sẽ có người lên đánh thức dậy đi học). Chết còn hơn là sống mà không được yêu anh.”

May quá, mẹ Lê Uyên phát hiện kịp và mang cô đi súc ruột. Sau khi tỉnh dậy, Lê Uyên không hề sợ hãi vì chết hụt. Cô chuyển sang tuyệt thực. Mẹ hỏi giờ con muốn cái gì đây, cô trả lời, “Con muốn anh Lộc.” Mẹ cô chiều ý, nhưng cũng chỉ để cô chịu ăn uống trở lại, rồi sau đó tiếp tục ngăn cấm.
Thế là Lê Uyên quyết định bỏ nhà theo trai. Cô nói, “Tôi quyết làm biện pháp mạnh hơn, đó là bỏ nhà đi cùng người mình yêu. Chúng tôi bỏ nhà xuống Bảo Lộc. Hai đứa sống với nhau một tuần. Tôi tập nấu nướng, đi chợ, chăm sóc anh. Anh đứng đắn, không vượt quá giới hạn gì trong suốt một tuần lễ sống chung.”

Hết một tuần thì bà mẹ tiếp tục lôi đầu đứa con gái về. Lê Uyên dùng biện pháp mạnh hơn, quyết định có con. Cô tin người mẹ rồi sẽ đầu hàng với chiêu “gạo nấu thành cơm.” Nhưng không, mẹ cô vẫn kiên quyết ép cô phá thai. Lê Uyên kể, “Lần này, mẹ tôi mạnh tay lắm. Bà nói, Nếu con không chịu thì thằng Lộc phải ở tù vì con đang tuổi vị thành niên. Tôi sợ thực sự mà đáng sợ hơn, tính mẹ tôi đã nói là làm.”
Và lúc này một nhân vật xuất hiện làm thay đổi cục diện. Đó là ba của Lê Uyên. Ông nói với người mẹ khó tính, “Chúng đã thương yêu nhau đến thế thì cho chúng đến với nhau vì nhỡ có chuyện gì thì mình lại mất đi một đứa con và một đứa cháu ngoại.”

Rồi từ đó, họ mới được yêu nhau.
Nhìn về mối tình bị cấm ngăn này, ta thấy nó mang đầy đủ chất liệu để làm nên một bộ drama. Nhưng sẽ càng drama hơn nếu ta đặt nó vào cái bối cảnh khốc liệt của thời chiến. Và lại càng drama hơn nữa khi ta biết Phương bị khối u ở ngón tay, suốt một thời gian dài anh nghĩ mình bị ung thư xương. Cưới người vợ thua mình mười tuổi, anh luôn nơm nớp lo sợ cô sẽ trở thành “góa phụ ngây thơ.”

Âm nhạc của Lê Uyên Phương phản ánh mối tình của Lê Uyên và Phương, tức là tràn ngập sự ám ảnh về chia lìa và cái chết. Trịnh Công Sơn từng có một niềm tin sắt đá, rằng tình yêu rồi sẽ cứu chuộc ta trên cây thập giá đời. Lê Uyên Phương cụ thể hóa niềm tin ấy thông qua âm nhạc. Họ yêu và sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng.
Họ vồ lấy nhau như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng. Họ đưa nhau xuống phố khi vẫn còn “nhức mỏi đôi vai.” Và khi rời xa vòng tay nhau, rời khỏi chiếc giường còn đượm mùi ân ái là một hành trình “bước xuống cơn đau.” Trước Lê Uyên Phương, nhạc tình của Việt Nam chưa xuất hiện những “vực sâu” hay những “vũng lầy.” Những ái ân hoan lạc cũng không xuất hiện, hoặc xuất hiện một cách thật kín đáo. Chỉ đến khi Lê Uyên Phương viết nhạc, bản năng mới xuất hiện, khi ông gọi mình và người tình là “loài thú xa nhau.” Sau Lê Uyên Phương cũng chưa có ai dám viết những câu như sau,

“Hãy ngồi xuống đây
như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
dưới nắng ban mai
phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ.”

Như những nhân vật trong sách của Remarque, họ yêu lấy nhau trong lo âu, như thể ngày mai sẽ chết hoặc nhanh hơn, buông nhau ra là sẽ chết. Sợ rồi làm gì? Rồi bình thản đón nhận nó. Còn gì buồn hơn khi ta buồn thật bình thản, và còn gì sợ hơn khi nỗi sợ cũng trở nên bình thản đến độ cứ phải hỏi nhau là “Buồn Đến Bao Giờ.” Trong tác phẩm ấy, Lê Uyên Phương viết,

“Em ơi, lá đổ hoa tàn
Đếm tuổi cuộc đời trên hai bàn tay trơn
Em ơi, em ơi!
Xuân nào tàn, Thu nào vàng, môi nào ngỡ ngàng”

Cũng bị ảnh hưởng lớn bởi triết học hiện sinh, Lê Uyên Phương trở về ôm lấy thực tại. Dù ngày mai có xa nhau thì vẫn quý những giờ còn gần nhau. Và mỗi phút bên nhau đều xem đó là lần cuối. Ông viết,

“Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau.
Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau.”

Sau Khánh Ly, Trịnh Công Sơn tìm thấy Hồng Nhung. Và đâu đó, ta thấy Trịnh Vĩnh Trinh, Trần Thu Hà và các giọng ca nam hát hay một vài bài của Trịnh Cộng Sơn. Còn nhạc của Lê Uyên Phương phải do chính họ cất lên. Bởi vì họ không chỉ hát, mà còn sống trên sân khấu. Lê Uyên Phương viết nhạc chính là để cho Lê Uyên và Phương trình diễn. Đó là một định mệnh không thể tách rời. Và thứ âm nhạc đó chân thật vô cùng. Cung Tiến viết, “Chỉ một lần nghe, ta cũng có thể cảm thấy ngay đó là những khúc ca được sáng tác với cảm hứng âm nhạc đích thực, nhưng đó là một cảm giác không làm dáng và cũng không làm ra quá đáng, mà độ lượng, như là cố ý cầm lại vừa với tầm ngậm ngùi, ngao ngán của kiếp sống...”

Ngày Phương mất tại Nam California, có tới hai người phụ nữ để tang anh. Lê Uyên và cô em gái ruột của mình. Cô em gái ấy đã mang lòng yêu người anh rể, một mối tình tuyệt vọng và đau khổ khác. Và mấy năm sau khi Phương mất vì bệnh ung thư phổi, Lê Uyên cũng đã có một người chồng mới.

Ái tình sau tất cả cũng chỉ là câu chuyện của hiện tại. Hãy yêu nhau như thể ngày mai sẽ mất nhau. Như Lê Uyên Phương rủ người yêu hãy ngồi xuống đây, nơi con vực này mà ngó xuống thương đau vì “ngày mai, ta không còn có nhau.”

Và vì ngày mai không còn có nhau nên hôm nay mới phải “Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay. Cho nhau chắt hết thơ ngây, trên cánh môi say, trên ngón chân bước về tình buồn.”

Nhiều tập nhạc, và cũng nhiều ca sĩ đã hát là “chất hết thơ ngây,” nhưng chất… đi đâu? Chữ ấy phải là “chắt” mới hay chứ, chắt hết máu rồi thì mới xuống phố với “trái tim khan” chứ.Và còn gì đau hơn, đẹp hơn, buồn hơn khi một trái tim khan vẫn cố “chắt” để yêu thêm một lần cuối.

Hôm nay, 29-6 là ngày giỗ thứ 21 của Lê Uyên Phương!


Lyrics || Vũng Lầy Của Chúng Ta / Lê Uyên Phương

Không có nhận xét nào: