Nếu bạn đã từng xếp hàng trên lối đi đông đúc, bị kẹp chặt giữa hai người lạ và nghĩ: 'Phải có cách nào đó hay hơn để lên máy bay"' thì đây là tin tốt: Bạn đã đúng. Tin xấu thì sao? Đơn giản là hầu hết các hãng hàng không không quan tâm. Ít nhất mọi việc lâu nay là như vậy. Thông thường các hãng hàng không cho hành khách lên máy bay theo trật tự về vị thế của họ với hãng và theo mức tiền họ đã chi để mua vé chứ không phải theo chỗ ngồi thật sự của họ. Điều này dẫn đến nút thắt cổ chai đau khổ trên máy bay. Đó là việc cân bằng: cho khách lên máy bay nhanh hơn, hiệu quả hơn giúp tiết kiệm tiền và thời gian của các hãng hàng không, nhưng thưởng cho sự trung thành của khách hàng - thậm chí với cái giá là thời gian hoặc sự thoải mái của những hành khách khác - có thể giúp các hãng kiếm được nhiều tiền về lâu dài.<!>
Nhưng virus corona gây đảo lộn hết. Đột nhiên, các hãng hàng không và sân bay phải cố tìm các giải pháp mới để giảm nguy cơ lây lan virus, và cần cho khách lên máy bay càng nhanh càng tốt.
Từ góc độ virus corona, lên máy bay là một trong những công đoạn rủi ro nhất của việc đi máy bay.
Bản thân nhà ga sân bay có cho hành khách chỗ để giãn ra, còn khi đã ở trên máy bay, bạn sẽ được an toàn một cách đáng kinh ngạc, miễn là động cơ chạy.
Không khí trong cabin được làm mới hoàn toàn cứ sau 5 phút hoặc đại loại thế và được lọc bằng bộ lọc HEPA chuẩn bệnh viện, vốn loại bỏ hơn 99% virus và vi khuẩn trong các giọt bắn.
Nhưng trong khi lên máy bay, hành khách tiếp xúc gần gũi với nhau, thường ở những nơi thông khí kém như lối đi giữa các hàng ghế trên máy bay hoặc ống lồng.
Ngay bây giờ, đó không phải là vấn đề lớn. Nhiều máy bay đang chuyên chở lượng khách ít hơn công suất nhiều, trong khi một số hãng để trống hàng ghế giữa để cho phép giãn cách xã hội.
Nhưng đó không phải là lựa chọn tài chính khả dĩ cho tương lai và nó tạo ra áp lực rất lớn phải làm sao sắp xếp việc lên máy bay cho hợp lý.
Trong thời gian ngắn hạn, lên máy bay hiệu quả hơn sẽ giúp hành khách được an toàn, trong khi lý tưởng nhất là tiết kiệm tiền bạc cho các hãng bay. Về lâu dài, nó có thể thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta lên máy bay.
Giải pháp trông có vẻ đơn giản
Trong tình huống bình thường, các hãng hàng không lựa chọn sự rối loạn có kiểm soát.
Những người đầu tiên lên máy bay là những hành khách có vị thế cao và những người cần được trợ giúp trong quá trình bay, tiếp theo là từng nhóm hành khách hạng bình dân.
Vì các nhóm hành khách này thường không được gọi lên máy bay theo hàng ghế ngồi, cho nên cách này đặc biệt không hiệu quả, nếu không muốn nói là căng thẳng. Ùn tắc là không thể tránh khỏi khi hành khách xếp hàng để lên máy bay, nhường nhau ngồi vào ghế hoặc nhấc vali để vào kệ hành lý trên đầu.
Trong thế giới Covid-19, sự ùn tắc như thế có nguy cơ cao hơn nhiều chứ không chỉ là gây bực bội. Ngay cả khi có đeo khẩu trang, dồn mọi người gần với nhau trong ống lồng không có thông gió là mạo hiểm một cách không cần thiết, đặc biệt là nếu có cách nào khác tốt hơn.
Michael Schultz, kỹ sư tại Viện Hậu cần và Hàng không thuộc Đại học Dresden, Đức, đã nghiên cứu chính xác vấn đề này cho một công trình mới. Ông và đồng tác giả Jörg Fuchte thuộc công ty hàng không vũ trụ Đức Diehl Aviation hy vọng sẽ công bố trong vài tuần nữa.
Trong quá trình lên máy bay thông thường, một hành khách có thể tiếp xúc gần với năm hoặc sáu người khác.
Áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, mà theo đó hành khách cách nhau khoảng một mét rưỡi, thì việc giảm số lượng người tiếp xúc gần xuống còn một hoặc hai người là không tệ, nhưng vẫn còn quá nhiều.
Tuy nhiên, thay đổi quy trình lên máy bay để cho hành khách ngồi trên cửa sổ cuối máy bay lên trước chẳng hạn có thể giúp giảm hơn nửa số lần cái gọi là 'tiếp xúc hiểm nghèo'.
Chìa khóa ở đây là gì sau khi các nhà nghiên cứu đã tiến hành hơn 100.000 mô phỏng? Mở cả cửa sau và cửa trước.
"Sau đó, bạn có thể tách dòng người thành hai," ông trình bày. Ngay cả khi có ai đó trên chuyến bay có nguy cơ lây bệnh, "ít nhất một nửa - phía trước hoặc phía sau - sẽ không bao giờ tiếp xúc với người đó".
Khi đó, "tiếp xúc hiểm nghèo" giảm đi "một cách đáng kể, xuống dưới một".
Thông thường thì ống lồng chỉ cho phép tiếp cận với nửa trước hoặc nửa sau máy bay, khiến cho việc chia đôi hành khách là không khả thi.
Nhưng đưa hành khách ra ngoài nhà ga để lên máy bay, bằng cách đi thẳng từ cổng chờ ra ngoài đường băng, như một số hãng hàng không giá rẻ đã làm, đã giải quyết vấn đề này, và hơn thế nữa bằng cách đưa các hành khách vào môi trường ngoài trời rủi ro thấp, nơi ít có khả năng truyền bệnh hơn.
Các giải pháp khác thì triệt để hơn một chút. Cái gọi là xếp chỗ ngồi "năng động" sẽ xếp chỗ cho hành khách khi họ quét thẻ lên máy bay ở cổng - hơi giống như được sắp bàn ở một nhà hàng đông khách.
Bạn có thể có tùy chọn yêu cầu chỗ ngồi gần cửa sổ hoặc ngay lối đi, hoặc lên máy bay cùng với gia đình, nhưng số hành khách còn lại tùy thuộc vào việc máy bay đã lấp đầy như thế nào cho đến lúc đó.
Bởi vì thuật toán sẽ quyết định chỗ ngồi của bạn, sẽ không có mấy ích lợi gì khi bạn tím cách chen lên phía đầu hàng. "Tôi nghĩ rằng đây có thể là tương lai," ông nói.
Vật lý lý thuyết ứng dụng
Có thể hợp lý khi cho rằng giải pháp nhanh nhất để lên máy bay được biết đến là giải pháp Steffen.
Người nghĩ ra nó, Jason Steffen, nhìn chung không liên quan gì đến ngành hàng không. Là nhà vật lý thiên văn tại Đại học Nevada, Las Vegas, ông dành phần lớn thời gian nghiên cứu về vũ trụ - cụ thể là các hành tinh quanh quỹ đạo các ngôi sao xa xôi.
Nhưng khoảng 10 năm trước, ông trở nên ám ảnh với việc làm thế nào để cho hành khách lên máy bay tốt nhất, và cuối cùng ông đã ngồi xuống "giải quyết vấn đề" trong khoảng thời gian vài tuần.
Giải pháp của ông vẫn rối rắm. Hành khách lên máy bay theo từng đợt, bắt đầu với những người ngồi ghế cửa sổ ở một phía máy bay, cách nhau hai hàng ghế - chẳng hạn như ghế 30A, rồi 28A, rồi 26A, cứ thế tiếp tục.
"Làn sóng" tiếp theo là hành khách ở phía bên kia - 30F, 28F, 26F - tiếp theo là ghế cửa sổ số lẻ, rồi ghế giữa số chẵn và ghế giữa số lẻ, và cuối cùng là ghế lối đi.
Có lý do để xem xét giải pháp này trong bối cảnh dịch virus corona, bởi vì nó giúp di chuyển dòng hành khách rất nhanh qua hệ thống. "Khi hành khách bị chặn lại, họ không bị chặn lại bên cạnh người khác và dòng người bên trong ống lồng sẽ được giải tỏa nhanh hơn," Steffen giải thích.
Nhưng có những lo ngại thực tế. Mặc dù trong các thử nghiệm thực địa, phương pháp của Steffen đã chứng tỏ nó nhanh gần gấp đôi so với cách lên máy bay thông thường, nhưng việc tổ chức thành từng đợt như thế vẫn là một thách thức.
Các hãng hàng không như hãng giá rẻ Southwest của Mỹ đã có thể phân loại hành khách thành từng nhóm ở cổng ra máy bay, nhưng nó đòi hỏi sự hợp tác từ hành khách.
"Cần chuẩn bị rất nhiều cho quá trình đó," Michael Schmidt, kỹ sư ở Đức hiện đang làm việc tại sân bay Munich, nói. "Bởi vì mọi người phải được xếp thành hàng và bạn không lên máy bay với người sẽ ngồi kế bên bạn cho nên nếu một gia đình đi cùng nhau, điều đó quả thật khó khăn."
Schmidt đã quen với vấn đề hóc búa về việc cho khách lên máy bay. Khi còn ở Bauhaus, công ty thuộc tập đoàn Airbus vốn khai phá tương lai của ngành hàng không, ông đã giúp xây dựng thí nghiệm mô phỏng để kiểm tra tác động của mọi thứ, từ mở rộng lối đi trên máy bay đến giới thiệu các khái niệm sắp chỗ mới cho dòng hành khách.
Một số công việc đó hiện đang trở nên có ích khi ông cố gắng nghĩ ra cách an toàn nhất khả dĩ để các hành khách di chuyển qua các nhà ga tại Munich. "Công việc này rất thách thức vì chúng tôi thực sự không có bất kỳ dữ liệu nào, bởi vì số lượng hành khách khá hạn chế," ông cho biết.
Từ góc độ sân bay, có một vài giải pháp không yêu cầu điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống vốn rất không hiệu quả.
Hãng Lufthansa hiện đang thử nghiệm cách cho lên máy bay sinh trắc học, tức dùng máy quét 'để làm khớp danh tính với khuôn mặt của hành khách', ông giải thích. "Sau đó, họ có thể đi qua chốt kiểm soát, mà không cần phải trình ra thẻ lên máy bay hoặc điện thoại di động."
Quá trình này nhanh hơn và giúp giảm tiếp xúc giữa nhân viên mặt đất và hành khách, mặc dù các chuyên gia về quyền riêng tư dẫn ra quan ngại về cách các dữ liệu sinh trắc này được lưu trữ và sử dụng.
Mặc dù các đề xuất của Schultz cho phép hành khách được mang khối lượng hành lý xách tay bình thường, nhưng nếu khuyến khích được hành khách không đem theo hành lý xách tay thì việc đó sẽ giúp giảm bớt phiền toái ở khâu check-in tại cổng lên máy bay hơn, ít thời gian cãi cọ hơn về chỗ để đồ trong khoang hành lý trên đầu, và toàn bộ quá trình lên máy bay sẽ nhanh hơn.
Và, trong hoàn cảnh dịch bệnh virus corona, điều đó có nghĩa là bớt thở ra và phun giọt bắn khi hành khách nhấc vali lên, làm giảm hơn nữa sự lây truyền virus.
Một số sân bay của Đức bao gồm Munich và Frankfurt đã thực hiện các bước để khuyến khích hành khách thu nhỏ hành lý xách tay, ông Schmidt nói: "Nếu bạn chỉ có một túi nhỏ, có một làn nhanh (tại điểm kiểm tra an ninh)." Thế còn chính phủ Ấn Độ được cho là đang xem xét cấm hoàn toàn hành lý xách tay.
Không còn lên máy bay theo nhóm nữa?
Nhiều đề xuất trong số này thực sự là những cải tiến về hiện trạng chậm chạp. Nó đặt ra câu hỏi liệu trong một kỷ nguyên hậu vaccine hy vọng là không còn lâu nữa, chúng có thể trở thành bình thường mới, ngay cả khi nguy cơ lây truyền đã giảm.
Ở giai đoạn đầu này, nhiều hãng hàng không vẫn đang thử nghiệm những cách tiếp cận mới.
Vào tháng Tư, hãng hàng không Mỹ Delta đã bắt đầu cho lên máy bay theo hàng từ đằng sau ra đằng trước, với hành khách được yêu cầu ngồi yên tại chỗ cho đến khi hàng ghế của họ được gọi tên. (Hành khách hạng nhất vẫn có thể lên máy bay bất cứ khi nào họ muốn).
Hãng United Airlines cũng đã loại bỏ việc lên máy bay theo nhóm đông, thay vào đó cho khách lên máy bay theo theo các nhóm nhỏ để giảm thiểu tình trạng đông đúc.
Một khả năng, theo Seth Kaplan, nhà phân tích hàng không ở hãng Kaplan Research, là nhiều tháng giãn cách xã hội khiến chúng ta chú ý tránh để mình rơi vào trong tầm khạc nhổ của người lạ.
Trong nhiều năm, một số hãng hàng không đã dùng xe buýt đưa hành khách hạng nhất đi thẳng ra máy bay, cho phép họ bỏ qua cổng chờ lên máy bay luôn.
Nếu giờ đây hành khách hạng thương gia hoặc hạng nhất cũng muốn ngồi trong phòng chờ và lên máy bay càng muộn càng tốt, thì kiểu lên máy bay theo nhóm như trước sẽ không còn hợp lý nữa.
Rốt cuộc là khi nói đến hàng không, "mọi khủng hoảng đều dẫn đến thay đổi trong cả ngành", ông nói. "Vì vậy, ta không thể có khủng hoảng lớn nhất, chưa từng thấy, mà lại không có những thay đổi lớn nhất chưa từng có."
Natasha Frost
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét