Đài RFA ghi nhận một bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 4/7, được cộng đồng cư dân mạng đặc biệt chú ý và lan tỏa trên mạng xã hội. Qua bài viết “Chuyện nực cười và chuyện ở nhà Hồ Duy Hải”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ ông đã bị một chiến dịch tấn công ào ạt, sau khi viết một bài báo về vụ án Hồ Duy Hải.
Trong bài báo của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa ghi rằng ông nghi ngờ về biên bản khai nhận tội của Hồ Duy Hải, bút lục ngày 21/1/2008. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu lên những phân tích của ông, dựa theo thông tin từ hồ sơ bản án và ông e ngại rằng 25 lần nhận tội của Hồ Duy Hải là do Hải đã bị giống như “ông Chấn, ông Nén, ông Long”.
Họ cứ nghĩ méo mó, lệch lạc là ‘đánh bóng tên tuổi’. Người ta có tên tuổi thì cần gì phải ‘đánh bóng’? Người ta nói vì lương tâm và trách nhiệm của con người. Họ cứ vu vạ, họ không chống chế được thì cứ đổ cho ‘thế lực thù địch’, ‘đánh bóng tên tuổi’…Đấy là luận điệu bậy bạ của họ thôi-Nhà văn Phạm Đình Trọng
Qua truyền thông trong nước, dư luận biết đến cả 3 ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và Hàn Đức Long đã bị án oan, nhận tội giết người vì bị bức cung, dùng nhục hình.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết rằng khi bài báo của ông được phổ biến, thì ông nhận được những lời nhục mạ, chửi bới rất thô tục, còn mang cái chết ra dọa ông, và cáo buộc ông “ăn tiền của bọn phản động, chống phá đất nước”.
Bài viết “Xin đừng tát nước theo mưa” của tác giả Đào Minh Khoa, đăng trên Báo mạng Công an Nhân dân một ngày sau bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa “Chuyện nực cười và chuyện ở nhà Hồ Duy Hải”. Không ít người thắc mắc hai bài viết của hai tác giả cùng tên Khoa có mắc xích liên quan gì với nhau hay không. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ ủng hộ bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa bao nhiêu thì số người phản bác bài viết của tác giả bài báo Đào Minh Khoa cũng không kém.
Phản bác của những người “trong cuộc”
Nhà văn Phạm Đình Trọng, một cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng chia sẻ các bài viết của ông trên trang Facebook cá nhân liên quan vụ án Hồ Duy Hải cũng như phiên tòa giám đốc thẩm của vụ án này.
Trong một bài viết đăng tải vào ngày 13/5 trên Facebook, nhà văn Phạm Đình Trọng đã khẳng khái tuyên bố rằng:
“Người dân cả nước vô cùng bất an và phẫn nộ khi phải chứng kiến mười bảy bàn tay của Hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao đồng phạm với cái ác thêm một lần nữa giết hai cô gái trẻ Bưu điện Cầu Voi, Long An. Hôm nay cả nền tư pháp mù lòa pháp luật, mù lòa công lý tuyên án tử hình Hồ Duy Hải. Ngày mai, ngày mốt, cả nền tư pháp mù lòa pháp luật, mù lòa công lý sẽ lần lượt tuyên án tử hình từng người, từng người dân Việt Nam lương thiện và yêu nước!”
Vào tối ngày 6/7, nhà văn Phạm Đình Trọng lên tiếng với RFA:
“Họ cứ nghĩ méo mó, lệch lạc là ‘đánh bóng tên tuổi’. Người ta có tên tuổi thì cần gì phải ‘đánh bóng’? Người ta nói vì lương tâm và trách nhiệm của con người. Họ cứ vu vạ, họ không chống chế được thì cứ đổ cho ‘thế lực thù địch’, ‘đánh bóng tên tuổi’…Đấy là luận điệu bậy bạ của họ thôi.”
Nhà báo tự do Sương Huỳnh cũng phản bác bài viết của tác giả Đào Minh Khoa đăng trên Báo mạng Công an Nhân dân:
“Việc giám đốc thẩm mà ông Nguyễn Hòa Bình đã công bố y án thì ngay cả Quốc hội cũng đưa ra để yêu cầu xử lại vụ này. Điều đấy thì rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề cập. Thế thì, Đại biểu Quốc hội nói được thì những trí thức khác, thậm chí bây giờ có những nhà văn, nhà thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Quốc Hải đã lên tiếng và đưa những dẫn chứng trong bản án để bác lại đối với các chứng cứ mà ông Bình đưa ra Quốc hội nhằm chứng minh rằng ông làm đúng. Các nhà văn này đã phản bác rằng đấy là sai phạm Luật Tố tụng, thì làm sao mà bảo là họ ‘tát nước theo mưa’?”
Nhà báo Sương Huỳnh còn nhấn mạnh:
Việc giám đốc thẩm mà ông Nguyễn Hòa Bình đã công bố y án thì ngay cả Quốc hội cũng đưa ra để yêu cầu xử lại vụ này. Điều đấy thì rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề cập. Thế thì, Đại biểu Quốc hội nói được thì những trí thức khác, thậm chí bây giờ có những nhà văn, nhà thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Quốc Hải đã lên tiếng và đưa những dẫn chứng trong bản án để bác lại đối với các chứng cứ mà ông Bình đưa ra Quốc hội nhằm chứng minh rằng ông làm đúng. Các nhà văn này đã phản bác rằng đấy là sai phạm Luật Tố tụng, thì làm sao mà bảo là họ ‘tát nước theo mưa’?-Nhà báo Sương Huỳnh
“Chuyện đấy là Báo Công an viết bài để cho thấy nếu vi phạm tố tụng thì ngành công an vi phạm nhiều nhất. Xưa nay công an vẫn thường hay vu khống rồi. Khi không thể chứng minh được thì là vu khống cho ‘thế lực thù địch’. Vì họ luôn làm như thế để che giấu sự thật mà thôi.”
Liên quan bài viết “Xin đừng tát nước theo mưa” của tác giả Đào Minh Khoa, Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng, vào ngày 5/7, trên Facebook cá nhân đã viện dẫn Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Mới đây nhất, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội vào trung tuần tháng 6 tổ chức phiên họp toàn thể thảo luận vụ án Hồ Duy Hải. Đồng thời, Ban Nội chính Trung ương cũng đang nghiên cứu vụ án này. Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng nêu vấn đề “Chẳng lẽ-tất cả những cơ quan quyền lực bậc nhất của Quốc gia kia giờ cũng thành phần tử phản động, thế lực thù địch chống phá và đang diễn biến hoà bình?”.
Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng còn cho biết thêm rằng ngày 5/7 là tròn 2 tháng ông gặp gỡ với gia đình của tử tù Hồ Duy Hải khi họ ra Hà Nội dự phiên tòa giám đốc thẩm, mà họ đã kiên trì kêu oan hơn một thập niên dài.
Vì bất bình với kết quả phiên giám đốc thẩm, khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên bố “có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” mà hiếp ảnh gia Lê Thế Thắng cho đó là “khái niệm có một không hai trong lịch sử luật pháp nhân loại” và ông đã quyết định tham gia cùng với nhóm của nhà báo Trương Châu Hữu Danh tìm kiếm sự thật của vụ án Hồ Duy Hải còn quá nhiều khuất tất.
Tại nghị trường Quốc hội vào hôm 13/6 vừa qua, trong lúc vụ án Hồ Duy Hải được nhắc đến, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu rằng “không nên mượn bóng ma ‘thế lực thù địch’ để công kích người góp ý”. Đại biểu Quốc hội, thuộc cử tri đoàn TP.HCM, ông Trương Trọng Nghĩa nói rằng đừng vội quy kết người dân là “thế lực thù địch” khi họ phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền. Vì làm như thế là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch.
Một số những cá nhân như nhà văn Phạm Đình Trọng hay nhà báo tự do Sương Huỳnh mà Đài RFA được dịp trao đổi, đều xác quyết rằng cơ quan ngôn luận của Công an Việt Nam càng đăng tải những bài báo như “Xin đừng tát nước theo mưa” thì càng khiến cho dư luận đặt câu hỏi về những việc làm sai trái của phía công an trong quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải, vì “Họ càng viết bài để bao che cho những việc làm sai trái đó mà không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng mình họ làm đúng thì càng khiến cho xã hội và công luận phẫn uất hơn mà thôi.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét