Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Hãi hùng chuyến bay Philippine Airlines từ Sài Gòn về Mỹ mùa virus Corona - Ngọc Lan - NV

Chờ đợi tại sân bay Manila trước khi có chuyến bay về Mỹ. (Hình: Thảo Nguyễn cung cấp) WESTMINSTER, California (NV) – “Họ đối xử với mình như tội phạm, không thể tưởng tượng nổi!” Chị Thảo ở Sacramento, Bắc California, nói một cách giận dữ.“Tôi nói với nhân viên của Philippine Airlines rằng đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi bay với hãng này. Tôi bị bệnh luôn khi trở về nhà.” Ông Hùng ở San Jose, miền Bắc California, nói bằng giọng mệt mỏi. Ông Hùng, chị Thảo là những người từ Sài Gòn trở về Mỹ trên chuyến bay PR598 của hãng hàng không Philippine Airlines vào trưa Thứ Hai, 3 Tháng Hai, sau khi bị trễ 16 tiếng đồng hồ tại Manila và chịu đựng cách hành xử tệ hại, khó hiểu của nhân viên sân bay khiến họ phải lên tiếng để mọi người cùng biết. Phải đổi vé vào giờ chót vì dịch virus Corona<!>
Từ Sacramento, chị Thảo kể lại câu chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại với cường điệu giọng nói còn nguyên sự tức giận. “Ngày 20 Tháng Giêng bên Việt Nam báo cho biết mẹ nuôi tôi đang bệnh nặng, nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy nên tôi quyết định mua vé về thăm mẹ trong những ngày cuối. Tôi mua vé của hãng China Southern Airlines đi ngày 23 và trở về Mỹ ngày 31 Tháng Giêng,” chị Thảo bắt đầu câu chuyện. Tuy nhiên, trước giờ ra sân bay, chị Thảo nhận được tin mẹ nuôi của chị đã qua đời.

Tất cả hành lý phải được mang ra để hải quan Philippines kiểm tra lại tại phi trường Manila trước khi chờ chuyến bay về Mỹ. Hình: Thảo Nguyễn cung cấp)

Chị kể, “Ngày 23 Tháng Giêng, từ Sacramento, tôi đến sân bay San Francisco là 7 giờ sáng, trong khi chờ check-in mới nghe thông báo là tất cả các chuyến bay của hãng China Southern Airlines, Hong Kong Airlines, Asiana Airlines, China Airlines đều bị hủy hết vì virus Corona. Đến lúc đó tôi mới biết tin có dịch bệnh này chứ trước đó không nghe gì hết.”
Chị Thảo gọi điện thoại đến nơi đã mua vé thì được xác nhận các chuyến bay có quá cảnh ở Trung Quốc đều bị hủy, và họ sẽ trả tiền lại cho chị. “Khi đó tôi hoảng hồn, vừa cầm điện thoại có tin mẹ nuôi tôi mất vừa kéo hành lý chạy trong sân bay vừa khóc, nhờ mọi người giúp đỡ. Mọi người giúp rất nhiều, có người đưa cho tôi khẩu trang vì thấy tôi không có, có người tìm vé máy bay giúp tôi. Tôi đứng ở sân bay coi hãng nào còn chỗ là mình đi. Nhưng tất cả các hãng Singapore, Cathay Pacific, Korean đều không còn chỗ,” chị kể.
Chị tiếp, “Đến 11 giờ trưa tôi mới mua được vé của hãng Philippine Airlines bằng cách vào website của OneTravel theo hướng dẫn của những nhân viên ở sân bay, chứ không phải mua trực tiếp. Chuyến bay lúc 9 giờ tối, và trở lại Mỹ vào Chủ Nhật, 2 Tháng Hai.”
Trong khi chị Thảo chỉ biết chuyến bay bị hủy khi có mặt ở sân bay tại Mỹ, thì ông Hùng từ Việt Nam cũng phải bỏ vé về Mỹ của hãng China Southern Airlines đã mua trước đó.
Ông Hùng ở San Jose về Việt Nam cùng người bạn gái trước khi có dịch virus Corona. “Khi chuẩn bị trở lại Mỹ tôi mới biết là các chuyến bay của Trung Quốc đều bị hủy, nên chúng tôi phải bỏ vé của China Southern Airlines, mua lại vé của Philippine Airlines. Đây là lần đầu tiên tôi đi hãng này, nhưng cũng sẽ là lần cuối cùng, vì quá tệ,” ông Hùng nói.

Phòng chờ lên máy bay trước khi chuyến bay bị hủy. (Hình: Thảo Nguyễn cung cấp)

“Cảnh tượng hỗn loạn” và “bị đối xử như tội phạm” tại sân bay Manila Chị Thảo và ông Hùng đều cho rằng mọi thứ bắt đầu lộn xộn khi chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đáp xuống phi trường Manila lúc 7 giờ tối ngày 2 Tháng Hai. Ông Hùng kể, “Họ nhét hết mọi người xuống một tầng hầm chỉ lớn hơn nhà để xe một chút. Cứ hình dung cả trăm hành khách với đầy hành lý chen chúc trong đó, nóng nực không thể tưởng tượng. Họ nói là kiểm tra theo yêu cầu của Mỹ, tôi đồng ý nhưng họ đối xử với mình quá tệ.”
Chị Thảo kể chi tiết hơn, “Khi đáp xuống phi trường Manila, mọi người được yêu cầu phải nhận lại tất cả hành lý đã gửi từ Sài Gòn rồi mang đến một căn phòng chỉ khoảng 250 foot để cho hải quan Philippines kiểm tra. Mọi người phải chen chúc trong căn phòng ngột ngạt đó.”
“Họ mở tất cả các vali, thùng hàng kiểm tra rất kỹ, sau đó đóng dấu lên vé máy bay rồi hành lý lại được chuyển tiếp lên máy bay. Mọi người đều mệt mỏi vì mất đến gần một tiếng rưỡi để hoàn tất việc chờ đợi kiểm tra này,” chị Thảo cho biết. Sau đó, mọi người lên lầu 3 chờ đợi chuyến bay về Mỹ, dự trù cất cánh lúc 10 giờ tối. Chị Thảo tiếp, “Chúng tôi chờ đến khoảng 10 giờ 40 phút thì bỗng thấy những người Philippines đi cùng chuyến bay với chúng tôi lần lượt rời khỏi ghế và đi ngược lại chỗ kiểm tra hải quan để đi ra ngoài. Theo phản xạ tự nhiên, thấy ai cũng đi thì mình cũng đứng lên đi theo và hỏi chuyện gì thì nhân viên Philippine Airlines nói chuyến bay bị ‘cancel’ mà không cho biết ‘cancel’ đến khi nào.”
Trong khi đó ông Hùng kể, “Lúc đầu họ báo chuyến bay ‘delay’ đến 12 giờ đêm. Nhưng sau đó tôi nhìn thấy nhóm phi công kéo hành lý ra, rồi lại ký giấy tờ gì đó, rồi lại đi trở vô, nhìn ra ngoài không thấy máy bay nào thì tôi thấy kỳ rồi. Họ thông báo hủy chuyến bay bằng tiếng Phi, nên những người Phi họ hiểu, còn họ nói tiếng Anh bằng giọng rất khó nghe, không ai hiểu gì hết. Đến khi thấy họ đẩy mấy người khuyết tật đi luôn thì tất cả bắt đầu hoảng loạn, vì không biết phải làm gì, không ai hướng dẫn gì hết.”
“Mọi người xếp hàng đi qua lại cổng hải quan, nhưng mà có người thì họ cho qua, có người không cho. Tôi đi với bạn gái tôi, thì bạn gái tôi qua được, tôi bị chặn lại. Tôi phải gọi ngược bạn gái tôi trở vào. Họ không cho biết mình phải làm gì, lấy hành lý như thế nào, chờ đợi bao lâu, cũng không có nước uống. Họ không quan tâm gì hết,” ông Hùng nói.

Phòng chờ sau khi nghe chuyến bay về Mỹ bị hủy. (Hình: Thảo Nguyễn cung cấp)

Chị Thảo cho biết, “Nhân viên hãng máy bay thì kêu chúng tôi qua cổng hải quan. Nhưng sau khi xếp hàng gần 30 phút thì họ lại yêu cầu nhóm chúng tôi khoảng 20 người, gồm những người Việt Nam và vài người Mỹ, quay trở lại chờ ở nơi đợi lên máy bay, tức ở lầu 3, mà nơi này thì không có nước uống, không có nơi bán thức ăn. Tất cả chúng tôi đều mệt lả. Mọi câu hỏi của chúng tôi đều không được các nhân viên của hãng máy bay trả lời, họ cũng từ chối cho biết tên khi chúng tôi hỏi, chưa kể họ còn lấy tay chỉ chỏ vào mặt chúng tôi. Rồi sau đó thì họ đi đâu hết, chỉ còn nhóm chúng tôi ngồi đó, không biết làm gì tiếp theo ngoài chờ đợi.”
Theo lời chị Thảo, chờ đến 12 giờ 45 phút sáng mà cũng không thấy ai có trách nhiệm thông báo gì, chị đã tìm cách đi xuống lầu 1, nơi đang có rất nhiều người chờ đợi ở đó, và “la lớn lên để mọi người chú ý và yêu cầu giúp đỡ chúng tôi.” “Khi đó mới có một nhân viên của hãng máy bay đến thu tất cả passport, vé máy bay trong đó có dán luôn phiếu gửi hành lý của chúng tôi và nói sẽ làm thủ tục cho về khách sạn nghỉ ngơi,” chị Thảo cho biết.
Chị tiếp vẫn bằng giọng phẫn nộ, “Sau đó họ trả lại passport, họ nói vé máy bay và hành lý sẽ nhận ở khách sạn. Họ làm thủ tục hải quan, rồi đưa chúng tôi lên chiếc xe buýt chật chội và ngột ngạt, rồi lại phải chờ thêm 25 phút nữa có một nhân viên của hãng máy bay ra đi cùng chúng tôi về khách sạn. Tất cả mọi người đều kiệt sức vì đói, vì khát, vì phẫn nộ vì cách bị đối xử như tội phạm.”
Chị Thảo, ông Hùng cùng mọi người được đưa đến khách sạn lúc 2 giờ 30 phút sáng, mà theo như chị Thảo “Chúng tôi lại phải trải qua thêm một lần máy soi chiếu hành lý và kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu của khách sạn.” Ông Hùng kể, “Lúc này chúng tôi hỏi hành lý và vé máy bay thì họ nói không biết. Lại xảy ra cãi vã. Tôi vào khách sạn mà không có quần áo gì để thay nên phải giặt đồ ngay trong phòng rồi dùng máy sấy tóc sấy cho khô.”
Chị Thảo kể thêm, “Khi đến khách sạn, có thêm hai nhân viên của hãng hàng không ở đó. Họ nói không có trách nhiệm giữ hành lý của chúng tôi. Không những vậy, họ còn có thái độ miệt thị và khinh bỉ chúng tôi, bằng cách không trả lời các câu hỏi của chúng tôi, cũng như chỉ nói bằng tiếng Phi. Một nhân viên khách sạn đã dịch lại lời của một trong các nhân viên hãng hàng không này là ‘đã có được khách sạn ngủ là may mắn lắm rồi, ở đó mà còn đòi hỏi ăn uống.'”

Xe buýt đưa trở lại sân bay Manila vào ngày hôm sau. (Hình: Thảo Nguyễn cung cấp)

Theo chị Thảo, khoảng 9 giờ 40 sáng hôm sau, một nhân viên hãng hàng không đến khách sạn yêu cầu mọi người thu xếp hàng lý ra sân bay để bay về Mỹ chuyến 1 giờ trưa. “Chúng tôi đến sân bay lúc khoảng 11 giờ 30 phút. Họ đưa chúng tôi vé máy bay mới, phía sau có ghi số number của hành lý. Sau khi hoàn tất thủ tục, trước khi vào cửa hải quan, tôi đã đi tìm khu vực dành cho đại diện hãng hàng không và có tên của hai người quản lý là Peu Alosa và Federico, nhưng họ từ chối gặp tôi,” chị Thảo cho biết.
Đến 10 giờ 30 phút sáng Thứ Hai, 3 Tháng Hai, chuyến bay của chị Thảo, ông Hùng đáp xuống khi trường San Francisco trong sự vui mừng quá đỗi của thân nhân, vì như chị Thảo nói “không ai biết vì sao họ bị trễ đến như vậy, vì lúc ở phi trường Manila cũng như ở khách sạn, đâu có Internet để họ thông báo cho người thân, mà cũng như không có bất cứ thông báo nào của hãng hàng không Philippine Airlines tại San Francisco, nên người nhà cứ tưởng họ bị nhốt lại ở đâu đó vì dịch virus Corona.” Cho đến lúc bài báo viết xong, chị Thảo cho biết chị cũng chưa nhận được bất cứ sự phản hồi nào từ hãng hàng không Philippine Airlines dù chị đã liên tục gọi đến các số dịch vụ khách hàng cũng như email cho họ yêu cầu có lời giải thích về những gì mà những hành khách trong chuyến bay của chị đã phải chịu đựng.
“Tôi muốn câu chuyện này được đưa lên báo để mọi người hiểu thêm về hãng hàng không này, nếu như ai có ý định dùng dịch vụ của họ,” chị Thảo giải thích. Với ông Hùng thì, “Tôi bệnh luôn vì sự mệt mỏi đã trải qua tại sân bay Manila. Hiện giờ tôi vẫn phải đang nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng nếu tôi phát hiện ra mình có bất cứ vấn đề sức khỏe gì liên quan đến phi trường Manila, tôi sẽ kiện hãng máy bay này tới cùng.”
“Tôi nói với nhân viên Philippine Airlines rằng đây là lần đầu tiên tôi đi hãng này, cũng sẽ là lần cuối cùng, bởi thái độ của nhân viên họ quá tệ, cách giải quyết vấn đề của họ quá tệ,” ông Hùng nói thêm. (Ngọc Lan)
—-
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào: