Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Vài ý thô thiển sau khi xem xong cuốn phim đoạt 4 giải OSCARS... - Huỳnh Văn Của

Image result for Phim PARASITE
Trước hết, xin được nói qua về các nơi tổ chức trao Giải Thưởng Điện Ảnh với tổng cộng 820 giải ở các nơi trên thế giới, bao gồm:
- 236 giải ở vùng Bắc Mỹ (trong số này có 1 giải của người Việt),
- 141 giải ở Âu Châu,
- 105 giải ở Á Châu (trong số này có 1 giải do Việt Nam tổ chức),
- 24 giải ở Châu Phi,
- 19 giải trong vùng Châu Mỹ La Tinh và Caribeans,
- 15 giải ở vùng Oceania ( tức Úc Châu và Tân Tây Lan).
Nếu cộng thêm 8 giải thưởng gọi là Online Festival, trong đó có giải CON-CAN Movie Festival, tổ chức tại Tokyo (Nhựt) thì con số là 830 buổi Liên Hoan phim trên khắp thế giới.<!>
 Tuy nhiên, các giải thưởng trong ngành Điện Ảnh thường tùy thuộc vào việc tổ chức ra sao, mức độ lớn, nhỏ của giải thưởng thế nào (Đa số giải thưởng lâu đời nhứt, hay giá trị nhứt thường là các giải lớn) thí dụ như Cannes (Pháp), Oscars (Mỹ), Toronto (Canada), Berlin (Đức), Mocow (Nga), London (Anh), quan trọng hơn, nổi tiếng hơn và có nhiều tiết mục trao giải hơn so với các Liên hoan phim có tên như Sundance (tổ chức tạị Hoa Kỳ), Cairo (Ai Cập), hoặc Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)  hay Tokyo (Nhựt) ...v...v... Riêng  giải Oscars có tổng cộng 25 đề mục khác nhau, bao gồm từ giải thưởng về Diễn Viên, Âm thanh, Ánh sáng, Dàn dựng, Thiết kế, Âm nhạc ...v...v... tới Kịch bản gốc (Original srcreen play), Kịch bản của từng phân cảnh (Adapted screen play), cho tới Đạo diễn và Phim xuất sắc nhứt. Trong kỳ trao giải Ocars lần thứ 92 này, PARASITE được đề cử để tranh 6 giải và đã đoạt được 4 giải quan trong và cao quý nhứt (Phim ngoại quốc hay nhứt, Kịch bản gốc, Đạo diễn và Phim xuất Sắc Nhứt).

Ai gởi phim dự thi giải Oscars lần thứ 92?
- Chỉ cần là phim đã chiếu trên thế giới trong năm 2019. Hội  Đồng chấm giải của Oscars (Academy)  sẽ gởi thư mời các nhà làm phim Mỹ (và các quốc gia khác trên thế giới) tham dự. Thủ tục rất đơn giản: chỉ cần điền một hồ sơ gọi là đơn dự thi (trước ngày 5 tháng 12 của năm tổ chức bầu chọn, tức là trước ngày 05/12/ 2019 vừa qua) là xong. Có tổng cộng 94 Quốc Gia nộp đơn và gởi phim tới Ban Tổ Chức giải Oscars (mỗi nước chỉ gởi 1 phim. Trong đó có VN với phim Furie, tức Hai Phượng).

Ai đề cử các phim ( và các thể loại tranh giải )?
- Tất cả mọi người, gồm các nhà làm phim, hoặc những ai có liên quan tới Điện Ảnh của Mỹ trong năm 2019 (trong đó có Đạo diễn, Diễn viên, các nhà thiết kế, kịch tác gia, kể cả giới phê bình, sản xuất.. v...v...) Tổng cộng 8,469 người, chia ra làm 17 Nhóm. Tất cả các phim tham gia sẽ được chiếu cho Ban Tổ Chức xem. Sau khi duyệt xem xong, Hội Đồng Giám Khảo (Oscars Academy) của từng bộ môm (Nhóm) sẽ đề cử phim nào, diễn viên,  nào, nhóm âm thanh, ánh sáng, bài nhạc phim nào ...v...v... được đề nghị cho tranh giải. Chỉ có mục  Phim hay nhứt (Xuất Sắc nhứt) là tất cả mọi người đều được quyền bỏ phiếu chọn bầu, còn những thể loại khác, phải do giới chuyên môn của từng Nhóm lo liệu. Thí dụ Đạo Diễn bầu chọn cho Đạo Diên. Diễn viên bầu chọn cho Diễn Viên...v...v...

Như vậy, nếu bỏ qua một bên 2 giải tương đối quan trọng (là Phim ngoại quốc hay nhứt và Kịch bản gốc hay nhứt) thì 2 giải xuất sắc sắc nhứt mà đoàn phim Đại Hàn đoạt được (Đạo Diễn và Phim hay nhứt) là do đâu?-  Có thể là do thiếu những cuốn phim "tầm cỡ" trong năm 2019. Cũng có thể những phim được đề cử khác không có đủ chất lượng cao để cạnh tranh với Parasite. Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà Parasite đoat giải Cọ Vàng ở Cannes (hè 2019, tại Pháp) và Oscars hồi đầu tháng 2/2020 này tại Hoa Kỳ. Oscars, như đã đề cập phía trên, là một trong những giải thưởng quan trọng nhứt và "danh giá" nhứt trong các giải Điện Ảnh của giới làm phim trên toàn thế giới.  Sau 50 năm đầu tư vào việc nâng cao trình độ (bằng cách gởi người qua Hollywood "học nghề", cộng thêm việc đầu tư vào ngành Điện  Ảnh một cách tích cực không thua gì bên ngành xe hơi hay mỹ phẩm...) để góp mặt với toàn cầu, các nhà làm phim Đại Hàn đã nâng cao nghệ thuật thứ 7 của họ lên tầm cỡ quốc tế và lần hồi bỏ lại sau lưng Trung cộng, Hương Cảng, Đài Loan và Nhựt Bổn, vốn đã thay phiên nhau "làm mưa làm gió" trên màn bạc Á Châu lẫn góp mặt với quốc tế từ thập niên 50 của thế kỷ 20 cho tới lúc gần đây. Kết quả của những cố gắng và đầu tư đó đã mang lại kết quả mỹ mãn: Đại Hàn đã làm nên lịch sử tại buổi trao giải Oscars lần thứ 92 với cuốn phim Parasite như ai nấy đã biết!

Phim PARASITE thành công nhờ vào đâu?
Xin thưa, khi thưởng tức một cuốn phim, giới mộ điệu và đặc biệt là "Dân trong nghề", nhứt là giới làm phim chuyên nghiệp, đã không chỉ chú tâm tới diễn xuất, cốt truyện mà còn những chi tiết linh tinh khác như ánh sáng, âm thanh, bối cảnh, thiết kế ..v...v... (như đã đề cập ở trên) cũng như phong cách (kỹ thuật đạo diễn, quay phim, lấy ảnh...), ý đồ, ngôn ngữ (dùng hình ảnh, âm thanh, âm nhạc v...v... để diễn, tải tình cảm, tâm lý nhân vật...) và quan trọng hơn hết vẫn là sự xuyên suốt của chủ đề qua cốt truyện và cách dàn dựng. Vậy đạo diễn Bong Joon Ho đã thành công nhờ vào điều gì? Xin thưa:
1- Chủ Đề:
 Được trình bày xuyên suốt từ phút đầu cho tới thước phim cuối cùng của PARASITE (Ký Sinh Trùng) ! Ý đồ của đạo diễn là mang lại cho người xem hình ảnh và phương cách tranh sống trong xã hội của giới "thấp kém" (the Haves Not) trong xã hội. Không ai muốn làm loại ăn bám (bám gia đình, bám xã hội  nên giai cấp thấp không ngừng tìm cách ngoi lên, thậm chí "xâm lấn" vào thế giới của những kẻ thượng lưu trong xã hội.  Nhưng rốt cuộc ở đâu lại về đó (người đã sống dưới hầm hay trong "ổ chuột" đã phải trở về tối tăm của hạ tầng xã hội để mà mơ ước và... hy vọng!) Mở đầu phim là cảnh sinh hoạt lúc chiều tối của một gia đình sống tại một góc ẩm thấp, chật chội tại nơi nào đó và trong tầng hầm ở dưới lòng đường. "Phải giơ cao lên. Phải dò tận gốc ..." là tiền đề lý giải cho cố gắng ngoi lên trong cuộc tranh sống, cũng như tận dụng mọi cơ hội của giới  nhà nghèo vốn thường "không gặp thời" mặc dù có nhiều khả năng để...bon chen! Kết thúc phim cũng là nơi thiếu ánh sáng, ảm đạm và lạnh lùng của góc hầm dưới lòng đường đó! Ký Sinh (Parasite chính là chỗ này = Ánh sáng cũng phải nhờ vào ánh đèn trên mặt đường rọi xuống và Wifi của lúc đầu phim cũng phải xài..."chùa"! Chưa kể tới việc xịt thuốc diệt côn trùng cũng phải "ké" nhà nước).

2- Kỹ Thuât (điện ảnh):
A- Đối xứng (Symetrical Arrangement) Mâu Thuẫn giai cấp (Class Contradictory) và Tương Phản (Contrast Design):
PARASITE là phim nói về mâu thuẫn giai cấp và bất công trong xã hội. Chính xác hơn, cuốn phim muốn nêu lên những trái ngược giữa người kém may mắn (nếu không muốn nói là Nghèo "nhưng không hèn" = The Haves Not) và người "Giầu nhưng không Sang" = The Haves) trong xã hội hiện đại (tại Đại Hàn). Cả 2 gia đình đều gồm có 4 người. Tại sao Nghèo mà không Hèn?- Là vì họ cố gắng hết sức để ngoi lên bằng mọi cách, cho dù là đã phải dùng đến thủ đoạn. Cả hai gia đình đều có 2 người cho mỗi giới tính (2 Nam, 2 Nữ). Đạo diễn không chỉ khai thác về sự khác biệt giữa gia đình với gia đình, mà còn xoáy thêm vào tâm lý vợ chồng trong hai gia đình đó. Đặc biệt là cá tính của họ. Điều này cũng được Bong Joon Ho trình bày qua những bộc lộ của cặp vợ chồng bà quản gia cũ. Cân xứng cũng được đạo diễn khai thác ở các nhân vật con cái trong 2 gia đình. Con nhà nghèo thì bương chải (anh em họ Kim) Con nhà giầu thì ngây thơ, và... nhút nhát hoặc lỳ lợm, bướng bỉnh nhưng yếu bóng vía, (chị em họ Park).
Lướt qua một cách đơn giản, khán giả cũng dễ dàng nhận thấy sự xuề xòa ("sao cũng được") của người chồng trong gia đình họ Kim khi nhân vật này nói về cục đá bonsai vừa được bạn của người con mang đến tặng. Còn trong khi đó thì bà vợ thực tế hơn, đã chắt luỡi "Sao không mua chút đồ ăn qua chứ!"

Trong gia đình họ Park thì sao? Thì cũng là 2 thế giới cá biệt được nối kết bằng... tình yêu vợ chồng! Vợ chỉ ở nhà, không động móng tay trong việc nội trợ, và là một phụ nữ "đơn thuần", không quán xuyến nổi con cái. Điều này khác với bà Kim vốn là một phụ nữ "miệng nói, tay làm", đặc biệt là không "lép vế" trước ông chồng cho dù ông Kim đã từng là một thể tháo gia (ném tạ xích). Thậm chí bà vợ còn đá chân để gọi ông chồng, hay bẻ ngược bàn tay của chồng trong một thế võ của Aikido. Trong khi đó thì anh chồng trong gia đình họ Park là người tinh tường, (Khi làm chuyên ấy thì xe rung lắc và phải rụng tóc... chứ sao lại... ") tự tôn, règlo, chỉ thuần túy quan hệ chủ, tớ trong cách đối xử với người làm công và tất nhiên là có dáng điệu kẻ cả đối với nhân viên và trong quan hệ vợ chồng, theo kiểu nói gì vợ nghe nấy (cảnh diễn ở phút 32:44).  Đối Xứng và Tương Phản cũng được đạo diễn khai thác ở các nhân vật con cái trong 2 gia đình. Con nhà nghèo thì bương chải, thủ đoạn và chụp giựt khi có cơ hội (chị em nhà họ Kim) Còn con nhà giầu thì được nuông chiều nên đâm ra ngây thơ, lãng đãng mộng này, mơ nọ, hoặc tửng tửng, chướng và lỳ nhưng... nhát gan! (Chị em họ Park).

Ngoài ra, để tạo sự "tương phản tuyệt đối" của hai giai cấp, đạo diễn cũng đã dùng:
-  Ánh sáng: lúc nào cũng tràn trề (dù trong hay ngoài, ngày hay đêm đầy sức sống cho giới nhà giầu) còn với giới bình dân (nhà nghèo) thì đa số là bóng tối hay phần lớn là ánh sáng của đèn đêm.
- Hình ảnh (biểu tượng): là những bậc thang hay đường dốc mà nhân vật thuộc giới nghèo khó phải bước lên (lúc bon chen để hướng thượng) hoặc bước xuống (lúc găp nghịch cảnh hay... hết thời). Chưa kể những hình ảnh rải rác khác như lúc cậu thanh niên dạy xong ra về, thì khi khi nói chuyện với bà mẹ đã dứng dưới thấp nói và nhìn lên (phút thứ 20), hay lúc bà chủ giao việc cho quản gia (bà vợ tài xế Kim) lúc cả nhà đi cắm trại (dứng trên cầu thang nói vọng xuống)...
-  Vì vậy để "nói" lên  điều này (sự ngoi lên), đạo diễn đã dùng một lô hình ảnh của đường dốc và cầu thang để nhân vật Ki Woo bước đi (và bước dần lên). Sự xâm nhập (infiltration) của gia đình tài xế Kim vào trong gia đình của họ Park được Bong Joon Ho trình bày khá từ tốn, mạch lạc và rất hợp lý (Logic) khi từng người một- nhờ thủ đoạn- mà cả nhà họ Kim vào làm cho gia đình họ Park.
- Hành lang tối tăm, chật hẹp trong hầm của căn biệt thự và cảnh thiếu ánh sáng. 
- Cảnh ăn uống của hai gia đình với bàn, ghế và thức ăn, thức uống đắt tiền của nhà giầu và cách ăn uống bình dân, đơn giản (thậm chí chỉ với bánh vì và nước lã) của gia đình lao động, nghèo.
-Mùi "hôi" trên con người và y phục của cả nhà họ Kim (bị lộ tẩy nhưng chủ nhân không để ý tới) vì do cậu nhóc "cà tửng" lăng xăng nói (Phút thứ 51:44). Chính thành kiến này (cộng thêm sự hách dịch không cần giấu giếm của chủ tịch Park đã là nguyên do dẫn đến cái chết của anh ta).

B- Nghệ Thuật (Set Décoration/Thiết kế trang trí - Cách quay phim/ Cinématography...)
- Nội thất trong ngôi biệt thự (với đồ vật đắt tiền). Thí dụ: Bàn ăn trị giá $20,000US. Ghế: mỗi chiếc $2,000US) và căn "nhà" dưới lòng đường đều là đề-co (Décor) được dàn dựng.
- Cảnh lụt khi bị mưa giông được dựng (phông) trong một hồ nước lớn.
- Cận ảnh (close up), với các thủ pháp gọi là: Dolly Zoom (viết tắt, hay gọi tắt là Zolly) để nắm bắt sự biến chuyển trên gương mặt diễn viên (khi diễn tả cảm xúc nội tại hoặc thay đổi tâm lý) được thực hiện nhiều lần. Đặc biệt là ở lần quay cảnh đổ máu ngoài vườn.
Mặc dù cả hai diễn viên không phải thuộc hàng "thượng thặng" hay nổi tiếng (trên thế giới) nhưng chuyển biến trên nét mặt của họ được Camera ghi lại rất rõ nét! Họ đã diễn thật xuất thần! Dân gạo cội của Hollywood chỉ có thể diễn xuất đến như thế thôi!
Ảnh đôi (Double exposures) được dùng để tăng thêm sự phức tạp của tâm lý và tình cảm nhân vật) phút thứ 2.01:33 khi nhân vật tài xế Kim đối diện với miếng kiếng trong (hoặc fiber glass) tại đầu cầu thang dẫn lên phòng khách. Cách quay này đã được thực hiện ở phút 1.46:00 (dành cho con trai ông Kim) và lúc đầu phim (để nhấn mạnh đến tình trạng tâm thần của "cậu nhóc Da Song").

Phong cách (Đạo Diễn) / Ý đồ và Thủ Pháp dàn dựng (Cách gài kich):
1- Có ai đoán được cô gái cởi quần lót trong xe để làm gì không?
2- Có bao nhiêu khán giả nghĩ rằng chàng thanh niên Ki-Woo sẽ còn sống sau khi bị đập hai lần vào đầu bằng khối đá khá nặng đó và hơn nữa, anh chàng đã mất máu khá nhiều?
3- Có ai ngờ vợ chồng bà cựu quản gia bỗng chốc biến thái để trở thành những kẻ có thái độ và hành xử như những phát xít cộng sản (nhứt là bà vợ)? Về điểm này thì Bong Joon Ho có lẽ cũng muốn "thả" tí quan điểm về việc cải tạo xã hội và đấu tranh giai cấp kiểu cộng sản (Bắc Hàn) chăng? Cái tài "xí gạt" khán giả của đạo diễn là ở mấy chỗ này đây!
4- PARASITE là một cuốn phim không có vai chánh. Tức phản diện (vai ác) hay chính diện (vai hiền hoặc vai nạn nhận). Chính diện và phản diện (hay ngược lại) đều là một người (hoặc một nhóm). Trong phim này chuyện xảy ra trong nội bộ của hai gia đình (family affairs) và cả đôi vợ chồng bà quản gia cũ cũng chính là yếu tố dẫn kịch tức mang vai trò cuả một nhân vật trung tâm.
5- Sự Mâu Thuẫn giữa hai tầng lớp của xã hội là điều tất nhiên, không thể tránh khỏi. Nhưng từ cổ chí kim, chỉ có giới bị trị (giai cấp thấp) luôn tìm cách len lỏi vào giới thượng lưu, trưởng giả, cao sang. Không có chiều ngược lại. Tuy nhiên, đạo diễn cũng khai thác mâu thuẫn trong chính giai cấp của nhân vât bằng cách cho họ Kim - dù lươn lẹo, xảo quyệt và thủ đoạn, nhưng vẫn không ngừng cố gắng ngoi lên bằng cách tận dụng cơ hội mà họ tìm thấy được. Trong khi đó thì cũng là "Ký Sinh Trùng", nhưng vợ chồng bà cựu quản gia lại chấp nhận cuộc sống lén lút, tù túng dưới tầng hầm. Thậm chí người chồng tuyên bố là sống cả đời trong cảnh tăm tối như vậy cũng được (nhờ ngồi không mà được vợ chôm đồ ăn mang xuống, được tương đối "tiện nghi" dù chỉ là tiện nghi tối thiểu cho một căn hầm trốn chiến tranh hạt nhân. Ngoài điều này ra thì có cả sự chăn gối với vợ (chồng bao cao su được thu cận ảnh) một cách lén lút nhưng thú vị. Có được cả tứ khoái mà không động móng tay thì còn mong gì hơn!?
6- PARASITE dài 2 giờ 12 phút. Trong suốt thời gian này, tất cả các chi tiết gài kịch, dẫn kịch từ hình ảnh tới lời đối thoại đều được đạo diễn nối kết một cách mạch lạc, thứ tự rất... lớp lang, kể cả hình ảnh có mang thông điệp ngầm hay biểu tượng. Thí dụ như con gián (như đã nói trên) hay cái đụng đầu của ông Kim (lúc đứng dậy đón bạn của Ki- Woo) ở đầu phim cùng với cảnh giơ cao cell phone tới trần hầm (với cao cách mấy rồi cũng sẽ "đụng" tới giới hạn. 
7- Đạo diễn đã dùng những thủ pháp và hình ảnh rất đơn giản nhưng cô đọng (condensed), ngắn, gọn nhưng hiệu quả (effective). Lời không nhiều nhưng xúc tích. Cảnh không dài nhưng gợi ý và tải được ý đồ (Thí dụ: chỉ cần cái bịt mũi của chủ tịch Park cũng đủ mang tới nhát dao trí mạng. Chỉ bằng vài câu "gợi hứng" cho vợ cũng biết anh chàng Park thuộc loại... dâm đãng tới cỡ nào. Hoặc chỉ cần cái đá chân vào ông chồng (tài xế Kim) đủ cho thấy bà vợ này bản lãnh và "không ngán thằng tây nào"! cả).

Ngôn ngữ ĐIỆN ẢNH/ Thông điệp ngầm (Theatral Language/ Hidden Message):
a- Con gián! Biểu tượng của sự hôi hám, nghèo hèn. Cảnh xịt DDT diệt côn trùng cùng với màn khói trắng mờ đục (đủ để cho gia trưởng Kim nhắm mắt làm ẩu nên hư hết 1/4 số hộp cả nhà cần xếp để kiếm tiền lúc mọi người đều thất nghiệp) là tiền đề cho cảnh "thất kinh hồn vía" của gia đình họ Kim khi bị đôi vợ chồng bà cựu quản gia "lật ngược thế cờ" dưới hầm nhà họ Park. Ngoài ra, đạo diễn Bong cũng đã đặt "dấu ấn" thấp hèn của gia đình họ Kim (và cũng là minh họa cho sự tương phản trong giai cấp) bằng cách quay cảnh "đú đởn" của vợ chồng ông chủ Park trên sofa trong khi ba cha con họ Kim nằm bẹp dí như cá mòi dưới chiếc bàn, ngay kế cạnh chỗ nằm của họ Park. Cảnh nín thở để khỏi gây tiếng động trong bóng tối của ba cha con trông chẳng khác nào hình ảnh của loài gián núp trong vũng tối để khỏi chạm trán với ánh sáng để sau đó sẽ túa ra chạy trốn khi bị động ổ.
b- Cũng chuyện con gián! Đạo diễn đẩy kịch tính (lên thành cao trào) trong sinh gia đình tài xế Kim (đúng hơn là giữa vợ chồng ông Kim) lên thành một cảnh tiêu biểu cho cái gọi là Khôi Hài Đen ở phút 1:00:00 đến 1:02:50. Đây là phân cảnh của gia đình tài xế Kim thoải mái ăn nhậu như thể căn nhà đã thuộc về họ Kim. Chưa gì cả nhà đã bàn đến chuyện làm chủ căn nhà trong tương lai. Lúc này, cá tánh mỗi người đều được đạo diễn cho bộc lộ thật rõ nét. Trong 2 đứa con, thì cô chị Ki Jung thực tế hơn cậu em, mặc dù cả hai đều thủ đoạn và chụp giựt như nhau. Ông chồng thì tưởng đâu rất có cá tánh và đáng mặt "anh hào" (quát tháo, ra oai khi hất tung đồ đạc trên bàn ăn) nhưng lại khớp cơ trước sự cứng cỏi của bà vợ nên đành xuống nước ra điều như đang..."Đùa chút thôi mà!". Trong khi đó đạo diễn cho bà vợ- thêm một lần nữa - tỏ ra rất thực tế (nhắc chuyện con gián để cảnh tỉnh cả nhà) và tuy yêu thường chồng nhưng không lép vế, thậm chí còn có "bản lãnh" chế ngự ông chồng (" Nếu anh nói thật, anh chết ") bằng cú bẻ ngược bàn tay của chồng theo kiểu tự vệ của Aikido (Hiệp Khí Đạo) sau khi bà ta bị túm lấy áo!
c- Chuyện con gián cũng là điểm báo trước tài xế Kim (và cả 2 đứa con) sẽ hồi hộp lẩn trốn và nằm bẹp dí ngay dưới chiếc bàn mà họ đã vừa tận hưởng những món ngon, rượu quý của dân nhà giầu.
d- Món ngon!? Không hẳn vậy! Điểm khôi hài (đen) là ở ngay chỗ món ngon này! Trong lúc tận hưởng hạnh phúc được say sưa và làm kẻ sang giầu, người ta quên cả chính bản thân và không cần biết đã làm gì, nghĩ gì. Đó là cảnh cô chị Ki Joeong (hay Ki Jung?) thoải mái "xực" ông bố và vớt đẹp gói đồ ăn dành cho lũ chó. Lúc phát giác được thì móc họng cũng không ra!
e- Đạo diễn cũng không ngần ngại cho thấy - dù là giầu sang, quyền quý, hay thấp kém, nghèo hèn -  mọi người đều bình đẳng và trơ trẽn, sống sượng như nhau khi... động cỡn!
f- Khối đá (Bonsai) - mà trong phim được cho là biểu tượng của may mắn - chỉ là chỗ dựa tinh thần, là hy vọng của con người đang tìm cách ngoi lên khỏi sự nghèo hèn (trường hợp của cả nhà họ Kim, đặt biệt là trong lòng chàng thanh niên Ki-Woo). Suýt chút nữa nó đã là một hung khí (ngay từ lúc đầu, Ki Wood đã định dùng nó để ném vào anh chàng say rượu chuyên môn đến "đái đường" ngay trước mắt cả nhà họ Kim) ngay khi mới tiếp nhận. Về gần cuối phim thì (lại khôi hài đen) nó đúng là hung khí (được gã đàn ông trốn nợ dùng đập bể đầu chính chủ nhân của nó). 
g- Phải chăng đạo diễn đã mượn cách hành xử kiểu phát xít toàn trị Bắc Hàn của vợ chồng bà cựu quản gia để lên án chế độ vừa Cộng Sản, lại vừa quân phiệt và phong kiến (cha truyền con nối)  của phương bắc? Câu trả lời là: đúng như vậy! Đạo diễn họ Bong đã cho người vợ ca tụng  cái "nút bấm thần kỳ" và cách phát âm rập khuôn theo kiểu phát biểu của bọn Cộng Sản Bắc Hàn khi ca ngợi lãnh tụ và tham vọng làm bá chủ hoàn cầu. Trong khi đó thì người chồng tái tạo hình ảnh điểm danh đi, điểm danh lại bằng lời nạt nộ rất quyền uy (tiêu biểu cho cung cách của Cộng sản phát xít). Cuối cùng cả hai đều chết một cách thê thảm là đáp án của Bong Joon Ho khi anh ta khai tử đôi vợ chồng qua khích này. 
h- Morse! Phương tiện truyền tin cổ lỗ sĩ nhưng trường tồn qua mọi thời đại đã được "gài độ" từ đầu phim để cuối cùng làm nhiệm vụ "tháo nút" cho việc cha com họ Kim "tìm được nhau". Đạo diễn, một lần nữa gài sẵn dữ kiện (Hướng Đạo cho cậu nhóc và chàng thanh niên Ki Woo rồi cho thấy bản ký hiệu đánh Morse dán trên tường của căn hầm trú ẩn "hạt nhân". Nhưng xui cho cháng thương nhân không gặp thời (vì tên nhóc kiêm cậu ấm chưa đủ trí thông minh) là lại may cho cha con họ Kim (vì Ki-Woo gìa dặn hơn, kinh nghiệm hơn và chú tâm hơn vào việc giải mật mã).
i- Nhiều người thích thưởng thức phim có kết cuộc mang lại hạnh phúc cho nhân vật chính hoặc cho câu chuyện  hay chủ đề. Với những vị này thì PARASITE không đáng xem. Nhưng thật ra phim này tuy không kết thúc theo kiểu có  "Hậu" cổ điển như vừa nói. Tệ hơn nữa, phim còn kết thúc bằng một cái "Hậu" thật buồn bã (tang tóc và chia lìa). Đó là ý đồ và thông điệp của Đạo diễn được lồng vào phim và được hiểu ngầm như sau:
- Không có kế hoạch thì không sợ bể kế hoạch (i.e Không làm gì hết thì sẽ không có sai trái).
- Ngay cả khi cùng đứng chung trong một giai cấp mà còn "triệt" nhau thì đấu tranh giai cấp cái nỗi gì?!
- Chỉ có người Nghèo, Khổ mới cố chen chân vào "thế giới" của kẻ giầu hoặc luôn tìm cách lật đổ giai cấp trên mình (i.e.Chuyên chính vô sản) bằng đủ mọi cách.
- Muốn đạt được mục đích trong cuộc tranh sống, người ta không chừa bất cú một thủ đoạn nào.
- Nhưng "Người tính không bằng Trời định".  
- Ký Sinh Trùng không chỉ là dân nghèo. Dân nhà giầu cũng - cách nào đó - dùng đồng tiền để bám vào sức lao động của kẻ nghèo (hình ảnh tiêu biểu trong phim là người vợ của chủ tich Park).
- Bất công trong xã hội, phân biệt trong giai cấp là chuyện tự nhiên của Người với Người. Ngụy trang khéo cách mấy cũng không khỏa lấp được vị trí của mình trong xã hội (mùi hôi của người sống dưới hầm nhà hay của những ai thường dùng phương tiện di chuyển công cộng).
- Không có chuyện hòa đồng giữa hai giai cấp Giầu & Nghèo.  Ngôn ngữ ở cuối phim: Kẻ Nghèo (The Haves-Not) không làm gì khác hơn là phải tiêu diệt kẻ Giầu (The Haves) mới mong xóa bỏ giai cấp. Thế nhưng cũng không thay đổi được cuộc diện. 
J- PARASITE, rõ ràng là một cuốn phim không có hậu (kiểu cổ điển). Tuy nhiên, ở phút thứ 1:53:53, khán giả vẫn thấy đạo diễn cố gắng kêu gọi sự hòa điệu, hòa hợp, hòa mình kiểu cộng sinh giữa hai giai cấp (Sang & Hèn) qua hình ảnh của cô gái nhà giầu cõng chàng trai mà mình yêu thương (một tình yêu đầu đời, trong sáng, hồn nhiên và... vô vụ lợi tới mức chỉ lo cõng người mình yêu chạy theo đám đông, tức là lo cứu người mà bỏ qua thực trạng là Mẹ ngất xỉu, em thì tính mạng bị đe dọa bởi cơn bệnh, còn cha đã bị giết chết.
h- Một cái kết để khán giả có chút gì đó mà kết luận theo ý riêng hay là sự cố ý bỏ ngỏ để chờ  câu chuyện... tiếp nối theo chăng?

Tóm lại, có thể nói PARASITE là cuốn phim vừa dí dỏm (hiểu theo nghĩa khôi hài đen) vừa rùng rợn (scary), "tếu"  (funny), dễ gần gũi (accessible = ai xem phim cũng thấy có mình trong đó) mà lại vừa có tính cách nghệ thuật khá cao cấp và... tinh tế (highbrow). Có lẽ nhờ vậy mà Bong Joon Ho đã trở thành người thứ nhì (sau Walt Disney) ôm được 4 giải thưởng quan trọng nhứt trong chỉ một buổi Trao giải Oscars  suốt 92 năm qua. Câu hỏi: nếu phim 1917 của Sam Mendes đoạt giải xuất sắc nhứt thì mọi người sẽ nghĩ sao (khi một kẻ phản chiến lại trao tượng vàng cho một cuốn phim nói về chiến tranh)? May thay! Chuyện đó đã không xẩy ra.

HUỲNH VĂN CỦA

Không có nhận xét nào: