Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Lá Thư Úc Châu - Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 25 Jan 2015

Phạm Duy: Bài Ca Sao
Song ca: Elvis Phương & Ái Vân
Tình thân,
Kính
NNS
.........................................................................................................................
(1) Ts Nguyễn Hưng Quốc: "Cái nước mình nó thế"
Từ trên dưới 10 năm nay, một trong những câu nói cửa miệng của mọi người, đặc biệt giới trí thức, ở Việt Nam, chắc chắn là câu “Cái nước mình nó thế!” Nghe nói câu ấy xuất phát từ Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng tôi không chắc. Tôi chỉ chắc một điều: mỗi lần nghe đề cập đến tình trạng bi đát, nhiễu nhương, trớ trêu và bất công ở Việt Nam, ai nấy đều buông một câu, thoạt nghe, có vẻ đầy ưu thời mẫn thế: “Cái nước mình nó thế!”
Đường xá càng lúc càng xuống cấp, ở đâu và lúc nào cũng kẹt xe, tai nạn giao thông thuộc loại đứng đầu thế giới ư? – Cái nước mình nó thế! Giáo dục càng lúc càng suy đồi, học trò đạo văn; thầy cô giáo cũng đạo văn; thi cử thì đầy gian lận, bằng cấp giả tràn lan ở mọi cấp ư? - Ừ, thì cái nước mình nó thế! Kinh tế càng lúc càng suy thoái, hết đại công ty này phá sản đến tập đoàn quốc doanh kia phá sản, nợ nần quốc gia cứ chồng chất ư? - Ừ, thì cái nước mình nó thế! Chính trị sa lầy trong bế tắc, đối với dân thì độc tài và tàn bạo; với nước ngoài thì hèn yếu và xu nịnh ư? - Ừ, thì cái nước mình nó thế! ... Vân vân.
Câu nói ấy không phải không đúng. Nó đúng ở hai khía cạnh. Thứ nhất, trên thực tế, quả thật tình hình Việt Nam càng ngày càng bế tắc. Bế tắc một cách đặc biệt, không giống với bất cứ một nước bình thường nào khác. Bế tắc triền miên. Gỡ cái này thì vướng cái khác. Sửa cái sai này thì cái sai khác lại xuất hiện, có khi còn trầm trọng hơn. Thứ hai, về phương diện tâm lý, nó cũng phản ánh được tình trạng tuyệt vọng của mọi người. Người ta hiểu rõ tất cả bi kịch nhưng không biết cách nào thoát khỏi được bi kịch.
Tuy nhiên, ngay cả khi đúng về hai phương diện vừa kể, câu nói ấy vẫn sai.
Hơn nữa, sai một cách nguy hiểm.
Thứ nhất, nó là biểu hiện của tư tưởng định mệnh chủ nghĩa. Nó làm như mọi thứ đã được an bài, gắn liền với bản chất của người Việt Nam. Của dân tộc Việt Nam.
Nhưng chắc chắn sự thật không phải như vậy. Tất cả những cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ trong chế độ cũng như trong xã hội Việt Nam hiện nay không phải vì “cái nước mình nó thế”. Trong lịch sử, nước mình không thế. Ngày xưa, cả hàng ngàn năm, người Việt Nam đã từng bất khuất trước một nước Trung Hoa to lớn và hùng mạnh, hơn nữa, trước một nước Mông Cổ từng giẫm nát gần hết châu Á và một phần châu Âu. Ngày xưa, ngay cả dưới thời phong kiến, cha ông chúng ta cũng không phải chịu đựng nạn tham nhũng tràn lan như bây giờ. Chỉ cách đây hơn 40 năm, ở miền Nam, ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, giáo dục cũng không suy đồi như bây giờ; sinh viên và giáo sư không ăn cắp văn chương của người khác một cách phổ biến như bây giờ; học trò không khinh thường thầy cô giáo như bây giờ. Ở miền Nam lúc trước cũng như cả thời Pháp thuộc, người bị bệnh, khi vào bệnh viện, không phải đút lót hết người này đến người khác, từ y công đến y tá và bác sĩ như bây giờ. Thời nào giới làm chính trị cũng nói dối, nhưng chưa bao giờ họ nói dối một cách trơ trẽn như bây giờ.
Xem cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ là bản chất của dân tộc Việt Nam rõ ràng là không đúng.
Mà thật ra, trên thế giới, không có dân tộc nào có bản chất như vậy cả. Những cái xấu như thế không có tính chất bẩm sinh. Chúng chỉ là những hiện tượng có tính chất lịch sử. Ngay cả một dân tộc vĩ đại như Nga hay Trung Quốc, bình thường vĩ đại, nhưng dưới chế độ độc tài, bỗng dưng thành dốt, ngu, tham, ác và vô liêm sỉ một cách lạ lùng. Nhiều quốc gia khác ở Tây phương, bình thường đầy nhân đạo, nhưng thời tư tưởng thực dân chủ nghĩa bành trướng, cũng trở thành tham và ác, dù không phải lúc nào họ cũng dốt, ngu và vô liêm sỉ.
Bởi vậy, câu “cái nước mình nó thế”, thật ra, là một câu nói vô nghĩa.
Nói “chế độ mình nó thế” thì được. Còn “nước mình nó thế” thì sai.
Thứ hai, gắn liền với chủ nghĩa định mệnh, câu nói ấy cũng mang tính đầu hàng chủ nghĩa. Trước mọi nghịch cảnh, chỉ cần buông câu “cái nước mình nó thế”, người ta dễ có cảm tưởng an tâm và chấp nhận những nghịch cảnh ngang trái ấy như một cái gì hiển nhiên, đương nhiên, không thể tránh thoát. Nó tiêu diệt mọi ý chí phản kháng, hơn nữa, mọi nỗ lực thay đổi. Nó tạo ra vẻ ưu thời mẫn thế giả. Nó đóng kín mọi lối ra. Thực chất, nó dễ trở thành một sự đồng loã với những cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ. Nhà cầm quyền Việt Nam không cần một thái độ nào hơn cái thái độ ấy.
Bởi vậy, tôi nghĩ, người Việt Nam hiện nay nên tập nghĩ và tập nói: CÁI NƯỚC MÌNH NÓ KHÔNG THỂ NHƯ THẾ!
Không thể. (FB Nguyễn Hưng Quốc)

(2) Tưởng Năng Tiến (RFA): Gai tài của Mác
Rồi chế độ toàn trị sẽ chấm dứt tại Việt Nam. Nhưng người Việt Nam không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. Trong thực tại ấy, có Mác. (Đỗ Mạnh Tri)
Cuối năm, nhiều cơ quan truyền thông – trong cũng như ngoài nước – đồng loạt đưa tin “Dân Sài Gòn cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh.” Đọc xong bỗng chợt thấy có cái gì “vương vướng?” Tại sao không phải là “người dân cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh” mà lại có thêm hai chữ “Sài Gòn” vô đó, vậy kìa?
Thương người như thể thương thân. / Rét thời cho mặc, đói thời cho ăn.
Gia Huấn Ca có dạy như vậy mà. Không lẽ, ở nơi khác, dân chúng lại hành sử khác sao? Mà có khác thiệt, và khác lắm, khi xem lại vài trang báo cũ:
Cách đây chưa lâu, báo Dân Trí đi tin: “Rạng sáng nay 7/6, người dân xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An) phát hiện một vụ cháy kinh hoàng: một người đàn ông cùng một chiếc xe máy bị thiêu cháy bên vệ đường... Quan sát kỹ tại hiện trường, PV Dân trí nhận thấy nạn nhân bị đốt cháy gần thành than, không thể nhận dạng, bốc mùi khét lẹt... Chiếc xe máy bị đốt cũng chỉ còn trơ khung đen.Nhiều người cho rằng nạn nhân xấu số này ăn trộm chó bị phát hiện, bị đánh chết ở đâu đó rồi đưa ra cánh đồng này đốt xác.”
Hai tháng sau, cũng báo Dân Trí, lại có thêm tin nữa: “Khoảng 17 giờ 30 phút chiều ngày 29/8, hai kẻ ăn trộm chó đã bị người dân xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đánh chết....
Ba người bị đánh chết (ở Nghệ An) trong vòng hai tháng, đã khiến tôi liên tưởng đến những cái chết khác – thảm khốc và thương tâm không kém – cũng ở địa phương này, hồi giữa thế kỷ trước, chính xác là vào năm 1952, theo lời kể của nhà văn Võ Văn Trực:
“Một lũ ngồi lúc nhúc ở giữa vòng vây người nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa. Người xem đông quá là đông. Sóng người xô dồn lên, rồi dạt ra phía sau, rồi lại cuộn xoáy, ôm nhau, níu áo nhau. Không thể nào nghe được dân quân đang tra khảo tội nhân điều gì? Chỉ nghe nhứng tiếng quát lớn; ’Mi có khai không? Mi có khai không?’ trộn lẫn với tiếng đấm đá huỳnh huỵch...”
“Tổ cha cái đồ phản động cái đồ Việt gian” – có tiếng người hét to như muốn vỡ ngực vỡ họng. Chính cái người hét to ấy đang ôm một gốc cây phi lao sần sùi mấu lao từ trên bức tường xuống như con mạnh thú vồ mồi, giơ cao gốc cây phang một cú vào ngực người bị treo ngược. Người bị treo rú lên một tiếng thất thanh và hai tay run rẩy như con nhái trước lúc chết. Thịch! Sợi dây đứt. Người bị treo ngược rơi xuống, sọ đập trên đất lổn nhổn cứt sắt... Người bị treo ngược bây giờ thành cái xác nằm sõng xoài trên đất. ...” (Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. California: Tạp Chí Văn Học, 2006).
Chuyện làng ngày ấy, và chuyện làng bây giờ – xem ra – không khác nhau nhiều lắm. Lòng “nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa” được thổi bùng lên từ thời “cách mạng phóng tay phát động quần chúng” đến nay – có lẽ – chưa bao giờ tắt (hẳn) ở rất nhiều nơi, tại Việt Nam.
Sài Gòn may mắn không phải là một nơi như thế. Vùng đất này không từng trải qua những năm Cải Cách Ruộng Đất (“nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa”) như tỉnh Nghệ An. Có phải nhờ vậy mà người dân “cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh,” thay vì đánh cho đến chết rồi mang đi đốt?
Nhắc đến Sài Gòn, tưởng cũng nên đọc lại vài dòng bút ký của anh Ba Sàm: “Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo!
Nhiều năm sau, ở Hà Nội, những ngã tư đông đúc như Tràng Tiền-Hàng Bài, ngoài một chú cảnh sát đứng bục, thường phải thêm có 4 chú cầm gậy chặn bốn phía, lùa, đuổi mà cũng không xuể. Lên xe bus, xe đò trong Nam luôn cho hắn những cảm giác thích thú để quan sát. Đủ các hạng người, mà sao không chen lấn, cãi vã. Khách nhường ghế cho nhau, thăm hỏi, chỉ đường tận tình (những thứ mà cho đến hôm nay, trên xe bus Hà Nội, người ta phải ghi lên tấm biển to đùng, thành ‘Nội quy’). Lơ xe lăng xăng xách, buộc chằng đồ cẩn thận cho khách, nhảy lên mui, đeo bên thành xe la nhắc người dưới đường cẩn thận.”. Thảo nào mà hôm rồi ông Chủ Tịch UBND Nguyễn Thế Thảo “than phiền về thái độ văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân thành phố, và “mong người Hà Nội ra đường trật tự như TP HCM.”
Chớ người Hà Nội “ứng xử nơi công cộng” ra sao mà mang tiếng dữ vậy cà? Xin đọc một đoạn văn khác của một nhà văn (vốn) gốc Hà Thành: “Sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh mùng 2 tháng 9, cả Hà Nội bừng sáng trong rừng khẩu hiệu và cờ hoa... Nơi các cửa hàng thịt cá mậu dịch người ta niêm yết trên bảng thông cáo: Các ô sổ phụ của phiếu thực phẩm tháng Chín bán cá bể, mỗi hộ được mua hai ký cá ngoài tiêu chuẩn để ăn mừng quốc khánh...”. “Cá bể chưa về. Thế mà có mấy người chầu chực sắp hàng từ năm giờ sáng. Trời vào thu rồi mà vẫn nóng, đám người chờ mua đông đặc không ra hàng lối gì. Mồ hôi, mồ kê nhễ nhại...vừa lúc đó, thốt nhiên bên kia đường bật lên tiếng reo lớn:”Cá về! Cá về!...”.  Lúc đó thì không còn hàng lối gì nữa, mọi người chen chúc xô đẩy nhau, ý ới gọi nhau. Từng lớp sóng người dồn lên rồi lại dạt xuống, khiến không còn chỗ cho những bà mậu dịch viên đổ hàng. Thế là lại phải giải thích cho mọi người lùi lại, nhường cho một khoảng trống. Có đến hai mươi phút sau cá mới được đổ xuống vỉa hè, chả cần thau chậu gì ráo. Và lũ ruồi đánh hơi mới tài làm sao! Chỉ loáng một cái chúng đã kéo đến hàng đàn, bám đen lên đống cá. Tôi không đủ can đảm để giữ tư cách nữa, cứ thế mà chen đẩy theo sức lực của mình. Đứng trước tôi là một thằng bé, không hiểu bằng cách nào mà len lỏi tới trước được, nhưng cũng khổ cho nó, mỗi khi đợt xô đẩy dồn tới là nó lại bị đè ngã vào đống cá. ..” (Thế Giang. “Lộc Thánh”. Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa, CA: Người Việt, 1987).
Chuyện “xô đẩy” vì vài con cá, vài lạng thịt của người dân Hà Nội – năm xưa – có ảnh hưởng (ít nhiều) chi đến “văn hóa ứng xử nơi công cộng” của họ hôm nay không? Và “ảnh hưởng” (hay “di sản” hoặc “di hoạ”) này, mai hậu, “sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua” là một trong nỗi bận tâm của nhà văn Phạm Thị Hoài: “Chúng ta thử hình dung, một ngày nào đó không xa, trong vòng một thập niên tới, Việt Nam sẽ chuyển thành công từ thể chế độc quyền dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam sang Dân chủ đa nguyên, với nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, với tự do tư tưởng và ngôn luận, tự do hội họp và xã hội dân sự. Khi đó, cái di sản kéo dài gần ba phần tư thế kỉ ở miền Bắc và gần một nửa thế kỉ trên toàn quốc đó sẽ đặt chế độ mới trước những thử thách nào?. Xã hội Việt Nam sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua di sản đó?”
Nhà văn Phạm Thị Hoài không phải là người duy nhất có nỗi lo âu (bao la) cỡ đó. Trước đó, trong tác phẩm Di Sản Mác Xít Tại Việt Nam – xuất bản vào năm 2002 – giáo sư Đỗ Mạnh Tri cũng cũng đã. .. cầm đèn chạy trước ô tô một đoạn rất xa: “Học thuyết Mác sẽ để lại gì trên đất nước Việt Nam ? Có chút tương lai nào cho học thuyết đó ? Nói rộng ra, tương lai nào sau khi độc tài toàn trị chấm dứt?
Nhưng chôn hay không chôn, dù sao ông Mác cũng di tản vào Việt Nam rồi.... Vào với tất cả hành trang lỉnh kỉnh của ông, của con cháu và tổ tiên ông.... Cũng như mấy thế kỷ trước đây đạo Kitô và trước nữa, Khổng, Phật, Lão. Dù muốn dù không, Mác đã thuộc phần gia tài của người Việt. Trong gia tài có thể có nợ. Kể cả nợ máu.
Làm gì với gia tài đó ?
Dù muốn dù không, Mác và những bóng ma của Mác đã và đương ám ảnh người Việt từ hơn nửa thế kỷ nay. Dù muốn dù không, nhân danh Mác hay nhân danh chống Mác, người ta đã làm nên ức triệu những con ma, những oan hồn từ đây sẽ luôn luôn quyện vào lịch sử Dân tộc. Hồn những kẻ đã nằm xuống nơi rừng núi, trong hầm sâu, nơi đồng ruộng, trong những trại giam, trong bụng cá, tại những đài tử sĩ đã bình địa vì thuộc bên này hay vẫn còn đó nhưng mốc meo không ai dòm ngó vì thuộc bên kia. Còn phải kể tới hồn những kẻ chưa sinh ra nhưng rồi đây sẽ phải gánh lấy gia tài đó...”
Cái đầu (bò) của một anh thường dân vớ vẩn như tôi khó có thể thể hình dung ra được (mai sau) “những kẻ chưa sinh ra nhưng rồi đây sẽ phải gánh lấy gia tài” của XHCN ra sao? Tôi chỉ có chút kỷ niệm (không vui) liên quan đến Marx và đứa con gái út của mình.
Khi cháu chừng mười hai hay mười ba gì đó, một hôm thay vì mua quà sáng cho cháu, tôi bảo nó xuống xe vào tiệm mua lấy theo ý mình đi. Mấy phút sau, con bé đi ra tay không: "Con ghét người Việt Nam, con ghét người Việt Nam. I hate Vietnamese, I hate Vietnamese!"
Mặt cháu đỏ bừng vì ngượng ngùng và tức giận khiến tôi ái ngại: "Chuyện gì vậy con?"
- "Con đứng xếp hàng nhưng mấy người đến sau cứ chen lên trước nên con đợi mãi cũng chả đến lượt mình".
Cháu chào đời và lớn lên tại California nên không biết rằng những ông bà, cô dì, chú bác. .. khách hàng trong tiệm giò chả này phần lớn (cũng y như chính bố nó) đều là những thuyền nhân. Họ đã bán tống bán tháo hết cả gia sản, bỏ của chạy lấy người, đâm xầm ra biển, xô đẩy chen lấn và sẵn sàng đạp lên nhau (nếu cần) chỉ để mong có thể dành được một chỗ trên một con thuyền ọp ẹp và mong manh nào đó. Người nhanh chân chưa chắc đã sống nhưng kẻ chậm chân thì chắc chết, chết chắc.
Kinh nghiệm hãi hùng này vẫn còn in đậm trong tâm trí và cách hành xử của rất nhiều người tị nạn C.S. nên cứ thấy đám đông là là họ chen liền, như một phản xạ tự nhiên, cho nó chắc ăn – dù chỉ để mua và cái bánh giò, hay mấy cân chả lụa. Cá nhân tôi, đôi lần, cũng đã “chen xe” trên freeway một cách hoàn toàn vô thức (và ngu xuẩn) tương tự.
Thiệt khó mà biết “xã hội Việt Nam sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua di sản” thổ tả này nhưng ý thức được rằng “chúng ta không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. .. có Mác” (chắc chắn) sẽ giúp cho dân tộc này dễ thông cảm và bao dung với nhau hơn khi cùng chung tay xây dựng lại Việt Nam – trong tương lai gần.

(3) Trần Thu Dung: Charlie Hebdo trào lộng tình hữu nghị Việt-Trung 
Charlie Hebdo là một tờ báo trào phúng nổi tiếng ở Pháp. Các nhà hí họa rất nhanh nhạy với mọi tình hình thời sự, chính trị, và mọi khía cạnh trên thế giới. Họ đã mạnh dạn dùng bút vẽ để trào lộng những vấn đề được coi là nhạy cảm xã hội như tôn giáo. Mọi thứ lố bịch làm ảnh hưởng đến tự do nhân quyền con người họ đều đem ra chỉ trích dưới hình thức châm biếm. Chính vì thế họ đã bị bọn khủng bố theo đạo Hồi quá khích bắn chết khi đang họp ngày 07/01/2015 ở Paris. Mặc dù trụ sở đã từng bị đốt, từng bị đe dọa mạng sống, họ vẫn can đảm lên tiếng vì lý tưởng tự do ngôn luận, và vì hòa bình trên thế giới. Không chỉ trào lộng đạo tôn giáo mà những mối quan hệ chính trị của nhiều nước trên thế giới như quan hệ Trung – Mỹ, Việt – Trung, Mỹ - Nga Xô cũng bị họ đưa ra trào lộng.
Việt Nam từng có bài hát suốt ngày đài phát “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông… mổi tình hữu nghị thắm như rạng đông » và Hồ Chí Minh đã ví mối tình hữu nghị keo sơn như môi với răng, môi hở răng lạnh. Nhiều báo chí thế giới đã dịch câu này. Báo nhân đạo Pháp cũng từng đề cập mối quan hệ Việt – Trung.
Năm 1979, quân đội Việt Nam sang giúp Campuchia để dẹp Kmer đỏ. Trung Quốc nhân cớ lợi dụng để tấn công Bắc Việt Nam. Tình hữu nghị biến thành chiến tranh biên giới. Charlie Hebdo đã nhanh nhạy trào lộng mối quan hệ Việt-Trung tan vỡ. Bức tranh chỉ trích mấy nước da vàng tưởng hòa bình rồi lại cắn xé lẫn nhau. Tác giả trào lộng tình hữu nghị môi hở răng lạnh giữa Trung Quốc và Việt Nam vốn được hai nước đề cao trong chiến tranh chống Mỹ, bây giờ lại dùng môi răng để cắn nhau khi Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Bắc Việt Nam.
Trong chiến tranh Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc coi nhau như «anh em», nhưng thực chất Mao đã bắt tay với Mỹ, trong khi Mỹ tiếp tục ném bom ở Việt Nam. Tình hữu nghị trá hình của Trung Quốc đã được các nhà báo chống chiến tranh ở Việt Nam hí họa đăng trong tạp chí Charlie Hebdo.
Fig 1: Cắn nhau đi, hỡi người da vàng! (Allez Les Jaunes)
Fig. 2: Mao và Nixon - Những mối tình lững lẫy (Mao-Nixon Les AmoursCélèbres)
Tháng 2/1972, Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc. Mao và Nixon giao bang. Bom vẫn rơi xuống đầu Việt Nam.
Đúng như Wolinski đã nói rằng báo của họ nói lên trước những điều sẽ xảy ra trong 10 năm tới. Tình hình hữu nghị Việt – Trung càng lộ rõ khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan ở Biển Đông và chiếm Hoàng Sa và một số đảo nhỏ thuộc địa phận Việt Nam.
Trào lộng là một vũ khí đấu tranh hòa bình để xã hội phát triển. Những nhà hí họa Charb, Wolinski, Tignous, Cabu thực sự là những anh hùng hy sinh trên mặt trận văn hóa vì tự do và hòa bình của toàn nhân loại. Tinh thần của họ mãi mãi được ca ngợi và thắp sáng. Những người yêu hòa bình và tự do đã ủng hộ Charlie Hebdo. Chính vì thế số báo ra đời sau vụ thảm sát dã man với 5 triệu bản vừa ra buổi sáng đã bán hết. Charlie Hebdo đã vinh dự được công nhận là công dân danh dự của thành phố Paris. Khi được coi là công dân, tức là tờ báo trở nên bất tử. Charb, Cabu, Wolinski, Tignous cùng tờ báo Charlie Hebdo đã trở nên bất tử vì đấu tranh cho Tự do và hòa bình trên toàn thế giới.


(4) Cánh Cò: Bốn mươi năm vẫn chưa đủ lớn
Mấy ngày nay giới showbiz mặc sức trầm tư mặc tưởng vể cái mà họ gọi là tai nạn nghề nghiệp trong các chương trình game show.
VTV đặt câu hỏi cho nghệ sĩ Minh Thư trong chương trình Ai là triệu phú: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống… ai?” với các đáp án “ông hàng xóm”, “bác đầu ngõ”, “cha”…
Chưa hết bàng hoàng thì tới phiên anh hề tuồng Đức Hải với câu hỏi “Cái gì càng chơi càng ra nước?”
Chưa kịp bưng tai bỏ trốn thì vụ hai vợ chồng hát rong bị phát hiện là giả mạo, ăn mày nước mắt của khán giả đã như một cục than cháy rực ném vào đống bùi nhùi bất mãn. Báo chí thi nhau giật đủ loại tít, phỏng vấn đủ hạng người và cuối cùng thì nhân dân cũng…chúi mũi vào TV mỗi đêm.
Chứ bảo họ chúi vào gì bây giờ? Người lớn thì có giường có chiếu, trẻ con thì có bình sữa kề bên chỉ tội nghiệp cho lứa thanh thiếu niên mới lớn, nhất là những gia đình nghèo không biết dựa vào đâu để giải tỏa một ngày học tập. Chỉ còn duy nhất cái TV, trời ạ. Nếu có thở dài thì cũng vậy thôi, người ta khống chế hệ thống tuyên truyền một kênh này vì thế mọi chương trình nó cho xem hay dở cũng cố mà chịu. Không xem ư? Tắt đi, thách đấy.
Một tiếng thách đầy quyền lực, quyền lực đang ngự trị mọi nơi mọi chỗ, ngay cả trên trang web lề trái cũng phải mang nó ra mà vái.
Cũng may không phải ai cũng theo VTV và tình nguyện hiến dâng văn hóa cho bọn vô văn hóa chà đạp. Trên một vài trang Facebook hôm nay một nhóm rất nhỏ chỉ gần chục người tại Nghệ An đưa nhau ra biển với một vòng hoa kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa. Hình ảnh vừa hiếm hoi vừa lạnh lẽo ấy đã làm mình run rẩy, thì ra dù sao vẫn còn những tấm lòng như thế. Họ còn trẻ lắm, họ nghèo lắm và có thể không được học hành tới nơi tới chốn nữa không chừng, nhưng cách mà họ hướng về tổ quốc như một tia lửa nhỏ nhoi trong đêm dài lầm than của đất nước. Vòng hoa ấy xứng đáng được nhìn ngắm và vuốt ve: vòng nguyệt quế của người dân kính viếng những anh hồn liệt sĩ.
Facebook cho tin vui thì cũng để lại nỗi buồn. Nỗi buồn lớn, vừa buồn vừa tuyệt vọng. Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Ngày mà ai được sinh ra sẽ hãnh diện với người chung quanh rằng sinh nhật tôi là sinh nhật của cả nước, khi chiến tranh chấm dứt, lầm than chết chóc không còn. Xương máu của đồng bào chiến sĩ kể như được trả công xứng đáng. Ngày sinh nhật thứ 40.
Một nhạc sĩ (lại giới showbiz!) tương đối nổi tiếng được sinh ra trước cái năm đáng mơ ước ấy hai ngày. Anh là Nguyễn Vĩnh Tiến, một Kiến trúc sư tài năng, hiện là Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty CP Kiến Trúc & Thương Mại Việt-Pháp (T-group). Bài nhạc mà tôi vẫn thích của anh có tên “Bà Tôi” được giải năm 2005 và tôi đinh ninh rằng người nhạc sĩ tài hoa này sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường nghề nghiệp lẫn sáng tác.
Nhưng buồn.
Anh viết trên trang Fcebook của mình: “Cá nhân tôi thấy câu nói:” Tôi là Charlie” là một sự sến sẩm ngu ngốc đỉnh cao của nước Pháp bởi vì nó làm mất thêm ít nhất 10 mạng người và kích động làn sóng bạo lực trên khắp thế giới giờ đã lây lan sang cả phong trào chống Thiên chúa giáo và chống nước Pháp. Tôi là tôi, anh là anh, tại sao phải là Charlie? Tại sao và vì lẽ gì mạng người Pháp lại làm thế giới đồng bóng này xót thương hơn mạng người ở các nước nghèo khổ khác ?... Ban đầu tôi tưởng ai đó trùng tên với anh nhưng khi lần vào tường Facebook thì thấy đúng là anh, người nhạc sĩ mangh tên Nguyễn Vĩnh Tiến được hàng chục ngàn người mến mộ.
Dòng status được gọi là tâm trạng ấy cho thấy một điều, học hành giỏi giang, sáng tác độc đáo, giao thiệp và kinh doanh rộng rãi với nước ngoài, cụ thể là Pháp như anh nhưng không đủ bản lĩnh để viết một câu viết ngắn, để lộ bản chất của một người lớn lên và hưởng trọn mọi may mắn trong bốn mươi năm, nhưng trong sâu thẳm của tư duy anh vẫn không đủ trưởng thành và xứng đáng ngồi ở vị trí mà một nước có văn hóa như Pháp chấp nhận làm đối tác.
Thứ nhất, anh khinh bỉ hơn một triệu con người xuống đường trên tay mỗi người là một tấm bảng “Tôi là Charlie”. Anh nói đó là sự sến sẩm ngu ngốc đỉnh cao của nước Pháp. Anh tự hào khi đứng riêng ở một xó nào đó tại Việt Nam, (hay Toulouse vì trên trang của anh có ghi rõ điều này) chỉ tay vào đám đông tại thủ đô nước Pháp và nói lớn: Chúng mày là một lũ đầy tớ, ăn mày. Chúng mày là ai cơ chứ?
Sến: đầy tớ. Sẩm: ăn mày xe điện Hà Nội khi anh còn chưa mở mắt anh Tiến ạ. Tôi tin anh rất chuyên về ngôn ngữ và tôi cũng tin những điều tôi nghĩ là đúng.
“Tôi là tôi, anh là anh sao lại là Charlie?”
Thưa anh, không những hơn một triệu người Pháp ấy là Charlie mà khắp thế giới còn hàng triệu người khác tự nguyện làm Charlie. Họ không theo đóm ăn tàn, họ tuyên xưng lý tưởng và Charlie chỉ là một biểu tượng. 12 người bị bắn chết không phải để được nổi tiếng mà đó là hành động cuồng sát bắn vào tự do báo chí. Anh có thể không đồng tình với họ nhưng không vì thế mà anh cho phép mình mạ lỵ, mạt sát họ với thứ ngôn ngữ không phải của “Bà tôi” hay “Giọt sương bay lên” trong các ca khúc của anh.
Anh đứng trên đám đông có cả những người đã mất gia đình, người thân và bảo ban họ nên ngừng lại cái trò mà anh cho là ngu xuẩn. Anh mạ lỵ nước Pháp, anh bôi nhọ chính cái doanh nghiệp mà anh đang là chủ tịch Hội đồng quản trị mang tên Việt-Pháp và anh miệt thị chính cái tên của công ty anh. Điều đó phải chăng anh muốn chứng tỏ rằng anh công bằng, anh đứng vể phe nước mắt, về phía 10 người đã làm bia cho bọn cuồng tín. Anh lên án cái đám đông cả triệu người ấy đã làm cho bọn cuồng tín nổi điên.
Thưa anh nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: bản nhạc này không lay động được ai cả. Anh chỉ quen làm nhạc đồng quê, ngay cả đồng quê đương đại, còn việc vén tay áo chửi bới người thành phố không phải là sở trường của anh. Chữ nghĩa trong status này kêu rổn rảng lắm nhưng là thứ chữ nghĩa mất nhân tính. Thứ chữ nghĩa làm dáng và hành vi của kẻ muốn đốt đền.
Không có Charlie vẫn có hàng chục ngàn bọn IS cuồng sát đang gây gió tanh mưa máu trên khắp Iraq, Syria, và nhiều địa phương khác. Không có Charlie Hebdo cũng có hàng ngàn cơ quan báo chí khác trêu chọc bọn hồi giáo quá khích và quan trọng hơn hết không có Charlie thì bọn quá khích ấy vẫn giết người công giáo trên khắp thế giới như thường.
Anh ít đọc báo nên không thấy một biến cố có tầm thế giới như vậy nhưng báo chí Việt Nam xem như không phải chuyện của mình. Tệ hơn cả báo chí, anh khêu ngọn lửa bất mãn trong những người tạm gọi là fan của anh. Nếu có dịp nhìn kỹ lại mình có lẽ anh sẽ thấy anh nguy hiểm hơn VTV nữa anh ạ.
VTV chưa đủ tầm để viết một kịch bản giống như status của anh nên nó đành chấp nhận sự rẻ tiền và khinh miệt âm thầm của khán giả. Còn anh, bốn mươi tuổi, trưởng thành và nổi tiếng trong cái bầu không khí VTV ấy không lẽ anh vẫn chưa đủ lớn để thấy rằng thế giới này bao la lắm đừng vội vỗ ngực cho ta là thiên tài rồi muốn viết gì thì viết. Hay vì là nhạc sĩ anh bị lây cái thể trạng VTV đang cấy sâu sự quá quắt vào người dân cả nước?
Tôi nghĩ anh nợ nước Pháp một lời xin lỗi và việc trước mắt là anh nên đổi cái tên của công ty anh, cái tên mà anh cho là đỉnh cao sến sẩm thì giữ lấy làm gì?

(5) Phọt Phẹt: Sếp Nhật... đúng là thằng dở hơi!
Đang vội nên tôi vượt đèn đỏ và bị công an tuýt còi. Theo bản năng, tôi nhấn ga vọt lên. Công an thấy tôi chạy thì cũng không đuổi theo nữa. Tưởng là xuôi, ai ngờ thằng Nhật ấy chửi tôi, nó nói rằng vượt đèn đỏ và bỏ chạy là phạm luật. Rồi nó bắt tôi quay xe lại chỗ công an nộp phạt đàng hoàng xong mới đi tiếp. Đúng là thằng dở hơi!
Công ty tôi vừa có một tên người Nhật sang làm dự án trong khoảng 3 tháng, và tôi được giao nhiệm vụ lái xe cho hắn. Lâu nay toàn lái xe cho các sếp Việt Nam, giờ lần đầu tiên được lái cho sếp Nhật nên tôi thấy hứng thú lắm! Tôi tức tốc ra vỉa hè mua quyển sách “Tự học tiếng Nhật cấp tốc” về để nghiên cứu. “Mình lái xe cho sếp Nhật thì cũng phải biết vài ba câu giao tiếp tiếng Nhật chứ!”.
Từ khi mua sách về, tôi nghiên cứu và tự học rất miệt mài, gần như không lúc nào tôi rời quyển sách (chỉ trừ lúc ăn cơm, lúc tắm, lúc ngủ, lúc xem tivi, lúc đi chơi và đi làm). Bởi thế, hôm gặp sếp Nhật tôi tự tin lắm, chủ động bắt tay rất thân thiện và chào hỏi "cực kỳ" trôi chảy bằng tiếng Nhật:
– Mi đua ku ra, ta xoa ku mi!
Có vẻ như tên Nhật đó không hiểu tôi nói gì thì phải, hắn lắc đầu ngơ ngác rồi hỏi lại:
– Xoa ku ta chi? Ngu chi cho xoa, xa ku ta ra, xoa ku mi đi!
Tất nhiên là tôi cũng không hiểu hắn nói gì, vậy nên cuối cùng cả hai quyết định sử dụng tiếng Anh, dù rằng trình độ tiếng Anh của tôi và hắn cũng bập bẹ ngang nhau, nhưng may là vẫn đủ để đoán được ý mà đối phương đang muốn diễn đạt.
Một điều khá thú vị đó là tên sếp Nhật này lại nói được vài câu tiếng Việt, không phải “xin chào”, “cảm ơn” – như mấy ông ngoại quốc, mấy chị đại sứ nước ngoài nào đó hay nói bọ bẹ trên tivi đâu, mà là những câu dài hẳn hoi, kiểu như: “Cấm ăn cắp vặt, ăn cắp vặt là phạm tội!”, hoặc “Vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, ăn không hết sẽ bị phạt tiền”, rồi cả “Không được dắt chó vào công viên này, nếu chó ị ra phải tự mang phân chó về”… Tôi nghe tên sếp Nhật ấy nói mấy câu đó thì ngạc nhiên và khen hắn giỏi quá! Nhưng hắn chỉ cười mỉm rồi cất giọng đầy khiêm tốn:
– Giỏi gì đâu! Ở bên Nhật, mấy câu đó viết đầy trong siêu thị, nhà hàng, công viên, nhìn nhiều nên quen, nên nhớ thôi!
Một cảm giác tự hào chợt dâng trào trong lòng tôi nghẹn ngào. Tự hào là phải, bởi lâu nay người ta luôn coi tiếng Anh, tiếng Trung là hai ngôn ngữ phổ biến và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, nhưng bây giờ, tiếng Việt đang trỗi dậy và nhăm nhe lật đổ sự thống trị của hai thứ tiếng ấy. Giờ, đi ra nước ngoài, không chỉ ở Đông Nam Á, Châu Á, mà cả Phi, Mĩ, Úc, Âu, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những dòng chữ tiếng Việt thân thương, dù rằng chúng được viết nguệch ngoạc, sai chính tả, thiếu dấu, thiếu vần, trên những tấm ván, tấm bìa nham nhở, lấm lem, nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ để chúng ta cảm thấy nao lòng.
Ban đầu hào hứng bao nhiêu thì sau đó tôi chán nản bấy nhiêu. Người đời dạy rằng: “Thà có một kẻ thù giỏi còn hơn có một ông chủ dở hơi”, quả là không sai. Trước đây, khi lái cho các sếp cũ thì phải 8 rưỡi, 9 giờ sáng tôi mới phải đánh xe đến đón các sếp, rồi chở sếp qua quán phở ăn sáng, xong uống café, đến công ty cũng đã là gần 10 giờ. Sếp làm việc đến 11 giờ thì lại chở sếp đi ăn trưa, uống bia, 3 giờ chiều đưa sếp quay lại công ty rồi 4 rưỡi đón sếp về, thế là xong. Những lúc sếp ăn uống, nhậu nhẹt thì thường là sếp gọi tôi vào ngồi cùng. Nếu hôm nào sếp tiếp khách sang, không được gọi vào, thì tôi lại ra xe ngả ghế xuống ngủ rất thảnh thơi.
Thế nhưng chỉ sau hai tuần làm lái xe cho thằng sếp Nhật dở hơi, tôi trở nên phờ phạc, rã rời. Đúng 6 rưỡi sáng tôi phải dậy chuẩn bị xe qua đón nó. Theo quy định của công ty thì 7 rưỡi mới là giờ làm việc nhưng chỉ khoảng 7 giờ 15 là nó đã có mặt và chui vào phòng làm việc luôn. Ngày trước đi với các sếp cũ tôi thường xuyên được các sếp cho ăn sáng, ăn trưa, uống bia, gái gú, hát hò, chứ từ ngày lái cho thằng Nhật này tôi toàn phải nhịn đói, vì sáng tôi đến đón nó thì nó đã ăn sáng xong rồi, trưa nó ăn qua quýt ngay tại phòng bằng đồ ăn nhanh rồi lại cắm đầu vào làm việc, tối nào nó cũng ngồi lại công ty đến 7, 8 giờ, vậy nên tôi cũng phải ngồi chờ nó với cái bụng đói meo và khuôn mặt bơ phờ.
Chưa hết, nhiều lần đang đi, nó bắt tôi dừng xe lại, rồi nó mở cửa xe chạy vụt ra. Tôi tưởng nó đi tè nhưng không phải, hóa ra nó nhặt cái vỏ bao cám con cò về để may túi xách.
Đặc biệt có lần tôi chở nó đi công chuyện, vừa đánh lái ra cổng thì tôi quệt ngay vào cái xe đạp cũ nát của ai đó dựng ở mé đường làm chiếc xe đạp đổ kềnh, cái yên xe gẫy gập và văng ra. Tôi đang định phóng đi thì thằng sếp Nhật bắt tôi dừng lại, rồi nó mở cửa phi ra. Nó dựng cái xe đạp lên ngay ngắn, móc ra tờ 500 nghìn rồi kẹp vào tờ giấy, để vào giỏ cái xe đạp, trên tờ giấy nó nhờ tôi viết hộ rằng: “Tôi vô tình làm gãy yên xe của bạn. Hãy cầm tiền này để sửa xe, và hãy tha lỗi cho tôi”.
Hôm sau, cũng đúng lúc đánh lái ra cổng, tôi lại quệt vào cái xe đạp cũ nát đó. Lần này thì cái yên không văng ra nữa mà là cái bàn đạp. Thằng Nhật lại nhảy xuống, dựng xe lên, bỏ 500 nghìn vào giỏ xe rồi để lại mảnh giấy: “Tôi vô tình làm gãy bàn đạp của bạn. Hãy cầm tiền này để sửa xe, và hãy tha lỗi cho tôi”.
Hôm sau nữa, cũng đúng lúc đánh lái ra cổng, tôi lại quệt vào cái xe đạp đó. Lần này thì cái yên và cái bàn đạp không văng ra nữa mà là cái chắn xích. Tuy nhiên, hôm đó không có thằng Nhật đi cùng mà chỉ có mình tôi trên xe, vậy nên tôi phóng thẳng. Đang định nhấn ga lao đi thì từ bên đường, một mụ già lao ra chặn ngay đầu xe tôi, mụ vừa dang hai tay, vừa gào thét:
– Thằng chó! Dừng lại đền tiền sửa xe cho bà đi chứ! Tại sao hôm nay mày lại bỏ chạy?!
Tôi nghe vậy thì mở cửa, thò đầu ra bảo:
– Thôi đi bà ơi! Cái xe của bà bán cho đồng nát chắc được hai chục! Hôm nay có mình tôi thôi, thằng Nhật không đi cùng đâu! Nghỉ sớm đi!
Rồi một lần khác, đang vội nên tôi vượt đèn đỏ và bị công an tuýt còi. Theo bản năng, tôi nhấn ga vọt lên. Công an thấy tôi chạy thì cũng không đuổi theo nữa. Tưởng là xuôi, ai ngờ thằng Nhật ấy chửi tôi, nó nói rằng vượt đèn đỏ và bỏ chạy là phạm luật. Rồi nó bắt tôi quay xe lại chỗ công an nộp phạt đàng hoàng xong mới đi tiếp. Đúng là thằng dở hơi!
Lái xe cho thằng Nhật hâm ấy một thời gian thì tôi đã hiểu được tính cách của nó. Đi đường thấy cái vỏ bao cám con cò nào vứt bên đường thì tôi tự giác dừng lại cho nó xuống nhặt; chẳng may có quệt vào xe cộ hay đồ đạc của ai gây hư hỏng thì tôi cũng tự giác dừng lại để nó xuống trả tiền bồi thường; có lỡ quen chân vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều thì cũng tự giác vòng xe ra chỗ mấy anh công an để nộp phạt.
Hôm ấy, thằng sếp Nhật bảo tôi ra sân bay đón một thằng Nhật khác. Cái thằng Nhật này mặt cứ lầm lì, từ lúc lên xe nó không nói với tôi câu nào. Tôi cũng chả quan tâm mà chỉ tập trung vào lái xe. Tập trung là thế, ấy vậy mà qua ngã tư tôi lại quen chân vượt đèn đỏ, và lại bị công an tuýt còi. Tôi đang giảm tốc độc và cho xe chầm chậm táp vào lề bên phải theo hiệu lệnh của anh công an giao thông thì bất chợt thằng Nhật đó hét lên, và nó hét bằng tiếng Việt:
– Mày dừng lại làm cái gì! Chạy luôn đi! Đường đông thế này công an không đuổi theo đâu!
– Em tưởng anh là người Nhật? – Tôi hỏi hắn bằng giọng thảng thốt!
– Tao là người Nhật, nhưng tao sống ở Việt Nam mấy chục năm rồi! Chạy nhanh lên! (Blog Phọt Phẹt)

(6) Văn Thơ từ Bạn bè:
 (i) Trần Mộng Tú: 
Những Tờ Lịch Cũ
Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ / Mới hay năm tháng đã thay mùa (Thanh Nam)
Khi còn ở quê nhà, mỗi năm tôi đều mua một cuốn lịch để bàn, loại lịch xé mỗi ngày một tờ, không chỉ mua riêng cho tôi mà còn cho tất cả các bàn làm việc trong hãng Thông Tấn AP. Tờ lịch xé ra ghim vào một miếng gỗ có cái cây sắt nhọn để ngay bên cạnh cuốn lịch.
 Hết năm, những ký giả theo truyền thống của Mỹ, thích đứng ở cửa sổ văn phòng, từ từng lầu thứ tư của Building Eden vào đúng ngày 30 cuối năm dương lịch, thi nhau thả những tờ giấy ghi ngày tháng cũ bay như bươm bướm xuống mặt đường. Tôi rất thích truyền thống này. Bao giờ tôi cũng đợi làm người sau cùng thả xuống, để không phải tranh chỗ với ai. Tôi thích nhìn tháng ngày của tôi bay xuống riêng một mình, không lẫn vào tháng ngày của người khác.
Có tờ bay thật là xa, nếu gặp gió có thể bay qua tới rạp Rex bên kia, cách cả hai con đường và cái công viên nhỏ ở giữa; có nhiều tờ vướng lại trên những cành me, của cây me bên dưới cửa sổ; có tờ đáp trên nóc một chiếc taxi đang đậu gần đó, hoặc rơi ngay vào lòng một chiếc xích-lô vừa tấp vào lề; có tờ rơi vào những gánh hàng rong đi ngang hay rơi trên vai một người vừa đi tới, như bướm đậu rất tình cờ. Khi tất cả đã rơi xuống thì mặt đường đầy những tờ lịch trắng bằng lòng bàn tay với những con số in trên đó, đôi khi còn có cả những hàng chữ ghi xuống của các ký giả, của các nhân viên dùng lịch nữa.Thả thời gian đi cũng có nghĩa là thả theo cả công việc của một năm qua.
 Rơi như thế nào, thì từ trên khung cửa sổ cao ngó xuống, tôi đều thấy đẹp vô cùng. Những cánh bướm thời gian đang quay vòng luân vũ. Lúc đó, tôi còn trẻ nên chưa biết tiếc thời gian, chỉ thấy mang mang buồn vui lẫn lộn giữa cái không khí thay đổi của vạn vật trong đất trời.
Tuổi trẻ, nhìn ngày tháng cũ bay bay trong không gian thấy lòng mình lạ lắm. Tiếc ngày qua thì ít, nhưng mong ngày mới đến với tất cả hân hoan. Cuối năm dương lịch, tức là sửa soạn vào Tết âm lịch. Tết với bao nôn nao của tuổi trẻ, tuổi đang yêu đương mơ mộng. Trong thời chiến, biết bao người con gái mong đợi Tết đến, người yêu trong quân ngũ sẽ được nghỉ phép về ăn Tết. Sự trở về đó mang bao nhiêu thương mến!
Một điều gì đó có tên là hạnh phúc đón chờ mình trong những ngày mới đang đi tới.
Những năm tháng đó không bao giờ còn tìm lại được nữa.
Bốn mươi năm đã đi qua. Tôi bây giờ đứng đây, nhớ lại ngày xụp đổ miền Nam vẫn tưởng như một cơn mộng dữ. Trời đất mới vào tháng 3 âm lịch. Nhà nông mới bắt đầu xới đất trồng đậu, trồng cà. Cả một chuỗi ngày tháng xếp đặt cho mọi công việc trước mặt. Người dân miền Nam cần cù như những con ong bắt đầu làm mật.
 Chúng ta tất cả, bỗng nhiên phải đối mặt với định mệnh nghiệp ngã của đất nước. Chúng ta tan tác như chưa từng bao giờ tan tác như thế. Người ở núi chạy xuống đồng bằng, người ở đồng bằng chạy ra biển. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng. Tướng mất quân, quân mất dân. Một cơn đại hồng thủy lửa và máu nhiều hơn nước.
Kim đồng hồ đứng lại. Thời gian ngừng trôi. Hàng ngàn, hàng vạn cái chết tức tưởi không ai ghi rõ ngày giờ.
Tờ lịch ngày thứ Tư, 30 tháng 4 năm 1975 đã đứng lại trong trái tim của tất cả con dân Việt từ Nam Quan cho đến Cà Mau.
Chỉ có sự khác biệt, mỗi người Việt đã giữ lại ngày 30/4 đó trong tim họ như thế nào.
Chắc chắn cái ký ức nạm vàng của kẻ này đã là ký ức máu và nước mắt của người kia. Điều đáng tủi buồn, cả hai người đó cùng là người Việt Nam.
Thế mà, bốn mươi cái Tết đã đi qua rồi đấy!
Trong mấy tháng đầu tiên ở Mỹ, có một lần tôi tìm được ở garage sale một cái đĩa sứ in nguyên năm lịch của năm 1975. Tôi đã mua đem về treo trong nhà và vẫn giữ cho đến bây giờ. Chiếc đĩa này tôi sẽ trao cho con tôi, để mai sau khi tôi không còn nữa, chúng sẽ nhớ ngày, nhớ tháng, nhớ năm, mẹ phải bỏ nước ra đi.
Cuối năm, năm ngoái, khi ghé vào hiệu sách gần nhà, lang thang tìm mua mấy cuốn sách nhi đồng cho cháu, tôi chợt nhìn thấy loại lịch để bàn, xé từng tờ mỗi ngày. Tôi đứng ngẩn người ra ngắm, như ngắm một người bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Tất cả dĩ vãng xa xưa chạy về trong trí óc của một phụ nữ luống tuổi. Tôi ngắm nghía từng cuốn lịch với những đề tài khác nhau. Bối rối không biết nên chọn cho mình cuốn nào, để mỗi lần xé là một lần nhắc về quá khứ.
Tìm mãi chẳng có cuốn nào đúng theo ý mình. Cuối cùng tôi đành chọn một cuốn, mỗi ngày có một câu nói vui, để giúp lòng thanh thản. Mua về để trên bàn viết, ngay sát máy vi tính để nhớ xé. Kiếm sẵn một cái hộp để cạnh cuốn lịch, khi xé tờ nào thì cất ngay vào đó. Hai tháng đầu, tôi nhớ lắm, mỗi ngày xé một tờ, dần dần bận chuyện hàng ngày, cả tuần quên xé. Khi nhìn con số ghi ngày trên lịch và con số ở góc máy vi tính khác nhau, mới vội vàng xé. Đã có lúc tôi quên nguyên một tháng không xé, khi phải xé một nắm dày thời gian trong tay thấy lòng chùng hẳn xuống.
Tôi đã đủ già, để biết tiếc thời gian.
Những tờ lịch mới luôn luôn là một đề tài lôi cuốn trong đời sống. Nên mỗi năm, người ta làm lịch đủ mọi hình thức và mang những nội dung khác nhau, dù cũng chỉ là đếm ngày tính tháng. Bức hình phong cảnh thanh nhã hay hình súc vật hiền lành, hình ca sĩ, tài tử lộng lẫy,v.v…thì cũng vẫn ngày tháng đó. Hình ảnh hấp dẫn tới đâu cũng không kéo tháng dài ra thêm một ngày hay cắt đi ngắn một ngày trong  tuần được.
 Những câu danh ngôn, câu thơ in trên lịch cố níu kéo thời gian trên cánh chim mùa xuân, hay thả thời gian bay như cánh ong mùa hạ cũng chẳng giúp được gì. Tờ lịch thản nhiên làm nhiệm vụ rất nghiêm chỉnh của nó: Rơi từng giọt thời gian mỗi giây, mỗi phút.
Thời gian tự nó trôi đi chứ không phải chờ tờ lịch rơi xuống mới đi theo.
Thi sĩ Thanh Nam, định cư ở Seattle, Washington khi cám cảnh thời gian của người di tản là chính mình, đã viết:
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một tháng Tư.
Cái tháng Tư đứng lại trong tim, trong trí mỗi người Việt di tản chứ không đứng lại trên tờ lịch. Chúng ta đã thay tới cuốn lịch thứ bốn mươi rồi. Bốn mươi năm đó biết bao nhiêu sự việc xảy ra chung quanh đời sống chúng ta. Có ai nhìn xuống cuốn lịch rồi bâng khuâng tự hỏi: Ta đã làm được gì cho mình, cho người, cho quê hương đất nước. Dòng thời gian bốn mươi năm ta xé mỗi ngày, có sót lại chút gì trong lòng bàn tay không?
Sang Mỹ mấy chục năm, tôi quên cái hình ảnh những cánh bướm thời gian thả vào một buổi chiều cuối năm dương lịch, quên cái nôn nao của yêu đương, mơ mộng và đôi khi quên mất tuổi mình.
Cuối năm dương lịch vừa đi qua, tôi mở chiếc hộp thời gian ra, nhặt lên những tờ lịch chính tay mình đã xé, thấy lòng mình chùng xuống. Bây giờ mang nắm thời gian này thả đi đâu? Tôi không ở cao ốc, làm sao mà mở cửa sổ tung xuống đường như những ngày còn ở Sài Gòn. Cái balcony nhà tôi không đủ cao và nếu tôi có vứt xuống thì chính tôi sẽ là người phải đi gom lại, vì sợ thời gian của tôi bay tung khắp nơi, làm phiền hàng xóm. Tôi đành bỏ tất cả vào lại trong hộp, chờ ngày 23 tháng chạp âm lịch, hóa lịch thay cho hóa vàng, tiễn ông Táo về trời.
Tôi đi mua một cuốn lịch để bàn cho năm 2015. Tôi lại bắt đầu xé thời gian mỗi cuối ngày. Tôi hỏi vào không gian trước mặt:
- Tôi còn xé thời gian như thế này của bao nhiêu cuốn lịch nữa?
Không gian im lặng.
Tôi biết rằng nếu tôi có hỏi một ai đó, cũng sẽ không ai trả lời cho câu hỏi của tôi rõ rệt được. Họ chỉ phỏng đoán và phần đông đều đoán sai.
Tôi xé thời gian ra từng mảnh
sao vẫn còn nguyên tháng Tư buồn
tôi hóa thời gian theo vàng mã
tàn tro bám chặt ở trong hồn (tmt)
Đã bao nhiêu tờ lịch rơi xuống, bay đi trong bốn mươi năm, nhưng tờ lịch ngày 30 tháng Tư thì hình như không rơi xuống, không bay đi được, nó nằm chôn sâu trong lòng những người miền Nam và thời gian dừng lại ở đó…..ở đó. Thời gian không có tác động gì với những trái tim người di tản. (tmt - Tết Ất Mùi - 2015)
 
(ii) Hồ Chí Bửu: Ta nín thinh
Ai bảo ta buồn nên lá khóc
Rụng vào góc tối cuối hàng hiên
Ai bảo ta buồn trong cô độc
Rượu chảy vào ly- túi rổng tiền
          Giang hồ- ta chẳng là hảo hán
          Hào sảng bằng thơ cũng tức cười
          Ngoảnh lại tầm tay dăm thằng bạn
          Thằng nào cũng ngơ ngác – ma trơi
Nhiều lúc chửi thề cho sướng miệng
Chửi luôn mình chẳng biết nâng bi
Tại ta ngu không thèm lòn cúi
Quậy lắm bùn nhơ chẳng ích gì ?
          Thì thôi- cứ làm thơ tán gái
          Tán tới tán lui một chút tình
          Yêu em vì bởi ta khờ dại;
          Mai mốt lấy chồng. Ta nín thinh…
Đã thấy thèm
Có phải bây giờ em nhớ ta ?
Chút gì phiêu hốt của ngày qua
Chút gì lãng đãng như sương khói
Một chút tình thôi đủ mặn mà
          Có phải bây giờ ta nhớ em ?
          Nhớ như con nít nhớ cà rem
          Nhớ như xoài tượng thèm muối ớt
          Mới nhắc mà nghe – đã thấy thèm… (hcb - 06.01.15)

(iii) Trần Trung Tá: 
Bài Thơ làm hồi tháng Chạp

Nhiều khi nhớ quá bạn bè
Tôi đem võng mắc sau hè ngó trăng
Trăng coi như bạn rất gần
Êm ru gió thoảng lưng chừng trăng bay…
          Nhiều khi nhớ quá rừng cây
          Tôi vươn vai thở như ngày hành quân
          Lính xanh màu lá của rừng
          Tôi thương tôi lạ, chưa từng thương hơn!
Nhiều khi vong quốc tủi hờn
Ánh trăng chải mượt nỗi buồn của tôi
Nhớ từng giọt lệ Mẹ rơi
Tôi, tay phủi áo, Má thôi ở nhà…
          Nhiều khi bất chợt mưa sa
          Tôi đưa tay hứng rồi òa khóc ngon
          Tay tôi mười ngón vẫn còn
          Súng gươm tôi bỏ chắc mòn thời gian?
Nhiều khi viết chữ Việt Nam
Rồng bay phượng múa, tôi làm nghệ nhân
Chỉ trăng ngó thấy là mừng
Và tôi cúi mặt bảo lòng thôi đau…
***
          Tôi đi bể mấy chuyến tàu
          Cuối cùng thì cũng tắp vào bến mơ
          Nhiều khi tôi có làm thơ
          Thấy tôi, nước mắt xanh mờ đại dương…         

..........................................................................................................................................................
Kính,

Ts Nguyễn Nam Sơn

Không có nhận xét nào: