Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Sau Trận Chiến - Phan Hạnh

 "Soulagement après la bataille" (Cứu trợ sau trận chiến), tranh sơn dầu của hoạ sĩ người Pháp Jean-Louis-Ernest Meissonier (1815 – 1891)
 
 Après la bataille
Mon père, ce héros au sourire si doux,
Suivi d'un seul housard qu'il aimait entre tous
Pour sa grande bravoure et pour sa haute taille,
Parcourait à cheval, le soir d'une bataille,
Le champ couvert de morts sur qui tombait la nuit.
Il lui sembla dans l'ombre entendre un faible bruit.
C'était un Espagnol de l'armée en déroute
Qui se traînait sanglant sur le bord de la route,
Râlant, brisé, livide, et mort plus qu'à moitié.
Et qui disait: "A boire! à boire par pitié!"
Mon père, ému, tendit à son housard fidèle
Une gourde de rhum qui pendait à sa selle,
Et dit: "Tiens, donne à boire à ce pauvre blessé."
Tout à coup, au moment où le housard baissé
Se penchait vers lui, l'homme, une espèce de maure,
Saisit un pistolet qu'il étreignait encore,
Et vise au front mon père en criant: "Caramba!"
Le coup passa si près que le chapeau tomba
Et que le cheval fit un écart en arrière.
"Donne-lui tout de même à boire", dit mon père.
Victor Hugo
 
Sau Trận Chiến
Thân phụ tôi, người anh hùng dũng cảm
Tính hiền hòa nhân ái rộng tình thương
Một chiều kia đi thị sát chiến trường
Cùng theo ông, người tùy viên thân thiết.
Sau trận đánh còn ngổn ngang xác chết
Bãi chiến trường ảm đạm sắp vào đêm
Chợt cha nghe văng vẳng có tiếng rên
Của tên địch Tây Ban Nha sóng sượt
Nằm bên đường chờ tử thần đến rước
Miệng thều thào: "Xin miếng nước... trời ơi!"
Cha tôi ghìm cương ngựa đến nơi
Bi-đông rượu rót ra đầy một nắp.
Đưa tùy viên cho thương binh uống nhấp
Bất thần khi người cận vệ đến bên
Tên thương binh địch bỗng ngửng lên
Mắng "Quân khốn!" nhắm cha tôi  mà bắn.
Một viên đạn xém bay vèo trước trán
Mũ cha tôi văng xuống rớt bên đường
Ngựa giật mình, cha ghìm giữ dây cương,
Vẫn bình tĩnh và thản nhiên ra lịnh:
"Không sao đâu! Cứ đưa cho hắn uống!"
Thanh Vân.
 
Après la bataille (Sau Trận Chiến) là một bài thơ nổi tiếng của văn hào Pháp Victor Hugo (1802 -1885), một bài thơ đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ bởi nhiều người. Riêng Việt ngữ và Anh ngữ thôi cũng có nhiều phiên bản, trong số đó bản dịch của Thanh Vân ở trên, theo ý kiến của riêng tôi, vừa sát thực với nội dung của nguyên bản nhất, vừa mang chất thơ rất tự nhiên.
 
Lý do Après la bataille được nhiều người biết cũng dễ hiểu vì đây là bài thơ có trong sách giáo khoa, trong chương trình giảng dạy sinh ngữ Pháp. Hơn nữa, Victor Hugo là bậc văn hào, được mệnh danh là tiểu thuyết gia của đại chúng dân giả qua tác phẩm Les Misérables nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới từ thế kỷ 19 đến nay. Bằng chứng là cho đến ngày nay, các vở nhạc kịch và phim ảnh mô phỏng theo tác phẩm này vẫn lôi cuốn khách thưởng ngoạn. Chúng ta cũng không quên nhà văn Hồ Biểu Chánh đã phóng tácNgọc Cỏ Gió Đùa một cách tài tình từ Les Misérables. Một đại tác phẩm khác nổi tiếng trên thế giới của ông là Notre-Dame de Paris với nhân vật người kéo chuông gù lưng Quasimodo.
 
Qua bài thơ Aprè la bataille, Victor Hugo kể một mẫu chuyện nho nhỏ về cha của ông, một võ tướng. Mẫu chuyện nho nhỏ này có kết thúc bất ngờ khiến người đọc suy nghĩ và cảm phục lòng hào hiệp của một người lính đối với kẻ thù.
 
Victor Hugo có cha là một quân nhân thường xuyên di chuyển đơn vị phục vụ, Victor Hugo có dịp quan sát các sinh hoạt quân ngũ và đem lòng yêu thích những hình ảnh hào hùng. Qua bài thơ Mon Enfance (Tuổi Thơ Tôi) và trong vài bài thơ khác, Victor Hugo có nhắc và kể về những kỷ niệm tuổi thơ gần gũi với đời sống quân ngũ, với trận mạc:
 
Từ lúc sơ sinh, tôi từng được đặt nằm trên trống trận, được tắm nước thánh đựng bằng nón sắt, một người lính đứng che mát cho tôi, dùng một mảnh biểu ngữ cũ lót chiếc nôi.
Tôi từng trải qua tuổi thơ trong hoàn cảnh chiến tranh, theo cha sống giữa súng đạn sáng ngời, trên xe ngựa kéo trọng pháo đầy bụi bậm, ngủ chập chờn trong lều bạt qua đêm.
Tôi yêu mến con chiến mã tung bờm dài phóng vó phi nhanh khi kỵ binh thúc gót giày vào hông nó.
Tôi yêu những đội kỵ binh sấm sét với toán cạnh sườn hùng dũng, yêu hình ảnh vị chỉ huy của đoàn binh rút gươm ra hiệu tiến quân, dáng người kỵ binh trên lưng chiến mã đứng canh phòng giữa khoảng trống cô đơn, những đoàn binh từ chiến trường trở về qua phố thị, những thiệt hại thương vong biểu hiện qua giải biểu ngữ rách tả tơi. Tôi ngưỡng mộ người lính khinh kỵ thần tốc, ngực thêu vàng huy hiệu của chiến công.
Tâm hồn tôi bồn chồn từng mơ ước phải chi tôi chọn sống đời chiến binh thay vì làm thi sĩ. Xin đừng ngạc nhiên về lý do tại sao tôi yêu những người chiến sĩ. Tôi từng đau xót khóc thầm cho họ.
Tôi thấy nấm mồ của họ bên cội tùng còn đẹp hơn vòng nguyệt quế trên đầu chúng ta. Dòng máu nóng trẻ trung của bao kẻ quanh tôi đã đổ xuống trào chảy trên quân phục oai nghi.
Tôi thấy những hình ảnh chiến tranh rùng rợn trên bãi chiến trường giữa đồng lởn vởn vang lên muôn tiếng kêu thét của người và ngựa; hai bên vươn nanh vuốt hùng hổ xáp vào nhau bắn giết. Tôi nghe rõ ràng tiếng kèn đồng trỗi lệnh xung phong tha thiết, tiếng đạn bay ríu rít và những xác người nằm chết ngổn ngang…
 
Có thể câu chuyện được Vitor Hugo nghe cha kể hay qua một người thứ ba, như viên sĩ quan cận vệ, tùy viên của cha ông. Khó có thể đó là một chuyện thêu dệt nhằm ca tụng cha mình. Tôi không tin một người như Victor Hugo lại làm điều đó. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là một cậu bé chững chạc, biểu lộ tư chất thông minh và nhân cách; cha ông xác nhận.
 
Năm 1807, cha của Victor Hugo -đại tá Joseph Léopold Sigisbert Hugo- 33 tuổi, viên sĩ quan trẻ từng được coi là cánh tay mặt của Napoleon Đệ Nhất, được hoàng đế cử làm thống đốc cai quản đất nước Tây Ban Nha mà đạo quân đế quốc Pháp vừa đánh chiếm được. Một ngày nọ, từ dinh thự lộng lẫy ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, đại tá viết thư thăm mẹ ở quê nhà miền Bourgogne (Burgundy) nước Pháp. Vị sĩ quan hãnh diện kể cho mẹ nghe về 3 đứa con trai của ông. Cậu cả Abel 9 tuổi cao lớn hơn bạn đồng lứa và ăn nói rất hòa nhã lịch sự. Cậu giữa Eugène 7 tuổi đẹp trai nhất trong 3 anh em, tính tình lại điềm đạm và chuyên cần học tập. Cậu út Victor 5 tuổi tỏ ra là một đứa bé có ý chí, chu đáo, có chủ đích hẳn hòi, ít nói, chững chạc khác thường. Victor cùng hai người anh sau đó theo học trường Collège des Nobles danh giá nhất ở Madrid vài năm, xong theo mẹ về Paris. Năm 13 tuổi, Victor đã bộc lộ tham vọng lớn lao khi  viết trong nhật ký là "Tôi muốn hoặc sẽ trở nên nổi tiếng như Chateaubriand, hoặc không là ai cả". 
 
Như chúng ta đã biết, Chateaubriand (1768 - 1848) là nhà văn được coi là người sáng lập ra trào lưu lãng mạn trong văn học Pháp vào cuối thế kỷ 18 và cũng đã ông cũng đã từng lê gót phong sương trên đất nước Tây Ban Nha quyến rũ. Năm Victor Hugo 13 tuổi (1815) và nuôi mộng lớn thì Chateaubriand đã viết nhiều tác phẩm như Atala, René, Les Martyrs (Những kẻ tuẫn đạo), Le Génie du Christianisme (Tinh anh của đạo cơ đốc), v. v. Ông còn nổi tiếng về sự điêu luyện tài hoa trong ngôn ngữ văn xuôi, thể hiện những đề tài đặc thù của chủ nghĩa lãng mạn như tôn giáo, tình yêu, phong vị hải ngoại lạ lẫm (exotique), cái tôi và sự cô đơn.
 
Giấc mộng trở nên nhà văn lớn của ông đã trở thành sự thật và mãi mãi chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp và thế giới.
 
Phan Hạnh 30-1-2015.
PH-HCA
__._,_.___

Không có nhận xét nào: