Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Ngày Chủ Nhật ở Tân Định và Đa Kao

image
Tôi gửi xe ở nhà sách Tân Định và bắt đầu khởi hành từ Cầu Kiệu như trong bài viết. Trời lúc này bắt đầu mưa lất phất nhưng cũng đủ ướt áo. Tôi đứng nép vào mái hiên trên vỉa hè để nhẩm lại những cửa hiệu đầu tiên mà tác giả nhắc tới.
Đoạn từ cầu Kiệu đến ngã ba Trần Quang Khải không dài lắm, tôi đứng yên đảo mắt 2 dãy phố thì xác định ngay những cái tên nào xuất hiện trong bài viết, Nhà thuốc bắc Cam Hàng Bạc là cửa hiệu duy nhất còn tồn tại ở đoạn này.
Mưa đã ngớt. Tôi băng qua ngã ba rẽ vào đường Trần Quang Khải, tấp vào con đường nhỏ bên trái, đường mang tên là Nguyễn Văn Nguyễn. Con đường này tuy nhỏ nhưng tôi gặp một lần là nhớ luôn vì tên của nó khá đặc biệt. Trời lại mưa, tôi trú vào mái hiên, không quên hỏi những bác lớn tuổi đứng gần đó về những cái tên được nhắc trong bài viết: trường Văn Lang, cư xá Kiến Ốc Cục Tân Định, trường Việt Nam Học Đường …
Nhưng tất cả đều nhận được những cái lắc đầu. Chỉ có chùa Vạn Thọ vẫn còn. Tôi không ngạc nhiên lắm vì các chùa, nhà thờ, đình, miếu … khả năng còn nguyên trạng là khá cao vì không ai dám đập bỏ những nơi linh thiêng cả.
Vì đoạn Trần Quang Khải tới từ Nguyễn Văn Nguyễn tới Trần Nhật Duật không có cửa hiệu nào cả nên tôi không trở ra đường Trần Quang Khải mà đi tiếp dọc đường Đặng Dung rồi ra mới ra Trần Nhật Duật.
Nơi tôi tìm đến đầu tiên là ngôi nhà số 10, đó là trường Huỳnh Thị Ngà (hình), ngôi trường tư thục mang tên người phụ nữ giỏi giang sáng lập nên. Đây là ngôi trường khá nổi tiếng khắp vùng Tân Định, nơi người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng từng theo học thuở nhỏ. Trước khi đi thực tế thì tôi cứ đinh ninh là ngôi trường này hiện giờ vẫn còn như những ngôi trường xưa ở Sài Gòn mà tôi đã thấy, cùng lắm là không còn giữ được tên cũ. Nhưng tôi đã lầm, tòa nhà này vẫn còn nhưng giờ nó đã chuyển thành trụ sở một công ty. Hơi buồn vì tâm huyết giáo dục của bà Huỳnh Thị Ngà đã không còn được thế hệ sau tiếp nối nữa.
image
Theo như miêu tả thì xéo với trường về phía đường Đặng Dung là nhà của giáo sư khiêu vũ. Tôi hỏi thử người nhà sát với trường Huỳnh Thị Ngà, có 1 cô đã sống tại đây lâu năm nhưng vẫn không biết ngôi nhà đó của 1 giáo sư khiêu vũ. Tôi cũng lấy làm lạ là nếu là hàng xóm lâu năm phải biết nhà đó của ai chứ. Có lẽ tác giả đã nhớ lầm.
Băng qua Trần Quang Khải để đi tiếp về hướng bà Lê Chân, tôi gặp Đình Phú Hòa vẫn nguyên hiện trạng cũ ở ngay góc ngã tư, tuy nhiên quán cơm tấm của vợ chồng con trai nghệ sĩ Bảy Nhiêu thì không còn nữa. Đi tiếp đường Bà Lê Chân để vào trong chợ, phát hiện ra Bảo sanh viện Đông Hà giờ là Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 1. Đi tiếp ra đường Hai Bà Trưng sẽ là Y Viện Tân Định khi xưa. Tôi không cần đi cũng biết nó là gì vì dạo còn học đại học tôi hay ngồi ở cafe Trung Nguyên góc Hai Bà Trưng với Trần Quốc Toản, ngó qua bên kia đường là Bệnh Viện Quận 1, chính là Y Viện Tân Định khi xưa. Tôi đi ngược lại về phía Trần Quang Khải để tiếp tục cuộc hành trình. Bên phải là nhà in Bùi Văn Tạ, giờ là cơ sở cung cấp thịt Phú An Sinh. Một số cái tên nữa được tác giả nhắc đến ở cùng dãy nhà này thì không cái nào còn hết.
image
Lúc này mưa lại bắt đầu lớn hơn, thật ra không lớn lắm nhưng cũng đủ làm ướt áo. Tôi đứng nép vào mái hiên của đình Phú Hòa để trú mưa, sẵn kiểm tra lộ trình mình sẽ đi tiếp theo. Đi nãy giờ thì tôi mới cảm nhận được độ phức tạp của lộ trình vì do các con đường đan chéo nhau nên phải vòng tới vòng lui rất mất thời gian.
Sài Gòn chợt mưa chợt nắng, mỗi đợt lại cách nhau 5 phút, làm cho chuyến đi cũng đậm chất “Sài Gòn”.
Đoạn Trần Quang Khải từ Trần Nhật Duật đến ngã 5 cũng không dài, tôi đứng một chỗ trên lề cũng có thể lướt mắt qua hết được các bảng hiệu 2 bên dãy phố. Không có cái tên quen thuộc nào còn tồn tại cả. Và dĩ nhiên tôi cũng không thể xác định được những cửa hàng khi xưa là những ngôi nhà nào bây giờ vì chúng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên tôi vẫn ấn tượng được những kiến trúc nhà dân sự thời VNCH, chúng vẫn có những nét riêng khác với những ngôi nhà thời Pháp hoặc kiến trúc sau 75.
Rảo bước nhanh đến ngã 5 với hy vọng có thể tìm được vài cái tên quen thuộc ở khu dân cư sầm uất ở khu vực này. Ngay đầu đường Nguyễn Phi Khanh theo như miêu tả là nhà của ông vua dầu hỏa Nguyễn Ngọc Phương. Hiện tại như tôi thấy thì có tới 2 căn nhà khá to, 1 nằm ở góc Nguyễn Phi Khanh với Trần Quang Khải, cái kia với Nguyễn Hữu Cầu, mà hiện tại là quán Hoàng Ty.
Quẹo qua phía Nguyễn Phi Khanh, tôi đi tiếp thì gặp ngã ba đầu tiên là đường Huyền Quang. Ngay đầu đường là đình Sơn Trà, hình như đang có tu bổ gì đó trong đình. Tôi quẹo qua đường Huyền Quang để đi tiếp như theo hướng dẫn, mặc dù biết rằng ngược với lộ trình – vì lát phải quay lại để đi tiếp đường Nguyễn Phi Khanh – nhưng không còn cách nào khác. Đi hết đường Huyền Quang sẽ gặp đường Thạch Thị Thanh, theo bài viết thì ở đây có 1 cái chả cá Lã Vọng nhưng bây giờ cũng không còn nữa.
image
Tôi ngược lại đường Huyền Quang để ra đường Nguyễn Phi Khanh, để rồi đi tiếp đến ngã ba với Lý Văn Phức. Các đường ở khu vực này nếu bạn nhìn vào bản đồ thì sẽ thấy chúng đan xéo nhau không theo một trật tự nào hết.
Đường Lý Văn Phức chỉ là một đoạn đường nhỏ nối từ Nguyễn Phi Khanh đến Võ Thị Sáu. Khúc ngã ba này tập trung khá nhiều quán cà phê, nhà hàng ăn uống. Ai mà ngờ được trước đây nó là 1 depot rác khá lớn, các xe rác ở khu quận I đều tập trung về đây. Phía đầu đường Lý Văn Phức tôi còn thấy trụ sở của một công ty vệ sinh. Có thể có sự liên quan giữa công ty vệ sinh này và depot rác tại đây và cũng rất có thể chỗ này trước 75 cũng là một công ty có chức năng tương tự.
Đi tiếp đến cuối đường là cà phê Thái Chi. Trước khi bắt đầu hành trình khoảng 1 tháng thì tôi đã ghé quán Thái Chi . Quán bây giờ chỉ còn bán buổi sáng, và do những người cháu của bà Thái Chi trông coi. Nếu bạn là người yêu cà phê và Sài Gòn xưa, đây là một địa chỉ mà bạn không nên bỏ qua. Ra đến đường Võ Thị Sáu, là một giao lộ sầm uất, chính vì vậy mà trong bài nhắc đến khá nhiều cửa hàng, quán xá.
image
Nhưng cái tên duy nhất mà tôi có thể thấy là rạp chiếu bóng Casino Đakao là còn tồn tại, nhưng nó sau này cũng đã bị chuyển tên thành rạp Cầu Bông, và giờ cũng đã thành chỗ vui chơi giải trí chứ không còn là rạp chiếu phim nữa. Thạch chè Hiển Khánh khi thành lập cũng tại vị trí gần rạp Casino Đakao này nhưng từ năm 60 đã chuyển về đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu ngày nay). Quán Hiển Khánh ở quận 3 hiện tại vẫn còn. Trước đó 2 tháng, chúng tôi cũng đã có dịp ghé thưởng thức thạch chè danh tiếng và được cô chủ quán vui vẻ tiếp chuyện và cho biết nhiều thông tin ngày xưa.
Theo như lộ trình mà tác giả miêu tả thì tôi phải quay ngược đường Nguyễn Phi Khanh để rẽ phải tiếp tục đi cho hết phần đường Trần Quang Khải. Nhưng để thuận tiện, tôi quyết định đi ngược lại theo hướng từ Cầu Bông.
Địa điểm đầu tiên mà tôi để ý là quán cơm Dân Thiên ở ngay góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Trần Quang Khải. Số là tôi có nhiều lần dừng đèn đỏ ở đây nên có nhớ quán này, nên khi đọc bài viết về Tân Định Đakao thì tôi xác định ngay vị trí của quán. Tiếc thay, giờ khi đi thực tế thì quán đã vừa sang cho chủ khác và không còn là quán cơm nữa. Vậy là tôi không có cơ hội được thưởng thức món cơm chiên Dương Châu mà tác giả kể trong bài viết :(
Đi tiếp sẽ gặp 2 cái đình là Minh Sư Đạo Quang Nam Phật Đường và Đình Nam Chơn. Có lẽ không cần đi thì cũng biết 2 nơi này vẫn còn, vì ngày xưa tôi từng học võ trong sân đình Nam Chơn nên nhớ khá rõ khu này.
image
Hết đoạn phía lề bên phải đường Trần Quang Khải. Từ Trần Nhật Duật đến hẻm Vạn Chài không còn cửa hiệu nào còn. Ngay cả đình Công Thành Ban mà tôi nghĩ vẫn còn thì khi hỏi không có người dân nào biết. Có lẽ nó đã bị chuyển thành tên khác rồi chăng?
Hẻm xóm Vạn Chài này tôi thường đi ngang nhưng vẫn nghĩ nó là con đường chứ không phải con hẻm vì lộ giới khá rộng. Đi tiếp thì bên phải gặp một ngôi trường tư thục, mà theo miêu tả thì tôi đây là trường Văn Hiến do thầy Phan Ngô làm hiệu trưởng. Đi tiếp là cầu Hoàng Hoa Thám, tôi đứng giữa cầu nhìn xuống con kênh đen ngòm. Mặc dù khoảng cách khá gần với cầu Bông nhưng vì khuất đoạn uống cong nên đứng từ đây cũng không tài nào thấy được cây cầu. Cầu này có lẽ mới xây thời gian sau này vì theo miêu tả, ngày xưa khi lính bắt quân dịch thì thanh niên thường trốn vào hẻm xóm Vạn Chài, khi bị phát hiện thì họ lặn qua bên sông để qua phía Gia Định. Vì vậy, nếu có cây cầu này thì họ đã không cần phải bơi cực khổ như thế
Qua khỏi hẻm xóm Vạn Chài đi tiếp trên đường Trần Quang Khải, ta gặp ngay rạp hát Văn Hoa nổi tiếng khu Đakao. Rạp cách đây vài năm tôi còn nhớ đã chuyển thành cafe Cát Đằng, chỉ để lại 1 diện tích nhỏ để chiếu phim và vẫn giữ tên là Văn Hoa. Hiện nay thì toàn bộ diện tích của rạp xưa kia đã bị đập bỏ và dùng làm nơi rửa xe, không biết sau này sẽ là cái gì mọc lên ở vị trí đắc địa này đây.
Từ rạp Văn Hoa cho đến hết đường Trần Quang Khải còn rất nhiều cửa hiệu buôn bán, nhưng tôi không còn thấy cái tên nào còn lưu lại cả.
Nhưng mà nỗi buồn kéo dài … không lâu. Khi quẹo trái về hướng Cầu Bông khi đến ngã tư với Đinh Tiên Hoàng, tôi mừng như bắt được vàng vì có đến 3 cửa hiệu vẫn còn. Đầu tiên là tiệm bán vịt quay ở ngay góc ngã tư, nhưng ngặt nỗi giờ ở đây có đến 2 tiệm bán, chắc chắn là có 1 tiệm bán gốc trước 75, và 1 tiệm ăn theo sau này, tôi ngó thử lên bảng hiệu thì không thấy tiệm nào có để năm thành lập. Cả 2 tiệm đều bán rất đắt nên tôi không tiện hỏi thăm, chắc hôm nào lấy cớ mua thịt vịt sẽ hỏi thêm :-s
Đối diện qua phía bên kia đường là 2 cái tên được nhắc đến trong bài. Tiệm may áo dài Thanh Châu vẫn còn, tuy nhiên tiệm giày Đông Hưng kế bên dù giữ tên cũ nhưng thiết kế khá hiện đại, không biết có phải giữ nguyên chủ cũ hay không, hay chỉ là tận dụng thương hiệu nổi tiếng lâu năm sẵn có.
image
Đi tiếp về hướng Nguyễn Huy Tự để đến chợ Đakao. Đúng như tác giả miêu tả, đoạn đường này khá ngắn và không có gì đặc biệt trên đường này còn lưu lại.
Hết đường Nguyễn Huy Tự sẽ gặp ngã tư, mà điểm đặc biệt của ngã tư này là điểm giao của 4 đường khác nhau. Quẹo trái ta sẽ gặp đường Bùi Hữu Nghĩa, đi 1 chút sẽ gặp 1 cây cầu bê tông, mà theo như tác giả nói thì trước kia là cầu sắt. Đi tiếp qua ngã tư là Phạm Đăng Hưng (nay là Mai Thị Lựu). Chỉ còn ngôi chùa người Hoa. Vẫn không khác so với trong bài kể, chùa có 1 cái hồ nằm giữa sân nuôi rất nhiều rùa và chim.
image
Nếu từ ngã tư trên quẹo phải sẽ gặp đường Nguyễn Văn Giai, đi hết Nguyễn Văn Giai thì lại gặp Đinh Tiên Hoàng. Ngay góc Đinh Tiên Hoàng và Huỳnh Khương Ninh hiện là 2 quán bánh cuốn Tây Hồ của 2 cô con bà Trần Thị Cà. Quán nguyên là nằm trong đường Trương Hán Siêu trong chợ Đakao nhưng sau dời ra vị trí này.
Nếu đi ngược chiều đường Đinh Tiên Hoàng bên phải sẽ gặp 1 chung cư, đây là vị trí của rạp Asam Đakao trước đây. Rạp thuộc sở hữu của người Ấn Độ và bị đập vào thập niên 60 để làm chung cư.
image
Đi tiếp trên đường Huỳnh Khương Ninh thì gặp trường Huỳnh Khương Ninh ở phía cuối đường ở góc với đường Phan Liêm, ngôi trường vẫn giữ nguyên tên như trước năm 1975. Đường Phan Liêm nằm dọc phía cuối nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (mà giờ đổi tên là công viên Lê Thị Riêng). Đoạn Đinh Tiên Hoàng giữa Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) có 2 nhà hàng và 2 quán cafe nổi tiếng nhưng hiện nay thì không địa điểm nào còn tồn tại, thật đáng tiếc.
Còn lại 1 số vị trí vẫn còn tồn tại như Kính Tiên góc Đinh Công Tráng và Hai Bà Trưng. Tên vẫn như xưa nhưng cách trang trí khá mới, nên tôi không biết là có phải chủ cũ hay là tận dụng thương hiệu lâu năm. Ngoài ra, trường Thiên Phước ngày xưa giờ đã đổi thành trường trung học Hai Bà Trưng. Kiến trúc bên trong vẫn còn giữ nguyên từ thời Pháp thuộc.
image
Thế là xong nguyên buổi sáng rong ruổi khu vực dân cư đông đúc của quận 1, Saigon. Khá buồn là những cửa hiệu xưa chỉ còn khoảng 20%. Có lẽ hôm nào tôi còn quay lại khu này nữa

 Một Thoáng Đa Kao

Ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Trần Quang Khải vào buổi sáng..

Ngày Trước, tiệm Mắt Kính Đa Kao là tiệm ăn của người Việt gốc Hoa Hoa tên Dân Thiên. 

- Quẹo phải sẽ găp Casino Đa Kao, Chè Hiễn Khánh, tiêm  may Cao Minh, Cà phê Bà Chi, Hớt tóc Đơ, Đền Thờ Đức Trần Hưng Dạo..

- Quẹo trái thì gặp Cầu Bông - Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt - Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt...

- Bên kia đường là chợ Đa Kao - Cầu Sắt ( đi hướng về chợ Bà Chiểu) ,chùa Ngọc Hoàng ( Phước Hải Tự), Viện Nhu Đạo Quang Trung (cũ)...

tđp
 

Không có nhận xét nào: