Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

Ngày 18 Tháng 4 Năm 2025, Trong Dịp Tưởng Niệm 50 Quốc Hận! California Đầu Tiên Trong Lịch Sử, Có Xa Lộ Mang Tên Little Saigon! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


Chào Mừng Ngày Lịch Sử, 18 Tháng 4 Năm 2025, Của Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản Hải Ngoại. California Đầu Tiên, Có Xa Lộ Mang Tên Little Saigon!
<!>

Thư Mời Buổi Tiệc Mừng Và Gây Quỹ Thân Mật

Kính gởi:
- Quý thân hào nhân sĩ
- Quý Hội Đoàn,Đoàn Thể Người Việt Quốc Gia Tị Nạn CS
- Quý cơ quan Truyền Thông Báo Chí
- Quý Thanh Niên Sinh viên , Hậu duệ VNCH

Kính thưa quý vị,
Nhằm gìn giữ căn cước tỵ nạn CS và sự hiện diện của Cộng Đồng Người Việt trên đất nước Hoa Kỳ, Dân biểu Tiểu Bang Cali Tạ Đức Trí đã đệ trình dự luật AB 2698 đặt tên 1 đoạn xa lộ dẫn vào Little Sài Gòn trên Freeway 405 là Little Sài Gòn Freeway và cũng được Cộng Đồng Việt Mỹ miền Bắc Cali đệ trình thỉnh nguyện Thư tới Thượng Nghị Sĩ Dave Cortese, đặc trách Trưởng Ban giao thông của California và cũng là nhân chứng của Dự Luật AB 2698. Kết quả đã được Tiểu Bang Cali chuẩn thuận. Ngoài ra, DB Trí đã tranh đấu để có Bảng tên và sẽ khánh thành trước ngày Đại Lễ Tưởng Niệm 50 năm Tháng Tư Đen, Do đó, bảng tên sẽ được gắn vào ngày 18/4/2025 tới đây.
- Vì kinh phí công tác này, không nằm trong ngân sách của Tiểu Bang, mà do Cộng Đồng Người Việt đóng góp, do đó Cộng Đồng Bắc Cali hưởng ứng sự kêu gọi của DB Trí sẽ tổ chức 1 buổi vừa ăn mừng, vừa gây quỹ

Địa điểm: Bloom USA-3233 De La Cruz #D Santa Clara, CA 95054
Thời gian: Từ 11:00 Am đến 15:00 Pm. Ngày Thứ Bảy 5/4/2025

Vì muốn bảo trì tên “Little SaiGon” cho thế hệ mai sau và mãi mãi, chúng tôi mong quý vị góp một bàn tay trong công tác này;
Kính mời quý vị tham dự buổi gây quỹ này hoặc giúp đỡ. Sự hiện của Quý vị là 1 vinh dự cho Ban Tổ Chức:
a/ Xin Ủng Hộ $40.00 mỗi người tham dự
b/ Giúp đỡ viết Check, xin đề “Quảng Trị Victory Foundation”, phần memo: Donation Freeway 405, Gửi về 9141 Bolsa Ave Suite 303, Wesminster, CA 92683.

Trân Trọng Kính mời,
San Jose, Ngày 22 tháng 3 năm 2025
Trưởng Ban Tổ Chức:
KQ Lê Văn Hải

Cố Vấn: Triệu Hà 408-646-8752
Các thành viên trong tổ chức:
Huỳnh Lương Thiện 415-720-5247
Đặng Long 408-886-0178
Nghệ Lữ 408-677-1482
Văn Nghệ: Cô Sơn Loan 408-605-831


Tháng Tư Đen, chúng ta ra đi, mang theo Quê Hương. 50 năm sau, Sài Gòn vẫn không chết! Lần đầu tiên trong lịch sử, của Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn, ngày 18 tháng 4/2025 tới đây, California sẽ có một đoạn xa lộ mang tên Little Saigon!


-Dự Luật AB 2698, đặt tên một phần xa lộ 405 thuộc thành phố Westminster là “Little Saigon Freeway,” do Dân Biểu Trí Tạ (Cộng Hòa-Địa Hạt 70) đề nghị, đã được Thống Đốc Gavin Newsom của California, ký ban hành hôm Thứ Tư, 25 Tháng Chín, theo thông cáo báo chí của vị dân cử gốc Việt này, đưa ra hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.
“Hôm nay, chúng ta đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại. Việc đặt tên ‘Little Saigon Freeway’ có mục đích gìn giữ căn cước tị nạn, ghi nhận sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và đồng thời đem lại sự phồn thịnh cho khu vực Little Saigon. Tôi gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của lưỡng viện, các vị dân cử, tổ chức, hội đoàn, và đồng hương khắp California, nhất là đồng hương Bắc Cali, đã viết thư cũng như tham dự điều trần để giúp dự luật này được thông qua,” Dân Biểu Trí Tạ được trích lời cho biết.

Riêng miền Bắc Cali đã góp công rất lớn. Cộng Đồng Việt Mỹ miền Bắc Cali, đã đệ trình ngay thỉnh nguyện thư tới TNS Dave Cortese- đặc trách Trưởng Ban Giao Thông của tiểu bang California và cũng là nhân chứng tham dự đông đào, cổ động cho Dự Luật AB 2698. Kết quả đã được Tiểu Bang Cali chuẩn thuận vẻ vang!
Lần đầu tiên, tên Sài Gòn vào lịch sử tiểu bang Cali: Bảng đường trên xa lộ 405, Westminster, chỉ lối vào Little Saigon. Đoạn xa lộ này sẽ được đổi tên thành “Little Saigon Freeway!” vào ngày 18 tháng 4 năm 2025 tới đây!
Đây là lần đầu tiên tiểu bang California có một đoạn xa lộ được mang tên Little Saigon, biểu tượng của tập thể người Việt tị nạn cộng sản
Năm 1988, với sự tranh đấu của cộng đồng, danh xưng Little Saigon được Thống Đốc Cali George Deukmejian công nhận. Kể từ đó, một số bảng có hàng chữ “Little Saigon Exit” được gắn trên hai xa lộ 405 và 22 để hướng dẫn mọi người vào khu vực có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại. Nay thì một đoạn xa lộ có tên Sài Gòn!

Văn phòng Dân Biểu Trí Tạ cho biết sẽ làm việc với cơ quan Caltrans để việc gắn bảng “Little Saigon Freeway” được thực hiện vào dịp tường niệm 50 năm Tháng Tư Đen! 1975 Sài Gòn mất tên, 50 năm sau, tên Sài Gòn có mặt khắp nơi trên thế giới!
Để đánh đấu ngày dựng bảng tên lịch sử, trong dịp Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen 2025. Kính mời Quý Đồng Hương Bắc Cali, tham dự buổi sinh hoạt mừng và gây quỹ thân mật:
-Địa điểm: Bloom USA-3233 De La Cruz #D Santa Clara, CA 95054
-Thời gian: Từ 11:00 Am đến 15:00 Pm ngày thứ bảy 5/4/2025


Với sự hiện diện của Dân Biểu Tạ Đức Trí.


Tiến Trình Yểm Trợ Của Cộng Đồng Người Việt Bắc Cali và Các Dân Cử Vận Động Cho Dự Luật “LITTLE SAIGON FREEWAY!” Để Có Sự Thành Công Mỹ Mãn!
(Nguyễn Quốc Lân)


-Các dân cử gốc Việt đã cùng ký tên vào một văn thư với Thị Trưởng Westminster Charlie Chí Nguyễn gởi đến các thượng nghị sĩ tiểu bang nhằm vận động cho Dự Luật AB 2698 nhằm đổi tên một đoạn xa lộ trên I-405 sang Little Saigon Freeway. Dự luật AB 2698 đã được đưa ra điều trần trước Ủy Ban Giao Thông Thượng Viện vào ngày thứ ba, 25 tháng 6. Văn thư được gởi đến các thượng nghị sĩ từ Quận Cam như TNS Janet Nguyễn, Dave Min, Tom Umberg và cả TNS Dave Cortese, từ San Jose, hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Giao Thông Thượng Viện Tiểu Bang. Hai TNS Dave Min và Tom Umberg đã hỗ trợ mạnh mẽ dự luật này và là đồng tác giả cùng với Dân Biểu Tạ Đức Trí tại Hạ Viện Tiểu Bang.
Bức thư chung đã nêu ra ý nghĩa đặc biệt của việc đặt tên xa lộ Little Saigon Freeway và qua đó được hỗ trợ mạnh mẽ từ mọi thành phần trong cộng đồng Việt Nam trên toàn California.

Dự luật AB 2698 đã được thông qua Hạ Viện với số phiếu tuyệt đối! Lá thư chung còn nói rõ, “không có lý do chính đáng hay động cơ chính trị nào để không hỗ trợ dự luật này, mang tính vinh danh sự đa văn hóa phong phú của tiểu bang chúng ta.”
Trong buổi điều trần vào ngày 25 tháng 6, cộng đồng Việt Nam tại San Jose đã có một phái đoàn đi xe bus và nhiều xe van cá nhân, đến tận Sacramento, để tham dự buổi điều trần và vận động cho dự luật, và cuối cùng chiến thắng vẻ vang!
Trong thời gian qua, cộng đồng Việt Nam tại San Jose cũng đã tích cực vận động TNS Dave Cortese, hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Giao Thông Thượng Việt và là một vị dân cử đã có nhiều quan hệ thân tình, người bạn gắn bó với cộng đồng Việt Nam tại miền Bắc California trong nhiều năm qua.
Cùng với Thị Trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí, bức thư chung còn được cùng ký tên bởi Luật Sư Văn Thái Trần, Cựu Dân Biểu Tiểu Bang và Phó Chủ Tịch Đặc Khu Thủy Cục Quận Cam; NV Kimberly Hồ, Phó Thị Trưởng Thành Phố Westminster; NV Nam Quan Nguyễn, Nghị Viên Thành Phố Westminster; Luật Sư Lân Quốc Nguyễn, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove; Luật Sư Dina L. Nguyễn, Ủy Viên Giáo Dục, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove; Giám Đốc Mark Nguyễn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Đốc, Đặc Khu Môi Trường và Vệ Sinh Midway; Giám Đốc Andrew Nguyễn, Giám Đốc, Đặc Khu Môi Trường và Vệ Sinh Midway; Giám Đốc Tyler Diep, Giám Đốc, Đặc Khu Môi Trường và Vệ Sinh Midway; Ủy Viên Daisy Tống, Phó Chủ Tịch, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Đại Học Cộng Đồng Rancho Santiago; và Ủy Viên Khanh Nguyễn, Ủy Viên Giáo Dục, Thư Ký, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster. Chính những đoàn kết tranh đấu, mới có kết quả lịch sử này!
Để đánh đấu ngày dựng bảng tên lịch sử, trong dịp Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen 2025. Kính mời Quý Đồng Hương Bắc Cali, tham dự thật đông buổi sinh hoạt mừng và gây quỹ thân mật:
-Địa điểm: Bloom USA-3233 De La Cruz #D Santa Clara, CA 95054
-Thời gian: Từ 11:00 Am đến 15:00 Pm ngày thứ bảy 5/4/2025
Với sự hiện diện của Dân Biểu Tạ Đức Trí.


Tin Quốc Tế Đó Đây
Điện Đàm Trump-Zelensky: Tổng Thống Mỹ Đề Nghị "Sở Hữu" Các Nhà Máy Điện của Ukraine


(Hình AFP / Handout - Nicholas Kamm - Ảnh ghép: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đã có cuộc điện đàm với đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky, ngày 19/3/2025.)
-Tổng thống Mỹ và Ukraine đã có cuộc điện đàm hôm 19/3/2025, một ngày sau cuộc đối thoại rất được chờ đợi giữa lãnh đạo Nga và Mỹ. Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh Tổng thống Zelensky "cảm ơn" Donald Trump về những nỗ lực chấm dứt chiến tranh. Tổng thống Hoa Kỳ đánh giá ông đã có một cuộc "trao đổi tốt đẹp" với đồng cấp Ukraine và đề nghị để cho Mỹ "sở hữu" các nhà máy điện của Ukraine, "cách tốt nhất để Mỹ yểm trợ" Kyiv.
Tuy nhiên, về phần Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, đôi bên chỉ bàn về nhà máy điện nguyên tử đang bị Nga chiếm đóng tại Zaporijia, chứ không phải toàn bộ các nhà máy điện của Ukraine.
Nhìn chung, cả Kyiv lẫn Hoa Thịnh Ðốn cùng đánh giá cao cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa các ông Donald Trump và Volodymyr Zelensky từ sau cuộc đấu khẩu gay gắt tại Tòa Bạch Ốc hôm 28/02/2025. Theo thông cáo chính thức của Mỹ, Kyiv yêu cầu được "cung cấp các hệ thống phòng không và Tổng thống Trump đồng ý nghiên cứu các khả năng" để đáp ứng đề xuất này. Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc lưu ý Hoa Kỳ "tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv trong mục tiêu giúp Ukraine tự vệ".

Trở lại với thỏa thuận ngưng tấn công trong 30 ngày vào các cơ sở năng lượng, mà lãnh đạo Nga, Mỹ đã nhất trí sau cuộc điện đàm hôm 18/3, Tổng thống Ukraine xem đây là "một trong những bước đầu tiên để chấm dứt chiến tranh", nhưng Ukraine muốn đưa thêm vào danh sách này nhiều cơ sở hạ tầng dân sự khác, theo tường trình của thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Kyiv:
"Đây là một cuộc đối thoại mang lại nhiều kết quả nhất" cho đến nay. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đánh giá như trên về cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tổng thống Ukraine cũng đã đưa ra thêm một số chi tiết về thể thức để thực hiện lệnh ngừng bắn một phần.

Kyiv sẽ trao cho phía Mỹ một danh sách các cơ sở năng lượng và dân sự cần được bảo vệ. Ngoài các nhà máy điện còn các cơ sở hạ tầng đường sắt và hải cảng của Ukraine. Mặc dù không đi sâu vào chi tiết về mặt kỹ thuật trong việc thực thi lệnh ngưng bắn, Tổng thống Volodymyr Zelensky tỏ ra lạc quan và cho là đã không bị Tổng thống Hoa Kỳ thúc ép. Lời lẽ này nhằm xua tan những nghi vấn về một số những điều kiện mà Nga muốn áp đặt với Ukraine, chẳng hạn như đòi Kyiv nhượng một phần lãnh thổ, điều mà đến nay Volodymyr Zelensky dứt khoát bác bỏ.
Cũng sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, ông Zelensky thông báo Ukraine vừa nhận được nhiều chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Điều này cho thấy các cuộc trao đổi giữa Ukraine và các đối tác Âu Châu vẫn tiếp tục. Cuộc họp báo đã bị gián đoạn khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi điện cho ông Zelensky. Tổng thống Ukraine cho biết ông vẫn trao đổi với Tổng thống Macron hàng ngày".


Chiến Tranh Ukraine: Tổng Tham Mưu Trưởng 30 Nước Họp Tại Anh Quốc


(Hình AFP - Wojtek Radwanski: Các quốc gia thành viên NATO tập trận tại Nowogrod, Ba Lan, ngày 19/5/2022.)
-Bất chấp tuyên bố của Nga không chấp nhận sự hiện diện của quân đội các nước trong Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại Ukraine trong tương lai, cuộc họp các Tổng tham mưu trưởng Quân đội của Anh và của nhiều nước Âu Châu thành viên NATO và đồng minh, hôm 20/3/2025, vẫn diễn ra tại Luân Đôn.
Mục tiêu là nhằm thảo luận một kế hoạch bảo đảm an ninh và hòa bình cho Ukraine trong tương lai trong trường hợp có Thỏa thuận Ngừng bắn với Nga. Thông tín viên Nguyễn Giang của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật từ thủ đô Luân Đôn của Anh Quốc:
"Hôm 20/3, tại Luân Đôn, các Tổng tham mưu trưởng Quân đội Anh và của gần 30 nước nữa ở Âu Châu sẽ họp bàn mọi khía cạnh thực tiễn của một kế hoạch khai triển quân sang Ukraine. Phủ Thủ tướng Anh nói Luân Đôn "chào đón sự đóng góp ở các mức độ khác nhau từ các đồng minh, từ việc cho mượn phi trường, bãi đáp cho phi cơ quân sự, tới hỗ trợ về hậu cần, kỹ thuật, thậm chí cung cấp nhà ở tạm cho quân lính những nước ở xa gửi tới giúp Ukraine".

Anh và các nước Âu Châu đang tự mình tiếp tục xây dựng một liên minh tình nguyện giúp Ukraine gìn giữ an ninh nếu Hoa Kỳ, Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận ngưng bắn 30 ngày. Nhưng khi mà Nga chống lại và Mỹ không ủng hộ thì Anh sẽ vẫn cứ xây dựng một liên minh quân sự cùng Liên Hiệp Âu Châu (EU) về an ninh, quốc phòng thông qua việc ủng hộ Ukraine.
Trước khi đón bà Kaja Kallas, lãnh đạo ngành ngoại giao EU sang thăm vào thứ Ba (18/3), một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói việc Nga phản đối Anh và đồng minh đưa quân sang Ukraine là vô lý vì Nga có hỏi ý kiến ai đâu khi mời Bắc Hàn gửi quân tới tham chiến chống Ukraine.
Mặt khác, như nhà báo Martin Kettle viết sáng nay 20/3 ở Luân Đôn thì Âu Châu "không cần Trump để mà lập ra một liên minh Phương Tây (Western alliance)" vì "một liên minh như thế đang hình thành rồi".
Các báo Anh cũng trích dẫn một số thông tin từ Hoa Kỳ, như Thượng Nghị sĩ Mỹ Mike Lee ủng hộ lời kêu gọi của tỉ phú Elon Musk rằng Hoa Kỳ "nên rút khỏi NATO". Trong tình hình như thế này, việc Anh dẫn đầu các nước Âu Châu kiến tạo ít nhất là một liên minh lâm thời để tự gánh vác vấn đề an ninh Âu Châu khi mà Hoa Kỳ rút đi là chuyện có lý lẽ riêng của nó, tuy chưa ai biết "trên thực tế Anh có đủ lực để làm chuyện đó hay không".


Ủy Ban Âu Châu Đề Xuất Bạch thư Quốc Phòng Nhằm Chấm Dứt Sự Lệ Thuộc Quân Sự Vào Mỹ


(Hình AP - Omar Havana: Thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu về quốc phòng, 20/3/2025, tại Brussels.)
-Hôm 20/3/2025, tại thủ đô Brussels của Bỉ diễn ra thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu về quốc phòng.
Một hôm trước thượng đỉnh, Ủy Ban Âu Châu đã đề xuất một Bạch thư Quốc phòng, hướng tới kế hoạch tái vũ trang Âu Châu từ nay đến năm 2030, để đối phó với mối đe dọa quân sự của Nga và nguy cơ Mỹ rút khỏi NATO. Lãnh đạo ngoại giao Âu Châu xem đây là "một thời điểm then chốt với an ninh Âu Châu". Từ Brussels, thông tín viên Pierre Benazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Bạch thư này xác nhận với các nước Âu Châu sự chấm dứt bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ, đã được lên kế hoạch, điều mà lãnh đạo ngoại giao Âu Châu Kaja Kallas hôm qua đã mô tả một cách hoa mỹ là một "sự thay đổi" trật tự thế giới được thiết lập từ năm 1945.

Ủy Ban Âu Châu đề xuất nhiều hướng đi, với mục tiêu bảo đảm Liên Hiệp Âu Châu đến năm 2030 sẵn sàng bù đắp cho năng lực của từng nước. Từ hệ thống phòng không và chống phi đạn, hệ thống Pháo binh và đạn dược cho đến drone và chiến tranh điện tử, Ủy Ban Âu Châu đã liệt kê mọi lĩnh vực mà Liên Hiệp Âu Châu phải đi tự chủ để thay thế các năng lực mà một số nước hoàn toàn lệ thuộc vào Hoa Kỳ, ví dụ thiết bị phóng cho hàng không mẫu hạm, vận tải chiến thuật hàng không và tiếp nhiên liệu trên không.
Ủy Ban Âu Châu muốn tạo ra một thị trường duy nhất về quốc phòng để ngành công nghiệp Âu Châu có thể đáp ứng mọi đơn đặt hàng. Ủy Ban đề nghị 27 nước thành viên nâng mức chi tiêu quốc phòng để đến năm 2030 đạt 800 tỉ Euro, thông qua các khoản vay trực tiếp và với sự linh hoạt về ngân sách để các khoản chi tiêu quân sự này không bị ràng buộc bởi các quy định giới hạn thâm hụt ngân sách".


Quốc Phòng Âu Châu: 5 Năm Để Tự Chủ Quốc Phòng, Thời Gian Ngắn Cho Một Hành Trình Dài


(Hình REUTERS - Yves Herman: Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas (trái) và Ủy viên Quốc Phòng Âu Châu Andrius Kubilius tại thượng đỉnh EU bàn về an ninh quốc phòng, Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 19/3/2025.)
-Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc với quan điểm hoàn toàn khác biệt về quan hệ đồng minh rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không còn mãi mãi có mặt để bảo vệ an ninh cho Âu Châu, đã tạo ra một làn sóng hoang mang thực sự trong 27 nước Liên Hiệp Âu Châu (EU), nhất là khi khối này muộn màng nhận thấy sự yếu kém của mình trước mối đe dọa từ Nga. Âu Châu đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện nền quốc phòng của mình.
Từ đó trở đi, Âu Châu rơi vào vòng xoáy của các sáng kiến ngoại giao để thảo luận, tìm hướng đi mới cho mối quan hệ đồng minh. An ninh quốc phòng bất ngờ trở thành nỗi ám ảnh của các nước Liên Hiệp Âu Châu. Từ Paris đến Luân Đôn, qua Brussels, các hoạt động ngoại giao trở nên náo động hơn nhiều kể từ khi Tòa Bạch Ốc chìa tay với Ðiện Cẩm Linh. Một loạt các cuộc họp đã diễn ra giữa các nhóm nhỏ các nước bên trong và bên ngoài EU. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, tại Âu Châu đã diễn ra tới 3 cuộc họp thượng đỉnh, nhìn chung đều cùng có một mối quan tâm giống nhau là an ninh quốc phòng.

Vào thứ Năm, ngày 20 tháng 3, mọi sự chú ý lại đổ dồn vào cuộc họp thượng đỉnh Hội Đồng Âu Châu tại Brussels, một lần nữa nhằm thảo luận tìm kiếm hướng giải quyết bài toán quốc phòng cho 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu với chương trình "tái vũ trang" trong 5 năm đồng thời tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Để tăng cường khả năng quốc phòng từ nay đến năm 2030 Liên Hiệp Âu Châu đã đưa ra một kế hoạch tái vũ trang Âu Châu với nguồn tiền lên tới 800 tỉ Euro, tăng tốc đầu tư vào công nghiệp quốc phòng. Các biện pháp để đạt mục tiêu đó cũng đã được kết luận rõ ràng như nới lỏng các quy định ngân sách, cắt giảm bớt một số chuẩn mực để tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Mặc dù có sự thức tỉnh chiến lược trên toàn châu lục, nhưng khi chuyển sang hành động, Âu Châu trở lại lối mòn của sự chia rẽ. Ngoài trường hợp Hung Gia Lợi của Thủ tướng Viktor Orban, luôn tỏ quan điểm đồng điệu với cả Donald Trump và Vladimir Putin, thì giữa các nhóm nước trong Liên Hiệp Âu Châu vẫn còn nhiều sự khác biệt về chủ trương đi vay để tăng cường năng lực quốc phòng. Đức và Hòa Lan vẫn kiên quyết phản đối ý tưởng về một khoản vay chung lớn, dành cho phát triển quốc phòng như EU đã làm trong khủng hoảng đại dịch Covid-19. Ý tưởng này được ủng hộ từ các nước như Pháp, Ba Lan, các nước vùng Baltic, Hay Lạp và thậm chí cả Đan Mạch và Phần Lan, những nước vốn chủ trương tiết kiệm chi tiêu ngân sách.

Năm năm để hoàn thiện tái vũ trang, bảo đảm tự chủ quốc phòng là một khoảng thời gian quá ngắn cho một mục tiêu xa, trong bối cảnh các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu đều có vấn đề về tài chánh. Giải pháp là tìm kiếm mối hợp tác mới từ bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu.
EU mong muốn hợp tác với các nước thứ ba như Na Uy, Nhật Bản hay Nam Hàn và có thể ký các thỏa thuận với Gia Nã Ðại và Vương quốc Anh. Mục đích là để Âu Châu tự chủ về mặt quân sự và hạn chế sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ, quốc gia hiện đang cung cấp hơn 60% thiết bị quân sự mà quân đội Âu Châu sử dụng.
Việc Anh xích lại gần Âu Châu là một trong những hệ quả đáng chú ý nhất của sự suy giảm cam kết từ Mỹ. Trong khi những nỗ lực "cài đặt lại quan hệ" sau Brexit vẫn gặp khó khăn, những hiềm khích cũ giữa Luân Đôn và một số thủ đô Âu Châu vẫn thi thoảng nổi lên. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã trở thành một nhân vật trung tâm trong nỗ lực của Âu Châu nhằm giữ Hoa Thịnh Ðốn ở lại trong hồ sơ Ukraine, cũng như tích cực tham gia trực tiếp giải quyết vấn đề an ninh châu lục. "Với Anh, mọi thứ thực sự đã sang trang, chúng ta đã bước vào một tầm mức khác", Camille Grand, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu nhận xét và c coi đây là một bước ngoặt.
Tại nước Đức, đầu tầu kinh tế của Âu Châu, Thủ tướng tương lai Merz đã nhận được sự chấp thuận của Quốc hội cho một kế hoạch nợ khổng lồ. Ông trình bày đây là bước đầu tiên hướng tới việc thành lập một "cộng đồng quốc phòng Âu Châu mới", mở cửa cho các quốc gia "ngoài EU", chẳng hạn như Vương quốc Anh. Theo ông, Đức hiện đã sẵn sàng đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ Âu Châu. Những gì đang diễn ra cho thấy "hiệu ứng Trump" đang làm biến đổi Âu Châu như thế nào.


Greenpeace Phải Bồi Thường Hơn 665 Triệu Mỹ Kim Cho Một Công Ty Dầu Khí Hoa Kỳ


(Ảnh AP - Aurelien Morissard, tư liệu: Các thành viên của Greenpeace trước cuộc đàm phán về Hiệp ước Nhựa toàn cầu tại Paris, thủ đô của Pháp, ngày 27/5/2023.)
-Hôm 19/3/2025, một tòa án ở Bắc Dakota (Hoa Kỳ) ra phán quyết là tổ chức phi chính phủ Hòa Bình Xanh (Greenpeace) đã phạm tội vu khống một công ty dầu khí Hoa Kỳ và phải bồi thường cho công ty này hơn 665 triệu Mỹ kim.
Greenpeace đã giữ vai trò then chốt trong phong trào biểu tình của bộ tộc bản địa Standing Rock Sioux và nhiều tổ chức sinh thái hồi năm 2016-2017 chống lại dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Dakota Access Pipeline.
Dự án sau đó đã được khởi động lại trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất của Donald Trump. Nhưng công ty xây dựng Energy Transfer và hiện đang là nhà vận hành đường ống dẫn dầu đã yêu cầu Greenpeace bồi thường thiệt hại. Tổng cộng, cả tiền bồi thường và lãi lên tới hơn 665 triệu Mỹ kim. Greenpeace xem phán quyết của tòa đe dọa quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình, đồng thời cho biết sẽ kháng án. Từ Atlanta, thông tín viên Edward Maille của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Ngay cả trước khi phiên tòa bắt đầu, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã lên án chiến thuật của công ty dầu khí dùng tòa án để chống lại các cuộc biểu tình, nói cách khác là dùng vụ kiện nhằm trấn áp. Đối với bà Sushma Raman, Giám đốc tạm quyền của Greenpeace Mỹ, phán quyết của tòa sẽ để lại hậu quả cho tương lai của các cuộc biểu tình ôn hòa. Bà nói: "Đối với những người tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tập hợp, ai cũng sẽ lo ngại. Phán quyết này có thể khiến các cuộc biểu tình ôn hòa không thể diễn ra nữa".

Ba thực thể của Greenpeace đã bị kết án, gồm tổ chức Greenpeace quốc tế, tổ chức Greenpeace Fund chuyên trách tài chánh và Greenpeace Mỹ. Greenpeace chi nhánh Mỹ đã thông báo từ trước là họ có nguy cơ phá sản ở Hoa Kỳ. Nhưng đối với Giám đốc Sushma Raman, hiện còn quá sớm để biết điều đó có xảy ra không. Bà cho biết thêm: "Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi sẽ kháng án và tiếp tục nỗ lực để bảo đảm công lý về môi trường và khí hậu, cũng như để buộc các đại tập đoàn dầu khí phải chịu trách nhiệm".
Phán quyết được đưa ra bởi một bồi thẩm đoàn nhân dân, gồm các công dân địa phương, mà hơn một nửa có quan hệ cá nhân với các công ty năng lượng hóa thạch, vốn là một lĩnh vực chiếm vị thế áp đảo trong nền kinh tế của địa phương".


Tổng Thống Mỹ Donald Trump Ký Sắc lệnh Xóa Bỏ Bộ Giáo Dục


(Hình REUTERS - Nathan Howard: Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Sắc lệnh xóa bỏ Bộ Giáo dục tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 20/3/2025.)
-Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời hứa trong cuộc vận động tranh cử. Ngày 20/3/2025, ông ký Sắc lệnh "loại bỏ" Bộ Giáo dục tại phòng khách của Tòa Bạch Ốc, được biến thành lớp học với nhiều khách mời là trẻ em.
Bộ Giáo dục cấp liên bang được thành lập từ năm 1979. Quyết định xóa bộ này được phe siêu bảo thủ hoan nghênh do muốn biến trường học thành chiến trường chống lại những tư tưởng cấp tiến. Thông tín viên Loubna Anaki của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại New York tường trình:
"Chúng ta sẽ nhanh chóng đóng cửa bộ này". Tổng thống Donald Trump hoan hỉ tuyên bố khi ký Sắc lệnh biến mong muốn của ông thành hiện thực khi xóa bỏ Bộ Giáo dục. Ông khẳng định "đây là một ngày lịch sử".

Để biện minh cho quyết định, Tổng thống Mỹ chỉ trích trình độ giáo dục yếu kém trên cả nước và muốn trao lại quyền cho các tiểu bang về vấn đề này. Ông nói: "Chúng tôi sẽ trả lại quyền kiểm soát cho các tiểu bang. Một biện pháp rất được lòng dân, nhưng trên hết đây là biện pháp hợp lý ! Việc này có lẽ chỉ tốn một nửa chi phí nhưng lại được hưởng nền giáo dục tốt hơn rất rất nhiều !"
Trên thực tế, các tiểu bang đã kiểm soát việc chọn môn học và giảng dạy như thế nào. Bộ Giáo dục chỉ phụ trách những chương trình dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật và quản lý khoản nợ khổng lồ của sinh viên. Và điều quan trọng nhất là Bộ Giáo dục do Quốc hội thành lập, cho nên chỉ có Quốc hội lưỡng viện mới có thể đóng cửa.

Nhưng điều mà Tổng thống Mỹ đang cố gắng làm là cắt giảm quỹ lương càng nhiều càng tốt, cũng như các dịch vụ do bộ này phụ trách. Biện pháp này đã được thi hành, vì trong những tuần gần đây số lượng nhân viên đã giảm hơn một nửa.
Sắc lệnh được ký ngày 20/3 đã bị một số dân biểu của đảng Dân Chủ và các công đoàn giáo viên chỉ trích mạnh mẽ. Họ lên án một "màn kịch chính trị".
Theo AFP, Bộ Giáo dục không thể bị xóa bỏ hoàn toàn nếu không có được 60 phiếu thuận ở Thượng Viện, trong khi đảng Cộng hòa hiện chỉ chiếm 53 ghế.


TIN VẮN TỔNG HỢP


(AFP) - Không chiến tiếp diễn giữa Nga và Ukraine. Trong đêm 19 rạng sáng 20/3/2025, Nga đã phóng 171 drone vào Ukraine, trong đó 75 chiếc đã bị bắn chặn, theo thông cáo của Không quân Ukraine. Về phía Nga, thông cáo của Bộ Quốc phòng hôm 20/3 nêu rõ đã bắn hạ 132 drone của Ukraine phóng vào lãnh thổ Nga. Đợt không kích này của Ukraine đã làm hai người bị thương và gây ra hỏa hoạn tại một căn cứ Không quân Nga.
(AFP) - Quốc phòng: Bộ Tài chánh Pháp họp với giới đầu tư và công nghiệp. Hôm 20/3/2025, Bộ Tài chánh họp với các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc phòng nhằm tìm kiếm các giải pháp tốt nhất để các nhà đầu tư có thể tài trợ cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng trong khuôn khổ nỗ lực quốc gia, theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 5/3. Việc Mỹ thay đổi lập trường và mối đe dọa Nga buộc Pháp phải tăng tốc tái vũ trang. Cơ sở Công nghiệp và Kỹ thuật Quốc phòng Pháp (BITD) gồm có 9 tập đoàn như hãng hàng không Dassault Aviation, Safran, Thales hay Airbus cũng như khoảng 4.000 các công ty vừa và nhỏ, trong số này có khoảng 1.000 là mang tính chiến lược.
(AP) - Gia Nã Ðại đàm phán với Liên Hiệp Âu Châu (EU) để giảm phụ thuộc quốc phòng Mỹ. Hôm 19/3/2025, một viên chức cao cấp của chính phủ Gia Nã Ðại cho biết Ottawa đang thảo luận với Liên Hiệp Âu Châu để tham gia vào các nỗ lực của EU nhằm phá vỡ sự phụ thuộc về an ninh vào Hoa Kỳ. Ngoài việc mua thêm thiết bị quốc phòng, Ottawa có kế hoạch hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu tại Gia Nã Ðại như đề xuất của hãng Saab của Thụy Điển. Hôm 18/3, Thủ tướng Carney, khi đến thăm vùng Bắc Gia Nã Ðại, đã thông báo hợp đồng mua ra-đa của Úc Ðại Lợi trị giá 4,2 tỉ Mỹ kim.

(AFP) - Phòng thủ EU: Ðiện Cẩm Linh lên án "kế hoạch quân sự hóa" của Liên Hiệp Âu Châu. Hôm 20/3/2025, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, ông Dmitri Peskov tố cáo Liên Hiệp Âu Châu (EU) có kế hoạch "quân sự hóa" khu vực. Phát biểu này được đưa ra vào lúc Liên Hiệp Âu Châu khởi động quá trình tái vũ trang nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga và nguy cơ Hoa Kỳ rút cam kết.
(AFP) - Một công dân Pháp "con tin" của Iran được tự do. Sau 29 tháng trong ngục tù ở thủ đô Teheran với tội danh "làm gián điệp", Olivier Grondeau (34 tuổi) được trả về với gia đình. Trong thông cáo ngày 20/3/2028, Tổng thống Emmanuel Macron loan báo Olivier Grondeau đã trở về Pháp từ hôm đầu tuần. Olivier Grondeau bị bắt tháng 10/2022 trong một chuyến du lịch tại Shiraz, miền Nam Iran. Paris tiếp tục vận động Teheran thả thêm 2 công dân Pháp vẫn còn bị giam tại Iran.
(AFP) - Cam Bốt: Căn cứ Hải quân Ream, được trùng tu với sự tài trợ của Trung Quốc, sẽ khánh thành vào ngày 2/4/2025. Tướng Thong Solimo thông báo như trên. Ông Vong Pisen, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Khmer (RCAF), cũng đã báo tin cho các Tùy viên Quân sự Nhật Bản tại một cuộc họp hôm 18/3. Một tàu quân sự của Nhật Bản sẽ là tàu đầu tiên được cập cảng Ream sau lễ khánh thành. Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Khmer khẳng định là Hải quân của các nước khác cũng có quyền ghé căn cứ Ream. Căn cứ này nằm cách thành phố Sihanoukville khoảng 30 cây số, ban đầu được xây dựng nhờ tài trợ của Mỹ. Việc Cam Bốt để Trung Quốc tham gia trùng tu căn cứ khiến Hoa Thịnh Ðốn lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh được sử dụng căn cứ Ream, gây bất lợi cho Mỹ trong khu vực. Nhưng giới lãnh đạo Cam Bốt luôn khẳng định không để bất cứ nước nào sử dụng căn cứ Ream.

(AFP) - Vụ tử hình công dân Gia Nã Ðại: Bắc Kinh khẳng định hành xử "phù hợp với luật pháp" để "chống tội phạm ma túy". Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra hôm 20/3/2025 liên quan đến vụ hành quyết hồi tuần trước 4 công dân Gia Nã Ðại bị kết án tử hình vì buôn lậu ma túy. Hôm 19/3, Ngoại trưởng Gia Nã Ðại Mélanie Joly thông báo về vụ hành quyết và lên án việc Trung Quốc tử hình công dân Gia Nã Ðại. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, nói rằng "chống tội phạm liên quan đến chất gây nghiện là trách nhiệm chung của mọi quốc gia" và Trung Quốc đối xử bình đẳng với công dân các nước, không phân biệt quốc tịch. Bà Mao Ninh yêu cầu Gia Nã Ðại tôn trọng nhà nước pháp quyền của Trung Quốc, ngừng can dự vào quyền tự quyết về Tư pháp của Trung Quốc.
(Reuters) - Mã Lai Á bật đèn xanh cho cuộc tìm kiếm mới xác máy bay MH370. Ngày 19/3/2025, Bộ trưởng Giao thông Mã Lai Á cho biết đã cấp phép cho doanh nghiệp thám hiểm đại dương Ocean Infinity mở lại các cuộc tìm kiếm xác máy bay MH370 của hãng hàng không Mã Lai Á Airlines. Chiếc Boeing 777, số hiệu MH370, chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã mất tích trên đường đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh năm 2014. Sự việc trở thành một trong số những bí ẩn lớn nhất của hàng không thế giới. Quyết định này cho phép mở rộng phạm vi tìm kiếm dưới biển đến một vùng mới có diện tích rộng khoảng 15 ngàn cây số vuông ở phía Nam Ấn Độ Dương, theo như tuyên bố của Bộ trưởng Anthony Loke. Nếu xác định được vị trí của xác máy bay, Ocean Infinity sẽ được nhận 70 triệu Mỹ kim.

(AFP) - Truyền thông Mỹ: Dự kiến ngày 20/3/2025, Tổng thống Donald Trump ký Sắc lệnh giải tán Bộ Giáo dục. Thông tin được báo chí Mỹ loan báo hôm 19/3. Việc giải tán Bộ Giáo dục nằm trong chương trình cắt giảm ngân sách liên bang của chính quyền Donald Trump. Theo Politico, Sắc lệnh của Donald Trump yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tạo thuận lợi" cho việc đóng cửa bộ này. Nhiều phương tiện truyền thông cho biết một số chương trình chủ chốt sẽ phải ngừng lại, ví dụ các chương trình học bổng và quỹ tài trợ cho các trường học có thu nhập thấp trên cả nước. Hôm 11/3, Bộ Giáo dục Mỹ đã thông báo sa thải gần 50% nhân sự.
(Reuters) - Ít nhất 70 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc oanh kích của Do Thái hôm 20/3/2025. Số liệu do cơ quan y tế của Hamas đưa ra. Phía Do Thái hôm 19/3 tuyên bố tiến hành các chiến dịch tấn công khoanh vùng trên bộ kết hợp với các cuộc oanh kích. Theo các Bác sĩ, nhiều vụ oanh tạc của Do Thái nhắm vào các ngôi nhà ở phía Bắc và Nam của dải Gaza. Khi được hỏi, quân đội Do Thái cho biết đang kiểm tra thông tin.
(AFP) - Ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Ủy hội Thế vận Quốc tế (IOC) thay thế Thomas Bach? Ủy hội Thế vận Quốc tế họp lại vào chiều ngày 20/3/2025 tại Hy Lạp để chọn lãnh đạo mới. Hiện có 7 ứng viên tranh chức Chủ tịch Ủy hội Thế vận Quốc tế, trong số này có một ứng viên người Pháp, một của Nhật Bản. Chủ tịch IOC được coi là một chức vụ "rất nhạy cảm", do người đứng đầu ủy ban này phải làm thế nào tránh để thể thao bị cuốn hút vào thời sự quốc tế và những chia rẽ địa chính trị trên thế giới. Do Putin xua quân xâm lăng Ukraine, các vận động viên Nga bị trừng phạt và chỉ được tham dự Thế Vận hội Paris 2024 dưới màu cờ Olympic.

(AFP) - Năm thứ 8 liên tiếp Phần Lan duy trì danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Báo cáo thường niên về hạnh phúc được tiến hành dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và được công bố hôm 20/3/2025. Khu vực Bắc Âu vẫn lọt top đầu với Phần Lan, Đan Mạch, Iceland và Thụy Điển. Costa Rica và Mễ Tây Cơ lần đầu lọt top 10. Bảng xếp hạng hạnh phúc dựa trên đánh giá cá nhân về mức độ hài lòng với cuộc sống trong 3 năm, cũng như GDP bình quân đầu người, phúc lợi xã hội, tuổi thọ với sức khỏe tốt, tự do, lòng hào phóng và nạn tham nhũng. Theo báo chí trong nước, Việt Nam tăng 8 bậc, xếp hạng 46 trong tổng số 143 nước và vùng lãnh thổ. Mỹ bị xếp ở hạng thấp chưa từng có từ khi có báo cáo thương niên (năm 2012): Vị trí thứ 24. Pháp đứng vị trí 33.

(AFP) – Bắc Hàn thử tên lửa phòng không và đón thư ký Hội đồng An ninh Nga. Theo cơ quan truyền thông KCNA ngày 21/3/2025, đích thân lãnh đạo Kim Jong Un giám sát vụ thử hệ thống tên lửa phòng không mới, nhưng không rõ ngày, để "chứng minh rằng quân đội Bắc Hàn được trang bị thêm một hệ thống vũ khí phòng thủ lớn nữa với hiệu suất chiến đấu đáng khen ngợi". Thông báo được đưa ra chỉ một ngày trước khi Mỹ và Nam Hàn kết thúc cuộc tập trận thường niên Freedom Shield. Trong ngày 21/3, ông Kim tiếp thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu trong bối cảnh hai nước thắt chặt quan hệ với thỏa thuận quốc phòng hỗ tương.
(Yonhap) – Nam Hàn: Phe đối lập đệ kiến nghị phế truất Tổng thống tạm quyền. Phiên luận tội diễn ra chiều 21/3/2025 theo kiến nghị của đảng Xã Hội do Tổng thống tạm quyền Choi Sang Mok bị cáo buộc không chính thức bổ nhiệm một ứng cử viên do Quốc hội đề cử vào vị trí thẩm phán thứ chín của Tòa Bảo hiến. Quyết định này được đưa ra vào thời điểm quan trọng vì Tòa Bảo hiến sẽ ra phán quyết vào ngày 24/3 về tính hợp lệ của một kiến nghị khác được thông qua vào tháng 12/2024 đối với Thủ tướng Han Duck Soo, vì bị cáo buộc đồng lõa trong việc áp đặt thiết quân luật vào đầu tháng 12/2024 và từ chối chỉ định 3 ứng cử viên khi ông nhậm chức Tổng thống lâm thời.

(AFP) – Chính phủ Phi Luật Tân phủ nhận hợp tác với ICC bắt giữ cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Trả lời các Thượng Nghị sĩ hôm 20/3/2025, Bộ trưởng Tư pháp Phi Luật Tân, Jesus Remulla, cho biết giữ khoảng cách với Tòa ICC cho đến khi nhận được lệnh bắt giữ của Interpol. Cho đến cách nay tuần, chính phủ Phi Luật Tân vẫn kiên quyết khẳng định từ chối hợp tác với các nhà điều tra của ICC, với lý do Tòa không còn thẩm quyền kể từ khi Tổng thống tiền nhiệm Duterte rút Phi Luật Tân khỏi định chế Tư pháp quốc tế này vào năm 2019.
(Reuters) – Phi Luật Tân cân nhắc biến các đảo từng là căn cứ của Mỹ thành khu bảo tồn quân sự. Ngày 20/3/2025, Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân cho biết đang xem xét khả năng chuyển đổi 2 hòn đảo Grande và Chiquita nằm ở Vịnh Subic, từng là một phần của căn cứ Hải quân Hoa Kỳ cho đến năm 1991, thành khu bảo tồn quân sự để có thể bảo vệ cảng và phi trường quốc tế cũng như hỗ trợ Hải quân Phi Luật Tân phát triển căn cứ trong khu vực. Đây được cho là một động thái nhằm củng cố sự hiện diện của nước này tại vùng biển hướng ra Biển Đông.

(NDTV – The Economic Times) – Biển Đông: Liên minh Squad "chống Trung Quốc" mời Ấn Độ và Nam Hàn tham gia. Theo báo chí Ấn Độ hôm 20/3/2025, Tư lệnh quân đội Phi Luật Tân, tướng Romeo S. Brawner, đã kêu gọi Ấn Độ tham gia liên minh 4 nước, Mỹ, Úc Ðại Lợi, Nhật Bản và Phi Luật Tân, gọi tắt là Squad, được thành lập để chống lại các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại địa chính trị Raisina, ở thủ đô Tân Ðề Ly của Ấn Độ (từ ngày 17 đến 19/3/2025).
(AFP) – Do Thái: Lãnh đạo an ninh nội địa bị cách chức. Đêm 20/3/2025, toàn bộ Nội các Do Thái đã thống nhất cách chức người đứng đầu Shin Bet, Cơ quan An ninh Nội địa. Ngay khi có quyết định trên, hàng ngàn người biểu tình để phản đối, lên án Thủ tướng thâu tóm toàn bộ quyền lực, và là "mối đe dọa với nền Dân chủ". Theo một thăm dò dư luận, 51% dân Do Thái phản đối việc cách chức (32% ủng hộ), đa số (với 46%), tin tưởng lãnh đạo Shin Bet hơn Thủ tướng.

(AFP) – Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái đe dọa sáp nhập nhiều vùng của Gaza, nếu Hamas không thả con tin. Hôm 21/3/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái thông báo đã ra lệnh cho quân đội "xâm chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ" và đe dọa sáp nhập vào Do Thái, nếu Hamas không trả tự do cho 58 con tin còn lại. Trong một phát biểu hôm 20/3, Tổng thống Do Thái Isaac Herzog, đã có những chỉ trích hiếm có nhằm vào Thủ tướng, bày tỏ lo ngại về việc Do Thái mở lại các cuộc oanh kích ở Gaza (kể từ ngày 18/3), trong lúc đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng làm "suy yếu khả năng đề kháng của đất nước".
(AFP) – Phi trường Heathrow của Luân Đôn phải đóng cửa cả ngày vì mất điện. Phi trường lớn nhất Âu Châu của Anh Quốc, Heathrow, đã phải đóng cửa ngày 21/3/2025, vì mất điện sau một vụ hỏa hoạn. Được xếp hạng trong số 5 phi trường quan trọng nhất thế giới, Heathrow phục vụ 80 quốc gia và mỗi ngày vận hành 1.300 chuyến cất hạ cánh, đón khoảng 230.000 hành khách. Chuyện mất điện xuất phát từ một vụ cháy lớn tại trạm điện Hayes, nằm ở vùng ngoại ô phía Tây Luân Đôn, nơi cung cấp điện cho phi trường, theo thông tin từ lực lượng cứu hỏa.

(AFP) – Mạc Tư Khoa, Kyiv cáo buộc nhau tấn công trạm khí đốt Sudzha do Ukraine kiểm soát ở vùng Kursk. Ngày 21/3/2025, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc "Kyiv đã vi phạm lênh ngừng bắn (30 ngày) do Mỹ đề xuất khi tấn công một cơ sở năng lượng Nga". Ngay lập tức, bộ tham mưu quân đội Ukraine lên án "chiến dịch làm mất uy tín" của Mạc Tư Khoa vì "cơ sở này đã bị chính Nga tấn công nhiều lần". Ngoài ra, Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi "gây thêm sức ép" sau khi Nga không kích "ồ ạt" Ukraine với hơn 200 drone và bom dẫn đường trong đếm 20-21/3. Nhiều drone Nga đã tấn công thành phố Odessa, miền Nam Ukraine, đúng thời điểm chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Czech, Petr Pavel.
(France Info) – Ukraine bác bỏ việc chuyển quyền sở hữu các nhà máy điện hạt nhân cho Mỹ. Ngày 20/3/2025, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky cho biết "sẽ không thảo luận" về việc chuyển giao quyền sở hữu, theo đề nghị trước đó của ông Trump. Tổng thống Zelensky cũng bác bỏ thông tin về việc có thảo luận với Trump về các nhà điện hạt nhân của Ukraine. Ông nhấn mạnh là họ chỉ nói về "một nhà máy duy nhất, đang bị Nga chiếm đóng". Tổng thống Zelensky nhắc lại: các nhà máy này không thuộc sở hữu tư nhân. Vấn đề Mỹ muốn "hiện đại hóa, đầu tư" thì có thể thảo luận.

(Financial Times) – Trump muốn sớm ký kết thỏa thuận về khoáng sản chiến lược với Ukraine. Theo báo Anh hôm 21/3/2025, chính quyền Trump đang muốn Kyiv có thêm một số nhân nhượng với Mỹ về dự án thỏa thuận kim loại hiếm, theo hai nguồn tin biết rõ hồ sơ này. Trong một cuộc trả lời báo giới tại Tòa Bạch Ốc hôm 20/3, Tổng thống Donald Trump hy vọng "thỏa thuận đất hiếm tại Ukraine sẽ được ký kết trong thời gian rất sớm tới đây".
(AFP) – Trump bác tin tỉ phú Elon Musk được mời đến Tòa Bạch Ốc bàn về một "cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Trung Quốc". Tối 20/3/2025, Tổng thống Mỹ phủ nhận thông tin từ New York Times, dẫn lại 2 giới chức Mỹ, theo đó, tỉ phú Musk được mời đến tham dự một cuộc họp, bàn về các kế hoạch của Mỹ nếu có xung đột với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth xác nhận Elon Musk tham gia họp tại Tòa Bạch Ốc hôm nay, nhưng không phải để bàn về "các kế hoạch tuyệt mật" liên quan đến chiến tranh chống Trung Quốc.

(AFP) – Venezuela hồi hương công dân từ Mễ Tây Cơ sau khi bị Mỹ đe dọa. Ngày 20/3/2025, Tổng thống Nicolas Maduro đã phải nhân nhượng khi nhận lại hơn 300 di dân Venezuela chuẩn bị vượt biên từ Mễ Tây Cơ sang Mỹ. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đe dọa "những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc" nếu Caracas không nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất. Tổng thổng Maduro từng chỉ trích gay gắt chính sách trên của chính quyền Mỹ. Việc thay đổi thái độ được báo chí Mỹ cho rằng có thể liên quan đến khả năng cấp lại giấy phép khai thác dầu lửa tại Venezuela cho tập đoàn Chevron của Mỹ, bị Tổng thống Trump hủy trước đó.
(AFP) – Gia Nã Ðại bầu Quốc hội ngày 28/4/2025. Theo dự kiến, thông tin sẽ được tân Thủ tướng Marke Carney thông báo ngày 23/3. Chủ đề chính của cuộc vận động sẽ là mối quan hệ với nước láng giềng Hoa Kỳ. Để trấn an người dân Gia Nã Ðại đang phải đối mặt với cuộc chiến thương mại với Mỹ, đảng Tự Do cầm quyền muốn tập trung vào kinh nghiệm xử lý khủng hoảng của Thủ tướng Mark Carney, từng làm việc tại ngân hàng trung ương, người đã giúp Gia Nã Ðại thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 và đứng đầu ngân hàng Anh vào thời điểm Brexit.

(AFP) – Sách của một cựu nhân viên của Meta bán chạy nhất ở Mỹ. Cuốn sách mang tên Careless People (tạm dịch: Những kẻ thờ ơ) đang gây chấn động tại Mỹ và đứng đầu danh mục sách phi hư cấu của báo The New York Times ngày 20/3/2025. Tác giả Sarah Wynn-Williams, một cựu phụ trách về chính sách tại Facebook (sau trở thành Meta) và rời tập đoạn nằm 2017, miêu tả Mark Zuckerberg là một nhà lãnh đạo lạnh lùng, vô hình, trở nên kiêu ngạo, chỉ tìm kiếm nổi tiếng và sự chú ý. Ông chủ Meta được cho là sẵn sàng thỏa hiệp với chính quyền Bắc Kinh, kiểm soát một số nội dung để có chỗ đứng ở Trung Quốc. Meta đã tìm mọi cách để cuốn sách được phát hành.

(AFP) – Google bảo đảm thu nhập do quảng cáo không sụt giảm, nếu giảm bớt nội dung báo chí với "công cụ tìm kiếm". Hôm 21/3/2025, tập đoàn Google công bố kết quả thử nghiệm tại 8 nước Âu Châu, nhưng không có Pháp, theo đó, nội dung thông tin trong "công cụ tìm kiếm" không tác động đáng kể đến doanh thu quảng cáo. Với thử nghiệm này, Google đã thử xóa bỏ nội dung báo chí Âu Châu với 1% người sử dụng ở 8 nước (Bỉ, Croatia, Đan Mạch, Hy Lạp, Ý Ðại Lợi, Hòa Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha) từ giữa tháng 11/2024 đến cuối tháng 1/2025. Việc xóa nội dung báo chí đã dẫn đến giảm 0,8% việc sử dụng công cụ tìm kiếm. Liên đoàn các nhà xuất bản báo chí tạp chí (SEPM) đã khiếu nại về thử nghiệm này lên tòa án. Hôm 20/02, thẩm án sau đó đã ra phán quyết yêu cầu không tiến hành thử nghiệm cho đến khi Cơ quan Cạnh tranh đưa ra quyết định. Theo SEPM, thử nghiệm này là một phương tiện để Google "hạ giá" nội dung báo chí và "giảm" khoản thù lao mà Google trả cho các báo để đổi lấy việc hiển thị các nội dung báo chí.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc tổ chức Ngày Băng hà Thế giới lần thứ nhất trong bối cảnh "thể tích của toàn bộ các khu vực băng hà trên thế giới giảm mạnh trong năm 2024". Theo Cơ quan Khí tượng Thế giới, hơn 275.000 sông băng, với diện tích 700.000 cây số vuông, đã mất tổng cộng 450 tỉ tấn, do nhiệt độ Trái đất gia tăng. Số liệu được công bố hôm 21/3, nhân Ngày Băng hà Thế giới đầu tiên. Diện tích nói trên không bao gồm Bắc Cực, Nam Cực và đảo Greenland.

Không có nhận xét nào: