Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Khúc Bể Dâu - Sỏi Ngọc


Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được! Từ ngày tôi về hưu non, kế hoạch trong đầu là đi du lịch khắp thế giới, nhưng chưa đi được bao nhiêu, thì con dâu sanh.           <!>   
Bây giờ lại phải trông cháu một tuần hai ngày cho các con đi làm, chưa kể cuối tuần chúng lại bế nhau về “làm phiền” bà. 

Bà ngoại của cháu lớn tuổi hơn tôi nhiều nên sức khỏe không cho phép bà chạy theo cháu, bế cháu như tôi, do đó tôi trở thành nhân vật chính trong vụ giữ trẻ này.
Các con tôi muốn chờ thằng cu bé được hơn một tuổi, biết đi, mới cho vào nhà trẻ vì sợ cho cháu vào sớm quá, lây bệnh, khó ăn uống lại xuống ký thì tội nghiệp. Tôi cũng đồng ý, ráng chờ vài tháng nữa, thằng cháu sẽ lớn hơn đi nhà trẻ sẽ biết tự túc hơn.


Cả người mỏi nhừ vì “vần vũ” với thằng bé từ sáng sớm tới giờ, ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, bên ngoài cửa sổ những ụ tuyết còn cao quá đầu, tháng ba đã đổi giờ, ngủ ít đi một tiếng, nhưng đi làm được về sớm hơn một tiếng, ra khỏi công sở mặt trời vẫn chưa lặn.

Con dâu tôi đã từng tâm sự:
- Chắc con phải nghỉ nhà trông con nếu có đứa thứ hai… Làm một lúc rồi nghỉ luôn!
- Nếu có đứa thứ hai thì nên nghỉ thêm một năm trông cháu, thay vì chỉ có 6 tháng, rồi sau đó đi làm lại, vì nếu nghỉ hẳn, khi các cháu đi nhà trẻ, con sẽ buồn lắm, sẽ thấy tiếc sự nghiệp của mình.
- Nhưng nếu nghỉ một năm rồi vào làm lại, mình sẽ không còn thạo việc nữa, mọi thứ thay đổi, nếu vậy phải lấy thêm course nữa mới update được ạ.

Những lời tâm sự của con dâu làm tôi nhớ về những ngày tháng sau khi tôi nghỉ sanh đứa con trai thứ hai, tôi lấy một năm rưỡi ở nhà trông cháu, khi nó được hơn một tuổi thì cho vào nhà trẻ và quay lại công việc ngân hàng.

***
Ngày đầu tiên trở lại ngân hàng sau mười tám tháng nghỉ sanh con, lẽ ra tôi phải được hoàn lại chức vụ cũ, giám đốc ngân hàng trong nhà thương nhi đồng ở thành phố Montreal, Quebec. Khi vào đến nơi, tôi mới phát hiện ra tất cả ngân hàng tại Quebec đã được phân chia theo phân khoa đặc biệt, ví dụ: ngân hàng sức khỏe, ngân hàng công nghiệp, ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng khoa học v.v.

Chỗ tôi đã được một ông tây người bản xứ thay thế; bà Solange, giám đốc trên tôi một bậc đã từng nâng đỡ, mướn tôi vào những ngày đầu tiên đã được thăng chức thuyên chuyển đi một nơi khác làm, tôi cảm thấy mình như người thừa thãi, lạc lõng, những nhân viên dưới quyền tôi, người đã đổi đến chi nhánh khác, kẻ thì nghỉ vì một công việc tốt hơn, chẳng có ai đón tiếp và không biết phải nói thế nào để lấy lại chỗ cũ của mình.

Bà giám đốc mới ở phòng nhân sự, bà Leclerc, là một người rất quan liêu, bảo thủ và nghe nói rất “phân biệt chủng tộc”, bà cho là những dân tỵ nạn đến đất nước Canada lấy đi những công việc tốt của người bản xứ! Bên cạnh đó bà không bao giờ gởi giấy khen hay động viên những nhân viên có ý tưởng sáng tạo, bà coi những đóng góp đó là chuyện đương nhiên!

Tôi lo lắng đến trình diện bà; sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh đã nghỉ một năm rưỡi vì gia đình con cái, nay mới vào nhận nhiệm sở với bao thay đổi về nhân sự, bà nhìn tôi một hồi qua cặp mắt kiếng trễ xuống mũi, hai môi mím lại, vẻ mặt nghiêm trang, bà mở máy tính đọc tiểu sử, thành tích của tôi trong tám năm qua trước khi nghỉ đẻ, mặc kệ cho tôi ngồi yên trong chiếc ghế bành bằng da to tướng với bao hoang mang, trong đầu đầy những câu hỏi, không biết bà sẽ điều tôi đi đâu.

Bà ngẩng đầu lên, ánh mắt giá băng, như cái không khí lạnh ngắt của chiếc máy lạnh gắn thêm trong phòng bà mà bên ngoài trời tháng tư chả nóng chút nào.
- Cô làm …cũng khá đấy chứ!... Nhưng bây giờ chỗ cô đã có người thay thế rồi, tôi sẽ tìm một chỗ khác cho cô!
- Thưa bà, người mới chỉ là thay thế chỗ của tôi thôi, trong nội quy ngân hàng có nói sau khi nghỉ sanh dưới hai năm về vẫn làm lại chỗ cũ…
- Nhưng cô mới về lại, chắc chưa có thể làm ngay được, vì nhiều thứ thay đổi lắm, tôi sẽ cho cô đi học thêm ba tháng, sau đó sẽ tính tiếp… Tôi sẽ nói thư ký của tôi liên lạc với cô. Vậy nhé, chúc cô một ngày đẹp!

Bà không muốn nói chuyện với tôi nữa, bà gục đầu xuống xem một hồ sơ khác, như có ý “đuổi” tôi ra khỏi phòng!... Tôi thấy khuôn mặt lạnh như cắt của bà, cũng không dám đứng lâu tranh cãi, đành ra ngoài xem mọi người làm việc ra sao mà bà nói đã thay đổi rất nhiều trong một năm rưỡi qua.

Đúng là phần mềm của ngân hàng có thay đổi đôi chút, có thêm nhiều thứ linh tinh nhưng làm gì phải học thêm đến ba tháng chứ! Chỉ cần cho tôi ngồi bên cạnh một ai đó xem họ làm việc trong một buổi là tôi sẽ update ngay thôi. Đang miên man suy nghĩ, cô thư ký Helen đến gặp tôi nói:
- Bà Leclerc nói trong lúc chưa mời được người đào tạo xuống ngân hàng mình để dạy thêm cho cô thì bà nói cô hãy vào chỗ chứa hồ sơ xếp tất cả mọi hồ sơ trên kệ theo số thứ tự nhé, xin cô theo tôi.

Một phòng rộng lớn với mười dãy kệ bằng sắt để chứa hồ sơ đặc kín được quay bằng tay, một núi hồ sơ dưới đất chờ để được sắp lên kệ mà đã lâu lắm chưa có ai vào xếp cả vì thiếu nhân viên và ai cũng bận rộn tiếp khách. Cô thư ký trẻ, mới vào làm, nhoẻn cười với tôi:
- Cô cứ ở đây sắp xếp hồ sơ nhé, khi nào có sự chỉ đạo nào khác của bà giám đốc Leclerc thì tôi sẽ xuống gọi cô sau!

Cô để mặc tôi một mình trong một căn phòng rộng lớn lạnh ngắt mới xây này, tôi cảm thấy mình bé bỏng, uất ức như cô bé lọ lem bị phải nhặt hết ba thúng đậu đen đỏ!

Khi những ngân hàng gộp lại thì số lượng hồ sơ tăng gấp ba bốn lần so với lúc xưa, phòng chứa hồ sơ với bốn bức tường bằng đá chống cháy, thêm máy điều hòa không khí nên khá lạnh; tôi bắt tay vào công việc mới tuy không trực tiếp với khách hàng như xưa, nhưng qua những hồ sơ này, tôi “thấy” được những thông tin tài chính cá nhân, hoặc doanh nghiệp của họ, những notes để lại trong hồ sơ, tôi đều đọc và biết tình hình của những khách hàng đã từng đến ngân hàng, dưới sự chỉ huy của tôi thuở ấy đã thay đổi như thế nào trong gần hai năm qua. Tôi không còn thấy buồn nữa mà cảm thấy khá thú vị.
***

Một tháng trôi qua, tôi vẫn ngoan ngoãn xếp hồ sơ, một công việc nhàm chán, lẽ ra chỉ để cho một nhân viên thường (không có cấp bậc) làm, nhưng họ lại để một người giám đốc vào làm công việc ấy thì thật tình hơi lãng phí tiền bạc của nhà bank, nhưng tôi không phải là người quyết định, cũng không thể tâm sự cho ai biết được điều này mà chỉ biết kiên nhẫn làm theo sự phân công của cấp trên mà thôi. Tôi nghĩ đây chính là thử thách của tôi khi trở lại làm việc dưới sự chỉ huy của một kẻ khác tiếng nói, văn hóa và lại mang tính tỵ hiềm ganh ghét nữa, và tôi phải ráng làm sao phải vượt qua cái cửa ải này. Tôi tự nhủ phải thật kiên nhẫn đây!

Thấy tôi buồn rầu khi đi làm về, chồng hỏi tại sao, tôi trả lời ỉu xìu:
- Em …bị đì!
- Tại sao bị đì, em lúc nào cũng nói chỗ em làm ai cũng yêu thương em mà, làm sao mà bị đì chứ? Cái bà “đỡ đầu” của em đâu rồi?
- Bả đã đổi đi chi nhánh khác rồi!
-… Hay nghỉ ở nhà trông hai thằng con đi vậy!
- Thôi bao nhiêu công lao em học hành, em ráng chịu một thời gian xem có thể chuyển hóa được bà này không… Chả lẽ sự nghiệp của em vô cớ lại đóng lại ở đây sao chứ!

***
Những cố vấn tài chính trong nhà bank đều là người từ những chi nhánh khác đến, không biết tôi trước đó nên tưởng tôi là nhân viên hạng hai (ngân hàng có nhiều cấp bậc, hạng hai là tellers, cashier), họ gọi tôi lấy hồ sơ này, xếp hồ sơ nọ, nhờ tôi đánh máy những ghi chép, phân tích của họ vào máy sau một buổi gặp khách như đứa lon ton. Tôi vẫn cố vui vẻ làm việc với họ, còn giúp họ thêm vài chi tiết để hồ sơ được rõ ràng mạch lạc hơn nữa. Bên cạnh đó tôi còn đưa ra những đề nghị thêm những khoản đầu tư an toàn cho người lớn tuổi, chuyển phần hưu trí của họ thành tiền tiết kiệm có thể rút ra không cần hạn kỳ nào cả và không bị trừ thuế v.v. Lúc nào cũng phải khéo léo nhỏ nhẹ để đừng làm những người cố vấn mới vào nghề bị tổn thương, và cũng không muốn để người khách hàng phải chịu thiệt thòi vì sự thiếu kinh nghiệm của họ.

Từng chút một, tôi bỗng trở thành người “cứu hộ” về tài chánh bất đắc dĩ, bận rộn, hết chạy qua phòng cố vấn này đến phòng cố vấn khác để giúp họ cho ý kiến về đầu tư, giúp họ đặt vấn đề với những gia đình trẻ nên có plan đóng tiền học cho con từ lúc mới sanh, rồi giúp họ vào máy làm việc nên qua đó tôi cũng tự update cho mình mà không cần phải chờ coach đến nữa vì cả tháng nay người thầy này thật bận rộn với những chi nhánh khác chưa có thì giờ xuống chỗ tôi.

Khi chúng tôi cùng ăn trưa, cô Kate mà tôi thường giúp đỡ, nói với mọi người:
- Chúng mình thật may mắn gặp Lyly có nhiều kinh nghiệm giúp mình làm hồ sơ cho khách!

Người cố vấn khác nói thêm:
- Ủa mà sao Lyly không thi lên chức cố vấn đầu tư mà lại chỉ làm xếp hồ sơ thôi vậy? Tôi thấy phí quá; cô có thích lên chức không? Chi nhánh mình cũng đang cần người đấy, cô mà thi lên được thì chắc chúng tôi sẽ rất hạnh phúc có người bạn giỏi như thế, cô sẽ có nhiều thì giờ dậy chúng tôi thêm kỹ năng!
- Mình phải đem ý tưởng này nói với bà Leclerc, giám đốc nhân sự mới được!

Kate tiếp lời:
- Nhưng… bà ấy khó tính lắm, nói nhỏ thôi nhé, bà chỉ thích người bản địa thôi, người ta nói bà có một quá khứ không đẹp, mẹ bà là người Châu Á, Mã Lai thì phải, cha là người Tây, mẹ đã bỏ bà khi còn nhỏ đi theo một người đàn ông khác giàu có, khi bà mới có hai tuổi nên bà rất ghét người Á Châu nói chung, từ đó có tính phân biệt chủng tộc, lại có cuộc hôn nhân không tốt, bà sống một mình với thằng con trai không thích học hành mà chỉ thích hút sách thôi... Các bạn thấy đó trong chỗ mình làm có ai không phải là người Canadian chính gốc đâu, trừ Lyly!
- Nhưng Lyly lại rất giỏi và dễ thương, từ trước đến giờ chưa có ai chịu vào xếp hồ sơ cả, mà từ ngày có Lyly là cái đống hồ sơ đó được xếp ngay ngắn trên kệ, đã vậy cô ấy còn chu đáo dán từng vần ký tự cho mỗi hàng hồ sơ để tìm cho dễ nữa chứ, tôi phục quá, phải là người có đầu óc sắp xếp và logic đó!

Để cám ơn tôi, mọi người đem cơm trưa cho tôi ăn, kể chuyện gia đình của họ cho tôi nghe, cho tôi xem hình ảnh chồng con, tôi vẫn im lặng nuốt cục ức vào trong, không dám tâm sự bản thân cho ai nghe cả; còn bà giám đốc thì hình như đang trút cơn đau đớn, phẫn nộ của bản thân lên đầu tôi, nên không hề gọi tôi lên để trao trả lại chức giám đốc tuy tôi vẫn cứ nhận lương với chức vụ ấy, mà làm việc “lon ton”.

Mỗi buổi sáng đi làm, ngang phòng làm việc của bà Leclerc, tôi thấy bà đến rất sớm, ngồi yên lặng quay lưng ra phía cửa sổ, nhìn xuống phía sân sau bãi đậu xe của nhân viên, bà ngồi bất động như có nhiều tâm sự lắm, bà chả nói chuyện với ai, đi làm sớm, về đúng giờ, chả bao giờ thấy bà đi ăn trưa với những giám đốc khác; tôi bỗng thấy tội nghiệp bà hơn là oán trách và một chút niềm cảm thông của một người mẹ dâng lên, tôi đưa tay gõ nhẹ vào cửa phòng, bà quay lại ngạc nhiên thấy tôi, đôi mắt bà mở lớn như muốn nói điều gì đó, rồi lại cụp xuống, yên lặng; tôi niềm nở, lên tiếng:
- Chào bà Leclerc, bà khỏe không?
- Tôi nghe nói cô đã xếp hết cả đống hồ sơ vào kệ rồi phải không?
- Vâng, thưa bà!
- Tôi muốn nhờ cô điện thoại liên lạc với những khách hàng để bán những visa VIP mới của ngân hàng mình…Cô làm được chứ?
- Vâng, tôi sẽ làm.
- Vậy đây là danh sách khách, cô đi làm đi!
- …Tôi sẽ làm khi 8:00, bây giờ tôi muốn… mời bà một tách trà xanh, bà thích thử không ạ?
- …Trà xanh?
- Dạ vâng!
- Bố tôi đã từng kể cho tôi nghe, mẹ tôi rất thích trà xanh… Khi chúng tôi dọn nhà, trong tủ của bà ấy chỉ toàn là những túi trà xanh mua tại Việt Nam…

Tôi chưa bao giờ uống thử vì tôi ghét những gì thuộc về kỷ niệm… Nhưng hôm nay tôi sẽ uống…
- Bà chờ tôi một chút nhé, để tôi xuống bếp nấu nước sôi và đem lên cho bà…
- Thôi, để tôi đi theo cô!

Lần đầu tiên tôi thấy bà mỉm cười, chỉ một chút rồi khép lại ngay như giữ cho mình vẻ nghiêm khắc hàng ngày.

Trong lúc tôi nấu nước sôi, bỏ trà vào bình, bà nhìn tôi rồi khẽ nói:
- Đêm hôm qua, tôi nằm mơ một giấc mơ rất dễ sợ, cả nhà tôi bị cháy tiêu, ngọn lửa lên cao quá đầu, tôi sợ hãi la hét trong đêm và bật dậy mồ hôi toát đầy mình, không ngủ lại được nữa nên mới đi làm sớm hôm nay… Tôi không biết có chuyện gì xảy ra không!

Tôi nhìn thẳng vào mắt bà, trấn an:
- Nếu bà tin tôi, hãy chờ từ nay đến một tuần, bà sẽ có tin tốt, một tin vui về gia đình con cái hay người thân nhất của bà. Tôi chỉ biết nói vậy thôi, đó là giác quan thứ sáu cho tôi biết, bây giờ mời bà dùng trà xanh.
- Cám ơn cô rất nhiều nhé, tôi không ngờ cô có giác quan thứ sáu đoán được giấc mơ, tôi sẽ cho cô biết nếu có tin vui. Ah! Hôm nay người đào tạo đến ngân hàng mình, sẽ làm việc với cô đó, tôi quên mất từ sáng tới giờ vì bị giấc mơ ám ảnh mãi, tôi lo cho thằng con trai, nó vẫn mãi không lớn lên được; sau khi uống ly trà xanh này tôi mới tỉnh lại đó. Tôi chắc chắn cô sẽ học rất nhanh với ông ta đấy, ông rất nhiều kinh nghiệm và rất thực tế trong việc giải quyết vấn đề tài chánh.

8:00 chúng tôi trở lại phòng làm việc, Kate đi qua phòng tôi, dừng lại khẽ hỏi:
-Lyly, sao hôm nay tôi lại thấy bà “ấy” mở miệng nói chuyện riêng với cô thế? Chắc chút nữa trời sẽ đổ cơn mưa lớn ngập đường đây!
- Hahaha thì “sông có khúc, người có lúc” mà!
- Thế thì bạn gặp may rồi đấy! Chúc may mắn nhe!

Kate đưa ngón cái số 1 lên, rồi nhanh nhẹn về phòng.

Ông coach đi bên cạnh bà Leclerc xuống phòng tôi, bà giới thiệu:
- Đây là ông Christian Maheu sẽ dạy cho cô về software mới về cách làm sao nhập vào hồ sơ tài chánh của ngân hàng mình và những chi nhánh khác, ngoài ra ông còn chỉ cho cô tất cả công việc gì cô muốn hỏi, ông rất giàu kinh nghiệm…

Bà giám đốc chưa nói hết câu, ông Maheu đã la lớn khi thấy tôi bước ra khỏi phòng chào ông với nụ cười tươi, ông tiến đến ôm lấy tôi hôn lên hai má như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại:
- Cô Lyly đây mà! Lâu quá không gặp cô, bây giờ gia đình ra sao rồi, chắc hai cu cậu để nhà trẻ hả? Hay ông bà ngoại canh? Tôi tưởng dậy cho ai chứ dậy cho cô Lyly thì chừng hai tuần là xong hết, cần gì tới ba tháng! Ủa mà chi nhánh nhà thương Ste Justine đóng cửa rồi hay sao cô lại đến đây, thưa cô giám đốc?

Lúc ấy tôi thấy chung quanh là những bạn cố vấn đứng đầy xung quanh vì tiếng nói như cái loa phát thanh của Maheu, họ đều ngạc nhiên nói với nhau:
- Lyly là… giám đốc chi nhánh nhà thương sao?

Ông Maheu gật đầu xác nhận:
- Phải! Sao mọi người lại ngạc nhiên chứ? Tôi đã thường xuống Ste Justine để dậy cho những người cố vấn mới vào đó mà... Bà Leclerc không nói gì sao?
Lúc ấy tôi thấy bà giám đốc vẻ bối rối, lúng túng:
- Tôi …xin lỗi mọi người đã không giới thiệu khi cô Lyly trở về đây làm việc, vì chỗ cô ấy đã có người mới thay thế nên tôi không tiện nói, cô ấy chính là giám đốc của chi nhánh Ste Justine, cô ấy có một quá khứ làm việc rất đáng ngưỡng mộ; sau khóa học này cổ sẽ chuyển đến một chi nhánh khác làm về đầu tư cho những người có cổ phần từ năm triệu trở lên; cô ấy đã từng làm việc với các bạn được hơn ba tháng nơi đây rồi, ai cũng thấy cô là người sống có tấm lòng và rất có trách nhiệm trong công việc phải không?!

Tôi nghe trong đám đông xì xầm:
- Thì ra Lyly là giám đốc…
- Hèn chi…

Tôi quay lại, lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt của bà Leclerc đầy thiện cảm với tôi, chứ không còn xa lạ dửng dưng như những ngày đầu nữa, tôi biết mình đã chuyển hóa được trái tim « băng giá » của bà, mỉm cười cảm động:
- Cám ơn bà đã giành cho tôi những lời lẽ quá tốt đẹp, tôi mong đem hết sức mình cống hiến cho xã hội và nơi tôi đang sống!
- Tôi thấy được điều đó qua những việc làm của cô và rất tin tưởng nơi cô!
***
Vài tháng sau đó, một buổi sáng khi tôi vừa vào đến văn phòng, ngạc nhiên thấy trên bàn một chiếc đồng hồ để bàn mạ vàng với logo nhà bank, và một cây bút pilot thật to, nặng, nạm vàng, đề tên tôi với một chiếc card cám ơn; đọc xong tôi ù té chạy lên văn phòng bà Leclerc, nhưng văn phòng bà đã đóng cửa, tắt đèn, bà đã không còn đó nữa, chỉ có cô thư ký gặp tôi, cô gật đầu chào tôi cung kính:
- Thưa cô Lyly, bà giám đốc đã gởi thư từ chức cả tháng nay rồi, bà đã rời sở làm từ chiều qua, bà nói sẽ đến một tỉnh khác ở với con trai, vì con trai bà đã bỏ hẳn hút sách, rượu chè, đã tìm được một công việc phù hợp với anh ta ở Calgary, cậu ta muốn mẹ lên ở với cậu ấy cho có mẹ con; bà nói đây là một tin vui mà bà đã chờ đợi từ lâu lắm rồi, nên bà đã dứt khoát bỏ Montreal, bỏ công việc và đi theo con, bà nói cậu ấy chính là nguồn sống cả đời của bà, bà không muốn con bà lại bỏ nhà đi hoang vì cảm thấy cả đời bơ vơ vì mẹ chỉ ôm ấp công việc, sự nghiệp riêng của bà mà thôi, bà chuyển lời cám ơn cô Lyly rất nhiều vì chính cô đã đem cho bà niềm hy vọng và tin tưởng trong cuộc sống, bà nhờ tôi nhắn với cô như thế!
***
Cây bút pilot, món quà may mắn mãi đi theo tôi cho đến ngày về hưu, mỗi lần nhìn thấy nó, xoa tay lên nó, như có ông thần hộ mệnh vậy, việc khó bao nhiêu cũng giải quyết được; cây viết chỉ là vật vô tri nhưng nó đã cùng tôi trải qua những kỷ niệm vui buồn, đấu trí, chịu đựng, gian nan trong việc kiếm miếng ăn nơi xứ người.

Bỗng tôi nảy ra một ý, phải giữ cây bút cho bóng bảy, màu vàng óng của ban đầu để sẽ trao lại cho thằng cháu nội sau này, thế hệ tiếp nối, nó sẽ tiếp bước bà nội, học giỏi, tạo dựng sự nghiệp, tương lai vững chắc, hơn hẳn thế hệ của chúng tôi:

Sự đời gió cuốn mây trôi,
Lòng người tĩnh tại, vạn lời hóa không.
Bền gan vững chí mà trồng,
Một ngày rễ vững, cây trông hóa rừng. (vô danh)

Sỏi Ngọc,
Montreal, Mars’25

Không có nhận xét nào: