Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

San Jose Có Gì Lạ? Nhóm Mõ Nhân Ái Sửa Soạn Mừng “Happy Easter!” Đến Người Không Nhà (Homeless!) Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


San Jose, Mùa Chay Thánh, Vọng Lễ Phục Sinh 2025, Có Gì Lạ? Nhóm Mõ Nhân Ái Mang Không Khí Sinh Hoạt Mùa Chay Thánh Và Sửa Soạn Mừng “Happy Easter!” Đến Người Không Nhà (Homeless!) -Trong bữa cơm nóng hổi, mà Nhóm Mõ Nhân Ái, phục vụ bền bỉ nhiều năm qua. Hôm Thứ Năm vừa qua, ngày 27 tháng 3/2025, Nhóm đã mang không khí sửa soạn đón mừng Lễ Phục Sinh chung vui với tất cả mọi người!
<!>



Qua việc phục vụ thêm thực phẩm, phong bao đỏ, trong có tiền mặt, chúc mừng. Ai cũng ngạc nhiên vui mừng thích thú!
Việt Nam có câu “của cho, không bằng cách cho!” Nhóm Mõ Nhân Ái, coi Khách Không Nhà, như người trong Gia Đình, ngoài phục vụ, giúp đỡ nhu cầu ăn uống, thực phẩm, lương khô, vật dụng cần thiết, còn cố gắng, mang không khí nhiều Ngày Lễ quan trọng trong năm đến với họ. Đây là món quà Tinh Thần an ủi quý báu, không gì vật chất, tiền bạc có thể so sánh!

Nhiều khách không nhà tâm sự: “chỉ có Nhóm Mõ Nhân Ái, mới đối xử với chúng tôi, đầy Gia Đình, Tình Người như thế!” Cái hay không phải một năm, mà bền bỉ, trên 30 năm! vui buồn với những mảnh đời khốn khổ, trong kiếp…không nhà! cuộc đời bơ vơ, không người thân!

Sau đây là một vài hình ảnh buổi sinh hoạt Mừng Lễ Phục Sinh 2025:


-Anh trưởng Nhóm Mõ Nhân Ái trong tư thế sẵn sàng phục vụ


-Đội quân hùng hậu, bền bỉ phục vụ Người không nhà, nắng cũng như mưa!


-Anh trưởng nhóm, trước ban nhạc, coi người không nhà giống như thượng khách! Người thường chưa chắc được hưởng như cảnh này: Ngồi bàn khi ăn, lúc ăn, có cả một ban nhạc giúp vui!


-Anh trưởng nhóm còn lì xì, mỗi người 2 phong bì, trong đó có chút tiền mặt, chi tiêu trong ngày Lễ.








Huyền Bí: CIA sử dụng kỹ thuật ngoại cảm, để phát giác ra Hòm Giao Ước, vật thánh trong cựu ước huyền thoại, của người Công Giáo!
(Lý Ngọc)


(CIA sử dụng kỹ thuật ngoại cảm để phát hiện ra Hòm Giao Ước.)
-Một tài liệu giải mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) tuyên bố rằng một nhà ngoại cảm đã phát hiện ra Hòm Giao Ước bí ẩn ở Trung Đông cách đây nhiều thập kỷ. Phát hiện này bắt nguồn từ dự án thử nghiệm bí mật mang tên Solar Shadow của CIA vào những năm 1980. Tờ Independent đưa tin các tài liệu ghi lại rằng vào ngày 5 tháng 12 năm 1988, một nhà ngoại cảm được đánh số “Remote Viewer #32” đã được cung cấp tọa độ để cố gắng xác định vị trí của vật thánh huyền thoại này.
Họ mô tả Hòm Giao Ước là “một chiếc hộp làm bằng gỗ, vàng và bạc, có hình dạng giống như một chiếc quan tài và được trang trí bằng các vị thần seraphim”, và nói rằng nó được giấu ở đâu đó tại Trung Đông, xung quanh là những người nói tiếng Ả Rập và những tòa nhà có mái vòm giống như nhà thờ Hồi giáo. Tài liệu này lần đầu tiên được giải mật vào tháng 8 năm 2000 và gần đây đã thu hút sự chú ý rộng rãi sau khi được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo truyền thống Do Thái và Cơ đốc giáo, Hòm Giao Ước là một chiếc hộp gỗ dát vàng chứa hai tấm bia đá khắc Mười Điều Răn do Chúa ban cho Moses vào khoảng thế kỷ 13 đến thế kỷ 16 trước Công nguyên. Các nhà tiên tri còn đề cập thêm rằng Hòm Giao Ước được giấu trong “nơi tối tăm và ẩm ướt dưới lòng đất” và được bảo vệ bởi các thực thể huyền bí, chỉ có những người được phép mới có thể mở ra vào thời điểm thích hợp. Miêu tả này rất phù hợp với hình ảnh trong Kinh Thánh. Tài liệu còn kèm theo một bản phác thảo, vẽ cảnh các thiên thần 6 cánh và kiến trúc giống như nhà thờ Hồi giáo, làm tăng thêm yếu tố bí ẩn.
Trong bộ phim đoạt giải Oscar năm 1981 của Steven Spielberg, Indiana Jones và chiếc hòm thánh tích (Indiana Jones và chiếc rương thánh tích) câu chuyện về nhà khảo cổ học Indiana Jones đi tìm Hòm Giao Ước và đã đưa thánh vật này trở lại với công chúng. Các tài liệu của CIA dường như đã cung cấp những manh mối mới cho truyền thuyết này, mặc dù tính xác thực của chúng vẫn gây tranh cãi.

Cuộc tranh cãi và chi tiết về các thí nghiệm từ xa


Dự án Solar Shadow là một thí nghiệm huyền bí do CIA tiến hành vào những năm 1970 và 1980 phối hợp với các cơ quan tình báo khác, nhằm mục đích sử dụng các nhà ngoại cảm để thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu ở xa. Nhà ngoại cảm số 32 đã tuyên bố trong thí nghiệm rằng Hòm Giao Ước không chỉ là một vật chứa vật lý mà còn mang theo “tri thức tâm linh, thông tin, bài học và kiến thức lịch sử” vượt xa hiểu biết hiện tại của con người. Họ cảnh báo rằng bất kỳ ai cố gắng phá hủy Hòm Giao Ước sẽ bị tiêu diệt bởi một “thế lực vô hình”. Những quan sát này đã được ghi lại và niêm phong trong phong bì. Toàn bộ thí nghiệm được hướng dẫn bởi những người khác và nhà ngoại cảm không biết trước mục tiêu là gì.
Tuy nhiên, tính xác thực về mặt khoa học của việc quan sát từ xa đang bị nghi ngờ. Chuẩn úy quân đội Hoa Kỳ Joe McMonigle – người đầu tiên thực hiện nhiệm vụ quan sát từ xa cho CIA – nói với tờ New York Post rằng ông thấy vụ án này “không thuyết phục” và nhấn mạnh rằng phải đưa ra bằng chứng vật lý để chứng minh sự tồn tại của Hòm Giao Ước. Cộng đồng khoa học nói chung coi việc ngoại cảm là khoa học giả và thiếu bằng chứng đáng tin cậy. Mặc dù vậy, việc tiết lộ các tài liệu của CIA vẫn gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi, đặc biệt là sau khi được nhắc đến trong podcast Ninjas Are Butterflies. Người dẫn chương trình Josh Hooper đã rất ngạc nhiên khi nói rằng chỉ đến khi tìm thấy tài liệu trên trang web chính thức của CIA, ông mới tin rằng kế hoạch này tồn tại.

Lịch sử và Truyền thuyết về Hòm Giao Ước
Theo Kinh thánh, Hòm Giao Ước được người Israel xây dựng vào khoảng năm 1445 trước Công nguyên để lưu giữ các phiến đá có khắc Mười Điều Răn mà Moses đã nhận được từ Chúa, chẳng hạn như “Ngươi không được giết người” và “Hãy hiếu kính cha mẹ”. Nó từng được đặt ở Nơi Chí Thánh của Đền thờ cổ ở Jerusalem, nơi chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới được phép vô vào Ngày lễ Chuộc tội. Tờ Daily Mail chỉ ra rằng Hòm Giao Ước đã biến mất một cách bí ẩn sau khi người Babylon chinh phục Jerusalem vào năm 586 trước Công nguyên. Một số nhà sử học suy đoán rằng nó có thể đã bị phá hủy hoặc cất giấu, trong khi truyền thuyết kể rằng nó đã được đưa đến Ethiopia và hiện đang lưu giữ tại Nhà thờ Đức Mẹ Maria của Zion ở Aksum.
Tài liệu của CIA tuyên bố rằng Hòm Giao Ước được phát hiện vào năm 1988 và được giấu ở đâu đó tại Trung Đông, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra. Môi trường nói tiếng Ả Rập và các đặc điểm mái vòm nhà thờ Hồi giáo được nhà ngoại cảm mô tả phù hợp với Trung Đông, nhưng cũng có thể ám chỉ đến Ethiopia, nơi cũng có các nhóm nói tiếng Ả Rập và kiến trúc tương tự. Cho dù ở Trung Đông hay Ethiopia thì vị trí thực sự của Hòm Giao Ước vẫn còn chưa chắc chắn. Mặc dù CIA tuyên bố biết nơi cất giữ chiếc hộp thiêng liêng này, nhưng số phận của nó vẫn còn là một bí ẩn, phải chờ thêm manh mối để biết được sự thật.


Công Giáo: Tìm hiểu về các Tuần Thánh và sửa soạn cho Đại Lễ Phục Sinh!
(Lm. Anphong Trần Ðức Phương)


-Trong dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã mừng kỷ niệm Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Chúa Giêsu giáng trần là để cùng sống, cùng chia sẻ thân phận con người như toàn thể nhân loại và rao giảng Tin Mừng Tình Thương của Thiên Chúa, rồi chịu nạn và chịu chết để cứu chuộc nhân loại; sau đó "phục-sinh" và lên trời, để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin theo Ngài.
Để chuẩn bị Đại Lễ Giáng Sinh, có 4 tuần lễ gọi là "Mùa Vọng"; còn để chuẩn bị Đại Lễ Phục Sinh, có 40 ngày "Mùa Chay". Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày vì Chúa Giêsu đã "ăn chay" 40 ngày đêm trong sa-mạc để chuẩn bị công cuộc rao giảng của Ngài (thường được gọi là "cuộc đời công khai"), sau khi Ngài đã sống "âm thầm" khoảng 30 năm và sinh sống bằng nghề "thợ mộc" tại làng Nagiaret, miền Galilê (phía bắc nước Do Thái).
Cuối Mùa Chay là "Tuần Thánh" (Holy Week). Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong Phụng vụ của Giáo hội. Tuần Thánh để người Kitô hữu tưởng niệm những biến cố đặc biệt trong những ngày cuối cùng của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại.

Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh và kỷ niệm việc Chúa Giêsu được những người dân tốt lành cùng các trẻ em đón rước long trọng tiến vào Thành Thánh Giêrusalem. Chúa Nhật Lễ Lá cũng còn gọi là Chúa Nhật Chịu Nạn. Trước Thánh Lễ có làm phép lá và long trọng rước lá vào Thánh Đường để cử hành Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, chủ tế sẽ đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu, thay vì bài Phúc Âm. Lá đã được làm phép, giáo dân có thể mang về nhà và để trên bàn thờ, để nhắc nhở mọi người trong gia đình về những ngày Thánh trong Tuần Thương Khó.
Ba ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy trong Tuần Thánh, được gọi là Tam Nhật Thánh (Easter Triduum). Đó là những ngày Thánh để kỷ niệm những biến cố trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại: Ngày Thứ Năm kỷ niệm bửa Tiệc Ly, ngày Thứ Sáu kỷ niệm Chúa Giêsu chịu khổ nạn, ngày Thứ Bảy kỷ niệm Chúa Giêsu chịu táng trong mộ đá. Sau đó là Chúa Nhật Phục Sinh.
Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday) để kỷ niệm việc Chúa Giêsu ăn bửa tối cuối cùng (The Last Supper) với 12 môn đệ trước khi Chúa Giêsu chia tay các môn đệ để ra đi nộp mình chịu khổ hình. Bửa ăn nầy cũng được gọi là bửa ăn "Tình Thương" ("Agapé" tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "Tình Thương"), vì trong bửa ăn nầy, Chúa Giêsu đã lập hai Bí Tích (Sacrament) đặc biệt nói lên tình thương của Chúa đối với nhân loại: "Bí Tích Thánh Thể" để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu bằng chính Mình và Máu Thánh Người. "Bí Tích Truyền Chức Thánh" để thiết lập chức "Linh Mục Thừa Tác"; qua Bí Tích này, Thiên Chúa tuyển chọn một số người để làm Linh Mục thừa tác, tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể và duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa qua mọi thời gian và ở mọi nơi. Sở dĩ gọi là Linh Mục "thừa tác" vì chỉ có Chúa Giêsu là "Linh Mục Thượng Tế" trọn hảo, còn các linh mục thì được tham dự đặc biệt vào chức Linh Mục của Chúa (xin xem Thơ Thánh Phalô gửi người Do Thái, chương 7, 8 và 9). Các tín hữu cũng được tham dự cách thiêng liêng vào chức Linh Mục của Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Tẩy họ đã lãnh nhận khi gia nhập Dân Thánh Chúa. (Xin xem thơ Thứ Nhất của Thánh Phêrô, đoạn 2, câu 9). Vì thế khi ngưòi công giáo đi lễ, không phải là chỉ "xem lễ" hay "dự lễ", nhưng là "cùng nhau" và hợp với vị Chủ Tế dâng hiến lễ vật lên Thiên Chúa và tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại. Lễ vật dâng tiến chính là của lễ trọn hảo, là "Mình và Máu Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Bánh Miến và Rượu Nho tinh tuyền". Cùng với lễ vật trọn hảo đó, các tín hữu dâng lên Chúa chính con người của mình (linh hồn và thân xác), và những hy sinh lao nhọc của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Cũng trong "bửa ăn tình thương" tối Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho các tông đồ, để dạy cho các Ngài bài học yêu thương phục vụ trong khiêm tốn. Điều này làm cho tông đồ Phêrô sửng sốt và phản đối: "Sao Thầy mà lại phải cúi xuống rửa chân cho chúng con...". Nhưng Chúa Giêsu bảo: "Việc Thầy làm cứ để Thầy làm". Sau khi rửa chân cho 12 ông xong, Chúa Giêsu mới nói: "Thầy đã cúi xuống rửa chân cho chúng con là để dạy chúng con bài học yêu thương phục vụ: Như Thầy đã rửa chân cho chúng con, chúng con cũng hãy rửa chân cho nhau ..." (xin xem Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn 13, câu 12...).
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, vào buổi sáng, tại Nhà Thờ Chánh Tòa của mỗi giáo phận (Diocese), Đức Giám Mục và các Linh Mục trong toàn giáo phận họp mặt để cùng dâng Thánh Lễ thường gọi là "Thánh Lễ Làm Phép Dầu Thánh". Trong Thánh Lễ long trọng nầy (thường có rất đông giáo dân tham dự và kéo dài chừng 2 giờ), Đức Giám Mục sẽ làm phép ba thứ Dầu Thánh (thường là dầu "olive") để dùng trong các lễ Truyền Chức Thánh, trong khi ban Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích Rữa Tội, và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cũng trong Thánh Lễ long trọng nầy, Đức Giám Mục và các Linh Mục cùng nhau long trọng nhắc lại lời tuyên hứa khi chịu chức Thánh; tuyên hứa trước Cộng Đồng Dân Chúa đang có mặt trong Thánh Lễ. Sự hiện diện của các Linh Mục trong Giáo phận trong Thánh Lễ này là để nói lên sự hiệp nhất của toàn thể linh mục đoàn chung quanh vị Chủ Chăn của Giáo phận là Đức Giám Mục (hoặc Tổng Giám Mục). Vì thế, ở các giáo phận (hay tổng giáo phận) rộng lớn qúa mà các linh mục sau Thánh Lễ Làm Phép Dầu Thánh tại Nhà Thờ Chánh Tòa không thể về kịp để dâng lễ buổi chiều tại các giáo xứ, thì Thánh Lễ làm phép Dầu Thánh có thể chuyển vào Thứ Năm tuần trước đó, và thường cử hành vào buổi chiều để giáo dân có thể tham dự thánh lễ đông đảo hơn.

Vào buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, thường chỉ cử hành một Thánh Lễ tại Nhà Thờ chính của Giáo xứ, để Cha Chánh Xứ (Pastor) và các Cha Phụ Tá cùng đồng tế với sự hiện diện của giáo dân toàn giáo xứ và cử hành một Thánh Lễ đặc biệt để kỷ niệm Bửa Tiệc Ly như đã nói ở trên. Thánh lễ nầy thường cử hành vào buổi chiều tối (Bửa Tiệc Ly cũng vào buổi tối) để giáo dân có thể đến đông đủ hơn. Trong Thánh Lễ, sau bài Phúc Âm và Bài Giảng, vị Chủ tế cũng cử hành nghi thức "rửa chân" cho một số vị đại diện của cộng đồng Dân Chúa trong giáo xứ. Trong lúc cử hành nghi thức "rửa chân", Ca đoàn thường hát các bài thánh ca về tình yêu thương, đặc biệt bài "Đâu Có Tình Yêu Thương" (dịch từ bản thánh ca La tinh "Ubi Caritas est, Deus est", "Where there is love, there is God"). Bản Thánh Ca này đã được dịch ra và phổ nhạc rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Mấy câu đầu trong bản Thánh Ca này bằng tiếng Việt Nam như sau:

"Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời!
Đâu có lòng từ bi, là ở đấy có ân sủng người!
Đâu có tình bác ái, là Chúa chúc lành không ngơi!
Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui!"


Sau Thánh Lễ, có lễ nghi long trọng rước Mình Thánh Chúa vào một nơi trang trọng để toàn thể Dân Chúa (theo từng họ đạo hoặc đoàn thể) đến tôn kính và cầu nguyện cho đến nửa đêm.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (đặc biệt trong tiếng Anh, không gọi là "Holy Friday", nhưng gọi là "Good Friday") là ngày rất tốt lành cho toàn thể nhân loại, vì Chúa Giêsu đã chịu nạn và chịu chết trong ngày này để đền tội cho nhân loại và mở đường cứu rỗi cho mọi người; vì thế có lệ kiêng thịt ngày thứ sáu, nhất là trong Mùa Chay Thánh. Giờ Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá là vào khoảng 3 giờ chiều (theo giờ của người Do Thái hồi đó là "giờ thứ chín") (xin xem Phúc Âm theo Thánh Luca, đoạn 23, từ câu 44...). Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không có Thánh Lễ, nhưng có cuộc Suy Ngắm "Đàng Thánh Giá" long trọng và tiếp theo là cuộc cử hành "Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó" của Chúa Giêsu, thường vào khoảng 3 giờ chiều; tuy nhiên có thể cử hành muộn hơn để giáo dân có thể đến tham dự đông đủ, nhưng phải trước 9 giờ tối. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có luật buộc ăn chay và kiêng thịt để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã chịu chết trên cây Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại; vì thế Thánh Giá luôn hiện diện nơi các Thánh đường, các nơi thờ phượng, trên bàn thờ trong các gia đình giáo dân và đặc biệt trên các phần mộ của các Kitô hữu đã qua đời.

Trong Đế quốc Rôma thời xưa, hình phạt chịu treo trên "thập tự giá" thường chỉ dành cho những người nô lệ. Các người bị xử án phải vác hai cây gỗ đến một ngọn núi ngoài thành phố, rồi bị đóng đanh vào hai cây gỗ đã được đóng chặt thành hình "chữ thập" (như chúng ta vẫn nhìn thấy nơi "thánh giá" của Chúa). Người ta dùng đinh đóng hai cổ tay vào hai đầu xà ngang. Còn hai chân bị đóng vào phía cuối "thập tự giá" và thường dưới hai bàn chân của "tội nhân" còn có một cái bệ nhỏ giữ hai bàn chân; mục đích là để khi đã dựng cây gỗ lên rồi, xác "tội nhân" không bị kéo trì xuống, "tội nhân" vẫn còn có thể thở được, và như vậy vẫn "phải" kéo dài sự sống trong đau đớn cho đến khi kiệt sức và chết đi. Trường hợp Chúa Giêsu thì Ngài chết nhanh hơn, vì đã bị bắt từ tối Thứ Năm, rồi bị hành hạ, đánh đập suốt đêm. Qua ngày Thứ Sáu, sau khi được lệnh của Philatô, họ mới bắt vác thánh giá ra ngoài thành Giêrusalem, đến đồi Gôn-gô-ta rồi mới đóng đinh. Lúc đó Chúa Giêsu đã hầu như đã hoàn toàn kiệt sức. Đồi Gôn-gô-ta hình như một "chiếc sọ" được gọi là "Gôn-gô-ta" "Núi Sọ" (Gôn-gô-ta theo tiếng người Do Thái thời đó có nghĩa "Núi Sọ"). Đồi nầy nằm ở phía tây bắc Thành Giêrusalem và không xa bức tường thành bao nhiêu. (Khi đi viếng Đất Thánh, quê hương của Chúa, du khách sẽ được dẫn đến đó để kính viếng).

Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết vào chiều Thứ Sáu, áp ngày Thứ Bảy là ngày nghỉ lễ của người Do Thái; hơn nữa lại trùng vào Đại Lễ 'Vượt Qua' (Passover)(PÂ Gioan 19:31...), nên theo tục lệ thời đó, các "tội nhân", sau khi đã bị xử án treo trên thập tự giá, không được để qua đêm, đến chiều tối phải hạ xuống. Nhưng trước khi hạ xuống, phải dùng búa đánh giập ống chân của "tội nhân" để chắc chắn là đã chết thật. Nếu thật sự "tội nhân" chưa chết, thì sau khi hai ống chân đã gẫy, thân xác kéo thẳng xuống, "tội nhân" không còn thở được nữa, nên phải chết trong giây lát (như đã nói ở trên). Khi các người lính đến quan sát Chúa Giêsu, họ thấy Ngài đã chết thực sự, nên không đánh giập ống chân của Ngài, nhưng có một người lính đã dùng ngọn giáo đâm vào sườn trái của xác Chúa Giêsu. Ngọn giáo đâm thấu vào trái tim và lúc đó máu và nước từ trái tim Chúa Giêsu chảy ra. Tất cả những sự kiện này đã xãy ra y như lời trong Kinh Thánh Cựu Ước đã báo trước về cái chết của Đấng Cứu Thế như thế nào. (Xin xem Phúc Âm theo Thánh Gioan đoạn 19, từ câu 31...).
Vào chiều tối ngày Thứ Sáu đó, có một ông tên là Giuse người ở xứ Arimathê (ông là một thành viên có thế giá trong Hội Đồng Do Thái và vẫn âm thầm tin theo Chúa Giêsu) đã đến xin Philatô cho tháo xác Chúa xuống. Sau đó ông cùng với ông Nicôdêmô (cũng là một thủ lãnh nhóm Pharisiêu, nhưng vẫn âm thầm tin theo Chúa Giêsu, xin xem Phúc Âm Goan, đoạn 3, câu 1. ..) táng xác Chúa theo tục lệ người Do Thái thời đó: tẩm liệm xác Chúa bằng thuốc thơm, quấn khăn liệm và đặt trong mộ đá. Mộ đá còn mới, của ông Giuse Arimathê và nằm trong thửa vườn của gia đình ông. Vườn nầy lại gần nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh (xin xem Phúc Âm Gioan đoạn 19, từ câu 38...). Trong lúc hai ông táng xác Chúa, thì có Bà Maria Madalêna và Maria mẹ ông Gio-xê chứng kiến (Phúc Âm Maccô đoạn 15, câu 47). Chắc là có một số người khác nữa cùng tham dự cuộc táng xác; nhất là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu; nhưng không thấy Phúc Âm nói đến. Còn Thánh Giuse có thể Chúa đã cất Ngài về trước rồi.

Chúng ta cũng nên nhớ: Thời đó người ta không đặt xác chết trong quan tài như chúng ta ngày nay, nhưng chỉ tẩm xác bằng thuốc thơm, rồi quấn trong khăn liệm, sau đó đặt vào mộ đã đục sẵn trong một núi đá hay đồi đá lớn, sau đó lấy một tảng đá lập cửa mộ; rồi những ngày tiếp theo, các người thân trong gia đình thường đến vào lúc sáng sớm, lật tảng đá lấp cửa mộ, rồi tiếp tục xức thuốc thơm cho xác người chết, thường là trong 3 ngày liền hoặc cả tuần lễ. Thuốc thơm này thường là mộc dược (myrrh) trộn với trầm hương (aloes) vừa ướp hương thơm cho xác chết, vừa giữ cho xác chết được lâu không thối rửa. Khi khai quật mộ các vua chúa Ai Cập thời xưa, người ta thấy rõ điều này.
Còn một điều nữa cũng cần nói đến là các lãnh tụ Do Thái đã xin Philatô cho lính gác mộ Chúa, vì sợ rằng các môn đệ của Chúa Giêsu đến lấy trộm xác Chúa đưa đi nơi khác, rồi phao tin là Chúa đã sống lại. Philatô đã bảo họ: "Các ông có lính của các ông, các ông hãy sai lính của các ông đến mà canh gác". Thế là họ cho lính đến niêm phong mộ và canh gác (Phúc Âm Matthêu đoạn 27, câu 62. ..). Tuy nhiên Chúa Giêsu đã thực sự sống lại vào "ngày Thứ Nhất trong tuần" và đã hiện ra lần đầu tiên với bà Maria Madalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê ngay nơi táng xác Chúa khi các bà đến viếng mộ Chúa vào sáng sớm (Phúc Âm Matcô đoạn 16, câu 1. ..), sau đó với hai tông đồ Phêrô và Gioan, và nhiều lần sau nữa với các Tông đồ và nhiều người khác trong vòng 40 ngày từ khi Chúa Giêsu sống lại (Mátcô 16, 9; Gioan 20,11); đặc biệt là: lần hiện ra với "Hai Môn Đệ trên đường trở về làng Emmaus" ngay buổi chiều "ngày thứ nhất trong Tuần" (xin xem Phúc Âm Mátcô 16, 12; Luca 24,13); lần hiện ra với các Tông đồ "tám ngày sau đó tại nhà nơi các môn đệ ở" để cũng cố đức tin cho Tông đồ Tôma (xin xem Phúc Âm Gioan 20, 26); lần hiện ra với các Tông đồ tại bờ "Biển Hồ Tibêria" sau một đêm các Ngài đánh cá thất bại, giúp các Ngài đánh được một "mẻ lưới đầy cá lớn một cách lạ lung", phỏng vấn lòng tin yêu của Thánh Phêrô nơi Chúa và trao quyền lãnh đạo các Tông đồ cho Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo hội. Lần cuối cùng là lần Chúa hiện ra tại Bêtania, với các Tông đồ để "mở trí" cho các Ngài hiểu ra những điều đã ghi chép trong Kinh Thánh (CựuƯớc), củng cố thêm đức tin cho các Ngài, ban mệnh lệnh truyền giáo, hứa sẽ luôn ở với các Ngài cho đến tận thế, rồi dơ tay ban phép lành cho các Ngài trong khi "Chúa được cất về Trời" (xin xem Phúc Âm Luca 24, 44. . . ; Mátcô 16, 14. . . ; Matthêu 28, 16. . . ; Sách Tông Đồ Công Vụ 1, 4. . . ).

Từ ngày đó, các Kitô hữu đã mừng lễ vào ngày đầu tuần (ngày Chúa sống lại) chứ không vào ngày "Sabath" "Thứ Bảy" như người Do Thái. Như vậy, các Kitô hữu mừng việc Chúa Giêsu sống lại vào ngày đầu tuần và gọi là ngày "Chúa Nhật". Tuy nhiên dịp Đại Lễ Phục Sinh hàng năm là dịp mừng việc Chúa sống lại một cách đặc biệt sau một Mùa Chay dài và sau Tuần Thương Khó; như vậy là để nhắc nhở tín hữu của Chúa nhớ rằng đời người chóng qua, như "hoa sớm nở, tối tàn". Nhưng chết không phải là hết. Chết chỉ là một sự biến đổi, một sự "qua đời" (từ cuộc đời chóng qua đến cuộc sống vĩnh hằng); như cha ông chúng ta đã nói "sinh ký, tử quy". Nhưng muốn được vào cuộc sống vĩnh hằng, các tín hữu phải nhìn nhận con người yếu hèn của mình luôn bị cám dỗ và sa ngã (human weaknesses). Vì thế họ cần cầu nguyện luôn để xin ơn Chúa giúp đở, cố gắng vươn lên. Hơn nữa, sống không phải là sống một mình mà là "sống với" mọi người chung quanh. Sống nâng đỡ lẫn nhau ("chị ngã em nâng") cả tinh thần và vật chất. Về tinh thần, cùng giúp nhau phấn đấu vươn lên và canh tân cuộc sống (renewal). Về vật chất, cùng giúp đỡ nhau, nhất là giúp đỡ những người nghèo khó, thiếu thốn. Đó chính là ba chủ đề lớn của Mùa Chay Thánh hằng năm: Cầu nguyện, Hy sinh hãm mình và làm việc từ thiện (tiết kiệm để dành tiền bạc giúp đở anh chị em thiếu thốn). Khi giúp đở nhau, nhất là giúp người nghèo khó, là chúng ta giúp đở chính Chúa. Ngày chúng ta "qua đời", Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta và nói: "Hãy vào lãnh phần thưởng cuộc sống vĩnh hằng; vì xưaTa đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát, các con đã cho Ta uống..." (xin xem Phúc Âm Matthêu đoạn 25, từ câu 31...).


Trong tuần Thánh này chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa nhân từ đánh động tâm hồn chúng ta để mỗi người nhìn nhận tội mình như người 'Trộm lành' cũng bị đóng đanh với Chúa, hay như ông Dan Leach, để chúng ta khiêm tốn thú nhận tội lỗi, xin ơn Chúa thứ tha và 'ăn năn trở về' để 'sống lại' với Chúa và rao giảng Tin Mừng Tình Thương cứu độ cho mọi người.
Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban phúc lành cho mọi người chúng ta.


Somalia Đề Nghị Trao Quyền Kiểm Soát Căn Cứ Không Quân và Cảng Biển Cho Mỹ: Bước Đi Gây Tranh Cãi
(Đất Việt)


Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud được cho là đã ngỏ ý sẵn sàng trao quyền kiểm soát độc quyền các căn cứ không quân và cảng biển chiến lược cho Mỹ, trong một động thái có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị ở khu vực Sừng châu Phi.
Theo Reuters ngày 28/3, tài liệu mà hãng tin này có được tiết lộ rằng ông Mohamud đã gửi một bức thư cho Tổng thống Donald Trump vào ngày 16/3. Trong thư, Tổng thống Somalia đề xuất trao cho Mỹ quyền kiểm soát các căn cứ không quân ở Balidogle và Berbera, cùng với các cảng biển quan trọng tại Berbera và Bosaso.

Bức thư nhấn mạnh rằng động thái này sẽ giúp tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hậu cần và quân sự. Đồng thời, việc kiểm soát những cơ sở trọng yếu này sẽ giúp Mỹ đối phó với các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan đang đe dọa Somalia và các nước lân cận.
“Những tài sản có vị trí chiến lược này sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận quân sự không bị gián đoạn và ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh bên ngoài thiết lập hiện diện tại hành lang quan trọng này,” bức thư viết.

Tuy nhiên, đề xuất này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Somalia và vùng ly khai Somaliland. Vùng Berbera, một trong những địa điểm chiến lược được nhắc đến, nằm trong lãnh thổ Somaliland – nơi đã tuyên bố độc lập khỏi Somalia từ năm 1991 nhưng chưa được bất kỳ quốc gia nào trong Liên Hiệp Quốc công nhận.
Abdirahman Dahir Aden, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Somaliland, tỏ ra không hài lòng trước khả năng Mỹ hợp tác với Somalia để kiểm soát cảng Berbera. Ông Aden nhấn mạnh rằng Somaliland đã duy trì sự ổn định và hòa bình trong nhiều năm, trong khi Somalia vẫn đang vật lộn với xung đột và bất ổn.

“Hợp tác gì? Mỹ đã từ bỏ Somalia từ lâu. Giờ họ muốn làm việc với Somaliland, nơi đã chứng minh được sự ổn định và dân chủ,” ông Aden nói.
Ông cũng cảnh báo rằng Washington sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đứng về phía nào.
Phía chính phủ Somalia hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin trên. Tuy nhiên, Somalia từ lâu đã phản đối mạnh mẽ bất kỳ động thái nào công nhận Somaliland như một quốc gia độc lập.
Giới phân tích nhận định rằng nếu Mỹ chấp nhận đề xuất của Tổng thống Mohamud, điều này có thể củng cố vai trò của Washington tại khu vực và tạo thêm sức ép đối với các nhóm vũ trang cực đoan như al-Shabaab. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm gia tăng căng thẳng nội bộ ở Somalia và gây bất ổn trong khu vực.

Balidogle: Là một căn cứ không quân trọng yếu, nơi Mỹ từng triển khai các hoạt động chống khủng bố, bao gồm sử dụng máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu của al-Shabaab.
Berbera và Bosaso: Là những cảng biển có vị trí chiến lược, nối liền các tuyến đường thương mại quan trọng trên Biển Đỏ và Vịnh Aden, gần tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông.
Việc kiểm soát những địa điểm này không chỉ mang lại lợi thế về quân sự mà còn giúp Mỹ tăng cường vai trò trong việc bảo vệ các tuyến hàng hải quốc tế.
Trong bối cảnh các cường quốc như Trung Quốc và Nga ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, quyết định của Mỹ đối với đề xuất từ Somalia sẽ là một phép thử quan trọng cho chiến lược đối ngoại của Washington trong khu vực Sừng châu Phi.


NASA xoá bỏ chính sách DEI khỏi chương trình thám hiểm mặt trăng
(Gia Huy)


(Trụ sở NASA. Kim Shiflett/Kennedy Space Center of the United States/Wikipedia)
-NASA đã hủy bỏ cam kết công khai về việc đưa người phụ nữ và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng trong chương trình thám hiểm mặt trăng Artemis của cơ quan này. Sự thay đổi này nhằm đáp ứng chương trình nghị sự của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc loại bỏ các chính sách đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI) trong tất cả các cơ quan liên bang.
Chương trình Artemis của NASA đặt mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972. Cơ quan hàng không vũ trụ này của Hoa Kỳ trước đó đã tuyên bố trên trang web chính thức rằng họ sẽ đưa “người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên, và phi hành gia đối tác quốc tế đầu tiên” lên bề mặt mặt trăng.

NASA đã cập nhật trang web Artemis để loại bỏ mọi tham chiếu về sự đa dạng. Tuyên bố mới của cơ quan này lưu ý rằng Artemis III sẽ “đưa những con người đầu tiên [lên mặt trăng] để khám phá khu vực Nam Cực của mặt trăng”. Vẫn chưa rõ những chỉnh sửa này đã được thực hiện khi nào. Những thay đổi này đã được nhà báo khoa học người Anh Oliver Morton phát hiện đầu tiên và được tờ Orlando Sentinel đưa tin hôm thứ Sáu (21/3).
Trong một thông báo, một phát ngôn viên của NASA giải thích: “Tuân thủ sắc lệnh hành pháp của tổng thống, chúng tôi đang cập nhật ngôn ngữ của mình liên quan đến kế hoạch đưa phi hành đoàn lên bề mặt mặt trăng như một phần trong chiến dịch Artemis của NASA. Chúng tôi đang trông chờ để biết thêm về kế hoạch của chính quyền Trump đối với cơ quan chúng tôi và đối với việc mở rộng hoạt động thám hiểm tại Mặt Trăng và Sao Hỏa vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Tuy nhiên, phi hành đoàn Artemis II, sẽ thực hiện chuyến bay ngang qua mặt trăng mà không cần hạ cánh vào năm 2026, vẫn bao gồm nữ phi hành gia Christina Koch và phi hành gia người Mỹ gốc Phi Victor Glover.

Theo tờ The Guardian, trong quá khứ NASA đã từng bị cáo buộc là thiếu sự đa dạng và bị chỉ trích là cơ quan chỉ bao gồm những nhân viên là “những người đàn ông da trắng già cả”. Tất cả các phi hành gia đi bộ trên Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo đều là đàn ông da trắng. Trong những năm gần đây, NASA đã khởi động sáng kiến “Đa dạng trong Cơ hội Việc làm”. Sáng kiến này hiện vẫn được liệt kê trên trang web chính thức của NASA.
Hồi tháng Một, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm loại bỏ các chương DEI và “khôi phục lại việc tuyển dụng dựa trên thành tích”. Tuân thủ sắc lệnh này của tổng thống, NASA đã bắt đầu giải thể Văn phòng Đa dạng và Cơ hội Bình đẳng.
Trong một thông báo nội bộ hồi tháng Một của NASA mà tờ SpaceNews có được, quyền quản trị viên NASA Janet Petro đã chỉ trích chương trình DEI: “Các chương trình này gây chia rẽ người Mỹ theo chủng tộc, lãng phí tiền đóng thuế của người dân, và dẫn đến sự phân biệt đối xử đáng xấu hổ”.


Elon Musk Bán X Cho xAI Với Giá 45 Tỉ USD: Bước Đi Mở Đường Cho Tham Vọng AI


-Tỷ phú Elon Musk vừa gây bất ngờ khi thông báo đã bán mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cho công ty trí tuệ nhân tạo (AI) xAI của chính ông với mức giá 45 tỉ USD. Động thái này được xem là bước đi chiến lược nhằm hợp nhất công nghệ AI tiên tiến của xAI với nền tảng truyền thông xã hội quy mô lớn của X.
Trong bài đăng trên X vào ngày 28/3, Elon Musk cho biết thương vụ bao gồm 33 tỉ USD định giá của X và khoản nợ 12 tỉ USD. Ông nhấn mạnh rằng việc sáp nhập này sẽ giúp kết hợp “dữ liệu, mô hình, tính toán, phân phối và nhân tài” từ cả hai công ty, tạo ra tiềm năng đột phá trong lĩnh vực AI và truyền thông xã hội.
“Tương lai của xAI và X gắn liền với nhau. Sự hợp nhất này sẽ thúc đẩy khả năng AI, mang lại những trải nghiệm thông minh và ý nghĩa hơn cho người dùng,” Elon Musk tuyên bố.
Kể từ khi mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD vào năm 2022 và đổi tên thành X, Elon Musk đã có nhiều thay đổi gây tranh cãi. Ông sa thải khoảng 80% nhân viên, điều chỉnh chính sách xác minh tài khoản và khôi phục nhiều tài khoản từng bị khóa. Tuy nhiên, giá trị của X đã gặp nhiều biến động. Theo CNN, công ty đầu tư Fidelity từng ước tính giá trị của X chỉ bằng 20% so với lúc Musk mua lại, nhưng đến tháng 12/2024, con số này đã phục hồi lên khoảng 30%.
xAI là công ty AI do Elon Musk thành lập khoảng 2 năm trước với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với những “ông lớn” như OpenAI của Mỹ và DeepSeek của Trung Quốc. Vào tháng 2 năm nay, xAI đã ra mắt mô hình Grok-3, một sản phẩm AI tiên tiến được tích hợp trực tiếp trên nền tảng X. Việc mua lại X sẽ giúp xAI có thêm nguồn dữ liệu khổng lồ từ mạng xã hội này để huấn luyện và cải tiến các mô hình AI của mình.

Bên cạnh đó, xAI gần đây cũng đã huy động thành công 6 tỉ USD vốn đầu tư với mức định giá lên đến 40 tỉ USD. Việc kết hợp với X sẽ tạo ra một nền tảng mạnh mẽ có giá trị ước tính khoảng 80 tỉ USD, theo đánh giá của Elon Musk.
Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới, với khối tài sản khổng lồ từ nhiều công ty công nghệ hàng đầu. Ngoài X và xAI, ông còn là CEO của hãng xe điện Tesla và công ty vũ trụ SpaceX. Không chỉ vậy, Musk cũng giữ vai trò cố vấn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình cả trong lĩnh vực chính trị.

Giới phân tích nhận định rằng việc sáp nhập này có thể đẩy nhanh quá trình phát triển và ứng dụng AI trong đời sống hàng ngày. Với nguồn dữ liệu khổng lồ từ hàng trăm triệu người dùng X, các mô hình AI của xAI có thể học hỏi và phát triển nhanh chóng, mang lại các tính năng thông minh vượt trội.

Tuy nhiên, việc Elon Musk kiểm soát đồng thời cả X và xAI cũng làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và an ninh dữ liệu. Các cơ quan quản lý có thể sẽ giám sát chặt chẽ thương vụ này để đảm bảo không có hành vi lạm dụng dữ liệu hoặc độc quyền công nghệ.
Trong thời gian tới, người dùng X có thể kỳ vọng vào những thay đổi lớn khi nền tảng này được tích hợp sâu hơn với công nghệ AI. Việc trò chuyện với chatbot AI, nhận gợi ý nội dung thông minh hay thậm chí trải nghiệm các mô hình AI như Grok-3 ngay trên X có thể trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống số.
Với tầm nhìn và tham vọng không giới hạn, Elon Musk tiếp tục chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình trong cuộc đua AI toàn cầu.
Và với thương vụ 45 tỉ USD này, hành trình chinh phục trí tuệ nhân tạo của ông đang bước vào một chương mới đầy hứa hẹn.


TIN NGẮN QUỐC TẾ
(Thùy Dương)


-Người Groenland biểu tình trước lãnh sự quán Mỹ tại Nuuk, với khẩu hiệu « Groenland thuộc về người dân Groenland », ngày 15/03/2025
Khẩu hiệu MAGA mới của Groenland : «Làm cho người Mỹ cuốn gói»
Bất chấp sự phản đối của cả chính quyền và cư dân hòn đảo tự trị của Đan Mạch, phó tổng thống Mỹ JD Vance hôm thứ Sáu 28/03/2025 cùng phu nhân Usha Vance và bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright vẫn đến Groenland. Tuy nhiên, do bị lên án là « can thiệp », « gây áp lực không thể chấp nhận » cho Groenland, những « vị khách không mời mà đến » này cuối cùng đã phải rút gọn tối đa chuyến đi.
Phái đoàn Mỹ chỉ đến căn cứ quân sự Pituffik của Mỹ, nằm trên bờ biển phía tây bắc của Groenland, mà theo chính quyền Trump, là để « được báo cáo về các chủ đề có liên quan đến an ninh ở Bắc Cực » và gặp gỡ đội quân của Mỹ. Trên thực tế, căn cứ Pituffik của Mỹ là tiền đồn phòng thủ tên lửa của Washington, đặc biệt là để chống lại Nga, vì quỹ đạo ngắn nhất của tên lửa từ Nga tới Hoa Kỳ là bay qua Groenland.

Hôm thứ Năm 27/03, theo AFP, bộ trưởng Năng Lượng Mỹ Chris Wright phát biểu trên Fox News : « Ở đó có hệ thống radar rất quan trọng để phát hiện các hoạt động. Nếu các vũ khí hạt nhân đe dọa Hoa Kỳ được phóng đi, chúng sẽ không bay qua Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, mà sẽ bay qua vùng cực ».
Tuy nhiên, chuyến đi « tự ý » của phái đoàn Mỹ diễn ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ đòi « mua » Groenland, thậm chí để ngỏ khả năng dùng vũ lực, khiến công luận vùng tự trị Groenland nói riêng và chính quyền trung ương Đan Mạch, bức xúc, thậm chí làm dấy lên làn sóng bài Mỹ.
Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 27/03, nhà tư vấn Damien Degeorges, chuyên gia về Bắc Cực, giải thích :
« Đây không còn là giai đoạn mà mọi người tỏ ra khoan dung, độ lượng. Mới đây người dân Groenland đã biểu tình tại thủ đô Nuuk, nói rằng họ không thể chịu đựng được nữa. MAGA, chữ viết tắt của « Make America Great Again » (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), thậm chí giờ đây còn được chế thành khẩu hiệu mới « Make America Go Away » (Làm cho Mỹ cút đi).

Căng thẳng đã lên đến mức một dân biểu Đan Mạch, cũng là chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng của Quốc Hội, đã đòi đóng cửa lãnh sự quán của Mỹ tại Nuuk, càng sớm càng tốt. Căng thẳng như hiện nay là chưa từng có ».
Chiến thuật đàm phán kiểu « được đằng chân lân đằng đầu » của Nga
Liên quan đến chiến tranh Ukraina, vào tuần qua, tại cuộc họp thượng đỉnh hôm 27/03, ở Paris, các nước đồng minh châu Âu của Ukraina đều dứt khoát chống lại việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Thủ tướng Anh Keith Starmer thậm chí cho biết liên minh các nước tình nguyện hỗ trợ Ukraina bảo đảm an ninh đã thảo luận về cách tăng cường các lệnh trừng phạt Nga.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Washington hôm 25/03 loan báo Nga và Ukraina đã chấp nhận một lệnh ngừng bắn ở Hắc Hải và chính quyền Donald Trump sẵn sàng hỗ trợ Nga xuất khẩu nông sản, phân bón ra các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn như thường lệ, Nga cho thấy kiểu hành xử « được đằng chân, lân đằng đầu ».

Trả lời phỏng vấn đài RFI Pháp ngữ ngày 25/03, nhà nghiên cứu Cyrille Bret của Viện Montaigne nhấn mạnh rằng Nga đặt ra các điều kiện mới cho việc thi hành thỏa thuận và không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào :

« Nhóm công tác đã thảo luận về quyền tự do hàng hải ở Biển Đen, và Nga diễn giải điều này như là quyền tự do thương mại cho tất cả các công ty của Nga trong lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp, tức là xem đây là một cuộc thương lượng về các lệnh trừng phạt. Điều này có nghĩa là Nga đang phá hoại các cuộc đàm phán (được dự kiến ban đầu). Các cuộc đàm phán (được lên kế hoạch ban đầu) không phải là để bàn về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt (Nga). Các cuộc đàm phán lẽ ra phải tập trung vào lệnh ngừng bắn giới hạn theo địa lý và về quân sự.

Nga đã thêm lệnh ngừng bắn ở Hắc Hải vào lệnh ngừng bắn nói trên, với rất nhiều điều kiện liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp -thực phẩm, xuất khẩu, tài chính trong lĩnh vực này, và cả việc kết nối các ngân hàng nông nghiệp của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế.
Trên thực tế, các điều kiện do Nga đặt ra cho thấy rõ ràng rằng, thật đáng tiếc là chuyện này có rất ít cơ hội được thực hiện lâu dài ».
Estonia cải tổ Hiến Pháp để thắt chặt kiểm soát người Nga và Belarus
Tại vùng Baltic, không chỉ tích cực tăng cường khả năng quốc phòng để đối phó với nguy cơ xâm lược quân sự từ Nga, chính quyền Estonia còn thông qua dự luật sửa đổi khẩn cấp Hiến Pháp, không cho những người đến từ các nước ngoài Liên Âu và NATO tham gia các kỳ bầu cử tại Estonia. Biện pháp này được cho là chủ yếu nhằm thắt chặt kiểm soát người Nga và Belarus sống tại Estonia.
Từ Vilnius, thông tín viên RFI Marielle Vitureau trong vùng Baltic ngày 26/03 cho biết thêm :
« Đối với 61 dân biểu Estonia khởi xướng đề xuất sửa đổi Hiến Pháp, đây là vấn đề an ninh. Quyền bỏ phiếu chỉ để dành cho những công dân chia sẻ các giá trị dân chủ với Nhà nước Estonia. Quyết định này như vậy sẽ liên quan đến 80.000 công dân Nga đang cư trú tại Estonia. Số lượng công dân Nga sinh sống tại Estonia đã giảm nhẹ trong những năm gần đây.

Nhìn chung, quyền của các công dân Nga và Belarus, khoảng 200.000 người trong một khu vực có dân số 6 triệu người, đang ngày càng bị hạn chế. Ở Estonia, họ không còn được giữ giấy phép sử dụng súng. Tại Litva, công dân Nga bị cấm mua bất động sản trừ khi họ là thường trú nhân. Một dự luật dự kiến cho phép chính quyền thu hồi giấy phép cư trú của những người này nếu họ đến Nga hoặc Belarus nhiều hơn một lần trong mỗi quý.
Để tránh nguy cơ công dân nước mình bị các cơ quan tình báo Nga tuyển dụng, chính quyền các nước Baltic muốn làm mọi cách có thể để giảm thiểu sự hiện diện của những người không trung thành với đất nước, có kết nối với Matxcơva. Đó là những người bị xem là mối đe dọa chính tại khu vực ».

Thuế quan ô tô : Ai là nạn nhân mới của TT Mỹ Donald Trump ?

Về thương mại, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn trung thành với loại « vũ khí thuế quan ». « Đấu trường » mới lần này là lĩnh vực sản xuất ô tô trên quy mô toàn cầu.
Mức thuế quan 25% của Donald Trump không chỉ nhắm đến xe ô tô thành phẩm mà còn áp vào các linh kiện, phụ tùng xe hơi, trong khi ngành chế tạo phụ tùng ô tô phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo AFP, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng trong số 16 triệu xe mới được bán tại Hoa Kỳ vào năm 2024, một nửa được lắp ráp trong nước nhưng chỉ có 40-50% linh kiện được sản xuất trên lãnh thổ Mỹ. Theo chính quyền Mỹ, thâm hụt thương mại đối với phụ tùng ô tô đã lên tới 93,5 tỷ đô la.

Mức thuế 25% của Donald Trump đối với ô tô được cho là nhằm thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ, thế nhưng nhiều hãng xe Mỹ tỏ ra khá lo lắng. Ngay cả Elon Musk, chủ nhân của hãng xe điện Tesla, một người thân cận với chủ nhân Nhà Trắng, cũng thừa nhận trên mạng X là thuế quan sẽ tác động nhiều đến chi phí sản xuất của Tesla, do Tesla phải nhập khẩu nhiều linh kiện sản xuất từ nước ngoài.
Trên thực tế, ai là người chịu nhiều thiệt hại nhất từ lệnh thuế quan mới của Donald Trump ? Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 27/03, kinh tế gia Flavien Neuvy, giám đốc Đài quan sát ô tô Cetelem phân tích :
« Đó là người tiêu dùng Mỹ, những người Mỹ đi xe ô tô, bởi vì theo một cách nào đó thuế nhập khẩu này sẽ được tính vào giá xe, như vậy là chính họ sau này sẽ là những người phải gánh chịu phần thuế hải quan đó.

Và tất nhiên là mọi nhà sản xuất ô tô và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mọi người nói nhiều đến thiệt hại đối với các nhà sản xuất ô tô của châu Âu, nhất là các hãng xe của Đức, bởi vì Đức xuất khẩu rất nhiều xe sang Hoa Kỳ, đặc biệt là dòng xe cao cấp. Nhưng các nhà sản xuất xe của châu Á cũng bị tác động : rất nhiều hãng xe của Nhật Bản, hay của Hàn Quốc.
Như vậy, dĩ nhiên là có thể nói rằng toàn bộ ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng do quyết định này, một quyết định đã được mọi người dự đoán từ trước, nhưng dẫu sao thì vẫn rất thô bạo.
Chúng ta cần hiểu là ngành công nghiệp ô tô là một ngành công nghiệp mà chuỗi sản xuất tạo giá trị, tức là mọi bên liên quan tham gia vào dây chuyền chế tạo ô tô, được toàn cầu hóa rất mạnh. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất của Hoa Kỳ nhập khẩu rất nhiều linh kiện được sản xuất từ khắp nơi trên thế giới. Chính vì thế mà họ cũng sẽ gián tiếp chịu tác động từ các khoản thuế nhập khẩu này và chắc chắn các hãng xe Mỹ cũng sẽ phải tăng giá ô tô.
Như vậy đây thực sự không phải là một tin tốt đẹp cho bất kỳ ai ».

Iran công bố thêm một căn cứ tên lửa ngầm trong lòng đất

Nhìn sang Iran, trong bối cảnh căng thẳng giữa Teheran với Mỹ vẫn chưa dịu lại, một hôm sau khi tuyên bố để ngỏ khả năng « đối thoại » với Washington, lực lượng Vệ Binh Cách Mạng hôm 25/03 công bố một căn cứ tên lửa ngầm trong lòng đất, với các tên lửa có thể phóng sang tận Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết thêm :
« Đây chắc hẳn là một trong những căn cứ tên lửa ngầm lớn nhất được Iran tiết lộ trong những năm gần đây. Trong những hình ảnh được truyền hình nhà nước phát đi, mọi người có thể nhìn thấy các đường hầm lớn tới mức hai xe tải có thể chạy cùng lúc, với hàng trăm tên lửa sẵn sàng được phóng đi. Theo các bình luận, đây là những tên lửa có độ chính xác cao và có khả năng bắn tới tận Israel hoặc các căn cứ của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trong những tháng gần đây, một số căn cứ khác cũng đã được Teheran công bố để thể hiện năng lực quân sự của Iran.
Vụ công bố lần này diễn ra khi tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Teheran hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Teheran không phản hồi bức thư mà tổng thống Mỹ gửi cho họ, nhưng ngoại trưởng Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng Teheran từ chối mọi cuộc đàm phán nếu bị đe dọa ».

Không có nhận xét nào: