Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Đoàn Tuần Này: Tân Niên Ất Tỵ 2025 Đồng Hương Tây Ninh - Lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật tuần này! ngày 30 tháng 3 năm 2025 Tại Nhà hàng Dynasty, số 1001 Story Rd, Ca 95122.
TÂY NINH ĐỒNG HƯƠNG HỘI BẮC CALIFORNIA, HOA KỲ
THIỆP MỜI: THAM DỰ TIỆC TÂN NIÊN MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
<!>
Ban Chấp hành Tây Ninh Đồng Hương Hội Bắc Cali Trân trọng kính mời toàn thể Quý Đồng Hương, Gia đình và Thân hữu đến dự Buổi Tiệc Tân Niên ẤT TỴ:
ĐỊA ĐIỂM
Nhà Hàng Dynasty-1001 Story Road,-San Jose, CA 95122
THỜI GIAN-Chủ Nhật,30 tháng 3 năm 202510:00 giờ sáng –3:00 giờ chiều
ẨM THỰC
Xin yểm trợ $75 cho mỗi khẩu phần. (Trẻ em dưới 5 tuổi được miễn đóng góp)
Xin đồng hương cho biết phần ăn chay.
Sự hiện diện của Quý Vị sẽ là niềm hãnh diện và khích lệ lớn lao cho Ban BCH/ Tây Ninh Đồng Hương Hội Bắc California.
Trân trọng kính mời
TM Ban Tổ Chức
Trương Thị Vân Lan
LL: (408) 990-5345, (408)759-9339
QUÊ HƯƠNG MẾN YÊU: TÂY NINH QUÊ TÔI!
(Phan Công Phúc)
Tây Ninh có núi Bà Đen
Có chùa Tòa Thánh bông sen cửa vàng
Có hồ Dầu Tiếng thênh thang
Có sông Vàm Cỏ trăng vàng soi gương!.
Trời xanh đỉnh núi mây vương
Kênh đồng tưới mát con đường chiều quê
Bạt ngàn mì, mía ven đê
Cao su thẳng cánh cò về xa xa!.
Ai về nhớ ghé… Điện Bà
Cáp treo êm ả đi qua nơi này
Chùa Bà khói quyện hương bay
Bồng bềnh mây trắng đắm say lòng người!.
Ai về nhớ ghé… vui chơi
Rồng Nhang rực sáng, rạng ngời Cộ Tiên
Đêm rằm Hội Yến hoa viên
Tứ linh quả phẩm thết truyền nhân gian!.
Ai về nhớ ghé… Trảng Bàng
Bánh canh, muối ớt thương mang làm quà
Ôi yêu sao… chốn quê nhà!
Tình tôi trao cả… như là quê hương!.
Giới Thiệu Chút Về Tây Ninh Quê Hương Tôi
Tây Ninh là một tỉnh ở Đông Nam của Miền Nam Việt Nam.
Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Sài Gòn và thủ đô Phnôm Pênh vương quốc Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm về phía Nam. Tỉnh có Thị xã Tây Ninh nằm cách Thành phố Sài Gòn khoảng 99 km theo đường quốc lộ 22, cách biên giới Campuchia 40 km về phía Tây Bắc .
Vùng đất Tây Ninh từ thời xưa, vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp, với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là "Chuồng Voi" vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn,... cư ngụ. Những người thổ dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang, thì vùng đất này mới trở nên phát triển.
Lịch sử
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, đồng thời đổi tên phủ Gia Định thành trấn Gia Định. Năm 1808, trấn Gia Định đổi lại đổi là thành Gia Định, gồm có 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Năm 1832, vua Minh Mạng định tiếp tục tổ chức hành chánh ở Gia Định, từ 5 trấn chia thành 6 tỉnh, gồm có Phiên An tỉnh thành (tức trấn Phiên An cũ), Tỉnh Biên Hòa (trấn Biên Hòa cũ), Tỉnh Định Tường (trấn Định Tường cũ), Tỉnh Vĩnh Long (trấn Vĩnh Thanh cũ), Tỉnh An Giang, Tỉnh Hà Tiên. Lúc bấy giờ, vùng đất Tây Ninh thuộc Phiên An tỉnh thành. Năm 1838, vua Minh Mạng đổi Phiên An tỉnh thành là tỉnh Gia Định gồm có 3 phủ, 7 huyện. Các phủ là Phủ Tân Bình có 3 huyện, Phủ Tân An có 2 huyện, Phủ Tây Ninh có 2 huyện. Năm 1861, Sau khi thực dân Pháp chiếm Tây Ninh, việc cai quản ở 2 huyện được thay thế bằng 2 Đoàn Quân sự đặt tại Trảng Bàng và Tây Ninh. Năm 1868, hai đoàn Quân sự được thay thế bằng hai Ty Hành chánh. Sau nhiều lần thay đổi, năm 1897 Tây Ninh gồm có 2 quận là Thái Bình, Trảng Bàng, trong đó có 10 tổng, 50 làng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer cho áp dụng nghị định ký ngày 20 tháng 12 năm 1899 đổi các khu tham biện (inspections) là tỉnh (province). Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia làm 20 tỉnh để cai trị và sau đó Cap St. Jacques (Vũng tàu) tách ra thành tỉnh thứ 21.
Ngày 9 tháng 12 năm 1942, Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định 8345 ấn định ranh giới Tây Ninh. Sau Cách Mạng Tháng Tám tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên ranh giới cũ. Năm 1950, cắt một phần đất của Thái Hiệp Thạnh cũ thành lập thị xã Tây Ninh, nhưng do chưa đủ điều kiện hoạt động nên sau đó giải thể. Sau hiệp định năm 1954, thành lập lại Thị xã Tây Ninh trên địa bàn cũ Năm 1957, Tây Ninh chia thành 3 quận gồm có Châu Thành, Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng.
Năm 1963, tỉnh Tây Ninh gồm 4 quận là quận Phú Khương, Phước Ninh, Hiếu Thiện, Khiêm Hanh.
Cảnh Đẹp Tây Ninh
Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Núi Bà Đen cao 986m là nơi có nhiều truyền thuyết nổi tiếng, ở đây có một bảo tàng được xây dựng trong động Kim Quang và một ngôi chùa cùng tên rất nổi tiếng. Tây Ninh là thánh địa của đạo Cao Đài với Tòa Thánh Tây Ninh nguy nga, tráng lệ. Ngoài ra còn có đạo Phật, đạo Kitô, đạo Hồi và nhiều đạo khác. Tây Ninh còn là nơi có hồ thủy lợi nhân tạo từng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đó là hồ Dầu Tiếng.
Hệ động và thực vật
Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng giúp cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp. Nguồn nước ngầm ở Tây Ninh phân bố rộng khắp trên địa bàn, bảo đảm chất lượng cho sản xuất và đời sống của người dân.
Khí hậu
Tây Ninh nối cao nguyên Nam Trung với đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng. Khí hậu Tây Ninh tương đối ôn hoà, chia thành 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Nhiệt độ tương đối ổn định, với nhiệt độ trung bình năm là 26 – 270C và ít thay đổi, Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1800 – 2200 mm. Mặt khác, Tây Ninh nằm sâu trong lục địa, có địa hình cao núp sau dãy Trường Sơn.
(Hình: Cáp treo núi Bà Đen)
Tây Ninh nổi tiếng với các loại đặc sản sau đây:
•Bánh Tráng phơi sương: Lọai đặc sản này ngày nay đã được sản xuất ở nhiều địa phương trong tỉnh và được sản xuất công nghiệp, nhưng nó vẫn gắn liền với địa danh Trảng Bàng. Trước năm 1980, Bánh Tráng Trảng Bàng được sản xuất từ củ sắn (khoai mì). Nhưng ngày nay thì chỉ được sản xuất từ lúa gạo. Để làm ra Bánh Tráng phơi sương phải qua nhiều công đoạn khá công phu và cầu kỳ.
•Bánh Canh thịt heo: Bánh Canh Trảng Bàng là một loại thức ăn nổi tiếng của Tây Ninh có từ rất lâu đời. Nó đã trở thành một sản phẩm du lịch, một điểm dừng chân thân thuộc đối với khách du lịch.
•Muối tôm: là một đặc sản rất nổi tiếng của Tây Ninh.
•Mãng cầu Bà Đen (trái na): được trồng tại khu vực gần núi Bà Đen của Tây Ninh. Cùng với việc chọn thời vụ canh tác, chăm sóc ra hoa vào các tháng khác nhau mà trái mãng cầu có quanh năm. Ngay cả các tháng 3-4-5, sản lượng cũng đạt gần 1.000 tấn/tháng. Tỉnh Tây Ninh đã tiến hành về bảo hộ địa danh dưới hình thức chỉ dẫn địa lý "Bà Đen" cho sản phẩm mãng cầu được trồng ở khu vực núi Bà Đen và vùng phụ cận núi Bà.
Một Ít Cảnh Đẹp Tây Ninh
Tây Ninh nơi có nhiều phong cảnh thiên nhiên thật đẹp.
Núi Bà Đen (cao 986m).
Hồ Dầu Tiếng (hồ thủy lợi nhân tạo).
Tòa thánh Tây Ninh (Thánh địa của Đạo Cao Đài).
Tòa thánh.
Cao su mùa lá rụng.
Cao su mùa thay lá.
Nhắc Nhở! Chủ Nhật Tuần Này Nhớ Tham Dự: Tân Niên Đồng Hương Tây Ninh
Lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 30 tháng 3 năm 2025
Tại Nhà hàng Dynasty, số 1001 Story Rd, Ca 95122
Tin Quốc Tế Đó Đây
Mỹ Rút Tài Trợ: Liên Hiệp Quốc Cảnh Báo Nguy Cơ Có Thêm 6 Triệu Người Chết Vì AIDS
(Hình minh họa: Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc (ONUAIDS) tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 8/4/2019.)
-Sẽ có hơn 6 triệu người chết vì bệnh AIDS trong 4 năm tới, tức nhiều gấp 10 lần so với năm 2023, nếu các hoạt động phòng chống AIDS không có đủ kinh phí cần thiết. Đó là cảnh báo của người đứng đầu Cơ quan Phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS / ONUAIDS), điều phối phòng chống HIV/AIDS toàn cầu.
Trong một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 24/3/2025, Giám đốc UNAIDS, bà Winnie Byanyima cho biết việc chính quyền Hoa Kỳ đột ngột cắt giảm tài trợ khiến các hệ thống giám sát, chẩn đoán và điều trị tại 27 quốc gia Phi Châu có nguy cơ "sụp đổ". Việc cắt tài trợ khiến "hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh phải đóng cửa, hàng ngàn nhân viên y tế bị sa thải". Theo bà Winnie Byanyima, về lâu dài, chính quyền Hoa Kỳ có lý khi muốn giảm tài trợ, nhưng việc này cần được tiến hành từng bước, việc cắt giảm đột ngột đã gây ra "các hậu quả vô cùng tệ hại".
Thông tấn xã AFP dẫn lời lãnh đạo Cơ quan Phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc, theo đó, dịch bệnh có nguy cơ sẽ bùng lên không chỉ tại các nước có thu nhập thấp ở Phi Châu, mà cả tại "khu vực miền Đông Âu Châu và Mỹ Châu Latinh" hay "Á Châu". Dịch bệnh có thể bùng lên tương tự như trong thập niên 1990-2000. Giám đốc UNAIDS nhấn mạnh "các tiến bộ đạt được từ 25 năm nay có nguy cơ bị đảo ngược. Tình hình hiện tại là rất nghiêm trọng".
Bà Winnie Byanyima kêu gọi chính quyền Donald Trump tái lập tài trợ và nói rõ là nếu các tài trợ của Mỹ cho USAID không được nối lại vào tháng 4/2025, sau quyết định tạm ngừng 90 ngày của Hoa Thịnh Ðốn, hoặc không có nước nào thay thế Hoa Kỳ đóng góp phần ngân sách thiếu hụt, thì trong vòng 4 năm tới ước tính sẽ có thêm 6,3 triệu người chết vì AIDS, với số ca nhiễm mới mỗi ngày là khoảng 2.000 người.
Năm 2024, UNAIDS nhận được 50 triệu Mỹ kim tài trợ từ chính quyền Hoa Kỳ. Theo lãnh đạo UNAIDS, hiện tại chưa có quốc gia nào ngỏ ý định đóng góp tài chính cho cơ quan Liên Hiệp Quốc này.
Donald Trump Áp Thuế Xuất Cảng 25% Đối Với Những Nước Nhập Cảng Dầu Khí Venezuela
(Hình AP - Matias Delacroix, tư liệu, minh họa: Khu phức hợp dầu khí Jose Antonio Anzoategui tại Barcelona, Venezuela, ngày 9/1/2024.)
-Hôm 24/3/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tất cả những nước nhập cảng dầu hỏa hay khí đốt của Venezuela đều sẽ bị áp mức thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ.
Từ New York (Hoa Kỳ), thông tín viên Loubna Anaki của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Đây không phải là lần đầu tiên ông Donald Trump nhắm vào Venezuela. Cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ đã cáo buộc đồng nhiệm Nicolas Maduro không muốn hợp tác trong việc đón nhận những di dân Venezuela bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Đồng thời ông Trump đã chấm dứt giấy phép cho tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ được hoạt động tại Venezuela.
Lần này, Tổng thống Trump cố ngăn cản các nước khác làm ăn với Caracas, với cam kết rằng bất kỳ quốc gia nào mua khí đốt hoặc dầu hỏa của Venezuela đều sẽ bị áp thuế hải quan 25% đối với tất cả hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ, kể từ ngày 2/4.
Theo ông Donald Trump, đây là một biện pháp cần thiết, vì ông cáo buộc Venezuela đã đưa đến Hoa Kỳ "hàng chục ngàn tội phạm, bao gồm cả những kẻ sát nhân", chẳng hạn như băng đảng Tren De Agua. Tổng thống Mỹ hứa sẽ tiếp tục trục xuất người di cư.
Lời đe dọa của ông Trump nếu được thực hiện có thể ảnh hưởng đến các quốc gia như Trung Quốc, khách hàng mua dầu hỏa chủ yếu của Venezuela. Ngày có hiệu lực của mức thuế nói trên trùng với ngày có hiệu lực của thuế quan hỗ tương mà ông Donald Trump muốn áp dụng đối với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Vị Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa gọi ngày 2/4 là "Ngày Giải phóng".
Theo hãng tin AFP, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh hôm 25/3 lên án Hoa Thịnh Ðốn "can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela", đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ "những trừng phạt đơn phương bất hợp pháp" đối với Caracas.
TIN VẮN - TIN TỔNG HỢP
(RFI) - Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định không "khiêu khích" Greenland. Hôm Chủ Nhật (22/3/2025), Tòa Bạch Ốc loan báo phu nhân của Phó Tổng thống Mỹ, JD.Vance, bà Usha Vance cùng một phái đoàn của Hoa Thịnh Ðốn, tuần này đến thăm Greenland, vùng tự trị nằm dưới sự quản lý của Đan Mạch với vị trí chiến lược và giàu tài nguyên khoáng sản ở Bắc Cực. Hôm 24/3, thủ tướng mãn nhiệm của Greenland, ông Mute Egede tố cáo sự "can thiệp của ngoại quốc" và khẳng định không có buổi làm việc với phái đoàn Mỹ.
(AFP) - Ottawa kiện Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Gia Nã Ðại không chấp nhận Trung Quốc tăng thuế bổ sung với nông phẩm và thủy sản nhập cảng. Đây là biện pháp đáp trả của Bắc Kinh về việc Ottawa đánh thuế xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc. Hôm 25/3/2025, Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết rằng Ottawa coi những biện pháp đó là "không phù hợp với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo nhiều điều khoản của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1994 và bản ghi nhớ thỏa thuận giải quyết tranh chấp". Đôi bên có thời hạn 60 ngày để tham vấn, tìm giải pháp thoải đáng.
(AFP) - Tập đoàn xe hơi Nam Hàn Hyundai sẽ đầu tư 21 tỷ Mỹ kim vào Hoa Kỳ trong 4 năm tới đây. Hôm 24/3/2025, Giám đốc điều hành của Hyundai, ông Chung Eui-sun thông báo như trên với Tòa Bạch Ốc, trước sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump. Khoản đầu tư 21 tỷ Mỹ kim của Hyundai bao gồm 5,8 tỷ Mỹ kim đầu tư để phát triển một xưởng đúc tại tiểu bang Louisiana, miền Nam Hoa Kỳ. Theo ước tính, đầu tư của Hyundai sẽ tạo thêm 1.300 việc làm tại Hoa Kỳ.
(AFP) - Tổng thống Pháp tiếp Tổng thống Ukraine. Theo thông báo của Điện Elysée hôm 25/3/2025, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp đồng nhiệm Ukraine, Volodymyr Zelensky, vào tối 26/3 để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh vào thứ Năm (27/3) tại Paris giữa các lãnh đạo của "Liên minh các Quốc gia Tự nguyện" sẵn sàng tham gia bảo đảo an ninh cho Ukraine. Theo một nguồn ngoại giao, hơn 20 nước được mời dự thượng đỉnh "về hòa bình và an ninh cho Ukraine".
(AFP) - Họp Tổng tham mưu trưởng Pháp, Anh. Cuộc họp diễn ra ngày 24/3/2025 tại Luân Đôn, Anh Quốc. Hai bên thảo luận về những bảo đảm an ninh cho Ukraine trong trường hợp đạt được Thỏa thuận Ngưng bắn với Nga, trong khuôn khổ "liên minh các quốc gia tự nguyện" mà Paris và Luân Đôn đang cố gắng thành lập. Đây là cuộc họp thứ ba giữa lãnh đạo quân đội của hai nước kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Starmer bắt đầu nỗ lực thành lập liên minh này.
(AFP) - Nguyên tử: Iran sẵn sàng đàm phán gián tiếp với Mỹ. Hôm 24/3/2025, Ngoại trưởng Iran, ông Abbas Araghchi tuyên bố như trên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư để áp Teheran đạt được một Thỏa thuận mới về nguyên tử với Hoa Thịnh Ðốn. Ngoại trưởng Iran vẫn bác bỏ mọi đàm phán trực tiếp với Mỹ", khi nào mà chính sách của Hoa Thịnh Ðốn đối với Cộng hòa Hồi giáo "vẫn không thay đổi".
(AFP) - Xe hơi điện: BYD qua mặt Tesla về doanh số. Tập đoàn xe hơi điện BYD của Trung Quốc đã qua mặt đối thủ Hoa Kỳ Tesla trong năm 2024, với doanh số kỷ lục, vượt qua ngưỡng 100 tỷ Mỹ kim, so với doanh số của Tesla chỉ đạt 97,7 tỷ Mỹ kim. Trong những năm gần đây, BYD đã mở rộng thị trường, đặc biệt là sang Âu Châu. Hôm 24/3, tập đoàn Trung Quốc còn thông báo một kỹ thuật mới có thể nạp điện rất nhanh cho bình điện của xe hơi, tức là chỉ trong 5 phút có thể nạp đủ điện để xe chạy được quãng đường xa đến 470 cây số.
(AFP) - Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài lệnh cấm tập hợp ở thủ đô Ankara. Hôm 25/3/2025, chính quyền địa phương thông báo triển hạn lệnh cấm cho đến ngày 1/4, vào lúc các cuộc biểu tình rầm rộ vẫn tiếp diễn để phản đối vụ bắt giữ Thị trưởng Istanbul, ông Ekrem Imamoglu, thuộc phe đối lập. Lệnh cấm tập hợp cũng đã được ban hành ở Istanbul và Izmir. Trong đêm 24/3, hàng chục ngàn người lại xuống đường ở Istanbul và hàng chục thành phố khác, một phong trào với tầm mức chưa từng có kể từ năm 2013.
(AFP) - Chiến dịch tấn công Houthis: Chính quyền Trump để lộ tin tối mật, đối lập tố cáo sự việc "vô cùng nguy hiểm". Hôm 24/3/2025, Tổng biên tập tạp chí nổi tiếng The Atlantic, ông Jeffrey Goldberg tiết lộ đã nhận được kế hoạch oanh kích của quân đội Mỹ nhắm vào lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen hôm 15/3, qua mạng xã hội Signal, 2 tiếng đồng hồ trước khi cuộc tấn công diễn ra. Tổng thống Donald Trump hôm 24/3 khẳng định không hay biết gì về sự việc này, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Brian Hughes xác nhận là chính quyền đang điều tra sự việc. Lãnh đạo thiểu số Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer kêu gọi tiến hành "một cuộc điều tra đầy đủ".
(NHK) - Ðiện Cẩm Linh: Đang hoàn tất chuẩn bị cho chuyến công du của lãnh đạo Bắc Hàn. Hôm 24/3/2025, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, ông Dmitri Peskov cho biết lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn, ông Kim Jong Un đã nhận được lời mời chính thức của Nga. Thời gian cụ thể của chuyến thăm đang được hai bên thảo luận. Tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Bình Nhưỡng. Lãnh đạo hai nước có ý định tổ chức cuộc thượng đỉnh tiếp theo tại Mạc Tư Khoa. Theo các nguồn tin ngoại giao Nga, trong chuyến công du Bắc Hàn tuần trước, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Sergueï Choïgou đã chuyển đến lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn thư mời của Tổng thống Nga.
(AFP) Liên Hiệp Âu Châu cảnh báo: Các cuộc oanh kích của Do Thái tại Syria có nguy cơ khiến "căng thẳng leo thang trở lại". Trong chuyến công du Jerusalem hôm 24/3/2025, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu (EU) Kaja Kallas khẳng định: "Các hành động quân sự cần phải được tiến hành ở mức độ phù hợp", các cuộc oanh kích của Do Thái trên thực tế là không cần thiết, vì Syria không tấn công Do Thái vào thời điểm này, các hành động như vậy chỉ nuôi dưỡng thái độ thù địch với Do Thái gia tăng. Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cũng cho biết Liên Hiệp Âu Châu "có cùng nỗi lo ngại" như Do Thái đối với tân chính quyền Syria.
(AFP) – Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Gaza bị xe tăng Do Thái tấn công. Theo một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc hôm 24/3/2025, "nhiều tòa nhà của cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Deir el-Balah" đã bị một xe tăng Do Thái tấn công ngày 19/3. Một nhân viên Liên Hiệp Quốc, người Bảo Gia Lợi, thiệt mạng và 6 người khác bị thương, trong cuộc tấn công này. Hôm 24/3, quân đội Do Thái cũng thừa nhận đã bắn nhầm vào một văn phòng của Hội Hồng Thập tự (ICRC). Cũng hôm 24/3, theo Hamas, quân đội Do Thái đã giết hại ít nhất 21 người tại Rafah, gần biên giới Ai Cập, đưa số người chết kể từ đầu tháng 3 lên gần 700, trong đó hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em.
(AFP) - Đợt cháy rừng lớn thứ ba trong lịch sử Nam Hàn đương đại. Theo Bộ Nội vụ Nam Hàn hôm 25/3/2025, khoảng 15.000 hecta rừng bị cháy, thiệt hại tiếp tục gia tăng. Cháy rừng bùng lên trong kỳ nghỉ cuối tuần qua khiến 4 người chết, nhiều người bị thương nặng và khoảng 3.000 người phải di tản. Đây được coi là đợt cháy rừng nghiêm trọng thứ ba trong lịch sử Nam Hàn. Khoảng 7.000 nhân viên cứu hỏa được huy động. Khô hạn và gió mạnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc cháy rừng quy mô lớn.
(AFP) - Hội Đồng Toàn Âu Châu lên án chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ "sử dụng vũ lực thái quá" chống người biểu tình. Hôm 24/3/2025, Ủy ban Nhân quyền của Hội Đồng Toàn Âu Châu bày tỏ quan ngại về việc cảnh sát sử dụng bạo lực thái quá và việc chính quyền ban hành "các quy định siết chặt thông tin" về tình hình căng thẳng hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh bùng lên phong trào phản kháng chống việc bắt giữ lãnh đạo chủ chốt của đối lập, Thị trưởng Istanbul, ông Ekrem Imamoglu.
Tin Việt Nam Hôm Nay
Đà Lạt sắp thành “phường”: Cú sốc hành chính và ký ức khó phai của một thành phố mộng mơ
-Một thông tin bất ngờ vừa được báo Tuổi Trẻ tiết lộ ngày 23/3: Đà Lạt – thành phố nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng và lịch sử trăm năm – có thể sẽ không còn là một đơn vị cấp thành phố mà sẽ trở thành… một phường, sau kế hoạch sáp nhập hành chính giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận.
Dù tin đồn về việc sáp nhập hai tỉnh đã râm ran từ vài tuần trước khi những hình ảnh văn bản rò rỉ xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng đến khi chi tiết “Đà Lạt sẽ chỉ là một phường” xuất hiện trong bản tin chính thức, không ít người dân và dư luận mạng đã sửng sốt. Hiện vẫn chưa rõ tên gọi của tỉnh mới sau sáp nhập là gì, nhưng điều chắc chắn là cấu trúc hành chính của Đà Lạt sẽ thay đổi sâu sắc.
Ba phương án phân chia được đưa ra gồm: phường Đà Lạt có thể hình thành từ các phường 1, 2, 3, 8, 9, 10; hoặc từ phường 1, 2, 3, 4, 10; hoặc một phương án mở rộng hơn gồm phường 1 đến 7, phường 10 và xã Tà Nung.
Tin tức này ngay lập tức tạo ra làn sóng bình luận sôi nổi trên mạng xã hội. Một số người dự đoán các thành phố khác như Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hay Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) rồi cũng sẽ “chung số phận”. Nhiều người hài hước chế ảnh gọi Đà Lạt sắp tới là “phường hoa”, “phường buồn” hay “phường sương mù”, như cách chơi chữ đầy tiếc nuối với danh xưng thơ mộng đã gắn liền với thành phố từ lâu.
Không chỉ là một đơn vị hành chính, Đà Lạt từ lâu là một biểu tượng văn hóa – lịch sử. Nơi đây bắt đầu hình thành từ năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên. Từ một khu tự trị năm 1920, Đà Lạt nhanh chóng trở thành thị xã và đến năm 1926 đã có tính tự trị cao, trực thuộc Toàn quyền Đông Dương.
Năm 1945, Đà Lạt trở thành một đô thị quy mô với 25.000 dân, được biết đến như một trung tâm giáo dục, nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Dương.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Đà Lạt tiếp tục được quy hoạch phát triển với nhiều trường học danh giá, trung tâm văn hóa, và kiến trúc kiểu Pháp độc đáo, biến nơi đây thành “tiểu Paris” giữa núi rừng. Tuy nhiên, kể từ năm 1964, khi chính trường miền Nam bắt đầu rối ren và chiến tranh leo thang, tốc độ phát triển của Đà Lạt dần chậm lại.
Ngày nay, với gần 400.000 dân và diện tích hơn 391 km², Đà Lạt không chỉ là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng mà còn là trái tim du lịch của vùng Tây Nguyên, nơi lưu giữ ký ức và cảm xúc của nhiều thế hệ người Việt.
Việc Đà Lạt có nguy cơ mất tên gọi thành phố để trở thành một “phường” – dù chỉ là thay đổi trên giấy tờ – vẫn khiến nhiều người tiếc nuối. Với họ, Đà Lạt không chỉ là một đơn vị hành chính, mà là một miền ký ức, một biểu tượng văn hóa, một chất thơ rất riêng của đất nước hình chữ S.
Chuyện hành chính có thể thay đổi, nhưng trong lòng người, Đà Lạt mãi là Đà Lạt – thành phố mộng mơ, thành phố của sương và thông reo, chứ chẳng thể chỉ là một “phường” như văn bản sẽ ghi.
Bà Trương Mỹ Lan sắp ra tòa phúc thẩm, đối mặt khả năng y án tử hình
– Phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai của bà Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sẽ chính thức mở vào ngày 25 Tháng Ba tại Tòa Án ở Sài Gòn, trong một vụ án được xem là lớn bậc nhất lịch sử tư pháp Việt Nam, với số tiền thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Bị cáo Lan từng bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình vì tội “tham ô tài sản,” cùng các mức án chung thân và tù dài hạn cho hàng loạt tội danh khác như “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” “rửa tiền,” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.”
Theo báo Pháp Luật ngày 21 Tháng Ba, trước phiên phúc thẩm, bà Lan đã thuê thêm bốn luật sư để hỗ trợ việc bào chữa, nâng tổng số luật sư lên tám người, trong đó có các tên tuổi như Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Giang Hồng Thanh và Nguyễn Thị Huyền Trang.
Trong đơn kháng cáo gửi tòa, bị cáo Lan không phản đối các tội danh mà Viện Kiểm Sát truy tố. Thay vào đó, bà bày tỏ “tôn trọng cáo trạng” và chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt với lý do hoàn cảnh cụ thể dẫn đến hành vi phạm tội, đặc biệt là trong quá trình phát hành trái phiếu liên quan đến ngân hàng SCB – tổ chức tài chính được bà kiểm soát gián tiếp.
Theo lời khai, vì SCB cần vốn huy động, bà Nguyễn Phương Hồng (nguyên phó giám đốc SCB, đã qua đời) đề xuất dùng các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Bị cáo Lan cho rằng việc này phát sinh từ nhu cầu tài chính khẩn cấp, và số tiền thu được được phân phối cho nhiều đơn vị khác nhau, chứ không chỉ phục vụ cho cá nhân bà.
Trước tòa, bà cũng đề nghị thu hồi số tiền này để hoàn trả cho những nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu, xem đó là một nỗ lực nhằm “khắc phục hậu quả.”
Trong khi đó, chồng của bà Lan – ông Chu Lập Cơ, mang quốc tịch Hồng Kông – đã chấp nhận mức án hai năm tù vì tội “rửa tiền” và không kháng cáo, đồng nghĩa với việc ông sẽ không có mặt trong phiên phúc thẩm sắp tới.
Tòa hiện vẫn tiếp tục lệnh kê biên tài sản của bà Lan và người thân nhằm bảo đảm thi hành án. Dù bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phía tòa cho biết nếu bị cáo Lan tự nguyện nộp thêm khoảng ba phần tư giá trị thiệt hại để “khắc phục hậu quả,” thì án tử có thể được xem xét chuyển xuống mức án chung thân.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn ba ngày trước phiên xử, chưa có thông tin nào được các báo trong nước công bố về việc gia đình bà Lan tiếp tục nộp tiền như những lần trước. Điều này khiến dư luận cho rằng bị cáo có thể đã lường trước khả năng phiên tòa sẽ tuyên y án tử hình khi kết thúc vào giữa Tháng Tư tới.
Vụ án Vạn Thịnh Phát không chỉ làm rúng động ngành tài chính Việt Nam mà còn làm lộ ra hàng loạt lỗ hổng nghiêm trọng trong quản lý ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kéo theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, cơ quan kiểm toán và giám sát tài chính sa lưới.
Đây cũng là phiên tòa được công luận theo dõi chặt chẽ với kỳ vọng tạo ra tiền lệ cho các vụ đại án tham nhũng trong tương lai.
Đà Nẵng đề xuất phương án làm hầm chui qua sông Hàn và qua sân bay
(Minh Long)
(Sông Hàn tại Đà Nẵng.)
-Theo Sở Xây dựng, phương án xây hầm qua sông Hàn Đà Nẵng dự kiến có tổng mức đầu tư công trình dự kiến 6.880 tỷ đồng.
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo đề xuất phương án xây dựng công trình hầm vượt sông Hàn và hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Với phương án xây dựng hầm vượt sông Hàn, hầm có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 1,67km, trong đó bao gồm hầm kín vượt sông Hàn 600m, hầm kín trên bờ 380m và hầm hở 415m.
Điểm đầu của tuyến hầm vượt sông Hàn kết nối với đường Đống Đa, quận Hải Châu và điểm cuối kết nối với đường Vân Đồn, quận Sơn Trà.
Dự kiến, công trình có mức dự toán đầu tư khoảng 6.880 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng 3.900 tỷ đồng, chi phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho xây dựng dự án 2.000 tỷ đồng và các chi phí khác.
Đối với dự án tuyến kết nối giao thông theo hướng Đông – Tây qua sân bay Đà Nẵng, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đề xuất tuyến hầm có chiều dài hơn 2,9km.
Tuyến hầm này dự kiến nối từ đường Trường Chinh đến đường Duy Tân và từ đường Trường Chinh đến đường vành đai phía Tây 2, gồm 2 đoạn hầm hở tổng chiều dài 570m, 3 đoạn hầm hộp tổng chiều dài 1.450m và hầm qua đường băng hiện có 900m.
Dự án được đề xuất xây hai phương án, gồm phương án 1 là tuyến tàu điện ngầm (MRT) đi chung với đường bộ, phương án 2 là tuyến MRT không đi chung với đường bộ.
Theo phân tích, phương án 1 có độ khó kỹ thuật cao, chi phí khoảng 10.000 tỷ đồng, mức an toàn và vận hành trung bình, khó mở rộng MRT nhưng mức phù hợp với hạ tầng cảng hàng không Đà Nẵng cao.
Phương án 2 có độ khó kỹ thuật thấp hơn, chi phí khoảng 7.500 tỷ đồng, mức an toàn và vận hành cao, dễ mở rộng MRT nhưng mức phù hợp với hạ tầng cảng hàng không Đà Nẵng chỉ ở mức trung bình.
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng kiến nghị không kết hợp bố trí tuyến MRT và đường bộ đi chung do tiêu chuẩn kỹ thuật của hai loại hình này khác nhau.
Hiện tiến độ đầu tư tuyến MRT chưa được xác định. Với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, việc xác định hướng tuyến và công nghệ sẽ được lựa chọn tại thời điểm đầu tư. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế của sân bay Đà Nẵng đang được quy hoạch mở rộng, phương án tuyến MRT cũng cần sớm được nghiên cứu.
Sân bay Quốc tế Đà Nẵng giữ vai trò là cửa ngõ hàng không quan trọng của miền Trung, đứng thứ 3 trong danh sách các sân bay lớn nhất Việt Nam. Nằm tại “TP. đáng sống nhất Việt Nam”.
Với diện tích 842ha và khả năng phục vụ 16 triệu hành khách mỗi năm, sân bay luôn được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cấp hạ tầng, và bổ sung nhà ga mới.
Nhờ đó, chất lượng dịch vụ tại sân bay ngày càng được nâng cao, mang đến sự thoải mái và tiện lợi cho hành khách.
Việt Nam đẩy nhanh mở rộng đảo tại Trường Sa, chuẩn bị bước vào giai đoạn xây dựng cơ sở phòng thủ
-Các hoạt động bồi đắp, cơi nới và xây dựng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa đã đạt bước tiến rõ rệt trong năm 2024, khi diện tích đất mới được hình thành gần tương đương với mức của Trung Quốc, theo báo cáo phân tích từ tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) công bố ngày 22 Tháng Ba.
Trong vòng tám tháng, từ Tháng Mười Một 2023 đến Tháng Sáu 2024, Việt Nam đã gấp rút bồi đắp thêm 641 mẫu đất tại các thực thể đang kiểm soát, nâng tổng diện tích đất nhân tạo và khu vực nạo vét tại Biển Đông lên 3,319 mẫu – bằng khoảng 71% so với 4,650 mẫu mà Trung Quốc đã thực hiện tại Trường Sa.
Không chỉ dừng ở diện tích, Hà Nội cũng mở rộng mạng lưới hậu cần và cơ sở hạ tầng, với ít nhất 8 bến cảng mới đang được hình thành. Điều này cho thấy mục tiêu tăng cường khả năng tiếp vận trên biển, mở rộng tầm hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật và quân sự tại khu vực đang tranh chấp gay gắt này.
Theo AMTI, trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam tập trung hoàn tất các dự án bồi đắp ở các thực thể như đảo Thuyền Chài (143 mẫu), Đá Lớn (118 mẫu), Đá Lát (125 mẫu) và Đá Nam (121 mẫu) – vốn trước đây chỉ là rạn san hô chìm. Một số đảo như Nam Yết và Sơn Ca có vẻ đã hoàn tất quá trình bồi đắp, trong khi Đá Núi Le đang được mở rộng về phía Bắc để gia cố tiền đồn cũ.
Phân tích gia Derek Grossman của trung tâm Rand Corporation (California) nhận định rằng động thái này không phải lúc nào cũng thuận lợi cho Hà Nội trên bình diện đối ngoại. “Những gì người ta thấy đây không tốt đẹp gì cho Hà Nội,” ông nói sau khi xem xét các hình ảnh vệ tinh do AMTI công bố.
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, đây có thể là bước đi quan trọng giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc trong khả năng hiện diện dài ngày tại Trường Sa. Trước năm 2021, Việt Nam chỉ có 4 tiền đồn có bến cảng, nhưng hiện con số đó đã tăng gấp ba với việc mở bến tại các thực thể như Phan Vinh, Trường Sa Đông, Sơn Ca và mới nhất là Tiên Nữ – nơi đang diễn ra nạo vét bên trong đầm nước để làm bến tàu.
Một điểm đáng chú ý khác là việc mở rộng hạ tầng không chỉ dừng ở cảng biển. Theo AMTI, từ mùa thu năm ngoái, một phi đạo dài khoảng 2,700 mét đã được khởi công tại đảo nhân tạo Thuyền Chài. Nếu hoàn tất, đây sẽ là đường băng dài nhất của Việt Nam ở Trường Sa, thay thế cho phi đạo ngắn hiện tại tại đảo Trường Sa Lớn – vốn chỉ phù hợp cho máy bay quân sự cỡ nhỏ.
Ngoài Thuyền Chài, các đảo nhân tạo như Đá Lát, Phan Vinh và Tiên Nữ – với diện tích mới được bồi đắp đáng kể – cũng có thể là những vị trí tiềm năng cho việc xây dựng phi đạo mới trong tương lai gần.
Bắc Kinh đến nay hầu như giữ im lặng trước những diễn tiến này. Tuy nhiên, vào Tháng Hai vừa qua, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Quách Gia Khôn – đã lên tiếng phản đối việc Hà Nội xây dựng phi đạo tại Thuyền Chài, mở màn cho những căng thẳng mới trong thời gian tới.
Giới quan sát nhận định rằng, sau giai đoạn bồi đắp rầm rộ, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ trên các đảo nhân tạo. Khi đó, các dấu hiệu về năng lực quân sự thực tế mà Hà Nội muốn phát triển tại Trường Sa sẽ trở nên rõ ràng hơn, và cũng có thể kéo theo các phản ứng gay gắt hơn từ phía Trung Quốc.
Hương Nhà, Còn Nhớ Không Em: Ăn mắm kiểu miền Tây lục tỉnh
-Khi bàn về văn hóa ẩm thực Nam bộ, có lần nhà văn Sơn Nam từng khẳng định “mắm là đặc trưng của Nam bộ, được hình thành bởi sự “hôn phối” giữa trời đất và con người. Đó là tính hào sảng của thiên nhiên và tính tiết kiệm của con người”.
Theo tác giả Hương rừng Cà Mau, vùng đất Nam bộ thuở cha ông ta đi mở cõi đầy ắp những cá tôm, ăn không hết nên những người đi khai hoang ngày ấy đã biết đến cách làm mắm để dành. Mắm là thức ăn được ưa chuộng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long từ hàng trăm năm nay.
Ngoài cách làm mắm để dành, bà con còn làm khô, nhưng mắm có ưu thế hơn vì có thể dự trữ dài ngày hơn và chế biến được thành nhiều món ăn, với nhiều cách ăn khác nhau: ăn mắm sống, kho mắm, chưng mắm, chiên mắm, làm lẩu mắm…
Gần như loại cá nào cũng làm mắm được, trừ những loại cá nhiều mỡ, bởi cá nhiều mỡ làm mắm hoặc làm khô dễ bị hôi dầu. Mắm làm từ các loài thủy sản khác nhau: tôm, cua, còng, ba khía… mỗi thứ có một hương vị đặc trưng riêng. Ăn mắm là một nghệ thuật ẩm thực dân gian trong dòng chảy văn hóa bình dân miền đất mới.
Mắm sống “độc” mà lạ
Ăn mắm sống tức là không qua chế biến, nấu nướng. Mắm ăn sống rất đa dạng về chủng loại, nhưng được nhiều người cho là ngon nhất có mắm cá chốt, cá linh, cá rô, cá sặc, cá trê, đặc biệt là mắm tép và mắm ba khía.
Mắm lóc sống còn được chế biến bằng cách xắt thịt con mắm rồi ướp đường, tỏi trộn với đu đủ mỏ vịt bào nhỏ và được gọi là mắm thái. “Thủ phủ mắm” Châu Đốc nổi tiếng với mắm thái, không nơi nào sánh bằng.
Mắm cá linh, cá chốt sau khi ướp muối, để một thời gian rồi trộn với thính và chao qua đường hoặc mật ong. Để khi mắm “tới”, dở mắm ra ăn sống với cơm, hoặc với khoai lang luộc một cách ngon lành. Ăn kèm với con mắm sống là trái bần chua hay chấm mắm với nước cốt chanh, tắc và không thể thiếu ớt hiểm, ít lát gừng, tỏi… để món ăn trung hòa, ngon miệng.
Riêng mắm tép được trộn với đu đủ mỏ vịt, củ riềng… để thêm một hai ngày cho mắm chua, gọi là nem mắm. Nem mắm được gói rau sống bằng cách hái đọt đu đủ non trải ra, đặt mấy lát chuối, khế, trái sung, trái gòn non, trái ớt hiểm cùng mắm tép sống rồi cuốn lại một cuốn cỡ cườm tay người lớn, ăn như thế mới đã, và cách ăn này đã trở thành dấu ấn ẩm thực dân gian của người xa xứ đến đây lập nghiệp.
Ngày nay, thay vì xài đọt đu đủ non, người ta thường dùng bánh tráng để gói nem mắm. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, mắm tép Cà Mau có màu đỏ au bắt mắt, nhìn đã thích, lại có mùi thơm nồng của gừng, vị cay của ớt, vị mặn của nắng vùng biển…
Để ăn mắm ba khía, người ta xé con ba khía đã làm thành mắm ra trộn với nước cốt chanh, đường, ớt, tỏi, gừng… để một thời gian cho thấm. Ăn mắm ba khía phải dùng tay bốc mắm đã ướp nhai rau ráu cùng với khoai lang nấu, củ chuối luộc hay cơm nhưng phải là cơm nguội mới đúng điệu và mới ngon.
Mắm đã chế biến
Món mắm đã qua chế biến thông dụng nhất của người miền Tây Nam bộ là mắm chưng. Có hai cách chưng quen thuộc: để nguyên con và bằm nhuyễn con mắm đem chưng với hột vịt.
Đặt những con mắm lóc cỡ cườm tay khoanh tròn trong tộ, thêm hành tím, hành lá xắt nhuyễn, tiêu xay, ớt, tỏi, gừng xắt lát và chút đường, bột ngọt rồi cho tộ mắm vào nồi cơm nấu trên bếp lửa vừa chắt nước và đậy kín nắp. Khi cơm chín thì mắm cũng thơm nồng. Ăn cơm mắm chưng cùng đĩa rau muống hay đọt nhãn lồng luộc hoặc các loại rau sống gồm chuối chát, khế chua, đọt xoài, rau càng cua, năng, cù nèo, bông lục bình, bông súng… thì no quên thôi!
Với mắm làm bằng các loại cá nhỏ hơn, đặc biệt là cá rô, cá sặc… khi chưng phải bằm con mắm thật nhuyễn, nêm thêm ít bột ngọt, đường cùng ớt, tiêu, hành củ, tỏi… cho thơm. Mắm được trộn với thịt ba rọi, gan heo bằm nhuyễn, kế đó đập vài ba hột vịt vô tô mắm và dùng đũa khuấy thật đều. Hấp cách thủy tô mắm, dùng đũa xăm thử để biết mắm đã chín kỹ chưa. Cần nhớ: thỉnh thoảng mở nắp nồi để xả hơi nước đọng, nếu không nước nhỏ vào tô mắm sẽ không ngon.
Ở vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu người ta còn chiên mắm cá lóc. Người khéo tay chiên con mắm không bị nát, không để mắm dính chảo hay bị cháy khét. Con mắm chiên còn nguyên hình dáng, vàng ươm được dọn trong dĩa, chung quanh xếp các loại rau vườn đẹp mắt và hấp dẫn. Món ăn này khiến người ăn nhớ mãi hương vị đồng quê đậm đà như câu hát Con cá làm ra con mắm/ Vợ chồng già thương lắm mình ơi!
Cùng là mắm nhưng mỗi địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có một loại mắm đặc trưng. Được biết đến nhiều là mắm ruột cá lóc, mắm cá đồng, mắm tép Cà Mau; mắm rươi Trà Vinh; mắm sặt Đồng Tháp Mười; mắm còng Bến Tre; mắm cá linh (chỉ có vào mùa nước nổi) An Giang, Đồng Tháp; mắm bò hóc của người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng; mắm cá trèn, mắm thái ở Châu Đốc.
Mắm ruột được làm hoàn toàn bằng ruột cá lóc đồng mà phải con cỡ trọng mới ngon, mới béo. Mắm ruột khá đắt tiền, ngày càng hiếm do cá lóc đồng ngày càng giảm.
Ngay mắm cá lóc đồng hiện cũng khó kiếm, thường ở chợ chỉ có mắm cá lóc được nuôi. Cá linh chỉ có khi nước nổi về. Cá linh non (cá linh đầu mùa, mới về theo con nước lớn) thì kho mía, nấu canh chua bông điên điển… Cá linh già (cuối mùa, cỡ lớn hơn) được dùng làm mắm.
(Minh Thương)
Những món mặn kết hợp vị ngọt ngào của chè
(Minh Lê)
Cuốn Hút Chè Cá Rô, Heo Quay, Hột Vịt
Ngọt như chè? Đúng chớ hổng sai, tuy nhiên vài loại chè lại nấu từ các nguyên liệu cho món mặn chẳng ai ngờ có mặt trong chè. Nghe cái tên thôi nhớ cả đời: chè cá rô, chè heo quay bột lọc và chè hột vịt!
Chè Cá Rô
Món chè đặc biệt này nằm trong thực đơn dành riêng cho các vua triều Nguyễn, hoàn toàn không xuất hiện trong dân gian. Theo truyền thuyết cung đình, vua Gia Long Nguyễn Ánh được ăn chè cá rô từ một bà cụ ở Gò Công trong lúc đang lẩn trốn quân Tây Sơn. Vì món Việt không có chè cá rô, tôi đồ rằng lúc đó bà cụ chỉ có con cá rô vừa bắt được, cùng ít đường mía và bột bình tinh. Vì không có gạo nấu cháo, bà đành nấu chè rồi thả cá vô cho Nguyễn Ánh ăn mau hồi sức.
Hẳn Vua Gia Long đã kể lại câu chuyện này cho các con nghe, nên khi con trai Gia Long – Vua Minh Mạng lên ngôi, ông ra lệnh cho các quan thái y tái hiện món chè này. Quả là một thách thức lớn cho các thầy thuốc cung đình, những người quen nấu thuốc hơn nấu món ăn. Cuối cùng với sự giúp đỡ của đội Thượng Thiện, họ đã thành công làm Vua hài lòng với món chè cá rô, gồm đủ các nguyên liệu trong câu chuyện xưa nhưng dĩ nhiên có thêm thắt và thay đổi trong cách chế biến.
Cá rô phải qua ba bước sơ chế, tôi đoán là tách nạc cá, rửa qua nước trà ngon để khử mùi tanh, ướp tương đậu mèo, hấp chín rồi mới thả vào chè. Chè nấu bằng bột bình tinh và đường mía thượng hạng, trong và đặc. Thịt má đào (phần trong của má heo) vừa mềm vừa giòn vì có lớp gân mềm chạy lẫn trong thịt, ngon chẳng kém thịt bò Kobe của Nhật. Trứng gà so lòng đỏ vàng mơ, luộc chín, cắt miếng vuông vắn. Chút tinh dầu bạc hà thoang thoảng.
Theo tác giả Phan Thanh Hải, người đã có diễm phúc thưởng thức chè cá rô, thì “mỗi muỗng chè đều toát lên hương vị thanh tao, tựa như mùi mứt gừng hay mứt bí được làm ở xứ Huế. Vị chè ngọt thanh đậm, một lúc sau thì chua dịu.” (“Mỹ vị nhân gian: chè cá rô đồng Huế” 6/2024) Hẳn là “vị chua dịu” đến từ tương đậu mèo – thứ nguyên liệu tôi cảm thấy bí ẩn nhất trong chè cá rô. Tại sao là tương đậu mèo mà không phải tương đậu nành – loại tương an toàn và phổ biến hơn với khẩu vị Việt?
Chè Heo Quay
Nếu chè cá rô là “thâm cung bí sử” thì chè heo quay đã thoải mái từ cung đình bước ra đường phố, tuy không ai nhớ chè heo quay thành món chè bình dân của Huế từ lúc nào. Ừ nhỉ, từ khi nào mà chè heo quay lặng lẽ sánh vai với vài chục loại chè Huế trên sạp hàng cô bán chè duyên dáng trên vỉa hè rộng rãi hay trong khu chợ nhộn nhịp đông người? Cạnh chè đậu vàng, đỏ, trắng, tím, chè thạch đen trắng, chè trái cây rực rỡ sắc màu, chè heo quay trở nên cực kỳ khiêm tốn.
Nhưng chè heo quay vẫn có sự tự tin của riêng nó. Từng viên bột lọc nho nhỏ tròn vo, mờ mờ ẩn hiện heo quay màu hổ phách và mảnh nhỏ nấm mèo đen tuyền. Nước đường trong vắt, ngọt thanh, thơm hương lá dứa. Vài sợi gừng cay bồng bềnh.
Ăn chè heo quay là phải ăn trọn viên bột, đừng xắn ra mất ngon. Bột lọc ngấm nước đường ngòn ngọt, dai dai. Heo quay thì… ơ sao chẳng giống heo quay thường ăn tí nào! Đậm vị thịt, thơm ngũ vị hương, mỡ giòn và béo một cách nho nhã.
Hỏi thăm cô hàng mới biết, heo quay nấu chè phải qua “hai chìm hai đảo một lênh đênh”. Từ trụng nước sôi cho lần “chìm” đầu tiên, rồi đảo đều với đường cho mỡ trong và thơm. “Chìm” lần thứ hai trong mỡ tiết ra trên lửa, heo quay thu nhỏ, giòn tan. Chắt hết mỡ, heo quay lại xoay tròn với ngũ vị hương và tí muối, trở nên óng ánh như hổ phách. Nấm mèo mềm mại thơm gia vị cùng tung tăng trong chảo giữa mùi thơm ngào ngạt. Bột lọc dịu dàng bọc nhưn rồi nhảy vô nước sôi, hoàn tất bước “lênh đênh” cuối cùng.
Rồi thì nước đường và bột lọc heo quay cũng gặp nhau sau chặng đường dài, mừng rỡ âu yếm ôm nhau. Với giọng Huế dịu dàng, cô hàng nhẹ nhàng cho biết thêm rằng mỗi lần chè gần hết cô mới làm bột lọc heo quay cho nồi mới, vì làm trước thì bột khô, thịt cứng mất ngon. Chè heo quay quyến rũ người thưởng thức lúc trời se lạnh, Huế bảng lảng sương mù bằng chén chè nóng ấm giữa hai bàn tay, hay khi chiều xuống giữa ngày nóng bức, chén chè lành lạnh thoảng hơi mát rượi.
Công phu từng chút, thanh nhã có thừa, chè heo quay đâu cần chi màu sắc rực rỡ. Dù có buồn tới đâu, ăn một chén chè heo quay bột lọc, bạn sẽ thấy “và con tim đã vui trở lại”. Như tôi nè, tôi còn có hứng làm thơ nữa:
Bột lọc mà bọc heo quay,
Làm cho anh phải lòng ngay… cô hàng!
Chè Hột Vịt
Bạn có thể tưởng tượng cảnh này không: hàng ngàn con vịt tha thẩn kiếm ăn trên cánh đồng bát ngát phủ đầy rơm rạ, hay chạy lạch bạch dọc bờ đất rồi tràn xuống rạch, thong thả bơi theo dòng nước. Theo sau chúng là người chăn vịt vung vẩy cây sào dài. Cả một vùng vang vọng tiếng vịt kêu cạc cạc, tiếng bước chân lạch bạch, tiếng vịt quẫy nước tung tóe. Tinh mơ, khi lũ vịt còn đang rúc vào nhau mà ngủ, người chăn vịt đã nhẹ nhàng đi quanh ổ rơm lượm trứng. Vài ngàn trứng vịt chất đầy túi lưới, chờ vựa tới lấy.
Người nuôi vịt chạy đồng ở miền Tây có sướng mà cũng có khổ. Sướng là được nay đây mai đó, biết nhiều, hiểu nhiều. Khổ là phải sống gần như màn trời chiếu đất, giữa đồng không mông quạnh mà lo cho vịt, nhiều khi Tết vẫn không về nhà. Mỗi lần tới xóm nào, họ lại đem ít trứng vịt vô xóm biếu bà con làm quen. Có người còn “mua đậu xanh, đem trứng vịt vô trong xóm nhờ bà con nấu chè rồi cùng nhau ăn, trò chuyện, gắn kết nghĩa tình” (Quốc Dũng, “Đời du mục nuôi vịt chạy đồng”)
Chè hột vịt đậu xanh, một món chè miền Tây ít người biết, có bao giờ bắt nguồn như vậy không ta? Một ngày đẹp trời, anh chăn vịt chạy đồng đem hột vịt vô thăm xóm, gặp cô thôn nữ đang nấu chè đậu xanh phổ tai bột khoai nước dừa. Ảnh năn nỉ đóng góp hột vịt cho chè, cổ cầm lòng không đặng nên chịu đập vỏ giùm ảnh xong thả trứng vô nồi. Chè sôi lăn tăn, lòng đỏ chín mọng như son giữa lớp lòng trắng mềm mại. Chè nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, ai cũng khen ngon. Từ đó, chè hột vịt ra đời.
Tất nhiên là không có ai làm chứng cho câu chuyện về nguồn gốc chè hột vịt của tôi, nhưng ca dao miền Tây từng mùi mẫn hơn nhiều khi nhắc tới vịt chạy đồng:
“Chiều chiều vịt lội mênh mông,
Cầu trôi ván nổi ai bồng em qua.”
Thấy chưa, người ta cho “cầu trôi ván nổi” để được bồng người kia qua… sông kìa, chuyện “hột vịt gặp chè đậu xanh” của tôi vẫn còn “tay mơ” lắm.
Nói tóm lại, chè cá rô, heo quay, hột vịt dù chứa nguyên liệu mặn vẫn cứ ngọt ngào như ai. Kết hợp bất ngờ giữa ngọt và mặn không chỉ thử phiêu lưu về vị giác, mà còn dám phá vỡ mọi quy tắc. Vậy đó, táo bạo có khi là thứ gia vị kỳ diệu nhất nâng tầm cả ẩm thực và cuộc sống!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét