Động đất mạnh tại Miến Điện, dư chấn đến Thái Lan và Trung Quốc Một trận động đất mạnh 7,7° Richter đã xảy ra ở Miến Điện ngày 28/03/2025 khiến ít nhất 20 người thiệt mạng. Nước láng giềng Thái Lan cũng bị dư chấn, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok sau khi một tòa nhà 30 tầng đang xây dở bị sập, có 3 người chết, 81 người mất tích theo thống kê tạm thời của Thái Lan. Thủ tướng Ấn Độ cho biết sẵn sàng hỗ trợ Miến Điện sau khi tập đoàn quân sự kêu gọi quốc tế hỗ trợ.
<!>
Một bệnh viện lớn ở thủ đô Naypyidaw đang điều trị cho « vài trăm nạn nhân ». Nhiều người bị thương cũng được sơ cứu ngay bên ngoài các cơ sở y tế. AFP ghi nhận cảnh náo loạn trong các bệnh viện, với hàng trăm người bị thương. Những con đường dẫn đến một trong những bệnh viện lớn nhất ở thủ đô bị kẹt cứng. Rất nhiều công trình bị hư hại.
Trận động đất xảy ra lúc 14 giờ 20 (giờ địa phương) ở miền trung Miến Điện, cách thành phố Sagaing khoảng 16 km về phía tây bắc, vài phút sau là trận động đất khác 6,4° Richter, gây dư chấn đến tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc và Thái Lan. Một tòa nhà 30 tầng đang xây ở miền bắc Bangkok bị sập khiến ít nhất 43 công nhân bị mắc kẹt. Những đợt rung lắc cũng xảy ra ở thủ đô Bangkok, gây hoảng loạn. Nhiều tuyến đường sắt đô thị tạm ngừng hoạt động.
Thông tín viên RFI Valentin Cebron tại Bangkok cho biết thêm thông tin:
« Bangkok rung chuyển vào đầu giờ chiều, khoảng 13 giờ 30. Lúc đó tôi đang ngồi trong quán cà phê ở tầng cao nhất của một trung tâm thương mại và cả tòa nhà tự nhiên rung chuyển. Người dân lo sợ, chạy về hướng cầu thang và thang cuốn để đi xuống, một số người thì nấp dưới bàn. Chúng tôi không biết rõ phải làm gì. Cả tòa nhà đã được sơ tán, vẫn còn rất nhiều người đứng trước tòa nhà, một số khác thì đi về.
Trước mặt tôi là một người bán hàng rong ngồi ngay trước tòa nhà, vẫn còn sốc. Bà nói là lần đầu tiên trong đời thấy đợt rung lắc mạnh như vậy. bà bán hàng bên cạnh thì cho biết là đã từng trải qua vì một trận động đất mạnh 6° Richter đã xảy ra ở miền bắc Thái Lan năm 2014 và cũng gây dư chấn đến tận Bangkok ».
Nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp tại thượng đỉnh Paris
Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, 27/03/2025, ở Paris của Pháp, các nước đồng minh châu Âu của Ukraina đều dứt khoát chống lại việc bãi bỏ các trừng phạt đối với Nga. Nhưng về bảo đảm an ninh cho Kiev, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Trong cuộc họp quy tụ khoảng 30 nước châu Âu, Anh và Pháp vẫn khẳng định vai trò hàng đầu trong việc triển khai một lực lượng « trấn an » ở Ukraina trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Tuy nhiên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhìn nhận là đề xuất của Anh và Pháp, được thảo luận từ nhiều tuần qua, đã không được các đối tác châu Âu nhất trí tán đồng.
Trong cuộc họp báo, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết « còn nhiều câu hỏi » và « có ít lời giải đáp » về nhiệm vụ, các trách nhiệm và thành phần của lực lượng « trấn an ». Về phần mình, tổng thống Macron nhắc lại, lực lượng « trấn an » không phải là lực lượng duy trì hòa bình, không có mặt dọc theo các chiến tuyến, không thay thế quân đội Ukraina. Lực lượng « trấn an » sẽ chỉ được triển khai ở « một số vị trí chiến lược được xác định cùng với phía Ukraina » nhằm răn đe.
Theo hãng tin AFP, tổng thống Macron hôm qua thông báo, một phái đoàn Anh-Pháp sẽ đến Ukraina « trong những ngày tới », chủ yếu để chuẩn bị cho một mô hình tương lai của quân đội Ukraina, mà theo ông sẽ là bảo đảm an ninh cho nước này.
Về mặt kinh tế, các nước châu Âu yểm trợ cho Ukraina đều dứt khoát không chấp nhận bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một khả năng mà Hoa Kỳ đang dự trù.
Thủ tướng Anh Keith Starmer nhấn mạnh: « Có một sự đồng thuận rằng đây không phải là thời điểm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Ngược lại, chúng tôi đã thảo luận về cách tăng cường các trừng phạt đó ». Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho rằng việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng ». Lãnh đạo các nước tham gia thượng đỉnh Paris rất nghi ngờ thực tâm của Matxcơva muốn chấm dứt xung đột.
Dưới áp lực của Mỹ, Ukraina đã chấp nhận lệnh ngừng bắn trong 30 ngày. Sau các cuộc đàm phán tại Ả Rập Xê Út qua trung gian Hoa Kỳ, hôm thứ Ba 25/03, một thỏa thuận về ngừng bắn ở Hắc Hải đã được công bố, nhưng Nga đã đặt ra rất nhiều điều kiện thực thi thỏa thuận, trong đó có việc dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Nga, một yêu cầu được Nhà Trắng ủng hộ.
Cam kết của Anh và Pháp đảm bảo an ninh cho Ukraina có thành hiện thực nếu thiếu Hoa Kỳ?
Sau cuộc họp thượng đỉnh Paris hôm qua, câu hỏi được đặt ra là Anh và châu Âu có thể đạt được mục tiêu đưa quân vào « bảo đảm hòa bình» cho Ukraina không có sự tham gia của Hoa Kỳ?
Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn:
Từ đêm 27/03, đài báo Anh liên tục chạy tin về hội nghị Paris, với điểm nhấn là cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình của thủ tướng Anh Keir Starmer, đứng cạnh tổng thống Zelensky, cam kết Anh và châu Âu không bỏ cấm vận Nga và kiên quyết gìn giữ an ninh cho Ukraina.
Thủ tướng Anh còn nói ông đã cử các cấp chỉ huy quân đội Anh sang Ukraina tới đây để thảo luận về việc đội quân châu Âu sẽ bảo vệ các cơ sở chiến lược của Ukraina ra sao, dù họ không ra tuyến đầu đối mặt với quân Nga, một khi cuộc ngưng bắn do Hoa Kỳ dàn xếp có hiệu lực. Nhưng theo nhà báo Jeremy Bowen thì liên minh các nước châu Âu gồm Anh « sẽ chật vật để đảm bảo an ninh được cho Ukraina ».
Vướng mắc chính vẫn là chuyện Hoa Kỳ không nhìn nhận kế hoạch an ninh riêng cho Ukraina do Anh, Pháp và châu Âu thiết kế. Đặc sứ Mỹ, tỷ phú bất động sản Steve Witkoff đã công khai chê bai sáng kiến này và còn bóng gió chỉ trích thủ tướng Anh, cho rằng « bắt chước vẻ cứng rắn như Winston Churchill » thời Thế Chiến 2 “« là “ước muốn quá đơn giản » (a symplistic desire). Câu nói của đó hẳn làm đau lòng ông Starmer, người bỏ nhiều công sức để đóng vai trò nhà lãnh đạo thời chiến của châu Âu.
Công bằng mà nói, ý tưởng của Anh và châu Âu muốn tách khỏi Hoa Kỳ về an ninh và quốc phòng không có gì sai trái, theo các báo Anh, vì nước Mỹ thời Trump trở thành « một đồng minh hết đáng tin cậy ». Nhưng các nước này cần thời gian, từ 3 đến 5 năm để tự chủ về quốc phòng, như chính như chính lời ông Zelensky đánh giá. Còn thực tế trước mắt thì rất phũ phàng. Khoảng thời gian họ muốn đảm bảo an ninh cho Ukraina một cách có hiệu quả đang được tính bằng tuần và tháng. Một cuộc ngưng bắn, nếu được Nga chấp thuận vào dịp lễ Phục Sinh sắp tới, sẽ chỉ có được nếu Nga thỏa thuận xong với Hoa Kỳ vì quyền lợi hai bên, như bỏ cấm vận các ngân hàng Nga, cho họ quay lại hệ thống thanh toán tiền tệ quốc tế (Swift), chứ không phải vì Nga sợ châu Âu.
EU từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga
Liên minh châu Âu (EU) sẽ không đáp ứng yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ngân hàng nông nghiệp chính của nước này như một phần của sáng kiến ngừng bắn Biển Đen được thảo luận giữa Moskva và Washington, phát ngôn viên Ban Đối ngoại của Ủy ban Châu Âu, bà Anitta Hipper tuyên bố.
Theo Điện Kremlin, trong các cuộc đàm phán giữa các chuyên gia Nga và Hoa Kỳ tại Riyadh, Ả Rập Saudi vào thứ Hai (24/3), các bên đã nhất trí sẽ tiến tới khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, trong đó sẽ bao gồm việc dỡ bỏ các hạn chế của phương Tây đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga và các tổ chức tài chính khác tham gia vào hoạt động bán thực phẩm và phân bón quốc tế. Moskva và Washington coi lệnh ngừng bắn trên biển là một bước tiến tới giải quyết cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times vào thứ Tư (26/3), bà Hipper nhấn mạnh rằng: “Một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng để sửa đổi hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, là chấm dứt hành động xâm lược vô cớ và vô lý của Nga ở Ukraine và rút toàn bộ lực lượng quân sự Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine“.
“Trọng tâm chính của EU vẫn là tối đa hóa áp lực lên Nga, sử dụng mọi công cụ có sẵn, bao gồm cả lệnh trừng phạt, để làm giảm khả năng tiến hành chiến tranh của Nga chống lại Ukraine“, bà Hipper nhấn mạnh.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã xác nhận vào thứ Ba (25/3) rằng chính quyền của ông đang cân nhắc dỡ bỏ một số hạn chế đối với Moskva. Ông Trump nói rằng: “Có khoảng năm hoặc sáu điều kiện. Chúng tôi đang xem xét tất cả chúng“.
Tổng thống Ukraine Zelensky sau đó tuyên bố rằng Kiev không đồng ý với lệnh ngừng bắn trên biển vì nó biểu trưng cho “sự suy yếu về lập trường và sự suy yếu của các lệnh trừng phạt” đối với Nga.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, ban đầu được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm 2022, nhằm đảm bảo việc vận chuyển an toàn các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine để đổi lại việc phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Moskva đã rút khỏi thỏa thuận này một năm sau đó, với lý do phương Tây không thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào thứ Tư (26/3) rằng lệnh ngừng bắn trên biển chỉ có thể có hiệu lực khi một số điều kiện nhất định do Nga đặt ra được đáp ứng. “Tất nhiên, lần này công lý phải thắng thế và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với người Mỹ [về Sáng kiến Biển Đen]“, ông Peskov nhấn mạnh.
Tổng thống Nga gợi ý tưởng lập « chính quyền chuyển tiếp » tại Ukraina dưới sự bảo trợ của LHQ
Hôm nay, 28/03/2025, tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ý tưởng thành lập một « chính quyền chuyển tiếp » cho Ukraina, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nhằm tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống « dân chủ » tại quốc gia này trước bất kỳ cuộc đàm phán nào về một thỏa thuận hòa bình.
Theo AFP, ông Vladimir Putin đưa ra đề xuất này ngay sau khi các đồng minh châu Âu của Kiev họp tại Paris để thảo luận vấn đề « bảo đảm » an ninh cho Ukraina trong đó Vương quốc Anh và Pháp đưa ra kế hoạch triển khai lực lượng « trấn an » sau khi có được một thỏa thuận hòa bình tại Ukraina.
Theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một phái đoàn Pháp-Anh dự kiến sẽ tới Ukraina « trong những ngày tới », để chuẩn bị cụ thể « khuôn khổ quân đội Ukraina », mà theo ông, vẫn là « sự bảo đảm an ninh chính » của Ukraina.
Trong một cuộc gặp các đơn vị hải quân Nga vào đêm khuya tại Murmansk (tây-bắc Nga), ông Putin nói : « Tất nhiên chúng ta có thể thảo luận với Hoa Kỳ, thậm chí với các nước châu Âu, và tất nhiên với các đối tác và bạn bè của chúng ta, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, về khả năng thành lập một chính quyền chuyển tiếp tại Ukraina ».
Tổng thống Nga giải thích thêm : « Để làm gì ? Để tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ bầu ra một chính phủ có năng lực, và được nhân dân tin tưởng rồi sau đó bắt đầu đàm phán với chính quyền này về một hiệp định hòa bình và ký kết các văn bản hợp pháp ».
Matxcơva đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận Volodymyr Zelensky là tổng thống hợp pháp của Ukraina vì nhiệm kỳ chính thức của ông kết thúc vào tháng 5 năm 2024. Tuy nhiên, điều kiện đất nước đang trong chiến tranh không cho phép Ukraina tổ chức bầu cử tổng thống.
Lãnh đạo Điện Kremlin tuyên bố tuyên bố chắc chắn rằng. « Trên toàn bộ tiền tuyến, lực lượng của chúng ta có sáng kiến chiến lược (...) và hoàn toàn tin tưởng Nga sẽ đạt được mục tiêu trong cuộc chiến này ».
Theo giới quan sát, trong khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mong muốn thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Ukraina càng sớm càng tốt, Nga lại có vẻ như đang kéo dài thời gian bằng cách từ chối lệnh ngừng bắn toàn diện để tăng cường ưu thế quân sự trên thực địa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét