Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

Giới Thiệu 2 Sinh Hoạt Độc Đáo, Nhiều Ý Nghĩa, Mở Đầu Tháng Tư Đen! Đều Có Tên “Sài Gòn!” Mến Yêu và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Bắc Cali, Tuần Tới, Giã Từ Niềm Đau “Tháng Ba Gãy súng!” Bước Vào Không Khí Tang Tóc Của Đất Nước, Tưởng Niệm Tháng Tư Đen! Mở Đầu Cho Sinh Hoạt Nhớ Về Nửa Thế Kỷ Đau Thương, Với 2 Buổi Đều Có Tên “Sài Gòn!” -Thứ Bảy, ngày 5 tháng 4/2025. Buổi Sinh Hoạt Gây Quỹ Bảng Hiệu, Để Tiểu Bang California Đầu Tiên, Có Xa Lộ Mang Tên Little Saigon! Tham Dự Xin Ủng Hộ 40 Đô La. -Chủ Nhật, ngày 6 tháng 4/2025: Chiều Nhạc Tưởng Niệm “50 Năm Sài Gòn Mất Tên!” (Phải mang tên…xác người!) Vào Cửa, Nước Uống Tự Do!
<!>
-Cả 2 Buổi Sinh Hoạt Trên, Đều Do Người Lính KQ Lê Văn Hải Là Trưởng Ban Tổ Chức! Gốc Nhà Tu, Người Lính! (Trưởng Nhóm Thúc Đẩy Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt & Mỹ. Trưởng Nhóm Thực Hiện Tượng Đài Thuyền Nhân San Jose) Khuôn mặt hoạt động quên mình, hy sinh bền bỉ, không biết mệt mỏi, trên 40 năm nay, (cùng với Ủy Ban Báo Nguy Người Vượt Biển, quyên góp trên một triệu đô la, yểm trợ những con tầu Tình Thương ra khơi, cứu vớt trên 3 ngàn Thuyền Nhân! đến bến bờ tự do!) Hoạt động hữu hiệu trong công tác xây dựng cộng đồng, và tranh đấu tự do dân chủ cho Quê Hương! (Cùng với Việt Dũng, Việt Cộng trong nước lên án, đã ưu ái dành cho bản án...tử hình!)
Với thiện chí trên, Nên Rất Kính Mong Được Quý Đồng Hương Tham Gia Đông Đảo.
Trân Trọng Kính Mời!


Tháng Tư 2025! Người Việt Tị Nạn CS Hải Ngoại, Đầu Tiên Có Xa Lộ Mang Tên “Little Saigon Freeway!”


Chúc Mừng Niềm Chiến Thắng Chung! Thêm Một Thành Quả Đoàn Kết Đấu Tranh Sáng Ngời, Trong Tháng Tư Đen!
Chào mừng tên Xa Lộ “Little Saigon Freeway!” lần đầu tiên trong lịch sử tị nạn! Sự thành công vinh quang này, là một niềm tự hào chung cho toàn thể cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam. Vì đó là biểu tượng, nhằm ghi nhận sự hiện diện và đóng góp của cộng đồng người Việt trên toàn California, cũng như tại hải ngoại. Đặc biệt là vào thời điểm đánh dấu 50 năm ngày người Việt tỵ nạn cộng sản rời xa quê hương vào tháng 4 đen, năm 1975. Cú tát vào mặt CSVN, chúng tước tên, nhưng Sài Gòn không bao giờ mất tên!
Sự thành công cho việc đổi tên xa lộ này, là là niềm tự hào, hãnh diện chung của người Việt Nam tại khắp nơi! Đặc biệt Miền Bắc và Nam California, nơi có hai cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản lớn nhất tại Hoa Kỳ, cũng như tại hải ngoại, cùng bền bỉ tranh đấu chung, mới có một kết quả tốt đẹp như thế!
Tháng Tư 75, Sài Gòn mất tên! 50 năm sau, một Xa Lộ có tên “Little Saigon Freeway!” trên đất Mỹ!


Thư Mời

Kính gởi:
- Quý thân hào nhân sĩ
- Quý Hội Đoàn,Đoàn Thể Người Việt Quốc Gia Tị Nạn CS
- Quý cơ quan Truyền Thông Báo Chí
- Quý Thanh Niên Sinh viên , Hậu duệ VNCH

Kính thưa quý vị,
Nhằm gìn giữ căn cước tỵ nạn CS và sự hiện diện của Cộng Đồng Người Việt trên đất nước Hoa Kỳ, Dân biểu Tiểu Bang Cali Tạ Đức Trí đã đệ trình dự luật AB 2698 đặt tên 1 đoạn xa lộ dẫn vào Little Sài Gòn trên Freeway 405 là Little Sài Gòn Freeway và cũng được Cộng Đồng Việt Mỹ miền Bắc Cali đệ trình thỉnh nguyện Thư tới Thượng Nghị Sĩ Dave Cortese, đặc trách Trưởng Ban giao thông của California và cũng là nhân chứng của Dự Luật AB 2698. Kết quả đã được Tiểu Bang Cali chuẩn thuận. Ngoài ra, DB Trí đã tranh đấu để có Bảng tên và sẽ khánh thành trước ngày Đại Lễ Tưởng Niệm 50 năm Tháng Tư Đen, Do đó, bảng tên sẽ được gắn vào ngày 18/4/2025 tới đây.
- Vì kinh phí công tác này, không nằm trong ngân sách của Tiểu Bang mà do Cộng Đồng Người Việt đóng góp, do đó Cộng Đồng Bắc Cali hưởng ứng sự kêu gọi của DB Trí sẽ tổ chức 1 buổi gây quỹ

Địa điểm : Bloom USA-3233 De La Cruz #D Santa Clara, CA 95054
Thời gian: Từ 11:00 Am đến 15:00 Pm. Ngày Thứ Bảy 5/4/2025
Vì muốn bảo trì tên “Little SaiGon” cho mai sau và mãi mãi, chúng tôi mong quý vị góp một bàn tay trong công tác này;
Kính mời quý vị tham dự buổi gây quỹ này hoặc giúp đỡ. Sự hiện của Quý vị là 1 vinh dự cho Ban Tổ Chức:

a/ Xin Ủng Hộ $40.00 mỗi người tham dự
b/ Giúp đỡ viết Check, xin đề “Quảng Trị Victory Foundation”, phần memo: Donation Freeway 405, Gửi về 9141 Bolsa Ave Suite 303, Westminster, CA 92683.
c/ Nếu tham dự được, vui lòng cho biết để chúng tôi giới thiệu.
d/ Nếu có lòng đóng góp hỗ trợ, vui lòng cho biết để chúng tôi mời phát biểu.
Trân Trọng Kính mời,

San Jose, Ngày 22 tháng 3 năm 2025
Trưởng Ban Tổ Chức
KQ Lê Văn Hải
- Cố Vấn: Triệu Hà 408-646-8752
Các thành viên trong tổ chức:

Huỳnh Lương Thiện 415-720-5247
Đặng Long 408-886-0178
Nghệ Lữ 408-677-1482
Văn Nghệ: Sơn Loan 408-605-8314


Giới Thiệu Chiều Nhạc Thương Nhớ Sài Gòn Ơi! Hát Cho Thành Phố Mất Tên!
Lúc 3 giờ chiều, Chủ Nhật, ngày 6 tháng 4, năm 2025
Tại Cà Phê Lovers, 1855 Aborn Rd, San Jose, Ca 95121.


Sàigòn ơi!
(Thơ Trần Quốc Bảo)

Sàigòn ơi!
Người yêu ơi!
Đêm hằng đêm tương tư lưu luyến,
Từng giờ, từng phút ray rứt nhớ thương.
Sàigòn chân tình thoải mái,
Sàigòn rực rỡ yêu đương,
Sàigòn bừng bừng sức sống,
Sàigòn đầy ắp kỷ niệm của năm tháng xa xưa, mãi mãi sinh động trong tôi.


Xa Sàigòn một khoảng cách khá lớn, cả không gian lẫn thời gian,
Nhưng vẫn thường thấy Sàigòn ẩn hiện thấp thoáng đâu đây,
Trong vạt nắng hồng,
Làn gió mát,
Và những đám mây chiều lang thang trên đỉnh núi.
Khi mộng mị,
Lúc say sưa,
Hoặc phút giây thần trí lạc khỏi vùng thể xác.
Từng thoáng bất chợt,
Tôi đã trở về Sàigòn,
Gặp lại người em sầu mộng.
Gặp lại phố phường quen thuộc
Những cột đèn


Nhà thờ Đức Bà, khu Bàn Cờ, viện Hóa Đạo,
cầu Thị Nghè, Dòng Chúa Cứu Thế, chợ Bến thành,
Bến tàu ...
Và trường học thân yêu,
Và công viên kỷ niệm ...
Muôn mầu muôn vẻ huy hoàng kiều diễm của Sàigòn thuở xưa hiện rõ rệt nơi tiềm thức.
Tôi chìm vào Sàigòn.
Giấc mơ Sàigòn quấn quyện trong ký ức,
Sàigòn tràn ngập hồn tôi!


Mỗi buổi sáng,
Thức dậy ngỡ ngàng với sự hiện diện của mình ở miền đất tạm dung.
Nơi đây … Thủ đô xứ người, kiến trúc đồ sộ, ánh sáng chói chang, âm thanh xa lạ,
Tất cả không quen thuộc, không luyến thương,
Chỉ thấy thờ ơ lạnh nhạt!
Biết tìm đâu chút ấm áp cho tâm hồn viễn xứ?
Tôi như người nghèo hèn lạc vào cung điện xa hoa,
Như kẻ mồ côi ăn nhờ ở đậu trong gia đình hạnh phúc,
Nỗi buồn mênh mông dâng lên,
Dìm tôi xuống vực thẳm!
Cô đơn,
Với mối sầu bất tận dưới đáy đại dương!


Mỗi khi màn đêm buông xuống,
Trút bỏ thực tại phiền toái,
Nhắm mắt lại,
Thì dần dần Sàigòn hiện ra,
Tôi nhìn Quê Hương tôi:
- Con đường Nhà Thờ Chí Hòa,
Cây Thánh Giá cẩm thạch ở nghĩa trang Thánh Minh, nấm mộ cha mẹ, nơi tụ họp đông đảo của gia đình, họ hàng quyến thuộc,
Chiếc bình bông cuối mộ sứt mẻ chưa thay mới,
Cỏ đầu mộ quá cao chưa cắt xén.
Tôi không mất mát một chút hình ảnh nhỏ bé nào của Sàigòn!
Chắt chiu cất giữ từng kỷ niệm vàng son,
Tựa kẻ thất tình ủ ấp tôn thờ bóng dáng người yêu,
Tôi mang tâm trạng lữ hành đói khát giữa sa mạc,
bỗng nhìn thấy ảo ảnh dòng suối ngọt ngào!


Sàigòn ơi!
Người yêu ơi!
Tháng năm dài sống đời lưu vong,
Qua từng giấc mơ thảng thốt!
Chợt mê chợt tỉnh...
Đã bao lần được về bên người,
Người em tóc dài,
Sáng chủ nhật, giọng em cao vút lời Thánh ca trong Vương Cung Thánh đường.
Chiều mưa Sàigòn xám đục,
Em đi học về,
Gió thổi tà áo trắng bay bay...


Đã bao lần với ác mộng kinh hoàng,
Sài gòn rực lửa,
Thiếu phụ chờ đón trực thăng, gục xuống bên xác chồng đẫm máu!
Bà mẹ già vuốt mắt con yêu,
Em bé mồ côi trong đống rác,
và từng đoàn dân lành tả tơi chạy giặc ồ ạt tràn về Thủ đô...


Đã bao lần gặp hồn mình trong mộng,
Dựng lại ước vọng lớn của người chiến binh thuở nào!
Với vũ khí,
Với nhung y,
Sừng sững đứng trấn ngoài biên ải !
Dương cao lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa nơi biên thành!
Giữ thanh bình cho Quê Hương,
Đem yên vui cho dân tộc!


Hỡi Ngọc Trân Châu,
Người em nghìn trùng xa cách,
Thương em biết mấy cho vừa!
Sàigòn yêu ơi!
Mệnh trời oan nghiệt. Vận nước điêu linh,
Tháng Tư đen
Đất Nước Quê Hương lọt vào tay giặc thù
Biết nói sao nên lời!
Mộng lớn không thành rồi,
Chỉ mơ tới em thôi!


Giờ này đây,
Việt Nam chìm trong hỏa ngục!
Sàigòn mang tên ma quái!
Người yêu tôi không còn đi trên Công lý, Tự do,
Lời ca tiếng nhạc im lìm, nụ cười đã tắt, ánh mắt âu lo,
Qủy đỏ xâm phạm Thánh thất, đào xới nghĩa trang,
Biến Quê Hương thành nhà tù vĩ đại!
Toàn dân đói khổ nhục nhằn!


Sàigòn ơi!
Giờ phút em hấp hối,
Trang lịch sử đen tối khởi đầu!
Tôi ôm niềm đắng cay bi phẫn ra đi,
Giã biệt em với hành trang là nỗi đau qúa lớn!
Hôm nào như mới hôm qua,
Tầu đến sông Nhà Bè, nhìn lại Sàigòn,
Pháo kích liên hồi hướng Phi trường Tân-Sơn-Nhứt,
Tia lửa vọt lên nền mây u ám!
Kho đạn Thành-tuy-hạ phát nổ dữ dội. Rúng động Thủ đô!
Ánh lửa hồng bao phủ em yêu,
Tôi ôm uất hận lặng đi như người mất trí!
Con tầu đi xa,
Đi xa dần...
Đến hải phận quốc tế, mưa rơi tầm tã.
Thượng Đế cũng nhỏ lệ cho Quê Hương Việt Nam khổ nạn!
Đứng trên boong tôi nhìn mãi về em...
Tất cả Sàigòn chỉ còn là đốm sáng nhỏ.
Lẫn vào sóng nước, mưa đêm.

Em yêu ơi!
Bây giờ em ở đâu?
Có phải trên từng xanh bát ngát kia,
Em đang gửi từ Sàigòn đến cho tôi những làn khói mây màu xám?
Sàigòn yêu dấu ơi!
Có phải mây trời lang thang đó in đẫm hình ảnh em tôi?
Trong thăm thẳm đêm đen . tôi vẫn niềm tin tha thiết,
Trời cao che chở, Hồn thiêng sông núi phù trì,
Một ngày rất gần, toàn dân mãnh liệt vùng lên, dành lại sự sống cho Quê Hương!
Tôi sẽ trở về với em,
Saigòn yêu dấu ơi!

(Trần Quốc Bảo)


Thư Mời Chiều Nhạc Hát Cho Thành Phố Mất Tên!

Mở Đầu Sinh Hoạt Tưởng Niệm Tháng Tư Đen 2025!
Dù Nửa Thế Kỷ Qua, Ngày Nào Quê Hương Còn Đảng Độc Tài Cộng Sản Thống Trị, Ngày Đó, Vẫn Còn…Tháng Tư Đen!

Trân Trọng Giới Thiệu Chiều Nhạc Tưởng Niệm:
50 Năm, Ngày Sài Gòn Mất Tên! (Phải mang tên…xác người!)
Do Nhóm Thân Hữu Sài Gòn và Nhóm Văn Nghệ Sài Gòn Nhớ, Lần Đầu Tiên Phối Hợp Tổ Chức!
Lúc 3 giờ chiều, Chủ Nhật, ngày 6 tháng 4, năm 2025
Tại Cà Phê Lovers, 1855 Aborn Rd, San Jose, Ca 95121.


*Nước uống và vào cửa tự do!
-Phần văn nghệ đặc sắc, do những giọng ca được yêu mến miền Thung Lũng Hoa Vàng đảm trách: Thúy Nga, Thanh Trúc, Khôi Nguyên, Ngọc Hoa, Văn Khoa, Hoàng Minh, Trung Kiên, Thu Phương, MC: Thanh Loan, Hạnh Thảo, Duy Hải, Nguyễn Hồng Dũng….

*Hoạt cảnh 30 Tháng Tư, nhiều nước mắt!
Trân Trọng Kính Mời.
Thay Mặt BTC: Lê Văn Hải
LL (408) 480-4656


Nhóm Thân Hữu Sài Gòn:
-Nguyễn Cao Thăng
-Trần Chánh Tùy
-Hoàng Thưởng

Tin Quốc Tế Đó Đây
Ngừng Bắn Trên Biển Đen, Thỏa Thuận Tối Thiểu

-Các báo Pháp hôm 26/3/2025 chú ý nhiều vào các cuộc đàm phán con thoi Mỹ-Ukraine rồi Nga-Mỹ trong 2 ngày 23 và 24/3 tại thủ đô Ryiadh của Ả Rập Saudi, nhằm tìm kiếm ngừng bắn cho cuộc chiến tranh Ukraine.
Trong bài "Ukraine và Nga chấp nhận ngừng bắn trên Biển Đen", báo Le Figaro cho rằng một kết quả không như Donald Trump mong muốn nhưng có thể mở đường cho việc chấm dứt chiến sự trên Biển Đen. Thỏa hiệp đã đạt được nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng hải thương mại, mặc dù chi tiết vẫn chưa rõ ràng.
Theo báo Le Figaro, có thể đã có nhượng bộ với Nga: Tòa Bạch Ốc có thể đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt để tạo điều kiện cho Nga quay trở lại thị trường ngũ cốc quốc tế. Cụ thể, Mạc Tư Khoa yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế đối với ngân hàng nông nghiệp và các nhà xuất cảng của nước này. Các bước tiếp theo chưa rõ ràng. Kiev nhìn thấy ý đồ của Nga muốn trì hoãn thời gian.
Câu hỏi đặt ra: Liệu thỏa thuận hạn chế này có thực sự thay đổi được cục diện của cuộc xung đột hay chỉ là một sự hoãn lại mang tính chiến lược? Nhìn chung, các báo đều có nhận định rằng tác động về mặt quân sự của thỏa thuận này không có gì lớn. Các cuộc giao tranh trên Biển Đen vốn không ở cường độ cao và khốc liệt như trên đất liền.

Hưu Chiến Toàn Diện, Kiev Lo Hơn Là Mừng

-Liên quan đến cuộc chiến tranh tại Ukraine, trong bối cảnh các cuộc đàm phán Mỹ-Ukraine, Nga-Mỹ đang được thúc đẩy, báo Le Monde ra ngày 26/3/2025 có bài "Tại Kiev triển vọng hưu chiến gây lo lắng".

Đặc phái viên của báo Le Monde tại Kiev trong bài phân tích quan điểm của các chuyên gia quân sự Ukraine về các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Mỹ, nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn có thể mang lại lợi ích cho Mạc Tư Khoa hơn là Kiev. Theo các chuyên gia được trích dẫn, Nga có thể tận dụng thời gian ngừng bắn để củng cố lực lượng và chuẩn bị cho cuộc tấn công mới.

Hầu hết các nhà phân tích Ukraine cho rằng Vladimir Putin chưa đạt được mục tiêu ban đầu là chiếm đóng toàn bộ Ukraine, thay đổi chính quyền, và giải giáp quân đội Ukraine. Nga đến giờ mới chỉ kiểm soát được 19% lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, theo các chuyên gia, hiện tại Ukraine cũng đã tăng cường năng lực quân sự với sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là trang bị quân đội và tình báo. Dù Nga vẫn là một mối đe dọa lớn, Ukraine tin rằng họ có thể phòng thủ và duy trì cuộc chiến.

Điều lo ngại nhất là sự thay đổi chính sách của Mỹ. Chính quyền Trump có thể thiên về nhượng bộ Nga, giảm sự hỗ trợ cho Ukraine. Trong hoàn cảnh như vậy, Ukraine buộc phải tìm kiếm thêm sự hỗ trợ quân sự và chính trị của các đồng minh, chủ yếu từ Âu Châu. Kiev hiểu rằng một lệnh ngừng bắn có thể chỉ là tạm thời trước một cuộc chiến tiếp theo với Nga.

Doanh Nghiệp Pháp Tan Giấc Mơ Mỹ Với Donald Trump

-Trong lĩnh vực kinh tế và vẫn liên quan đến chính quyền Trump, báo Le Figaro ra ngày 26/3/2025 chạy tựa "Đối mặt với Trump, sự tỉnh ngộ của các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp". Tờ báo cho thấy phần đông các lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Pháp đã tỏ ra rất phấn chấn hào hứng với việc Donald Trump trở lại cầm quyền.

Họ nhìn thấy ở Trump là người ủng hộ doanh nghiệp, chống thuế khóa, quy định gò bó cản trở các danh nghiệp. Hầu hết đều cho rằng Hoa Kỳ của Donald Trump là một miền đất hứa mới cho hoạt động làm ăn của họ. Thái độ hồ hởi đó nhanh chóng nhường chỗ cho tâm trạng bất ổn và lo ngại sau các tuyên bố và biện pháp bảo hộ của ông, trong đó có tăng thuế hải quan và nhiều chính sách kinh tế khó lường.

Tờ báo dẫn lời một chủ ngân hàng thương mại tại Paris nhận xét: "Thật kinh khủng, mọi người đều mò mẫm mù quáng. Trong những điều kiện như thế này, việc quản lý công ty trở nên không thể".

Các công ty Pháp và Âu Châu, vốn trước đây phụ thuộc vào Hoa Kỳ về đầu tư, hiện đang xem xét lại chiến lược của mình. Sự bất ổn trong các quyết định của Trump đã gây ra hoang mang trong giới lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, cuộc chiến kinh tế của Trump không chỉ giới hạn ở thuế quan mà còn mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng, công nghệ hay liên minh địa chính trị, đáng chú ý là sự xích lại gần với Nga.

Một doanh nhân lớn đã thốt lên "tất cả chúng ta đã nhầm". Theo tờ báo, trước tình hình bất ổn này, các công ty đang giảm đầu tư vào Hoa Kỳ và thậm chí tạm ngừng một số dự án. Đầu tư vào Hoa Kỳ không còn là ưu tiên. Nhưng trở lại Âu Châu cũng lại là một vấn đề không đơn giản, bởi chính sách thuế khóa và các quy định của Âu Châu cần phải được đơn giản hóa mạnh mẽ tạo thuận lợi cho đầu tư.

Người Pháp Muốn Tẩy Chay Hàng Mỹ

-Hồ sơ chính của nhật báo Libération ra ngày 26/3/2025 là tẩy chay sản phẩm Mỹ đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại, địa chính trị giữa nước Mỹ của Donald Trump và Âu Châu.

Báo Libération dành một bài viết dài cho hồ sơ đề cập đến thực tế hiện nay là người tiêu dùng Pháp sẵn sàng tẩy chay sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như Tesla, McDonald, Coca... để chống lại Donald Trump.

Theo cuộc thăm dò dư luận của Viện Ifop cho Libération, 62% người tiêu dùng Pháp ủng hộ việc cấm các sản phẩm và dịch vụ từ Hoa Kỳ. Một phần ba trong số này cho biết đang thực hiện cuộc tẩy chay này để lên án thái độ và chính sách của Donald Trump và Elon Musk.

Theo báo Libération xu hướng tẩy chay Tesla và các sản phẩm Mỹ tại Pháp, phần nào phản ánh sự phản đối chính quyền Trump. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Âu Châu, doanh số Tesla tại EU đã giảm 49% trong 2 tháng đầu năm. Mặc dù chưa thể xác định rõ tác động từ những hành động gây tranh cãi của Elon Musk, như chào kiểu phát-xít hay ủng hộ Trump, nhưng một cuộc khảo sát của Ifop cho thấy 47% người Pháp có ý định tẩy chay Tesla. Xu hướng tẩy chay còn mở rộng sang các sản phẩm Mỹ nói chung. Theo khảo sát của Ifop, 62% người Pháp ủng hộ việc ngừng mua hàng từ Mỹ. Điều này cho thấy tác động tiêu cực của Trump đối với hình ảnh nước Mỹ. Hiện tượng này được xem như một phong trào đang lan rộng, nhất là sau cuộc cãi vã nảy lửa giữa Donald Trump và Volodymyr Zelensky hồi tháng 2 vừa qua.

Bên cạnh đó, báo Libération phân tích ý nghĩa chính trị của những đợt tẩy chay sản phẩm Mỹ trong quá khứ ở Pháp. Trong thập niên 1970, các phong trào cánh tả sử dụng tẩy chay để phản đối chiến tranh Việt Nam, nhưng ít ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Đến thập niên 1990, ý thức tiêu dùng có trách nhiệm lan rộng, dẫn đến các phong trào chống toàn cầu hóa, hay như vụ đập phá cửa hiệu McDonald năm 1999 nhằm phản ứng trước thuế quan của Mỹ lên hàng hóa Pháp. Tuy nhiên, các hành động như vậy không mấy khi làm suy yếu các nhãn hiệu đôi khi còn củng cố nó, như trường hợp McDonald trở thành thương hiệu mạnh hơn tại Pháp. Hiện nay, trong bối cảnh chính quyền Trump gây tranh cãi, phong trào tẩy chay Mỹ có thể mở ra một chương mới. Theo giới chuyên gia, người tiêu dùng ngày càng đặt câu hỏi về quan hệ với một nước Mỹ không còn được coi là đồng minh thân thiết và xu hướng phản đối này có thể còn kéo dài.

Sóng Thần Ma Túy Đổ Vào Pháp

-Nạn buôn bán ma túy đang hoành hành ở Pháp là chủ đề lớn của báo Le Figaro ra ngày 26/3/2025. Tựa chính trang nhất của tờ báo: "Cocain, cần sa... ma túy đang đổ ập vào nước Pháp như thế nào".
Tờ báo cho hay, lượng ma túy các loại bị bắt giữ tại Pháp trong năm 2024 đã tăng 18%. Hải quan Pháp đang phải đối mặt với tệ nạn buôn bán ma túy ngày càng tinh vi và quy mô lớn hơn. Theo báo Le Figaro, trong năm ngoái, Hải quan Pháp đã thu giữ được 110,8 tấn sản phẩm ma túy các loại, tức tăng 18% trong một năm. Để đưa được hàng vào lãnh thổ Pháp và qua mắt được 16.500 nhân viên hải quan ở các nhà ga, sân bay, hải cảng và mạng lưới đường bộ, những kẻ buôn ma túy đã không ngừng tìm ra được những thủ đoạn vận chuyển giấu hàng ngày càng tinh vi. Chính quyền Pháp hiện nay tăng cường các cuộc tuần tra kiểm soát ngay từ ngoài khơi để cố ngăn chặn làn sóng độc hại.

Có cung là phải có cầu. Vẫn theo báo Le Figaro, tại Pháp số lượng tiêu thụ cocain đã đạt mức kỷ lục, hơn một triệu người. Cuộc chiến hàng ngày chống ma túy giờ đang trở nên dữ dội và phức tạp khi mà chính quyền vẫn chạy đuổi theo mạng lưới buôn ma túy.


Tình Báo Mỹ: Trung Quốc Là Mối Đe Dọa Lớn Nhất Đối Với An Ninh Hoa Kỳ


(Hình AP - J. Scott Applewhite, từ trái sang phải: Giám đốc FBI Kash Patel, Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard, Giám đốc CIA John Ratcliffe và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Jeffrey Kruse trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các mối đe dọa trên toàn thế giới, tại Đồi Capitol, Hoa Thịnh Ðốn, Mỹ, ngày 25/3/2025.)
-Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất nhắm vào Mỹ, đứng trước cả Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Trong báo cáo thường niên về các mối đe dọa nhắm vào an ninh Hoa Kỳ được công bố ngày 25/3/2025, các giới chức trong ngành Tình báo Mỹ khẳng định "lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ ở khắp mọi nơi trên thế giới đang bị Trung Quốc đe dọa" và Bắc Kinh đang có những bước tiến "vững chắc" trong mục tiêu đánh chiếm Đài Loan.
Theo hãng tin Pháp AFP, giải trình trước một ủy ban của Thượng viện về báo cáo thường niên liên quan đến những mối đe dọa nhắm vào Hoa Kỳ, Giám đốc Tình báo Quốc gia, bà Tulsi Gabbard nhấn mạnh: "Trung Quốc là đối thủ lợi hại nhất" của Mỹ trong tất cả mọi lĩnh vực, quân sự, kinh tế, công nghệ, không gian và an ninh mạng. "Trung Quốc là mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với an ninh quốc gia (...) Quân đội nước này có thể can thiệp vào tất cả mọi phương diện chống phá nước Mỹ trong một cuộc xung đột ở khu vực, để khẳng định ảnh hưởng của Bắc Kinh ở cấp toàn cầu và để bảo đảm an ninh tại các khu vực Trung Quốc khẳng định chủ quyền".

Vẫn theo Tulsa Gabbard, "vũ khí tầm xa của Trung Quốc có khả năng nhắm tới lãnh thổ của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương như đảo Guam, Hawaii hay ở mãi tận Alaska". Giới chức tình báo Mỹ cho rằng Bắc Kinh tiếp tục mở rộng các chiến dịch "để làm suy yếu nước Mỹ ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ cũng như trên trường quốc tế", trong đó có cả các chiến dịch phát tán tin giả.
Tại buổi họp báo sáng 26/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Khôn đánh giá báo cáo của Mỹ "thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc" mang tính "thiên kiến" và từ nhiều năm nay, Hoa Thịnh Ðốn luôn đưa ra những báo cáo "với nội dung tương tự".


Hoa Kỳ: Hăm Dọa - Quân Bài Lãnh Đạo của Donald Trump


(Ảnh AP - Alex Brandon, lưu trữ: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/5/2020.)
-"Trump lãnh đạo bằng hăm dọa như thế nào?" là tựa chính của báo Le Monde ra ngày 26/3/2025. Nhật báo Pháp nhận thấy từ khi trở lại cầm quyền ở Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump liên tục có những đe dọa với các định chế ở trong nước làm suy yếu nền Dân chủ Mỹ.
Trong bài viết dài có tựa đề: "Hăm dọa, công cụ hiệu quả của chính phủ Trump", báo Le Monde phân tích chiến lược "Sốc và khiếp sợ - Shock and Awe" mà Donald Trump sử dụng trong nhiệm kỳ thứ hai để áp đặt quyền lực của mình. Chiến thuật này bao gồm việc đàn áp đối lập bằng cách tăng cường tấn công vào các tổ chức quan trọng như trường Đại học, công ty Luật và các Thẩm phán, những đối tượng thường bị ông coi là thù địch với chính quyền.

Các trường Đại học chịu áp lực lớn. Đại học Columbia, nơi diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Gaza, đã phải nhượng bộ yêu cầu của chính quyền Trump trước nguy cơ bị cắt giảm ngân sách. Nhiều cơ quan tổ chức khác cũng đang chịu áp lực tương tự. Một số công ty luật bị cáo buộc có liên quan đến các cuộc điều tra chống lại Trump đã bị trừng phạt bằng hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng liên bang của họ và đe dọa sự tồn tại. Các Thẩm phán chặn các Sắc lệnh Hành pháp của Trump đang phải đối mặt với sự quấy rối và đe dọa công khai.

Với báo chí, ông Donald Trump gọi các cuộc điều tra của báo chí về ông là bất hợp pháp và đặt các phương tiện truyền thông chỉ trích ông vào tầm ngắm. Báo Le Monde cũng cho biết thêm trong bối cảnh như vậy, giới doanh nghiệp im lặng, tránh chỉ trích Trump, cho dù các biện pháp của Tổng thống đang gây khó cho họ. Chiến lược hăm dọa này cũng có tác dụng đối với nội bộ đảng Cộng hòa. Nhiều Thượng Nghị sĩ phải miễn cưỡng ủng hộ dẫn đến tình trạng sùng bái cá nhân xung quanh Trump.
Báo Le Monde nhận thấy, nhiệm kỳ thứ hai của Trump được đánh dấu bằng chiến lược gây hoang mang lo sợ nhằm khuất phục các định chế và đối thủ, tạo ra bầu không khí chính trị chuyên quyền ngày càng rõ.


Thế giới hôm nay:


•Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Nhà Trắng thông báo Donald Trump sẽ công bố mức thuế mới đối với ô tô từ thứ Tư. Chỉ số S&P 500, đại diện cho các công ty lớn, giảm hơn 1%. NASDAQ, chỉ số chuyên về các công ty công nghệ, cũng giảm khoảng 2%. Cú sốc này xảy ra ngay sau một đợt phục hồi ngắn của thị trường hồi đầu tuần.
•Tòa án tối cao Brazil phán quyết rằng cựu tổng thống Jair Bolsonaro sẽ bị đưa ra xét xử vì âm mưu đảo chính sau cuộc bầu cử năm 2022. Tòa cũng quyết định bảy đồng minh khác của vị chính trị gia cực hữu này sẽ bị xét xử vì những tội danh tương tự. Nếu bị kết tội, ông Bolsonaro có thể phải đối mặt với án tù hàng chục năm. Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái.
•Trong bản tuyên bố ngân sách mùa xuân trước Quốc hội, bộ trưởng tài chính Anh Rachel Reeves đã cho biết việc cắt giảm phúc lợi xã hội sẽ giúp tiết kiệm 3,4 tỷ bảng Anh (4,4 tỷ USD) và cải cách quy hoạch sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà Reeves cũng xác nhận thêm 2,2 tỷ bảng chi cho quốc phòng trong năm tới. Trong khi đó, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính của Anh, đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2025 từ 2% xuống 1%.

•Hàn Quốc công bố một báo cáo thừa nhận nước này đã vi phạm nghiêm trọng trong việc điều hành chương trình nhận con nuôi ra nước ngoài quy mô lớn. Trong nhiều thập niên, các cơ quan nhận con nuôi đã không đạt được đồng thuận hợp pháp từ cha mẹ, hoặc đã làm sai lệch lý lịch của hàng trăm đứa trẻ. Kể từ thập niên 1950, sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc là quốc gia có số trẻ em được nhận nuôi ra nước ngoài nhiều nhất, chủ yếu sang châu Âu và Mỹ.
•Abdel Fattah al-Burhan, tổng thống trên thực tế của Sudan và là lãnh đạo quân đội nước này, tuyên bố thủ đô Khartoum đã được “giải phóng,” chỉ vài giờ sau khi lực lượng của ông được cho là đã giành lại sân bay của thủ đô. Các lực lượng vũ trang Sudan gần đây đã tái chiếm phần lớn Khartoum (bao gồm cả dinh tổng thống hôm thứ Sáu) từ tay Lực lượng Hỗ trợ Nhanh đối lập. Đợt tiến công này đánh dấu một bước ngoặt tiềm tàng trong cuộc chiến đã khiến 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

•Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết nước này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng từ 2,4% GDP lên 3,5% trước năm 2030. Cả bốn đảng ủng hộ chính phủ của ông Kristersson đều đồng thuận với kế hoạch này, phần lớn sẽ được tài trợ thông qua vay nợ. Ông Kristersson nói Thụy Điển cần củng cố quốc phòng, một phần vì “sự bất ổn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.”
Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch chuẩn bị 30 bước nhằm ứng phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga. Sáng kiến này, lấy cảm hứng từ những kế hoạch tương tự ở các nước như Phần Lan, kêu gọi các thành viên EU khuyến khích người dân dự trữ đủ thực phẩm trong vòng 72 giờ. Kế hoạch cũng đề xuất thành lập một “trung tâm khủng hoảng” để điều phối các phản ứng của khối đối với xung đột hoặc các tình huống khẩn cấp khác.
•Con số trong ngày: 350 triệu USD, là giá của một trong những máy in thạch bản cực tím tiên tiến nhất do công ty Hà Lan ASML sản xuất.

TIÊU ĐIỂM

Châu Âu và Mỹ vẫn bất đồng về Ukraine
Vào thứ Năm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì cuộc họp của “liên minh các bên sẵn lòng” tại Paris. Nhóm đồng minh châu Âu của Ukraine sẽ thảo luận về kế hoạch cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine trong trường hợp đạt được một lệnh ngừng bắn. Trong những tuần gần đây nhóm này hoạt động rất tích cực. Song câu hỏi về việc liệu Mỹ có đóng vai trò “hậu thuẫn” cho một lực lượng bảo an tại Ukraine hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Cuộc họp diễn ra hai ngày sau khi Mỹ tuyên bố Nga và Ukraine đã đồng ý ngừng bắn ở Biển Đen. Đổi lại, Nga kỳ vọng được nới lỏng các lệnh trừng phạt liên quan đến nông nghiệp, vận tải biển, và ngân hàng — điều không hoàn toàn nằm trong quyền quyết định của Mỹ. Quá rõ Nga sẽ được lợi gì từ thỏa thuận này. Nhưng đối với Ukraine thì kém rõ ràng hơn, vì họ đã đồng ý trước cả khi Nga đưa ra yêu cầu nhượng bộ thêm. Ukraine hiện đã bảo đảm được các tuyến xuất khẩu ngũ cốc bằng cách dùng máy bay không người lái làm suy yếu hạm đội Biển Đen của Nga. Và không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ ngừng ném bom các cảng của Ukraine.

Tình trạng khẩn cấp vô hạn ở El Salvador
Thứ Năm này đánh dấu ba năm kể từ khi El Salvador bắt đầu áp dụng “tình trạng khẩn cấp.” Tổng thống Nayib Bukele ban đầu đặt ra biện pháp tạm thời nhằm đàn áp các băng đảng tội phạm, nhưng quốc hội do ông kiểm soát vẫn gia hạn nó hàng tháng. El Salvador đã bỏ tù hàng nghìn người theo chính sách này; tới mức hiện nay có đến 1,7% dân số bị giam giữ. Tình trạng khẩn cấp đã giúp giảm mạnh bạo lực và nạn tống tiền, nhưng với cái giá là nhiều vi phạm nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền đã ghi nhận các trường hợp bắt giữ tùy tiện và tử vong trong khi bị giam giữ.
Giờ đây, quyền lực rộng lớn của ông Bukele đang phục vụ cho một mục đích thứ hai: thắt chặt quan hệ với người bạn tâm giao cực hữu Donald Trump. Hồi tháng 2, ông Bukele cho biết ông sẵn sàng tiếp nhận tội phạm bị trục xuất từ Mỹ. Hôm 15 tháng 3, Mỹ đã gửi hơn 250 người — nhiều trong số đó là người Venezuela — đến El Salvador; ông Trump cáo buộc họ có liên hệ với các băng đảng tội phạm. Họ bị quay phim khi được đưa vào siêu nhà tù mà ông Bukele xây để phục vụ cho chiến dịch đàn áp trong nước. Có thể sẽ còn nhiều người khác bị gửi đến El Salvador.


TIN VẮN - TIN TỔNG HỢP


(RFI) – Ngoại trưởng Pháp bắt đầu vòng công du Á Châu đầu tiên. Sau chặng dừng đầu tiên ở Tân Gia Ba, hôm 25/3/2025, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot đến thăm Nam Dương trước khi đến Trung Quốc. Chuyến thăm này diễn ra trong khuôn khổ vòng công du Đông Nam Á sắp tới của nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron. Lịch trình nghị sự được thông báo là những hồ sơ quốc tế lớn như xung đột tại Ukraine và Cận Đông, cũng như là tăng cường hợp tác đối tác chiến lược trong bầu không khí bất định do những căng thẳng Mỹ-Trung gây ra.

(Inquirer) – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du Phi Luật Tân ngày 28 và 29/3/2025. Chuyến đi "đúng thời điểm" và chứng tỏ Á Châu-Thái Bình Dương là một ưu tiên của Tòa Bạch Ốc, theo đánh giá của đại sứ Phi Luật Tân tại Hoa Thịnh Ðốn. Thông cáo của Ngũ Giác Đài cho biết tại Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth sẽ hội kiến Tổng thống Ferdinand Marcos Jr và sẽ có những cuộc trao đổi với đồng cấp Phi Luật Tân, Gilberto Teodoro. Phi Luật Tân là một trong những chặng dừng của vòng công du Á Châu-Thái Bình Dương của ông Hegseth, bên cạnh Hawaii, đảo Guam và Nhật Bản.
(RFI) – Liên Hiệp Âu Châu (EU) thông báo ưu tiên gần 50 dự án khai thác khoáng sản chiến lược. Ngày 25/3/2025, Ủy Ban Âu Châu (EC) công bố danh sách đầu tiên về các quặng mỏ và nhà máy chuyên sản xuất đất hiếm và các kim loại thiết yếu có thể được mở tại châu lục. Trong số 47 dự án, có 9 tại Pháp. Mục tiêu là giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

(AFP) – Hung Gia Lợi và Nga tăng cường hợp tác về thương mại và năng lượng. Ngoại trưởng Hung Gia Lợi Péter Szijjarto đến thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga hôm 26/3/2025. Budapest phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Trên mạng xã hội Facebook, ông thông báo sẽ có các cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Nga kiêm Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak. Là thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU), Hung Gia Lợi luôn "đi ngược", chống mọi kế hoạch trừng phạt kinh tế Nga từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine. Năm 2004, Hung Gia Lợi mua gần 9 tỉ mét khối khí đốt và gần 5 triệu tấn dầu hỏa của Nga.
(AFP) – Phó Tổng thống Hoa Kỳ đến Greenland. Chuyến thăm diễn ra vào lúc Tòa Bạch Ốc đòi thâu tóm vùng lãnh thổ tự trị được đặt dưới quyền kiểm soát của Đan Mạch. Ngày 25/3/2025, ông JD Vance loan báo sẽ tháp tùng phu nhân đến Greenland nhưng trước sự chống đối mạnh mẽ của chính quyền địa phương và cả Cophenhagen, cuối cùng Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã đổi ý. Thông cáo chính thức từ văn phòng của ông Vance cho biết ngày 28/3, Phó Tổng thống Hoa Kỳ chỉ dừng lại ở căn cứ quân sự tại Pituffik, một địa điểm chiến lược đối với an ninh của Mỹ tại Bắc Cực.

(AFP) – Hoa Kỳ oanh kích nhiều vùng tại Yemen. Hôm 26/3/2025, truyền thông lực lượng Houthi cho biết không quân Mỹ đã tiến hành các cuộc oanh kích "hung hăng, gây ra nhiều thiệt hại vật chất" nhưng không cho biết rõ số lượng nạn nhân. Tổng cộng có khoảng 17 cuộc tấn công nhằm vào các vùng Saada và Amra, Tây-Bắc Yemen. Từ ngày 15/3, Hoa Thịnh Ðốn thông báo mở một cuộc tấn công quân sự mới chống lại phe Houthi, được Iran hậu thuẫn. Hoa Kỳ tuyên bố đánh cho đến khi nào lực lượng nổi dậy này ngừng tấn công tầu thuyền đi qua tuyến đường biển này ở Hồng Hải và Vịnh Aden.

(AFP) – Iran tiết lộ hệ thống phi đạn mới. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hôm 22/3/2025, công bố hệ thống phi đạn mới được đặt tại 3 đảo chiến lược ở Vịnh Ba Tư là Greater Tunb, Lesser Tunb và Abu Musa. Trên đài truyền hình quốc gia Alireza Tangsiri, chỉ huy Hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tuyên bố những loại vũ khí này có "khả năng tấn công các căn cứ, tầu thuyền và tài sản của kẻ thù trong khu vực" và "có thể phá hủy hoàn toàn mọi mục tiêu trong phạm vi 600 cây số". Thông báo này được đưa ra vào lúc Iran chuẩn bị hồi đáp thư ngỏ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục Teheran nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, đồng thời cảnh báo khả năng hành động quân sự nếu Iran từ chối.
(AFP) – Phụ nữ Đan Mạch được lệnh đi nghĩa vụ quân sự. Hôm 25/3/2025, Bộ Quốc phòng Đan Mạch thông báo từ ngày 1/7, phụ nữ cũng phải đi nghĩa vụ quân sự do "tình hình an ninh và quốc phòng hiện tại". Trước mắt, phụ nữ trên 18 tuổi nhận được giấy gọi tham gia 1 ngày cho công tác phòng thủ. Trong ngày này, họ sẽ bốc thăm để xem có phải nhập ngũ hay không trong trường hợp Đan Mạch thiếu lính dự bị. Trước mối đe dọa xuất phát từ Nga, Copenhagen đã tăng thêm gần 6 tỉ Euro ngân sách quốc phòng cho 2 năm 2025 và 2026.

(AFP) – Tây Ban Nha tăng chi phí an ninh và quốc phòng. 2% GDP sẽ được dành cho ngân sách phòng thủ trước ngưỡng năm 2029. Hôm 26/3/2025, Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo từ nay đến trước mùa Hè, Madrid sẽ cụ thể hóa kế hoạch "nhằm thúc đẩy công nghiệp quốc phòng" chuẩn bị đương đầu với những mối đe dọa xuất phát từ Nga và trước việc Liên Hiệp Âu Châu (EU) không còn có thể trông cậy vào ô dù an ninh của Mỹ. Ngân sách phòng thủ của Tây Ban Nha hiện tương đương khoảng 1,28% GDP nước này, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu, trong đó đứng đầu là Ba Lan. Năm 2024, Warsaw dành đến hơn 4% GDP cho các khoản chi phí quân sự.
(AFP) – Hoa Kỳ: Tổng thống Trump giảm nhẹ tầm mức vụ lộ bí mật quân sự. Vụ tai tiếng để lộ bí mật quân sự trong chiến dịch đánh phe nổi dậy Houthi ở Yemen mà Jeffrey Goldberg, Tổng Biên tập tạp chí The Atlantic, "vô tình" được mời tham dự các cuộc họp trực tuyến trên ứng dụng Signal, giữa các giới chức an ninh Hoa Kỳ. Trả lời báo chí hôm 25/3/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump bênh vực Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng. Ông coi việc các giới chức an ninh Hoa Kỳ để lộ kế hoạch quân sự là một "sơ sót nhỏ" và "không nghiêm trọng". Ông gọi tổng biên tập báo The Atlantic là tay nhà báo "lưu manh". Phe đối lập bên đảng Dân chủ đòi Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc phải từ chức.

(AFP) – Thụy Điển: Bất bình đẳng về kinh tế ngày càng sâu giữa các gia đình. Một thăm dò do 4 hiệp hội và tổ chức phi chính phủ, bao gồm Hội Hồng Thập tự (ICRC) công bố hôm 26/3/2025, cho thấy cứ 3 gia đình thì có 1 gia đình đơn thân không đủ ăn khi đói. Những hộ này phải "chọn lựa giữa tự kiếm ăn và quần áo". Lạm phát, giá lương thực tăng cao và nợ gia đình cao đang đè nặng nền kinh tế Thụy Điển.
(20 Minutes) – Hoa Kỳ: Tiểu bang Florida khuyến khích trẻ em đi làm để thay thế di dân bất hợp pháp. Kênh truyền thông Mỹ CNN cho biết tiểu bang Florida đang tìm cách thay thế nguồn lao động di dân bất hợp pháp. Hôm 25/3/2025, Thống đốc tiểu bang Florida, Ron DeSantis, và Nghị viện tiểu bang đã trình một Dự luật nhằm nới lỏng các quy định về lao động trẻ em cho phép các thiếu niên ngay từ 14 tuổi có thể làm việc ban đêm. Nếu văn bản được thông qua, trẻ em có thể học ban ngày, làm việc về đêm. Hiện đối tượng lao động này không được phép làm việc trước 6 giờ sáng và sau 11 giờ đêm.

(AFP) – Tổng thống Ba Tây thúc đẩy "mối đối tác thương mại giữa Nhật Bản và khối các quốc gia Nam Mỹ Mercosur". Dẫn đầu một phái đoàn hàng trăm doanh nhân đến Nhật Bản, hôm 26/3/2025, Tổng thống Ba Tây Lula da Silva kêu gọi Tokyo và khối Mercosur nhanh chóng thông qua Hiệp định Tự do Mậu dịch, để tháo gỡ vòng kềm tỏa trước chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ. Khối Mercosur bao gồm Á Căn Ðình, Ba Tây, Paraguay và Uruguay. Ba Tây và Á Căn Ðình là 2 nguồn cung cấp nông phẩm lớn trên thế giới.
(AFP) – Nam Hàn: Cháy rừng lớn khiến 24 người chết. Theo một viên chức Bộ Nội vụ Nam Hàn hôm 26/3/2025, đây chỉ là con số tạm thời, trong số này có một phi công trực thăng. Hàng ngàn lính cứu hỏa đã được huy động hòng dập tắt hơn một chục ngọn lửa, bùng phát từ cuối tuần qua (22-23/3), thiêu rụi hơn 17 ngàn hecta rừng và đe dọa hai điểm di tích được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Đây là đợt cháy rừng lớn thứ hai, sau đợt lớn nhất năm 2000, thiêu cháy hơn 23.900 hecta rừng ở bờ phía Đông đất nước.

Không có nhận xét nào: