Ngôn ngữ là công cụ chủ lực để diễn tả ý nghĩ và cảm xúc khi viết văn, làm thơ. Ai đó đã nói: "“Sáng tác thơ là quá trình sáng tạo ngôn ngữ, nhằm làm mất đi nghĩa vốn có của chữ và làm nảy sinh nghĩa mới của chữ”. Thơ thì kiệm lời hơn viết văn. Bù lại, ngôn ngữ biểu cảm của thơ lại tải được nhiều dung lượng thông điệp dễ đánh động tâm hồn người đọc hơn. Bài thơ Tóc Mây Em Thả Về Đâu của Gia Nguyễn sau đây là một ví dụ.
<!>
“Tóc mây
Em thả về đâu
Hình như đang chảy
giữa câu thơ buồn
Tình kia
như khói như sương
Có là có thật
mà dường như không
Dẫu cho
trăm suối nghìn sông
Cũng không ngăn nỗi
lòng mong nhớ người
Tóc mây
em thả về đâu
Tôi nghe tóc chảy
giữa câu thơ buồn.
Một lúc nào đó, người làm thơ suy nghĩ mông lung rồi chợt nhớ bâng quơ về một bóng hình... mà mái tóc là nỗi ám ảnh.
Trong tình yêu, khi mình nhớ nụ cười của một bóng hồng thì mình đang đặt cược lòng mình trước một ngưỡng tình, trước sau gì rồi cũng sẽ bị hô biến thành một gã tình si lúc nào không hay. Bởi vì:
"Mình về có nhớ ta chăng? Ta về ta nhớ hàm răng mình cười." (ca dao).
Còn nhà thơ mình thì nhớ đến mái tóc, nên đây được coi như là một thoáng xao lòng.
“Tóc mây
em thả về đâu
Hình như đang chảy
giữa câu thơ buồn.”
Người ta thường dùng tính từ để miêu tả sự vật, ở đây nhà thơ lại sử dụng động từ để miêu tả mái tóc, như là một cách sáng tạo về chức năng của từ loại.
Động từ “thả“ gợi tả một mái tóc mây nhẹ nhàng, thanh thoát. Động từ “chảy” khiến ta hình dung một suối tóc thề lênh đênh trong biển gió.
Rồi từ hình ảnh của một mái tóc cụ thể, nhà thơ đã mơ hồ hóa nó, thả suối tóc chảy vào mông lung: “Tóc mây em thả về đâu” và địa chỉ đến là: “Hình như đang chảy giữa câu thơ buồn.”
Hình như đang chảy giữa câu thơ buồn, vì đó chỉ là một mối tình chưa định hình, còn mơ hồ, hư hư thực thực:
“Tình kia
như khói, như sương
Có là có thật
mà dường như không"
Một mối tình được ví như sương khói, không cụ thể mà chỉ là “hình như“ và “dường như” nên là một mối tình thiếu xác tín, nó chỉ là nỗi xôn xao nơi ngõ vắng tình yêu của một tâm hồn nghệ sỹ mà thôi.
Nhưng cuối cùng thì lại khác. Đặc trưng của tình yêu là khi càng cố quên, lại càng nhớ thêm, bởi nó là bản năng của trái tim, luôn đi theo lực quán tính của tâm hồn, đố ai ở đó mà ngăn cản:
"Dẫu cho
trăm suối nghìn sông
Cũng không ngăn nổi
lòng mong nhớ người.”
Phải chăng tình yêu đã được đồng hóa vào nỗi nhớ, và nếu thực có, thì đây là một chuyện tình đơn phương được nhà thơ tự tái xác nhận sau khi đã trãi qua nhiều cung bậc cảm xúc về một mái tóc mây, hình như đang chảy giữa câu thơ buồn.
Bài thơ là một hơi thở nhẹ nhàng, thông điệp được ẩn vào bốn nội dung khá mạch lạc.
Một là: Lộ trình tâm lý của tình yêu đã được logic hóa, đi từ cảm mến đến nhớ buồn bâng quơ rồi tự đấu tranh để thấy có hay không và cuối cùng là hiện thực.
So sánh hai khổ đầu và cuối ta thấy rõ có sự khác nhau.
Đi từ sự mơ hồ lúc ban đầu: “Tóc mây em thả về đâu/ Hình như đang chảy giữa câu thơ buồn” đến xác định không còn là hình như nữa: “Tôi nghe tóc chảy giữa câu thơ buồn.”
Như vậy, cuối cùng, tình yêu cũng đã được tự thú, nhưng không phải trước bình minh mà là lúc hoàng hôn.
Hai là: Ý thơ đơn giản, ngôn ngữ biểu cảm. Hình ảnh đẹp của “Tóc mây em thả về đâu” cuối cùng nơi đến cũng đành ép mình nằm giữa những câu thơ buồn.
Ba là: Lời thơ bình dị, mang âm hưởng của một bài ca dao, nên hơi thơ gần gũi, thấm vào lòng, chạm đến cảm xúc bạn đọc.
Bốn là: Chính sự mô tả cảm xúc về nỗi nhớ: có hay không, hư hay thực, lúc thì băn khoăn, khi thì xác định, điều đó đã bộc lộ một hồn thơ đang trong trạng thái "thơ thẩn", đây chính là cái tứ, xoay quanh trục chủ đề “thơ thẩn“ tác giả viết trước bài thơ.
Kinh nghiệm cho thấy, nhà thơ đôi khi còn là “nhà thơ thẩn.”
Tình yêu thơ thẩn là một "tình yêu nằm ngoài biên chế", ví như một cánh hồng được ươm vào sân chơi lãng mạn của vườn thơ. Có phải thế không?
Trương Công Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét