Olympic Paris 2024: Léon Marchand ghi tên vào lịch sử thể thao Pháp với 4 huy chương vàng Tối 02/08/2024, tại bể bơi La Défense Arena, ngoại ô Paris, nam vận động viên bơi lội người Pháp Léon Marchand đã đi vào huyền thoại sau khi giành được chiếc huy chương vàng thứ tư trong cự ly 200 mét hỗn hợp cá nhân. Ngày 02/08 cũng là ngày gặt hái huy chương của đội Pháp.Léon Marchand sau khi về nhất trong cuộc thi 200 mét bốn kiểu bơi tại bễ bơi La Défense Arena, ngoại ô Paris, Pháp, tối 02/08/2024. AP - Natacha Pisarenko Thanh Phương | nThu Hằng
Với thành tích 1'54''06, kình ngư Pháp suýt phá kỷ lục thế giới của vận động viên người Mỹ Ryan Lochte (1'54''00). Tuy nhiên, Léon Marchand đang giữ kỷ lục của Pháp về số huy chương vàng cá nhân tại Thế Vận Hội (vô địch 200 mét hỗn hợp, 200 mét bơi bướm, 200 mét bơi ếch, 400 mét hỗn hợp cá nhân), vượt qua vận động viên trượt tuyết Jean-Claude Killy, người giành ba huy chương vàng năm 1968 tại Thế Vận Hội mùa đông Grenoble (Pháp).
Trả lời báo giới trong tiếng hô « Anh hùng » của các cổ động viên, Léon Marchand cho biết « sẽ mất rất nhiều thời gian để hình dung ra được là đã giành 4 huy chương vàng Thế Vận Hội trên quê nhà ». Sau khi thi cá nhân, kình ngư 22 tuổi tham gia thi đấu đồng đội bơi tiếp sức hỗn hợp 4x100 ngày 03/08.
Ngày 02/08 cũng được coi là ngày gặt hái của đội Pháp với tổng cộng 9 huy chương. Ngoài huy chương vàng của Léon Marchand còn có huy chương vàng judo hạng cân hơn 100 kg của võ sĩ judo nổi tiếng của Pháp Teddy Riner, huy chương vàng đua xe đạp địa hình BMX, kình ngư Florent Manaudou giành huy chương đồng bơi tự do 50 mét… Trong cuộc thi bắn súng 25 mét sáng 03/08, vận động viên Pháp Camille Jedrzejewski giành huy chương bạc. Như vậy, Pháp đang đứng thứ hai trong bảng xếp hạng (sau Trung Quốc) với 37 huy chương (11 vàng, 13 bạc và 13 đồng).
Tình nguyện viên : Lực lượng giúp Thế Vận Hội thành công
Trong hai ngày cuối tuần 03 và 04/08 diễn ra cuộc đua xe đạp nam và nữ. Pháp có bốn vận động viên tham gia cuộc đua xe đạp dành cho nam ngày 03/08. Một phần thành phố Issy-les-Moulineaux, sát thủ đô Paris, nằm trong lộ trình. Ngoài lực lượng giữ an ninh, nhiều tình nguyện viên Thế Vận Hội đã có mặt từ sáng sớm, như ông Jean-Jacques :
« Chúng tôi sẽ phải mặc áo bảo vệ màu vàng, chúng tôi điều tiết giao thông. Khi đoàn xe sắp tới, chúng tôi báo trước cho người xem, ngăn họ qua đường. Thường thì có một người làm hoa tiêu, phất cờ đỏ và thổi còi cảnh báo mọi người không được qua đường để tránh tai nạn. Một chút nữa sẽ có một người mặc áo màu xanh dương qua đây, đó chính là « sếp » của chúng tôi, người được Ủy ban Thế Vận Hội tuyển, và người đó sẽ giải thích cho chúng tôi công việc cụ thể ».
Thành phố Issy chuẩn bị nhiều vòi nước, máy tạo sương trong khu vực thi đấu cho các cổ động viên để tránh nắng nóng, sốc nhiệt vì cuộc đua sẽ chia làm hai lượt, lượt đi vào buổi sáng và lượt về vào buổi chiều. Về phần tình nguyện viên, ông Jean-Jacques cho RFI Tiếng Việt biết : « Thực ra không phải chuẩn bị gì đặc biệt cả, chúng tôi mang nước. Trước đó, chúng tôi nhận được thư điện tử từ ban tổ chức giải thích chúng tôi cần chuẩn bị những gì ».
Nằm trong số 45.000 tình nguyện viên được huy động trên khắp nước Pháp cho Olympic và Paralympic 2024, ông Jean-Jacques giải thích lý do đăng ký là vì « tinh thần thể thao đã chảy trong máu » : « Làm tình nguyện viên, tại vì tôi chơi thể thao như đạp xe, chơi ba môn phối hợp. Trước đó, tôi đã làm tình nguyện viên ở nhiều sự kiện thể thao như giải việt dã, bán việt dã… cho nên tôi đăng kí làm tình nguyện viên ở Thế Vận Hội lần này ».
Là những người trực tiếp tiếp xúc, hỗ trợ các vận động viên, hướng dẫn du khách, cổ động viên và hỗ trợ công tác tổ chức, tình nguyện viên đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của Thế Vận Hội.
Mỹ điều thêm lực lượng quân sự đến Trung Cận Đông để bảo vệ Israel
Israel khẳng định chuẩn bị đối phó với các cuộc trả đũa của các nước Hồi giáo trong liên minh « Trục kháng chiến » sau vụ ám sát Ismaïl Haniyeh, lãnh đạo chính trị của lực lượng Hamas. Trước nguy cơ xung đột gia tăng, ngày 02/08/2024, Washington cho biết muốn tăng cường năng lực phòng thủ ở Trung Cận Đông để bảo vệ lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực và đồng minh Israel.
Cờ của Hoa Kỳ và Israel bị đốt trong một cuộc biểu tình tại thủ đô Lahore, Pakistan ngày 31/07/2024. AP - K.M. Chaudary
Thu Hằng
Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Sabrina Singh, bộ trưởng Lloyd Austin « sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường lực lượng Mỹ ở trong vùng, cung cấp thêm hỗ trợ cho Israel và để Hoa Kỳ được chuẩn bị kỹ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng đầy biến động này ». Bà cũng lưu ý đó « sẽ là năng lực phòng thủ ».
Khi tiếp đón những công dân Mỹ được Nga trả tự do trong đêm 01-02/08, tổng thống Joe Biden tỏ ra « rất quan ngại » về tình hình Trung Cận Đông, đồng thời tiếp tục thúc giục thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhanh chóng ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza.
Trước đó, trong điện đàm với thủ tướng Netanyahu, với sự có mặt của phó tổng thống Kamala Harris, ông Joe Biden khẳng định « cam kết » vì an ninh của Israel để đối phó với « mọi mối đe dọa từ Iran ». Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã « thảo luận về việc tăng cường khả năng phòng thủ của Israel, trong đó có tên lửa đạn đạo và drone », thậm chí Mỹ có thể « triển khai thêm vũ khí phòng thủ mới ».
Theo nguồn tin từ AFP, các quan chức của Iran đã họp cùng đại diện các nhóm đồng minh ngày 31/07 ngay sau vụ ám sát Ismaïl Haniyeh và đưa ra hai kịch bản : Iran và các đồng minh cùng thực hiện cuộc trả đũa đồng loạt hoặc mỗi bên sẽ có phản ứng riêng.
Nhật Bản – Philippines mở cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Đông
Ngày 02/08/2024, Philippines và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ, đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Đông nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác đối phó với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Nhật Bản và Philippines tổ chức họp báo sau khi ký kết thỏa thuận quốc phòng tại Philippines, ngày 08/07/2024. AP - Aaron Favila
Minh Anh
AFP dẫn thông cáo của quân đội Philippines cho biết trong « cuộc tập trận hợp tác hải quân » đầu tiên, có sự tham dự của tàu khu trục hạm JS Sazanami của Nhật và tàu hộ tống có trang bị bệ phóng tên lửa BRP Jose Rizal. Mục tiêu là nhằm thử nghiệm hệ thống liên lạc và thực hiện các thao tác chiến thuật ở Biển Đông, gần với bờ biển Philippines.
Theo thông cáo, bài thao dượt lần này là « một phần các nỗ lực củng cố hợp tác khu vực và quốc tế để thiết lập một không gian Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Cuộc diễn tập giúp nâng cao « năng lực chiến thuật hải quân Philippines và các lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản, củng cố các mối quan hệ và cam kết hỗ trợ trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực », theo như khẳng định của quân đội Philippines.
Đợt thao dượt hải quân chung đầu tiên giữa Nhật Bản và Philippines diễn ra trong khuôn khổ hiệp ước được ký kết giữa hai nước chưa đầy một tháng, cho phép các bên di chuyển quân đến nước đối tác. Cuộc tập trận này diễn ra hai ngày sau một chiến dịch quân sự tương tự giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông.
Theo AFP, một tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc, lớp Giang Đảo, cũng như là một tàu khu trục hạm, lớp Giang Khải được phát hiện cách nơi diễn ra cuộc tập trận Nhật Bản – Philippines khoảng từ 7,4 - 9 km.
Mỹ vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế « phi thị trường »
Bộ Thương Mại Mỹ ngày 02/08/2024 cho biết Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xếp Việt Nam thuộc diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Quyết định này đã gây thất vọng cho Hà Nội, đối tác mà Washington không ngừng nỗ lực lôi kéo để chống Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Antony Blinken gặp bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 25/03/2024. AP - Mark Schiefelbein
Minh Anh
Sau một năm dài xem xét, bộ Thương Mại Mỹ, trong thông cáo, khẳng định, « Việt Nam sẽ tiếp tục bị xếp vào diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính thuế chống bán phá giá tại Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ». Thông cáo nêu thêm, điều này có nghĩa là « phương pháp được sử dụng để tính thuế của Mỹ chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn được giữ nguyên ».
Bộ Công Thương Việt Nam đã có phản ứng, lấy làm tiếc về việc Hoa Kỳ vẫn không muốn công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường mặc dù nền kinh tế đất nước đã có những « cải thiện tích cực » gần đây.
Theo Reuters, những người phản đối việc nâng cấp quy chế cho Việt Nam đã phản bác rằng những cam kết chính sách của Hà Nội không tương xứng với các hành động cụ thể và hoạt động như một nền kinh tế có kế hoạch do đảng Cộng sản cầm quyền quản lý. Họ còn lập luận rằng Việt Nam ngày càng được các công ty Trung Quốc sử dụng làm trung tâm sản xuất để lách lệnh hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Theo nhiều nhà quan sát được Reuters trích dẫn, việc bộ Thương Mại Mỹ quyết định duy trì nhãn « nền kinh tế phi thị trường » đối với Việt Nam có thể gây bất lợi cho mối quan hệ Hà Nội – Washington. Theo giáo sư chính trị Edmund Malesky, giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke, giới lãnh đạo Việt Nam xem quyết định này là một « chuẩn mực quan trọng trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ cũng như việc đạt được mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước ».
Quyết định này đưa ra vào lúc Washington gia tăng các nỗ lực thắt chặt quan hệ với Hà Nội trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, vấn đề nâng cấp quy chế nền kinh tế như Việt Nam mong muốn và xem đấy như là nền tảng cho mối quan hệ Việt – Mỹ, đã trở nên khó xử khi Mỹ đang bước vào mùa bầu cử tổng thống cũng như việc đôi bên kiên định lập trường của mình về quyền người lao động.
Việt Nam : Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản, trở thành người quyền lực nhất
Trong phiên họp bất thường sáng nay, 03/08/2024 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu đại tướng Tô Lâm, chủ tịch nước, chính thức lên làm người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Quyết định được đưa ra hai tuần sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng qua đời.
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch nước Tô Lâm tham dự buổi họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội vào ngày 03/08/2024. AFP - NHAC NGUYEN
Nguyễn Giang
Tại Singapore, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết thêm :
"Ông Tô Lâm, người vừa tròn 67 tuổi hôm 10/07 vừa qua, đã tạm giữ chức điều hành công việc của Đảng sau khi tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng tạ thế hôm 19/07. Truyền thông Việt Nam nêu chức danh của ông là Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tô Lâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2021-2026, tức là ông sẽ đóng vai trò nhất thể hoá hai chức trong tứ trụ của chính trị Việt Nam trong gần 2 năm.
Đây là điều đã từng xảy ra năm 2018 khi TBT Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức chủ tịch nước vì chủ tịch Trần Đại Quang qua đời. Ông Trọng nắm hai chức cho đến Đại hội Đảng 13 đầu năm 2021 mới nhường lại vị trí đó cho ông Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng với sự thăng tiến của chủ tịch Tô Lâm lên làm tổng bí thư, vị trí số một trong nền chính trị có truyền thống dựa trên đồng thuận của nhiều bên, không rõ sau năm 2026 ông Tô Lâm có tiếp tục giữ cả hai chức vụ hay không.
Điều chắc chắn là ở vị trí chỉ đạo cao nhất trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 14, ông sẽ có tiếng nói quyết định về diện mạo của dàn lãnh đạo hàng đầu ở Việt Nam sang cả đầu thập niên 2030. Phát biểu sau khi được 100% phiếu bầu làm Tổng bí thư, ông nêu ra triết lý cầm quyền cho cả bộ máy là phải “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Cũng trong ngày 03/08, Đảng CS VN công bố kỷ luật Đảng vì sai phạm với một loạt vị trí gồm cả phó thủ tướng Lê Minh Khái, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi trường Đặng Quốc Khánh. Điều này có nghĩa là các chức vụ bên chính phủ của họ sẽ bị tước đi sau khi bị loại ra khỏi Trung ương Đảng.
Hai bí thư Đảng là ông Nguyễn Xuân Ký của Quảng Ninh và Chẩu Văn Lâm của Tuyên Quang cũng bị nêu danh là vi phạm và loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Các công bố này phù hợp với cam kết và tân TBT Tô Lâm nêu ra ngay trong ngày là ông sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng mà cố TBT Nguyễn Phú Trọng để lại.
Có ý kiến như của nhà quan sát tình hình Việt Nam, giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales cho rằng, việc tiếp tục chống tham nhũng sẽ giúp ông Tô Lâm định hình chính sách nhân sự trong 16 tháng trước ĐH Đảng 14.
Bản thân TBT Tô Lâm nhắc lại câu, coi tham nhũng là giặc nội xâm, phải bị đẩy lui. Về đối ngoại, ông nói Việt Nam “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết” và kêu gọi đoàn kết toàn dân, và cam kết “tận tâm, tận lực, tận hiến vì Đảng, vì đất nước và vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân”.
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét