Người Việt Nam ta có câu “Ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà”. Thật đúng như vậy, dù không cháy tiêu, cháy rụi thì cũng cháy “xém xém sương sương” chớ không thể nào còn y nguyên như cũ được. Vì mỗi lần dọn nhà là phải lật tung cả nhà ra, từ trong hốc trong kẹt nào miễn có đồ là phải sọan sành dọn dẹp coi cái nào còn cần dùng mới cho vô thùng mang theo còn cái nào “odd” “lỡ thầy lỡ thợ” hoặc không biết để “làm tế” gì thì bỏ bớt cho đỡ nai lưng ra vác. Sọan một hồi nhức đầu thì thế nào cũng cho vô thùng rác phân nửa thành ra ba lần dọn nhà cộng lại thành cháy nhà là vậy.
<!>
Nhưng trong một đời người không ai có thể tránh khỏi chuyện dọn nhà, dù là nhà riêng của mình đã mua đứt nhưng lâu ngày cũ kỹ hư hao, làm biếng sơn sửa tân trang có khi còn phải dẹp đi mua nhà khác huống chi người ở nhà mướn thì cứ có dịp dọn dài dài.
Sau năm lần ở nhà mướn dọn tới dọn lui trần ai lai khổ, hai vợ chồng cô Ngân quyết định mua một căn nhà nho nhỏ theo túi tiền dành dụm được và theo khả năng trả mortgage để có thể được an cư từ này về sau. Căn nhà này được xây đâu hồi năm một ngàn chín trăm mấy trước đệ nhị thế chiến lận, kiểu nhà mà người Úc không gọi là house mà là cottage. Nhà được xây bằng gạch đôi có sân trước sân sau thật dài nhưng living space thì nhỏ xíu chật hẹp lại tối tăm vì cái hall way dài nhằng mà không có cửa sổ. Khi tới tay hai vợ chồng cô Ngân thì nó đã được tân trang lại nhiều lần bên trong nên coi cũng được chỉ có cái vỏ nhà bên ngòai là xưa là già bằng ông già tía của cô thôi. Hồi còn ở Việt Nam, cô không thể nào tưởng tượng ra nổi là ở bên Úc có một cái nhà xây sẵn chờ cô qua ở. Có cái lạ là ngày sinh của cô là ngày một, năm một ngàn chín trăm năm mươi hai (52) thì căn nhà cũng mang số năm mươi hai, nằm trên con đường một. Cho nên mỗi lần đụng tới chuyện giấy tờ, người ta hỏi DOB (ngày sinh) thì cô nói là first, (May) fifty two. Và khi hỏi address thì cô cũng nói fifty two, first ave. Người ta tưởng cô không hiểu hỏi lại “địa chỉ nhà kìa chớ không phải ngày sinh”. Cô nói thì “địa chỉ cũng giống ngày sinh vậy”. Ai cũng cười nói sao có sự trùng hợp lạ vậy. Cô nhớ có một bài hát tựa đề là “Con đường mang tên em” thì đây là căn nhà mang sinh nhựt cô.
Khi dọn vô căn nhà này hai vợ chồng cô đã bỏ biết bao công sức để sơn phết lại màu sơn theo ý mình, sửa chỗ này một chút, chỗ kia một chút cho lành lặn khang trang. Lúc đó cô Ngân mới khỏang bốn mươi tuổi, còn có thể leo thang lên xuống thoăn thoắt như khỉ leo cây nên rất hăng hái phụ với ông xã sửa chữa nhà, cạo sơn cũ, phết sơn mới nhuyễn nhừ như thợ chuyên môn. Cộng thêm cái tánh sạch sẽ kỹ lưỡng, chỗ nào cô cũng leo lên lau chùi sạch trơn láng bóng, nhà bếp lót gạch mới, phòng khách phòng ngủ thay thảm mới nên trông mới mẻ sáng sủa hẳn lên khiến lúc đầu cô Ngân rất vừa ý hài lòng. Lại thêm, hai vợ chồng cô, người nào cũng thích bông hoa cây kiểng cho nên sau khi trang hòang nhà cửa bên trong xong là hai người bắt đầu đi rảo nursery. Tuần nào cũng đi “tha” một mớ bông hoa về trồng. Sân sau dài ba chục thước mặc sức mà cắt cỏ làm vườn. Lúc đầu họ đi những nursery gần nhà, từ từ đi tuốt lên Dural ở North Sydney để tìm những lọai hoa hồng lạ như “blue moon” hoặc “black beauty” hay “chameleon”. Dần dà, từ sân trước ra tới vườn sau cả thảy ba chục cây hoa hồng đủ màu, ngòai ra còn trồng thêm mấy cây hoa anh đào, hồng ăn trái, chanh giấy, rau thơm và những lọai hoa theo từng mùa xuân hạ thu đông. Bởi vì sau bảy năm trời làm lụng vất vả, tiết kiệm để dành, giờ đây mua được cái nhà thì việc trước tiên họ phải thực hiện là hình thành một vườn hoa xinh tươi muôn vẻ muôn sắc như ước vọng khi xưa họ đã từng tưởng tượng vẽ vời.
Sau bốn năm trong căn nhà đó thì ba má và em gái cô Ngân sang đòan tụ gia đình. Nhà chỉ có ba phòng cho bốn người ở nhưng bây giờ thêm ba người vào thì có hơi chật chội nhưng cũng không đến nổi nào. Cô Ngân đặt thêm một cái giường trong phòng con gái để em cô ở chung với cháu. Còn phòng ăn, cô dừng lại bằng một bức màn cho thằng em ngủ vì phòng thằng em phải nhường lại cho ba má. Bàn ăn thì đem ra trước phòng khách cũng còn rộng rinh. Người mình có câu “Ăn thì nhiều chớ ở mà bao nhiêu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” là vậy.
Nhưng chưa tới hai năm thì cô em gái đi lấy chồng dọn về vùng có nhiều người Á châu Việt Miên Tàu sinh sống nên ba má cô cũng dọn theo về dưới đó để có bạn bè hàng xóm cho vui. Ra đường đi chợ đi phố thì tòan nói tiếng mình rất là dễ dàng thuận tiện như ở quê nhà, chớ nơi cô ở thuở đó rất ít người đồng hương, nhà lại xa chợ xa shop nên suốt gần hai năm ba má cô như người câm điếc, què quặt, không có ai trò chuyện, cũng không dám đi đâu một mình. Ngày nào cũng ngồi ru rú trong nhà hoặc đi ra đi vô chờ tới chiều tối mới gặp mặt con cháu đi học đi làm về. Cuộc sống chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường lạnh lẽo thật buồn tẻ hiu quạnh biết bao. Khổ hơn nữa là nhà cô lại thiếu dương khí, mùa đông cần có nắng cho ấm nhà thì mặt trời lại ngỏanh mặt làm ngơ quay hướng khác (dù có máy sưởi nhưng ba má cô Ngân ăn không ngồi nhà đâu dám mở máy sưởi suốt ngày). Còn mùa hè cần mát thì cứ khỏang ba giờ chiều là nắng chang chang rọi ngay cửa nhà sau nóng hừng hừng thấy phát sôi gan. Nếu được warm in winter, cool in sumer thì tốt biết mấy, đỡ lạnh đỡ nóng cho ba má cô, đàng này thì ngược lại khiến cô bắt đầu cảm thấy căn nhà của mình hơi khó ưa .
Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ngòai cái lạnh thấu xương vào mùa đông còn thêm những “rận rệp” khác nữa. Kiểu nhà xưa xây không được thóang, thiếu ánh sáng bên trong nên nhà dễ bị ẩm, nhứt là tường và trần nhà, tường thì nứt, trần nhà thì lổ chổ thâm đen. Tường nứt thì còn dễ, chỉ cần mua silicon ở hardware về trét rồi sơn lại cùng màu như cũ là xong. Chỉ có trần nhà là “nặng tội”. Vì những căn nhà xưa người ta hay làm ceiling kiểu cọ hoa hòe rất khó sơn sửa tô phết. Sau nhiều năm thì lớp nước sơn do những chủ nhà trước sơn bồi lên nhiều lần bắt đầu tróc ra, nhìn lên ceiling cô Ngân rất khó chịu vì thấy nó giống như cá rô chiên xù. Cái điệu này thì chỉ có nước mướn thợ lại thay nguyên cái trần nhà chớ tự biên tự diễn làm sao cho kham.
Nhỏ con cô Ngân tên Dung cũng ngán ngẩm nhìn lên rồi nói:
- Hay là mình bán căn này, mua nhà khác đi má chớ kêu người ta lại dở cái ceiling ra messy lắm, mình đang ở mà phải sửa thì bụi bậm dơ hầy chịu sao nổi.
Cô Ngân thở dài:
- Đâu phải muốn bán là bán được đâu, rắc rối lắm, dễ gì ba con chịu. Ổng sợ dọn nhà lắm rồi. Lại nữa bán trước thì mình đi đâu ở, ở nhà mướn nữa chắc chắn là ổng không đồng ý rồi. Còn nếu như kiếm mua trước thì tiền đâu mà trả. Sức mấy mà ổng chịu mượn ngân hàng trả tiền lời, chuyện đó mà nói ra thì chắc ổng sẽ hầm hừ nói là over my dead, dead, dead body thôi.
Dung vẫn lạc quan nói tiếp :
- Để con nói cho. Tuần sau má lấy báo Torch (báo local có đăng dịch vụ bán nhà) vô để hai mẹ con mình kiếm nhà, kiếm từ từ chừng nào thấy có căn nào coi bộ được thì rủ ổng đi coi. Ổng không chịu thì con chở má đi.
Cô Ngân cười ngúyt con gái :
- Ổng không chịu đi thì mình đi làm gì. Coi được mà không mua được thì chỉ thêm ấm ức tiếc rẻ. Vả lại, ổng không chịu thì mình lấy tiền đâu mua.
Nói vậy chớ hai mẹ con tuần nào cũng coi báo kiếm nhà. Một bữa chiều ăn cơm xong, ba cha mẹ con thả bộ đi dạo mát. Dung lên tiếng:
- Ba à, con với má thấy trong báo có căn nhà coi được quá. Thứ bảy này mình hẹn đi coi thử nghe. Nhà mình xưa quá xá rồi, sửa tới sửa lui hòai mắc công quá, bán quách mua nhà khác ở cho khỏe đi ba.
Ông Nam, ông xã cô Ngân khựng lại :
- Xưa thì xưa chớ nhà này gạch đôi vững chắc lắm, mình ở tới khi mình sụm, nó vẫn còn y nguyên chớ nhà mới xây bây giờ đa số là brick veneer chỉ có một lớp gạch thôi, dễ sập lắm. Mà có cái nhà ở là có phước lắm rồi còn chê cũ chê mới, biết bao nhiêu người homeless phải ở gầm cầu, ga xe lửa không thấy sao. Với lại ba sợ nợ nần lắm, mới vừa dứt nợ, mới thấy khỏe được một chút là hai má con mày lại bày đặt đòi đổi nhà. Ba già rồi, mai mốt hưu trí rồi lấy tiền đâu mà trả.
Cô Ngân chen vô:
- Thì mình đừng có mua nhà mắc hơn căn mình đang ở nhiều quá. Giả sử như mình bán căn nhà này bốn trăm ngàn thì mua lại căn khác khỏang bốn trăm rưởi. Đi xa hơn một chút về vùng hướng tây thì nhà rẻ hơn mà còn mới hơn nhà mình bây giờ, em với con Dung tính vậy đó chớ đâu phải đèo bồng đòi nhà cao cửa rộng vói không tới đâu mà sợ.
- Bao nhiêu cũng không chịu bán nữa chớ ở đó mà giả sử bốn trăm. Anh chỉ muốn ở yên một chỗ cho tới khi nằm xuống thôi, sợ dọn nhà lắm rồi. Biết bao nhiêu là chuyện rắc rối phiền phức. Mua cái mới bán cái cũ, đàng nào cũng phải tốn tiền stamp duty và “cúng” cho mấy ông luật sư ăn hết.
Phán xong, ông Nam đi te te một nước như sợ hai mẹ con kèo nài thuyết phục thêm một hồi nữa rồi lại sinh cãi cọ, bỏ hai mẹ con lại tiu nghỉu lẻo đẻo đàng sau. Thế là hết một buổi chìều êm ả walking around the block.
Nhưng cô Ngân cũng không vì vậy mà give up. Nhận thấy ông xã stubborn khó lay chuyển, cô Ngân lại xoay qua bày chuyện sửa nhà. Cô nói :
- Nếu anh không chịu cho đổi nhà khác thì mình phải thay ceiling, chớ mỗi lần nằm ở sopha ngó lên trần nhà trông như cá rô chiên xù thấy mà bực bội, ngứa mắt gì đâu. Nếu anh muốn cố định ở đây tới chết thì phải đổi ceiling khác, bằng không là em không bao giờ shut up đâu à.
Ông Nam xụ mặt xuống cằn nhằn:
- Em sao rắc rối quá, ai biểu em ngó lên trần nhà làm gì, trên đó có gì mà coi. Làm ơn coi TV giùm cái đi. Mở TV không coi cứ lo nhìn lên ceiling. Bộ em nói muốn thay dễ lắm à, phải dời hết đồ đạc trong phòng khách, đem cái đám cồng kềnh này đi đâu bây giờ, lại còn bụi bậm ngập đầu dơ thảm rồi lại đòi thay thảm nữa. Mệt “bà” quá đi. Cứ mỗi lần thấy bà ngó lên trần nhà là tui thấy rầu, biết bà muốn nói cái gì rồi.
Khi mà ông Nam đem chữ “bà” ra nói chuyện là phải biết tình hình đã căng thẳng lắm rồi. Cô Ngân bỏ ra sau vườn, vừa đi vừa nói ngóai lại :
- Người gì đâu mà bàn chuyện gì cũng bác ra, không có thiện chí hợp tác. Để rồi coi, rốt cuộc ai đúng ai sai. Ai hổng biết sửa nhà là phiền là mệt nhưng bây giờ còn sức không lo tính, để già thêm nữa, chừng đó muốn làm thì lực bất tòng tâm.
Ông Nam đi làm cả ngày, chiều về cơm nước xong thì đọc sách báo hoặc xem TV chớ có rảnh mắt đâu mà thầy cái ceiling sần sùi như vãy cá nhưng từ khi nghe bà vợ than phiền lãi nhãi mãi ông cũng bị ảnh hưởng đôi chút nên bắt đầu thỉnh thỏang nhìn lên ceiling và chẳng biết nghĩ sao, một bữa nọ cô Ngân bỗng thấy ông lật báo trang quảng cáo tìm thợ thay trần nhà.
Thay xong ceiling, ông Nam bỗng nổi hứng nảy ý định thay hết mấy cái cửa sổ trong nhà theo kiểu mới bây giờ là sliding thay gì phải mở bật nguyên cánh cửa ra. Người thợ nói:
- Nhà cũ quá rồi, ông thay làm gì cho uổng mười mấy hai chục ngàn. Ở một lúc nữa rồi mua nhà mới đi. Nhà cũ mấy chục năm, dây điện, ống nước âm trong tường cũng cũ và mục rồi, nếu có khả năng thì mua nhà mới dưỡng già tốt hơn. Khỏi sửa sang gì nữa.
Ý kiến ông thợ sao mà đúng ý cô Ngân quá. Cô thầm nghĩ, vậy mà mình với con Dung nói không chịu nghe. Thôi kệ cứ hy vọng đi, thế nào từ từ ổng cũng sẽ suy nghĩ lại. Ngày mai thế nào trời cũng sáng.
Vài năm sau, khi con gái cô lấy chồng mua một cái unit ở riêng, hai vợ chồng nó mời ba má lại coi nhà mới, nhà kiểu open plan bây giờ thóang khí sáng sủa, Ông Nam thấy rất thích, cộng thêm con gái ông nói thêm vào là nhà có đất như của ba bây giờ bán rất được giá, mà ba thì càng ngày càng già, đất rộng làm gì chỉ mắc công cắt cỏ. Thôi thì bán quách lấy tiền mua một cái town house mới xây ở cho thỏai mái.
Thế là từ hôm đó, ông Nam xuôi theo ý vợ con bàn chuyện kiếm nhà. Trước nhứt là tìm agent khảo giá nhà mình và nhờ đăng bán. Căn nhà vừa được cho lên internet thì hôm sau có người điện thọai lại xin coi liền.
Đó là một couple khỏang ngũ tuần và hai thằng con trai người Singapore. Hai ông bà và hai thằng con chia nhau đi từ sân trước ra sân sau, từ ngòai vô trong, xem xét kỹ lưỡng mỗi phòng mỗi chỗ và luôn miệng khen. Thật sự, cô Ngân với tính vén khéo siêng năng thường xuyên dọn dẹp nên nhà cửa vườn tược cô lúc nào cũng đẹp đẽ ngăn nắp trông rất bắt mắt không chê vào đâu được. Hai ông bà người khách xem xong hẹn ngày mai sẽ dẫn thêm con dâu tương lai và bà con tới xem lần nữa rồi mới quyết định. Qua ngày sau là ngày thứ bảy, khỏang 10 giờ sáng, ba chiếc xe nhà dừng lại trước nhà cô Ngân. Một đám người cả thảy gần chục mạng và hai đứa con nít 4- 5 tuổi kéo nhau tới coi nhà. Lần này họ lại đem theo một anh thợ chuyên môn tân trang nhà cửa. Họ chỉ chỗ này chỗ nọ hỏi anh thợ sửa được không. Chỗ nào anh thợ cũng gật đầu nói OK, piece of cake, easy hết. Vì vậy hai hôm sau họ đồng ý đặt cọcr $1,000 để giữ căn nhà không cho người khác coi. Thời gian này gọi là cooling period, nếu quá bảy ngày họ không xúc tiến thì chủ nhà có quyền đăng bán tiếp và tiền cọc cũng không được trả lại.
Đến lúc này thì hai vợ chồng cô Ngân hối hả chạy kiếm nhà ráo riết. Vừa kiếm trong báo mà cũng vừa chạy vòng vòng coi chỗ nào có để bảng For sale thì ghi số phone về gọi. Đi coi mười mấy căn nhà đều không vừa ý, hễ thuận tiện chỗ này thì bất tiện chỗ kia đến phát nãn định bỏ ý định bán nhà. Sau cùng mới chấm được một cái town house vừa mới xây xong. Nói tiếng là town house nhưng bên trong thật rộng, ba phòng ngủ, hai nhà tắm, ba toilet. Ông Nam rất ưng ý căn này vì tầng dưới có một phòng ngủ secours và bathroom bên cạnh rất tiện lợi, nếu về già leo lầu không nổi nữa thì đóng đô ở dưới luôn như nhà trệt.
Sau khi thương lượng giá cả xong xuôi, ông Nam tiến hành thủ tục luật sư. Một tuần sau bên người mua trở lại xin coi lần nữa rồi sau đó deposit 10% giá nhà. Phần ông Nam cũng trả 10% cho căn town house mới. Đến nước này thì không bên nào còn có thể rút lui nữa được, vì nếu đổi ý thì sẽ mất trọn mấy chục ngàn.
Bây giờ cái khó là hai vợ chồng cô Ngân phải bàn với luật sư sắp xếp làm sao cho ăn rập với bên người mua, dọn ra và dọn vô cùng một ngày. Phần cô Ngân thì muốn dọn vô nhà mới lúc nào cũng được vì căn town house vốn là nhà mới trống không. Nhưng kẹt cái là muốn dọn vô thì phải chồng tiền đủ cho chủ nhà, mà muốn có đủ tiền là phải đợi tới ngày settlement người mua mới trao tiền và số tiền đó sẽ trả qua căn nhà mới của cô Ngân. Cái rắc rối là ở chỗ đó, nghèo đi đôi với khổ là vậy, nhưng luật sư bảo đảm sẽ được thôi miễn là giờ chót đàng mua không đổi ý bỏ mấy chục ngàn tiền cọc.
Trong lúc chờ hòan tất thủ tục mua bán nhà thì hai vợ chồng cô Ngân bắt đầu chuyện “thanh tóan” đồ đạc trong nhà. Những thứ mà từ trước tới giờ “bỏ thì thương vưong thì tội” bây giờ thì không thương không tội gì nữa mà phải dứt khóat cái rụp thôi chớ mang theo lỉnh kỉnh về nhà mới chỉ tổ thêm rác. Và hơn nữa biết đâu chừng trong mớ đồ lâu ngày không đụng tới đó có một đống trứng gián, đem về nhà mới nó nở ra một đám gián con bò đầy nhà như Việt cộng tràn ngập miền nam thì chết toi.
Cô Ngân đi xin một mớ thùng carton ở mấy tiệm tạp hóa về chất những đồ ít dùng vô từ từ. Lại một phen hai vợ chồng đôi co với nhau là cái nào để cái nào bỏ. Thường ngày đồ ở đâu thì đều có chỗ ở đó không thấy bao nhiêu nhưng khi lôi ra mới thấy chóng mặt nhức đầu hoa mắt. Có những thứ mua về để dành secours hay quà ai tặng đâu hồi đời nào mà quên lấy ra dùng như đồ linen, ấm điện, bàn ủi vv…bây giờ có dịp sọan tủ mới thấy chình ình ra đó. Và khi sọan tới thư từ, hình ảnh, vật lưu niệm cũ của thân nhân bè bạn thì lại thêm một phen “chết trong lòng một ít” vì những kỷ niệm xưa bỗng ùn ùn kéo nhau trở về làm ngẩn ngơ cả ngày trời không biết tính sao, tiếp tục giữ nữa hay là bỏ quách cho nhẹ bớt tâm tư để một mai ra đi được thanh thản nhẹ nhàng. Nhưng rốt cuộc rồi thì tình nặng hơn lý, chừng nào chết hẳn hay chớ bây giờ còn sống thì còn phải có kỷ niệm gắn liền. Thế nên sau một hồi phân vân cân nhắc, cô lại cho tất cả vào thùng dán băng keo lại rồi label là “lưu niệm”.
Cứ mỗi ngày cô dọn một chút, hết tủ này tới tủ nọ, đụng tới chỗ nào cũng phải bỏ bớt một mớ cho giáo hội nhứt là quần áo. Xuân hạ thu đông, cứ hễ on sale là mua nhét vào tủ, bây giờ sọan ra thấy có cái còn chưa có dịp mặc lần nào. Nghĩ lại hồi mới tới, từ Mã Lai qua Úc, gia tài của bốn đứa chỉ có một túi xách nhỏ nhẹ tưng may bằng bao đựng đường nhưng vẫn phây phây sống còn bây giờ đồ đạc như cái chợ mà cũng thấy chưa đủ xài.
Đó là mới có phần quần áo, còn gia dụng, đồ nhà bếp, nồi niêu soong chảo chén dĩa, tương chao xì dầu nước mắm hằm bà lằng, dầu ăn sale chứa chật cả tủ bếp, bột giặt sale cũng mua để đầy một laundry. Cũng bởi vì trót sinh ra và lớn lên ở một xứ nghèo, cộng thêm chiến tranh triền miên đời này qua đời khác, người mình ai cũng biết thủ thân thủ đồ “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Thói quen đó đã tiêm nhiểm xâm nhập trong xương trong máu cho nên giờ đây dù sống trên một đất nước thanh bình giàu có, không cần lo đói rét giặc giã gì nữa nhưng người mình đã bị ám ảnh không bỏ được cái cố tật trữ đồ. Cô Ngân còn đỡ, trữ cũng có chừng mực, gối đầu thôi chớ ông xã cô thì hay lo xa, chứa đồ ấp lẩm khiến cô nhiều lúc phải bực bội cằn nhằn nói quanh năm suốt tháng nó sale liền liền, mua làm gì cho nhiều mắc công kiếm chỗ cất, có khi xài không kịp bị quá date cũng phải bỏ thôi. Và bây giờ hậu quả là phải chất vô thùng để chở qua nhà mới. Sau khi đồ đạc vô thùng hết, kiểm điểm lại thì tổng cộng cả thảy là năm chục thùng, mỗi thùng đều có dán một miếng label bự chảng.
Chưa hết đâu, đồ trong nhà xong thì tới đồ garden shed, nào là máy cắt cỏ, cuốc, xuống xà beng, đồ nghề handy man, kềm, búa, cưa, khoan, đụt, giũa…và mấy thùng nước sơn thùng nào cũng lưng lửng nửa chừng. Còn bông hoa cây cảnh cũng đầy một vườn. Trồng dưới đất chưa đủ còn trồng thêm trong chậu, lại là chậu sành xê dịch không nhúc nhích mới chết cái lưng. Cái điệu này chắc phải ba người khuân lên xe mới nổi. Bởi vậy đời có câu “cái thân ngọai vật là tiên trong đời” thật chí lý.
Vào đêm trước ngày settlement, ông xã cô Ngân phải thương lượng với người chủ nhà mới của mình xin được xử dụng cái garage để chở bớt những gì có thể chở bằng xe nhà được thì đem qua trước. Từ 6 giờ chiều cho tới 12giờ khuya, chạy tới chạy lui mấy chục chuyến mà cũng chẳng vơi được bao nhiêu thùng. Sáng hôm sau, trước khi moving truck tới, cô Ngân nhờ ông xã chở đi Mac Donald mua hai chục cái bacon & egg muffins và coffee đem về cho mấy tay phụ dọn nhà ăn điểm tâm. Chuyến thứ nhứt qua tới nhà mới là đã 11 giờ trưa, lúc đó vợ chồng cô vẫn chưa chính thức được quyền vào nhà vì mải tới 2 giờ chiều mới là dead line giao tiền và bàn giao nhà giữa hai đàng mua bán. Theo luật là vậy chớ thật ra đã vào được garage thì chỉ cần mở cái chốt cửa internal access là sẽ vào nhà được thôi chớ gì. Nhưng ông Nam không muốn làm vậy để mang tiếng người Việt Nam vô luật lệ. Vì vậy đồ đạc phải tạm thời xuống garage (cũng may là double garage rất rộng) cho trống xe để trở về nhà cũ “rước” thêm mớ đồ còn lại cùng mấy chậu hoa kiểng và con chó thân yêu. Sau khi dọn đồ đạc ra hết khỏi nhà và clean up sạch sẽ, người mua tới nhận chìa khóa thì lúc ấy luật sư của họ mới chuyển tiền sang luật sư bên cô Ngân để trả cho căn townhouse mà vợ chồng cô đang sẵn sàng dọn vào. Thật hú hồn! Thank God! Everything is under control at last.
Trải qua lần dọn nhà này, ông Nam sụt mất bốn ký lô. Ông nói thật là căng thẳng và mệt hơn đi vượt biên gấp mười lần. Vượt biên chỉ có xách theo cái mạng, mà cái mạng của mình thì do trời định đọat còn dọn nhà thì mình phải tính tóan đủ thứ, khiêng vác lung tung muốn cúp xương sống, gãy xương sườn hao hơi tốn sức giảm thọ. Còn cô Ngân cũng tởn tới già tới chết luôn cái chuyện dọn nhà. Cô tâm niệm rằng dù cho cái nhà mới này có bị faulty chỗ nào đi nữa thì cũng rán ở luôn cho tới mãn kiếp chớ sẽ không đổi dời gì nữa từ đây. Bây giờ có chăng chỉ là một lần dọn cuối cùng là về quê nơi chốn vĩnh hằng. Lần dọn này thì khỏe biết mấy bởi vì lúc đó cô không cần phải mang phải xách chi cả, chỉ có cái hồn phiêu diêu bay bổng nhẹ như mây trời. Chừng đó thì:
Của trần trả lại thế gian
Trở về cát bụi còn toan lo gì
Phù du cõi thế tiếc chi
Tay không thanh thản ra đi nhẹ nhàng…
Người Phương Nam
1 nhận xét:
Viết hay và dú dỏm quá Tố Kim ơi. mấy tháng nay TT bịnh liên miên nên không lên net thường. Thăm và chúc sức khỏe Tố Kim nha. Love, TThu
Đăng nhận xét