Giới quan sát nhận định rằng dự án này không chỉ cho thấy vai trò to lớn của Trung Quốc trong chính trị và kinh tế Campuchia mà nó còn gây ra những lo ngại về tác động môi trường tiềm ẩn, đặc biệt là đối với dòng chảy của sông Mekong, sinh kế của hàng triệu người ở 6 quốc gia sống nhờ vào nghề cá và nền nông nghiệp mà dòng sông này mang lại.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chủ tịch Viện nghiên cứu VietKnow ở Hà Nội, chia sẻ với VOA rằng chính quyền Việt Nam đã yêu cầu phía Campuchia chia sẻ thông tin và các đánh giá tác động môi trường của dự án này trong suốt nhiều tháng qua nhưng dường như Phnom Penh vẫn chưa cung cấp đầy đủ.
“Về mặt tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam, trước mắt là theo các dữ liệu mà Việt Nam có được thì chắc chắn là có ảnh hưởng đến lưu lượng nước mà con sông Mekong chảy xuống đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít đi, ít nhất là 80 triệu m3/ngày. Đây là ảnh hưởng lớn chứ không nhỏ”, tiến sĩ Hợp nêu quan điểm.
Giới khoa học và nghiên cứu tác động môi trường ở Việt Nam trước đây từng nói rằng công trình này có thể làm suy giảm lượng nước chảy vào sông Cửu Long từ 30% đến 50%.
“Đây là chưa nói đến ảnh hưởng địa chính trị từ sự hợp tác giữa Campuchia với Trung Quốc, liên quan đến vấn đề an ninh, quân sự trong mối tương quan của hai nước này...Chắc chắn phía Việt Nam đã và đang xem xét rất cẩn thận”, tiến sĩ Hợp, nhà nghiên cứu an ninh và hợp tác quốc tế khu vực chia sẻ nhận định cá nhân.
Ông Brian Eyler, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và các chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững thuộc Trung tâm Stimson, tuần trước chia sẻ với VOA rằng ban đầu ông nghĩ đây là dự án rất hữu ích, nhưng khi tìm hiểu sâu thêm ông lại quan ngại về ảnh hưởng môi trường, việc sử dụng nguồn nước, và cả những ảnh hưởng địa chính trị.
“Campuchia từng là nước đi tiên phong cổ súy cho nỗ lực xây dựng và thực thi Hiệp định sông Mekong, nhưng với dự án kênh Phù Nam Techo thì rõ ràng họ đã vi phạm Hiệp định này”, ông Eyler nói.Đầu tháng 4 năm nay, Việt Nam đã yêu cầu Campuchia chia sẻ thông tin về kênh đào. “Chúng tôi đã đề nghị Campuchia hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và Ủy ban sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của dự án đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Ngày 5/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng việc đề nghị Campuchia phối hợp chia sẻ thông tin về dự án Phù Nam Techo là phù hợp với tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995.
Đến tháng 5/2024, chính phủ Campuchia đã phê duyệt dự án dài 180 km này, cũng là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do chính phủ Trung Quốc khởi xướng. Theo thiết kế đề xuất, con kênh có chiều rộng 100 m ở thượng nguồn và 80 m ở hạ lưu, với độ sâu toàn tuyến là 5,4 m.
Dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, được thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT), dự kiến hoàn thành sau 48 tháng thi công.
Tuy nhiên, ông Eyler dự báo rằng dự án này có thể kéo dài hơn dự kiến do các vấn đề không chắc chắn về tài chính.
“Nguồn tài chính từ phía Trung Quốc cho dự án được cho là đang bị trì hoãn trong quá trình phê duyệt và có thể phải mất nhiều năm trước khi nỗ lực xây dựng kênh đào thực sự bắt đầu. Việc cho vay liên quan đến dự án cũng có thể không bao giờ được phê duyệt, vì vậy số phận của kênh Phù Nam Techo vẫn chưa chắc chắn”, ông Eyler nêu dự báo với VOA Tiếng Khmer.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét