Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

ĐIỂM TIN 18/07/2024 - Long Đỗ

J. D. Vance chính thức là ứng viên phó tổng thống trẻ nhất Hoa Kỳ
Thượng nghị sĩ bang Ohio James David Vance đã chính thức trở thành người đứng liên danh phó tổng thống của ứng viên tổng thống Cộng Hòa, Donald Trump, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Hôm qua, 17/07/2024, ông đã chấp nhận đề cử của cựu tổng thống Trump tại đại hội đảng Cộng Hòa ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin. Thượng nghị sĩ bang Ohio, James David Vance, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng Hòa, ngày 17/07/2024, tại đại hội đảng Cộng Hòa, bang Wisconsin, Hoa Kỳ. © Brian Snyder / Reuters Phan Minh
<!>
Từ Milwaukee, đặc phái viên David Thomson cho biết cụ thể :
Ở tuổi 39, ông chính thức chấp nhận đề cử của Trump và trở thành một trong những ứng cử viên trẻ nhất cho chức vụ phó tổng thống Mỹ. Tại đại hội đảng Cộng Hòa, J. D. Vance kể câu chuyện của mình, hiện thân của giấc mơ Mỹ, câu chuyện về một đứa trẻ xuất thân từ tầng lớp người Mỹ da trắng bị sa sút. Được nuôi dạy trong hoàn cảnh nghèo khó bởi người mẹ nghiện ma túy, ông trở thành thượng nghị sĩ bang Ohio vào năm 2022.

Giờ là người đứng liên danh phó tổng thống của Donald Trump, J. D. Vance cam kết sẽ bảo vệ giai cấp công nhân Mỹ, đặc biệt tại các bang then chốt ở vùng Rust Bell phi công nghiệp hóa, nơi Vance xuất thân và là nơi sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống.

Ông Vance tuyên bố : “Chúng ta sẽ xây dựng các nhà máy mới. Chúng ta sẽ ngừng mua năng lượng của các quốc gia đối địch và sẽ sản xuất năng lượng ngay tại đây, với các công nhân Mỹ, ở Pennsylvania, Ohio và trên toàn quốc !”

Hình ảnh về gia đình Vance cũng được dàn dựng khéo léo. Ba đứa con lai cùng với người vợ Usha, con gái của một gia đình nhập cư từ Ấn Độ. Hai người gặp nhau khi còn là sinh viên luật tại đại học Yale danh tiếng. Ông Vance cũng là cựu quân nhân, từng chiến đấu ở Irak. Đối với các đại biểu đảng Cộng Hòa, Vance hội đủ tất cả các tiêu chí dành cho người đứng liên danh với Trump.
Một người đàn ông nói : “Ông ấy đại diện cho giấc mơ Mỹ. Ở tuổi 39, với sự nghiệp như vậy, ông sẽ trở thành người lãnh đạo đất nước.”
Một người phụ nữ cho biết : “Ông ấy là một người đàn ông mạnh mẽ và mọi người có thể thấy rằng ông ấy yêu vợ, qua ánh mắt ông nhìn bà ấy.”

Về quan điểm chính trị, J. D. Vance là hiện thân của đường lối cứng rắn trong số những người ủng hộ Trump. Ông kịch liệt chống nhập cư, chống bảo vệ sinh thái và ủng hộ việc ngừng viện trợ quân sự cho Ukraina.

Nghị Viện Châu Âu bầu lại bà Ursula von der Leyen làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu

Hôm nay, 18/07/2024, Nghị Viện Châu Âu họp tại Strasbourg, Pháp, đã bầu lại bà Ursula von der Leyen vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Chủ tịch mãn nhiệm là người duy nhất ứng cử vào chức vụ này.


Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm Ursula von der Leyen, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch mới tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 18/07/2024. REUTERS - Johanna Geron
Trọng Thành
Bà Ursula von der Leyen đã tái đắc cử với 401 phiếu thuận, cao hơn nhiều so với đa số tuyệt đối cần thiết để được bầu. Trước cuộc bỏ phiếu đầu giờ chiều nay, ứng cử viên chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, 65 tuổi, đã trình bày trước Nghị Viện Châu Âu cương lĩnh hành động trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2024-2029).
Theo Reuters, quốc phòng và khí hậu là hai định hướng ưu tiên. Ứng cử viên Ursula von der Leyen cam kết sẽ lập ra ‘‘một liên minh thực sự về quốc phòng của châu Âu’’, với các dự án trọng điểm như phòng không và an ninh mạng. Đây là điểm mới so với truyền thống lâu nay tại châu Âu, khi chính sách quốc phòng về cơ bản do chính quyền các quốc gia thành viên và khối NATO đảm nhiệm.

Về khí hậu và môi trường, Ursula von der Leyen cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Thỏa ước chuyển sang nền kinh tế xanh (Green Deal), một trong các sáng kiến chủ chốt mà bà đã đẩy mạnh trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, với tư cách chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Bà von der Leyen cũng đề ra mục tiêu Liên Âu cắt giảm 90% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2040 và hứa hẹn sẽ có những biện pháp mới để hỗ trợ các ngành công nghiệp châu Âu vừa duy trì được khả năng cạnh tranh, vừa đầu tư cho việc cắt giảm khí thải.

Nhiệm kỳ 5 năm tới có ý nghĩa đặc biệt hệ trọng với Liên Âu. Chủ tịch mãn nhiệm Ursula von der Leyen nhấn mạnh ‘‘5 năm tới sẽ xác định vị trí của châu Âu trong thế giới trong nửa thế kỷ tới. Chúng ta sẽ quyết định chủ động tạo lập được tương lai của chúng ta, hay ngược lại để cho các thế lực khác làm thay chúng ta’’.

Nhật Bản và các đảo quốc Thái Bình Dương « phản đối mạnh mẽ việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực »

Tại hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương (PALM) lần thứ 10, Nhật Bản và các đảo quốc trong vùng này hôm nay, 18/07/2024, đã bày tỏ “sự phản đối quyết liệt với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”, một sự ám chỉ rõ ràng nhắm đến Trung Quốc.


Nhật hoàng Naruhito (thứ tư, bên phải) và hoàng hậu Masako (thứ năm, bên phải) đón tiếp các lãnh đạo dự thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, ngày 17/07/2024, tại Tokyo, Nhật Bản. AP
Phan Minh
Theo hãng tin AFP, mặc dù không nêu đích danh Bắc Kinh, ngôn từ được sử dụng trong tuyên bố chung của lãnh đạo dự hội nghị lần này gay gắt hơn so với cuộc họp trước đó, được tổ chức trực tuyến hồi năm 2021. Hội nghị thường là dịp để Hoa Kỳ và các đồng minh đề cập đến ảnh hưởng và khả năng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuyên bố cho biết : “Các nhà lãnh đạo cam kết bảo đảm một khu vực châu Á - Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng, bày tỏ quan ngại về việc khu vực này đang bị quân sự hóa nhanh chóng, đồng thời kêu gọi các bên tham gia tích cực, có trách nhiệm để duy trì hòa bình và an ninh khu vực”. Trả lời báo chí, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh : “Tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ hội nghị thượng đỉnh PALM đầu tiên và giờ đây chúng ta phải đối mặt với những thách thức phức tạp.”

Những sự kiện đáng chú ý bao gồm việc Trung Quốc ký kết một hiệp ước an ninh với quần đảo Salomon vào năm 2022. Ngoài ra, một thành viên khác của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (FIP) là Nauru tháng 01/2024 đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để quay sang ủng hộ Trung Quốc. Hiện chỉ còn 12 quốc gia trên thế giới công nhận Đài Bắc về mặt ngoại giao, trong đó có Palau, một thành viên khác của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Pháp: Bầu chủ tịch Hạ Viện trong không khí căng thẳng

Hôm nay, 18/07/2024, Hạ Viện mới Pháp họp phiên đầu tiên, trong đó 577 dân biểu sẽ bầu tân chủ tịch Hạ Viện qua thể thức bỏ phiếu kín. Hiện có ít nhất 6 ứng viên tranh chức vụ này. Theo giới quan sát, khó có ứng cử viên nào đắc cử ngay trong vòng đầu của cuộc bỏ phiếu, trong bối cảnh không có ‘‘đa số rõ ràng’’ tại Hạ Viện sau cuộc bầu cử trước kỳ hạn ngày 07/07.


Phía bên ngoài tòa nhà Hạ Viện Pháp, Paris, ngày 09/07/2024. REUTERS - Sarah Meyssonnier
Trọng Thành
Tại Pháp, chủ tịch Hạ Viện là nhân vật đứng hàng thứ tư, sau tổng thống, thủ tướng và chủ tịch Thượng Viện. Việc bầu chủ tịch Hạ Viện lần này có ý nghĩa quan trọng vì cuộc bỏ phiếu phản ánh tương quan lực lượng giữa các khối dân biểu.

Hiện tại, hai ứng cử viên được coi là có khả năng giành được nhiều phiếu bầu hơn cả là ứng viên của liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, dân biểu đảng Cộng Sản André Chassaigne và chủ tịch Hạ Viện mãn nhiệm Yaël Braun-Pivet, thuộc khối dân biểu Đồng Hành vì nền Cộng Hòa của tổng thống Macron. Bốn ứng cử viên khác là dân biểu đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), Sébastien Chenu, dân biểu nhóm nghị sĩ độc lập LIOT, Charles Courson, 73 tuổi, dân biểu Naïma Moutchou của đảng cánh trung Horizoins, thuộc liên minh của tổng thống, và một dân biểu thuộc khối Cánh hữu vì nền Cộng Hòa LDR.

Việc bỏ phiều bầu chủ tịch Hạ Viện Pháp sẽ diễn ra tối đa 3 vòng. Để đắc cử ngay trong vòng một hoặc vòng hai, ứng cử viên phải giành được đa số quá bán, tức là ít nhất 289 ghế. Nếu hai vòng đầu vẫn chưa bầu được chủ tịch, các dân biểu sẽ bỏ phiếu vòng thứ ba. Trong vòng bỏ phiếu cuối cùng này, ứng viên nào giành được nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử.

Về nguyên tắc, không có ứng cử viên nào bị loại khỏi vòng một hay vòng hai của cuộc bỏ phiếu, và mọi dân biểu khác đều có quyền đăng ký tranh cử vào phút cuối cùng. Một dân biểu cho biết ‘‘không loại trừ khả năng sẽ có thêm một số ứng viên đăng ký tham gia vòng ba’’.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, không khí căng thẳng dâng cao. Đầu giờ sáng nay trên TF1, thượng nghị sĩ cánh hữu Bruno Retaillau nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên là ‘‘ngăn chặn việc một ứng viên cánh tả’’ đắc cử chủ tịch Hạ Viện. Trong khi đó, trên đài BFMTV, lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure khẳng định ứng cử viên của liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới, về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội, với hơn 190 dân biểu, cần ‘‘giành chiến thắng’’ trong cuộc bầu chọn hôm nay.

Lãnh đạo đảng Xã Hội tố cáo chủ tịch Hạ Viện mãn nhiệm Yaël Braun-Pivet và phe tổng thống đang tìm cách liên minh với đảng cánh hữu, thậm chí với đảng cực hữu để giành ghế chủ tịch. Theo AFP, bà Yaël Braun-Pivet đã phủ nhận các thương lượng ngầm với phe cực hữu và lên án hành động vu cáo ‘‘đáng ghê tởm’’.

Thế Vận Hội Paris 2024 : Làng Olympic chính thức mở cửa

Theo ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024, làng Olympic ở phía bắc thủ đô nước Pháp đã chính thức mở cửa vào 8 giờ sáng nay 18/07/2024, trong bối cảnh hàng trăm vận động viên chuẩn bị tới sinh hoạt ở cơ sở này, 8 ngày trước khi Thế Vận Hội khai mạc.


Làng Olympic và Paralympic tại Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 02/07/2024. REUTERS - Benoit Tessier
Phan Minh
Theo AFP, làng Olympic trải dài trên những thành phố Saint-Denis, Saint-Ouen và Đảo Saint-Denis, với diện tích trên 52 ha, có sức chứa gần 14.500 người, bao gồm 9.000 vận động viên. Phát biểu trên đài France Info vài phút trước giờ mở cửa, phó giám đốc làng Olympic, Augustin Trần Văn Châu, cho biết vận động viên của hơn 200 quốc gia sẽ sinh hoạt ở ngôi làng này và khẳng định “mọi thứ đã sẵn sàng”.

Trợ lý của trưởng phái đoàn Pháp, André-Pierre Goubert, cho biết “các phái đoàn thể thao lớn như Anh, Mỹ, New Zealand, Brazil hay Thụy Sĩ có mặt ngay khi làng mở cửa”.

Vẫn liên quan đến Olympic 2024, từ 5 giờ sáng nay cho đến ngày khai mạc Thế Vận Hội 26/07, vành đai an ninh chống khủng bố (SILT) đã được kích hoạt ở hai bên bờ sông Seine để chuẩn bị cho lễ khai mạc.

Khoảng 326.000 khán giả (104.000 chỗ ngồi trả phí ở bờ bên dưới, 222.000 chỗ ngồi miễn phí ở bờ bên trên) dự kiến sẽ có mặt trong lễ khai mạc, diễn ra trên sông Seine, ngày 26/07.

Về vấn đề an ninh, bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin hôm qua thông báo đã có những biện pháp để quản lý gần 4.000 đối tượng bị nghi ngờ là “mối đe dọa” cho Thế Vận Hội.

Việt Nam: Chủ tịch nước Tô Lâm thay tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điều hành Đảng
Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam hôm nay, 18/07/2024, ra thông báo cho biết tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngừng điều hành các công việc của Đảng vì lý do sức khỏe, và chỉ định chủ tịch nước Tô Lâm thay thế.


Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam tại Quốc Hội, Hà Nội, ngày 22/05/2024. © AP - Pham Trung Kien
Trọng Thành
Theo thông báo của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian vừa qua đã ‘‘vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe’’, nhưng hiện tại ông Trọng cần được ‘‘tập trung điều trị tích cực’’. Vì vậy, Bộ Chính Trị quyết định ‘‘phân công’’ ông Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch nước, ‘‘chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư’’.

Thông báo của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam không cho biết chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đảm trách nhiệm vụ này trong thời hạn bao lâu, cũng như không giải thích lý do gì khiến tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải ‘‘tập trung điều trị tích cực’’.

Nguyên bộ trưởng Công An Tô Lâm, 67 tuổi, trở thành chủ tịch nước Việt Nam từ tháng 5/2024, được giới quan sát xem như ứng cử viên hàng đầu vào chức vụ lãnh đạo Đảng, vị trí được coi là có quyền lực nhất tại Việt Nam.

Trả lời AFP, nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu chiến lược của Trường Quân sự Pháp IRSEM, nhấn mạnh việc chủ tịch nước được giao nhiệm vụ điều hành Đảng là ‘‘một thắng lợi hoàn toàn’’ của ông Tô Lâm. Nhà nghiên cứu Pháp dự đoán thời gian đảm nhiệm quyền lãnh đạo Đảng của ông Tô Lâm có thể sẽ kéo dài đến Đại hội lần tới, dự kiến diễn ra năm 2026.

Ông Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, làm tổng bí thư từ năm 2011. Trong thời gian gần đây, có nhiều tin đồn cho rằng, do sức khỏe suy yếu, ông Trọng không thể tiếp tục nắm quyền đến Đại hội Đảng 2026.

Không có nhận xét nào: