Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

ĐIỂM TIN 25/07/2024 Long Đỗ


Oanh tạc cơ của Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Alaska Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) gồm lực lượng của Canada và Mỹ, hôm qua, 24/07/2024, cho biết lần đầu tiên phát hiện 4 oanh tạc cơ của Nga và Trung Quốc tuần tra chung gần Alaska và được máy bay F-16 của Mỹ và CF-18 của Canada hộ tống ra khỏi Vùng nhận dạng phòng không ở Alaska. Ảnh minh họa trích từ video do cơ quan báo chí bộ Quốc phòng Nga công bố : Một máy bay chở dầu Il-76 của Nga, phía trên, đang tiếp nhiên liệu cho một máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga trong cuộc tuần tra chung với không quân Trung Quốc bên trên vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, ngày 19/11/2021. © Russian Defense Ministry Press Service via AP - Chi Phương
<!>
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga, được AFP trích dẫn, nêu rõ « một đội máy bay chiến lược TU-95MS của lực lượng không gian Nga và các máy bay ném bom chiến lược Xian H-6K của không quân Trung Quốc đã tuần tra chung bên trên biển Chukotka, biển Bering, phần phía bắc của Thái Bình Dương ».

Theo bản thông cáo, phi đội của hai bên đã cùng nhau làm việc về những vấn đề liên quan đến việc hợp tác toàn diện về tuần tra trên không. Bộ Quốc Phòng Nga cũng cho biết là những máy bay của các chính phủ nước ngoài đã hộ tống đội bay trên một số chặng đường trong cuộc tuần tra trên không kéo dài 5 giờ.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định rằng cuộc tuần tra chung này với Nga ở Alaska « không nhắm vào một bên thứ ba và tuân thủ luật pháp quốc tế ».

Máy bay ném bom chiến lược có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân và các cuộc tấn công quy ước từ khoảng cách xa.

Các máy bay của Nga thường xuyên được phát hiện trong khu vực này. Vào tháng 05/2024, theo CNN, Nga đã điều 4 máy bay vào vùng nhận dạng phòng không của Alaska. Tuy nhiên, việc lực lượng Trung Quốc tuần tra chung với Nga là một diễn biến mới.

Lầu Năm Góc vào đầu tuần này cũng đã cảnh báo về việc Nga, Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự tại Bắc Cực.

Việc đánh thuế các tỷ phú gây chia rẽ tại hội nghị G20 ở Rio

Đối mặt với sự bất bình đẳng ngày càng tăng trên toàn cầu, các bộ trưởng Tài Chính nhóm G20 họp tại Rio de Janeiro ngày 25/07/2024 để thảo luận về việc đánh thuế những người giàu nhất thế giới, vấn đề gây ra những bất đồng gay gắt giữa các quốc gia thành viên.


Hình minh họa : Khẩu hiệu : "Hãy đánh thuế người giàu" được vẽ lên tường. Vấn đề này lại được đưa ra thảo luận tại G20 ở Brazil. © G20
Phan Minh
Với tư cách chủ tịch luân phiên của G20, tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm qua, 24/07, đã chỉ trích việc “một số cá nhân kiểm soát nhiều tài nguyên hơn cả một quốc gia” và bày tỏ mong muốn thành lập “Liên minh toàn cầu chống đói nghèo”.

Từ Rio de Janeiro, thông tín viên Sarah Cozzolino cho biết cụ thể :

"Sau 30 phút phát biểu, rơm rớm nước mắt, giọng điệu của tổng thống Lula bỗng trở nên gay gắt. Ông nói : “Nạn đói không phải tự dưng xuất hiện, mà vấn nạn này gắn liền với các quyết định chính trị.”
Thượng đỉnh là tìm ra các nguồn tài chính chung, đồng thời gia tăng những sáng kiến mang lại hiệu quả ở cấp địa phương, bằng cách kết nối các chính phủ đi kèm với các nguồn tài chính, giúp cho các chính sách chống đói nghèo được hiệu quả hơn.

Ông Lula nói tiếp : “Không thể nào có chuyện vào thế kỷ 21, mọi người chỉ thảo luận về trí tuệ nhân tạo mà không thể sử dụng trí thông minh tự nhiên mà ai cũng có.”

Tổng thống Brazil hiểu rõ về chủ đề này, bởi ông đã đạt được những kết quả tích cực trong hai nhiệm kỳ đầu tiên, vào đầu những năm 2000, đặc biệt nhờ các chương trình của chính phủ vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.

Brazil thông báo sẽ tài trợ một nửa số vốn cần thiết để thành lập liên minh này, tương đương 3 triệu đô la mỗi năm. Liên minh này không chỉ giới hạn trong các nước thành viên G20, mà mở cửa cho bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức quốc tế nào quan tâm."

Miến Điện và Biển Đông vẫn bao trùm cuộc họp ngoại trưởng ASEAN

Hội nghị thường niên của các ngoại trưởng Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) khai mạc tại Viêng Chăn, thủ đô Lào hôm nay, 25/07/2024, và sẽ kéo dài 3 ngày. Ngoại trưởng của các nước đối tác lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có mặt, với chủ đề thảo luận chính là tình hình bạo lực ở Miến Điện và căng thẳng ở Biển Đông, vùng biển tranh chấp giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc.

Thủ tướng Israel phát biểu tại Quốc Hội Mỹ : Cộng Hòa hoan nghênh, Dân Chủ phản đối

Hôm nay 25/07/2024, tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để cố thúc đẩy cuộc thương lượng về chấm dứt xung đột Gaza. Theo AFP, cho dù vẫn ủng hộ Tel Aviv, ông Biden sẽ gây sức ép đối với ông Netanyahu để Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn và phóng thích con tin.


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Quốc Hội Mỹ ngày 24/07/2024, điện Capitol, Washington, Mỹ. REUTERS - Kevin Mohatt
Thùy Dương
Cũng trong ngày hôm nay, theo dự kiến, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp phó tổng thống Kamala Harris và ngoại trưởng Antony Blinken. Đến thứ Sáu 26/07, ông Netanyahu sẽ tới bang Florida theo lời mời của Donald Trump, người mà thủ tướng Israel nói là « rất hợp nhau ».

Hôm qua, trong ngày công du đầu tiên tại Mỹ, thủ tướng Israel đã có bài phát biểu trước Quốc Hội Mỹ, kêu gọi Washington và Tel Aviv tiếp tục « đoàn kết » để đối phó với Hamas và Iran. Ông Netanyahu khẳng định chiến thắng của Irael « cũng là chiến thắng của Mỹ ». Đây là lần thứ 4 thủ tướng Israel có vinh dự được phát biểu tại Hạ Viện Mỹ, một kỷ lục đối với các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Bài phát biểu của Netanyahu đã được các dân biểu đảng Cộng Hòa hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng bị hơn 60 dân biểu đảng Dân Chủ tẩy chay, trong đó có cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Theo phe Dân Chủ, cuộc chiến Gaza đã gây ra quá nhiều chết chóc và là một thảm họa nhân đạo.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

« Benjamin Netanyahu giải thích: « Điều rõ ràng là chúng ta đã biết được sự khác biệt giữa cái thiện và cái ác ». Đối với ông, cái ác là vụ tấn công khủng bố ngày 07/10, các thành viên Hamas bị mô tả như những con quái vật sát hại các gia đình và trẻ em, hãm hiếp và bắt giữ con tin. Điều thiện là cách mà gia đình các con tin và binh lính Israel, những người mà ông hoan nghênh, đã phản ứng sau cuộc tấn công. Thủ tướng Israel tuyên bố chưa có quân đội nào thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa như quân đội Israel để tránh tổn thất cho dân thường trong một cuộc chiến tranh đô thị.

Trong nghị trường có nhiều dân biểu đảng Cộng Hòa hơn. Chính họ đã mời ông đến phát biểu. Vì thế, Netanyahu ca ngợi Donald Trump đã thúc đẩy Hiệp định Abraham và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, mà ông xem là một thủ đô vĩnh cửu và không thể bị chia cắt.

Một hôm trước cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Israel đã cảm ơn Biden vì đã hỗ trợ Israel, nhưng Netanyahu nói thêm rằng đất nước ông cần thêm phương tiện, trong đó có vũ khí, và cần được cung cấp nhanh chóng hơn để hoàn thành công việc nhanh hơn. Các dân biểu đảng Dân Chủ có mặt tại nghị trường rõ ràng là khó chịu, không chỉ có dân biểu Rashida Tlaib. Trong suốt bài phát biểu của thủ tướng Israel, dân biểu bang Michigan, gốc Palestine, giương biểu ngữ tố cáo Benjamin Netanyahu về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh ».

Không xa điện Capitol, hàng ngàn người cũng tập hợp để phản đối chuyến công du của ông Netanyahu, mà họ xem là một « tội phạm chiến tranh ». Trong khi Netanyahu phát biểu tại Quốc Hội Mỹ, ở Israel, hàng trăm thân nhân của các con tin bày tỏ sự phẫn nộ, đòi chấm dứt chiến tranh Gaza.

Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN


(Từ trái sang phải) Thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Miến Điện Aung Kyaw Moe, ngoại trưởng Enrique Manalo của Philippines, Vivian Balakrishnan của Singapore, Maris Sangiampongsa của Thái Lan, thứ trưởng Việt Nam Đỗ Hùng Việt, ngoại trưởng Saleumxay Kommasith của Lào, Mohamad Hasan của Malaysia, thứ trưởng Ngoại Giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof, ngoại trưởng Sok Chenda Sophea của Cam Bốt, Retno Marsudi Indonesia, Bendito dos Santos Freitas của Đông Timor, tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chụp ảnh ngày khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 57 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Viêng Chăn, Lào, ngày 25/07/2024. REUTERS/Chalinee Thirasupa REUTERS - Chalinee Thirasupa
Chi Phương
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, được AP trích dẫn, với tư cách chủ tịch luân phiên của khối, ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith nhấn mạnh « trước những thay đổi địa chính trị và địa kinh tế, chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN để thúc đẩy khả năng phục hồi của Hiệp hội, nhằm giải quyết những thách thức mới và nắm bắt những cơ hội trong tương lai ».

Tại hội nghị lần thứ 57, các ngoại trưởng sẽ thảo luận về kế hoạch kêu gọi « chấm dứt bạo lực » ở Miến Điện « ngay lập tức ». Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ lo ngại về những vụ phạm tội xuyên biên giới và số người tị nạn gia tăng do khủng hoảng ở Miến Điện, « tác động tiêu cực đến nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực ».

Trên mạng xã hội X, ngoại trưởng Indonesia hôm nay khẳng định « chúng tôi có cùng quan điểm là tập đoàn quân sự Miến Điện thiếu cam kết tôn trọng kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết nội chiến ở nước này ».

Sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2021, Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng, bạo lực, khiến 2,6 triệu người phải đi tị nạn. ASEAN đã đề xuất đối thoại giữa các bên liên quan, cử đặc phái viên hòa giải của ASEAN, cung cấp viện trợ nhân đạo…, nhưng toàn bộ những nỗ lực đó đều bị lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện phớt lờ. Để gây áp lực lên Miến Điện, ASEAN đã không cho phép chính quyền quân sự cử bất cứ đại diện chính trị nào đến dự các cuộc họp cấp cao của khối mà chỉ cho phép thư ký của bộ Ngoại Giao nước này, Aung Kyaw Moe đến dự.

Về tình hình Biển Đông, căng thẳng giữa Phillippines và Trung Quốc đã gia tăng trong năm nay với các cuộc đụng độ bạo lực. Bắc Kinh và Manila đã đạt được thỏa thuận vào cuối tuần trước, nhằm chấm dứt xung đột mà không thừa nhận yêu sách lãnh thổ của bên nào. Điều này dấy lên hy vọng về những thỏa thuận tương tự có thể được thiết lập với các nước khác như Việt Nam, Malaysia hay Brunei, cũng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Trong hội nghị lần này, ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán về xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Các ngoại trưởng Đông Nam Á cũng sẽ thảo luận về những vấn đề khác, như căng thẳng giữa Việt Nam và Cam Bốt liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam trên sông Mekong, đang gây những lo ngại về sinh thái và an ninh. Các dự án xây dựng đập lớn ở thượng nguồn con sông này tại Lào cũng sẽ được nêu ra.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dự kiến lần lượt sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp với các ngoại trưởng bên lề hội nghị. Hai cường quốc đang tìm cách mở rộng quan hệ, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Các nhà ngoại giao từ các nước đối tác khác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay Úc cũng sẽ có mặt, dự trù thảo luận về các vấn đề kinh tế, an ninh, khí hậu và năng lượng.

Không có nhận xét nào: