Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:29/7/2024 - Duke Nguyễn


Olympic Paris 2024 xin lỗi công chúng nếu lỡ cảm thấy bị xúc phạm về tôn giáo Các nhà tổ chức Thế Vận Hội Paris cho biết hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, rằng họ “thực sự xin lỗi” nếu khán giả cảm thấy bị xúc phạm khi thưởng thức lễ khai mạc táo bạo và kỳ quặc, nhưng phủ nhận rằng họ “cố tình miệt thị bất kỳ tổ chức tôn giáo nào,” Đài France 24 loan tin.Một số tổ chức Cơ Đốc Giáo và giám mục người Pháp lên án “hoạt cảnh chế giễu và nhạo báng Cơ Đốc Giáo” trong cuộc diễn hành hôm Thứ Sáu do đạo diễn sân khấu Thomas Jolly thực hiện.
<!>
Những lời chỉ trích tập trung vào một cảnh có sự tham gia của các vũ công, nghệ sĩ nam giả nữ và một DJ trong các tư thế làm người ta liên tưởng tới Bữa Tiệc Ly, là lần cuối cùng mà Chúa Jesus dùng bữa với các tông đồ.

“Rõ ràng là chúng tôi không bao giờ cố ý giễu cợt bất kỳ tổ chức tôn giáo nào cả,” phát ngôn viên Olympic Paris 2024 Anne Descamps nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật.

“Nếu công chúng cảm thấy bị xúc phạm, tất nhiên chúng tôi vô cùng, vô cùng tạ lỗi,” bà nói thêm.

Jolly cũng phủ nhận rằng ông không lấy cảm hứng từ Bữa Tiệc Ly trong tác phẩm khai mạc dài gần bốn giờ đồng hồ diễn ra dưới thời tiết mưa như trút nước dọc sông Seine.

Đó là hoạt cảnh nhằm kêu gọi lòng khoan dung với các khuynh hướng giới tính và tình dục khác nhau, trong đó còn có sự góp mặt của tài tử người Pháp Philippe Katerine, gần như khỏa thân khi xuất hiện và được sơn màu xanh lam trong vai Dionysus, vị thần rượu vang và khoái lạc trong thần thoại Hy Lạp.

“Ý tưởng của tôi đó là tổ chức một bữa tiệc ngoại giáo lớn liên quan tới các vị thần trên đỉnh Olympus,” Jolly nói với Đài BFM hôm Chủ Nhật.

“Người ta sẽ không bao giờ tìm thấy chi tiết chế giễu hay hạ nhục bất kỳ ai trong tác phẩm của tôi. Tôi mong muốn tổ chức một buổi lễ khai mạc giúp tất cả quây quần lại với nhau, hòa giải, nhưng cũng là một buổi lễ khẳng định các giá trị Cộng Hòa của nước Pháp về tự do, bình đẳng và tình anh em,” Jolly nói thêm.

Trong một trong những khoảnh khắc để lại nhiều ấn tượng khác của lễ khai mạc, một người phụ nữ cầm một cái đầu bị chặt đứt, máu chảy đầm đìa vì bị hành quyết, đó là nữ hoàng Pháp Marie-Antoinette, xuất hiện trên một cửa sổ tại Conciergerie, là tòa nhà nơi bà bị giam giữ sau Cách Mạng Pháp năm 1789.

Sau đó, bà bị đưa lên máy chém cùng với chồng là Quốc Vương Louis XVI.

Descamps cho biết Paris 2024 ủy quyền cho tổ chức khảo sát Harris thực hiện một cuộc thăm dò cho thấy đông đảo người dân Pháp có phản hồi tích cực về lễ khai mạc.

Đài NBC cho biết lễ khai mạc Olympic Paris là lễ diễn hành Thế Vận Hội được xem nhiều nhất tính từ London 2012, còn đài truyền hình Đức ARD đưa tin đây là lễ khai mạc được xem nhiều nhất trong 20 năm qua, theo phát ngôn viên Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC Mark Adams.

Khoảng 700,000 khán giả sẽ theo dõi các sinh hoạt diễn ra xung quanh Paris vào Chủ Nhật, ngày thứ hai của Thế Vận Hội.

Cận Đông : Nguy cơ xung đột quân sự tại biên giới phía bắc Israel với Liban


Israel khẳng định lực lượng Hồi Giáo Liban Hezbollah đã « vượt qua lằn ranh đỏ » sau vụ vấn công bằng rocket hôm 26/07/2024 nhắm vào một ngôi làng trong vùng cao nguyên Golan làm 11 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là trẻ em. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất từ sau loạt khủng bố mà phong trào Hamas tiến hành hồi tháng 10/2023. Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền giữa Israel và Syria.

Đang công du châu Á, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố « tất cả các dấu hiệu » cho thấy Hezbollah đứng sau vụ tấn công thảm khốc nói trên, còn thủ tướng Israel đang trên đường trở về nước sau chuyến công du Hoa Kỳ trong nhiều ngày. Vào lúc Israel đòi trả đũa đích đáng thì Iran, điểm tựa của lực lượng Hồi Giáo Liban, cảnh báo Tel-Aviv nên tránh đẩy khu vực vào hoàn cảnh « tồi tệ hơn ».

Thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem cho biết thêm thông tin :

« Israel chính thức thông báo quyết định đáp trả sau vụ tấn công vừa qua và đây là vụ tấn công quy mô nhất từ hôm 7 tháng 10 năm ngoái. Theo lời một giới chức quân sự Israel, Tel-Aviv sẽ trả đũa một cách chừng mực, tránh đẩy toàn khu vực vào một cuộc chiến toàn diện. Dù sao đi nữa, đối với quân đội Israel quả rocket nhắm vào sân vận động tại làng Madj el Shams trong vùng cao nguyên Golan chắc chắn là đã được bắn đi từ khu vực miền nam Liban. Đây là một vụ trả đũa vài giờ sau khi quân đội Israel đã nhắm vào một số chiến binh của Hezbollah.

Đang công du Hoa Kỳ, thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả mọi vụ tấn công nhắm vào lãnh thổ Israel. Ngoại trưởng Israel Katz thì cho rằng lực lượng Hồi Giáo Hezbollah tại Liban đã vượt qua lằn ranh đỏ và Tel-Aviv sẽ đáp trả một cách đích đáng. Sáng nay, Hội đồng An ninh quốc gia Israel sẽ phải họp lại ngay khi ông Netanyahu từ Mỹ trở về ».


Mỹ, Nhật, Hàn siết chặt hợp tác quốc phòng để đối phó với đe dọa Nga - Bắc Triều Tiên


Hôm qua, 27/07/2024, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cùng hai đồng cấp Hoa Kỳ và Nhật Bản, Lloyd Austin và Minoru Kihara, đã ký kết bản ghi nhớ về "Khung hợp tác an ninh ba bên" (Trilateral Security Cooperation Framework - TSCF). Liên minh ba nước coi việc Bắc Triều Tiên tăng cường sức mạnh hạt nhân và tên lửa với hỗ trợ của Nga là mối đe dọa chính.

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, đây là văn bản đầu tiên thể chế hóa các hợp tác an ninh giữa các cơ quan quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn, nhằm đảm bảo các điều kiện duy trì hợp tác ba bên trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế đầy biến động hiện nay. Theo Khung hợp tác an ninh ba bên TSCF, ba quốc gia dự kiến đặc biệt sẽ tăng cường chia sẻ dữ liệu về tên lửa Bắc Triều Tiên ‘‘theo thời gian thực’’, thường xuyên tiến hành tập trận chung, bao gồm cuộc tập trận Freedom Edge đa binh chủng, vừa được tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 06/2024.

Trong cuộc họp lần đầu tiên của bộ trưởng Quốc Phòng ba nước tại Tokyo, Mỹ, Nhật, Hàn bày tỏ lo ngại về hợp tác quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva, được thúc đẩy bởi hiệp ước ‘‘Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện’’ Nga – Triều, bao gồm cam kết về ‘‘phòng thủ chung’’, ký kết hồi tháng trước. Lãnh đạo Quốc Phòng ba nước lên án Bắc Triều Tiên đa dạng hóa các hệ thống tấn công hạt nhân và thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo, cũng như có các hành động leo thang căng thẳng khác trên bán đảo Triều Tiên.

Việc ký kết TSCF diễn ra sau khi Hàn Quốc, hồi tháng 02/2024 vừa qua, đề xuất cần xác lập một văn bản cụ thể hóa hợp tác an ninh ba bên. Trong cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng ba nước bên lề Đối thoại an ninh Shangri-la, Singapore, hồi tháng 6, ba bên thỏa thuận sẽ ký kết văn bản này ngay trong năm nay.

Trả lời báo giới sau lễ ký kết, bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết ông tin tưởng cơ chế hợp tác an ninh ba bên sẽ tiếp tục được duy trì bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.

Theo lãnh đạo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, vũ khí hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên là đe dọa lâu dài đối với an ninh của ba nước và đặt ra rất nhiều thách thức trong khu vực.

Lên án ‘‘thay đổi nguyên trạng’’ ở Biển Đông
Bản ghi nhớ về Khung hợp tác an ninh ba bên không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng cho biết Mỹ, Nhật, Hàn ‘‘chia sẻ quan điểm về các hoạt động quân sự trên biển và trên không ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông, thời gian gần đây’’. Ba bên tái khẳng định lập trường ‘‘phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng’’ và ‘‘các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế’’.

Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác quân sự trước hai mối đe dọa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc


Thông báo cơ cấu một bộ chỉ huy chung được đặt tại Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng, giám sát và phối hợp tốt hơn về mặt quân sự trước hai mối đe dọa là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Đây là trọng tâm cuộc họp 2+2 tại Tokyo giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao hai nước trong ngày Chủ Nhật 28/07/2024. Đối thoại lần này nhằm trấn an đồng minh của Mỹ sau khi tổng thống Joe Biden thông báo không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khai mạc cuộc họp với hai đồng cấp Nhật Bản là ngoại trưởng Yoko Kamikawa và người đứng đầu ngành quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara. Mọi chú ý hướng về thông báo Mỹ-Nhật thành lập một bộ chỉ huy quân sự chung đặt tại Nhật Bản và cơ cấu này sẽ do một viên tướng ba sao lãnh đạo. Theo hãng tin Anh Reuters, bộ chỉ huy chung Mỹ-Nhật hướng tới việc tăng cường khả năng điều phối và hợp tác quân sự song phương, trong đó bao gồm cả việc dễ dàng cấp giấy phép hơn cho Nhật Bản sản xuất tên lửa thuộc bản quyền của các tập đoàn Mỹ.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố : « Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh của lịch sử, trật tự trong một thế giới tự do, rộng mở, xây dựng trên nền tảng luật pháp đang bị khuynh đảo. Những quyết định của ngày hôm nay mang tính quyết định đối với tương lai sau này ». Lãnh đạo Lầu Năm Góc Lloyd Austine thì nhắm thẳng vào Trung Quốc, lên án Bắc Kinh « có những hành vi hù dọa, tìm cách thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như tại eo biển Đài Loan và trong toàn khu vực ». Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nói thêm, chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên và quan hệ mật thiết giữa Bình Nhưỡng với Matxcơva « đe dọa an ninh của khu vực và thế giới ».

Hãng tin AP nhắc lại hiện có khoảng 50.000 lính Mỹ đang đóng tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản nhưng bộ chỉ huy của Hoa Kỳ được đặt tại Yokota, ngoại ô phía tây thủ đô Tokyo, chỉ đảm nhiệm các công tác quản lý về mặt hành chính. Trong cơ cấu mới, bộ chỉ huy tại Nhật Bản sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong các « chiến dịch hỗn hợp ».

Ngoài ra trong cuộc họp hôm nay lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ thảo luận về việc « tăng cường hợp tác trong các hoạt động tình báo, giám sát, an ninh mạng… ». Về những điểm này, Tokyo cần nhanh chóng tăng cường khả năng để đối phó với những « mối đe dọa trong tương lai »

Cuối cùng, theo dự kiến, lần đầu tiên đối thoại Mỹ-Nhật 2+2 sẽ đề cập đến một hồ sơ mang tên « mối răn đe mở rộng » mà ở đó theo hãng tin Anh Reuters, Washington trên nguyên tắc sẽ tái khẳng định với Tokyo cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ. Cuộc thảo luận này được đưa ra vào lúc đe dọa hạt nhân xuất phát từ Bắc Triều Tiên càng lúc càng lớn, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng thắt chặt hợp tác quân sự với Nga.

Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đặc biệt quan ngại « trước mối hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc ». Điều này được thể hiện qua việc Matxcơva và Bắc Kinh vừa tiến hành các cuộc tập trận chung gần vùng biển của Nhật Bản và nhất là thái độ của Bắc Kinh về vấn đề chiến tranh Ukraina.

Theo tin mới nhất, trong thông cáo chung kết thúc cuộc họp, Hoa Kỳ cho biết « bộ chỉ huy quân sự chung với Nhật Bản sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 3/2025 và đây sẽ là sự thay đổi quan trọng nhất về hợp tác quân sự Mỹ Nhật từ 70 năm qua ».

Không có nhận xét nào: