Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Ái Hữu Không Quân Bắc Cali Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Hội AHKQ BC: Tin Buồn và Hẹn Giờ Thăm Viếng.
-Kính thông báo đến quý NT và quý chiến hữu KQ một tin buồn, mà chúng tôi đã nhận được, đó là: Cựu Đ/úy KQVNCH, khóa 67A, Niên Trưởng Nguyễn Trung, Pháp Danh Nguyên Hảo Đã cất cánh bay về miền miên viễn vào Thứ Tư, ngày 24 tháng 7 năm 2024, tại San Jose, CA, USA. Hưởng Thọ 79 Tuổi.Chúng tôi xin thành kính chia buồn về sự mất mát lớn lao này cùng tang quyến, Nguyện cầu Hương Linh NT Nguyễn Trung sớm được tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.Đồng Thành Kính Phân Ưu - Toàn thể Hội viên và gia đinh của Hội AHKQ BC
<!>


Hẹn Giờ Thăm Viếng:
Kính mong quý NT và quý chiến hữu, dành chút thì giờ, xin đến chia buồn cùng tang quyến, cũng như chào vĩnh biệt NT Nguyễn Trung.
Lúc: 4:00 giờ chiều thứ Ba Ngày 30/7/2024 (ngày mai!)
Địa Chỉ Nhà Quàn : Mission Chapel 600 South Second Street San jose CA 95112
Thân Kính
KQ HĐTiến

Picnic ngoài trời của gia đình KQ Bắc Cali! Hè 2024!


-Kính chào quý NT, quý chiến hữu và gia đình KQBC
Hè 2024 của chúng ta đã đến rồi. Như thường lệ hằng năm, HAHKQ-BC có tổ chức một buổi Picnic ngoài trời, để quý NT và gia đình KQ có dịp gặp nhau, hàn huyên tâm sự trong tình thân mật gia đình.
Năm nay Hội đã chọn ngày Chủ Nhật, 18 tháng 8 năm 2024, tại địa điểm cũ mà mọi năm chúng ta đã đến dự:
Edenvale Garden Regional Park
200 Edenvale Ave
San Jose Ca 95136
Thời gian từ 10:30 am đến 15:00 pm
Mọi chi tiết đã nêu rõ trong thư mời đính kèm
Thân kính
KQ Hồ Đắc Tiến

THƯ MỜI THAM DỰ PINIC HÈ 2024

Kính thưa Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu và Thân Hữu.
Mùa Hè lại đến, để trở lại truyền thống hàng năm của Hội .Kính mời quý vị và quý bạn cùng gia đình đến tham dự buổi Pinic do Hội AHKQ Bắc California tổ chức tại:
Edenvale Garden Regional Park
200 Edenvale Ave.
San Jose, Ca 95136
Vào Chúa Nhật Ngày 18 Tháng 8 Năm 2024. Thời gian từ 10:30 giờ sáng đến 03:00 chiều.
Nhiều mục vui, tham dự hoàn toàn miễn phí.
Để có thể chuẩn bị đầy đủ cho phần ẩm thực, xin vui lòng gọi đến một trong những số điện thoại bên dưới hoặc Email anthonytdho@yahoo.com để ghi danh.
Sự hiện diện của Quý Vị là niềm vinh hạnh cho Ban Chấp Hành HAHKQ Bắc California.
Trân Trọng
TM Ban Tổ Chức
KQ Hồ Đắc Tiến

Để biết thêm chi tiết xin liên lạc:

•KQ Trần Bá Kha (408) 893-8240
•KQ Trương Hồng Đạt (408) 828-5651
•KQ Hồ Đắc Tiến (408) 828-5336
•KQ Hồ Kim Hải (510) 552-6735
•KQ Nguyễn Tài Cơ (408)813-5277
•KQ Vũ Mạnh Dzũng (510)468-5142
•KQ Hoàng Đình Duyệt (408)398-0959


Tin Quốc Tế Đó Đây

Olympic Paris 2024: Vị Đắng Trong Phái Đoàn Ukraine


(Hình AP - Silvia Izquierdo: Cầu thủ túc cầu Ukraine dự Olympic Paris 2024 trên sân cỏ Saint Etienne ngày 27/7/2024.)
-Trong đêm khai mạc Thế Vận hội Paris 2024 hôm 26/7/2024, khi chiếc tàu chở các vận động viên Ukraine xuất hiện, rất nhiều khán giả đã reo hò cổ vũ. Tuy nhiên để tới được Olympic lần này, họ đã phải trải qua nhiều khó khăn khi 2 năm qua đất nước vẫn chịu cảnh chiến tranh, hàng trăm vận động viên khác đã phải bỏ mạng dưới bom đạn của Nga.
Tại Ukraine, cuộc chiến vẫn phủ bóng lên không khí lễ hội. Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gửi về bài phóng sự:
"Vừa trở về Ukraine sau chuyến tập huấn ở ngoại quốc, Vladyslav Heraskevych (25 tuổi), vận động viên người Ukraine từng 2 lần tham dự Olympic ở bộ môn Skeleton, môn thể thao trượt ván mùa Đông, đã đến khu vực dành cho người hâm mộ ở Kyiv để xem lễ khai mạc. Nhưng với anh,Thế Vận hội lần này mang vị đắng. Anh nói:
"Các vận động viên Ukraine cũng giống như những người dân thường. Chúng tôi bị cũng ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Cách đây vài tuần, tôi đã mất đi một người bạn cùng lớp, cô ấy thiệt mạng trong một vụ đánh bom. Chúng tôi đã mất rất nhiều vận động viên, rất nhiều vận động viên xuất sắc. Các bạn nghĩ mà xem điều này thật điên rồ, họ mới 22, 23 tuổi...".

Gần 500 vận động viên Ukraine đã bị quân đội Nga giết chết trên chiến trường hoặc trong các cuộc không kích. Trong những điều kiện đầy thử thách đó, Vladyslav đặt câu hỏi về sự hiện diện của các vận động viên Nga dưới biểu ngữ trung lập.
"Đây có phải là do sự thiếu chuyên nghiệp của Ủy ban Olympic Quốc tế, hay đây là một kiểu trò chơi, một trò đạo đức giả nào đó... bởi vì tôi không hiểu làm thế nào họ có thể cho phép các vận động viên trong quân đội (Nga) tham gia thi đấu".
Người dân vẫn dõi theo các cuộc thi đấu Olympic, khi có tới 140 vận động viên Ukraine có mặt ở Paris. Nhưng ở Kyiv cũng như phần còn lại của đất nước, Thế Vận hội lần này không xóa bỏ được cuộc chiến đang diễn ra".


Pháp Điều Tra Lời Dọa Giết Đối Với Các Vận Động Viên Do Thái


(Hình REUTERS: Đoàn vận động viên Do Thái tại lễ khai mạc Thế Vận hội Paris.)
-Hôm 28/7/2024, Văn phòng Công tố Paris cho biết Cảnh sát Pháp đã mở một cuộc điều tra về những lời dọa giết 3 vận động viên Do Thái tại Thế Vận hội Paris.
Các quan chức chống tội phạm mạng cũng đang điều tra việc tiết lộ dữ liệu cá nhân của các vận động viên trên mạng xã hội hôm 26/7 và tìm cách xóa các dữ liệu này, các công tố viên cho biết trong một tuyên bố.
Trong một tuyên bố hôm 25/7, Tổng cục Mạng Quốc gia Do Thái nói rằng một cuộc điều tra đã đi đến kết luận rằng tin tặc Iran đang tạo ra các kênh truyền thông xã hội để công bố thông tin cá nhân về các thành viên của đoàn Do Thái và gửi cho họ những tin nhắn đe dọa.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Do Thái đã cảnh báo người đồng cấp Pháp về một âm mưu tiềm tàng do Iran hậu thuẫn nhằm vào các vận động viên và khách du lịch Do Thái tại Thế Vận hội Paris.

Phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 25/7: "Các hành động khủng bố không có chỗ trong các nguyên tắc của các nhóm kháng chiến; sự dối trá và lừa dối không thể chuyển đổi vai trò của nguyên đơn và bị cáo".
Các quan chức cho biết, các vận động viên Do Thái tại Thế Vận hội đang được các đơn vị tác chiến ưu tú hộ tống đến và rời khỏi các sự kiện và được bảo vệ 24 giờ trong suốt Thế Vận hội. Cơ quan an ninh nội địa của Do Thái, Shin Bet, đang hỗ trợ an ninh.
Một nguồn tin ngoại giao của Do Thái cho biết: "Hoàn toàn ủng hộ các biện pháp mà chính quyền Pháp đang thực hiện".
Nguồn tin cho biết thêm: "Điều này gửi một thông điệp quan trọng tới các cá nhân và tổ chức đang cố gắng đe dọa các vận động viên".


Thế Vận Hội Paris Mở Màn Với Lễ Khai Mạc Trên Giòng Sông Seine


(Hình AP - Matthias Schrader: Màu cờ Pháp trên cầu Austerlitz, điểm khởi hành của các đoàn vận động viên quốc tế Olympic Paris.)
-Tối 26/7/2024, Lễ Khai mạc Thế Vận hội đã diễn ra tại thủ đô nước Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử Thế Vận hội, lễ khai mạc diễn ra bên ngoài sân vận động.
Gần 90 chiếc thuyền đưa khoảng 7.000 vận động viên quốc tế thuộc 206 đoàn thể thao quốc gia và vùng lãnh thổ diễu hành dọc bờ sông Seine, từ cầu Austerlitz ở phía đông thành phố đến tháp Eiffel ở phía Tây, nơi tổng thống quốc gia chủ nhà, ông Emmanuel Macron tuyên bố khai mạc "Thế Vận hội lần thứ 33 của thời hiện đại", với sự có mặt của Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach và gần 100 lãnh đạo các nước.
Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của đạo diễn Thomas Jolly, Kinh đô Ánh sáng đã biến thành một sân khấu khổng lồ nơi hàng trăm ngàn khán giả có mặt tại chỗ cùng hàng trăm triệu khán giả truyền hình có cơ hội đắm mình trong một không khí chưa từng có. Cuộc diễn hành chậm rãi của các vận động viên trên du thuyền đưa công chúng dọc theo 6 cây số giòng sông Seine, với các công trình mang tính biểu tượng của Paris: Nhà thờ Đức Bà với ngôi tháp nhọn vừa được khôi phục sau trận hỏa hoạn năm 2019, Viện Hàn lâm Pháp, Bảo tàng nghệ thuật Louvre, vườn Tuleries, quảng trường Concorde, Grand-Palais... cho đến tháp Eiffel.

Kịch bản của lễ khai mạc Thế Vận hội Paris đã được giữ bí mật đến phút chót. Khoảng 3.000 nghệ sĩ tham gia vào cuộc trình diễn khổng lồ với "12 hoạt cảnh" (douze tableaux), diễn ra ngoài trời và trong nhà, kể về nước Pháp với rất nhiều gương mặt, một nước Pháp của vua Mặt Trời Louis XIV, nước Pháp của cuộc Cách Mạng 1789, nước Pháp của các giá trị Tự do, Bình đẳng, Bác ái, một nước Pháp nơi "đa dạng" là giá trị.
Nghệ sĩ nói tiếng Pháp được nghe nhiều nhất hiện nay, cô Aya Nakamura, 29 tuổi, gốc Mali, có màn trình diễn có thể khiến nhiều người xúc động, với một nhóm vũ nữ người da màu... và đoàn nhạc công của lực lượng Vệ binh Cộng hòa trên cây cầu gỗ nối bảo tàng Louvre với Viện Hàn lâm Pháp. Nữ nghệ sĩ Mỹ Lady Gaga bất ngờ xuất hiện trong màn trình diễn đầu tiên "Mon truc en plumes" sát mặt nước bờ sông Seine.

Lễ khai mạc khép lại với tiếng hát vút cao trên tháp Ẹiffel của Céline Dion. Ca khúc huyền thoại "L'hymne à l'amour" (thường được dịch là bản Thánh ca của Tình yêu) của Edith Piaf vượt thời gian qua giọng hát của nữ danh ca người Gia Nã Ðại, lần đầu tiên trở lại với sân khấu từ năm 2020, sau nhiều vấn đề sức khỏe trầm trọng, có thể khiến nhiều người rơi nước mắt.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Georges Grokhovsky, người gốc Ukraine, đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga, có mặt tại đây, chia sẻ cảm tưởng về buổi lễ khai mạc Thế Vận hội: "Tiếng hát của Céline Dion khiến tôi xúc động. Tôi là người Ukraine, ở đây tất cả mọi người đều tay trong tay: Đây là một thông điệp tuyệt vời vì hòa bình và hòa giải".
Sau buổi lễ khai mạc Thế Vận hội chưa từng có trên giòng sông Seine, giám đốc điều hành của Ủy ban Thế vận Quốc tế Christophe Dubi, nhận xét: Mỗi kỳ Thế Vận hội đều mang lại những đóng góp riêng của mình cho ngôi nhà chung Olympic, nhưng với lễ khai mạc đêm qua, Paris không chỉ góp vào "viên gạch", mà đã mang lại "cả một ngọn núi " lớn cho mái nhà chung.


Khai Mạc Thế Vận Hội 2024: Ngọn Lửa Olympic Thắp Sáng Bầu Trời Paris


(Hình AP - Francisco Seco: Lửa Olympic trong vườn Tuileries - thắp sáng kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre và Paris.)
-Đài lửa Olympic Paris mang hình tượng khinh khí cầu trong vườn Tuileries thắp sáng Paris trong suốt thời gian Thế Vận hội. Hôm 26/7/2024, sau gần 3 tháng vòng quanh nước Pháp, ngọn đuốc Olympic đã chính thức được thắp lên vạc lửa ở Paris, đánh dấu lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Không chỉ là biểu trưng cho hòa bình, tình đoàn kết và tinh thần thể thao, đuốc Olympic lần này còn mang đậm những giá trị của nước Pháp như bình đẳng giới hay phát triển bền vững.
Lễ khai mạc mở đầu với hình ảnh ngọn đuốc Olympic được trao cho cựu danh thủ túc cầu người Pháp, Zinedine Zidane tại sân vận động Stade de France, sân vận động quốc gia lớn nhất tại Pháp. Sau đó Ban tổ chức đã sắp xếp một nhân vật giấu mặt, chèo thuyền ra sông Seine, nơi hàng trăm ngàn khán giả đang theo dõi. Với với ngọn đuốc trên tay, nhân vật này đã chạy trên các mái nhà, các ban công dọc theo sông Seine, đi qua các địa điểm nổi tiếng bậc nhất của thủ đô Paris. Dõi theo từng bước chân của nhân vật bí ẩn, khán giả đã được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của Pháp như Nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre, v.v....
Sau đó ngọn đuốc được mang tới quảng trường Trocadéro, dưới chân tháp Eiffel, nơi các quan chức cùng các vận động viên từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ đang chờ đợi. Từ đây, ngọn đuốc được trao qua tay 20 vận động viên đến từ Pháp và quốc tế, với nhiều cái tên tiêu biểu như tay vợt Rafael Nadal, cựu vận động viên bóng rổ Tony Parker, người đã giúp đội tuyển bóng rổ Pháp giành giải vô địch Bóng rổ Âu Châu, vận động viên khuyết tật Marie-Amélie Le Fur, hay Émilie Le Pennec, nhà vô địch thể dục dụng cụ đầu tiên của Pháp, v.v....

Tiếp theo ngọn đuốc được trao cho Charles Coste, cựu vận động viên đua xe đạp người Pháp, từng giành huy chương vàng Olympic năm 1948. Ông Coste, 100 tuổi, là vận động viên lớn tuổi nhất tham gia rước đuốc, đã trao lại đuốc Olympic cho Teddy Riner et Marie-José Pérec, hai vận động viên người Pháp đều từng 3 lần vô địch Olympic. Một điều thú vị nữa phải kể tới là 20 vận động viên rước đuốc trong chặng cuối này gồm đúng 10 nam và 10 nữ, biểu trưng cho tinh thần bình đẳng giới của nước Pháp.
Teddy Riner et Marie-José Pérec sau đó đã thắp lửa lên chiếc vạc khổng lồ, mang hình dáng của một khinh khí cầu cao 30 mét, đường kính 22 mét. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, vạc Olympic bay lơ lửng trên không trung.
Đài lửa Olympic Paris hình khinh khí cầu mang ý nghĩa đặc biệt vì chính tại Pháp năm 1783, chuyến bay chở khách đầu tiên bằng khinh khí cầu sử dụng khí nóng trong lịch sử nhân loại đã diễn ra, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc sử dụng khí cầu trong thám hiểm, giao thông vận tải và dự báo khí tượng. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Thế Vận hội, ngọn lửa Olympic cháy mà không cần chất đốt vì sử dụng 100% năng lượng điện tái tạo, giữ đúng lời hứa Thế Vận hội Paris 2024 là Thế Vận hội bền vững nhất.


Olympic Paris 2024: Hình Ảnh Đẹp của Pháp Trong Mắt Báo Chí Ngoại Quốc


(Hình AP - - Robert F. Bukaty: Truyền thông quốc tế dành nhiều lời khen tặng cho Lễ Khai mạc Olympic Paris 2024.)
-Báo chí quốc tế dành nhiều lời khen tặng cho buổi lễ khai mạc Thế Vận hội Olympic đêm 26/7/2024. Pháp, Paris và Ban tổ chức đã đưa ra hình ảnh của một đất nước, một thành phố "cởi mở và hòa đồng", lớn mạnh cùng với "các nền văn hóa trên thế giới, nơi mọi người có quyền được sống, được yêu và được là chính mình".
Tờ báo Thể thao của Tây Ban Nha Marca nói đến một buổi "lễ khai mạc hoành tráng nhất trong lịch sử Olympic" dù diễn ra dưới mưa. "Paris làm mê hoặc cả thế giới dưới những cơn mưa tầm tã" tựa lớn trên tờ báo uy tín tại Madrid El País. Tại Bá Linh, Die Welt quả quyết "buổi lễ khai mạc lần này đi vào lịch sử". Làng báo Anh nổi tiếng là khắt khe tỏ ra hào hứng khác thường. The Independant nói đến một "Ý tưởng điên rồ tổ chức lễ hội trên sông" nhưng nhờ thế mà "Olympic Paris mang dấu ấn đặc biệt khác hẳn với mọi mùa Thế Vận hội khác". Báo The Sun mượn tên giòng sông Seine để chơi chữ "Seine-Sational". Riêng The Guardian kém hào hứng cho rằng kịch bản tối 26/7 có phần "lòe loẹt".

Nhìn sang Á Châu, báo Nam Hàn Korea Times ngưỡng mộ khi thấy Ban tổ chức của Pháp đã "khai thác đến tận cùng những gì mà sức người có thể làm được để đưa vào một buổi lễ khai mạc". Về phần tờ China Daily của Trung Quốc thì cho rằng "Danh bất hư truyền, lễ khai mạc Olympic Paris mang đậm dấu ấn của một thành phố lãng mạn".
Trong 4 năm nữa đến lượt Los Angeles tổ chức Thế Vận hội mùa Hè, truyền thông Mỹ và người dân Hoa Kỳ cũng đã theo dõi rất kỹ buổi lễ khai mạc trên sông ở Paris hôm 26/7.
"Pháp tỏa sáng, khi đan xen dòng lịch sử, sự táo bạo về mặt nghệ thuật và Olympic Paris đã mở ra trong màu cờ của nước Pháp, xanh trắng, đỏ. Paris hóa thân thành sân khấu thể hiện sự táo bạo trong cách tư duy của người Pháp và đã đem lại hào quang cho một sự kiện tưởng chừng không còn thu hút chú ý của thế giới": tờ Washington Post đã nhận xét như trên về chương trình gần 4 tiếng đồng hồ đêm qua.

Nhưng người khen, kẻ chê như thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Hoa Thịnh Ðốn ghi nhận:
"'Tôi không thể thốt lên lời'. Xướng ngôn viên đài truyền hình NBC phản ứng như trên sau phần trình diễn của Céline Dion trên Tháp Eiffel. Công luận Mỹ đã xúc động trước sự kiện ca sĩ người của vùng Québec này lại cất tiếng hát dù cô đang đau ốm, bởi từ lâu nay Céline Dion đã sống tại Las Vegas. Nhưng đây không là thời khắc duy nhất trong cả chương trình lễ khai mạc khiến mọi người ngạc nhiên. Người Mỹ khám phá ra rằng dân Pháp có thể vừa chấp nhận, vừa diễu cợt về chuyện đã từng chặt đầu một bà hoàng hậu. Điều này khiến mọi sửng sốt và khó hiểu. Làng báo Mỹ đã không phải bình luận về màn nam danh ca Philippe Katerine trong vai thần Dionysos trần trụi xuất hiện trên bàn tiệc bởi đúng lúc ấy, các chương trình tivi ở Mỹ phát quảng cáo. Dù vậy, hình ảnh này đã gây phẫn nộ trong hàng ngũ phe cực hữu và điều đó được thể hiện qua các mạng xã hội. Số này đã bị sốc không kém với hình ảnh nhái lại từ một bức tranh của danh họa Leonardo Da Vinci nói về bữa ăn cuối cùng của chúa Giê-su, nhưng ở đây, các nhân vật lại là những nghệ sĩ Drag Queen. Đài truyền hình cựu kỳ bảo thủ Fox News dành hẳn một trang trên internet cho chủ đề này. Nhà tỉ phú Mỹ, Elon Musk lên án thái độ 'vô lễ' đối với người theo đạo Thiên Chúa. Trái lại nhật báo tài chính The Wall Street Journal của tỉ phú Rupert Murdoch, thì coi lễ khai mạc đêm qua là một kỳ công, trước một mục tiêu khó hoàn thành. Phần lớn làng báo Mỹ khâm phục trước một sự thành công trong một cuộc chơi đầy mạo hiểm"


Thế Vận Hội Paris 2024: Pháp Tự Hào Với 4 Huy Chương Olympic Trong Ngày Đầu Thi Đấu


(Hình AP - Tsvangirayi Mukwazhi: Vận động viên Antoine Dupont ăn mừng sau khi Pháp giành huy chương vàng môn bóng bầu dục 7 người tại Thế Vận hội Paris 2024, tại sân vận động Stade de France, Saint-Denis, Pháp, ngày 27/7/2024.)
-Trong ngày đầu tiên của Thế Vận hội Paris, ngày 27/7/2024, Pháp giành được 4 huy chương Olympic và là một trong 5 quốc gia đang dẫn đầu về mặt thành tích.
Tính đến 12 giờ trưa 28/7, Úc Ðại Lợi đang dẫn đầu bảng, đoạt 5 huy chương, trong đó có 3 vàng và 2 bạc. Trung Quốc theo sau với 3 huy chương vàng và 1 đồng. Nam Hàn đứng hạng ba, trên cả Hoa Kỳ, với tổng cộng 5 huy chương (2 vàng, 2 bạc và 1 đồng). Cũng với 5 huy chương, nhưng phái đoàn Mỹ mới chỉ một lần đoạt danh hiệu Olympic Paris 2024.

Về phía nước chủ nhà, chiếc huy chương vàng đầu tiên thuộc về đội bóng bầu dục thu hẹp với 7 vận động viên. Ở môn nhu đạo, đội Pháp đoạt 1 huy chương bạc (nam) và 1 đồng (nữ) nhờ Luka Mkheidze và Shirine Boukli. Đến cuối ngày 27/7, ở môn đấu kiếm nữ, vận động viên Auriane Mallo-Breton đã thua tay kiếm người Hồng Kông vào phút chót trận chung kết.
Hôm 28/7 đến lượt nhiều ngôi sao thể thao quốc tế "ra trận" trong đó phải kể đến "kình ngư" Léon Marchand của Pháp. Léon đã hai lần Vô địch Thế giới và hiện đang giữ kỷ lục ở cự ly 400 mét 4 thể loại bơi. Khán giả Paris cũng chờ đợi nhiều ở Simone Biles, người được mệnh danh là bà hoàng của môn thể dục dụng cụ. Nữ vận động viên người Mỹ này đã 4 lần đoạt huy chương vàng Olympic. Ở hạng mục thể dục đồng đội, giới hâm mộ chờ đợi trận đấu trong ngày giữa 2 tên tuổi lớn của làng bóng rổ thế giới là đội tuyển Mỹ và Serbia.


Bộ Đôi Thiếu Niên Trung Quốc Giành Huy Chương Vàng Olympic Đầu Tiên


(Hình AFP: Bộ đôi thiếu niên Hoàng Vũ Đình (nữ) và Thịnh Lý Hào đứng trên bục chuẩn bị nhận huy chương vàng sau khi chiến thắng ở nội dung đồng đội hỗn hợp súng trường hơi 10 mét, trong Thế Vận hội Paris 2024 tại Trung tâm Bắn súng Chateauroux, ngày 27/7/2024.)
-Bộ đôi thiếu niên Hoàng Vũ Đình và Thịnh Lý Hào của Trung Quốc giành được huy chương vàng đầu tiên của Thế Vận hội Paris sau khi tranh tài ở nội dung đồng đội hỗn hợp nam-nữ súng trường hơi 10 mét vào ngày 27/7/2024.
Các vận động viên bắn súng của Trung Quốc giành được những huy chương vàng Thế Vận hội đầu tiên cho đất nước của họ nhiều lần hơn các vận động viên ở bất cứ môn thể thao nào khác. Truyền thống đó tiếp tục khi Hoàng và Thịnh giành chiến thắng tại Trung tâm bắn súng Chateauroux.
Chiến thắng 16-12 của họ, vượt qua thử thách muộn từ cặp Keum Ji-hyeon và Park Ha-jun của Nam Hàn, khẳng định vị thế của Trung Quốc là quốc gia duy nhất giành huy chương vàng trong nội dung đồng đội hỗn hợp nam-nữ lần đầu tiên đưa vào thi đấu ở Thế Vận hội Tokyo 3 năm trước.
"Khi các đối thủ Nam Hàn bắt kịp, em không để ý lắm vì trước hết em đang cố gắng ổn định bản thân", Thịnh, 19 tuổi, nói với các phóng viên
"Em tự nhủ mình cần phải làm những gì mình phải làm".

Alexandra Le và Islam Satpayev mang về cho Kazakhstan huy chương đồng với tỉ số 17-5 trước bộ đôi người Đức Anna Janssen và Maximilian Ulbrich.
Hoàng và Thịnh hiện là đương kim vô địch thế giới. Họ đã đứng đầu bảng thành tích trước các đối thủ Nam Hàn xếp thứ hai ở vòng loại.
Cuộc đua tranh huy chương vàng không thực sự diễn ra suôn sẻ dù họ dẫn trước 14-8 sau hiệp 11.
Keum và Park lội ngược dòng muộn để rút ngắn khoảng cách 14-12 nhưng chung cuộc bộ đôi Trung Quốc giành chiến thắng.


Do Thái Thề Sẽ Tấn Công Hezbollah Sau Khi Rocket Giết Chết 12 Trẻ Em Trên Sân Bóng


(Hình AFP: Một vụ tấn công của Do Thái vào ngôi làng Chihine ở miền Nam Lebanon.)
-Hôm 28/7/2024, hàng ngàn người đã tham dự lễ tang 12 em nhỏ và thiếu niên thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng rocket ở Cao nguyên Golan mà Do Thái chiếm đóng trong khi Do Thái tuyên bố sẽ nhanh chóng trả đũa lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon.
Hezbollah phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào Majdal Shams, vụ đẫm máu nhất ở Do Thái hoặc lãnh thổ do Do Thái sáp nhập kể từ cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 của nhóm chiến binh Palestine Hamas, châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza. Cuộc xung đột đó đã lan rộng ra nhiều mặt trận và hiện có nguy cơ lan ra thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Chiến đấu cơ của Do Thái đã tấn công các mục tiêu ở miền Nam Lebanon trong đêm nhưng dự kiến sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn sau cuộc họp của nội các an ninh lúc 6 giờ chiều. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trở về sau chuyến thăm Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết rằng có mọi dấu hiệu cho thấy rocket bắn trúng sân thể thao nơi trẻ em đang đá bóng đã được Hezbollah bắn đi và cho biết Hoa Thịnh Ðốn ủng hộ quyền tự vệ của Do Thái.
Nhưng ông nói rằng Hoa Kỳ không muốn sự leo thang xung đột, vốn chứng kiến những cuộc đọ súng hàng ngày giữa quân đội Do Thái và Hezbollah dọc biên giới.
Anh bày tỏ lo ngại về tình trạng leo thang hơn nữa trong khi Ai Cập cho rằng cuộc tấn công có thể lan rộng "thành một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực".
Hezbollah ban đầu tuyên bố đã bắn tên lửa vào các địa điểm quân sự của Do Thái ở Cao nguyên Golan, nhưng cho biết họ "hoàn toàn không liên quan gì" đến cuộc tấn công vào Majdal Shams.
Tuy nhiên, Do Thái cho biết tên lửa này do Iran sản xuất, được bắn từ khu vực phía Bắc làng Chebaa ở miền Nam Lebanon, đổ lỗi trực tiếp cho nhóm được Iran hậu thuẫn và nói rằng Hezbollah "phải chịu trách nhiệm rõ ràng".
Hiện chưa rõ liệu trẻ em và thiếu niên thiệt mạng trong vụ tấn công có phải là công dân Do Thái hay không, nhưng các quan chức Do Thái đã thề sẽ trả thù.


Nguy Cơ Xung Đột Quân Sự Tại Biên Giới Phía Bắc Do Thái Với Lebanon


(Hình AP - Leo Correa: Di ảnh của Alma Fkhrden, 12 tuổi, nạn nhân trong vụ tấn công bằng rocket tại làng Madj el Shams, Golan. Ảnh ngày Chủ Nhật, 28/7/2024.)
-Do Thái khẳng định lực lượng Hồi giáo Lebanon Hezbollah đã "vượt qua lằn ranh đỏ" sau vụ vấn công bằng rocket hôm 26/7/2024 nhắm vào một ngôi làng trong vùng cao nguyên Golan làm 11 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là trẻ em. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất từ sau loạt khủng bố mà phong trào Hamas tiến hành hồi tháng 10/2023. Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền giữa Do Thái và Syria.
Đang công du Á Châu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố "tất cả các dấu hiệu" cho thấy Hezbollah đứng sau vụ tấn công thảm khốc nói trên, còn thủ tướng Do Thái đang trên đường trở về nước sau chuyến công du Hoa Kỳ trong nhiều ngày. Vào lúc Do Thái đòi trả đũa đích đáng thì Iran, điểm tựa của lực lượng Hồi giáo Lebanon, cảnh báo Tel-Aviv nên tránh đẩy khu vực vào hoàn cảnh "tồi tệ hơn". Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Michel Paul của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
"Do Thái chính thức thông báo quyết định đáp trả sau vụ tấn công vừa qua và đây là vụ tấn công quy mô nhất từ hôm 7 tháng 10 năm 2023. Theo lời một giới chức quân sự Do Thái, Tel-Aviv sẽ trả đũa một cách chừng mực, tránh đẩy toàn khu vực vào một cuộc chiến toàn diện. Dù sao đi nữa, đối với quân đội Do Thái quả rocket nhắm vào sân vận động tại làng Madj el Shams trong vùng cao nguyên Golan chắc chắn là đã được bắn đi từ khu vực miền Nam Lebanon. Đây là một vụ trả đũa vài giờ sau khi quân đội Do Thái đã nhắm vào một số chiến binh của Hezbollah.
Đang công du Hoa Kỳ, thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả mọi vụ tấn công nhắm vào lãnh thổ Do Thái. Ngoại trưởng Do Thái Katz thì cho rằng lực lượng Hồi giáo Hezbollah tại Lebanon đã vượt qua lằn ranh đỏ và Tel-Aviv sẽ đáp trả một cách đích đáng. Sáng nay, Hội đồng An ninh quốc gia Do Thái sẽ phải họp lại ngay khi ông Netanyahu từ Mỹ trở về".


Mỹ Quy Trách Nhiệm Cho Hezbollah Về Vụ Tấn Công Cao Nguyên Golan


(Hình AP: Lễ tang các em nhỏ Do Thái thiệt mạng trong vụ tấn công bằng rocket.)
-Hôm 28/7/2024, Hoa Kỳ quy trách nhiệm cho lực lượng Hezbollah có trụ sở tại Lebanon về vụ tấn công bằng rocket ở Cao nguyên Golan mà Do Thái chiếm đóng khiến 12 em nhỏ và thiếu niên thiệt mạng trên một sân bóng đồng thời làm dấy lên mối đe dọa về một cuộc chiến lan rộng hơn ở Trung Đông.
Do Thái cũng quy trách nhiệm cho Hezbollah và cho biết họ sẽ tấn công mạnh mẽ vào nhóm được Iran hậu thuẫn sau vụ tấn công hôm 27/7, nhưng Hezbollah đã phủ nhận mọi trách nhiệm.
Cuộc tấn công làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực, nơi căng thẳng gia tăng do cuộc chiến của Do Thái ở Gaza. Cuộc tấn công dữ dội đó, bắt đầu từ hơn 9 tháng trước, đã giết chết hàng chục ngàn người và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn trên khắp vùng đất ven biển chật hẹp.

Trong một tuyên bố hôm 28/7, Tòa Bạch Ốc nói: "Cuộc tấn công này do Hezbollah Lebanon thực hiện. Đó là rocket của họ và được phóng từ khu vực mà họ kiểm soát".
Họ nói thêm rằng Hoa Thịnh Ðốn đã thảo luận với các quan chức Do Thái và Lebanon kể từ cuộc tấn công hôm 27/7, cuộc tấn công mà họ lên án và mô tả là "khủng khiếp".
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng ông không muốn thấy xung đột leo thang ở biên giới phía Bắc của Do Thái sau khi Do Thái cáo buộc Hezbollah giết chết 12 em nhỏ và thiếu niên.
"Tôi nhấn mạnh quyền của Do Thái trong việc bảo vệ người dân của mình và quyết tâm của chúng tôi nhằm bảo đảm rằng họ có thể làm điều đó", ông Blinken nói trong cuộc họp báo ở Tokyo. "Nhưng chúng tôi cũng không muốn thấy xung đột leo thang. Chúng tôi không muốn nó lan rộng".

Ông Blinken cho biết ông rất đau buồn trước sự mất mát về nhân mạng và nói rằng việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza có thể giúp xoa dịu tình hình ở biên giới Do Thái với Lebanon.
"Điều quan trọng là chúng ta phải giúp xoa dịu cuộc xung đột đó, không chỉ ngăn nó leo thang, ngăn nó lan rộng mà còn xoa dịu nó bởi vì có rất nhiều người ở cả hai quốc gia, ở cả Do Thái và Lebanon, những người đã phải di dời khỏi nhà của họ", ông Blinken nói.


Nga: Kho Dầu ở Kursk Bốc Cháy Sau Cuộc Tấn Công Bằng Drone của Ukraine


(Hình REUTERS, minh họa: Drone của Ukraine tấn công vào một nhà máy lọc dầu của Nga.)
-Hôm 28/7/2024, Quyền Thống đốc Kursk của Nga, ông Alexei Smirnov cho biết 3 bồn chứa tại một kho chứa dầu ở khu vực này đã bốc cháy vì một cuộc tấn công bằng drone (máy bay không người lái) do Ukraine phát động.
Ông Smirnov cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng đám cháy ở một trong các bồn chứa nhanh chóng được dập tắt, nhưng 82 lính cứu hỏa đã tham gia cố gắng dập lửa ở hai bồn chứa còn lại bằng cách sử dụng 32 thiết bị.
Ông Smirnov cho biết rằng máy bay không người lái cũng làm hư hại một số tòa nhà dân cư trong khu vực, khiến một người bị thương.
Cả hai bên đều phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc chiến mà Nga phát động chống lại nước láng giềng nhỏ hơn vào tháng 2 năm 2022.

Bộ Tổng Tham mưu của Kyiv hôm 28/7 cho biết rằng lực lượng Ukraine đã tấn công kho dầu Polevaya ở khu vực Kursk, dẫn đến "các vụ nổ mạnh" và hỏa hoạn và vẫn đang đánh giá toàn bộ tác động của cuộc tấn công.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên Telegram rằng hệ thống phòng không của nước này đã phá hủy hai máy bay không người lái trên khu vực Kursk.
Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo khác nhau này.
Kyiv cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, quân sự và giao thông của Nga là để đáp trả việc Mạc Tư Khoa tiếp tục tấn công lãnh thổ Ukraine.


Thủ Tướng Ý Ðại Lợi Công Du Trung Quốc Nhằm Cải Thiện Quan Hệ Song Phương


(Hình AFP - Alessandro Della Valle: Thủ tướng Ý Ðại Lợi Giorgia Meloni trong Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine, tổ chức tại Thụy Sĩ ngày 16/6/2024.)
-Hôm 27/7/2024, Thủ tướng Ý Ðại Lợi Giorgia Meloni đã bắt đầu chuyến công du chính thức tới Trung Quốc. Hai bên tập trung trao đổi về tăng cường hợp tác thương mại và văn hóa cũng như thúc đẩy quan hệ Trung-Ý và Trung-Âu phát triển ổn định và lâu dài. Hình
Đây là chuyến thăm đầu tiên của thủ tướng Meloni tại Trung Quốc kể từ khi bà lên nắm quyền vào năm 2022 và cũng là lãnh đạo Âu Châu đầu tiên đến Trung Quốc sau Hội nghị Trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ thủ đô Roma của Ý Ðại Lợi, thông tín viên Anne Le Nir của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể về cuộc gặp:
"Trong thời gian công du tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Giorgia Meloni sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Cường và Chủ tịch Quốc Hội Triệu Lạc Tế. Chuyến thăm chính thức của bà là một phần trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và 700 năm ngày mất của Marco Polo. Ông là nhà thám hiểm gốc Venezia (Ý Ðại Lợi) và là một trong những người Âu Châu đầu tiên đến Trung Quốc.

Chuyến thăm lần này thể hiện nỗ lực ngoại giao của Ý Ðại Lợi nhằm làm giảm căng thẳng quan hệ song phương với Trung Quốc sau khi Roma rút khỏi thỏa thuận về Con đường tơ lụa mới với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của Ý Ðại Lợi ở Á Châu, với tổng giá trị trao đổi hơn 68 tỉ Euro vào năm 2023. Roma hy vọng sẽ mở rộng các hoạt động xuất-nhập cảng. Do đó, nhiều lãnh đạo các công ty lớn của Ý Ðại Lợi, trong đó có đại tập đoàn năng lượng Eni, đã tháp tùng thủ tướng Meloni đến Trung Quốc lần này.
Lãnh đạo hai bên cũng sẽ đề cập đến các vấn đề hóc búa hiện nay như việc Liên Hiệp Âu Châu tăng thuế nhập cảng đánh vào xe ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine".


Bầu Cử Tổng Thống Venezuela: Phe Đối Lập Được Cho Là Có Triển Vọng Giành Chiến Thắng


(Hình AP - Fernando Vergara: Tổng thống Nicolas Maduro tại điểm bỏ phiếu ở Caracas trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela, ngày 28/7/2024.)
-Các phòng phiếu tại Venezuela đã mở ra từ 6 giờ sáng ngày 28/7/2024. Khoảng 21 triệu cử tri được kêu gọi bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ trên nguyên tắc là 6 năm. Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Maduro, người đã liên tục cầm quyền từ 11 năm qua, muốn tiếp tục điều hành đất nước. Nhưng ông chỉ là một trong số 10 ứng viên.
Đối thủ đáng gờm nhất của ông Maduro là nhà ngoại giao Edmundo Gonzalez Urrutia (74 tuổi), đại diện cho phe đối lập lớn nhất tại Venezuela. Theo các cuộc thăm dò, ứng viên Urrutia có triển vọng đánh bại tổng thống mãn nhiệm Maduro. Tuy nhiên chìa khóa kết quả lần này tùy thuộc vào tỷ lệ tham gia của cử tri. Những người ủng hộ phe đối lập thường có thói quen không đi bầu. Từ thủ đô Caracas của Venezuela, thông tín viên Alice Campaignolle của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:
"Nếu muốn thắng, phe đối lập Venezuela phải huy động được cử tri. Khác hẳn với bên ứng cử viên Maduro, họ không có được một bản sắc riêng và không có quy củ. Ngoài ý tưởng chống đối Nicolas Maduro, đi bỏ phiếu còn là một hành động mang nhiều ý nghĩa đối với một nền dân chủ vào lúc mà chính quyền hiện tại không tôn trọng các luật chơi.

Caracas làm tất cả để tỷ lệ tham gia của những người ủng hộ cho phe đối lập với ông Maduro thấp nhất. Chính quyền hiện tại mongrằng nhờ đó tổng thống mãn nhiệm có thể tái đặc cử chỉ với 30% cử tri đi bầu theo như các dự báo của các cuộc thăm dò cho thấy. Các tổ chức khác nhau trên toàn quốc đang tìm cách vận động cử tri đi bầu. Trong số này có Louis Alberto Rodriguez làm việc cho tổ chức mang tên Voto Joven. Ông nói "máy kiểm phiếu không thể thay đổi sự chọn lựa của cử tri. Chúng ta hãy tin tưởng vào điều đó, do đã có một cuộc thanh tra các máy kiểm phiếu và chúng hoạt động rất tốt".
Đa phần cử tri Venezuela thận trọng với hệ thống bầu cử tại đây, đặc biệt là các cử tri trẻ. Đó là những người đã trông thấy không gian dân chủ bị chính quyền thu hẹp lại dần. Tuy nhiên theo lời các chuyên gia, cử tri có thể tin tưởng vào máy bỏ phiếu điện tử. Thông điệp đang được truyền tải rộng rãi đến các tầng lớp cử tri là 'hãy đi bầu, bạn sẽ không hoài công'"


Mỹ-Nhật Tăng Cường Hợp Tác Quân Sự Trước Hai Mối Đe Dọa Bắc Hàn và Trung Quốc


(Hình AP - Hiro Komae: Cuộc họp 2+2 tại Tokyo giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nhật Bản và Hoa Kỳ trong ngày 28/7/2024.)
-Thông báo cơ cấu một bộ chỉ huy chung được đặt tại Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng, giám sát và phối hợp tốt hơn về mặt quân sự trước hai mối đe dọa là Trung Quốc và Bắc Hàn. Đây là trọng tâm cuộc họp 2+2 tại Tokyo giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước trong ngày 28/7/2024. Đối thoại lần này nhằm trấn an đồng minh của Mỹ sau khi tổng thống Joe Biden thông báo không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khai mạc cuộc họp với hai đồng cấp Nhật Bản là Ngoại trưởng Yoko Kamikawa và người đứng đầu ngành quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara. Mọi chú ý hướng về thông báo Mỹ-Nhật thành lập một bộ chỉ huy quân sự chung đặt tại Nhật Bản và cơ cấu này sẽ do một viên tướng 3 sao lãnh đạo. Theo hãng tin Anh Reuters, bộ chỉ huy chung Mỹ-Nhật hướng tới việc tăng cường khả năng điều phối và hợp tác quân sự song phương, trong đó bao gồm cả việc dễ dàng cấp giấy phép hơn cho Nhật Bản sản xuất tên lửa thuộc bản quyền của các tập đoàn Mỹ.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố: "Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh của lịch sử, trật tự trong một thế giới tự do, rộng mở, xây dựng trên nền tảng luật pháp đang bị khuynh đảo. Những quyết định của ngày hôm nay mang tính quyết định đối với tương lai sau này". Lãnh đạo Ngũ Giác Đài Lloyd Austine thì nhắm thẳng vào Trung Quốc, lên án Bắc Kinh "có những hành vi hù dọa, tìm cách thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như tại eo biển Đài Loan và trong toàn khu vực". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm, chương trình hạt nhân Bắc Hàn và quan hệ mật thiết giữa Bình Nhưỡng với Mạc Tư Khoa "đe dọa an ninh của khu vực và thế giới".
Hãng tin AP nhắc lại hiện có khoảng 50.000 lính Mỹ đang đóng tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản nhưng bộ chỉ huy của Hoa Kỳ được đặt tại Yokota, ngoại ô phía Tây thủ đô Tokyo, chỉ đảm nhiệm các công tác quản lý về mặt hành chính. Trong cơ cấu mới, bộ chỉ huy tại Nhật Bản sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong các "chiến dịch hỗn hợp".
Ngoài ra, trong cuộc họp hôm 28/7 này, lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ thảo luận về việc "tăng cường hợp tác trong các hoạt động tình báo, giám sát, an ninh mạng...". Về những điểm này, Tokyo cần nhanh chóng tăng cường khả năng để đối phó với những "mối đe dọa trong tương lai"

Cuối cùng, theo dự kiến, lần đầu tiên đối thoại Mỹ-Nhật 2+2 sẽ đề cập đến một hồ sơ mang tên "mối răn đe mở rộng" mà ở đó theo hãng tin Anh Reuters, Hoa Thịnh Ðốn trên nguyên tắc sẽ tái khẳng định với Tokyo cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ. Cuộc thảo luận này được đưa ra vào lúc đe dọa hạt nhân xuất phát từ Bắc Hàn càng lúc càng lớn, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng thắt chặt hợp tác quân sự với Nga.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đặc biệt quan ngại "trước mối hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc". Điều này được thể hiện qua việc Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh vừa tiến hành các cuộc tập trận chung gần vùng biển của Nhật Bản và nhất là thái độ của Bắc Kinh về vấn đề chiến tranh Ukraine.
Theo tin mới nhất, trong thông cáo chung kết thúc cuộc họp, Hoa Kỳ cho biết "Bộ chỉ huy quân sự chung với Nhật Bản sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 3/2025 và đây sẽ là sự thay đổi quan trọng nhất về hợp tác quân sự Mỹ Nhật từ 70 năm qua".


Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn Siết Chặt Hợp Tác Quốc Phòng Để Đối Phó Với Đe Dọa Nga-Bắc Hàn


(Hình AP - Yoshikazu Tsuno: Bộ trưởng Quốc phòng ba nước Mỹ-Nhật-Hàn ký Thỏa thuận hợp tác sau cuộc họp ba bên tại Tokyo vào ngày 28/7/2024.)
-Theo hãng tin Nam Hàn Yonhap, hôm 27/7/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik cùng hai đồng cấp Hoa Kỳ và Nhật Bản, Lloyd Austin và Minoru Kihara, đã ký kết bản ghi nhớ về "Khung hợp tác an ninh ba bên" (Trilateral Security Cooperation Framework - TSCF). Liên minh 3 nước coi việc Bắc Hàn tăng cường sức mạnh hạt nhân và tên lửa với hỗ trợ của Nga là mối đe dọa chính.
Theo Bộ Quốc phòng Nam Hàn, đây là văn bản đầu tiên thể chế hóa các hợp tác an ninh giữa các cơ quan quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn, nhằm bảo đảm các điều kiện duy trì hợp tác 3 bên trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế đầy biến động hiện nay. Theo Khung Hợp tác An ninh Ba bên (TSCF), ba quốc gia dự kiến đặc biệt sẽ tăng cường chia sẻ dữ liệu về tên lửa Bắc Hàn "theo thời gian thực", thường xuyên tiến hành tập trận chung, bao gồm cuộc tập trận Freedom Edge đa binh chủng, vừa được tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 6/2024.

Trong cuộc họp lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước tại Tokyo, Mỹ, Nhật, Hàn bày tỏ lo ngại về hợp tác quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng giữa Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa, được thúc đẩy bởi Hiệp ước "Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện" Nga-Triều, bao gồm cam kết về "phòng thủ chung", ký kết hồi tháng trước. Lãnh đạo Quốc phòng 3 nước lên án Bắc Hàn đa dạng hóa các hệ thống tấn công hạt nhân và thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo, cũng như có các hành động leo thang căng thẳng khác trên bán đảo Triều Tiên.
Việc ký kết TSCF diễn ra sau khi Nam Hàn, hồi tháng 2/2024 vừa qua, đề xuất cần xác lập một văn bản cụ thể hóa hợp tác an ninh ba bên. Trong cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước bên lề Đối thoại An ninh Shangri-la, Tân Gia Ba, hồi tháng Sáu, 3 bên thỏa thuận sẽ ký kết văn bản này ngay trong năm nay.
Trả lời báo giới sau lễ ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik cho biết ông tin tưởng cơ chế hợp tác an ninh ba bên sẽ tiếp tục được duy trì bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.

Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nam Hàn, vũ khí hạt nhân và tên lửa Bắc Hàn là đe dọa lâu dài đối với an ninh của ba nước và đặt ra rất nhiều thách thức trong khu vực.
Bản ghi nhớ về Khung hợp tác an ninh ba bên không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng cho biết Mỹ, Nhật, Hàn "chia sẻ quan điểm về các hoạt động quân sự trên biển và trên không ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông, thời gian gần đây". Ba bên tái khẳng định lập trường "phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng" và "các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế".


Chiến Dịch Tranh Cử của Bà Kamala Harris Huy Động Được 200 Triệu Mỹ Kim Trong Một Tuần


(Hình REUTERS: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại một sự kiện.)
Hôm 28/7/2024, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Hoa Kỳ ----Kamala Harris cho biết đã huy động được 200 triệu Mỹ kim và thu hút 170.000 tình nguyện viên mới trong tuần kể từ khi bà trở thành ứng cử viên tổng thống.
-Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chấm dứt nỗ lực tái tranh cử hôm 21/7 và ủng hộ bà Harris ra tranh cử trước cựu Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa Donald Trump vào tháng 11.
"Trong tuần, kể từ khi chúng tôi bắt đầu, @KamalaHarris đã huy động được 200 triệu Mỹ kim. 66% trong số đó là từ những người đóng góp mới. Chúng tôi đã có 170.000 tình nguyện viên mới đăng ký", Phó giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Harris, Rob Flaherty, đăng trên X.
Bà Harris cho biết đã nhận được sự ủng hộ từ đa số đại biểu tham dự Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ, có khả năng mở đường cho bà trở thành đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng vào tháng tới.

Ông Biden đã rút lui khỏi cuộc đua sau khi vấp phải các câu hỏi về tuổi tác và sức khỏe của ông sau màn tranh luận kém cỏi với ông Trump vào cuối tháng 6. Ông Biden cam kết sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức tổng thống cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 20 tháng 1 năm 2025.
Văn phòng của bà cho biết bà Harris, người phụ nữ da đen đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức phó tổng thống, đã quyên được 100 triệu Mỹ kim đầu tiên trong 36 giờ sau thông báo của ông Biden.
Sự tiếp quản của bà Harris đã tiếp thêm sinh lực cho một chiến dịch vốn đã lâm vào thế khó trong bối cảnh các đảng viên Đảng Dân chủ nghi ngờ về cơ hội đánh bại ông Trump của ông Biden hoặc khả năng tiếp tục cầm quyền nếu ông giành chiến thắng.
Ông Mitch Landrieu, đồng Chủ tịch chiến dịch, cho biết trên MSNBC rằng bà Harris "đã có một trong những tuần tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trên chính trường trong 50 năm qua".
"Đây sẽ là một cuộc đua rất sít sao", ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/7.


Mỹ: Kêu Gọi Cử Tri Bỏ Phiếu "Một Lần Cuối" của Trump Bị Lên Án Cổ Vũ Cho Độc Tài


(HìnhAP - Alex Brandon: Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ngày 27/7/2024 tại St. Cloud, tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ.)
-Cựu tổng thống Donald Trump một lần nữa tung ra những lời lẽ bị nhiều người lên án là cổ vũ cho một nền độc tài, chống lại chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền tại Mỹ. Trong một cuộc vận động tranh cử trong giới cử tri theo đạo Thiên Chúa tại Florida đêm 26/7/2024, ứng cử viên tổng thống Mỹ kêu gọi cử tri Thiên Chúa giáo nỗ lực đi bỏ phiếu vào tháng 11 tới và như vậy thì "sau 4 năm nữa (họ) sẽ không phải đi bỏ phiếu".
Theo truyền thông Hoa Kỳ, tại một cuộc mít-tinh do nhóm vận động Turning Point Action theo tư tưởng bảo thủ tổ chức tại West Palm Beach, với khoảng 3.500 người tham dự, ông Trump nói:"Tôi yêu quý vị, những người theo đạo Thiên Chúa, tôi cũng là một người theo đạo Thiên Chúa (...) Quý vị hãy ra ngoài và đi bỏ phiếu. Chỉ một lần này thôi và sau bốn năm nữa, quý vị sẽ không phải bỏ phiếu nữa. Chúng tôi sẽ sửa lại mọi thứ thật tốt và quý vị sẽ không phải bỏ phiếu nữa".

Phát biểu của ông Trump ngay lập tức bị nhiều chính trị gia, nhà quan sát chính trị Mỹ lên án. Trên mạng X, nhà bình luận chính trị tự do Keith Olbermann nhận định ông Trump "vừa hủy bỏ cuộc bầu cử năm 2028". Caty Payette, giám đốc truyền thông của Thượng Nghị sĩ Dân Chủ Mỹ Martin Heinrich, tiểu bang New Mexico, phản ứng: "Khi chúng tôi nói Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ thì đây chính xác là điều chúng tôi đang nói đến".
Cũng trên mạng xã hội X, nhà Hiến pháp học Andrew Seidel, khẳng định: "Ông Trump muốn kết liễu nền dân chủ của chúng ta và thay vào đó là một dân tộc của những người theo đạo Thiên Chúa". Cố vấn pháp lý của kênh truyền thông NBC Hoa Kỳ, bà Katie Phang cảnh báo: "Đây là một cách để nói rằng Trump sẽ không rời Tòa Bạch Ốc nếu ông ta đắc cử".
Trên trang mạng The Atlantic, nhà chính trị học Brian Klass, University College Luân Đôn, nhận định: "Hiếm khi nào, nếu không muốn nói là chưa từng có ứng cử viên tổng thống của một đảng lớn nào (ở Mỹ) lại trực tiếp tuyên bố mục đích của mình là khiến cho các cuộc bầu cử trở nên vô nghĩa, một dấu hiệu rõ ràng của một chế độ độc tài". Chuyên gia Brian Klass lưu ý tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ có thể được hiểu ít nhất theo hai nghĩa: Hoặc ông ta sẽ nắm quyền trọn đời như lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, hoặc ông sẽ gắn các đòi hỏi theo quan điểm của đạo Thiên Chúa với chính sách của nước Mỹ đến mức mà không có cuộc bầu cử nào trong tương lai có thể thực sự đảo ngược được.

Theo báo Anh The Guardian, điều đáng lo ngại là có không ít cử tri Mỹ tin rằng một lãnh đạo "mạnh", không cần lo ngại gì về "Quốc Hội và bầu cử" là tốt cho nước Mỹ. Tỉ lệ này là 41% theo một thăm dò dư luận của Ipsos, công bố tháng 6/2024.
Theo một số nhà quan sát, việc tổng thống Joe Biden đột ngột từ bỏ cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, nhường đường cho phó tổng thống Kamala Harris, dường như đang gây khó khăn cho cuộc vận động tranh cử của Donald Trump. Một cuộc thăm dò do kênh Fox News, thân đảng Cộng Hòa, công bố hôm 26/7, cho thấy cuộc đua giữa Trump và Harris đang trở nên sít sao tại một số tiểu bang "chiến trường", có vai trò quyết định đến kết quả bầu cử tháng 11 tới.


Không có nhận xét nào: