Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

‘Thư Người Chiến Binh,’ Nhạc Tình Mùa Chinh Chiến Của Văn Giảng - Vann Phan


( Nhạc sĩ Văn Giảng. Hình: Tài liệu)
Nhạc phẩm “Thư Người Chiến Binh” của Nguyên Đàm-Nguyên Diệu, tức nhạc sĩ Văn Giảng, nói đến tình bạn chân thật và trong sáng của hai người lính chiến trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở cùng đơn vị lúc thụ huấn tại quân trường, và lúc rời ngôi trường mẹ thì lại được phân bổ đi làm nhiệm vụ mỗi người một nơi. Đôi bạn bịn rịn chia tay nhau, kẻ thì ra chốn biên cương đèo heo hút gió, người thì xông vào nơi chiến trường gai lửa với muôn ngàn hiểm nguy, bất trắc đợi chờ.
<!>
“Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương anh đi sa trường/ Tình đôi mươi đời vui với phong sương lãng quên ngày tháng/ Đường lên non chim ca với mây vương nhớ câu tương phùng/ Một ngày mai đời như cánh chim bay đến phương nào đây.”

Còn gì buồn hơn những ngày đôi bạn lòng cùng chung đời lính thương nhau khác chi nhân tình mà phải xa nhau? Từ những miền đất xa lạ trên quê hương Việt Nam mến yêu, hai người đã trở thành đôi bạn thân khi được dịp sống bên nhau tại cùng một đơn vị chốn quân trường.

Sau lúc chia tay để thực sự dấn thân vào nơi sương gió biên thùy, họ chỉ biết vui với nghiệp lính gian lao để quên đi những ngày dài trên quê hương chiến chinh đã bao năm lầm than qua những cuộc hành quân nơi chốn rừng sâu heo hút, với tâm trạng vui được giờ phút nào thì hay giờ phút đó.

Đời lính chiến nay đây, mai đó chẳng khác nào như cánh chim bay, đâu có ai biết được tương lai người lính chiến sẽ về đâu khi núi sông đang mịt mờ khói lửa chiến chinh?

“Nhớ lúc chiến tuyến những đêm nhìn trăng lên trên đồi hoa sim/ Kê chung ba lô nằm kênh giữa rừng già chuyện trò vu vơ/ Tiếc nhớ biết mấy nhớ khi mình chia tay bao giờ gặp đây/ Anh đưa hoa sim cài lên áo bạn mình mỉm cười an lành.”

Lúc đang thụ huấn tại quân trường, đôi bạn đã có dịp chia sẻ những tình cảm tha thiết, dạt dào và đầy thi vị khi cùng nhau nhìn cảnh trăng lên trên đỉnh đồi hoa sim thơ mộng, từng được các ca, nhạc sĩ miền hậu phương không ngớt lời ca ngợi qua các nhạc phẩm mang chủ đề “màu tím hoa sim” lãng mạng một thời.

Cũng có những lúc đôi bạn cùng canh thức bên nhau trong các phiên gác đêm, gối đầu trên những chiếc ba lô đặt bên nhau khi dừng bước giữa hoang vu trong đêm dạ hành, để kể cho nhau nghe những câu chuyện đời vui có, buồn có, dù chỉ toàn là chuyện vu vơ thôi.

Rồi khi hai người bạn thân đành phải chia tay đôi người, đôi ngã để về đơn vị mới, ai cũng cảm thấy luyến tiếc, ai hoài vì câu chuyện lòng vẫn chưa có đoạn kết, trong khi đời lính chiến gian lao đâu có ai dám biết chắc được ngày sau sẽ ra sao. Trong giây phút chạnh lòng, người lính đã cài lên áo bạn mình một cánh hoa sim đầy biểu tượng để đôi bên vẫn nhớ nhau hoài, cùng với nụ cười hiền hòa chất chứa bao luyến thương.

“Giờ chia tay tôi say chốn biên cương anh vui sa trường/ Hẹn mùa Xuân về vui giữa thôn trang cắm hoa đầu súng/ Tình đôi mươi xin đem hiến quê hương mến thương khôn lường/ Ngày gặp nhau ngày vui khắp quê hương ấm no làng thôn.”

Rồi từ giây phút ấy, đôi bạn lòng mỗi người mỗi ngả, kẻ say sưa làm nhiệm vụ chốn biên cương, người lấy những gian lao, nguy hiểm nơi sa trường làm lẽ sống. Đôi bạn hẹn nhau sẽ cùng hội ngộ giữa mùa Xuân họp mặt, khi trên đầu súng của người chiến binh đã thôi không còn chiếc lưỡi lê căm hờn, hờn căm như triều sóng mà thay vào đó là những cành hoa chiến thắng.

Trong phút sum vầy, những chàng trai thế hệ ở lứa tuổi đôi mươi cảm nhận được rằng chỉ có những hy sinh, cống hiến trong đời mình cho quê hương mến yêu mới có khả năng dẫn đến ngày đất nước thanh bình và toàn dân no ấm.


• Duy Khánh-Thư người chiến binh


Có thể nói “Thư Người Chiến Binh” là một trong số các bản “nhạc lính” khá hiếm hoi viết về tình yêu thương, gắn bó giữa người lính với người lính Việt Nam Cộng Hòa trong số hàng trăm bản “nhạc lính” được sáng tác trong thời chiến tại miền Nam Việt Nam. Bởi vì hầu hết các ca khúc loại này dường như chỉ nói về mối tình giữa người trai nơi chiến tuyến và người em gái hậu phương, vốn là một đề tài rất được ưa chuộng, hoặc đề cập tới những gian lao, nguy hiểm của đời lính chốn sa trường và nơi biên ải, nói chung chung mà thôi.

Cùng với nhạc phẩm “Tình Anh Lính Chiến” của Lam Phương, ca khúc “Thư Người Chiến Binh” của Văn Giảng được coi như hai bản “nhạc lính” đặc sắc của dòng nhạc tình mùa chinh chiến tại miền Nam Việt Nam, chuyên chở tâm sự và tình cảm riêng tư giữa hai người lính trẻ với nhau. Và tình cảm này rõ ràng là đã vượt lên trên cả “tình chiền hữu” và “tình đồng đội” trong khuôn khổ ý niệm “huynh đệ chi binh” vốn là phương châm của người chiến sĩ Cộng Hòa.

Nhưng “huynh đệ chi binh” chỉ là nguyên tắc đối xử với nhau bằng tình cảm giữa quân nhân các cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh kỹ luật khắt khe của đời quân ngũ: “Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính thương nhau khác chi nhân tình/ Từ người đơ-dem cùi bắp và rồi đi lên thượng cấp đều là huynh đệ chi binh/ Chiến đấu có nhau là huynh đệ chi binh/ Sướng khó có nhau là huynh đệ chi binh/ Sống chết có nhau là huynh đệ chi binh”… (“Huynh Đệ Chi Binh” – Anh Bằng).

Chính vì cái “tình chiến hữu” giữa hai người lính nơi chiến trường mà Thiếu Tá Mỹ John Duffy, Cố Vấn Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, đã tự nguyện làm người cuối cùng bước lên chiếc trực thăng di tản khỏi Đồi Charlie (ở phía Tây Bắc Kon Tum), để nhường chỗ cho các chiến hữu Việt Nam lên trước.

Chính vì “tình đồng đội” mà, cực chẳng đã, các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới bỏ lại đồng đội bị thương nặng nơi trận địa, và họ cũng thường khi còn cố mang xác đồng đội đã tử trận ra khỏi vùng giao tranh để hy vọng sau này thân nhân có thể lấy được xác mà đem về mai táng.

Cũng vì “tình đồng đội” cao cả đó mà các chiến sĩ Thiết Giáp thuộc Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh đã cố gắng hết sức mang xác cấp chỉ huy thân thương của họ, Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích, tức “Bắc Đẩu,” đã tử thương vì đạn pháo của Cộng Quân trên chiến trường Quảng Trị ngày 27 Tháng Tư, 1972, về cho gia đình an táng. Đáng nói là chiếc xe chở thi hài “Bắc Đẩu,” trên đường di chuyển, đã bị trúng đạn pháo của địch thêm hai lần nữa, khiến người anh hùng Thiết Giáp coi như bị chết trận tới ba lần trước khi được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng.


• Ai Về Sông Tương (Văn Giảng) - Tuấn Ngọc


Văn Giảng là một trong các bút danh của nhạc sĩ Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924, tại làng Bác Vọng Ðông, Thừa Thiên. Các bút danh khác của ông là Thông Đạt, Nguyên Đàm & Tiến Tài, Anh Phương & Nguyên Diệu, và một bút danh khác nữa là Nguyên Thông dành cho các nhạc phẩm về Phật Giáo.

Văn Giảng xuất thân từ một gia đình trung lưu có truyền thống âm nhạc tại Huế nhờ ông nội của ông là một nhạc sĩ cổ nhạc. Lúc mới 18 tuổi, sinh hoạt đầu tiên của Văn Giảng là tham gia hòa nhạc với các bạn Nguyễn Văn Thương và Lê Quang Nhạc. Sau khi vào Sài Gòn lập nghiệp, chàng thanh niên này đi học và lấy được bằng tú tài, rồi cử nhân. Văn Giảng còn sang tu nghiệp về âm nhạc tại Hawaii, Hoa Kỳ, và khi về nước được đề cử làm Giám Đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế (1963).


• Hoa Cài Mái Tóc - Quang Lê


Một năm sau trận Tết Mậu Thân 1968, Văn Giảng quay trở lại Sài Gòn và dạy nhạc tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, tham gia các sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hòa âm cho các hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc… Văn Giảng còn được Bộ Văn Hóa Giáo Dục đề cử làm Trưởng Phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật.

Năm 1970, ông được tưởng thưởng huy chương vàng Giải Văn Học Nghệ Thuật Quốc Gia của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa với tác phẩm “Ngũ Tấu Khúc (Quintet for Flute and Strings).” Sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, Văn Giảng kẹt lại tại Việt Nam mãi cho đến năm 1981 mới vượt biên đến Galang ở Indonesia. Một năm sau, ông được cho định cư tại Úc.

Văn Giảng tiếp tục con đường phục vụ âm nhạc, xuất bản nhiều sách dạy nhạc viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Nhạc sĩ Văn Giảng mất ngày 9 Tháng Năm, 2013, ở thành phố Footscray, tiểu bang Victoria ở Úc, thọ 89 tuổi.

Các tác phẩm tiêu biểu của Văn Giảng, dưới các bút danh khác nhau, bao gồm “Lục Quân Việt Nam,” “Nhạc Bình Minh,” “Nhảy Lửa,” “Quân Hành Ca,” “Thương Tà Áo Bay,” “Ai Về Sông Tương,” “Hoa Cài Mái Tóc,” “Tình Em Biển Rộng Sông Dài,” “Hoa Cài Áo Lam,” “Mừng Ngày Đản Sinh,” “Từ Đàm Quê Hương Tôi,” “Thư Người Chiến Binh” (Nguyên Đàm-Nguyên Diệu, 1967)..

Vann Phan/Người Việt

Không có nhận xét nào: