Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NỮ NGUYỄN THỊ THỤY VŨ - HOÀI NGUYỄN



Cùng thời và cùng nổi tiếng như hai nhà văn nữ Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng, có một nhà văn nữ hiện nay vẫn còn sống ở Việt Nam và cuộc đời gặp những chuyện không may mắn, đó là nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Băng Lĩnh, sinh năm 1937, quê ở Vĩnh Long. Bà dạy tiểu học 5 năm trước khi lên Sài Gòn vào năm 1961. Năm 1963, trên tạp chí Bách Khoa, xuất bản tại Sài Gòn, bắt đầu xuất hiện một số truyện ngắn của một cây bút nữ lạ không chỉ mang ý nghĩa một tên tuổi mới, mà còn “lạ” ở cả phương diện nội dung nữa. Đó là những truyện ngắn ký tên Nguyễn Thị Thụy Vũ.
<!>
Đối với các nhà văn, thơ nữ thời ấy thì Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất hiện trên văn đàn miền Nam muộn hơn khi Nhã Ca (Trần Thị Thu vân) đã có một chỗ đứng khá vững vàng cả về thơ lẫn truyện; khi Nguyễn Thị Túy Hồng đã định hình lấy cho mình bằng một lối văn chanh ớt, rất địa phương miền đất Huế, khi Trùng Dương (Nguyễn Thị Thái) chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần, được nhìn xem như nữ văn sĩ tiên phong theo phong trào văn chương hiện sinh; và, khi Nguyễn Thị Hoàng quá “nổi tiếng” với tác phẩm "Vòng Tay Học Trò," như một táo tợn bất ngờ hiếm thấy của giới văn chương Việt Nam ở thời kỳ còn quá nhiều rào cản.

Tuy xuất hiện có phần muộn màng so với những cây bút nữ vừa kể, nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng đã lấy cho mình một tư thế, một bản lĩnh rất riêng biệt khác với những nhà văn nữ đương thời.

Nguyễn Thị Thụy Vũ hiện ra với một hình ảnh trần trụi khác, đời sống của một tầng lớp khá đặc biệt trong xã hội miền Nam thời đó – đời sống của gái bán bar – nơi đó không có những chất vấn siêu hình, những suy tư thời cuộc, thân phận… như đã từng bắt gặp đâu đó trong những truyện ngắn, dài của các tác giả nữ cùng thời…mà chỉ là một trần trụi của đời sống và một cách thể hiện lối sống riêng tây của một “tầng lớp” như thế, nhưng rốt ráo, họ vẫn là những con người, niềm riêng đầy đau đớn, sần sùi lại bị quăng quật vào một phông nền phi lý của chiến tranh – mặc dù trong nhiều truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà chỉ như viết ra những diễn biến thấy ngay trước mắt – nhưng gieo vào lòng người đọc những suy nghĩ về những cái thỏa hiệp phải có với đời sống, cái nồng tanh của đời sống thay vì chỉ là những phong hoa tuyết nguyệt, những vuốt ve mơn man… Cách viết ấy, nếu có thể tượng hình, có thể đó là cái đau điếng quật xuống của làn roi, phô bày hết những nhức nhối.

Lên Sài Gòn, bà vừa đi học Anh văn, vừa đi dạy Anh văn cho các cô gái bán "snack bar" hay các cô gái điếm cho lính Mỹ. Bà đoạt giải nhì Bộ Môn Văn – Giải Văn học Nghệ Thuật Toàn quốc năm 1970 trong đó đoạt giải nhất là nhà văn Túy Hồng. Song song với việc sáng tác, bà còn lập nhà xuất bản Hồng Đức và Kẻ Sĩ với nhà thơ Tô Thùy Yên và sau này là "vợ thứ" của nhà thơ này.

Nguyễn Thị Thụy Vũ chung sống với nhà thơ Tô Thùy Yên, phục vụ ở phòng Văn Nghệ, cục Tâm Lý Chiến của Quân đội VNCH. Sau 1975, Tô Thùy Yên bị bị tù gần 13 năm. Năm 1993 cùng gia đình với người vợ trước sang Mỹ theo diện HO… Sau 1975, cũng như các văn nghệ sĩ miền Nam khác, Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng phải tham gia “cải tạo” tư tưởng một thời gian và bị chính quyền mới cấm viết lách hoàn toàn.
Thời thế đổi thay, Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng như hầu hết vợ sĩ quan chế độ cũ lâm vào cảnh khốn cùng, bươn chải ngược xuôi để nuôi đàn con dại, trong đó có đứa con gái mới hai tuổi, bại liệt đôi chân, nằm liệt trên giường sống đời sống “thực vật”. Bà phải mang người con tật nguyện về sinh sống tại Lộc Ninh - Bình Phước, sống bằng nghề nương rẫy và không còn cầm bút nữa …
Nguyễn Thị Thụy Vũ mô tả suy nghĩ, cũng như cảm giác thân xác một cách chân thật; nhưng là sự chân thật mất mát, tưởng như nắm trong tay, rồi vuột mất trong thảng thốt. Đọc Nguyễn Thị Thụy Vũ cần phải đọc “phần chìm” tác phẩm, chính nơi đó mới làm nên sự khác biệt giữa Nguyễn Thị Thụy Vũ và những nhà văn nữ khác .
Ngoài truyện dài, Nguyễn Thị Thụy Vũ còn viết khá nhiều truyện ngắn và hầu như những tác phẩm của bà đều lấy chất liệu thực tế mà bà chứng kiến.
Từ cô giáo tỉnh lẻ, trình độ học vấn chưa hết Trung học đệ nhất cấp, yêu văn chương chữ nghĩa, khởi đi từ những trang nhật ký, trong vòng mười năm (1965-1975), Nguyễn Thị Thụy Vũ đã đi vào Văn học Miền Nam Việt Nam với nhiều tác phẩm:
Tập truyện: Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông
Truyện dài: Thú Hoang, Ngọn Pháo Bông, Khung Rêu, Như Thiên Đường Lạnh, Chiều Xuống Êm Đềm, Nhan Tàn Thắp Khuya, Cho Trận Gió Kinh Thiên...
Tập truyện Mèo Đêm gồm bảy truyện ngắn: Mãnh, Đợi Chuyến Đi Xa, Một Buổi Chiều, Mèo Đêm, Nắng Chiều, Bóng Mát Trên Đường, Miền Ngoại Ô Tỉnh Lẻ.
Tập truyện Lao Vào Lửa gồm ba truyện ngắn: Chiếc Giường, Đêm Nổi Lửa, Lao Vào Lửa.
Tập truyện Chiều Mênh Mông gồm sáu truyện ngắn: Trôi Sông, Đêm Tối Bao La, Tiếng Hát, Lìa Sông, Chiều Mênh Mông, Cây Độc Không Trái…
Có thể nói nhà văn nữ “vang bóng một thời” Nguyễn Thị Thụy Vũ như ánh sao vụt sáng rồi cũng tắt đi trên bầu trời đêm tối và ngày nay cam chịu cuộc sống thủ thường nơi một miền quê với số phận đầy oan nghiệt…

Mới đây, năm 2017, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã được Công ty Sách Phương Nam mua tác quyền: Lao vào lửa, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Mèo đêm, Chiều mênh mông, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên là cơ hội cho lớp độc giả thuộc thế hệ sau này có thể đọc các tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ, góp phần nuôi dưỡng tuổi già của bà...
Xin giới thiệu với các bạn nhà văn nữ đầy thương cảm này và một số tác phẩm của bà như để hoài niệm về một ngày xưa đã dần xa …

Hoài Nguyễn

Không có nhận xét nào: