Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Nhật Ký: ĐOẠN ĐỜI QUÂN NGŨ - Bác sĩ HOÀNG THẾ ĐỊNH


Năm 1970, một hôm vừa ở bệnh viện về nhà, tôi chợt thấy trên bàn một bì thư, nơi gởi là Cục Quân Y Bộ Quốc Phòng; bên trong bì là giấy gọi tôi trưng tập vào Quân Y Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa. So với các binh chủng tác chiến thì Quân Y được coi như là "lính kiểng". Là một trong những đơn vị yểm trợ, Quân Y phải theo chân các binh chủng tác chiến và không ít người hy sinh trên chiến trường. Riêng khóa trưng tập QY 1970, gọi "lính kiểng" cũng không ngoa: mới vào Quân Trường Thủ Đức mà trên ve áo chúng tôi đã mang quân hàm trung úy, làm các sinh viên sĩ quan cùng trường phải chào chúng tôi mỗi lần đi ngang. 
<!>
Cùng năm đó, hai người em của tôi, một là em ruột, một là con ông chú, đều là giáo sư cũng được gọi thi hành nghĩa vụ và cùng ở Quân Trường Thủ Đức, báo hại hai chú ấy, mỗi lần đến thăm tôi đều phải đứng nghiêm, chào kính rồi xưng tên họ, cấp bậc... Các khóa sinh viên sĩ quan thì phải qua đến 9 tháng học quân sự, với mọi bài học quân sự và thực tập gắt gao mới được trở thành một sĩ quan. 

Khóa Y-Sĩ Trưng Tập chúng tôi chỉ kéo dài 9 tuần lễ. Với thời gian ngắn ngũi ấy, các lớp học chỉ là căn bản, chúng tôi cũng đi học ở các bãi tập, cũng bò dưới hỏa lực, ném lựu đạn, tháo ráp súng Carbine và M16 và tập bắn, đáng nhớ đời có lẽ là ai trong chúng tôi cũng nhớ lúc bắn thử M60 từng loạt và từng viên một...Cuối khóa, chúng tôi cũng có thi ra trường trên lý thuyết và bắn thi hai loại súng cá nhân kể trên. Ra trường chúng tôi được phát bằng tốt nghiệp với thứ hạng đàng hoàng. 

Rời Quân Trường Thủ Đức là đến học về Hành Chánh Quân Y tại Trường Quân Y ở Sàigòn. Sau 5 tuần, mọi học viên được triệu tập trong một phòng để chọn đơn vị tùy theo thứ tự tốt nghiệp từ Quân Trường Thủ Đức và Hành Chánh Quân Y. Dù tôi đã tốt nghiệp hạng 5 cho 2 trường lớp kể trên, khi được gọi lên bảng đã viết sẳn những đơn vị thuộc mọi binh chủng, tôi đã chọn Sư Đoàn 1 Bộ Binh để được gần vợ con, dù biết rằng Sư Đoàn 1 đang trấn giữ hai tỉnh địa đầu giới tuyến là Quãng Trị và Thừa Thiên mà chiến cuộc đang sôi sục giữa quân ta với Cộng quân. Tôi cầm giấy tờ về Tiểu Đoàn 1 Quân Y thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, trình diện xong là nhận Sự Vụ Lệnh ra tỉnh Quãng Trị với chức vụ Đại Đội Phó Đại Đội 11 Quân Y thuộc Trung Đoàn 1 Bộ Binh và được đưa ngay ra hậu cứ Trung Đoàn đóng tại làng La Vang. 

Chân ướt chân ráo thực sự bước vào Quân Đội, thấy mọi thứ đều xa lạ. Vừa gặp Đại Đội Trưởng ĐĐ11 QY (đã quá vãng) là bạn cùng trường Y Khoa Huế, tôi thấy yên tâm phần nào. Tuần đầu, tôi làm quen với trạm xá của Đại Đội cùng tất cả y tá, dược tá...và được đưa đi giới thiệu với các sĩ quan các phòng, ban thuộc hậu cứ Trung Đoàn. Khi nhìn sơ đồ tổ chức Trung Đoàn, tôi mới nhận ra anh bạn học cùng 2 lớp Đệ Tam và Đệ Nhị trường Quốc Học, anh Võ Toàn. Anh Toàn bây giờ đang là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 thuộc Trung Đoàn 1. Khi tôi ngõ lời với một vị sĩ quan ban 4 có gia đình ở gần nhà chúng tôi trongThành Nội, anh ta đã bắt máy gọi để cho tôi nói chuyện với Thiếu Tá Toàn; khổ nổi tôi chưa quen với lối xưng hô trong quân ngũ, cứ mãi xưng hô mày tao với cấp chỉ huy làm mọi người trong phòng quây mặt đi để dấu cười. 

Sau 2 tuần học việc tại hậu cứ, tôi được đưa đến căn cứ Nancy là tiền doanh của Trung Đoàn 1 Bộ Binh, tôi đã quen biết cách chào kính khi đứng trước Trung Tá Nguyễn Văn Điềm, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 Bộ Binh. Cũng như tất cả các sĩ quan khác, mỗi buổi sáng tôi đều đến họp tại trung tâm hành quân trong một hầm kiên cố và đầy tiện nghi máy móc liên lạc bằng vô tuyến và hữu tuyến cũng như bản đồ hành quân với những cao điểm, căn cứ...tôi chỉ biết ngồi im lặng nghe thuyết trình. Ở đây được 3 ngày,Trung Tá Điềm gọi tôi và nói:

-Tôi được tường trình là thời gian ngắn vừa qua tại trạm xá, bác sĩ đã cứu sống một binh sĩ xem như đã tắt thở. Vậy bác sĩ cứ về lại hậu cứ lo chữa bệnh cho anh em. Tôi nhờ trời ít khi đau ốm, cảm cúm lắc nhắc thì đã có mấy y tá ở đây. Khi nào cần tôi sẽ gọi bác sĩ.

Thế là tôi lại sửa soạn quân trang trở về lại hậu cứ La Vang, hằng ngày chỉ lo việc trạm xá Trung Đoàn. Hơn tháng sau, tôi lại nhận được lệnh Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1 QY gọi trở về Mang Cá, hậu cứ Sư Đoàn. Về sau, tôi nghe một vị sĩ quan hành chánh Tiểu Đoàn cho biết là vị Đại Đội Trưởng ĐĐ11 QY đã gởi tôi lại Tiểu Đoàn QY với lý do hậu cứ không cần phải 2 bác sĩ.

Tại Tiểu Đoàn 1 QY, tôi được giao làm y-sĩ điều trị trạm xá Sư Đoàn. Thời gian nầy tôi được làm quen với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Nguyên trước, anh rễ tôi là sĩ quan huấn luyện nhảy dù trong Lực Lượng Đặc Biệt và Tướng Phú cũng đã qua chương trình huấn luyện đó. Ở Sàigòn,vợ của Tướng Phú là bạn chơi cờ Mạc Chược với chị ruột tôi, vì vậy hai gia đình quen thân. Nhiều đêm, sau giờ làm việc và để giãm bớt căng thẳng,Tướng Phú thường tiêu khiển bằng môn cờ Mạc Chược, ông gọi điện thoại mời tôi sang dinh Tư Lệnh chơi cờ khi biết tôi không phải trực hành chánh hoặc chuyên môn tại Tiểu Đoàn QY. 

Tướng Phú mới tập chơi cờ và lại ông chỉ thích đạt những ván cờ lớn, nên ít khi được thắng . Bà Phú thì mỗi khi chồng bận điện thoại là ngồi vào thế chỗ, bà có lối đánh quân cờ bằng tay trái rất điệu nghệ và đẹp mắt. Có khi vợ chồng ông Tướng đùa nghịch dành nhau để được đánh cờ, làm hai vị sĩ quan Sư Đoàn và tôi được dịp cười vui.

Vài tháng sau, do tình hình chiến sự đòi hỏi, sau khi họp bàn với các vị tư lệnh Quân Đoàn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh mở đầu Hành Quân Lam Sơn 719 hầu ngăn bước Cộng quân xâm nhập Miền Nam Việt Nam theo đường Hạ Lào. Hành Quân 719 được phối hợp do nhiều binh chủng thiện chiến như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thiết Giáp và Sư Đoàn 1 BB. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 QY cử một bác sĩ hiện dịch vừa ra trình diện dẫn theo một Trung Đội Quân Y theo Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Hành Quân đóng lại Khe Sanh. Một tuần sau, Tiểu Đoàn Trưởng Quân Y gọi tôi và cấp sự vụ lệnh để tôi lên thay vị bác sĩ đang theo Sư Đoàn. Lần đầu tiên hành quân, tôi bỡ ngỡ không biết phải làm gì trước. Buổi sáng đầu tiên ở đây, tôi theo chân các sĩ quan trưởng các phòng, ban, cùng các Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn yểm trợ đến họp ở Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn. Buổi họp được Thiếu Tướng Phạm Văn Phú chủ tọa, sĩ quan Phòng Hành Quân và các ban lần lược thuyết trình. Sau buổi họp, vị Đại Tá Tư Lệnh Phó, Đại Tá Chung gọi tôi ngồi lại, ông nói:
-Bác sĩ mới lên thay ông bác sĩ kia à?
-Thưa Đại Tá vâng.
-Bác sĩ có biết vì sao tôi gởi trả ông ta về lại Tiểu Đoàn Quân Y không? Ấy là vì ông ta từ chối chở binh sĩ tử thương trên xe Hồng Thập Tự Thế bác sĩ nghĩ sao?
-Thưa Đại Tá, trong Hành Chánh Quân Y thì quả là như vậy, nhưng tôi nghĩ là trong hành quân, chúng ta phải linh động.

Ông Đại Tá Tư Lệnh Phó đứng dậy vỗ vào vai tôi:
-Tôi tin tưởng ở bác sĩ! Bác sĩ cần gì cho công tác của mình không?
-Thưa Đại Tá, theo tình hình chiến sự, tôi thấy cần có một phòng giải phẫu an toàn cho thương binh và binh sĩ Quân Y.
-Được rồi! Công Binh sẽ giúp bác sĩ.

Ra khỏi phòng hành quân, lững thửng về lại lều vải. Trời Khe Sanh lâm râm mưa, đất đỏ dẽo quẹo dính chặt đôi giày lính của tôi xuống đất.

Sáng hôm sau, khi ở Trung Tâm Hành Quân về, tôi đã thấy toán Công Binh đang ủi đất khu dành cho Quân Y chúng tôi. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Công Binh, một người em con dì ruột tôi vừa lái xe trờ tới, anh đến bắt tay tôi và nói:
-Anh à, nằm trong lều vải không ổn rồi, tụi nó pháo kích đều đều, nguy hiểm lắm, anh và toán Quân Y nên ở dưới hầm. Thế anh cần hầm nổi hay chìm?
-Tôi cần hai hầm chìm và càng rộng càng tốt, vì tôi sẽ phải thiết kế một phòng giải phẩu cùng thuốc men và toán Quân Y trong môt hầm, còn hầm kia cho thương bệnh binh. Có được không chú?
-Được mà, anh đừng ngại.

HTĐ

Không có nhận xét nào: