Không biết các bạn có dịp nào được nghe qua hay tham gia những bài hát cộng đồng,những bài hát xuất hiện mạnh nhất vào năm mậu thân 1968 ở ngay Saigon khi bắc quân vi phạm ngưng bắn vào ngày tết, tổ chức các cuộc tấn công đốt phá xóm làng, cho đến bây giờ vẫn còn dư âm những ngày đó khi nghe lại câu « Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn / Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang »
<!>
Lời của bài hát « Việt Nam quê hương ngạo nghễ » cũng đi theo hắn trong những buổi lửa trại, mỗi khi kết thúc một công tác xã hội cứu giúp đồng bào chiến nạn sau Tết Mậu Thân 1968 mà hắn được chứng kiến những khói lửa, đau thương, tàn phá của con người cộng sản trong những ngày Tết, họ pháo kích bừa bãi vào những chỗ đông dân thường, những đốt phá của đàn con Hồ chí Minh, tổ chức cuộc tổng công kích bất chấp lịnh ngưng bắn của hai bên và cùng lúc hắn cũng được chứng kiến những chiến đấu anh dũng, hiên ngang của các chiến sĩ Biệt động quân hay Thủy quân lục chiến trong những chiến đấu trong thành phố.
Khi Việt cộng tháo chạy, bọn chúng đã đốt phá tan hoang nhà cửa của đồng bào và sau đó chúng ta phải xây dựng lại.
Hắn có lúc theo chân một đoàn công tác xã hội đi dựng nhà cho nạn nhân chiến cuộc của Tết Mậu Thân, lúc khác lại theo đoàn thanh niên chí nguyện Hồng thập Tự đi quyên góp những quần áo, vật dụng, lương thực của những người may mắn không bị ảnh hưởng chiến cuộc để cứu trợ cho những người gặp cảnh khó khăn, đúng là lá lành đùm lá rách, hắn bị lôi cuốn vào những công tác này và thường sau khi chấm dứt đều có tổ chức một đêm không ngủ quanh ánh lửa trại và cũng không thiếu những bài hát cộng đồng… »một người đi một bước, ngàn người cùng đi một bước, đi làm đuốc soi quê hương đập tan tăm tối… ».
Sau tết Mậu thân bạn bè của hắn nhiều người tình nguyện gia nhập quân đội để gìn giữ quê hương, bắt đầu từ khóa 2/68 hắn tiễn chân bạn bè gia nhập quân đội, lớp tình nguyện vào trường võ bị, lớp vào hải quân, không quân kéo dài đến hết năm.
Gần một năm, hắn theo chân các đoàn công tác xã hội, bỏ thời gian nhiều nhất là lúc dựng nhà cho đồng bào chiến nạn tại khu đất gần ngã bảy, khu đất dành cho bộ giáo dục để xây trường kỹ thuật Nguyễn trường Tộ. Khu này được gọi là trại tạm cư Pétrus Ký.
Khi khác lại đi dựng lại các trường học bị đổ nát ở những khu ngoại thành như ở ấp Tân Phú.
Để hợp thức hóa tình trạng hoãn dịch, hắn thi vào trường Sư phạm, và học thêm thứ khác . Giấy hoãn dịch của trường sư phạm « thơm » lắm, bảo đảm trong thời gian học và cả khi ra trường vẫn có hiệu lực với lý do công vụ, tha hồ học thêm nơi các phân khoa; ngoài những ngày đi học hắn tham gia những sinh hoạt khác, những công tác này hắn thích thú và say mê hơn là cầm phấn trước bảng đen.
Nhiệm sở của hắn khi ra trường là làm hiệu trưởng một trường tỉnh hạt ở Phước Bình, Phước Long, ngôi trường bị pháo kích sập, chờ xây dựng lại và trong thời gian này hắn được đưa đi dự khóa hội thảo các hiệu trưởng toàn quốc tổ chức tại trung tâm Chí Linh, nơi đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn.
Gọi là « hội thảo giáo dục » nhưng thực tế là « cải tổ hành chánh », thảo luận chủ trương « cộng sản lấy nông thôn bao vây thành thị thì ta lấy nông thôn giải vây thành thị »; tổng thống Nguyễn văn Thiệu có lên thuyết trình 1 buổi, thủ tướng Trần thiện Khiêm cũng nói về « tự túc tự cường/ một đàn gà, một liếp rau ». Lần khác đại tá Nguyễn Bé chỉ huy trưởng trung tâm thuyết trình về xây dựng nông thôn, về triết lý chung thủy của « con dã tràng » là huy hiệu cán bộ áo đen đeo trên áo…chỉ có 2 buổi dành cho cải tổ giáo dục do ông Nguyễn long Châu thuyết trình và tối nào cũng sinh hoạt cộng đồng, những bài hát cộng đồng được đoàn văn công Chí Linh hướng dẫn và trình diễn, cũng có 1 buổi đốt lửa trại tại vũ đình trường Vũ duy Nhất(là tên một khóa sinh XDNT chết vì bị dầu phựt cháy trong lúc châm ngọn lửa trại ).
Thời gian ở đây là 20 ngày gồm 500 hiệu trưởng trên toàn quốc về tham dự, hắn đi khóa 1, hình như tổng cộng có 3 khóa và hắn là hội thảo viên nhỏ tuổi nhất khóa, mới 21 cái xuân còn vị lớn tuổi nhất 57 tuổi. Đi dự khóa này hắn lên ruột khi chiếc C123 đưa các hội thảo viên từ Tân sơn Nhứt ra Vũng Tàu, hắn cũng ham vui theo các đàn anh từ 4 vùng chiến thuật được đưa đến đây. Thời gian bay đâu chỉ 20 phút, hắn ngồi bên khung cửa sổ nhìn thấy biển xah rì nhưng sao thấy máy bay cứ vòng vòng ngoài biển gần 2 tiếng mà không xuống phi đạo, các cơ phi ra yêu cầu mọi người thắt lưng chặt lại và lúc đó được thông báo là « không thò được bánh ra khỏi bụng phi cơ và phi công chuẩn bị đáp xuống bằng bụng, nhìn qua bên cạnh một đàn anh đến từ Huế, một hiệu trưởng tuổi đời hơn năm mươi, hắn vừa bố láo đùa gọi ông là bố vợ, thấy mặt mũi ông xám xanh, hắn lại buông một câu thật vô duyên « máy bay bị lật chắc ngộ lắm ». Ông liếc xéo hắn thiếu điều muốn cho hắn một đấm và lầm bầm chửi « vô duyên tệ » ! xong ông lần chuỗi mân côi đọc kinh…Cuối cùng chỉ nghe tiếng bụng máy bay lẹt xẹt chạm đất. Khi xuống thì thấy hai hàng xe chữa lửa, cứu thương đậu nghẹt hai bên đường, phi đạo được trải một lớp bột tránh phát hỏa…
Ở đây những hội thảo viên gọi nhau là đồng chí, giấy tờ ghi hắn là đồng chí Nguyễn hữu Phát, ủy viên giáo dục quận Phước Bình, cũng lập tổ tam tam chế để thảo luận, cũng « lên lớp » nghe giảng chính trị rồi thảo luận như mổ bò, đúc kết biên bản… mỗi bữa ăn, không có quán ăn mà tất cả phải vào nhà ăn của trung tâm và trước bữa ăn, tất cả phải đọc kinh nhật tụng cám ơn những người nông dân đã tạo ra hạt gạo… »bữa cơm chúng ta ăn là do mồ hôi của nông dân mới có… » dài cũng đến 5 phút. Ở đây cũng biết những danh từ mới ở trung tâm Chí Linh như « tổ văn công » » ban đả tự » mà không dùng chữ ban đánh máy cho dễ hiểu, theo đúng sinh hoạt của Việt cộng « VC lấy nông thôn bao vây thành thị, ta lấy nông thôn giải vây thành thị », cũng đưa đi « tham quan » đồi Nga Mi, điện Dã Tràng, toà tiểu bạch ốc, thăm 99 ngọn Hồng Lĩnh, đến các tổng đoàn XDNT xem sinh hoạt của cán bộ áo đen, dự buổi lễ mãn khóa của một khóa XDNT được tổ chức ban đêm, tắt đèn tối như mực chỉ trừ ánh lửa bập bùng của những ngọn đuốc trên lư hương tổ quốc, gọi là « Đêm Suy Tư », các khóa sinh ngồi xếp hàng nơi vũ đình trường Vũ duy Nhất , đầu cúi xuống đất để suy tư về trách nhiệm của người cán bộ áo đen và kết thúc bằng chương trình văn nghệ do đoàn văn công của trung tâm trình diễn.
Cả năm 1970 hắn chỉ linh tinh lang tang hết chương trình này qua chương trình khác. À! lại còn chiến dịch làm giấy khai sinh cho các học sinh chưa có giấy khai sinh, phần đông là những trẻ này có « cha vô danh », lấy họ mẹ, chuyện này ai cũng hiểu được là cha của chúng đang ở trong « bưng » thỉnh thoảng đêm tối lén về và có thằng bé chào đời…một thời gian sau, hắn từ bỏ giấy hoãn dịch đợt mới, mà tình nguyện đi thụ huấn quân sự mặc dầu giấy hoãn dịch của hắn còn giá trị đến 10 tháng nữa và còn dài dài nếu tiếp tục làm thầy; trả giấy hoãn dịch xong thì chỉ 10 ngày sau hắn nhận được lịnh trình diện nhập ngũ khóa 4/71, hắn đã đi sau bạn bè đồng trang lứa đến 3 năm.
Đúng ra khi hắn trình diện nhập ngũ, hắn phải gởi liền số quân, KBC về sở giáo dục để nơi đây có dữ kiện xin biệt phái sau 9 tuần thụ huấn giai đoạn 1 ở Quang Trung, thường thì biệt phái sau giai đoạn này và chứng chỉ tại ngũ ghi cấp bậc là « khóa sinh dự bị sĩ quan » và đơn vị là trung tâm 3 quản trị trung ương/thặng số biệt phái. Hắn không thích thứ quan không ra quan lính chẳng là lính này, vì thế cũng chẳng ngại ngần học thêm 6 tháng nơi Thủ Đức, bạn bè hắn làm được, hắn cũng phải làm được, nên hắn cù cưa sau hơn ba tuần mới gởi,trong khi nhiều người lo xa, sợ thơ thất lạc họ gởi điện tín hay thơ bảo đảm về cơ quan, vì thế khi đến tuần lẽ thứ 5 là tuần xét duyệt biệt phái của liên bộ, đơn xin biệt phái sau 9 tuần của hắn chưa đến.
Kết quả các thầy giáo khác, nhân viên các bộ, công chức của các cơ quan, ở chung đại đội với hắn sau 9 tuần được trở về tiếp tục công việc trong đó có nhóm kiểm soát viên hàng không ; trong số gần 30 kiểm soát viên này có nhạc sĩ Ngô thụy Miên tên thật là Ngô quang Bình và một khóa sinh khác là Ngô thanh Hải, ông cũng là thượng nghị sĩ Canada . Những người này cùng chung đại đội 45 E ở Quang Trung với hắn.
Mọi người lãnh giấy biệt phái vui vẻ về trung tâm quản trị trung ương, hắn lấy phép ít ngày rồi chuẩn bị lên đồi Tăng nhơn Phú .
Mang tiếng lãnh lương của bộ giáo dục hơn 4 năm, kể cả lúc vừa bước chân vào quân đội cũng lãnh lương sai biệt, phần sai biệt này bộ giáo dục thanh toán, hắn chưa có một ngày chính thức cầm phấn quay lưng lại bảng, toàn làm những công tác linh tinh ngoài giảng dạy và nơi cuối cùng hắn đến và chấm dứt công việc sau ngày mất nước là « Nha sinh hoạt học đường ». Nha này ngoài cung cấp phương tiện ủng hộ các chương trình sinh hoạt cho học sinh như thể dục, thể thao, yểm trợ chương trình thiếu niên tăng gia sản xuất, mỗi ty giáo dục còn được cấp một máy cày và được cấp đất canh tác theo dự án hậu chiến, ngoài ra nha còn có nhiệm vụ huấn luyện quân sự học đường cho sinh viên đại học và cao đẳng. Chính vì những công tác này mà khi lấn chiếm được miền nam, « nha sinh hoạt học đường » bị xếp loại là nha chính trị, kềm kẹp học sinh. Khi hắn ở tù về, có đến sở giáo dục xin làm việc lại để được cấp hộ khẩu thì phòng tổ chức bảo với hắn là đã giải tán nha này vì là nha phản động mà chính hắn còn thuộc loại rằn ri.
Hắn có giữ lá số tử vi của ông nội hắn chấm lúc hắn về hồi cư ở Khoái Châu Hưng Yên, là số của hắn linh tinh lang tang lắm, cung di tốt, tha hồ đi đó đi đây mà cung bằng hữu cũng ngon lành, nghĩa là ở đâu cũng có thêm bạn, lại còn dính dáng chuyện « hoa thơm đánh cả cụm » nghĩa là vớ được cô chị lại còn được « khuyến mãi » thêm cô em . Cụ chắc chấm lộn phần sau rồi vì hắn có « gène » của bố hắn là « cơm nhà quà vợ » lại nữa vợ hắn là con gái độc nhất…chắc là bị « triệt » ở chỗ này, cũng được an ủi được một quẻ đúng là hắn bạn bè nhiều, hở ra là không thấy ở nhà mà tụm năm tụm ba hết bàn billard lại ở quán café, mà nghe nói cung bằng hữu sau năm Ất Mão có thay đổi. Thế mà đúng ! hắn vào tù, bạn bè tứ tán, nhưng theo số, chỉ thay đổi thôi vì thế vào đó là bạn tù, những bạn tù này gọi hắn là Ara Phát… và lại thêm nhóm bằng hữu An Lộc rồi nay còn thêm nhóm bạn « hổ nhớ rừng » nữa, cho hắn tha hồ bẻm mép.
Thú vị với cái tên của những ngày tháng trong tù, hắn mới lấy cho mình một nick name là Ara… rồi cuộc sống thăng trầm hắn cũng không còn bạn bè khi được ra tù . Quay qua quay lại chỉ có người bạn đời nghe hắn đía, mà đã không giận hờn thì chớ, lại khen hắn xạo đía có duyên ; thế mới chết !!!
Ngày mãn khóa 4/71 Thủ Đức, lần đó tổng thống Nguyễn văn Thiệu chủ tọa, và tổng thống đặt tên cho khóa là khóa An Lộc, vì khóa rơi vào giai đoạn chiến trường An Lộc sôi động, cả thời gian học chỉ được đi phép năm ba lần, còn thì bị cấm quân triền miên, ngay cả phép mãn khóa của trường, như là một quy luật; mãn khóa trước khi ra đơn vị là được hưởng 10 ngày phép, duy chỉ có khóa của hắn là không được khi tổng thống tuyên bố trên khán đài « tổ quốc lâm nguy ».
Đúng lý ra khi tốt nghiệp căn bản trung đội trưởng, hắn được bộ quốc phòng trả lại đơn vị gốc, đơn vị gốc của hắn là bộ giáo dục, còn nhiều sở bộ khác cũng có quy chế này. Đến ngày chọn đơn vị, hắn và các công chức khác mới biết được có lịnh là bãi bỏ quy chế biệt phái của khóa và tất cả đều phải chọn đơn vị , hắn nhìn trước nhìn sau khi đến phiên mình thì có suy nghĩ là đơn vị nào cũng được, đã khoác áo lính, đã đeo trên đầu những chữ « Tổ quốc- Danh dự- Trách nhiệm » thì đâu cũng được… đâu cũng phải nghe lệnh và thi hành lệnh. Hắn nghĩ trong bụng là không cho biệt phái thì thứ nào có chữ « biệt » thì chọn, mà gần nhất là chữ « biệt động quân », lúc mẹ hắn gặp hắn nghe hắn bảo là đi « biền biệt quân », cụ cười và bảo « có thế mày mới nên người! », nhiều người bảo là hắn bị « cop liếm » cũng đúng, vì danh sách đến hạng hơn một ngàn mới có tên hắn . Tuy còn vài đơn vị khác … mà thôi! đâu cũng vậy, mình thử « liếm cọp » xem sao, thế là hắn chọn về Biệt động quân.
Không có phép mãn khóa, lại có xe GMC của BDQ đến đón 200 tân sĩ quan tại vũ đình trường về trại Đào bá Phước vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày mãn khóa.
Nơi đây cho bốc thăm chọn quân khu, hắn bốc nhằm quân khu 3, lúc đó do đại tá Nguyễn thành Chuẩn làm chỉ huy trưởng, cũng tại nơi này, lúc đó được giới thiệu quân khu 3 có 2 liên đoàn tiếp ứng(3 và 5) cùng 9 tiểu đoàn biên phòng, lại bốc thăm hắn lại rút trúng tiểu đoàn 73 biên phòng lúc đó đang cùng tiểu đoàn 65 và 84 ở căn cứ Bàu Bàn.
Hắn cũng lên đến đây nhưng chỉ vài ngày sau tiểu đoàn rút về Trảng Sụp ở Tây Ninh, tiểu đoàn trưởng lúc đó là thiếu tá Nguyễn công Triệu, tiểu đoàn phó là đại úy Nguyễn minh Đường.
Về tiểu đoàn 73 có 4 người, trong 4 An Lộc có hắn và tu xuất Lê duy Linh về đại đội 3 do trung úy Tiến(không nhớ rõ họ) là đại đội trưởng, người bắc rất dễ mến, 2 người kia là Nguyễn duy Gia Tịnh về đại đội trung úy Thời, còn Hồng (quên họ) về đại đội đại úy Thành….ở cũng hơn 2 tháng thì liên bộ xin người lại, và hắn nhận được sự vụ lịnh về trình diện trại Đào bá Phước, với lý do đáo nhậm đơn vị mới, nhìn công điện, thiếu tá Triệu hỏi là « bộ có gốc ở Đào bá Phước hả », lúc đó mới thưa với tiểu đoàn trưởng là có lẽ là lịnh biệt phái về bộ giáo dục… thiếu tá Triệu bắt tay chia vui với hắn.
Cầm sự vụ lịnh cũng vào cuối ngày, hắn nán lại 1 đêm với anh em để sáng hôm sau về thì tối hôm đó trại bị đánh đặc công. Có phòng bị nên hơn chục xác cộng quân phơi ngoài hàng rào phòng thủ. Sáng hôm sau tướng Đỗ kế Giai, chỉ huy trưởng BDQ có lên thăm tiểu đoàn chúc mừng anh em và gắn huân chương cho một số người.
Đóng quân nơi đây hắn cũng có theo tiểu đoàn hành quân chung quanh quận Kiêm Hanh đâu cũng khoảng 4 lần, cũng biết chút về nằm rừng ngủ bụi, thứ gì hắn cũng nếm qua, nhưng chỉ phơn phớt vòng ngoài.
Về đến Đào bá Phước, nhận sự vụ lịnh trình diện trung tâm 3 quản trị trung ương/ thặng số biệt phái đối diện với Đào bá Phước, nơi đây làm thủ tục và trả hắn về bộ giáo dục với chứng chỉ tại ngũ mới và cứ 6 tháng một lần gia hạn .
Tình trạng lương bổng của hắn hơi lôi thôi vì người làm lương chắc mới làm, chưa quen với quân nhân biệt phái, không giống phiếu chuyển lương, cấp bậc chuẩn úy mà lãnh lương gần như trung úy nên 2 tháng trôi qua hắn chẳng có một đồng xu, mức lương này hắn đã lãnh từ khi mới vào Quang Trung, sang Thủ Đức đều giống nhau, nhưng ở Biệt động lại có thêm tiền tác chiến nên nhiều hơn. Cầm giấy thuyên chuyển hắn phải lên trại Nguyễn văn Giỏi ở Tân Vạn/ Biên Hòa, lãnh một lúc 2 tháng lương cũ và tháng lương mới kèm theo giấy chuyển lương về bộ giáo dục, thế là hắn không còn 4.500 đồng tiền tác chiến .
Bộ giáo dục lại trả hắn về nhiệm sở cũ ở Phước Long, lại tiếp tục cảnh « một thầy, một cô, một chó cái » .
Lúc gần đến ngày thi hành hiệp định Paris đầu năm 1973, đang ngồi ăn mì thì gặp lại chuẩn úy Đồng, người thế hắn lúc hắn rời 73, mới hay là td lên tăng phái cho Phước Long trong chiến dịch dành dân lấn đất lúc thi hành hiệp định Paris. Cũng có ghé thăm đại đội cũ lúc đó đóng quân từ Phước Lộc đến Phước Vĩnh, cũng có vài bữa chén cay chén nồng với anh em. Gặp lại thiếu tá Triệu và vào lần khác khoảng năm 1974 lúc ông chuyển ngành qua Cảnh sát, làm biệt đoàn trưởng biệt đoàn 222 cảnh sát dã chiến. Có ghé thăm ông một lần, hình như đó là trại AMAC nằm ở đường Trần quốc Toản, Saigon, gần mấy trại Quân vận, quân cụ.
Ở Bỉ người Việt không đông, hắn lại ở tỉnh càng ít hơn, thỉnh thoảng cũng tham dự trong những sinh hoạt các hội đoàn để cho con cái có dịp gặp gỡ đồng hương là chính và ngay bản thân hắn cũng muốn hòa nhập mà không có cái đồng điệu, hắn vừa mổ bao tử không thể uống rượu với mọi người nên cũng khó hoà hợp ….cho đến khi trên mạng gặp người quen ở Hòa Hưng là bác sĩ Tín của liên đoàn 1, anh Tín biết hắn có thời gian ở biệt động quân nên giới thiệu hắn gia nhập…rồi gặp gỡ anh em cùng khóa Thủ Đức với hắn .
Với cái mũ nâu của « Cọp » Hào đội cho hắn lúc hắn dự hội ngộ của khóa 4/71, nay cũng hay theo chân hắn vào những hôm trở gió, nhiều lần đi đường gặp những người Para commando của Bỉ, cũng dân đội béret nâu giơ tay chào có lúc còn vào uống nước cà kê thăm hỏi chuyện chiếc mũ với nhau.
Quầy rượu vợ hắn tặng hắn vào dịp sinh nhật, cũng đã 30 năm, thỉnh thoảng hai vợ chồng ngồi ở comptoir nhâm nhi chút men, nay chỉ là dĩ vãng, trận lụt nước ngập đến bụng, bao nhiêu ly tách và rượu để phía dưới phải bỏ, cũng chụp hình đưa lên mạng cho ai muốn lấy, chỉ ngày hôm sau là có người đến chở đi, có cả hai chiếc tabouret trước quầy. Những lá cờ VNCH mỗi lần hai vợ chồng tham dự một sự kiện của cộng đồng, để tưởng nhớ những ngày đã qua.(photo Ara)
Vợ hắn cũng thích màu nâu của mũ, cũng đội thử vài lần khi ra phố với hắn, hắn cũng hay bỏ trong túi áo manteau, lần bị có máu đọng trong não sau một lần té đập đầu xuống đất, con gái đưa vào nhà thương mổ cấp cứu, trong túi áo cũng thấy có, lúc xuất viện hắn đội chào bác sĩ trước khi ra về, lần đó bác sĩ nói với con của hắn là » ba của bà may mắn vào kịp lúc « khung giờ vàng », nếu không ông ấy có thể đi luôn trong đêm đó, và vì ông lạc quan nên cũng mau lành bịnh » . Hắn đẻ bọc điều mà!
(photo Ara)
Béret nâu lúc nào cũng nằm trong túi đeo bên vai, mùa đông đội cho ấm đầu, con đưa vào cấp cứu, nón đi theo, sẵn dịp chào cám ơn ékip mổ đầu cho hắn trước khi rời nhà thương, nón che đi một phần chỗ tóc bị cạo .
Vợ hắn bảo là cơ thể hắn từ đầu đến ngón chân chỗ nào cũng đụng qua dao kéo, ngay cả chỗ chỉ 1% cơ thể cũng bị gây tê…. đỉnh đầu, mắt, bao tử, ruột, chỗ 1%, ngón chân…(photo hắn « tự sướng« )
Trong một buổi sinh hoạt lửa trại quan trọng nhất là người « giữ lửa », anh đã cất tiếng « gọi lửa »… »ta, đốt to cho bùng lên sáng, đốt to cho bùng lên sáng lên »…Biệt Động Quân chúng tôi đã có một người giữ lửa có tâm huyết.
Câu chuyện hắn kể về « lửa trại » cũng đủ, kể nữa dài quá đâm ngán, đã đến lúc hắn kết thúc buổi lửa trại bằng câu » Gặp nhau đây, rồi chia tay/ Ngày dài như đã vụt qua như phút giây/ Rừng linh thiêng, rừng Lam Sơn…Về quê Hương, về Chi Lăng / Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng. » ngọn lửa đã được khơi dậy thì những thành viên là một « quản trò » cho thêm phong phú của những buổi lửa trại kế tiếp.
Hắn cũng biết vào tháng 7 này có cuộc hội ngộ của binh chủng Biệt Động Quân và cuộc hội ngộ của khóa An Lộc 4/71 của hắn, bạn bè hắn cũng có nhắn là cố gắng lên đường, nhưng …
« Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh »
Vì thế tuy rất muốn tham dự đại hội, gặp gỡ nhau, biết bao điều hàn huyên, mà hắn có chút kẹt.
Cuộc đời là vậy, đang yên đang lành, thủy tinh đến viếng, đánh bật vợ chồng hắn ra khỏi nhà gần 2 năm nay, nên cuộc sống có thay đổi, phải làm lại tất cả . Hắn mượn câu đối của Ngô thời Nhiệm cho tựa đề bài viết…
« Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, trong thời thế, thế thời phải thế« ...thế thời phải thế đúng không các bạn !!!
Đồi Delta/ Auderghem Bruxelles,
ngày 23/7/2023, ngày Hải sư Ara tròn 74 tuổi
Ara Phat
Posted by GLN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét