Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :25/06/2024 - MY LOAN

Chiều hôm nay 25/06/2024, hai nước Ukraina và Moldova cùng với Liên Hiệp Châu Âu chính thức khởi động các cuộc đàm phán tại Luxembourg nhằm cho phép hai nước này trong tương lai trở thành thành viên chính thức của khối. Ảnh minh họa: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (P) gặp nguyên thủ Moldona Maia Sandu, bên lề thượng đỉnh Ukraina-Balkan, tại Athens, Hy Lạp, ngày 21/08/2023. © HANDOUT / UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SERVICE / AFP Thùy Dương
<!>
Các cuộc đàm phán để một nước gia nhập Liên Âu diễn ra trong khuôn khổ hội nghị liên chính phủ. Một nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho AFP biết là Liên Âu chính thức mở các cuộc thảo luận đầu tiên với Ukraina vào chiều hôm nay, lúc khoảng 15h30 (13h30, giờ GMT), sau đó là với Moldova. Sau khi hội nghị liên chính phủ chính thức được mở ra, các nhà đàm phán sẽ xem xét luật pháp của hai nước ứng viên xem có tương thích với luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu hay không.

Theo nguồn tin ngoại giao Liên Âu nói trên, giai đoạn « sàng lọc » này, theo cách gọi của Liên Âu, thường kéo dài 1-2 năm. Thế nhưng, với trường hợp của Ukraina hoặc Moldova, mọi chuyện sẽ được đẩy nhanh hơn, vì Bruxelles « đã có ý tưởng khá rõ ràng » về tình hình. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng thì các cuộc đàm phán thực sự mới được mở ra, và khó có khả năng là sẽ diễn ra trước cuối năm nay bởi vì Hungary, chủ tịch luân phiên Hội Đồng Châu Âu nửa cuối năm 2024, không nhiệt tình với việc kết nạp Ukraina.

Riêng đối với Kiev, dẫu việc khởi động các cuộc đàm phán tại Luxembourg vào hôm nay là một chặng quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài bởi vì Ukraina đang trong tình trạng chiến tranh, theo nhận định của Jacques Rupnik, giáo sư trường Sciences Po :

« Chuyện này có ý nghĩa quan trọng về chính trị và mang tính biểu tượng. Những trở ngại kinh tế là có, nhưng xin nhắc lại rằng trở ngại chính là ở chỗ Ukraina đang có chiến tranh. Khi một đất nước còn đang có chiến tranh thì rất khó biết phải tiến hành đàm phán như thế nào. Đây là điều chưa từng có. Chúng ta đã nói điều này rất, rất nhiều lần với các nước thuộc Nam Tư cũ, rằng không thể có chuyện gia nhập chừng nào họ chưa giải quyết được các vấn đề về biên giới, lãnh thổ. Thế nên, tôi nghĩ rằng đó sẽ là câu hỏi khó nhất.

Có một câu hỏi quan trọng kèm theo : Liệu Ukraina khi nào mới hội đủ điều kiện, tôi không nói là có hòa bình, lệnh ngừng bắn có thể là không phải là trên toàn bộ lãnh thổ Ukraina, nhưng mà là trên phần lãnh thổ do chính phủ dân chủ của tổng thống Zelensky kiểm soát ».

Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc muốn loại người Pháp song tịch khỏi các vị trí nhạy cảm, chiến lược

Vài ngày trước vòng 1 bầu cử Hạ Viện Pháp, 30/06, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National (RN) Jordan Bardella, trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 24/06/2024, đã giới thiệu chương trình hành động của đảng RN và khẳng định « đã sẵn sàng để lãnh đạo chính phủ ». Đáng chú ý là dự luật « khẩn cấp » chống nhập cư.


Chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblemment National) Jordan Bardella giới thiệu các đường hướng chính trong chương trình tranh cử lập pháp, Paris, Pháp, ngày 24/06/2024. AP - Christophe Ena
Thùy Dương
Lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Jordan Bardella đề xuất hủy bỏ quyền có quốc tịch theo nơi sinh « droit du sol » và loại những người « song tịch » - người nước ngoài đã có quốc tịch Pháp nhưng vẫn giữ quốc tịch gốc - ra khỏi những vị trí công việc được xem là « cực kỳ nhạy cảm » và « những vị trí mang tính chiến lược nhất của Nhà nước ».

Phát biểu trên kênh TF1, chính trị gia Sébastien Chenu của đảng Tập Hợp Dân Tộc, dân biểu nhiệm kỳ vừa rồi, hôm qua 24/06 cho biết, biện pháp cấm sẽ liên quan đến những « công việc cực kỳ nhạy cảm, chẳng hạn người song tịch Pháp - Nga giữ các vị trí lãnh đạo chiến lược trong ngành quốc phòng », nhưng không cho biết chi tiết về các công việc có liên quan.

Theo ông Chenu, biện pháp « tự bảo vệ » này của nước Pháp sẽ được luật hóa bằng « một đạo luật về tổ chức (loi organique) và một sắc lệnh để cản trở sự can thiệp » của nước ngoài vào « các lĩnh vực nhạy cảm » của Pháp. Chính trị gia đảng cực hữu cũng nói thêm rằng nếu đảng RN đắc cử trong kỳ bầu cử Hạ Viện, có thể người nước ngoài sẽ khó được cấp quốc tịch Pháp hơn.

Dường như để trấn an dư luận, ngay tối hôm qua, trên mạng xã hội X, ông Bardella, người đang nhắm đến chức thủ tướng Pháp, khẳng định : « Dĩ nhiên là những người song tịch vẫn có thể đảm nhiệm mọi công việc trong lĩnh vực công (…) Việc hạn chế sẽ chỉ liên quan đến khoảng vài chục công việc rất nhạy cảm ở các vị trí chiến lược về quốc phòng, hạt nhân hoặc tình báo chẳng hạn. Danh sách ngắn này sẽ thường xuyên được điều chỉnh tùy theo tình hình địa chính trị và các hệ lụy đối với đất nước chúng ta ».

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo chương trình của phe cực hữu và cực tả sẽ dẫn đến « một cuộc nội chiến ». Đặc biệt đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc bị tổng thống chỉ trích gây chia rẽ nước Pháp khi « phân biệt đối xử theo nguồn gốc xuất thân hoặc tôn giáo », còn phe cực tả bị chỉ trích vì đã có những đề xuất kiểu « chủ nghĩa cộng đồng » (communautarisme)

Tối hôm nay 25/06 vào lúc 21 giờ, đại diện của đảng cầm quyền Phục Hưng - Renaissance - thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal ; chính trị gia Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National (RN) và Manuel Bompard, điều phối viên đảng Nước Pháp Bất Khuất - La France Insoumise (LFI), đại diện cho liên đảng cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình TF1.

Theo thăm dò ý kiến gần đây của Viện IFOP, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc được sẽ về đầu tại vòng 1 bầu cử lập pháp với 36% số phiếu, trước liên đảng cánh tả (29,5%) và đảng của tổng thống (20,5%).

Manila muốn đối thoại sau vụ đụng độ giữa hải cảnh Trung Quốc và hải quân Philippines ở Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, hôm nay, 25/06/2024, bày tỏ mong muốn đối thoại với Bắc Kinh sau vụ đụng độ nghiêm trọng ngày 17/06, giữa hải cảnh Trung Quốc và thủy thủ Philippines ở Biển Đông.


Các thiết bị thông tin và dẫn đường trên tàu Philippines bị hải cảnh Trung Quốc đập phá trong vụ đụng độ ngày 17/06/2024, ở gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông. Ảnh do quân đội Philippines công bố. AP
Minh Anh
Trong phiên điều trần công khai ở Thượng Viện, ngoại trưởng Manalo giải thích Manila hy vọng tổ chức một cuộc họp song phương vào đầu tháng Bảy « để thảo luận cụ thể về những sự cố gần đây ». Ông tin vào « đối thoại và ngoại giao » để giải quyết những sự cố nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo AFP, ngoại trưởng Philippines khẳng định, Manila « không làm ngơ trước những sự cố đang xảy ra » và chỉ chấp nhận những giải pháp không gây tổn hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông.

Lãnh đạo ngoại giao Philippines cho biết thêm, hai nước đã thiết lập một nhóm làm việc trong tuần rồi.

Hôm thứ Hai, 17/6, các hình ảnh video do quân đội Philippines công bố cho thấy, nhiều binh sĩ Trung Quốc trang bị dao, gậy và rìu đã chặn một đoàn tầu tiếp tế dành cho các binh sĩ Philippines đồn trú trên một con tầu bị mắc cạn gần Bãi Cỏ Mây, cách quần đảo Palawan của Philippines 200 km, và xa đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1000 km, nhưng bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.

Hải cảnh Trung Quốc đã leo lên tàu Philippines, xô xát với thủy thủ đoàn. Trong vụ này, một thủy thủ Philippines đã bị thương, và hải cảnh Trung Quốc đã tịch thu, phá hủy trang thiết bị trên tầu Philippines.

Bắc Kinh đã có những phản ứng, cho rằng hải cảnh Trung Quốc đã hành xử một cách « chuyên nghiệp và có chừng mực », quy trách nhiệm sự việc cho Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., hôm Chủ Nhật, 23/6, khẳng định Philippines không để « bị hăm dọa » sau sự cố này.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange được tự do sau khi đạt thỏa thuận với tư pháp Mỹ

Sau năm năm bị giam giữ trong một nhà tù được canh phòng nghiêm ngặt nhất nước Anh, hôm nay, 25/06/2024, nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange đã được trả tự do và rời nước Anh, sau một thỏa thuận đạt được với tư pháp Hoa Kỳ.


Ảnh tư liệu: Nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange, tại Tòa án Tối cao, Luân Đôn, Anh Quốc ngày 01/02/2012. AP - Kirsty Wigglesworth
Minh Anh
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích thêm :

« Từ nhiều tuần qua tổng thống Mỹ Joe Biden đã để ngỏ khả năng xem xét hủy bỏ cáo buộc nhắm vào Julian Assange, đặc biệt theo yêu cầu của thủ tướng Úc Anthony Albanese.

Cho đến hiện tại, theo những cáo buộc mà ông đang bị tòa án Mỹ truy tố, nhà sáng lập WikiLeaks có nguy cơ lãnh án đến 175 năm tù vì đã thu thập và phát tán thông tin về các hoạt động của quân đội Mỹ ở Irak.

Thay vì như thế, theo một thỏa thuận đạt được với tư pháp Mỹ, Julian Assange sẽ nhận tội với một tội danh duy nhất và sẽ bị kết án 62 tháng tù. Đây chính xác là quãng thời gian mà ông đã trải qua tại Belmarsh ở tây nam Luân Đôn, một trong số các nhà tù được canh phòng chặt chẽ nhất ở Anh Quốc.

Trong năm năm qua, Julian Assange và những người thân của ông đã nỗ lực hết sức nhằm tránh việc dẫn độ ông sang Mỹ, ít nhất là trên lãnh thổ lục địa Mỹ. Chính vì điều này mà phiên xử sắp tới cho phép xác nhận thỏa thuận, sẽ diễn ra tại vùng lãnh thổ xa nhất nước Mỹ, quần đảo Marianne ở Thái Bình Dương.

Một thẩm phán ở Saipan sẽ phải hợp pháp thỏa thuận trên vào sáng thứ Tư theo giờ địa phương. Sau đó, Julian Assange sẽ trở về Úc, quê hương ông, để có thể tận hưởng sự tự do mới có của mình. »

Năm thứ hai liên tiếp, Mỹ thừa nhận Việt Nam có nỗ lực chống nạn buôn ngườiTrên trang mạng chính thức, bộ Ngoại Giao Mỹ, hôm qua 24/06/2024, đã công bố báo cáo thường niên 2024 về nạn buôn người trên toàn cầu. Trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam được nâng hạng, nằm trong số các nước được thừa nhận có nỗ lực chống nạn buôn người. Tuy nhiên, một số nước khác, như Trung Quốc, Cam Bốt, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, vẫn bị xếp trong nhóm nước có tệ nạn buôn người trầm trọng nhất.


Bà Cindy Dyer, đại sứ theo dõi và chống nạn buôn người, công bố báo cáo về nạn buôn người (TIP) năm 2024 tại bộ Ngoại Giao ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 24/06/2024. REUTERS - Amanda Andrade-Rhoades
Phan Minh
Báo cáo thường niên chống tệ nạn buôn người của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chia các nước thành ba nhóm. Nhóm 1 là những nước tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực tối thiểu quy định trong Đạo luật bảo vệ các nạn nhân buôn người và chống bạo lực năm 2000 (Victims of Trafficking and Violence Protection Act of 2000 - TVPA).

Nhóm 2 là những nước không tuần thủ đầy đủ các chuẩn mực tối thiểu của TVPA, nhưng đã có những nỗ lực đáng kể để chống tệ nạn này. Đối với những nước được xếp trong nhóm này, nhưng có số nạn nhân còn cao hoặc không có bằng chứng thực hiện các nỗ lực chống những hình thức buôn người nghiêm trọng, thì được xếp vào diện cần theo dõi.

Nhóm 3 gồm những quốc gia không tuân thủ các chuẩn mực của TVPA.

Năm 2022, Việt Nam bị xếp trong nhóm 3. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, thứ hạng của Việt Nam được nâng lên liên tục, năm ngoái, 2023, lên nhóm 2, nhưng thuộc diện cần theo dõi và năm nay, 2024, bộ Ngoại Giao Mỹ xếp Việt Nam trong nhóm 2.

Trong báo cáo năm 2024, Hoa Kỳ xếp 13 nước bị cáo buộc trực tiếp thực hiện hoạt động buôn người, trong đó có Afghanistan, Belarus, Miến Điện, Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Bắc Triều Tiên, Iran, Nga, Nam Sudan, Sudan, Syria và Turkmenistan. Những nước nằm trong danh sách đen này có nguy cơ bị Hoa Kỳ ban hành các biện pháp trừng phạt hay rút viện trợ.

Không có nhận xét nào: