Việt Nam không phải quốc gia duy nhất trên thế giới có văn hóa dùng đũa. Các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sử dụng đũa trong các bữa ăn hàng ngày. Sau này cuộc sống hiện đại hơn, mức thu nhập cao hơn, nhiều người bắt đầu làm quen với cách dùng dao nĩa như người Tây trong những nhà hàng sang trọng, nhưng thói quen dùng đũa của người Việt đã trở thành truyền thống mà không điều gì có thể làm nó bị mai một.
<!>
Trong sách vở của nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, đũa được cho là có nguồn gốc từ nền văn minh Trung Hoa, gọi là văn minh đũa (civilisation des baguettes). Tuy nhiên các học giả viết sử Tàu phản bác lại giả thuyết này vì người Trung Quốc thời Tần Hán không dùng đũa khi ăn, mà lấy tay bốc. Họ cho rằng đũa thuộc văn minh lúa nước Đông Nam Á và những vùng thổ nhưỡng phù hợp với cây tre. Người Tàu chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính đất Bách Việt cổ (đời Tần – Hán).
Còn ở Việt Nam, hình ảnh đôi đũa xuất hiện đầu tiên và sớm nhất là trong chuyện cổ tích Trầu Cau. Để biết được ai là anh, ai là em trong câu chuyện, người ta đã để hai anh em sinh đôi Tân và Lang ăn cơm cùng mâm nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em chính là Tân kính trọng đưa đũa cho anh mình. Hình ảnh đôi đũa trong câu chuyện có từ thời các vua Hùng đã thể hiện rõ nét nếp văn hóa của gia đình Việt.
Cũng từ đó, đôi đũa trở thành vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt. Nó thân thuộc với tất cả mọi người, bất kể địa vị cao thấp, giàu nghèo. Người dân thường dùng đôi đũa tre đơn giản, nhà quan dùng đũa mun, vua chúa dùng đũa ngọc, đũa ngà…
Miền Bắc xưa thường có lũy tre làng, nên người dân thường lấy thân tre già để làm đũa. Miền Nam lại được chở che bởi những tán dừa, nên người miền Nam dùng chính cây dừa để làm nên đôi đũa. Thường thì đũa miền Bắc có phần ngắn hơn một chút so với miền Nam. Nhưng nói chung, đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, không sơn quét, trang trí, đầu đũa cũng thường không quá nhỏ.
Từ đôi đũa, người Việt đưa ra biết bao bài học về phép tắc trong bữa cơm gia đình. Ai trong chúng ta cũng đã từng được người lớn dậy cách so đũa trước bước ăn. Phải chọn đôi đũa đều nhau và hai tay lễ phép đưa cho người lớn. Khi đặt đũa cũng phải chú ý đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch. Cách cầm đũa cũng phải ý tứ, nhìn trước ngó sau.
Người lớn cũng thường dậy con trẻ rằng khi ăn không được mút đũa, ngậm đũa vì đây là điều bất lịch sự. Khi gắp thức ăn cần nhẹ nhàng, không xới tung cả đĩa thức ăn để tìm miếng ngon, khi trò chuyện trong bữa ăn không được vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, vừa cầm đũa vừa hoa tay múa chân kể chuyện. Tất cả những điều này, dù là nhỏ nhặt nhưng đã hình thành nên nếp văn hóa trong mâm cơm của người Việt từ bao đời nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét