Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ông có địa vi cao cả trên thi văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá. Không như vài nhà thơ khác nổi tiếng với đại chúng hơn Ông, như Nguyễn Bính, Nguyên Sa, Đinh Hùng, Xuân Diệu, Ông làm thơ đủ loại chủ đề: thơ tình, thơ quê hương, thơ liêu trai, thơ say, thơ tâm tình, kịch thơ, ... và dùng đủ thể loại loại thơ: bát cú, lục bát, thất ngôn trường thiên, ngũ ngôn, tự do, ...
<!>
Vài câu thơ nổi tiếng của Ông:
"Em ơi, lửa tắt, bình khô rượu
Đời vắng em rồi, say với ai."
(bài thơ: đời vắng em rồi say với ai")
"Lệ sa bạch lạp, ngàn đêm trắng
Thơ vút sầu say, rượu nhập cuồng"
(Chờ Đợi Hoài Công)
"Ba kiếp lang thang ngồi chụm lại
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau"
(Ba Kiếp Lang Thang)
"Trăng của nhà ai, trăng một phương
Nơi đây rượu đắng, mưa đêm trường
Ờ đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương"
(bài thơ 12 tháng sáu)
"Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư"
...
Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
Chút hơi tàn lay lắt ngọn đèn khuya"
(Lá Thư Ngày Trước)
"Cuộc chiến cũng giao hoàn đứa trẻ
Từ lâu bày đặt nhũng trò chơi".
(Kết Cuộc)
Về thơ tình yêu, Ông có những bài thơ thất tình, tràn đầy bi thương, cảm khái, pha với men nồng cay đắng. Những bài thơ như "12 tháng 6" , "Chờ đợi hoài công" là kiệt tác, không có ai có thể bày tỏ nỗi thất tình bi thương hay hơn Ông. Cùng lắm là tương đương, như bài thơ "Soi Gương Uống Rươu" của nữ sĩ Hoàng Hương Trang. Đều là kiệt tác, mỗi người một vẻ, "xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai".
Áng thơ "U Tình" của Ông dùng thể thơ 5 chữ, đọc lên nghe nghe rất tự nhiên, nhẹ nhàng, như là kể chuyện, một câu chuyện đầy nỗi chua xót của người đắm đuối trong chữ Tình mà không dám bày tỏ tấm lòng với người mình yêu.
Bài thơ "Say Đi Em (Mời Say", mời người yêu dấu uống rượu say và nhảy múa theo "khúc nhạc hồng êm ái, Điệu kèn biếc quay cuồng.". Áng thơ nồng hơi men, và nhịp điệu vần thơ cũng quay cuồng theo điệu nhạc, theo sự ngất ngưởng của men say. Rất lạ kỳ và cũng chỉ có thi bá Vũ Hoàng Chương mới có thể viết được như thế.
VHC có nhiều áng thơ tình kiệt tác như bài thơ thất ngôn trường thiên "Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai". "Tối Tân Hôn" của Ông dùng thể thơ tự do cũng rất đặc biệt. Bài thơ "Bức Khăn Mừng Cưới" với dòng tâm sự của thiếu nữ sắp đi lấy chồng khi nhận được quà của cố nhân, vần điệu lục bát nhẹ nhàng, trau chuốt, mượt mà, với những đoạn thơ như sau:
"Tình thân sao khác người ta, / Không ai thề thốt sao mà nhớ mong. / Chia tay dù mấy năm ròng, / Xa xôi đâu dám nhạt lòng mến tin." Và câu kết như sau: "Nhận thư ướm bức khăn hồng, / Em buồn với cả tấm lòng, anh ơi!"
Về thơ tâm tình, thơ tả cảnh, VHC có những bài thơ vần điệu tự do, phóng khoáng, có khi vài ba chữ, có khi 5, 7, 8 chữ. Nhịp điệu bài thơ như có âm hưởng mây nước bềnh bồng, cùng làn mây nước nhẹ trôi. Một đoạn của bài thơ "Bài Hát Ngư Phủ" như sau:
"Màu xanh cây lúa mờ xa cánh đồng
Hoàng hôn nhuộm úa thu già trên sông
Lênh đênh trời nước bềnh bồng
Thuyền trôi như lướt hư không
Vòm cao dìu dặt
Chen sắc lam hồng.
Ai xoè chiếc quạt mênh mông
Đỏ cháy non Đoài?
Vằng vặc phương Đông
Chén vàng ai cất dâng mời?
Ta say chén nguyệt, tình ơi
Lời ca ta gửi xa vời thăm thẳm buồng thêu..."
Thơ của VHC, hầu hết nếu không là tất cả, bài nào ý lời cũng đều rất trau chuốt, ý từ khó ai có thể thêm bớt, đổi từ cho hay hơn. (Xin nói rõ: trau chuốt không có như người tập viết chữ nắn nót từng chữ cho đẹp. Với ngữ vựng, vần điệu phong phú trong lòng của nhà thơ đủ trình độ, sự trau chuốt chỉ là cân nhắc từ ngữ, vần điệu rất nhanh trong đầu khi phóng bút làm thơ .) Lối gieo vần trong những bài ca, bài hát của VHC vừa đậm nét cổ phong, lại tân kỳ và có nhiều âm hưởng nhạc khúc. Mời xem một đoạn thơ đầu của "Bài Hát Cuồng".
"Xuân có sang mà hoa không tươi.
Ý ngát hoài chăng hề tuổi chớm ba mươi.
Nằm say ngõ lạnh,
Buồn nghe mưa rơi;
Chiều xuống chênh song hề gió lên đầy trời.
Ta đợi bóng hoa nào hiện?
Ta lắng tin hương nào đến?
Duyên kiếp gì đâu hề ta có chờ ai!
Hương một sớm đã tan hề hoa đã phai.
Đời họ bỏ ta hề riêng gì kẻ ấy.
Tình trót lầm trao hề ta hỡi ta ơi!"
Tiếp theo xin giới thiệu hai bài thất ngôn bát cú của VHC. Có bài viết bằng tiếng Tàu như bài thơ "Loạn Trung Biệt Hữu / Chia tay trong thời loạn" cùng với bản dịch cũng thể bát cú của chính tác giả. Sau đây là một bài thơ bát cú làm trong khám Chí Hòa năm 1976:
Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,
Lông hồng gieo xuống nhẹ như non.
Một manh chiếu nát, thân tơi tả,
Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.
Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,
Đêm về giấc ngủ lại thương con.
Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,
Hồ dễ gì phai được tấc son!”
Tuy là một nhà thơ đắm chìm trong dòng thơ say, thơ tình yêu, liêu trai, VHC cũng có nhũng áng thơ hào khí, ca ngợi quê hương, vinh danh những anh hùng đất Việt, như bài thơ dài "Bài Ca Bình Bắc" để tôn vinh Nguyễn Huệ (Quang Trung) và trang sử Việt oai hùng. Bài thơ dài "Trả Ta Sông Núi" của Ông là tiếng gọi sôi sục bầu nhiệt huyết để giành lại độc lập, tự do cho quê hương trước sự xâm lăng của bọn giặc ngoại quốc.
"Trả núi sông ta! lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai
Trả ta sông núi! câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai
Trông lên cao ngất phương trời
Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc cờ."
Áng thơ nổi tiếng, xôn xao văn học "Lửa Từ Bi" của Vũ Hoàng Chương bày tỏ tấm lòng đau đớn, tôn kính trước sự hy sinh của hòa thượng Thích Quảng Đức khi Ngài tử thiêu vì Đạo. Vài câu đầu của bài thơ:
"Kính dâng lên BỒ-TÁT QUẢNG-ĐỨC
Lửa! Lửa cháy ngất Toà Sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhoà lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,
Ánh Đạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên..."
Và để đóng khung giới thiệu những áng thơ của VHC, mời đọc bài thơ "Kết Cuộc" của VHC, làm năm 1972. Dòng thơ cảm khái chứa đựng ít nhiều triết lý nhân sinh của kẻ trải qua nhiều dâu bể cuộc đời, pha chút sự ngạo nghễ, cuồng ngông của người đứng tuổi nhìn lại cuộc đời với câu thơ "cuộc chiến cũng giao hoàn đứa trẻ / từ lâu bày đặt những trò chơi"
Ngày xưa dựng cuộc để làm quan,
Chiếm được người yêu rồi mộng tàn.
Một cuộc trải qua... không đất đứng,
Ôm chân tượng đá gửi hồn oan.
Ngày nay nhập cuộc để làm lính,
Hạ kẻ thù rồi thua cuộc luôn
Máu lặn mặt trời đêm bất hạnh,
Ôm lưng hũ rượu sưởi cơn buồn.
Ngày mai bỏ cuộc để làm người,
Ôm cuộc tình ra khỏi chuyện đời.
Cuộc chiến cũng giao hoàn đứa trẻ
Từ lâu bày đặt những trò chơi.
Vũ Hoàng Chương không chỉ là một nhà thơ với con tim rực cháy ngọn lửa đam mê với nàng Thơ, chữ Tình mà còn là một nhà thơ với con tim bất khuất không cúi đầu trước sự uy hiếp, đe dọa của bọn bồi bút văn nô đắc thế. Sau tháng 4 năm 1975, văn nghệ miền Nam bị đám văn nghệ miền Bắc đàn áp và ép phải viết những lời khen ngợi, ca tụng bài thơ "Đời đời nhớ Ông" của Tố Hữu. Bài thơ đó chứa những câu như sau:
"Sì ta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xta-lin!
Mồm con thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hoà bình trắng trong...
...
Xta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười."
Những câu thơ láo khoét không một chút chân thật. Làm gì có người mẹ nào lại không muốn đứa con mới sinh ra gọi "má/mẹ/bố" mà lại đi gọi một cái tên ngoại quốc lạ hoắc. Còn câu "thương mình thương một, thương Ông thương mười" bốc đầy mùi giả dối, nịnh bợ. Ban văn nghệ, thi ca của Việt Nam sau 75 là do Tố Hữu cầm đầu. Lãnh đạo đã như thế, những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, bọn đàn em bồi bút cũng học theo với những bài thơ nịnh hót Nga, Tàu, và Đảng. Đã đành đứng dưới mái hiên nhà người thì phải cúi đầu, nên một số nhà thơ liêm sỉ đã im lặng hay lui về ẩn đật, chứ không có tích cực làm bồi bút tôn sùng Nga, Tàu, hô hào chém giết như đám Tố Hữu. Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, ...
VHC trải dàn con tim rực lửa đam mê nghệ thuật và thi ca của mình qua nhiều chủ đề. Ông làm thơ tình yêu, thơ quê hương, nhân sinh, thơ say, anh hùng ca ... Thơ Ông không chỉ giới hạn trong vài thể loại thơ như thi sĩ Đinh Hùng hay Nguyên Sa hoặc Nguyễn Bính. Ba thi sĩ trên, thơ chính yếu về tình yêu và chỉ sở trường trong vài thể loại thơ (như lục bát, thất ngôn, hay tự do. Trong những nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ 20, chỉ có mình Ông làm được đủ thể loại thơ, không bị thể thơ nào, chủ đề nào làm khó và để lại cho đời về lượng và phẩm nhiều bài thơ hay nhất.
Nhà văn Mai Thảo ca ngợi Ông là "tiếng thở dài trầm mặc của Đông phương." Câu ca ngợi này nghe rất hay, rất kêu, nhưng chỉ áp dụng đúng với vài bài thơ của VHC, một giai đoạn thơ của nhà thơ họ Vũ. Thơ Ông rực cháy tình đam mê như chúng ta thấy qua những bài thơ như "12 tháng 6", "chờ đợi hoài công" , v.v. và cũng rực cháy ngọn lửa bất khuất, sôi sục bâu nhiệt huyết, qua những tác phẩm anh hùng ca như "Bài Ca Bình Bắc", "Trả Ta Sông Núi', "Bài Ca Sông Dịch", và áng thơ rực ngời tình yêu thương nhân loại, "Lửa Từ Bi".
Trong những nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ 20, nếu chỉ được chọn một người làm đại biểu cho nền thi ca Việt của thế kỷ 20, tôi nghĩ thi bá Vũ Hoàng Chương, người dâng hiến trọn đời cho thi ca và nghệ thuật, với một con tim nồng cháy đam mê và bất khuất, là người xứng đáng nhất.
Vương Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét