Chuyện dành riêng cho đàn ông, con trai 18+. Nghiêm cấm phụ nữ, trẻ em dưới 18 tuổi…1-Tết Nguyên Đán đối với đàn ông Little Saigon – Bolsa thì cũng thường thôi, vì năm nào cũng vậy. Cũng một trà, một rượu; cũng thịt thà dư dả và bánh chưng, bánh tét,… đủ các món ăn chơi, ăn thiệt. Chỉ thiếu các khoản “đú đa, đú đởn” như Tết ở trong nước, nhưng bù lại được hít khói pháo đến sặc sụa khi đi lễ chùa đêm Giao thừa.Tôi có thằng bạn làm “thợ giũa” ở tiểu bang “lạnh teo”. Nó nói thế để tả cái lạnh dã man nơi nó ở.
<!>
Tôi hỏi sao không dọn về Cali sống cho khỏe, nó nói “ở đâu quen đó, với lại không ở đó làm sao biết ‘lạnh teo’ như thế nào!” Do ở cái xứ tìm một người Việt còn khó hơn leo lên cung trăng, nên nó cưới một cô vợ Mỹ, khách ruột của nó.
Nó kể, vợ chồng nó không có con, đi xét nghiệm đủ kiểu, mấy lần thụ thai nhân tạo cũng không xong. Uống thuốc tây, ta, tầu đủ cả, chỉ có “mập” túi bác sĩ, thầy lang thôi chứ chẳng ăn thua gì. Nó nói lỗi tại nó. Vợ nó nói, thôi mình nuôi chó cho vui, nó không chịu vì sợ lúc đó vợ nó cưng chó hơn, rồi bắt nó hầu mấy con bốn chân thì “thà ly dị còn hơn.” Vợ nó vin vào câu nói đó, đưa đơn ra tòa, sáu tháng sau nó thành thằng homeless, phải làm lại từ đầu.
Nhờ nghề “giũa”, vài năm sau nó mở được hai tiệm, mướn thêm quản lý nên đời sống khỏe re. Giờ nó quyết không lấy vợ nữa. Hỏi nó tại sao, nó nói đâu có ai ngu hai lần. Một tháng trước Tết nó gọi phone cho tôi la lớn: “Tết rồi! Tao về Bolsa thôi! Nhớ đón tao nghe.”
Khu vực Tết cổ truyền Việt Nam trong Disney Adventure ở Anaheim, California (ảnh: Jeff Gritchen/Digital First Media/Orange County Register via Getty Images)
Saigon Nhỏ, trang media cập nhật thông tin, hình ảnh, video về Hoa Kỳ, Việt Nam, thế giới, và các câu chuyện đời...
2.
Tết Bolsa bắt đầu nhộn nhịp vào khoảng giữa tháng Mười Hai Âm lịch. Lúc này cờ phướn đã tung bay khắp phố rồi. Hoa lan, hoa đào, hoa mai bắt đầu về các chợ, tạo không khí đón Xuân nhộn nhịp. Những ca khúc Xuân được chợ, các đài tivi, radio phát nhiều hơn, làm lòng người xa xứ nôn nao, chộn rộn. Gần Tết còn có chợ hoa, hội chợ, diễu hành,… tưng bừng náo nhiệt lắm.
Thằng bạn tôi thì nôn nao chuyện khác. Tết chỉ là cái cớ để nó về Bolsa du Xuân. Mới sáng sớm ngày đầu tiên có mặt tại Cali, nó đã phone réo liên tục. May là tôi để phone ở chế độ rung, chứ để chuông chắc cả nhà tôi dậy theo nó. “Cà phê! Cà phê!…” Nó gào lên trong điện thoại, giục tôi đến chở nó đi.
Vừa chạy xe đến khách sạn, tôi đã thấy nó đứng trước cửa chờ. Lên xe, chưa kịp cài seat belt, nó đã hỏi “có quán nào mới không?”. Tôi nói để tôi hỏi thằng “thổ địa” ở đây, chứ có đi thường đâu mà biết. Tôi bốc phone gọi cho thằng em, nói anh Du về, có “quán cà phê đẹp” nào giới thiệu giùm. Chưa hỏi dứt câu, nó nói một loại tên quán xa gần làm thằng bạn tôi phấn khích thấy… thương!
Cách đây hơn hai mươi năm, cà phê Lú đã tạo cơn “sóng thần” cuốn trôi khái niệm “đạo đức” của người đàn ông Việt ở đây ra biển. Thực ra quán chỉ kinh doanh dựa trên nét đẹp của phụ nữ thôi. Mấy cô tiếp viên trẻ măng, mặc áo dài trắng như nữ sinh Sài Gòn đi tới đi lui, bưng cà phê, rót nước trà, chứ có làm gì khác đâu mà thu hút nhiều đàn ông đến thế. Thời đó, có người nói, ai chưa đi “ngắm” cà phê Lú thì xem như chưa đến Little Saigon.
Thời cà phê Lú qua rồi, bây giờ các bố thích cảm giác “mạnh bạo” hơn, rõ ràng hơn, chứ không thích kiểu xuyên thấu nữa. Một số quán cà phê bây giờ có dàn tiếp viên mặc đồ không thể “nghèo” hơn. Cứ khoảng mươi, mười lăm phút, lại có một em đi ra “chẳng có gì” rót thêm trà, mỗi bàn cử một người “đại diện”, gởi em chút tiền “tip”, muốn nhét tiền chỗ nào trên người em cũng được, nhưng xin đừng lộn xộn. Đến đó uống cà phê cho có tụ thôi, chứ mấy bố chủ yếu uống trà, vì mấy em thấy ly trà vơi mới đến rót thêm. Nói gì thì nói, đấy cũng chỉ là quán bán cà phê chứ không bán thứ khác.
Trong một quán nhậu ở Bolsa
Thế là đủ vui rồi.
3.
Quán nhậu ở Bolsa cũng “cấm sờ vào hiện vật” nhưng thoải mái hơn một chút. Dân nhậu “chuyên nghiệp” như anh em chúng tôi phân biệt rõ ràng giữa quán nhậu và nhà hàng. Nhà hàng hay quán ăn dù có bán bia, nhưng vẫn không thể gọi là quán nhậu vì không có mấy em “mắt xanh môi đỏ” đến ngồi chung, rót bia, gắp mồi. Cách đây hai, ba chục năm ở Bolsa cũng có mấy quán bia ôm tương tự trong nước, chỉ có cái khác là ở đây bị “cấm sờ…”.
Tôi còn nhớ hồi mới định cư ở California, được một người bạn mới quen dẫn đi bia ôm. Trong quán, các phòng được ngăn bằng vách nhẹ, cửa mở toang hoang, muốn em nào lại ngồi uống bia với mình thì mời. Người bạn dặn “chỉ được nói chuyện thôi, cấm ôm, và quờ quạng…”
Thế mà trong lúc nhậu nó thoải mái ôm eo, vuốt tóc, tình tứ với một em. Tôi hỏi nhỏ, “sao mày làm được mà lại cấm tao?” Nó nói “đây là bồ ruột của tao, ‘tình thương mến thương’ lâu rồi mới được thế.” “Đểu” hết sức! “Đểu” nhất là lúc tính tiền. Một chai bia khách uống 5 đô, mời một em tiếp viên ngồi với mình uống một chai, dung tích chỉ bằng nửa chai bình thường, quán tính 20 đô. Mời các em một chai champagne mới thấy mình ngu. Giá chai champagne này ở ngoài chừng 99 cent, họ “chém” 100 đô.
Một em cười thật tươi như vừa câu được con cá mập, cầm cái chai champagne lắc khí thế cho lên bọt, xong vặn sợi dây kim loại ở cái nắp để mở. Sau tiếng “bốp”, cái nút bần văng ra, rượu phun như suối, nhưng chảy hết xuống sàn, rót lại chưa đầy hai ly. Nhìn ly champagne mà không dám uống luôn, tới 50 đôla… cho nửa ly! Thằng bạn tôi trả tiền. Nó đếm tiền “rột rột” nghe đứt ruột. Hai thằng chỉ gọi một dĩa trái cây và mời hai em gái ngồi nói chuyện chừng hơn một tiếng đồng hồ mà mất đứt… hơn 600 đôla! Tôi “hận” quá, thề không đến nữa.
Chắc có nhiều người thề như tôi nên mấy quán loại này thời gian sau đóng cửa sạch.
Ngày xuân em đi lễ chùa (ảnh: Leonard Ortiz/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)
4.
Giờ Bolsa có quán “hát cho nhau nghe”. Nhiều lắm, từ bình dân đến sang trọng. Quán nào cũng cố giữ khách bằng nhiều cách, chẳng hạn phải có một vài món “ngon không đụng hàng”. Nữ tiếp viên ngồi chơi phải biết uống chút bia, ăn nói lanh lợi, hoạt bát để anh nào cũng tưởng “ẻm thích mình rồi”, để đến khi đi về không quên nhét tay ẻm vài chục tiền bo.
Mấy cô tiếp viên quán nhậu thường mặc đồ “mát mẻ”, đi tới đi lui, lâu lâu xà vào bàn nói chuyện với khách dăm ba câu, cụng ly, gắp mồi,… đừng thấy thế mà tưởng mấy cổ “gạ tình”. Đa số dân nhậu đều hiểu như thế. Tôi hỏi nó “lần nào về đây mày cũng thích đi ra quán nhậu vậy?”, nó nói nó thích không khí ở đó, bên nó ở không có. Nó nói: “Bên tao, một hai tháng bạn bè mới gặp nhau một lần, chỉ nhậu ở nhà một thằng nào đó thôi chứ đâu có quán xá như bên này. Karaoke thì nhà nào cũng có dàn xịn, nhưng hát riết cũng chán, không như bên này, ra quán lên sân khấu hát đã hơn nhiều.”
Hát ở quán khác với hát ở nhà. Hát karaoke ở nhà, tên nào hát dở, sai nhịp là “cấm cửa”, hoặc năn nỉ “tao lạy mày, cứ nhậu thoải mái, chỉ xin đừng hát.” Nếu nó hỏi tại sao thì trả lời rằng “tao sợ hàng xóm nghĩ nhà mình đang thọc tiết heo, gọi police tới thì phiền.” Hát ở quán có cái phiền hà khác, khi phải nghe một ông nào đó có giọng “ống pô”. Chỉ tội cho anh keyboard “lội” theo vã mồ hôi hột. Đó là hành động tra tấn “tàn ác” nhất của thế kỷ 21 trong quán nhậu. Anh chơi keyboard không “cứng cựa” và điềm tĩnh thì mỗi lần gặp giọng ca “nhựa đường” như thế, chắc ảnh đập cái keyboard rồi nghỉ luôn.
Rất may là điều này chưa xảy ra bao giờ.
5.
Đây là lý do bạn tôi chọn Bolsa là nơi để về ăn Tết: “Ở bên tao, đêm ba mươi Tết cũng như ngày thường, chẳng có chút không khí thiêng liêng gì cả, mình cứ phải tưởng tượng ra.” Nghe nó nói thật cảm động. Đêm Giao thừa, tôi dẫn nó đi chùa. Nó nói đi chùa cho lòng thanh tịnh, tôi nói mày muốn thanh tịnh thì đi chùa ngày thường, chứ đến đó đêm Giao thừa, lòng mày “ngổn ngang” lắm! Nó có vẻ không hiểu.
Sân chùa đông như kiến, chen lấn mãi mới vào được chánh điện, nhang khói mù mịt, cứ sợ người ta vô ý chích nhang vào người. Vừa cúng Phật xong cũng đến lúc countdown. Nó chắp tay lâm râm khấn vái chờ thời khắc chuyển giao, với lòng thành tâm. Tiếng pháo nổ giòn như muốn xua đuổi cái xui của năm cũ; đón may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Nó hồi tưởng về cái Tết xưa, khi nhóm bạn học chúng tôi cùng đón Giao thừa rồi kể cho nhau nghe những ước mơ.
Ngoài sân chùa mọi người chen nhau nhận lộc từ sư trụ trì và hai vị dân biểu trên sân khấu. Có lẽ đông quá, lại muốn cho nhanh, hai vị cầm một nắm “lộc” ném về phía đám đông như “ban phát lộc trời”. Thằng bạn tôi trố mắt nhìn rồi nói như hét vào tai tôi: “Họ chỉ là những người dân cử thôi mà bày đặt ‘bố thí lộc’; thế này thật quá đáng, vung vẩy tiền như ‘quan’ bố thí cho dân nghèo.” Nó nói làm tôi cũng thấy nhột, vì tôi từng bỏ phiếu cho hai vị dân cử này.
Chợt nó đổi đề tài: “Chiều nay đi quán em Xuân nghe!” Tôi nói “mới đi hồi chiều qua rồi, đi chi nữa?”. Nó bảo “chiều qua là năm cũ, hôm nay là Tết mà. Mình đến khai trương quán cho mấy ẻm vui. Với lại, em Xuân nói ẻm có món dưa xào lòng ngon lắm!” Tôi phá lên cười làm nó trố mắt ngạc nhiên. Chẳng lẽ lại kể sự tích món dưa xào lòng ở Việt Nam cho nó nghe?
Pham Đình Trọng
______
Bolsa là tên con đường chính của thủ phủ Little Saigon, Nam California. Dần dần Bolsa trở nên quen thuộc với người Việt hải ngoại và thành địa danh riêng, để chỉ chung vùng Little Saigon.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét