Phước Lộc Thọ
Người miền Bắc bảo là PHÚC 福, còn người miền Nam thì nói là PHƯỚC. Hữu Phúc 有福 là Có Phước, mà Có Phước là có Tất cả ! Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" chữ PHÚC thuộc dạng chữ Hình Thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :
Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Ta thấy :
Chữ PHÚC 福 là do bộ THỊ 礻= 示 là Biểu Thị 表示 có nghĩa là "Bày tỏ, là Tỏ ra"; và chữ PHÚC 畐 có nghĩa là "Đầy đủ, Sung túc". Nên chữ PHÚC 福 được đọc theo âm chữ PHÚC 畐 là Đầy đủ, nên gọi là chữ Hình Thanh. PHÚC 福 còn có nghĩa Hội Ý là : "Tỏ ra đầy đủ sung túc". Vâng, "Tỏ ra đầy đủ sung túc" là "Có Phước" rồi !
Đó là nói theo sách giáo khoa và tự điển giảng về chữ PHÚC 福, còn đối với dân gian thì bà con ta nhìn Bộ THỊ 礻 thành Bộ Y 衤= 衣 là Y PHỤC 衣服 có nghĩa là "Áo Quần". Còn chữ PHÚC 畐 nhìn từ trên xuống là : Chữ NHẤT 一 chữ KHẨU 口 rồi chữ ĐIỀN 田. NHẤT KHẨU ĐIỀN 一口田 có nghĩa là :"Một thửa Ruộng". Nên mới chiết tự chữ PHÚC 福 thành : NHẤT BÁN Y SAM NHẤT KHẨU ĐIỀN 一半衣衫一口田. Có nghĩa là : Một nửa là ÁO XỐNG (Y sam), nửa kia là MỘT THỬA RUỘNG. Với hàm ý là : Có quần áo để mặc, có ruộng để cày; Cũng có nghĩa là "Có cơm ăn áo mặc là đã CÓ PHƯỚC rồi !". Nên ...
CÓ PHÚC là CÓ PHƯỚC, là có cuộc sống sung túc đầy đủ cơm ăn áo mặc; Nhưng dần dà theo nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống, nên chữ PHÚC cũng được nhân rộng ra thành nhiều mặt để đáp ứng lòng tham không đáy của con người. Như trong ngày Tết âm lịch, ta thường thấy người ta hay dán bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 lên ngay trước cửa ra vào và thường hay chưng một cành hoa mai, vì hoa mai nở ra năm cánh tượng trưng cho năm điều Phước, gọi là MAI KHAI NGŨ PHÚC 梅開五福. Năm điều PHƯỚC mà mọi người hằng mơ ước đó là :
Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh.
寿, 富, 康寜, 攸好德, 考终命。
Có nghĩa :
Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, được tiếng có đức tốt và chết an lành, là thiện chung. Nói cho gọn lại là : Thọ 壽, Phú 富, Khang 康, Đức 德 và Thiện 善. Đó là 5 cái phước mà mọi người thời xưa đều mong mỏi. Còn bây giờ thì sao ? Xã hội ngày một thay đổi và tiến hóa, nên mơ ước và mong mỏi của con người cũng có khác. Theo như sưu tầm tìm thấy trên mạng thì NGŨ PHÚC của hiện nay là : Hòa hài 和諧,Hưng vượng 興旺,Phú qúy 富貴,Bình an 平安,Kiện khang 健康。Có nghĩa là : Gia đình hòa thuận, Làm ăn phát đạt, Trở nên giàu sang, Gia đình bình an và Mọi người đều khỏe mạnh. Rất thực tế và rất phù hợp với cuộc sống của xã hội trước mắt.
CÓ PHƯỚC còn có nghĩa là "Tránh khỏi được những xui xẻo tai nạn làm thương tổn đến bản thân hay gia đình" Nên ông bà xưa thường nói là :
有福傷財, Hữu PHÚC thương tài,
無福傷己。 Vô PHÚC thương kỷ.
Có nghĩa :
- CÓ PHƯỚC thì chỉ bị thương tổn mất mát về tiền của tài sản mà thôi, Còn...
- Không CÓ PHƯỚC thì sẽ bị thương tổn đến bản thân, sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng của mình nữa.
Ông bà ta thường nói : Của đi thay ngưởi mà!
PHÚC 福 còn có nghĩa là May Mắn. Như PHÚC TINH 福星 là Ngôi sao may mắn. Ta có thành ngữ PHÚC TINH CAO CHIẾU 福星高照 để chỉ những người thật may mắn, luôn luôn có một ngôi sao may mắn từ trên cao chiếu xuống, nên làm việc gì cũng thuận lợi suông sẻ, kể cả đầu tư, kinh doanh, cờ bạc... Còn ...
NHẤT LỘ PHÚC TINH 一路福星. Thành ngữ nầy vốn dĩ dùng để chỉ một ông quan tốt, như là một ngôi sao may mắn đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Có xuất xứ từ bài viết《Tiên Vu Tử Tuấn hành trạng 鲜于子骏行状》 của Tần Quan đời Tống 宋·秦觀 như sau :
TẦN QUAN 秦觀 tự là Thiếu Du 少游, danh sĩ đời nhà Tống, kể lại chuyện Tiên Vu Tử Tuấn được bổ nhiệm đi làm Chuyển Vân sứ lộ Kinh Đông; Vì là một vị quan thanh liêm hết lòng lo cho dân, nên trước khi đi Tư Mã Quang đã than rằng :" PHƯỚC TINH đã đi rồi ! Nếu như triều đình có được một trăm người như Tử Tuấn thì các nơi sẽ tốt biết mấy !" Vì thế mà mọi người đều gọi Tử Tuấn là NHẤT LỘ PHÚC TINH và làm thơ ca ngợi như sau :
福星一路之歌謠, PHÚC TINH NHẤT LỘ chi ca dao,
生佛萬家之香火。 Sanh Phật vạn gia chi hương hỏa.
Có nghĩa :
PHÚC TINH NHẤT LỘ ngợi ca,
Là thân Phật sống vạn nhà khói hương.
Trong tác phẩm "SÃI VÃI", cụ Nguyễn Cư Trinh đã cho bà VÃI khen ông SÃI như sau :
Ông nầy tu luyện, có chí anh hùng:
Thuộc sử kinh chứa để đầy lòng;
Mang y bát chơn truyền phải mặt.
Dầu chẳng “VẠN GIA SANH PHẬT”,
Cũng là “NHẤT LỘ PHÚC TINH”...
Nhưng sau nầy dùng rộng ra thì NHẤT LỘ PHÚC TINH còn dùng để người ở lại chúc cho người đi xa được "May mắn suốt cuộc hành trình".
Còn...
PHƯỚC TƯỚNG 福將 là chỉ các Tướng lãnh may mắn, hễ ra trận là đánh thắng, gặp nguy hiễm cũng thoát nạn không chết. Tiêu biểu như 3 ông tướng sau đây :
* Triệu Vân 趙雲(?—229)là Thường Sơn Triệu Tử Long 常山趙子龍, một trong Ngũ Hổ Tướng của Lưu Bị thời Tam Quốc. Ông là vị tướng trăm trận trăm thắng và chưa hề bị thương lần nào kể cả trận chiến ở Đương Dương Trường Bản, ra vào bảy lần trong vòng vây mấy vạn quân của Tào Tháo lại phải phò ấu chúa, nhưng vẫn an toàn về đến trại mà không hề có thương tích gì cả ! Trên 70 tuổi mới mất vì bệnh.
* Trình Giảo Kim 程咬金(589-665)trong Tùy Đường Diễn Nghĩa gia nhập Ngõa Cang Trại, Ba búa cướp hoàng cống (tiền thuế cống nạp cho vua) làm phản ở Sơn đông, xưng là Hỗn Thế Ma Vương... Sau theo Tần Vương Lý Thế Dân lần lượt đánh bại Tống Kim Cương, Đậu Kiến Đức, Vương Thế Sung... lập được nhiều công trạng, được phong làm Lỗ Quốc Công khi Đường Thái Tông lên ngôi. Qua sự kiện Võ Hậu soán ngôi, Tiết Cương làm phản, mãi cho đến khi Lý Đán đăng cơ là Đường Tuấn Tông (662) Trình Giảo Kim mới cười chết ở tuổi 148 (Theo chính sử thì Trình Giảo Kim chỉ sống đến 76 tuổi mà thôi).
* NGƯU CAO 牛皋(1087—1147): Cũng là một PHÚC TƯỚNG truyền kỳ có nhiều thành tích giống như là Trình Giảo Kim vậy. Ngưu Cao là bạn kết nghĩa của danh tướng Nhạc Phi. Khi Nhạc Phi mất, Ngưu Cao theo giúp con của Nhạc Phi là Nhạc Lôi đi bắc chinh để đánh Kim Ngột Truật. Cao đã mấy lần giúp cho đoàn quân gặp dữ hóa lành, cuối cùng đại phá Ô Long Trận, cởi trên mình Kim Ngột Truật làm cho Kim Ngột Truật giận qúa mà tức chết và bản thân Ngưu Cao đắc ý nên cũng phá lên cười lớn rồi cũng... chết luôn !
Triệu Tử Long Trình Giảo Kim Ngưu Cao
Đó là ba PHƯỚC TƯỚNG tiêu biểu của 52 bộ Truyện Tàu ngày xưa do nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã khoảng thập niên 1950 đã xuất bản và bán đầy cả Sài Gòn Chợ Lớn và Nam Kỳ Lục Tỉnh. Còn...
PHÚC TƯỚNG 福相 : Chữ TƯỚNG nầy là TƯỚNG MẠO 相貌; nên PHÚC TƯỚNG có nghĩa là :"Người có tướng mạo phúc hậu, hiền lành, dễ thương"...
* ĐÀN ÔNG có PHÚC TƯỚNG là người có khuôn mặt đầy đặn nhân từ, tánh tình hòa hoãn đôn hậu trầm tĩnh, dễ thân cận.
* ĐÀN BÀ có PHÚC TƯỚNG là Đàn bà có khuôn mặt dễ nhìn, "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" là người có tính tình nhân hậu hòa ái, vượng phu ích tử.
Nói thực tế một chút, người có PHÚC TƯỚNG phải là người có gia thế hơn người, tài mạo hơn người một chút, thì mới thể hiện được cái PHÚC của TƯỚNG MẠO. Chớ nghèo khổ bửa đói bửa no, nợ đòi con khóc, chạy gạo hằng ngày, mặt ủ mày chau, thì làm sao có PHÚC của TƯỚNG cho được ! Trong Truyện Kiều, khi Kim Kiều mới lần đầu tiên hẹn ước, vừa gặp gỡ nhau Thúy Kiều đã đánh giá Kim Trọng là :
Nàng rằng : Trộm liếc dung quang,
Chẳng sân Ngọc Bội, cũng phường Kim Môn.
Rồi khi Kim Trọng nhờ Thúy Kiều đề thơ lên trên bức họa của mình, Thúy Kiều đã rất tài hoa thiện nghệ với "Tay tiên gió táp mưa sa, khoản trên dừng bút thảo và bốn câu" khiến cho Kim Trọng phục sát đất và thốt ra lời khen rất thành thực là :
Khen tài nhả ngọc phun châu,
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế nầy.
Kiếp xưa tu ví chưa dầy,
PHÚC nào bắt được giá nầy cho ngang ?!
Nên PHÚC còn là việc làm tốt, là cái âm đức, cái PHƯỚC PHẦN 福分 của con người do hành vi việc làm của mình hay của cha ông dòng họ mình làm, tạo nên cái Phần Phước mà mình được hưởng hay phải chịu hưởng. Khi nhảy xuống sông Tiền Đường để quyên sinh, thì hồn ma của Đạm Tiên lại hiện ra báo mộng nói với Thúy Kiều là :
Chị sao PHẬN MỎNG PHÚC DẦY,
Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai ?
Tâm thành đã thấu đến trời,
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân...
PHÚC DẦY là do biết bán mình để trả hiếu cho cha mẹ và do khuyên Từ Hải quy hàng triều đình để tránh cảnh chiến tranh làm cho dân lành phải lầm than chết chóc . Nên chi ...
Đoạn trường sổ rút tên ra,
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
Duyên xưa đầy đặn, PHÚC SAU dồi dào !
Và cũng giống như lời Tam Hợp đạo cô tiên đoán với sư Giác Duyên về thân phận của Thúy Kiều :
Sư rằng :"PHÚC HỌA đạo trời,
Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là CỖI PHÚC, tình là dây oan !
Đạm Tiên và Thúy Kiều
PHÚC còn là cái điềm báo trước về những điều may mắn sắp xảy ra, như câu thành ngữ PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi điều Phước sắp đến tự nhiên lòng con người cảm thấy linh động, thoải mái hơn, nên quyết định chuyện gì cũng nhanh nhạy sáng suốt và đúng đắn hơn. Câu nói nầy có xuất xứ từ《Tư Trị Thông Giám 資治通鑑· Ngũ Đại hậu Hán Cao Tổ Thập nhị niên 五代後漢高祖天福十二年》: "Bỉ ngữ hữu chi : Phúc chí quy linh, họa lai thần mị 鄙語有之:福至歸靈;禍來神昧"。Có nghĩa : "Tục ngữ có câu rằng : Hễ phước đến thì sự linh động sẽ trở về, và hễ họa đến thì tâm thần bị ám muội u mê". Nên...
PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi cái điềm may mắn đã đến thì nghĩ gì sẽ được nấy, làm gì cũng sẽ thành công, toan tính làm sao thì sẽ được làm vậy !
Nhớ hồi nhỏ, khi mới vừa lỏm bỏm học được vài chữ Nho, thì một hôm ông Sáu hàng xóm đã chặn lại hỏi rằng : Mầy học chữ Nho chứ có biết câu "Cuốc đất trồng khoai, Quạ vô ăn bí" không ? Tôi rất ngạc nhiên và không hiểu gì cả, bèn chạy đi hỏi thầy. Thầy cười và bảo rằng : Ông Sáu chỉ hỏi cho vui thôi, đó chính là câu :
福不重來, Phúc bất trùng lai,
禍無單至。 Họa vô đơn chí.
Có nghĩa :
- PHƯỚC chẳng đến rồi lại đến nữa, còn...
- HỌA thì không đến đơn độc một mình.
Ý là :
Chuyện PHƯỚC là chuyện may mắn, chuyện tốt, ít khi đến hai ba lần cùng một lúc; còn chuyện xui chuyện rủi thì cũng ít khi xảy ra đơn độc mà thường thì hết chuyện xui nầy đến chuyện xui khác xảy ra liên tục luôn.
Đây là kinh nghiệm đã từng trải trong cuộc sống hằng ngày của ông bà để lại, để khuyên răn và cảnh giác con cháu đừng qúa vui vẻ khi đắc ý mà quên mất hiện tại; cũng như phải luôn luôn đề phòng sẵn sàng đón nhận những chuyện xui rủi không may thường xảy ra một cách liên tục !
Cũng câu nói trên, nhưng người Hoa thì nói thành :
福無雙至, PHÚC vô song chí,
禍不單行。 HỌA bất đơn hành.
Có nghĩa :
- PHƯỚC không đến một đôi (hai lần), còn...
- HỌA thì không đi đơn độc.
Nói cách nào thì cũng diễn cùng một ý như trên mà thôi. Thường thì PHÚC HỌA, HỌA PHÚC hay đi liền với nhau và nhất là hay xảy ra một cách bất chợt khiến cho người ta đôi lúc không kịp trở tay. Nên ông bà lại cảnh giác :
天有不測風雨, Thiên hữu bất trắc phong vũ,
人有旦夕禍福。 Nhân hữu đản tịch họa phúc.
Có nghĩa :
- Trời thì có mưa gió thất thường, còn...
- Người thì có họa phước sớm chiều.
Nhiều lúc vừa thấy nắng ráo đó, bỗng nhiên nổi gió và đổ mưa ngay; Cũng như niềm vui mới đến từ buổi sáng đó thì buổi chiều đã có chuyện buồn rầu lo lắng ập đến ngay rồi. Sự BẤT TRẮC của Gió Mưa và Họa Phước là không thể lường trước được. Như gia đình của Vương Viên Ngoại trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, mới vừa vui vẻ, khi ...
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về,
và...
Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
thì...
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
rồi...
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình !
Ta thấy, mới dự tiệc vui vẻ về đó, vừa tới nhà đã bị sai nha trói gô lại ngay. Quả là HỌA PHÚC BẤT THƯỜNG 禍福不常. Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều lý luận một cách cao xa hơn theo thuyết của Lão Trang là :
Quyền HỌA PHÚC trời tranh mất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai,
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm !
PHÚC 福 còn đi với LỘC 祿 thành PHÚC LỘC 福祿, là vừa có Phước vừa có Lộc. Thực ra trong chữ PHÚC đã có sẵn chữ LỘC trong đó rồi. Vì LỘC 祿 là Bổng Lộc 俸祿, mà Bổng Lộc ngày xưa là Lương Thực, còn Bổng Lộc ngày nay là Tiền Lương. Chức vụ càng cao thì Bổng lộc càng nhiều. Nên "Có phước" mới "có Lộc" và ngược lại "Có lộc" tức là đã "Có phước" rồi đó. Nên ta lại có thành ngữ...
PHÚC LỘC SONG TOÀN 福祿雙全 là Phước và Lộc đều đầy đủ cả, có nghĩa tiền tài danh vọng, của cải vật chất và tiếng tăm đều đầy đủ. Trong Truyện Kiều để kết thúc câu chuyện cho có hậu, cụ Nguyễn Du đã viết về gia đình Kim Trọng như sau :
Một nhà PHÚC LỘC gồm hai,
Nghìn năm vằng vặc quan giai lần lần.
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc một sân quế hòe.
Ông bà ta thường nói "Có PHƯỚC làm quan, có GAN làm giàu". Nhưng trong thời buổi hiện nay, chỉ cần có PHƯỚC để làm quan thôi. Làm quan rồi không có GAN vẫn làm giàu được như thường ! Như tất cả các quan lớn quan nhỏ hiện nay ở Việt Nam đều cất biệt phủ hoặc lâu đài, chứ không ông quan nào thèm cất "nhà" nữa cả
Phúc Lộc Song Toàn
Có PHƯỚC có LỘC rồi, nghĩa là có giàu sang phú qúy danh vọng rồi, thì con người ta lại muốn sống lâu để hưởng thụ; tức là muốn có thêm THỌ 壽 nữa cho đủ bộ TAM VỊ CÁT TINH 三位吉星 là PHÚC LỘC THỌ 福祿壽 như câu đối Tết ngày xưa ở quê tôi : Cái Răng, Ba láng, Vàm Xáng, Phong Điền... của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh là :
福祿壽三星拱照, PHÚC LỘC THỌ tam tinh củng chiếu,
天地人四海同春。 Thiên Địa Nhân tứ hải đồng xuân.
Có nghĩa :
- Ba sao Phước Lộc Thọ cùng chiếu về nơi đây,
- Trời Đất Người bốn biển cùng đón xuân sang.
nên...
PHÚC 福 cũng đi đôi với THỌ 壽 thành cặp đôi PHÚC THỌ SONG TOÀN 福壽雙全 là Có đầy đủ cả PHƯỚC và THỌ. Như ta đã biết ở phần đầu của bài viết là trong NGŨ PHÚC 五福 đã có cả LỘC 祿 và THỌ 壽 trong đó rồi; Nên HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽 Có Phước Có Thọ chỉ là một lời chúc nói cho tròn trịa đầy đủ êm tai cho dễ nghe mà thôi. Lời chúc nầy lại làm cho ta nhớ lại giai thoại giữa Tô Tiểu Muội 蘇小妹 và Tần Thiếu Du 秦少游 như sau :
Tô Tiểu Muội 蘇小妹 tên thật là Tô Chẩn 蘇軫, em gái của Tô Đông Pha 蘇東坡, tuy mang tiếng là xấu gái, nhưng văn tài thì vang vội khắp nơi. Rất nhiều vương tôn công tử ngắm nghé cầu hôn. Tô Tiểu Muội có định lệ là hễ ai muốn cầu hôn thì phải nạp văn bài của mình cho nàng xem trước.
Lúc bấy giờ, có một thư sinh họ Tần 秦 tên Thiếu Du 少游, cũng thuộc gia đình thế phiệt trâm anh, cũng nổi tiếng văn hay chữ tốt. Thiếu Du cũng định nộp bài của mình cho Tiểu Muội, nhưng nghe đồn nàng ta trán vồ, mặt dài, xấu gái, nên còn do dự.
Một hôm, dọ biết tin là Tô Tiểu Muội sẽ đi lễ chùa vào ngày rằm sắp tới. Thiếu Du bèn quyết định cải trang thành một đạo sĩ, để tận mắt xem nàng ta xấu đẹp ra sao.
Hôm đó, đứng xa xa nhìn thấy Tiểu Muội từ trên kiệu bước xuống, dáng người yểu điệu thướt tha, tuy trán có hơi vồ, mặt có hơi dài, nhưng rất thanh tú, tuy không gọi được là giai nhân, nhưng trông cũng trang nhã, tươi trẻ, thanh thoát khác thường. Nhan sắc thì cho qua rồi, còn văn tài thì sao ?. Phải đích thân thử một chuyến mới được.
Quyết định xong, chàng bèn đợi khi Tiểu Muội vừa lễ Phật xong bước ra khỏi chánh điện, thì chàng cũng bất thần bước tới, những người tùy tùng chưa kịp cản ngăn, thì chàng đã chấp tay xá dài, miệng thì đọc :
"Tiểu thư hữu phúc hữu thọ, nguyện phát từ bi"
小 姐 有 福 有 壽 , 愿 发 慈 悲 。
Có nghĩa :
- Tiểu thơ ơi, cô có phước có thọ, mong cô mở lòng từ bi.
Tô Tiểu Muội nhìn thấy một ông đạo sĩ non choẹt, da mặt hồng hào, không có vẻ khắc khổ của một nhà tu hành gì cả, thì biết ngay là có ý trêu mình, bèn đáp :
"Đạo nhân hà đức hà năng, cảm cầu bố thí "
道 人 何 德 何 能, 敢 求 布 施。
Có nghĩa :
- Ông đạo có tài gì, đức gì, mà dám xin ta bố thí.
Đáp xong, Tiểu Muội bèn bước xuống bậc tam cấp. Thiếu Du vội vàng bước theo đọc tiếp :
"Nguyện tiểu thư thân như dược thọ, bách bệnh bất sinh,"
愿 小 姐 身 如 藥 樹, 百 病 不 生 。
Có nghĩa :
- Mong tiểu thơ mình như cây thuốc, trăm bệnh không sanh.
Đây là câu nói nịnh để tán tỉnh tiểu thơ . Tô Tiểu Muội bèn đáp rằng :
"Tùy đạo nhân khẩu xuất liên hoa, bán văn bất xả."
随 道 人 口 出 蓮 花, 半 文 不 捨 。
Có nghĩa :
- Cho dù đạo nhân có nói ra được bông sen, thì nửa đồng điếu cũng không cho nữa. (Khỏi mắc công phải nói nhiều!).
Đáp xong bèn quay mình đi thẳng ra kiệu, Thiếu Du lại vội vàng bước theo vớt một cú chót :
"Tiểu nương tử nhất thiên hoan hỉ, như hà triệt thủ bảo sơn?"
小 娘 子 一 天 歡 喜, 如 何 撤 手 寶 山 。
Có nghĩa :
- Này cái nàng nho nhỏ kia ơi, hôm nay được một ngày vui vẻ, sao lại nở giữ chặc hầu bao thế kia ? (Triệt Thủ 撤手 là Giữ chặc tay. Bảo Sơn 寶 山 là Núi châu báo, ở đây chỉ Túi tiền).
Tô Tiểu Muội vừa bước lên kiệu vừa mắng vọng xuống :
"Phong đạo nhân nhậm địa tham si, na đắc tùy thân kim huyệt."
瘋 道 人 恁 地 貪 痴, 哪 得 随 身 金 穴。
Có nghĩa :
- Ông đạo nhân khùng kia, ông còn tham sân si như thế, thì làm sao mà thành chánh quả cho được. (kim Huyệt 金 穴 là Huyệt Vàng nơi để chôn những người tu hành đắc đạo).
Tần Thiếu Du đứng nhìn theo sau kiệu, cởi áo mão đạo sĩ đưa cho tiểu đồng đứng bên cạnh, cười rằng : "Phong đạo nhân" mà đối được với "Tiểu nương tử" thì cũng vinh hạnh lắm thay.!
Sau khi đã biết được tài sắc của Tô Tiểu Muội rồi, Tần Thiếu Du quyết định nộp quyển văn bài của mình cho nhà họ Tô để cầu hôn. Khoa thi năm đó, chàng lại đậu Tiến sĩ, và Tô Tiểu Muội cũng chọn đúng quyển văn bài của chàng, mặc dù khi đưa các quyển văn bài cho con gái, Tô Lão Tuyền đều gỡ đi trang bìa có tên họ của người cầu hôn. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa, chàng Thiếu Du nhà ta phen nầy một bước lên mây nhé.
Do câu chúc "HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽" mà làm nên mối lương duyên giữa tài tử và giai nhân, âu cũng là một giai thoại đáng được để đời.
Tần Thiếu Du và Tô Tiểu Muội
Trở lại với chữ...
PHÚC 福 là PHƯỚC, ta lại có chữ CHỈ 祉 cũng là PHƯỚC, nên từ kép PHÚC CHỈ 福祉 ngày xưa thường dùng để chỉ những điều may mắn, ân huệ, hạnh phúc do Vua Chúa, Thượng Đế, Thần Thánh, Tiên Phật ban cho con người. Có xuất xứ từ bài thơ Lục Nguyệt, chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi《詩·小雅·六月》:Tả lại hiền thần Doãn Cát Phủ dẫn quân bắc phạt chiến thắng rợ Hiểm Duẫn 玁狁, là bộ tộc Hung Nô thời thượng cổ, nên mở tiệc ăn mừng, tất cả các tướng sĩ đều được hưởng cái PHÚC CHỈ, tức cái ân huệ nầy của vua ban. Trong bài thơ có câu “Cát Phủ yến hỉ, Ký đa thụ CHỈ 吉甫燕喜,既多受祉。” Có nghĩa :
Cát Phủ mở tiệc ăn mừng,
Tất cả tướng sĩ đều cùng hưởng ơn.
Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông đã cho ông SÃI luận về chữ TU như sau :
... Tu cung, tu kính; tu tín, tu thành.
Đã phải đạo tu hành, lại thêm nền PHƯỚC CHỈ.
Tự nhiên: đắc lộc, đắc vị; đắc thọ, đắc danh.
Đắc phú quý hiển vinh. Ấy Thiên đàng là đó...
Còn PHƯỚC CHỈ của ngày nay tức là chính sách về chương trình của AN SINH XÃ HỘI. Có xuất xứ từ "Tuyên Ngôn Đồng Minh Hội" của Tôn Trung Sơn tiên sinh 孫中山先生《同盟會宣言》là :“Phục tứ thiên niên chi Tổ quốc, Mưu tứ vạn vạn nhân chi PHÚC CHỈ 復四千年之祖國,謀四万万人之福祉”. Có nghĩa : "Phục hồi lại Tổ quốc của bốn ngàn năm và Mưu cầu HẠNH PHÚC cho bốn trăm triệu dân". (Đầu thế kỷ 20 khoảng thập niên 1900-1910 dân số Trung Hoa chỉ khoảng bốn trăm triệu mà thôi).
Trước mắt, Đài Loan và Nhật Bản vẫn còn sử dụng bốn chữ XÃ HỘI PHÚC CHỈ 社會福祉 để chỉ chương trình AN SINH XÃ HỘI của dân chúng trong nước. Mưu cầu PHÚC LỢI 福利 cho trẻ em, người già và người tàn tật nghèo khổ có hoàn cảnh khó khăn.
PHÚC 福 là PHƯỚC, Phước Lớn không gọi là ĐẠI PHÚC 大福 (vì ĐẠI PHÚC 大腹 theo Tập Quán Ngôn Ngữ của chữ NHO có nghĩa là BỤNG BỰ), Phước Lớn phải gọi là HỒNG PHÚC 洪福 . Chữ HỒNG 洪 nầy có ba chấm thủy ở bên trái là Hồng Thủy 洪水, là nước lụt mênh mông, Nên HỒNG PHÚC là PHƯỚC nhiều mênh mông như là một cơn Hồng Thủy vậy. Thế nhưng lòng tham của con người thấy còn chưa đủ, nên lại phát sinh thêm thành ngữ HỒNG PHÚC TỀ THIÊN 洪福齊天. Có nghĩa : PHƯỚC đã như nước đại hồng thủy mênh mông rồi, bây giờ lại muốn lên ngang bằng với TRỜI luôn; là PHƯỚC LỚN BẰNG TRỜI ! Qủa là lòng tham không đáy.
PHÚC ÂM 福音 là "The Gospel". Từ Phúc Âm bắt nguồn từ một danh từ Tiếng Hy-lạp là εὐαγγέλιον euangelion (Có nghĩa : Tin tức vui mừng hay tốt lành) và động từ euaggelizo (loan báo tin mừng/tin lành). Đây là từ chuyên dùng của Thiên Chúa Giáo, là thông điệp về Nước Trời (Vương quốc của Thiên Chúa), và về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, cũng như về sự hòa giải của loài người với Thiên Chúa.
Theo thực tế địa lý của Trung Hoa và Việt Nam thì hướng đông của hai nước đều tiếp giáp với Thái Bình Dương mênh mông vô tận. Vì thế mà người Hoa và người Việt đều cho Biển Đông là biển lớn nhất trên đời, nên lại chúc nhau bằng câu : PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI 福如東海 ! Và những người sống được MỘT HOA GIÁP (60 năm) trở lên thì lại được mừng THỌ bằng đôi câu đối sau đây :
PHÚC như Đông Hải, 福如東海,
THỌ tỉ Nam Sơn. 壽比南山。
Có nghĩa :
- PHƯỚC lớn như Biển Đông mênh mông, và...
- THỌ thì cao bằng với Núi Nam ngất ngưỡng !
Ai cũng mong mỏi cho CÓ PHƯỚC, ĐƯỢC PHƯỚC, làm sao cho PHƯỚC đến nhà, nên tìm hết cách nầy cách kia để thể hiện là PHƯỚC đang đến nhà mình, đang ở nhà mình . Ngoài việc viết chữ PHƯỚC 福 thật to dán ở ngay trước hai cánh cửa hay viết bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 dán ngang trước cửa nhà ra, một số người còn DÁN NGƯỢC chữ PHƯỚC ngay cửa ra vào. Vì âm Quan Thoại của tiếng Hoa chữ ĐÁO 到 là ĐẾN với chữ ĐÃO 倒 là NGƯỢC đọc cùng một thanh sắc với nhau là ĐÁO (dào), nên PHÚC ĐẢO của chữ Nho thì Âm Quan Thoại đọc là PHÚC ĐÁO. Có nghĩa là PHƯỚC đã ĐẾN rồi ! Nên rất nhiều nhà đã cố ý dán ngược chữ PHƯỚC để cho mọi người đều đọc là :"PHÚC ĐÁO RỒI 福到了!"
Với Chương trình An Sinh Xã Hội trước mắt ở nước Mỹ, những người cao niên già cả đều có tiền SSI, tiền Food stamps, tiền yễm trợ y phí... nên đều có thể nói rằng vừa có PHƯỚC, vừa có LỘC nên đều sống THỌ cả ! Mong rằng tất cả các bạn già đều sống vui, sống khỏe, sống THỌ để mà hưởng hết cái PHƯỚC cái LỘC của nước MỸ nầy !
Năm hết Tết đến, cầu chúc cho tất cả mọi người, mọi nhà đều có được cuộc sống ấm no hạnh phúc và đón về đầy đủ PHÚC LỘC THỌ trong năm Giáp Thìn 2024 nầy.
Mong lắm thay !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét