Nàng Xuân. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Dù chiến sự cực kỳ sôi động trong suốt hai cuộc chiến tranh tại Việt Nam hồi thế kỷ trước, tức là Chiến Tranh Đông Dương (1946-1954) và Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), mùa Xuân vẫn là thời điểm tươi đẹp nhất trong năm của người Việt Nam ở cả hai miền Nam và Bắc.
Theo phong tục và tập quán của người Á Đông, khi Chúa Xuân xuất hiện thì tất cả các hoạt động của con người, dù hung ác đến cách mấy, cũng vẫn phải chùn bước để nhường chỗ cho những giây phút thiêng liêng về ngự trị trên ngàn cây nội cỏ và trong tầm hồn của người dân Việt Nam khắp nơi, cho dù ngay sau đó máu có tiếp tục đổ, thịt có tiếp tục rơi, và xương trắng có tiếp tục phơi trên miền quê ngoại thì người ta cũng cam lòng, như câu thơ “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” trong bài “Giục Giã” của Xuân Diệu.
Tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt là sau Hiệp Định Geneva 1954, mùa Xuân vẫn mang đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của Xuân quê hương, Xuân dân tộc và Xuân hạnh phúc như tự ngàn xưa, cho dù chiến tranh đã sớm quay lại tàn phá đất nước và giày xéo tâm hồn con người. Tiêu biểu cho tâm trạng của người dân Việt Nam trong tình huống đó là các ca khúc viết về mùa Xuân của các nhạc sĩ tài hoa có gốc gác từ miền Trung, miền Nam và miền Bắc từng di cư vào Nam sau khi cuộc Chiến Tranh Đông Dương kết thúc.
Theo các ước tính, từ khi Quốc Gia Việt Nam ra đời hồi năm 1949 cho đến khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa cáo chung vào năm 1975, có cả trăm ca khúc viết về mùa Xuân ra đời tại miền Nam Việt Nam, trong đó có ca khúc “Tâm Sự Ngày Xuân,” sáng tác của của nhạc sĩ Hoài An vào năm 1966.
Đây là một nhạc phẩm mừng Xuân mới được viết nên giữa lúc cuộc chiến tranh Quốc-Cộng đang lên cao điểm tại miền Nam Việt Nam sau khi các lực lượng Hoa Kỳ đến hỗ trợ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
“Tâm Sự Ngày Xuân” mong muốn hòa bình sẽ sớm trở về trên đất Mẹ mến yêu, niềm vui Xuân của toàn dân được trọn vẹn ý nghĩa, bởi vì mùa Xuân và Tết Nguyên Đán vẫn là thời gian đoàn tụ truyền thống của các thành viên trong mọi gia đình, khi mọi người cùng nhau vui Xuân, tạm quên đi bao hiểm nguy, gian khổ, và nhọc nhằn giữa lúc cuộc chiến tranh tàn khốc vẫn còn đang giày xéo quê hương.
“Trong thế gian đang vui mừng đón Xuân/ Chắc nàng Xuân năm nay đẹp bội phần/ Ngắm rừng hoa mai đua nở tuyệt trần/ Đổi hương thay phấn giữa đêm chờ tin báo Xuân.”
Nàng Xuân lại trở về trên quê hương yêu dấu, đẹp lộng lẫy giữa rừng hoa mai rực rỡ trên những ngọn đồi thơm ngát hương Xuân và trong những đêm Xuân trở giấc mơ màng.
“Tôi đón Xuân giữa lúc còn chiến chinh/ Chúc mừng Xuân bên ly rượu hành trình/ Chúc người trai đi xây dựng hòa bình/ Để cho đất nước vui trọn mùa Xuân thắm xinh.”
Người lính Cộng Hòa lại đón thêm một mùa Xuân khói lửa giữa tiền đồn heo hút xa xăm bên ly rượu mừng, với lời chúc an lành cho mọi người khắp chốn. Dù Xuân này các anh không về, nhưng những hy sinh và gian khổ của các anh giữa phút giao mùa này là để cho người dân lành miền hậu phương có được một mùa Xuân yên vui, hạnh phúc.
“Xuân đến mang cho muôn niềm tin/ Đất mẹ mau bình yên, ruộng cày thêm nhiều luống, hạnh phúc dâng triền miên/ Xe những mối lương duyên, mái tranh chung bóng nguyệt, gia đình lại đoàn viên.”
Nhạc sĩ Hoài An trên một bìa nhạc phẩm xuất bản năm 1957. (Hình: Tài liệu)
Như tự bao giờ, mùa Xuân đến luôn mang lại niềm tin về một ngày mai tươi sáng hơn cho đất nước và dân tộc, để cho ruộng đồng thêm nở hoa, và trai gái có được những giây phút đoàn tụ bên nhau. Mùa Xuân sẽ chuyền hơi ấm cho những cuộc tình duyên đang đơm bông, kết trái trong ước vọng về một túp lều tranh, một vầng trăng tròn mà tha thiết yêu cho hết tơ lòng.
“Xuân tới đây với muôn ngàn thiết tha/ Chúc trần gian năm nay được thuận hòa/ Với một năm Xuân vui vẻ đậm đà/ Cùng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua.”
Ôi! Tình Xuân thật là tha thiết biết bao! Xin gởi lời chúc người người một năm mới thái hòa và một mùa Xuân như ý để tạm quên đi những gian lao, khổ ải trong năm qua và để cùng nhau hướng về một mùa Xuân tươi sáng cho quê hương và dân tộc.
****
Hoài An tên thật Nguyễn Đắc Tịnh, sinh năm 1929 ở Hải Phòng, là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng với các ca khúc viết về mùa Xuân mà tiêu biểu là hai nhạc phẩm “Tâm Sự Ngày Xuân” và “Câu Chuyện Đầu Năm.”
Hằng năm, mỗi dịp Xuân về, hai ca khúc này của ông vẫn thường được cất lên như dấu hiệu mừng mùa Xuân đến cùng với hy vọng chứa chan vào một năm mới vui tươi và hạnh phúc. Nhạc sĩ Hoài An còn có một bút danh khác là Trang Dũng Phương
Chữ ký của nhạc sĩ Hoài An. (Hình: Tài liệu)
Những ca khúc viết về nông thôn của ông cũng rất thành công, như “Trăng Về Thôn Dã,” “Tình Lúa Duyên Trăng,” “Thiên Duyên Tiền Định”… Tuy nhiên, do thời cuộc biến đổi sau biến cố năm 1975, nghe nói một số bản nhạc của ông đã bị thất lạc.
Hoài An qua đời vì bệnh phổi vào ngày 15 Tháng Ba, 2012, tại nhà riêng ở quận Tân Bình, Sài Gòn, hưởng thọ 83 tuổi. Ông được an táng tại Nghĩa Trang Đa Phước ở Bình Chánh
Các nhạc phẩm nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng của Hoài An khá nhiều, trong đó phải kể đến “Câu Chuyện Đầu Năm,” “Kỷ Niệm Nào Buồn,” “Tâm Sự Ngày Xuân,” “Tấm Ảnh Không Hồn,” “Tình Lúa Duyên Trăng,” “Trăng Về Thôn Dã,” “Trước Giờ Tạm Biệt,” “Dựng Một Mùa Hoa” (với Phó Quốc Thăng), “Khúc Nhạc Thanh Bình” (với Anh Hoa), “Thiên Duyên Tiền Định” (với Trang Dũng Phương và Nguyên Lễ), “Tình Lúa Duyên Trăng” (với Hồ Đình Phương)… (Vann Phan) [qd]
Nhạc phẩm “Tâm Sự Ngày Xuân” của Hoài An
Trong thế gian đang vui mừng đón Xuân
Chắc nàng Xuân năm nay đẹp bội phần
Ngắm rừng hoa mai đua nở tuyệt trần
Đổi hương thay phấn giữa đêm chờ tin báo Xuân.
Tôi đón Xuân giữa lúc còn chiến chinh
Chúc mừng Xuân bên ly rượu hành trình
Chúc người trai đi xây dựng hòa bình
Để cho đất nước vui trọn mùa Xuân thắm xinh.
Đ.K.:
Xuân đến mang cho muôn niềm tin
Đất mẹ mau bình yên,
ruộng cày thêm nhiều luống,
hạnh phúc dâng triền miên.
Xe những mối lương duyên,
mái tranh chung bóng nguyệt,
gia đình lại đoàn viên.
Xuân tới đây với muôn ngàn thiết tha
Chúc trần gian năm nay được thuận hòa
Với một năm Xuân vui vẻ đậm đà.
Cùng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét