Lão hóa đi kèm với nhiều thách thức, đôi khi bao gồm cả những thách thức có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày chẳng hạn như trí nhớ. Với sự phổ biến của bệnh Alzheimer, một số người có thể lo lắng rằng họ đang đi trên con đường đó. Những yếu tố nào làm giảm khả năng ghi nhớ của chúng ta? Bệnh Alzheimer và chứng hay quên khác nhau như thế nào? Làm thế nào để chúng ta biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ?
<!>
Chứng hay quên là gì?
Các dấu hiệu của chứng hay quên bao gồm không thể nhớ lại những ngày tháng hoặc những cái tên quan trọng, đôi khi không thể nhớ lại những từ ngữ hàng ngày, không nhớ nơi bạn để chìa khóa xe và giảm khả năng thực hiện đa nhiệm vụ cùng lúc. Tất nhiên, những tình huống này có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng nếu việc xảy ra với sự xuất hiện thường xuyên hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc hàng ngày thì chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân.
May mắn thay, trong hầu hết các trường hợp, bản thân chứng hay quên không phải là dấu hiệu của bệnh Alzheimer nhưng vẫn có vai trò cung cấp cho chúng ta một số dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề sức khỏe khác. Đầu tiên, chứng hay quên cho chúng ta biết rằng bộ não đang già đi. Những người trên 40 tuổi dễ gặp chứng hay quên hơn. Nhìn chung, trí nhớ của con người đạt đỉnh cao ở độ tuổi 20 và có thể bắt đầu suy giảm rõ rệt hơn từ độ tuổi 50 hoặc 60. Khi chúng ta già đi, trí nhớ có thể kém đi.
Tuy vậy, những người ở độ tuổi 20 và 30 cũng có thể hay quên, do các yếu tố khác – ngoài tuổi tác – chứng hay quên cũng có thể liên quan đến lối sống của mọi người – cả trẻ và già. Thiếu ngủ có thể dẫn đến hay quên. Nếu một người không thể ngủ trung bình hơn bảy tiếng một ngày thì có thể trí nhớ của người đó có vấn đề. Rượu cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ vì rượu làm tổn thương vùng hải mã – vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ. Mất trí nhớ là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân nghiện rượu mạn tính.
Ngoài ra, bữa ăn kém lành mạnh cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, thực phẩm dồi dào chất béo và thực phẩm chế biến sẵn đều có thể ảnh hưởng đến chức năng ghi nhớ của não. Nếu thực phẩm thiếu vitamin B12 cũng dễ gây ra tình trạng sương mù não (mất ý thức).
Nguyên nhân của chứng hay quên
Người ta hay quên trong hoàn cảnh nào?
Căng thẳng tinh thần và căng thẳng mạn tính sẽ dần dần làm các tế bào thần kinh của chúng ta mệt mỏi, cản trở việc tạo ra trí nhớ mới và ảnh hưởng đến việc truy hồi ký ức của chúng ta. Hơn nữa, những sự kiện đau buồn ảnh hưởng đến cảm xúc cũng có thể làm suy giảm khả năng ghi nhớ, sự chú ý và ra quyết định của não chúng ta từ thông tin nhận được.
Lối sống hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm điện và mạng internet. Mặc dù máy tính và điện thoại di động mang đến cho chúng ta nhiều tiện ích nhưng do quá phụ thuộc vào các thiết bị cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta. Ngày nay, con người không còn nhu cầu sử dụng bộ não với công suất như xưa mà chỉ dựa vào máy tính, điện thoại di động để ghi chép, lưu trữ thông tin. Với việc giảm sử dụng này, một số chức năng của não, bao gồm cả trí nhớ, sẽ dần trở nên nhàn rỗi và yếu đi.
Đó không phải là tất cả. Thuốc lá điện tử cũng có ảnh hưởng xấu đến trí nhớ. Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng những người hút thuốc lá điện tử thường xuyên, cả người trưởng thành và thanh niên, có khả năng tập trung và trí nhớ kém hơn so với những người không hút thuốc lá điện tử ở cùng độ tuổi. Những người thường xuyên hút thuốc lá điện tử dễ bị sương mù não hơn. Triệu chứng thường gặp là suy nghĩ lộn xộn, phân tích vấn đề không rõ ràng và sắc bén.
Nếu bạn gặp vấn đề về trí nhớ ngoài chứng hay quên do tuổi tác, bạn nên xem xét liệu mình có các bệnh và vấn đề sức khỏe khác hay không như các bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer hoặc bệnh Parkinson. Ngoài ra, chúng ta cũng cần xét đến khả năng bị các khối u não, tổn thương do thiếu máu não, nhiễm trùng não cũng như các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ.
Bệnh thận cũng có thể gây ra chứng mất trí nhớ vì căn bệnh này có thể gây ra những bất thường trong tế bào máu. Trung y cho rằng “thận sinh tủy” bao gồm tủy xương và tủy não. Thận là trung tâm âm dương trong cơ thể con người và là “nền tảng bẩm sinh” hay nền tảng của sự sống. Thận âm là nền tảng của âm dịch trong toàn cơ thể, có tác dụng làm ẩm và nuôi dưỡng các cơ quan và mô.
Nếu người bị thận hư, thận tinh không đủ thì khả năng tập trung và trí nhớ cũng sẽ suy giảm. Ngoài ra, những người bị bệnh gan cũng có thể phát triển bệnh não gan, gây ra các vấn đề về trí nhớ và thị lực. Phụ nữ mang thai cũng có thể cảm thấy mình dễ bị chứng hay quên.
Một yếu tố có thể là nguyên nhân của chứng hay quên mà chúng ta cần chú ý là dược phẩm mà chúng ta đang dùng hàng ngày. Khi xuất hiện các triệu chứng mới, trước tiên bạn phải nghĩ xem liệu những biểu hiện này có phải do thuốc gây ra hay không. Cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đều có thể là thủ phạm gây ra các vấn đề về trí nhớ mới. Nhiều loại thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng acid, thuốc kháng cholinergic, thuốc chống co thắt, thuốc cảm lạnh và dị ứng có thể gây ra vấn đề về trí nhớ. Cũng có một số người sau khi trải qua hóa trị ung thư sẽ phát triển “não hóa trị,” đề cập đến tình trạng trí nhớ suy giảm sau khi hóa trị.
Biểu hiện của bệnh Alzheimer
Vậy hiện tượng mất trí nhớ nào là biểu hiện của bệnh Alzheimer thực sự? Bệnh Alzheimer chủ yếu được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Đầu tiên là tình trạng mất trí nhớ trở nên rõ ràng hơn và tiến triển dần dần. Bệnh nhân Alzheimer sẽ bắt đầu quên những người đã biết trước đây theo từng giai đoạn – đôi khi họ có thể nhận ra họ, đôi khi thì không.
Thứ hai, bệnh nhân thường cảm thấy cô đơn vào buổi tối hoặc lúc chạng vạng.
Thứ ba, đôi khi bệnh nhân sẽ trở nên hoang tưởng, ảo tưởng. Ví dụ, lo lắng về việc ai đó ăn trộm tiền của họ, cố gắng làm hại họ, v.v…
Thứ tư, hành vi của bệnh nhân trở nên rất phi lý, thậm chí như trẻ con.
Nếu một người trên 65 tuổi dần dần phát triển các triệu chứng trên và liên tục trầm trọng hơn thì rất có thể họ đã bị bệnh Alzheimer. Lúc này bạn nên được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị.
Cách cải thiện chứng hay quên hàng ngày
Có cách nào để cải thiện trí nhớ và bảo vệ chức năng nhận thức của bộ não hay không?
1. Duy trì giấc ngủ đầy đủ. Chúng ta cần phát triển và duy trì thói quen ngủ đều đặn và có được giấc ngủ chất lượng, đúng giờ.
2. Giữ cho bộ não của bạn luôn hoạt động. Chúng ta càng sử dụng trí não nhiều thì bộ não càng trở nên khỏe mạnh hơn, vì vậy hãy cố gắng giữ cho bộ não của bạn luôn hoạt động bằng các câu đố, trò chơi thủ công, trò chơi chữ, trò chuyện thường xuyên và đọc sách.
3. Tập thể dục thường xuyên. Tham gia vào nhiều hoạt động thể chất đa dạng mang lại nhiều lợi ích cho người lớn tuổi, bao gồm cải thiện chức năng thể chất, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương do té ngã cũng như tăng trí nhớ. Nên kết hợp các loại bài tập khác nhau thành thói quen tập thể dục toàn diện, bao gồm các hoạt động aerobic, bài tập tăng cơ và rèn luyện thăng bằng.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học British Columbia đã tiết lộ rằng việc tập thể dục nhịp điệu thường xuyên, làm tăng nhịp tim và làm đổ mồ hôi, có tác động tích cực đến kích thước của vùng hải mã. Hồi hải mã là vùng não liên quan đến trí nhớ từ ngữ và học hành.
4. Ăn uống lành mạnh. Ăn uống là một phần thiết yếu trong cuộc sống và các lựa chọn dinh dưỡng sáng suốt có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe của chúng ta. Hãy thay thế chất béo bão hòa bằng các loại dầu ăn lành mạnh và ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì carbohydrate tinh chế.
Ngoài ra, chúng ta phải duy trì tâm trạng vui vẻ và thư thái bất cứ khi nào có thể. Trung y cho rằng con người cần duy trì sự lưu thông và cân bằng khí (năng lượng sống) và huyết. Khi người ta cảm thấy thanh thản, vui vẻ và thư thái thì khí huyết sẽ lưu thông đầy đủ. Bằng cách này, bộ não của chúng ta sẽ nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là sức mạnh của đức tin. Với đức tin tốt đẹp, con người có thể duy trì trạng thái tâm hồn hạnh phúc và bình yên ngay cả khi họ đang phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
Jingduan Yang _ Thu Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét