Quảng trường Times Square, New York trang hoàng chuẩn bị đón Năm Mới 2024. AP - Yuki Iwamura - (Tác giả Linh mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ)
Ba mươi chưa phải là Tết, người Việt chúng ta nói với nhau như vậy ! Đúng thế, ngày 31/12 vẫn còn của năm cũ. Có chăng là thời khắc linh thiêng của đêm trừ tịch và khoảnh khắc giao thừa giữa năm mới và năm cũ, khi người ta cùng nhau chờ đợi và vỡ oà trong niềm vui của một năm mới vừa đến với những niềm hy vọng mới. Ở các nước Tây Phương, việc chuẩn bị cho những ngày lễ cuối năm bắt đầu là Lễ Giáng Sinh và kết thúc bằng Ngày đầu năm mới.
Như vậy, mọi thứ đã sẵn sàng từ ngày 24 tháng chạp, và tiệc tùng lễ hội cho đến hết ngày đầu tiên của năm mới. Ngày này, hàng hoá sẵn sàng và siêu thị mở cửa ngay ngày 26 nên cũng không khó, nếu rơi vào cảnh thiếu thốn cái gì đó cho những ngày lễ hội.
Không phải như ngày xa xưa, khi sản xuất chưa được hiệu quả. Theo truyền thống Tây Phương, người ta đón Giáng Sinh, Mừng Chúa ra đời, trong bầu không khí gia đình. Mọi thành viên của gia đình cùng nhau quy tụ lại như ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Nhưng người ta lại đón giao thừa của năm mới bên ngoài. Và vì thế người ta nói với nhau “vous vous mettez sur votre 31”.
Thành ngữ “se mettre sur son 31”
Thành ngữ này tạm dịch là “lên đồ cho bảnh toỏng” hay “mặc đồ nghiêm chỉnh để đi lễ hội hay dự tiệc”. Tôi không biết trong tiếng Việt có thành ngữ tương đương hay không ? Nhưng trong tiếng Pháp, thành ngữ này không hề liên quan đến ngày 31 tháng chạp ! Bất ngờ lắm phải không ?
Đối với người Pháp, đó là phong tục, vào những dịp như hội họp, bữa tiệc gia đình, lễ tết, v.v… khách mời thường sẽ chuẩn bị chỉn chu từ đầu tóc cho tới quần áo. Và người ta nói “se mettre sur son 31”.
Theo các nhà ngôn ngữ học, thành ngữ này xuất hiện lần đầu trong cuốn sách của Claude Duneton, La puce à l’oreille. Rồi sau đó dần dần lan truyền trong cách nói bình dân đến nỗi làm quên luôn nguồn gốc văn chương của nó.
Nhà ngôn ngữ học Maurice Rat cho rằng trong thành ngữ “mettre sur son trente et un” được hình thành từ hai thành ngữ khác là “se mettre sur” nghĩa là “ngồi lên trên, đứng lên trên” và “trente et un - 31” là lối nói chệch đi của “Ba chục – trentain” mà “trentain” trong tiếng Pháp ngày xưa dùng để chỉ một loại vải cao cấp, thuộc hàng xa xỉ.
Loại vải này được dệt từ việc kết hợp ba trăm lần các sợi chỉ với nhau, và vì thế có lẽ “Ba mốt – trente et un” là sự biến dạng thêm một lần nữa theo kiểu tam sao thất bản của thành ngữ trong lối nói bình dân. Như vậy, lúc ban đầu thành ngữ “se mettre sur son trente et un” có nghĩa là “mettre sur soi son trentain” tạm tịch là “lên đồ như ông già ba chục”. Tức là ăn mặc đúng đắn, nghiêm túc, chỉnh tề.
Tuy nhiên, lại có một dị bản khác trong giới nhà binh cho rằng thành ngữ này dùng để chỉ con số của một trang phục nghi lễ được dùng trong những đồng phục quân đội.
Vậy thì “ba mốt” hay “ba chục” ? Vì ở thế kỷ XIX, người ta cũng nói “se mettre sur son 36” hay “se mettre sur son 42” tức là “ăn mặc theo kiểu 36 hay 42”. Có thể, Claude Duneton đã lấy thành ngữ này từ giới chơi cờ bạc. Vì Eman Martin trên Courrier de Vaugelas vào năm 1876 đã kể lại câu chuyện như sau: “Trong một số cách đánh bạc thịnh hành trong giới bình dân ở thời đó, con số 31 đại diện cho số điểm thắng bài. Khi người chơi đạt đến con số này, người đó sẽ thắng ván bài đó và gom tiền. Lối chơi này thịnh hành nhất trong giới cờ bạc gạo và giới lính tráng.”
Nhưng tại sao con số 31 lại chuyển từ sòng bạc qua cách ăn mặc trong những dịp long trọng. Cũng theo Claude Duneton, có một thành ngữ gần giống là “se mettre sur le bon bout” nghĩa là trang điểm. “Có vẻ như đây là sự chơi chữ của giới bình dân. Vì khi thắng bài, người ta thường đứng dậy vuốt tóc, chải đầu, chỉnh lại áo quần để lấy hên để đánh tiếp hay ra về.”
Tóm lại là dù thắng hay thua, dù trong túi rủng rỉnh hay rỗng tuếch thì người ta cũng vẫn phải ăn mặc chỉnh tề “se mettre sur son 31” để bước ra khỏi sòng bạc.
Người Phương Tây có lì xì không ?
Xin thưa là có ! “Étrennes” trong tiếng Pháp có nghĩa là lì xì, tặng quà nhân dịp năm mới, hay bắt đầu một cái gì mới mẻ. Từ này có nguồn gốc La-tinh. Theo truyền thuyết, tại những cổng thành Roma, có một khu rừng thiêng của nữ thần Strenia nơi người ta đến hái cỏ roi ngựa (verveine). Strenia là nữ thần ít khó tính nhất và ít đòi hỏi hay làm khó con người. Có lẽ vì thế mà có từ “étrennes”.
Thời La Mã, người ta thường cắt cỏ roi ngựa để tặng cho các thẩm phán, các quan toà vào ngày đầu năm. Người ta tặng những cành cỏ roi ngựa cho các thẩm phán với lời chúc năm mới ấm êm. Và người La Mã xưa cũng muốn tránh việc tặng quà cho các vị cầm cân nảy mực của thành phố với những mục đích xấu.
Khi Đế quốc La Mã lan rộng, tập tục này cũng thay đổi thích ứng với môi trường. Người ta tặng chút tiền mới cho các trẻ em, những người giúp việc, những người làm các công việc công cộng phục vụ cộng đồng. Đôi khi biến tướng theo chiều hướng xấu. Có người lợi dụng để thực hiện hành vi hối lộ. Vì thế, đến thời Cộng Hoà ở Pháp, nhất là sau Cuộc Cách Mạng 1789, tục lì xì bị cấm ngặt và dần dần biến mất.
Thật đáng tiếc cho các trẻ em ở Pháp !
Từ lời chúc thành lời chào
Ngày đầu năm, người Pháp chúc nhau “Bonne Année”. Có một năm, nhà báo Linda Giguère, trên TV5, chúc “Belle Année”. Thế là có chuyện.
Trong tiếng Việt, chúng ta dịch từng chữ “Bonne Année” là “Năm mới tốt lành”, còn “Belle Année” là “Năm mới tươi đẹp”. Vậy có gì khác ? Theo nhà báo này thì câu chúc “Năm mới tươi đẹp” nghe nó xáo rỗng và vô nghĩa. Còn bạn thì sao ?
Khi chúng ta chúc nhau và để tỏ lòng kính trọng, ta sẽ đặt một câu với đầy đủ chủ vị để chúc mừng năm mới với những người lớn. Trong tiếng Pháp, ta cũng có thể dùng thể rút gọn danh từ với tính từ như Bonne Année, Bonne journée: Chúc một năm tốt lành, chúc một ngày tốt lành. Tương tự, ta có thể dùng các tính từ khác như đẹp, vui vẻ, v.v… để chúc nhau. Theo Linda Giguère, lúc ban đầu, người Pháp chúc nhau một ngày tốt lành “Bonne Journée”. Đến thế kỷ XVIII, lời chúc này thu gọn khi dùng “bon jour”. Rồi đến một ngày đẹp trời, hai từ “bon” và “jour” tách rời bị viết dính lại thành lời chào “Bonjour” như ngày nay.
Và với điện thoại thông minh, đôi khi ta cũng chỉ dùng những biểu tượng mặt cười để chào nhau hay trả lời !
Vậy ta còn cần chúc nhau không ?
Lời Chúc, vào thời Cổ Đại, đó là những lời nguyện xin chân thành cho năm mới.
Trong tiếng Pháp, “Lời Chúc-Voeux” và “votes-lá phiếu” đều bắt nguồn từ tiếng La-tinh “votum” nghĩa là một lời nguyện xin, ước nguyện và lời hứa thực hiện với Chúa. Đây là một việc làm có tính hai chiều. Ta xin Chúa một điều gì đó, và nếu ước nguyện thành sự, ta sẽ tạ ơn Chúa bằng một việc làm như đã hứa trước đó. Như chúng ta thấy những tấm bảng khắc chữ “tạ ơn” ở những nơi như nhà thờ, tượng thánh, đình chùa, tượng phật… đó là cách thực hành lòng đạo đức gọi là ex-voto.
Trong nghĩa tôn giáo, Voeu có nghĩa là lời khấn (theo Ki-tô giáo cũng như theo Phật giáo). Tức là một người tuyên hứa với Chúa là sẽ tuân phục vâng lời bề trên… và điều này được ghi lại trên giấy.
Trong đời sống dân sự, voeux - lời ước nguyện… lúc đầu là những thỉnh cầu được viết ra và gởi lên cho các vị cầm quyền, các thẩm phán và các quan đầu tỉnh. Mong rằng các vị sẽ thay mặt Vua thực hiện.
Chính từ năm 1840, khi con tem ra đời và ngành bưu chính trở nên thông dụng, người Anh đã cho ra đời những tấm thiệp Giáng Sinh đầy màu sắc được gởi đi từ đầu tháng chạp. Những tấm thiệp này chuyển tải đi những lời chúc tốt lành cho năm mới, sức khoẻ, công việc, v.v…
Với công nghệ mới, nhanh chóng và hiệu quả tức thì, những lời chúc không còn được viết trên những cánh thiệp nữa mà được gởi đi từ máy tính, từ những chiếc điện thoại thông minh. Ngay cả những tấm thiệp cũng được lập trình sẵn. Tuy nhiên nó vẫn cần đến bạn chọn và gởi đi đến những người thân thương. Bạn đã làm chưa ?
Phần tôi, xin chân thành kính chúc quý vị và gia quyến một năm mới an vui và sức khoẻ dư tràn.
Linh mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ)
Tham khảo:
Alice Develey, “Nouvel an: pourquoi vous “mettez-vous sur votre 31”, Le Figaro ngày 30/12/2017.
Jean Pruvost, “Pourquoi faites-vous des voeux ?”, Le Figaro ngày 05/01/2018.
“Belle année”, “Bonne Année”… Ces formules risibles qui pullulent, Le Figaro ngày 13/01/2020
Marie-Aude Bonniel, “Étrennes: d’où vient cette coutume du nouvel an?”, Le Figaro, ngày 29/12/1906.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét