Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Lần Đầu Tiên Trong Lịch Sử, Tân Hoa Hậu Hoa Kỳ, Từ Gốc Quân Nhân! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Dây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


Nữ thiếu úy Không Quân, bỗng ghi tên vào lịch sử, khi lên ngôi Hoa Hậu Mỹ 2024! -Phái mạnh cũng phải nể phục! Không phải đi lính là không đẹp! Nữ phi công lái chiến đấu cơ của Không lực Hoa Kỳ, làm nên lịch sử! khi trở thành Hoa hậu Mỹ năm 2024! Cũng là hoa hậu đầu tiên gốc quân nhân! *Một cô gái 22 tuổi bỗng ghi tên mình vào lịch sử, khi cô trở thành quân nhân đầu tiên, giành vương miện Hoa hậu Mỹ năm nay, 2024. Bất kỳ khán giả nào theo dõi, cũng phải thừa nhận, thán phục, rằng đây là một cô gái hiếm có, tài sắc vẹn toàn!
<!>
Madison Marsh, thiếu úy 22 tuổi thuộc Lực Lượng Không Quân Hoa Kỳ và cũng là sinh viên cao học chương trình chính sách công của đại học Harvard, giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa Hậu Mỹ 2024 tại Orlando, Florida vào tối Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng. Marsh, đại diện tiểu bang Colorado, là sĩ quan Không Quân tại ngũ đầu tiên nhận được danh hiệu quốc gia. Ellie Breaux đến từ Texas đoạt danh hiệu Á Hậu Một. Năm mươi mốt thí sinh tham gia sinh hoạt này, đại diện cho tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, cũng như District of Columbia.


(Hình: Nữ thiếu úy Không Quân Madison Marsh đăng quang Hoa Hậu Mỹ 2024 hôm 14 Tháng Giêng, 2024)
Cuộc thi diễn ra sau ba đêm thi sơ khảo. Khi bắt đầu sinh hoạt chính, cuộc tranh tài thu hẹp còn 11 thí sinh lọt vào bán kết – 10 thí sinh được ban giám khảo sơ bộ chọn và một thí sinh được người hâm mộ bỏ phiếu công khai và những người theo dõi cuộc thi trên khắp Hoa Kỳ.
Sau đó, 11 người phụ nữ này tham gia vào bốn vòng thi – phần trình diễn hình thể (đi bộ trên sàn diễn trong trang phục thể thao được đính kim cương giả); vòng thảo luận về “chủ đề nóng,” thay thế phần vấn đáp mang tính chất truyền thống hơn của cuộc thi bằng một loạt các điểm thảo luận khác nhau; một màn trình diễn tài năng; và trình diễn trang phục dạ hội – trước khi công bố năm thí sinh lọt vào chung kết. Marsh và Breaux, rồi tới Cydney Bridges từ tiểu bang Indiana là Á Hậu Hai, Mallory Hudson tiểu bang Kentucky và Caroline Parente tiểu bang Rhode Island, lần lượt xếp vị trí thứ ba và thứ tư.

Trong vòng thảo luận có phần khác biệt, nói tới các chủ đề như khủng bố, kỹ nghệ, dinh dưỡng và biến đổi khí hậu, Marsh thảo luận về chủ đề “ma túy tại Hoa Kỳ” bằng cách gợi nhớ lại cuộc chiến của người mẹ quá cố với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Ở phần thi tài năng, Marsh trình bày một bài thơ xoay quanh việc cô nhận văn bằng phi công ở tuổi 16. Năm thí sinh lọt vào vòng chung kết sau đó phải đối diện với một câu hỏi bổ túc về mục tiêu của họ với tư cách là Hoa Hậu Mỹ. Marsh đáp lại bằng cách nêu ra các thành tích quân sự của cô như một lời cam kết học hỏi và lãnh đạo “bằng cả lòng say mê.”
Marsh tiếp nối Hoa Hậu Mỹ 2023, Grace Stanke, từ tiểu bang Wisconsin.
Trước đó, Cuộc thi Hoa Hậu Thiếu Niên Mỹ 2024 diễn ra vào tối Thứ Bảy, trao vương miện cho Hanley House, 16 tuổi, từ tiểu bang North Carolina.


Hàng triệu người theo dõi công nhận: Tên Thiếu Úy Phi Công Madison Marsh, là cái tên sẽ được đi vào lịch sử!

-Năm ngoái, cô gái này trở thành Hoa hậu bang Colorado (Mỹ).
Mới đây, Marsh đã tốt nghiệp Học viện Không lực Hoa Kỳ - 6 năm sau khi cô có chuyến bay một mình đầu tiên ở tuổi 16. Và cô trở thành phi công phục vụ trong lực lượng không quân của Mỹ. Không chỉ tài giỏi như vậy trong sự nghiệp, Marsh còn thực sự có khả năng của một ngôi sao. Cô không dừng lại ở ngôi vị Hoa hậu tiểu bang Colorado, mà quyết định tiếp tục dự thi cấp quốc gia!


(Hình: Marsh hiện là phi công phục vụ trong Không Quân Hoa Kỳ.)
Chỉ bằng cách dự thi Miss America, là Marsh đã làm nên lịch sử rồi, nhưng cô thậm chí còn giành luôn vương miện Hoa Hậu! Như vậy, Marsh là quân nhân (vẫn đang tại ngũ) đầu tiên trở thành Hoa hậu Mỹ!
Cứ như thể mình vẫn chưa có gì bận rộn, Marsh còn đang học để lấy bằng thạc sĩ ngành Chính sách công ở ĐH Harvard Kennedy!


(Ảnh: Marsh trở thành nữ quân nhân (đang tại ngũ) đầu tiên giành vương miện Hoa hậu Mỹ!)
Trước đêm chung kết, Marsh nói với người dẫn chương trình của kênh truyền hình Fox News: “Tôi (muốn) có thể làm được cả hai việc, đại diện cho mẹ tôi - người đã mất vì ung thư tuyến tụy - và sống cả cuộc đời của bà, vì tôi được sống, dù mẹ tôi không thể!”.


(Ảnh: Quả là một cô gái hiếm có, vừa xinh đẹp vừa giỏi giang.)
Còn trong cuộc phỏng vấn sau khi giành vương miện, Marsh nói: “Bạn có thể đạt được bất kỳ điều gì, dù bạn là phái yếu! Không có giới hạn nào cả. Người duy nhất ngăn cản bạn là chính bạn mà thôi”.


(Ảnh: Marsh lúc đăng quang.)
Không Quân Hoa Kỳ cũng hãnh diện, đã đăng bài chúc mừng Marsh trên mạng xã hội: “Chúc mừng phi công xinh đẹp của Quân Chủng KQ chúng tôi, Thiếu úy Madison Marsh, cũng là Hoa hậu bang Colorado, người vừa trở thành Hoa hậu Mỹ 2024!”. Chúc Mừng! Chúc Mừng!


(Ảnh: Marsh nói, nhắn nhủ đến: các cô gái, đừng nghĩ mình là phái yếu, đều có thể phá vỡ các khuôn mẫu cổ và theo đuổi ước mơ!)
Cả nước Mỹ, không tiếc lời ca ngợi những thành tựu của Hoa Hậu Marsh khi cô mới 22 tuổi.
Về phần mình, Marsh khiêm tốn thừa nhận rằng, cô không có tài năng ca hát và khiêu vũ như nhiều cô gái khác. Và trước khi thi, cô đã phải tự luyện tập trả lời phỏng vấn và bước đi trên sân khấu. Tuy nhiên, những tài năng khác của cô, như lái được máy bay từ năm 16 tuổi và đã có đai đen Thái Cực Đạo (Taekwondo), thì đúng là cô gái hiếm có, kể cả đàn ông, cũng hiếm người có được như thế!


Tin Quốc Tế Đó Đây:
Trung Quốc Tức Tối! Bầu Cử Tổng Thống Đài Loan: Ứng Viên "Chống Bắc Kinh" Đắc Cử!


(Hình: Tổng thống tân cử Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) sau kết quả bầu cử ngày 13/1/2024 tại thủ đô Đài Bắc.)
-Theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ vào tối 13/1/2024, ứng cử viên của đảng Dân Tiến, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te), đắc cử với hơn 40% tỷ lệ cử tri ủng hộ. Ứng viên Tổng thống bị Bắc Kinh coi là "một mối đe dọa nghiêm trọng" vì có "lập trường ly khai" dễ dàng bỏ lại xa phía sau các đối thủ thuộc Quốc Dân Đảng và đảng Nhân Dân Đài Loan.
Hãng tin Pháp AFP cho biết, theo thứ tự các ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu Ih) của Quốc Dân Đảng và Kha Văn Triết (Ko Wen Je) thuộc đảng Nhân Dân Đài Loan được 33,2% và 25,3% cử tri Đài Loan tín nhiệm để thay thế nữ Tổng thống Thái Anh Văn.

Trong tuyên bố đầu tiên, Tổng thống tân cử Đài Loan Lại Thanh Đức cam kết "quyết tâm bảo vệ đất nước trước những hành vi hù dọa" của Trung Quốc, nhưng đồng thời trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, ông cũng sẽ cố gắng "đẩy mạnh trao đổi và hợp tác" với Hoa Lục.
Như vậy là sau 2 nhiệm kỳ trong tay nữ Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen), đảng Dân Tiến tiếp tục điều hành đất nước.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm phiếu cũng gần như toàn bộ, đảng này đã mất đa số ở Quốc hội. Quốc Dân Đảng với lập trường thân Bắc Kinh đã giành được 52 ghế ở Quốc hội, đảng Dân Tiến về nhì với 51 đại biểu và 8 ứng cử viên của đảng Nhân Dân Đài Loan trúng cử.


Bắc Kinh Khẳng Định: Thống Nhất Đài Loan Với Hoa Lục Là Điều "Không Thể Tránh Khỏi!"


(Hình: Cử tri ủng hộ đảng Dân Tiến vui mừng thắng lợi sau kết quả bầu cử ngày 14/1/2024.)
-Ngay sau khi kết quả bầu cử Đài Loan được công bố vào đêm 13/1/2024, Bắc Kinh đã khẳng định việc Trung Quốc thống nhất Đài Loan là điều "không thể tránh khỏi". Sáng 14/1, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định trên mạng xã hội X: "Đài Loan là của Trung Quốc".
Từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, thông tín viên Stéphane Lagarde của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết chi tiết:
"Vào đêm 13/1, khi kết quả bầu cử Đài Loan được công bố, các mạng xã hội và các trang truyền thông nhà nước Trung Quốc im lìm như có thể nghe được cả tiếng muỗi đang vo ve. Đó là một sự im lặng đáng ngạc nhiên nếu so với niềm hân hoan của các cử tri đảng Dân Tiến ở Đài Loan. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là 69%, thấp hơn tỉ lệ 74% được ghi nhận hồi năm 2020, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi Đài Loan chuyển sang chế độ Dân chủ, có một đảng thắng cử 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Người Trung Quốc không được nghe nhắc đến điều này. Phải đợi đến 10 giờ 45 tối thì thông cáo của phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan, thuộc chính phủ Trung Quốc, mới được Tân Hoa Xã đăng tải. Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan, Trần Bân Hoa (Chen Binhua), cho rằng kết quả bầu cử không đại diện cho ý kiến đa số cử tri Đài Loan, và nhất là làm không thay đổi bất cứ điều gì trong mục tiêu Bắc Kinh đã đề ra. Nhân vật này tuyên bố: "Quyết tâm thống nhất quốc gia của chúng ta vững như bàn thạch", trong khi các cư dân mạng có tư tưởng dân tộc nổi cơn thịnh nộ trên các mạng xã hội và đề nghị Quân đội Giải phóng Nhân dân có sự can thiệp nhanh chóng vào Đài Loan.
Sự kiêu ngạo dân tộc quá đà cũng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt? Đúng vậy, các nhà kiểm duyệt làm việc cả trong ngày cuối tuần ở Trung Hoa đại lục".
Về phản ứng của Đài Bắc, sau khi thông cáo của Văn phòng Sự vụ Đài Loan, thuộc chính phủ Trung Quốc, được công bố, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 14/1 ra thông cáo lên án "những bình luận vô lý và sai lầm" của Bắc Kinh, đề nghị Trung Quốc "tôn trọng kết quả bầu cử" Tổng thống Đài Loan, "đối diện với thực tế và từ bỏ việc đàn áp Đài Loan".


Phản Ứng Quốc Tế Về Kết Quả Cuộc Tuyển Cử Tại Đài Loan, Mỹ Không Ủng Hộ Đài Loan Độc Lập



(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời báo chí về kết quả bầu cử Tổng thống Đài Loan ngày 13/1/2024.)
-Hôm 14/1/2024, một ngày sau khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan được đưa ra, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn đã gửi lời chúc mừng tới tân Tổng thống. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết không ủng hộ Đài Loan độc lập.
Sau khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan được công bố, Ngoại trưởng Nhật Bản, bà Kamikawa đã chúc mừng chiến thắng của ông Lại Thanh Đức, đồng thời gọi Đài Loan là "một đối tác và một người bạn quan trọng". Ngay sau đó, Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, vốn không thừa nhận chiến thắng của ông Lại, đã gọi bình luận của bà Kamikawa là "sự can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc" đồng thời gửi công hàm phản đối chính thức tới phía Nhật Bản.

Về phần mình, hôm 14/1, một viên chức Bộ Ngoại giao Nam Hàn cũng cho biết nước này hy vọng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan sẽ được duy trì, đồng thời nhấn mạnh đây là "yếu tố thiết yếu" cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Bắc Hàn cũng như trong khu vực. Ông cho biết Nam Hàn hy vọng tiếp tục tăng cường hợp tác với Đài Loan trong nhiều lĩnh vực và "lập trường cơ bản" của Hán Thành về các vấn đề Đài Loan không thay đổi.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã gửi lời chúc mừng tới tân Tổng thống Lại Thanh Đức cũng như tới người dân Đài Loan đã xây dựng được một "hệ thống dân chủ vững chắc". Bắc Kinh tức thì phản ứng, cho rằng thông điệp này "gửi một tín hiệu hết sức sai lầm đến các lực lượng ly khai ủng hộ Đài Loan độc lập".

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trước báo chí, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định rằng nước này không ủng hộ Đài Loan độc lập. Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Chúng tôi không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan". Tuyên bố trên được ông Joe Biden đưa ra chớp nhoáng trên bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc trước khi bay đi nghỉ cuối tuần tại Trại David. Tuyên bố này vẫn thể hiện sự tiếp nối chính sách chính thức của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Hoa Thịnh Ðốn không có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và công nhận Trung Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất.

Nhưng điều này không ngăn cản Hoa Kỳ hỗ trợ Đài Loan, đặc biệt trên bình diện quân sự. Ví dụ như mùa Hè năm 2023, Hoa Kỳ đã gửi một khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 300 triệu Mỹ kim. Điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh tức giận, dù không nói ra, nhưng vẫn thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan độc lập.
Hồ sơ này là nguồn cơn của những căng thẳng thường trực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ngay cả trong những tháng gần đây khi ông Joe Biden đang cố gắng trấn an đồng nhiệm Trung Quốc nhằm xoa dịu tình hình và cải thiện các mối quan hệ giữa hai nước.
Ngày 14/1, phái đoàn không chính thức của Hoa Kỳ đến Đài Loan nhằm góp phần "xây dựng hòa bình và ổn định" tại hòn đảo này. Theo hãng tin AFP, phái đoàn bao gồm cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley, cựu Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg và Chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan Laura Rosenberger.


Giao Tranh ở Gaza, Đánh Dấu Bước Sang Ngày Thứ 100!


(Hình: Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Do Thái vào Dải Gaza.)
-Xe tăng và máy bay Do Thái đã tấn công các mục tiêu ở miền Nam và miền Trung Gaza hôm 14/1/2024, đồng thời xảy ra các cuộc đọ súng ác liệt ở một số khu vực, trong khi cuộc chiến bước sang 100 ngày kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas.
Các đường dây liên lạc và internet đã ngừng hoạt động trong ngày thứ ba liên tiếp, làm phức tạp thêm công việc của các đội cấp cứu và cứu thương khi họ cố gắng giúp đỡ người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi giao tranh.

Giao tranh tập trung ở thành phố Khan Younis ở phía Nam, nơi Hamas cho biết các chiến binh của họ đã tấn công một xe tăng của Do Thái, cũng như ở Al-Bureij và Al Maghazi ở miền Trung Gaza, nơi quân đội cho biết một số chiến binh đã thiệt mạng.
Quân đội cũng cho biết lực lượng của họ đã phá hủy một số nơi mà Hamas sử dụng để bắn phi đạn vào Do Thái.
Trong 24 tiếng đồng hồ qua, Bộ Y tế Gaza cho biết 125 người đã thiệt mạng và 265 người bị thương, nâng tổng số người được xác nhận đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu chiến tranh lên gần 24.000 người, với hơn 60.000 người bị thương.
Phát biểu qua đường truyền video tới một hội nghị ở Istanbul, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh đã ca ngợi vụ tấn công ngày 7/10/2023 của các chiến binh vào các cộng đồng Do Thái xung quanh Dải Gaza, giết chết hơn 1.200 người và bắt giữ khoảng 240 con tin, theo thống kê của Do Thái.

Quân đội Do Thái cho biết đã chuyển sang giai đoạn mới của cuộc chiến, tập trung vào đầu phía Nam của lãnh thổ, nơi gần 2 triệu người hiện đang trú tạm trong lều và các nơi ở tạm thời khác, sau giai đoạn đầu tập trung vào việc dọn sạch đầu phía Bắc, bao gồm cả thành phố Gaza.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn, nói rằng Do Thái sẽ tiếp tục cho đến khi giành được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas. Tuy nhiên, quân đội cho biết, giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến sẽ chứng kiến nhiều hoạt động có mục tiêu hơn nhằm vào các nhà lãnh đạo và vị trí quân sự của phong trào.


Phi Đạn Giết Chết Hai Mẹ Con Người Do Thái Gần Biên Giới Lebanon


(Hình REUTERS: Khói bốc lên ở bên Lebanon trong khi cuộc đối đầu giữa Do Thái và Hezbollah tiếp diễn.)

-Các viên chức y tế cho biết một phi đạn điều hướng được phóng từ Lebanon đã giết chết một phụ nữ 76 tuổi và con trai của bà tại một ngôi làng ở miền Bắc Do Thái hôm 14/1/2024, vài tiếng đồng hồ sau khi quân đội Do Thái cho biết họ đã tiêu diệt 4 chiến binh được trang bị nhiều loại vũ khí và tìm cách xâm nhập từ Lebanon.
Giao tranh giữa Do Thái và phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon đã gia tăng song song với cuộc chiến kéo dài hơn 3 tháng ở Gaza giữa Do Thái và Hamas của Palestine, một đồng minh khác của Tehran.
Các viên chức y tế và quân đội Do Thái cho biết một phi đạn chống tăng bắn vào Kfar Yuval, một vùng nông nghiệp giáp biên giới Lebanon, đã bắn trúng một ngôi nhà, giết chết người phụ nữ và con trai 40 tuổi của bà.

Một viên chức bệnh viện cho biết một người đàn ông 74 tuổi bị thương và mô tả ông là thành viên trong cùng gia đình nông dân gặp nạn.
Quân đội cho biết, lực lượng của họ đang tấn công các mục tiêu Hezbollah ở Lebanon để trả đũa. Các cuộc tấn công xuyên biên giới được coi là khốc liệt nhất giữa Do Thái và Hezbollah kể từ cuộc chiến năm 2006.
Trước đó hôm 14/1, Do Thái cho biết lực lượng của họ đã tiêu diệt 4 phiến quân xâm nhập từ Lebanon tại một địa điểm cách Kfar Yuval khoảng 15 cây số về phía Đông-Bắc.
Một viên chức quân sự Do Thái cho biết, họ được trang bị súng trường, phi đạn chống tăng, lựu đạn, và vẫn chưa xác định được họ thuộc tổ chức nào.


Thủ Tướng Netanyahu Tuyên Bố Không Ai Có Thể Ngăn Cản Do Thái Tiếp Tục Cuộc Chiến


(Hình: Người dân Do Thái tham gia cuộc biểu tình kéo dài 24 tiếng đồng hồ, để đánh dấu 100 ngày kể từ vụ tấn công ngày 7/10/2023, tại thủ đô cũ Tel Aviv, ngày 13/1/2024.)
-Hôm 14/1/2023 là đúng 100 ngày sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu do lực lượng Palestine Hamas gây ra trên lãnh thổ Do Thái. Thủ tướng Netanyahu hôm 13/1 cứng rắn khẳng định không ai có thể cản trở Do Thái tiếp tục cuộc chiến ở dải Gaza, trong khi đó ngay tại Tel Aviv đã diễn ra cuộc biểu tình kéo dài 24 tiếng đồng hồ để đánh dấu 100 ngày hàng trăm con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ tại Gaza và kêu gọi chính quyền làm mọi việc để giải cứu con tin.
Từ Jerusalem, thủ đô mới của Do Thái, thông tín viên Michel Paul của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) có bài phóng sự:
"Ngay bây giờ. Phải mang tất cả các con tin còn sống trở về, ngay bây giờ". Những người tham gia cuộc biểu tình quy mô khổng lồ này trên quảng trường Các con tin ở Tel Aviv giương cao các biểu ngữ. Cuộc biểu tình này sẽ kéo dài 24 tiếng đồng hồ để đánh dấu ngày thứ 100 mà 136 con tin bị giam giữ ở Gaza.

Cuộc biểu tình được mở màn với video mang thông điệp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông nói: "Pháp sẽ không bỏ rơi những người con của đất nước. Vì lẽ đó sẽ phải tiếp tục, tiếp tục thương lượng để giải cứu họ. Đừng nhượng bộ gì hết và không bao giờ được bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ làm mọi điều. Quý vị hãy tin vào tôi để đưa họ trở về nhà".
Một hành động mang tính biểu tượng: Thân nhân của các con tin đang bị giam giữ ở Gaza kêu gọi mọi người khắp nơi trong cả nước ngưng làm việc vào lúc 11 giờ trong vòng 100 phút. Họ cũng dựng lại một đường hầm dài nhiều mét để minh họa điều kiện khó khăn mà các con tin phải chịu đựng khi bị giam giữ. Các gia đình đòi hỏi chính quyền làm mọi điều cần thiết để giải phóng con tin.

Về phía Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ đi đến cùng để đạt các mục tiêu ở Gaza, không gì có thể ngăn cản chúng tôi, kể cả Tòa án Công lý Quốc tế".
Trong khi đó, quân đội Do Thái hôm 13/1 thông báo sẽ tính đến chuyện cho phép thường dân Palestine trở lại miền Bắc dải Gaza, khi họ thấy không còn mối nguy hiểm do các trận giao tranh với Hamas.
Cũng trong ngày 13/1, theo thông tấn xã AFP, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan của Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn Palestine, tuyên bố cuộc chiến Gaza là "sự hủy diệt quy mô lớn" và "nỗi đau kéo dài 100 ngày qua" là "vết nhơ đối với toàn nhân loại".


Đức Tham Gia Sứ Mệnh Hải quân của EU ở Biển Đỏ


(Hình: Một chiếc máy bay cất cánh để tham gia các cuộc không kích của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Yemen và lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn từ một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh được công bố này vào ngày 12/1/2024.)
-Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức cho biết Đức dự kiến sẽ tham gia sứ mệnh Hải quân của Liên Hiệp Âu Châu (EU) nhằm bảo vệ việc vận chuyển bằng đường biển ở Biển Đỏ mà các Ngoại trưởng EU sẽ phê duyệt trong tháng này.
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi năm mới của đảng mình hôm 14/1/2024, bà Maria-Agnes Strack-Zimmermann nói rằng mục đích của sứ mệnh này là khai triển các khu trục hạm của EU nhằm bảo vệ các tàu thương mại đi qua eo biển.

Các tuyến đường biển tiếp cận Kênh đào Suez, một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới, gần như bị tê liệt do các cuộc tấn công vào các tàu chở hàng bởi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn trên bờ biển Yemen.
Bà Strack-Zimmermann nói: "Đây là một cuộc tấn công vào thương mại tự do và phải bị đáp trả". Báo Welt am Sonntag trước đó đưa tin rằng khu trục hạm Hessen của Đức sẽ ra khơi tới Biển Đỏ vào ngày 1/2.
Quốc hội Đức phải phê chuẩn bất kỳ việc khai triển lực lượng vũ trang nào ra ngoại quốc.


Ai Cập và Trung Quốc Kêu Gọi Bảo Đảm An Toàn, An Ninh Hàng Hải Trên Biển Đỏ


(Hình: Khu trục hạm mang phi đạn điều hướng lớp Arleigh Burke USS Carney đi qua Kênh đào Suez vào ngày 26/11/2023. Khu trục hạm này hôm 16/12/2023 đã bắn hạ hơn chục thiết bị bay không người lái ở Biển Đỏ phóng ra từ các khu vực do Huthi kiểm soát ở Yemen.)
-Ai Cập và Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Biển Đỏ, nhất là việc ưu tiên bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, hai nước cho biết trong tuyên bố chung hôm 14/1/2024.
Tuyên bố cho biết thêm rằng cả hai đều bày tỏ quan ngại về việc xung đột lan rộng trong khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công vào Gaza.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phát biểu tại cuộc họp báo ở Cairo sau cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, đã kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào tàu dân sự ở Biển Đỏ, mặc dù ông không đề cập đến việc lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công đó.
"Tình hình ở Biển Đỏ gần đây đã leo thang mạnh mẽ và Trung Quốc quan ngại sâu sắc về điều này", ông Vương nói.
"Trung Quốc kêu gọi chấm dứt quấy rối và tấn công các tàu dân sự, đồng thời duy trì dòng chảy thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như trật tự thương mại quốc tế".

Trong lời chỉ trích ngầm về các cuộc không kích của Mỹ và Anh vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, ông Vương lưu ý rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không cho phép hành động như vậy.
"Cần tránh đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng ở Biển Đỏ và ngăn chặn sự gia tăng rủi ro an ninh chung của khu vực", ông Vương nói nhưng không nêu cụ thể Mỹ và Anh.
Ông Vương nói thêm rằng mặc dù tất cả các bên cần cùng nhau duy trì sự an toàn của các tuyến đường thủy trên Biển Đỏ theo luật pháp, nhưng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ở cả hai bờ Biển Đỏ, bao gồm cả Yemen, phải được tôn trọng.


Hỏa Hoạn Lớn Tại Nhà Kho của Nhà Bán Lẻ Trên Mạng ở St Petersburg, Nga


(Hình: Khói bốc lên phía trên nhà kho đang cháy của nhà bán lẻ trực tuyến Wildberries ở Saint Petersburg, Nga, ngày 13/1/2024.)
-Một đám cháy lớn bùng lên tại một nhà kho thuộc một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga ở thành phố St. Petersburg vào ngày thứ Bảy (13/1/2024), Bộ Tình trạng Khẩn cấp cho biết, nói rằng lực lượng cứu hỏa đã thành công trong việc ngăn chặn đám cháy lan rộng hơn.
Chủ sở hữu nhà kho, Wildberries, cho biết trong một phát biểu rằng tất cả nhân viên của nhà kho đã được di tản. Không ai được báo cáo bị thương.

Hiện chưa có thông tin ngay tức thì về việc đám cháy, bao phủ 70.000 mét vuông và được đánh giá là cấp 5 nghiêm trọng nhất, đã bùng lên như thế nào ở ngoại ô thành phố lớn thứ hai của Nga.
Bộ Tình trạng Khẩn cấp cho biết gần 300 lính cứu hỏa và hàng chục xe cứu hỏa cũng như máy bay trực thăng đang nỗ lực dập tắt hỏa hoạn.
Video đăng tải trên mạng cho thấy khói đen dày đặc bốc lên trời và những ngọn lửa lớn.


Ukraine Đã Tăng Cường Khả Năng Tác Chiến Điện Tử Đối Phó Với Phi Đạn của Nga


(Ảnh: Một tòa nhà ở Kharkiv, Ukraine, bị trúng phi đạn của Nga ngày 10/1/2024.)
-Kyiv đã vô hiệu hóa những phi đạn của Nga bằng cách sử dụng "các biện pháp đối phó tích cực với các phương tiện chiến tranh điện tử". Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, được báo Pháp Le Monde hôm 14/1/2024 trích dẫn, nhận định điều này có thể báo hiệu một sự cải thiện khả năng tác chiến điện tử của Ukraine, vốn trước đây mới được công nhận là có khả năng vô hiệu hóa drone của Nga, chứ chưa vô hiệu hóa được phi đạn của đối phương.
Hôm 13/1, Không quân Ukraine thông báo rằng trong đêm thứ 12/1 rạng sáng 13/1, Nga đã oanh kích Ukraine với tổng cộng 40 phi đạn và drone. Tám phi đạn của Nga đã bị tiêu diệt, 20 phi đạn và drone khác không bay được đến các mục tiêu và đã bị chuyển hướng do các "biện pháp đối phó điện tử" của Ukraine.
Theo phát ngôn viên lực lượng Không quân Ukraine, Yury Ihnat, lực lượng Ukraine dường như có khả năng xác định các loại phi đạn mà Nga sử dụng, sáng chế và thích ứng.

Trong khi đó, vẫn theo báo Le Monde, sau Thỏa thuận An ninh với Anh, Ukraine muốn ký các thỏa thuận với các nước khác, đặc biệt là với Mỹ. Thủ tướng Ukraine Denys Chmygal cho biết đang đàm phán với các đối tác, nhất là với Hoa Kỳ. Xin nhắc lại Thỏa thuận An ninh Anh-Ukraine được ký kết dựa trên các lời hứa song phương từ các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Vilnius (thủ đô của Lithuania) hồi năm 2023. Anh Quốc là nước đầu tiên đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Về vũ khí, theo tình báo Estonia khẳng định việc các nước chuyển chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine hiện giờ là nỗi sợ chính của Nga. Đại tá Ants Kiviselg, chỉ huy trung tâm tình báo của lực lượng phòng vệ Estonia, nhận định số vụ oanh kích bằng phi đạn ngày càng tăng của Nga cho thấy Mạc Tư Khoa coi sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16 tại Ukraine là một mối đe dọa nguy hiểm cho quân Nga.


Hội Nghị Vì Hòa Bình Cho Ukraine: Tổng Thống Zelensky Tiếp Tục Trông Chờ Nguồn Viện Trợ


(Ảnh: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky trong một lần phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ, lần thứ 51, ngày 23/5/2022.)
-Hội nghị vì Hòa bình cho Ukraine diễn ra hôm 14/1/2024 tại Davos (Thụy Sĩ), một ngày trước phiên khai mạc hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đây là cuộc họp thứ tư nhằm thảo luận về kế hoạch hòa bình cho Kyiv, một vấn đề dường như đã bị bỏ quên từ khi cuộc chiến tại Gaza nổ ra hôm 7/10/2023.
Từ Geneva (Thụy Sĩ), thông tín viên Jeremie Lanche của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

Ba cuộc họp trước đó ở Copenhagen (thủ đô của Ðan Mạch), Jeddah và Malta đã không mang lại nhiều kết quả, nhưng lần này Kyiv có thể hài lòng khi nhìn thấy số các nước tham gia mỗi lúc một tăng lên. Tất nhiên, có những nước ủng hộ truyền thống Kyiv như Âu Châu và đi đầu là Hoa Kỳ. Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Joe Biden, ông Jake Sullivan sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ.
Nhưng trên hết, nhiều quốc gia vốn không tham gia áp đặt các lệnh trừng phạt Nga như Ấn Độ, Ba Tây và Nam Phi cũng đến tham dự. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin về việc Trung Quốc có đến tham dự hay không. Còn Nga thì chưa bao giờ được mời tới. Theo quan điểm của Mạc Tư Khoa, kế hoạch hòa bình của Ukraine là điều không thể chấp nhận được vì kế hoạch này không kêu gọi gì hơn ngoài việc rút quân Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước.
Nhưng điều quan trọng đối với Kyiv là ở điểm khác. Trên hết, Ukraine trông cậy nhiều vào các đồng minh vào thời điểm quân đội Ukraine đang gặp khó khăn lớn trên mặt trận, còn Quốc hội Mỹ vẫn đang chần chừ trong việc gia hạn viện trợ quân sự cho Ukraine.


Thỏa Thuận Hỗ Trợ An Ninh "Chưa Từng Có" Giữa Anh và Ukraine


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (phải) tiếp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 12/1/2024.)
-Thủ tướng Anh Rishi Sunak có chuyến công du bất ngờ đến Ukraine. Hôm 12/1/2024, lãnh đạo hai bên đã ký kết một Thỏa thuận Hợp tác An ninh. Luân Đôn cam kết hỗ trợ an ninh Ukraine trong 10 năm, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp giúp Kyiv chống xâm lược, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Luân Đôn cam kết sẽ nâng viện trợ quân sự cho Kyiv lên 2,5 tỉ bảng Anh trong 2 năm 2025 tới. Thủ tướng Anh kêu gọi phương Tây duy trì hỗ trợ Ukraine, đồng thời cảnh báo "nếu Tổng thống Nga chiến thắng tại Ukraine, ông ta sẽ không dừng ở đó". Thông tín viên Stéphane Siohan của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Kyiv của Ukraine cho biết thêm:

"Đây chưa phải là một cuộc chiến tranh Crimea, như chiến tranh Crimea thế kỷ 19, với việc Vương Quốc Anh đối đầu với đế quốc Nga, nhưng việc ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh song phương giữa Anh và Ukraine vào ngày 12/1/2024 tại Kyiv là "một sự kiện lịch sử, không hề cường điệu khi nói như vậy", như lời của Ihor Jovka, một cố vấn thân cận của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
"Điều này trước hết có nghĩa tăng cường hỗ trợ an ninh, vũ khí chống tăng, phi đạn, hàng trăm ngàn đạn pháo mới và huấn luyện hàng ngàn binh sĩ Ukraine", theo Thủ tướng Anh Rishi Sunak, người đã được hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc hội Ukraine, sau khi giương quốc kỳ Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan, với chữ ký của tất cả các thành viên Nội các.

Đây là lần đầu tiên một quốc gia ký kết với Ukraine một Thỏa thuận An ninh Hỗ tương như vậy: Văn bản này bảo đảm rằng trong trường hợp bị xâm lược hoặc tình hình hiện tại trở nên tồi tệ hơn, Vương Quốc Anh cam kết phối hợp ứng phó khẩn cấp trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Ứng phó này, nếu cần, sẽ bao gồm việc chuyển giao ngay lập tức và một cách tự động, các thiết bị quân sự cả trên bộ, trên biển hoặc trên không mà không cần yêu cầu trước. Ngay lập tức, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố mọi hành động khai triển quân đội Anh ở Ukraine sẽ bị coi là lời tuyên chiến của Luân Đôn chống Mạc Tư Khoa".
Tân Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné hôm nay có cuộc họp báo với đồng nhiệm Ukraine, Dmytro Kuleba, tại Kyiv. Lãnh đạo ngoại giao Pháp khẳng định "Ukraine tiếp tục là ưu tiên của nước Pháp", "bất chấp các khủng hoảng liên tiếp". Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Ngoại trưởng Séjourné.


Năm Di Dân Chết Khi Tìm Cách Vượt Eo Biển Manche


(Hình: Di dân trái phép bị phát giác trên Eo biển Manche.)
-Năm di dân tìm cách vượt eo biển Manche để đến Anh đã chết ở vùng biển Pháp vào đầu ngày 14/1/2024, chính quyền địa phương Pháp cho biết.
Chiếc thuyền nhỏ bị lật khi nó tìm cách ra khơi từ một bãi biển ở Wimereux, phía Nam Calais, một viên chức nói với thông tấn xã Reuters, và cho biết thêm rằng một người trong tình trạng nguy kịch đã được đưa đến bệnh viện ở Boulogne, miền Bắc nước Pháp.
Trong một tuyên bố, chính quyền địa phương cho biết, hàng chục người đã được kéo ra khỏi vùng nước lạnh, nhưng nỗ lực cấp cứu ban đêm rất phức tạp vì nước quá nông để các tàu của Hải quân Pháp đến giúp đỡ.
Nhiệt độ nước biển vào khoảng 9 độ C (48 độ F), chính quyền cho biết.

Tờ báo địa phương La Voix du Nord cho biết, những người thiệt mạng được cho là người Iraq và Syria.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết, các báo cáo về những cái chết thật đau lòng và cho thấy lý do tại sao Anh phải cải tổ hệ thống nhập cư của mình, và đây là một cam kết quan trọng của Thủ tướng Rishi Sunak trước cuộc bầu cử dự kiến trong năm nay.
Ông Sunak đang cố gắng đạt được tiến bộ trong kế hoạch gây tranh cãi của mình nhằm trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda và Dự luật nhằm ngăn chặn những thách thức tiếp theo của tòa án sẽ được đưa ra Quốc hội trong tuần này.
"Rốt cuộc, cách duy nhất ta có thể ngăn chặn những con thuyền này là phá bỏ mô hình buôn người", ông Cameron nói với đài truyền hình BBC. "Một khi chúng ta làm được điều đó, chúng ta sẽ có thể phá hủy hoạt động này nhiều hơn nữa".


Nam Hàn: Bắc Hàn Phóng Phi Đạn-Đạn Đạo Ra Biển


(Ảnh: Màn hình TV chiếu tin Bắc Hàn phóng vệ tinh do thám lần thứ ba trong năm nay, trong một chương trình tin tức tại Ga Hán Thành ở Hán Thành, thủ đô của Nam Hàn, ngày 22/ 11/2023.)
-Nam Hàn và Nhật Bảncho biết hôm 14/1/2024, Cộng sản Bắc Hàn đã phóng một phi đạn-đạn đạo ra biển và đây là vụ phóng phi đạn đầu tiên sau khoảng 1 tháng.
Tham mưu trưởng liên quân Nam Hàn cho biết, vụ phóng xảy ra hôm 14/1, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết như phi đạn này đã bay được bao xa.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết họ phát giác rằng Bắc Hàn có thể đã phóng phi đạn-đạn đạo, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Đây là vụ phóng phi đạn đầu tiên của Cộng sản Bắc Hàn kể từ khi nước này bắn thử phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn Hwasong-18, vũ khí tiên tiến nhất của Bắc Hàn, vào ngày 18/12/2023. Hwasong-18 được thiết kế để tấn công đất liền của Mỹ.
Vụ phóng phi đạn hôm 14/1 được thực hiện vài ngày sau khi Bắc Hàn bắn một loạt đạn pháo gần biên giới biển căng thẳng với Nam Hàn, khiến Nam Hàn tiến hành các cuộc tập trận bắn tương tự trong cùng khu vực.
Trong những ngày gần đây, Cộng sản Bắc Hàn cũng leo thang những lời lẽ hiếu chiến đối với các nước đối thủ của mình. Đầu tuần này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gọi Nam Hàn là "kẻ thù chính của chúng ta" và đe dọa sẽ tiêu diệt nước này nếu bị khiêu khích.

Các chuyên gia cho rằng ông Kim có thể sẽ làm tăng thêm sự thù địch bằng cách bắn thử thêm phi đạn nhằm cố gắng nâng cao vị thế trong cuộc đối đầu với các đối thủ của mình và gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Nam Hàn vào tháng 4 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trong cuộc họp quan trọng của đảng cầm quyền vào cuối tháng 12/2023, ông Kim tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí nguyên tử và phóng thêm các vệ tinh do thám để đối phó với cái mà ông gọi là các động thái đối đầu do Mỹ dẫn đầu.


Bắc Hàn Chuẩn Bị Đón Đợt Du Khách Ngoại Quốc Đầu Tiên Từ Sau Đại Dịch


(Ảnh: Trung tâm Giải trí Văn hóa Suối nước nóng Yangdok ở tỉnh Nam Pyongan, Bắc Hàn, ngày 9/12/2019.)
-Các nhà chức trách của tỉnh Primorsky Krai, phía Đông nước Nga, đang quảng bá gói du lịch tới Bắc Hàn vào tháng Hai tới. Đây sẽ là chuyến du lịch đầu tiên tới quốc gia này sau khi chính phủ của ông Kim đóng cửa biên giới kể từ năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các hoạt động du lịch nói chung tại nước này sẽ được mở lại như thời trước đại dịch.

Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Nicolas Rocca của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
Bốn ngày ba đêm ở Bắc Hàn với giá 750 Mỹ kim. Đây là gói du lịch do một công ty lữ hành ở Vladivostok, một thành phố của Nga gần biên giới với quốc gia khép kín này, đưa ra.
Tour du lịch khởi hành vào ngày 9/2 tới Bình Nhưỡng trước khi đến khám phá khu trượt tuyết Masikryong. Chính quyền tỉnh Primorsky Krai đã quảng bá tuyến du lịch này, đồng thời cho biết chương trình này nằm trong khuôn khổ các cuộc đàm phán giữa Thống đốc với chính quyền Bắc Hàn.

Theo tờ Rossiyskaya Gazeta của Nga, chuyến đi đầu tiên này sẽ là một cuộc thử nghiệm trước khi mở rộng các hoạt động du lịch vào tháng 4. Thông tin này mang ý nghĩa quan trọng vì kể từ năm 2020, không có bất kỳ du khách ngoại quốc nào đến được Bắc Hàn. Nhiều công ty du lịch khác đã quảng cáo các tour đến đây trong thời kỳ đại dịch nhưng trên thực tế chẳng có chuyến đi nào đã diễn ra.
Chính quyền Bình Nhưỡng hiện chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc sắp mở cửa biên giới. Nhưng kể cả nếu có mở cửa, nước này cũng sẽ chỉ áp dụng cho các đồng minh của mình. Kể từ khi xích lại gần hơn với Mạc Tư Khoa, Bắc Hàn rõ ràng rất ưu tiên mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Theo số liệu từ NK News, năm 2019, Bắc Hàn đã được hưởng lợi 175 triệu Mỹ kim từ nguồn thu bổ sung nhờ mức tăng lượng khách du lịch Trung Quốc.


Chính Quyền Biden Kiện Việc Texas Dựng Thêm Hàng Rào Biên Giới


(Hình: Di dân vượt sông Rio Grande và vào Mỹ từ Mễ Tây Cơ, ngày 19/10/2023, tại Eagle Pass, tiểu bang Texas.)
-Lực lượng Vệ binh Quốc gia tiểu bang Texas tuần này đã dựng lên các rào cản mới dọc theo một phần biên giới của tiểu bang với Mễ Tây Cơ ngăn chặn sự tiếp cận của các nhân viên Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ, chính phủ liên bang nói trong hồ sơ đệ nạp tòa án hôm 12/1/2024.
Đây là một diễn tiến mới trong cuộc xung đột leo thang về vấn đề di trú giữa chính quyền tiểu bang Texas thuộc đảng Cộng hòa và chính quyền liên bang của Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ.

Các Luật sư của chính quyền Biden nói với Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong hồ sơ vụ kiện rằng "các hoạt động của tiểu bang Texas đã làm thay đổi tình hình dọc theo đoạn sông Rio Grande có liên quan". Họ nói thêm rằng các rào cản bổ sung trong và xung quanh Eagle Pass, Texas, "hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận dòng sông của Lực lượng Tuần tra Biên giới ở các khu vực cụ thể".
Việc kiện xảy ra sau khi chính quyền Biden hồi đầu tháng này yêu cầu các Thẩm phán tạm thời cho phép các nhân viên Biên phòng cắt hoặc dỡ bỏ hàng rào dây thép gai mà các viên chức tiểu bang Texas đã dựng lên dọc theo một phần biên giới của tiểu bang Texas (do Đảng Cộng hòa kiểm soát) với Mễ Tây Cơ để ngăn chặn việc vượt biên bất hợp pháp.

Văn phòng Thống đốc tiểu bang Texas, Greg Abbott, chưa có bình luận về đơn kiện của chính phủ liên bang.
Động thái của tiểu bang Texas diễn ra trong bối cảnh Thống đốc đảng Cộng hòa đã đưa khoảng 100.000 di dân từ tiểu bang này đến các thành phố của đảng Dân chủ trên khắp đất nước và chỉ trích chính quyền Biden về số lượng di dân vượt biên kỷ lục trong những năm gần đây.
Di trú được coi là vấn đề hàng đầu khi ông Biden tái tranh cử vào tháng 11 năm nay.

Không có nhận xét nào: