Mỹ cảnh báo Nga can thiệp bầu cử ở châu Âu để chống lại Ukraina
Ngày 18/1, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Hoa Kỳ tin rằng Nga sẽ tiến hành “các hoạt động thông tin” nhằm mục đích hướng dư luận ở châu Âu chống lại Ukraina khi các quốc gia trên khắp lục địa tiến hành bầu cử trong năm nay. Hàng chục quốc gia trên toàn thế giới sẽ bầu ra các nhà lãnh đạo mới vào năm 2024, bao gồm các cuộc bỏ phiếu ở Anh, Áo và Georgia, cũng như cuộc bầu cử quốc hội châu Âu vào tháng 6.
<!>
Ông Jamie Rubin, đặc phái viên và điều phối viên của Trung tâm Gắn kết Toàn cầu (GEC), nói với các phóng viên rằng đối thủ của Mỹ là Nga, cũng như Trung Quốc, đang làm việc trên khắp thế giới để biến tuyên truyền nhà nước thành báo chí độc lập bằng cách che giấu nguồn tin thực sự của nó.
Ông Rubin không nêu ra tên của những quốc gia cụ thể mà ông lo ngại. Tuy nhiên, ông cho biết Nga có thể tập trung nhắm đến châu Âu.
Ông Rubin nói: “Nga đang hy vọng rằng số cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm nay có thể thay đổi những gì vốn là một liên minh đáng chú ý và sự phản đối có kỷ luật đối với cuộc chiến. Chúng tôi tin rằng Nga sẽ tiến hành các hoạt động thông tin trên khắp châu Âu để cố gắng thay đổi quan điểm về Ukraina trong mùa bầu cử này”.
Nhật Bản ký thỏa thuận mua 400 tên lửa Tomahawk của Mỹ
Nhật Bản đã ký một thỏa thuận với Mỹ mua 400 tên lửa Tomahawk tầm xa nhằm tăng cường năng lực quân sự để đối phó các mối đe dọa an ninh khu vực.
Việc ký kết thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc mua sắm tên lửa Tomahawk", một quan chức quốc phòng Nhật Bản nói với các phóng viên hôm 18/1 sau khi thỏa thuận được ký kết ở Tokyo.
"Thông qua việc thực hiện hợp lý ngân sách (quốc phòng), chúng tôi sẽ tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng của mình", quan chức Nhật Bản nói thêm.
Nhật Bản đã phê duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục 56 tỷ USD cho năm tài chính tiếp theo bắt đầu từ tháng 4.
Thỏa thuận mới ký kết trị giá lên tới 2,35 tỷ USD cho hai loại Tomahawk có tầm bắn 1.600km. Thỏa thuận đã được Washington thông qua vào tháng 11 năm ngoái.
Đối mặt với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng theo tiêu chuẩn NATO là 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2027.
Tomahawk là tên lửa hành trình cận âm, tầm trung đến tầm xa (460-2.500km), hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tên lửa này được phóng từ tàu chiến và tàu ngầm để tấn công mục tiêu mặt đất.
Tomahawk đã trải qua nhiều lần nâng cấp và sửa đổi, bao gồm phiên bản chống hạm, phiên bản không đối đất và một biến thể phóng từ mặt đất.
IMF: Kinh tế thế giới năm 2023 tốt hơn dự đoán
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong năm nay sau một năm 2023 tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự đoán.
"Kinh tế thế giới đã được chứng minh là có khả năng phục hồi đáng kể. Năm 2023 diễn ra tốt hơn một chút so với những gì chúng tôi dự đoán. Đà tăng trưởng đó sẽ kéo dài từ năm 2023 qua năm 2024", Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, phát biểu tại sự kiện Bloomberg House ở Davos vào ngày 16/1.
Dự báo này của bà Georgieva tích cực hơn quan điểm mà IMF đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Khi đó, IMF cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 3% trong năm 2023 và tiếp tục giảm xuống 2,9% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của 20 năm qua là 3,8%.
Theo IMF, các yếu tố cản trở đà phục hồi là hậu quả dai dẳng của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, mức chênh lệch ngày càng lớn giữa các nền kinh tế, cũng như tác động của làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ, hiện tượng thời tiết cực đoan.
Giám đốc IMF cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ đã "sẵn sàng cho một cú hạ cánh mềm" khi lãi suất bắt đầu giảm. Cùng với đó, bà Georgieva cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, phải đối mặt với mức tăng trưởng dưới 4%, trừ khi họ thực hiện cải cách cơ cấu.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới cũng dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2024 sẽ tiếp tục chậm lại ở 2,4%, gây khó cho mục tiêu giảm nghèo của các chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét