Israel dùng xe tăng phong tỏa hai bệnh viện Nam Gaza Xe tăng của Israel đã xông vào thành phố chính phía nam Gaza hôm qua, và đã dừng trước cổng của hai bệnh viện ở Khan Younis. Người dân địa phương cho biết, họ liên tục chứng kiến các cuộc oanh tạc dữ dội từ trên không, trên bộ và trên biển diễn ra ở miền Nam Gaza. Xe tăng của Israel liên tục tràn qua Khan Younis từ phía Đông sang các khu vực phía Tây gần bờ biển Địa Trung Hải. Israel đã phát động một cuộc tấn công mới hồi tuần trước tại Khan Younis, nơi được cho đang là trụ sở chính của phiến quân Hamas.
<!>
Phần lớn cư dân của Gaza hiện tập trung tại hai thị trấn Deir al-Balah và Rafah, ở khu vực phía Bắc và phía Nam Khan Younis.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine tuyên bố, họ đã mất mọi liên lạc với nhân viên của họ tại Bệnh viện Al-Amal tại Khan Younis, và xe tăng Israel vẫn đang đậu bên ngoài.
Xa hơn về phía Tây, xe tăng Israel đang lần đầu tiên tiến tới quận al-Mawasi gần Bờ biển Địa Trung Hải. Họ đã cắt đứt liên lạc với bệnh viện Al-Khair và đóng quân xung quanh trường đại học Al-Aqsa gần đó. Động thái quân sự mới này khiến hàng nghìn thường dân phải sơ tán.
Bệnh viện Nasser, bệnh viện lớn duy nhất còn tiếp cận được ở Khan Younis và cũng là bệnh viện lớn nhất vẫn còn hoạt động ở Gaza, hiện đang phải quá tải với những người bị thương nằm trên cả sàn và hành lang.
3 nước vùng Baltic xây dựng 600 boongke ngăn chặn Nga tấn công
Litva, Latvia và Estonia đã ký một thỏa thuận về việc tạo ra hệ thống phòng thủ đặc biệt gồm 600 boongke nhằm ngăn chặn Nga tấn công sườn phía đông của NATO.
Trước đó, kế hoạch phòng thủ chung đã được Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, Andris Spruds, tiết lộ sau cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng của Lithuania và Estonia.
Cả ba quốc gia trên đều đồng ý rằng việc xây dựng các cơ sở phòng thủ sẽ củng cố biên giới của họ cũng như ngăn cản Nga thực hiện các hành động quân sự nguy hiểm.
Tuyến phòng thủ bằng 600 boongke này bắt nguồn từ các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Một trong những yêu cầu tại hội nghị là tất cả các quốc gia thành viên NATO phải chủ động bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi bị tấn công.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva cho biết, giữa bối cảnh cuộc chiến Nga với Ukraina, ba quốc gia vùng Baltic càng cần phải hợp tác mạnh hơn. Và người đồng cấp phía Estonia cũng nhấn mạnh rằng họ cần trang bị đầy đủ để bảo vệ từng mét lãnh thổ.
Tờ Postimees của Estonia đã đưa tin chính thức về việc một mạng lưới gồm 600 boongke đang được xây dựng ở biên giới với Nga, chi phí khoảng 60 triệu euro. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, kế hoạch xây dựng này vẫn cần phải được sự thống nhất của người dân địa phương và các chủ sở hữu đất.
WHO lo ngại nguy cơ xảy ra dịch bệnh có thể gấp 20 lần Covid-19
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước ký hiệp ước đối phó đại dịch để thế giới chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với nguy cơ có thể xảy ra "dịch bệnh X".
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế ở Davos tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros nói, ông hy vọng các nước sẽ đạt được thỏa thuận về đại dịch trước tháng 5 tới để đối phó với "kẻ thù chung" này.
Bệnh X là một loại dịch bệnh giả định, được WHO thêm vào danh sách nghiên cứu từ năm 2017. Nó xuất hiện từ một loại virus chưa biết, có thể nguy hiểm gấp 20 lần Covid-19 và gây ra đại dịch quốc tế nghiêm trọng.
Ông Ghebreyesus cho rằng Covid-19 là bệnh X đầu tiên, nhưng điều quan trọng là phải chuẩn bị cho một đại dịch khác.
"Chúng ta đã mất nhiều người trong đại dịch Covid-19 vì chúng ta không thể kiểm soát nó. Nhiều người có lẽ đã có cơ hội sống, nhưng bệnh viện không đủ chỗ và không có đủ ôxy. Vậy làm sao để có được một hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng", lãnh đạo WHO nhấn mạnh.
Theo ông, chung tay hành động thông qua hiệp ước sẽ giúp thế giới ứng phó tốt hơn với một đại dịch khác.
"Thỏa thuận về đại dịch có thể gộp tất cả kinh nghiệm, tất cả thách thức mà chúng ta phải đối mặt và tất cả các giải pháp thành một. Thỏa thuận đó có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai một cách tốt hơn. Đây là lợi ích chung toàn cầu và lợi ích quốc gia rất hạn hẹp không nên xen vào", ông Ghebreyesus nói.
Ông nói rằng một số phản ứng chuẩn bị có thể bao gồm hệ thống cảnh báo sớm, tổ chức chuỗi cung ứng và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để thử nghiệm thuốc. Chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng cần phải được xem xét vì các nước giàu có hoạt động không tốt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 vì họ phải vật lộn với những vấn đề cơ bản như truy vết tiếp xúc.
Séc ký thỏa thuận mua 24 tiêm kích F-35 của Mỹ
Séc sẽ ký thỏa thuận mua 24 máy bay chiến đấu F-35A Lightning II thế hệ thứ năm của Mỹ vào cuối tháng 3.
"Thỏa thuận chắc chắn sẽ được ký trước cuối tháng 3 hoặc thậm chí sớm hơn. Chúng tôi đang tìm kiếm một hình thức phù hợp và một ngày phù hợp, bao gồm cả lý do Bộ trưởng (Quốc phòng Mỹ Lloyd) Austin đang bị bệnh", Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova nói với CNN hôm 21/1.
Séc dự kiến trả cho Mỹ 105,8 tỷ koruna Séc (4,64 tỷ USD) cho thỏa thuận mua tiêm kích F-35. Theo CNN, các chi phí bổ sung, bao gồm việc xây dựng một sân bay mới, sẽ lên tới 43,8 tỷ koruna, đồng thời tổng chi phí mua và sử dụng các máy bay này của Séc trong giai đoạn đến năm 2069 sẽ lên tới 322 tỷ koruna.
Vào tháng 9/2023, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết Praha đã quyết định mua 24 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Ông nói thêm rằng các máy bay chiến đấu đầu tiên sẽ được giao cho Séc vào năm 2031, trong khi toàn bộ 24 chiếc được mua sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2035.
Hiện tại, Không quân Séc được trang bị 14 máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen thuê từ Thụy Điển và 24 máy bay L-159 do chính nước này sản xuất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo nỗ lực bán vũ khí của Mỹ "đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân ở nhiều quốc gia ngoài châu Âu".
Trung Quốc bất ngờ công bố dữ liệu thất nghiệp trở lại sau nửa năm tạm ngưng
Sau nửa năm tạm ngưng thông tin, chính phủ Trung Quốc đã công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trở lại vào ngày 17/1.
Theo những số liệu mới công bố đầu năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp của những thanh niên trong độ tuổi 16-24 hiện tại đã giảm xuống 14,9% từ mức 21,3% hồi giữa năm. Trước sự biến động số liệu này, cư dân mạng Trung Quốc đặt nghi vấn rằng, liệu có hay không việc “làm đẹp dữ liệu”.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng trước thực trạng nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, những người trẻ không chỉ khó tìm được việc làm mà họ còn phải đối diện với việc giảm lương, trình độ chuyên môn thì bị giảm giá trị. Nhiều lao động chủ động chọn phương án thất nghiệp thay vì đi làm.
Bất chấp các số liệu thống kê, tình hình thanh niên Trung Quốc không có việc làm hiện vẫn ở mức cao, và các chuyên gia cho rằng không chỉ tồn tại vấn đề thiếu việc làm, mà cả những điều kiện làm việc đang trở nên kém đi và không hấp dẫn đối với giới trẻ.
Một quản lý doanh nghiệp chia sẻ, ngay cả ở vùng đồng bằng sông Dương Tử, nơi được xem là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của Trung Quốc, tình hình việc làm hiện nay đối với các lao động trẻ cũng gặp nhiều vấn đề.
Những người trong cuộc cho biết, Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc hiện rất cao. Không phải là người lao động thực sự không tìm được việc làm mà là các công việc đang dần mất đi giá trị.
Nhận định chung cho thấy, khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau dịch Covid-19 còn yếu, và mức tiền lương bị sụt giảm trong những tháng gần đây.
Đối với sinh viên từ các trường đại học danh tiếng, tìm việc làm có thể không phải là vấn đề với họ, nhưng theo các chuyên gia, mức lương khởi điểm hiện đã bị cắt giảm ít nhất 30%.
So với những sinh viên tốt nghiệp các trường trong nước, du học sinh nước ngoài trở về Trung Quốc hiện tại cũng không được ưa dùng như trước. Một trong số những nguyên nhân, là du học sinh chưa thể hoà nhập ngay được môi trường làm việc ở Trung Quốc hiện tại, nên hầu hết những người sử dụng lao động đều ít lựa chọn họ.
Với những sinh viên tốt nghiệp các đại học bình thường trong nước, nếu có thể tìm được việc làm ở các thành phố lớn, thì đa phần họ phải đối mặt với mức lương thấp chỉ từ 5.000 đến 6.000 nhân dân tệ. Trong khi đó mức lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoản từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ. Với mức thu nhập như vậy, người lao động sẽ gặp khó khăn khi thuê nhà, và sinh sống.
Không chỉ các sinh viên mới ra trường, ngay cả những lao động lâu năm hay các chuyên gia, cũng đang phải đối mặt với việc giảm lương.
Nhiều lao động là những nhân sự tốt với mức lương cao tại các “công ty lớn” cũng phải đối mặt với việc bị sa thải. Nhiều người thậm chí chấp nhận cắt giảm lương để có việc làm nuôi gia đình và trả nợ vay.
Như vậy, sau nửa năm sau đột ngột ngừng công bố số liệu, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tiếp tục công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16 đến 24 vào đầu năm 2024.
Đã có sự “tối ưu hóa” trong phương pháp thống kê được thực hiện. Nhiều nguồn tin cho biết, cơ quan thống kê đã loại trừ 62 triệu học sinh sinh viên ra khỏi tỷ lệ thất nghiệp của đất nước, và điều này góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp từ mức 20% vào giữa năm 2023 giảm xuống còn 14,9%.
Tuy nhiên các thống kê số liệu mới này lại tạo ra một vấn đề xã hội mới. Nhiều sinh viên mới ra trường đến tham gia phỏng vấn mà không thể mang theo bằng tốt nghiệp. Một số trường không cấp bằng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp chỉ được cấp khi họ đậu phỏng vấn và có việc làm.
Nói cách khác, nếu bạn không tìm được việc làm, bạn không được tính là đã tốt nghiệp. Và tất nhiên họ sẽ không được tính vào danh sách những người thất nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét